Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Bảy Mươi Sáu - ​​​​​​​phẩm Các đức Tướng

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

HỘI THỨ HAI
 

PHẨM BẢY MƯƠI SÁU

PHẨM CÁC ĐỨC TƯỚNG
 

PHẦN HAI
 

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát thật là hy hữu, thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, quán sát hai pháp không, tuy biết tất cả các pháp như mộng, như tiếng vang, như bóng dáng, như ảnh, như quáng nắng, như huyễn, như biến hóa đều chẳng thật có, lấy vô tánh làm tánh, tự tướng đều không nhưng vị ấy có thể an lập các pháp thiện ác khác nhau hoàn toàn không lẫn lộn.

Phật Bảo Thiện Hiện: Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời ông nói. Các Đại Bồ Tát thật là hy hữu, thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa quán sát hai pháp không, tuy biết các pháp đều như mộng đều không thật có, lấy vô tánh làm tánh, tự tướng đều không nhưng có thể an lập các pháp thiện ác khác nhau không hề lẫn lộn.

Các ông nên biết! Các pháp kỳ lạ hy hữu mà các Đại Bồ Tát có được khi thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa là pháp mà Thanh Văn, Ðộc Giác đều không thành tựu, không thể đo lường.

Đối với tài biện bác của các Đại Bồ Tát, tất cả Thanh Văn, Ðộc Giác các ông còn không thể đối đáp huống là các hữu tình khác mà có thể đối đáp sao?

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Những gì là pháp kỳ lạ hy hữu mà các Đại Bồ Tát có được khi thực hành bát nhã Ba la mật đa, là pháp mà Thanh Văn, Ðộc Giác đều không thành tựu, không thể so lường.

Phật Bảo Thiện Hiện: Hãy lắng nghe cho kỹ! Hãy lắng nghe cho kỹ! Rồi ghi nhớ điều này ta sẽ giảng nói phân biệt cho ông nghe về pháp kỳ lạ, hy hữu mà các Đại Bồ Tát có được lúc thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa.

Thiện Hiện! Lúc thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, các Đại Bồ Tát an trụ vào kết quả của bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa, hoặc năm thần thông.

Hoặc ba mươi bảy pháp Bồ Đề phần, hoặc Đà La Ni, hoặc Tam Ma Địa, hoặc môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, hoặc bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, hoặc tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ, hoặc vô lượng vô biên Phật Pháp khác.

Nếu các hữu tình ở khắp mười phương Thế Giới cần dùng bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa để hộ trì, vị ấy liền dùng bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa để hộ trì họ.

Người cần dùng sơ tịnh lự cho đến định Phi tưởng phi phi tưởng xứ để hộ trì, vị ấy liền dùng sơ tịnh lự cho đến định Phi tưởng phi phi tưởng xứ để hộ trì họ, người cần dùng từ bi hỷ xả để hộ trì, vị ấy liền dùng từ bi hỷ xả hộ trì họ.

Người cần dùng bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo để hộ trì, vị ấy liền dùng bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo hộ trì họ, người cần dùng Tam Ma Địa, không, vô tướng, vô nguyện để hộ trì, vị ấy liền dùng Tam Ma Địa, không, vô tướng, vô nguyện hộ trì họ, người cần dùng các thiện pháp khác để hộ trì, vị ấy liền dùng các thiện pháp khác để hộ trì họ.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Lúc thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, các Đại Bồ Tát làm thế nào an trụ vào kết quả của vô lượng công đức như pháp Ba la mật đa, năm thần thông v.v… để bố thí hộ trì các hữu tình?

Phật Bảo Thiện Hiện: Lúc thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, các Đại Bồ Tát bố thí cho các hữu tình những vật họ cần dùng, nghĩa là người cần đồ ăn uống thì bố thí cho đồ ăn uống. Người cần y phục thì thí cho y phục.

Người cần xe cộ thì thí cho xe cộ. Người cần hoa hương thì thí cho hoa hương. Người cần ngọa cụ thì thí cho ngọa cụ. Người cần nhà cửa thì thí cho nhà cửa. Người cần đèn sáng thì thí cho đèn sáng. Người cần thuốc men thì thí cho thuốc men. Người cần các đồ vật khác thì đều thí cho không để thiếu thốn.

