Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Bốn ​​​​​​​- Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Thiện Hữu

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

HỘI THỨ BỐN
 

PHẨM HAI MƯƠI HAI

PHẨM THIỆN HỮU
 

PHẦN MỘT
 

Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo Thiện Hiện: Nếu Đại Bồ Tát hết lòng muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, thường nên gần gũi, cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi bạn lành chơn tịnh.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Những Bậc nào gọi là bạn lành chơn tịnh của các Đại Bồ Tát?

Phật Bảo Thiện Hiện: Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác là bạn lành chơn tịnh của các chúng Đại Bồ Tát. Tất cả Đại Bồ Tát bất thối chuyển cũng là bạn lành chơn tịnh của các chúng Đại Bồ Tát.

Nếu các Bồ Tát khác cùng các Thanh Văn và thiện sĩ khác thường vì Bồ Tát giảng thuyết, chỉ dạy pháp môn tương ưng với bát nhã Ba la mật đa sâu xa, khuyên răn, dạy bảo các chúng Bồ Tát, làm cho gieo trồng căn lành, tu hạnh Bồ Tát mau được viên mãn, thì cũng là bạn lành chơn tịnh của chúng Đại Bồ Tát. Kinh Điển tương ưng với bát nhã Ba la mật đa sâu xa cũng là bạn lành chơn tịnh của chúng Đại Bồ Tát.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa, nên biết đó cũng là bạn lành chơn tịnh của các chúng Đại Bồ Tát.

Thiện Hiện nên biết! Như vậy, sáu pháp Ba la mật đa cũng là thầy của Đại Bồ Tát. Sáu pháp Ba la mật đa cũng là Bậc dẫn đường của Đại Bồ Tát. Sáu pháp Ba la mật đa cũng là ánh sáng của Đại Bồ Tát. Sáu pháp Ba la mật đa cũng là sự chiếu soi của Đại Bồ Tát. Sáu pháp Ba la mật đa cũng là nhà cửa của Đại Bồ Tát. Sáu pháp Ba la mật đa cũng là sự hộ trì của Đại Bồ Tát.

Sáu pháp Ba la mật đa cũng là sự quy y của Đại Bồ Tát. Sáu pháp Ba la mật đa cũng là sự hướng đến của Đại Bồ Tát. Sáu pháp Ba la mật đa cũng là hòn đảo của Đại Bồ Tát. Sáu pháp Ba la mật đa cũng là cha lành của Đại Bồ Tát.

Sáu pháp Ba la mật đa cũng là mẹ hiền của Đại Bồ Tát. Sáu pháp Ba la mật đa thường làm cho chúng Đại Bồ Tát đắc được trí vi diệu, sanh giác ngộ chơn thật, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Vì sao?

Vì tất cả chúng Đại Bồ Tát đều nhờ sáu pháp Ba la mật đa mà tu tập bát nhã Ba la mật đa viên mãn hoàn toàn.

Thiện Hiện nên biết! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở quá khứ đã chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề đã Bát Niết Bàn. Phật Thế Tôn kia đều nương vào sáu pháp Ba la mật đa mà sanh trí nhất thiết. Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở vị lai sẽ chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, sẽ Bát Niết Bàn.

Phật Thế Tôn kia cũng nương vào sáu pháp Ba la mật đa mà sanh trí nhất thiết. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiện tại trong mười phương vô lượng, vô số, vô biên Thế Giới hiện đang chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, hiện đang vì các hữu tình giảng thuyết Chánh Pháp.

Phật Thế Tôn kia cũng nương sáu pháp Ba la mật đa mà sanh trí nhất thiết. Nay Ta, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiện đang chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, hiện đang tuyên thuyết chánh pháp cho các hữu tình cũng nương sáu pháp Ba la mật đa mà sanh trí nhất thiết.

Vì sao?