Hoặc cúng dường cho Thanh Văn, Ðộc Giác, Bồ Tát, Chư Phật Thế Tôn các thứ y phục, đồ ăn uống, ngọa cụ, thuốc men, nhà cửa, đồ đạc, các loại hương hoa vi diệu, cờ lộng báu, âm nhạc, đèn sáng và các phẩm vật khác như váng sữa, dầu…

Lúc cúng dường, bố thí như vậy, Bồ Tát giữ tâm bình đẳng, không có ý tưởng sai khác để thực hành bố thí, bình đẳng bố thí cho người phạm giới và người giữ giới, bình đẳng bố thí cho người hoặc phi nhơn, bình đẳng bố thí cho nội đạo, ngoại đạo.

Bình đẳng bố thí cho Bậc Thánh và phàm phu, bình đẳng bố thí cho người cao sang và kẻ hạ tiện. Trên từ Chư Phật xuống cho đến súc sanh vị ấy đều bố thí một cách bình đẳng, không có phân biệt, không quán sát sự hơn kém khác nhau của các ruộng phước.

Vì sao?

Vì các Đại Bồ Tát thông suốt tự tướng của tất cả pháp đều không, trong pháp không hoàn toàn không có sự cao thấp khác nhau nên vị ấy không có ý tưởng khác, không có phân biệt khi thực hành bố thí.

Do không có ý tưởng khác và không có phân biệt khi thực hành bố thí nên Đại Bồ Tát này sẽ chứng đắc pháp không khác, không phân biệt, nghĩa là được viên mãn trí nhất thiết tướng và vô lượng công đức khác của Chư Phật.

Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ Tát thấy các loài bàng sanh… có cầu xin điều gì liền nghĩ: Người đến xin này nếu là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác là ruộng phước chân chánh thì ta nên cúng dường vị ấy, nếu chẳng phải Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mà là bàng sanh chẳng phải ruộng phước thì ta không nên bố thí cho chúng những vật cần dùng. Đại Bồ Tát nào nghĩ như vậy thì vượt pháp Bồ Tát.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát cần phải có tâm thanh tịnh thì ruộng phước mới thanh tịnh, thấy người cầu xin thì không nên nghĩ: Hữu tình như vậy có cầu vật chi thì ta nên bố thí, còn hữu tình như vậy có cầu vật chi thì ta không nên bố thí.

Bồ Tát nào nghĩ như vậy là trái với tâm bồ đề rộng lớn đã được phát sanh trước đây, nghĩa là các Bồ Tát phát tâm bồ đề như sau: Vì các hữu tình ta sẽ làm chỗ nương tựa, cồn đảo, nhà cửa, nơi cứu giúp.

Thấy người đến xin Bồ Tát phải nghĩ: Nay hữu tình này nghèo thiếu, cô đơn, ta phải dùng việc bố thí để bảo bọc họ. Nhờ đó người kia sẽ không trộm cắp đồ vật của người khác, ít muốn, biết đủ và có thể bố thí trở lại cho người khác. Nhờ vậy họ có thể lìa bỏ việc giết hại sanh mạng nói rộng cho đến có thể bỏ việc nói lời thô tục, cũng có thể điều phục tham sân tà kiến.

Sau khi chết nương theo phước nghiệp đời trước, họ sanh vào các dòng họ lớn như Sát Đế Lợi, Bà La Môn, Trưởng Giả hoặc Cư Sĩ hoặc gia đình giàu sang khác, đầy đủ của cải, tu các nghiệp lành.

Hoặc nhờ được sự bố thí hộ trì nên vị ấy dựa vào ba thừa mà tuần tự tiến đến nơi viên tịch nghĩa là giúp cho họ chứng đắc Thanh Văn, Ðộc Giác và cảnh giới Vô Thượng Thừa bát Niết Bàn.

Lại nữa Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào bị các kẻ thù hoặc các hữu tình khác đến làm hại, hoặc có người nghèo thiếu đến xin các bộ phận nơi thân và các thứ của cải, Đại Bồ Tát này không nên sanh tâm phân biệt sai khác là nên bố thí vật này, không nên bố thí cho vật nọ, chỉ nên phát sanh tâm bình đẳng, tùy theo họ cầu xin thân thể hay của cải đều bố thí cho họ.

Vì sao?

Vì để làm lợi ích các hữu tình nên Đại Bồ Tát này cầu chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, chớ chẳng phải vì lợi lạc thân mạng mình.

Ai phát sanh tâm phân biệt sai khác là nên bố thí vật này, không nên bố thí vật nọ liền bị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, các Bồ Tát, Ðộc Giác, Thanh Văn, thế gian, Trời, Người, A Tu La và các Thánh Hiền cùng nhau quở trách: Ai mời thỉnh ông phát tâm Bồ Đề, thề làm lợi lạc khắp các loài hữu tình, làm nơi nương tựa cho người không nơi nương tựa, làm nhà cửa cho người không nhà cửa, làm cồn đảo cho người không có cồn đảo, cứu giúp người không ai cứu giúp, tạo an vui cho người không được an vui mà nay phân biệt bố thí vật này, không bố thí vật kia.

Lại nữa Thiện Hiện! Lúc Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, nếu có người hoặc phi nhơn đến cầu xin các loại tay chân, tủy não, Đại Bồ Tát này không nên phát sanh hai tâm phân biệt là bố thí và không bố thí, mà chỉ nghĩ: Tùy theo người kia xin gì ta đều bố thí cho.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát này thường nghĩ: Vì lợi ích cho hữu tình nên ta thọ nhận thân này, nếu có ai đến cầu xin thì ta nhất định bố thí cho không được không bố thí.

Thấy người đến xin Bồ Tát liền nghĩ: Ta vốn nhận thân này là vì người khác, người kia không đến lấy ta còn phải tự cho huống gì họ đến xin mà ta không cho sao?

Nghĩ xong, vị ấy vui mừng cực độ, tự cắt tay chân mà đưa cho người kia.

Vị ấy lại tự vui mừng mà nói: Nay ta đạt được lợi ích lớn là bỏ thân dơ bẩn, được thân trong sạch.

Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật đa nên học như vậy.

Lại nữa Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát thấy người cầu xin liền nghĩ: Ở trong đây ai bố thí, ai nhận, vật thí là gì, do đâu mà bố thí, vì ai mà thí, vì sao mà thí, tự tánh các pháp đều bất khả đắc.

Vì sao?

Vì các pháp như vậy hoàn toàn không. Trong pháp không chẳng có các việc như cho, chiếm đoạt, bố thí, nhận.

Thiện Hiện! Lúc thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, các Đại Bồ Tát nên học các pháp đều không như vậy, nghĩa là hoặc do nội không nên không cho đến do vô tính tự tính không nên không.

Đại Bồ Tát này an trụ vào pháp không để thực hành bố thí, thường không gián đoạn việc viên mãn bố thí Ba la mật đa.

Do việc bố thí Ba la mật đa này được viên mãn nên khi bị người khác cắt chặt, cướp đoạt tất cả các vật bên trong và bên ngoài tâm vị ấy hoàn toàn không phân biệt, sân hận, chỉ nghĩ: Hữu tình và pháp tất cả đều không, ai cắt chặt ta, ai cướp đoạt ta, ai nhận lấy, ai quán sát.

Lại nữa Thiện Hiện! ta dùng Phật nhãn quán khắp hằng hà sa số Thế Giới ở mười phương, thấy có Đại Bồ Tát vì muốn làm lợi lạc cho các loài hữu tình nên nguyện vào đại địa ngục, thấy các hữu tình chịu các nỗi khổ kịch liệt.

Sau khi thấy vậy, vị ấy phát sanh ba cách giáo hóa, những gì là ba?

Một là giáo hóa bằng thần biến, hai là giáo hóa bằng cách ký thuyết, ba là giáo hóa bằng cách giáo giới.