Vì sáu pháp Ba la mật đa này có thể bao gồm khắp tất cả ba mươi bảy pháp Bồ Đề phần, hoặc bốn phạm trụ, hoặc bốn nhiếp sự, hoặc vô lượng, vô biên Phật Pháp khác, hoặc trí Chư Phật, hoặc trí tự nhiên, trí bất tư nghì, trí không đối địch, trí nhất thiết trí, tất cả đều bao gồm ở trong sáu pháp Ba la mật đa này.

Thế nên, Ta nói sáu pháp Ba la mật đa này là bạn lành chơn tịnh của các chúng Đại Bồ Tát, là thầy chỉ dạy, là Bậc dẫn đường, là ánh sáng, là chiếu soi, là nhà cửa, là hộ trì, là nơi quy y, là nơi hướng đến, là hòn đảo, là cha lành, là mẹ hiền cho các chúng Đại Bồ Tát, luôn làm cho chúng Đại Bồ Tát đắc trí tuệ vi diệu, sanh giác ngộ như thật, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, làm bạn bè chẳng mong đền trả của các hữu tình.

Thế nên, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát nên học sáu pháp Ba la mật đa.

Lại nữa, Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát muốn học sáu pháp Ba la mật đa nên đối với Kinh Điển bát nhã Ba la mật đa sâu xa chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, quán sát nghĩa lý, cầu xin xác quyết sự nghi ngờ.

Vì sao?

Vì bát nhã Ba la mật đa này thường cùng sáu pháp Ba la mật đa là tôn trưởng, là đạo sư, là chỉ dạy, là hoán chuyển, là mẹ sanh đẻ nuôi dạy.

Vì sao?

Vì nếu lìa bát nhã Ba la mật đa thì không có năm Ba la mật đa trước. Tuy có bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, nhưng không được gọi là đến bờ kia.

Thế nên, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát muốn được hạnh chẳng theo người khác chỉ dạy, muốn trụ Bậc chẳng theo người khác chỉ dạy, muốn dứt nghi cho tất cả hữu tình, muốn mãn nguyện cho tất cả hữu tình, muốn nghiêm tịnh Cõi Phật, muốn thành thục hữu tình thì nên học bát nhã Ba la mật đa.

Vì sao?

Vì trong Kinh bát nhã Ba la mật đa sâu xa này rộng nói về pháp cần nên học của chúng Đại Bồ Tát, tất cả chúng Đại Bồ Tát đối với Kinh ấy đều nên siêng năng tu học.

Nếu siêng năng tu học phương tiện thiện xảo của bát nhã Ba la mật đa sâu xa thì nhất định chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, luôn làm lợi ích an vui cho chúng sanh cùng tận đời vị lai.

Bấy giờ Thiện Hiện bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba la mật đa sâu xa lấy gì làm tướng?

Phật Bảo Thiện Hiện: Bát Nhã Ba la mật đa sâu xa lấy không dính mắc làm tướng.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Nếu như có nhân duyên về tướng không dính mắc bát nhã Ba la mật đa sâu xa, thì các pháp có thể nói khác cũng có tướng không dính mắc sao?

Phật Bảo Thiện Hiện: Đúng như vậy! Đúng như vậy! Có nhân duyên nên bát nhã Ba la mật đa sâu xa có tướng không dính mắc. Tất cả các pháp khác mà có thể nói thì cũng có tướng không dính mắc này.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp đều như bát nhã Ba la mật đa sâu xa, là không viễn ly.

Thế nên, này Thiện Hiện! Bát nhã Ba la mật đa sâu xa do tướng không dính mắc, là không viễn ly. Tất cả các pháp khác do tướng không dính mắc cũng không viễn ly.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp đều không viễn ly thì làm sao hữu tình có thể tạo ra có nhiễm có tịnh?

Kính bạch Thế Tôn! Chẳng phải pháp không viễn ly, có thể nói có nhiễm có tịnh.