Đại Bồ Tát này dùng thần biến giáo hóa bằng cách diệt trừ các thứ gây khổ trong địa ngục, như nước sôi, lửa, dao, dùng ký thuyết dạy đạo bằng cách thăm dò tùy theo tâm niệm của các hữu tình ấy mà thuyết pháp cho họ, dùng giáo giới dạy đạo bằng cách phát sanh từ bi hỷ xả đối với họ để thuyết pháp, làm cho các loài hữu tình ở địa ngục ấy phát sanh lòng tin chân chánh đối với Bồ Tát.

Do nhân duyên này, ra khỏi địa ngục, họ được sanh lên Trời, hoặc sanh làm người tuần tự dựa vào ba thừa để dứt sạch bờ mé khổ, chứng cảnh giới Niết Bàn hoàn toàn an lạc.

Lại nữa Thiện Hiện! Ta dùng Phật nhãn quán sát hằng hà sa số Thế Giới khắp mười phương, thấy có Đại Bồ Tát phụng sự cúng dường Chư Phật Thế Tôn. Lúc thừa sự cúng dường Chư Phật Thế Tôn, các Đại Bồ Tát rất vui mừng, ưa thích, cung kính, chẳng khi nào không vui mừng, ưa thích, cung kính.

Đối với chánh pháp mà các vị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã nói, vị ấy cung kính lắng nghe, thọ trì, đọc tụng cho đến khi đạt quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề trọn không quên mất. Vị ấy đem pháp đã được nghe giảng nói một cách đúng đắn, giúp các hữu tình đạt được an lạc, lợi ích thù thắng.

Lại nữa Thiện Hiện! ta dùng Phật nhãn quán sát hằng hà sa số Thế Giới khắp mười phương thấy có Đại Bồ Tát vì muốn lợi ích các loài hữu tình trong đường súc sanh nên vị ấy tự xả bỏ thân mạng.

Đại Bồ Tát này thấy các súc sanh bị lửa đói áp bức muốn giết hại nhau, nên vị ấy phát sanh lòng thương xót tự cắt các bộ phận của thân, chặt đứt xương cốt quăng khắp mười phương cho chúng tự ý ăn nuốt. Các loài súc sanh được ăn thịt trên thân của Bồ Tát này đều rất kính yêu và hổ thẹn đối với Bồ Tát.

Do nhân duyên này, chúng thoát khỏi đường súc sanh và được sanh lên Trời hoặc sanh làm người, gặp được Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, nghe giảng chánh pháp, tu hành đúng đắn, tuần tự nương vào ba thừa mà đến nơi viên tịch, nghĩa là chứng đắc Đại Thừa Vô Thượng, Ðộc Giác, Thanh Văn và nhập cảnh giới Niết Bàn.

Thế nên, Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát có thể vì thế gian mà làm các việc khó làm, tạo nhiều lợi ích, đó là để lợi lạc các hữu tình. Vị ấy tự phát tâm quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, cũng làm cho người khác phát tâm ấy, tự thực hành các loại chánh hạnh như thật, cũng làm cho người khác thực hành.

Lại nữa Thiện Hiện! Ta dùng Phật nhãn quán sát khắp hằng hà sa số Thế Giới ở mười phương, thấy có Đại Bồ Tát vì muốn làm lợi ích cho các loài hữu tình trong đường ngạ quỉ, nên nguyện đến Cõi ấy tìm cách dứt trừ nổi khổ đói khát, làm cho các ngạ quỉ được dứt hết các nổi khổ và sanh tâm kính yêu, hổ thẹn đối với Bồ Tát này. Bồ Tát lại giảng nói pháp yếu lìa keo kiệt cho họ nghe, nghe xong họ sanh tâm bố thí.

Nhờ căn lành này, họ được thoát khỏi đường ngạ quỉ, được sanh làm Trời hoặc người, được gặp Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, cúng dường, cung kính nghe giảng chánh pháp, tuần tự tu tập chánh hạnh thuộc ba thừa cho đến khi chứng đắc vô thượng Đại Thừa Ðộc Giác, Thanh Văn, nhập cảnh giới Niết Bàn.

Thế nên, Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát an trụ vào đại bi đối với loài hữu tình, phát sanh vô số phương tiện thiện xảo giúp họ chứng đắc Niết Bàn thuộc ba thừa.

Lại nữa Thiện Hiện! ta dùng Phật nhãn quán sát khắp hằng hà sa số Thế Giới ở mười phương có Đại Bồ Tát, dùng phương tiện thiện xảo giảng nói chánh pháp cho Chư Thiên Trời Tứ Đại Vương, cho đến Chư Thiên Trời Tha Hóa Tự Tại. Sau khi nghe Bồ Tát giảng chánh pháp, Chư Thiên ấy tuần tự dựa vào ba thừa siêng tu chánh hạnh và chứng nhập cảnh giới Niết Bàn.

Thiện Hiện nên biết! Trong Thiên Chúng kia có các Thiên Tử tham đắm năm loại dục lạc vi diệu của Cõi Trời và các cung điện báu mà họ ở. Đại Bồ Tát này thị hiện phát lửa thiêu đốt cung điện của họ làm cho họ sanh nhàm chán sợ hãi.

Nhân đó Bồ Tát giảng nói cho họ nghe pháp: Các Thiên Tử, hãy quán sát kỹ các hành vô thường, khổ không, vô ngã, không đáng tin cậy, người trí không có say đắm pháp này.

Nghe Pháp Âm này, các Thiên Tử rất chán và sợ hãi năm dục, tự quán thân mạng giả dối vô thường giống như thân cây chuối, ánh chớp, quáng nắng, quán các cung điện giống như lao ngục. Sau khi quán như vậy họ tuần tự nương vào ba thừa siêng tu chánh hạnh và đạt được viên tịch nghĩa là tuần tự chứng nhập Niết Bàn thuộc ba thừa.

Lại nữa Thiện Hiện! ta dùng Phật nhãn quán sát khắp hằng hà sa số Thế Giới ở mười phương, có Đại Bồ Tát thấy các vị Phạm Thiên chấp trước vào cảnh giới của các kiến thức, nên dùng phương tiện dạy họ nhàm chán xả bỏ.

Bồ Tát dạy: Ở trong các hành rỗng không, vô tướng, hư dối, không thật, vì sao Chư Thiên các ông lại phát sanh các kiến thủ ác như vậy?

Hãy mau xả bỏ nó và tin nhận chánh pháp để giúp cho các ông được an lạc lợi ích lâu dài.

Thế nên, Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát an trụ đại bi giảng nói pháp yếu cho các hữu tình.

Thiện Hiện! Đó là pháp kỳ lạ hy hữu mà các Đại Bồ Tát có được.

Lại nữa Thiện Hiện! ta dùng Phật nhãn thanh tịnh không chướng ngại, quán khắp hằng hà sa số Thế Giới ở mười phương thấy có Đại Bồ Tát dùng bốn nhiếp sự để cứu giúp các hữu tình.

Những gì là bốn?

Một là bố thí, hai là ái ngữ, ba là lợi hành, bốn là đồng sự.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát dùng bố thí để cứu giúp các hữu tình như thế nào?

Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát dùng hai cách bố thí để cứu giúp các hữu tình. Hai cách thí đó là tài thí và pháp thí.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát dùng tài thí để cứu giúp các hữu tình như thế nào?

Thiện Hiện! Lúc thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, các Đại Bồ Tát có thể đem các loại đồ ăn, uống, y phục, nhà ở, ngọa cụ, xe cộ, đèn sáng, âm nhạc, hương hoa, cờ lộng báu, anh lạc… bố thí cho các hữu tình.

Hoặc đem vàng bạc, bảo châu, báu phả chi ca lưu ly, ngọc bích kha bối, chân châu đế thanh, đại thanh, mạc ni, báu thạch tàng, chử tàng, hoa sen hồng… bố thí cho các hữu tình, hoặc đem vợ, con trai, con gái, tôi tớ lớn nhỏ, người hầu, voi, ngựa, trâu, dê và thuốc thang bố thí cho các hữu tình.

Hoặc đem các loại của báu, kho tàng, thành ấp, xóm làng, ngôi Vua bố thí cho các hữu tình, hoặc đem các bộ phận trên thân như tay chân, xương cốt, đầu mắt, tủy não bố thí cho các hữu tình.