Kính bạch Thế Tôn! Chẳng phải không viễn ly, có thể chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Chẳng phải xa lìa không viễn ly mà có pháp khác có thể chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Kính bạch Thế Tôn! Làm thế nào cho con hiểu về nghĩa thú thậm thâm của Phật đã dạy?

Phật Bảo Thiện Hiện: Ý ông thế nào?

Hữu tình từ lâu có tâm ngã, ngã sở và chấp ngã, ngã sở không?

Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy!

Bạch Thiện thệ! Đúng vậy!

Hữu tình từ lâu có tâm ngã, ngã sở và chấp trước ngã, ngã sở.

Phật Bảo Thiện Hiện: Ý ông thế nào?

Sự chấp trước về ngã và ngã sở của hữu tình không viễn ly, phải không?

Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy!

Bạch Thiện thệ! Đúng vậy!

Hữu tình chấp ngã và ngã sở đều không viễn ly.

Phật Bảo Thiện Hiện: Ý ông thế nào?

Có phải chăng hữu tình do chấp ngã, ngã sở nên luân hồi sanh tử phải không?

Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy!

Bạch Thiện thệ! Đúng vậy! Các loài hữu tình do vì chấp ngã, ngã sở nên luân hồi sanh tử.

Phật Bảo Thiện Hiện: Hữu tình luân hồi sanh tử như vậy, nên tạo ra có tạp nhiễm và thanh tịnh. Do các hữu tình chấp trước sai lầm về ngã và ngã sở nói có tạp nhiễm, nhưng ở trong đó không có sự tạp nhiễm. Do các hữu tình không bị chấp trước về ngã và ngã sở một cách sai lầm nên nói có thanh tịnh, nhưng trong đó không có sự thanh tịnh.

Thế nên, này Thiện Hiện! Tuy tất cả pháp đều không viễn ly, nhưng các hữu tình cũng có thể tạo ra có nhiễm có tịnh.

Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ Tát luôn thực hành như thế thì gọi là thực hành bát nhã Ba la mật đa.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Thật kỳ lạ thay, kính bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, kính bạch Thiện Thệ! Tuy tất cả pháp đều không viễn ly, mà các hữu tình có nhiễm có tịnh.

Kính bạch Thế Tôn! Nếu các Đại Bồ Tát luôn thực hành như thế thì chẳng hành sắc, cũng chẳng hành thọ, tưởng, hành, thức.

Kính bạch Thế Tôn! Nếu các Đại Bồ Tát luôn thực hành như vậy thì thế gian, Trời, Người, A Tố Lạc v.v… đều chẳng thể hàng phục được.

Kính bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ Tát luôn thực hành như vậy thì liền hơn sự tu hành của Thanh Văn, Độc Giác, đạt đến chỗ không ai hơn.

Vì sao?

Vì tánh Chư Phật và tánh Như Lai, tánh tự nhiên giác, tánh trí nhất thiết đều chẳng thể hơn được.

Kính bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát do phát sanh ý nghĩ tương ưng với bát nhã Ba la mật đa này nên ngày đêm an trụ phương tiện thiện xảo, hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Phật Bảo Thiện Hiện: Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như lời ông nói.

Lại nữa, Thiện Hiện! Ý ông thế nào?

Giả sử tất cả hữu tình trong Châu Thiệm Bộ này chẳng trước chẳng sau đều được thân người, được thân người rồi đều phát tâm quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Ðã phát tâm rồi, tu các hạnh Đại Bồ Tát, đều chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Có các thiện nam tử, thiện nữ nhân v.v… trọn đời đem các nhạc cụ thượng diệu trên thế gian cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi các đấng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác này, lại đem thiện căn đã tu tập như thế bình đẳng ban cho các hữu tình cùng hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhân v.v… nhờ nhân duyên này được phước có nhiều không?

Thiện Hiện thưa: Rất nhiều, kính bạch Thế Tôn! Rất nhiều, kính bạch Thiện Thệ!