Đại Bồ Tát này đem các loại đồ vật để ở ngã tư đường, rồi lên đài cao xướng lên như vậy: Tất cả hữu tình có cần vật gì thì cứ đến lấy đừng sanh nghi ngờ, hãy lấy như lấy vật của mình đừng có tưởng là lấy vật của người khác, cho đến thân ta, tay chân, xương cốt, đầu mắt, tủy não ai có cần gì thì cứ tùy ý lấy, đối với các ông ta không có tiếc rẻ.

Sau khi bố thí cho các hữu tình những vật cần dùng rồi, Đại Bồ Tát này lại khuyến khích họ quy y Phật, Pháp, Tăng. Hoặc khuyến khích họ thọ trì năm giới cận sự. Hoặc khuyến khích thọ trì tám giới cận trụ. Hoặc khuyến khích thọ trì nghiệp đạo thập thiện.

Hoặc khuyến khích tu học tịnh lự thứ nhất cho đến tịnh lự thứ tư. Hoặc khuyến khích tu học từ vô lượng cho đến xả vô lượng. Hoặc khuyến khích tu học định không Vô Biên Xứ cho đến định Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Hoặc khuyến khích tu học tùy niệm về Phật cho đến tùy niệm về Thiên.

Hoặc khuyên tu học quán bất tịnh, quán hơi thở. Hoặc khuyên tu học tưởng vô thường cho đến tưởng diệt. Hoặc khuyên tu học bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo. Hoặc khuyên tu học ba môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Hoặc khuyên người tu học tám giải thoát cho đến mười biến xứ.

Hoặc khuyên tu học bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa. Hoặc khuyên an trụ vào pháp nội không cho đến vô tính tự tính không. Hoặc khuyên an trụ vào chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì.

Hoặc khuyên an trụ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Hoặc khuyên tu học tất cả pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa. Hoặc khuyên tu học Tịnh Quán Địa cho đến Như Lai địa. Hoặc khuyên tu học Cực Hỷ Địa cho đến Pháp Vân Địa. Hoặc khuyên tu học năm loại mắt, sáu phép thần thông.

Hoặc khuyên tu học mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng. Hoặc khuyên tu học ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Bậc Đại Sĩ. Hoặc khuyên tu học pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả.

Hoặc khuyên tu học trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Hoặc khuyên tu học quả Dự Lưu cho đến Ðộc Giác Bồ Đề. Hoặc khuyên tu học tất cả các hạnh của Đại Bồ Tát. Hoặc khuyên tu học quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật.

Thế nên, Thiện Hiện! Sau khi thực hành phương tiện thiện xảo bát nhã Ba la mật đa sâu xa, bố thí của cải cho các hữu tình, các Đại Bồ Tát lại khéo an lập các loài hữu tình, giúp họ trụ trong pháp vô thượng an ổn cho đến giúp họ chứng đắc trí nhất thiết trí.

Thiện Hiện! Đó là pháp kỳ lạ hy hữu mà Đại Bồ Tát có được lúc thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa.

Thiện Hiện! Lúc thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, các Đại Bồ Tát dùng pháp thí cứu giúp các hữu tình như thế nào?

Thiện Hiện! Pháp thí có hai loại. Đó là pháp thí thế gian và pháp thí xuất thế gian.

Thế nào là pháp thí thế gian?

Đó là lúc thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, các Đại Bồ Tát giảng nói, khai thị, phân biệt rõ ràng cho các hữu tình nghe về pháp vi diệu của thế gian, như là quán bất tịnh, đếm hơi thở, hoặc bốn tịnh lự, hoặc bốn vô lượng, hoặc bốn định vô sắc, hoặc năm thần thông hoặc các pháp thế gian và phàm phu khác. Như vậy gọi là pháp thí của thế gian.

Thiện Hiện! Vì sao pháp này được gọi là pháp thế gian?

Bởi vì học pháp này thì chưa thể hoàn toàn lìa thế gian nên gọi là thế gian.

Thiện Hiện! Sau khi thực hành pháp vi diệu của thế gian, Đại Bồ Tát này lại tìm đủ cách dạy dỗ các hữu tình giúp họ xa lìa các pháp thế gian, dùng mọi phương tiện dạy dỗ hữu tình giúp họ trụ ở Thánh pháp và kết quả của Thánh pháp.

Thiện Hiện! Thế nào là Thánh pháp và kết quả của Thánh pháp?

Thiện Hiện! Thánh pháp là ba mươi bảy pháp Bồ Đề phần và ba pháp môn giải thoát. Kết quả của Thánh pháp là quả Dự Lưu cho đến Ðộc Giác Bồ Đề.

Thiện Hiện! Vì sao pháp này được gọi là xuất thế?

Vì học pháp này có thể hoàn toàn ra khỏi thế gian nên gọi là xuất thế.

Lại nữa Thiện Hiện! Thánh pháp của các Đại Bồ Tát là sáu Ba la mật đa, tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ, pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa của Bồ Tát, năm loại mắt, sáu phép thần thông, mười lực Như Lai, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám Pháp Phật bất cộng, pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng… các pháp vô lậu.

Kết quả của Thánh pháp là cảnh giới đại Niết Bàn, quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Phật.

Lại nữa Thiện Hiện! Thánh pháp của các Đại Bồ Tát là trí của quả Dự Lưu, trí của quả Nhất Lai, trí của quả Bất Hoàn, trí của quả A La Hán, trí của Ðộc Giác Bồ Đề, trí của quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật.

Trí của Bốn Niệm Trụ cho đến tám chi Thánh đạo. Trí của pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Trí của bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Trí của tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ.

Trí của bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa. Trí của tất cả pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa. Trí của Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Trí của pháp nội không cho đến vô tính tự tính không. Trí của chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì. Trí của Cực Hỷ Địa cho đến Pháp Vân địa.

Trí của năm loại mắt, sáu phép thần thông. Trí của Tịnh Quán Địa cho đến Như Lai địa. Trí của mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng. Trí của ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Bậc Đại Sĩ.

Trí của pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Trí của trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Trí của pháp thiện và pháp ác. Trí của pháp hữu ký, pháp vô ký. Trí của pháp hữu lậu, pháp vô lậu. Trí của pháp thế gian và pháp xuất thế gian. Trí của pháp hữu vi và pháp vô vi. Đó là Thánh pháp.

Kết quả của Thánh pháp là dứt trừ vĩnh viễn sự tương tục của tất cả tập khí phiền não.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát cũng có thể chứng đắc trí nhất thiết tướng phải không?

Phật Bảo Thiện Hiện: Đúng vậy! Đúng vậy! Các Đại Bồ Tát cũng có thể chứng đắc trí nhất thiết tướng.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Nếu các Đại Bồ Tát cũng có thể chứng đắc trí nhất thiết tướng thì có gì khác với Đức Phật?

Phật Bảo Thiện Hiện: Các Đại Bồ Tát chứng đắc từng phần trí nhất thiết tướng. Chư Phật Thế Tôn đã chứng đắc toàn bộ trí nhất thiết tướng.

Vì sao?

Chẳng phải các Bồ Tát cùng Chư Phật Thế Tôn tự nhiên có khác nhau. Đó là chư Bồ Tát cùng Chư Phật Thế Tôn đều trụ vào tánh không sai biệt của các pháp, người cầu chánh biến tri đối với tất cả các pháp thì gọi là Bồ Tát, nếu đạt đến cứu cánh thì gọi là Phật Thế Tôn.

Nhưng đối với tự tướng và cộng tướng của tất cả các pháp, Đức Phật Thế Tôn soi rõ không mờ, hoàn toàn thanh tịnh. Lúc ở nhân vị thì gọi là Bồ Tát, nếu đến quả vị thì gọi là Phật Thế Tôn. Đó là lý do mà Bồ Tát với Phật Thế Tôn tuy đều chứng đắc trí nhất thiết tướng nhưng có sai khác.

Thiện Hiện! Đó gọi là pháp thí thế gian của Đại Bồ Tát. Dựa vào pháp thí thế gian này, các Đại Bồ Tát lại có thể tu hành pháp thí xuất thế. Đó là lúc tu hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, trước tiên các Đại Bồ Tát dùng phương tiện thiện xảo bố thí cho các hữu tình các thiện pháp của thế gian, sau đó làm cho họ nhàm chán pháp lành của thế gian, an trụ vào Thánh pháp vô lậu xuất thế gian cho đến làm cho họ đạt được trí nhất thiết trí.