Phật Bảo Thiện Hiện: Những thiện nam tử, thiện nữ nhân v.v… nào ở giữa đại chúng giảng thuyết bát nhã Ba la mật đa sâu xa, trình bày, kiến lập, phân biệt, chỉ dạy, làm cho họ dễ hiểu và trụ ý nghĩ tương ưng với bát nhã Ba la mật đa sâu xa. Các thiện nam tử, thiện nữ nhân v.v… nhờ nhân duyên này đạt được công đức nhiều hơn trước vô lượng vô số.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?

Giả sử tất cả hữu tình ở trong Châu Thiệm Bộ này chẳng trước chẳng sau đều được thân người. Ðược thân người rồi, đều phát tâm quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Ðã phát tâm rồi, trọn đời đem tất cả nhạc cụ ở thế gian cung kính bố thí cho tất cả hữu tình, lại đem thiện căn bố thí như vậy bình đẳng ban cho các hữu tình và hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Các chúng Đại Bồ Tát này do nhân duyên này được phước có nhiều không?

Thiện Hiện thưa: Rất nhiều, kính bạch Thế Tôn! Rất nhiều, kính bạch Thiện thệ!

Phật Bảo Thiện Hiện: Nếu các Đại Bồ Tát cho đến chỉ một ngày an trụ ý nghĩ tương ưng với bát nhã Ba la mật đa thì công đức đạt được nhiều hơn trước vô lượng vô số.

Vì sao?

Vì các Đại Bồ Tát này ngày đêm an trụ ý nghĩ tương ưng với bát nhã Ba la mật đa như thế.

Đúng như vậy! Đúng như vậy! Có thể làm ruộng phước cho tất cả hữu tình.

Vì sao?

Vì lòng từ của các Đại Bồ Tát này phát sanh thì các loại hữu tình không ai kịp được, chỉ trừ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Vì sao?

Vì tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không có ai ngang bằng. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không có ai để thí dụ được. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã thành tựu pháp không thể nghĩ bàn.

Thế nên, này Thiện Hiện! Vì lẽ gì mà Đại Bồ Tát này có thể phát khởi được công đức thù thắng chừng ấy?

Thiện Hiện nên biết! Vì Đại Bồ Tát này thành tựu bát nhã Ba la mật đa thù thắng như thế. Nhờ bát nhã Ba la mật đa này thấy các hữu tình chịu các khổ não như là: bị hình phạt chém giết nên sanh lòng đại bi.

Lại dùng Thiên Nhãn xem các thế gian thấy có vô biên các loài hữu tình chiêu cảm nghiệp vô gián, đọa địa ngục vô gián, chịu các khổ dữ dội, hoặc bị lưới tà kiến che khuất chẳng thấy được chánh đạo.

Hoặc lại thấy có các loài hữu tình đọa địa ngục vô gián, xa lìa các chỗ an vui. Thấy các hữu tình v.v… như vậy rồi sanh lòng rất chán nản, sợ sệt. Đối với tất cả hữu tình ở thế gian phát sinh ý nghĩ tương ưng với đại từ bi:

Ta phải làm chỗ nương tựa cứu giúp lớn cho tất cả hữu tình. Ta phải giải thoát tất cả khổ não mà hữu tình đang chịu. Mặc dù nghĩ như vậy nhưng chẳng trụ ý tưởng này, cũng chẳng trụ tưởng khác.

Thiện Hiện nên biết! Đấy gọi là ánh sáng trí tuệ lớn của chúng Đại Bồ Tát có thể chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát này do trụ ở chỗ này thường làm được ruộng phước cho tất cả thế gian. Tuy chưa chứng được trí nhất thiết trí nhưng đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề được chẳng thối lui, có thể nhận lãnh y phục, thực phẩm, chỗ ở, thuốc men và những vật dụng khác của thí chủ.

Thiện Hiện nên biết!  Đại Bồ Tát này khéo trụ bát nhã Ba la mật đa nên có thể đền trả hoàn tất ơn thí chủ, cũng đạt đến trí nhất thiết trí.

Thế nên, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát muốn thọ hưởng vật dụng tín thí của các hữu tình và Quốc Vương, Đại Thần một cách không uổng phí, muốn chỉ dẫn cho hữu tình con đường chơn tịnh, muốn làm ánh sáng lớn chiếu soi cho hữu tình, muốn giải thoát cho hữu tình khỏi lao ngục sanh tử, muốn cho hữu tình pháp nhãn thanh tịnh thì nên thường an trụ ý nghĩ tương ưng bát nhã Ba la mật đa sâu xa.

Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ Tát thường trụ ý nghĩ tương ưng bát nhã Ba la mật đa, Đại Bồ Tát này đối với ý nghĩ này thường luôn ghi nhớ chẳng để cho các ý nghĩ khác tạm thời phát sanh, thì có nói ra điều gì cũng tương ưng với lý thú bát nhã Ba la mật đa.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát này ngày đêm siêng năng Tinh Tấn, thường trụ nơi ý nghĩ tương ưng với bát nhã Ba la mật đa không lúc nào tạm bỏ. Ví như có người trước kia chưa từng có ngọc báu ma ni, sau đó có được, vui mừng, sung sướng.

Gặp duyên bị mất lại sanh tâm rất buồn khổ, thường than thở, tiếc nuối không nguôi, suy nghĩ phải làm phương kế nào để được ngọc ấy lại. Do đó nên ý nghĩ người kia luôn hướng đến ngọc quý.

Các Đại Bồ Tát cũng như vậy, thường an trụ ý nghĩ tương ưng với bát nhã Ba la mật đa sâu xa. Nếu chẳng an trụ ý nghĩ tương ưng với bát nhã Ba la mật đa sâu xa thì bị quên mất ý nghĩ tương ưng với trí nhất thiết trí.

Vậy nên này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát đối với ý nghĩ tương ưng bát nhã Ba la mật đa sâu xa nên thường an trụ không được tạm lìa.

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp và các ý nghĩ đều lìa tự tánh không, không có sở hữu thì Đại Bồ Tát làm thế nào chẳng lìa ý nghĩ tương ưng bát nhã Ba la mật đa và trí nhất thiết trí?

Phật Bảo Thiện Hiện: Nếu Đại Bồ Tát biết tất cả pháp và các ý nghĩ đều lìa tự tánh không, không có sở hữu thì Đại Bồ Tát này chẳng lìa ý nghĩ tương ưng bát nhã Ba la mật đa và trí nhất thiết trí.

Vì sao?

Vì bát nhã Ba la mật đa sâu xa cùng trí nhất thiết trí và các ý nghĩ đều lìa tự tánh không, không có sở hữu, trong đó hoàn toàn không có tăng giảm. Ai thông đạt đúng như vậy gọi là không xa lìa.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu bát nhã Ba la mật đa sâu xa tự tánh thường không, không tăng, không giảm, thì chúng Đại Bồ Tát làm sao tu chứng bát nhã Ba la mật đa để đắc được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề?

Phật Bảo Thiện Hiện: Các Đại Bồ Tát tu chứng bát nhã Ba la mật đa, đối với tất cả pháp chẳng tăng chẳng giảm, đối với Đại Bồ Tát cũng chẳng tăng chẳng giảm. Như bát nhã Ba la mật đa sâu xa tự tánh Không, nên không tăng, không giảm.

Chư Phật Bồ Tát cũng lại như vậy. Nếu Đại Bồ Tát thường biết được như vậy thì gọi đó là tu chứng bát nhã Ba la mật đa. Do nhân duyên này thường mau chứng được sự mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát nào khi nghe thuyết bát nhã Ba la mật đa sâu xa không tăng giảm, như vậy mà không kinh, không sợ, không mê muội, không thối lui và cũng không do dự, thì Bồ Tát này là người thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, đã đạt đến cứu cánh, an trụ địa vị Bồ Tát bất thối chuyển, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, có thể độ các hữu tình cùng đời vị lai.

***