Thiện Hiện! Thế nào gọi là Thánh pháp xuất thế?

Là các Đại Bồ Tát giảng nói, khai thị, phân biệt rõ ràng cho các hữu tình gọi là bố thí pháp.

Thiện Hiện! Tất cả các pháp lành không đồng với phàm phu, pháp mà nếu tu đúng đắn thì giúp cho các hữu tình vượt hẳn thế gian và sống an ổn, là ba mươi bảy pháp Bồ Đề phần, ba môn giải thoát, tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ, trí bốn Thánh đế, trí Ba la mật đa và trí của các pháp không, mười địa Bồ Tát.

Năm loại mắt, sáu phép thần thông, mười lực Như Lai, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám Pháp Phật bất cộng, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Bậc Đại Sĩ, tất cả pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa.

Tất cả pháp lành, vô lậu như vậy đều được gọi là Thánh pháp xuất thế. Đại Bồ Tát nào giảng nói, khai thị, phân biệt rõ ràng cho các hữu tình nghe về các pháp như vậy thì gọi Bồ Tát bố thí pháp xuất thế.

Thiện Hiện! Trong đây những gì gọi là ba mươi bảy pháp Bồ Đề phần?

Đó là bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi Đẳng Giác, tám chi Thánh đạo.

Thiện Hiện! Đó là ba mươi bảy pháp Bồ Đề phần.

Thiện Hiện!

Bốn niệm trụ là: Đối với nội thân, ngoại thân, nội ngoại thân, Đại Bồ Tát nương theo thân để quán với đầy đủ chánh cần, chánh tri, chánh niệm, trừ bỏ tham ái, lo buồn ở đời, dựa vào sự nhóm hợp của thân để quán, dựa vào sự hoại diệt của thân để quán.

Do người kia nương vào thân để quán, dựa vào sự nhóm hợp của thân để quán, dựa vào sự hoại diệt của thân để quán, thấy không có chỗ nương dựa nên không nắm giữ đối với các thế gian. Đó là pháp niệm thứ nhất. Đối với thọ, đối với tâm, đối với pháp cũng vậy, gọi là Bốn Niệm Trụ.

Thiện Hiện!

Bốn chánh đoạn là: Đại Bồ Tát vì muốn làm cho pháp ác chưa sanh vĩnh viễn không sanh, vì muốn làm cho pháp ác đã sanh vĩnh viễn bị diệt trừ, vì muốn làm cho pháp lành chưa sanh được sanh, vì muốn làm cho pháp lành đã sanh bền lâu không mất, gia tăng tu tập để chứng đắc trí rộng lớn nên vị ấy phát sanh ý muốn siêng năng tinh tấn, kềm thúc tự tâm. Đó gọi là bốn chánh đoạn.

Thiện Hiện!

Bồn thần túc là: Đại Bồ Tát tu tập thần túc, thành tựu đoạn hành nhờ dục Tam Ma Địa, tu tập thần túc, thành tựu đoạn hành nhờ cần Tam Ma Địa, tu tập thần túc, thành tựu đoạn hành nhờ tâm Tam Ma Địa, tu tập thần túc, thành tựu đoạn hành nhờ quán Tam Ma Địa, dựa vào sự nhàm chán, dựa vào sự lìa bỏ, dựa vào sự tiêu diệt, hồi hướng đối với xả. Đó là bốn thần túc.

Năm Căn là: Tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, huệ căn của Đại Bồ Tát. Đó là năm căn.

Thiện Hiện!

Năm Lực là: Tín lực, tinh tấn lực, niệm lực, định lực, huệ lực của Đại Bồ Tát. Đó là năm lực.

Thiện Hiện!

Bảy Chi Đẳng Giác là: Niệm Đẳng Giác chi, trạch pháp Đẳng Giác chi, Tinh Tấn Đẳng Giác chi, hỷ Đẳng Giác chi, khinh an Đẳng Giác chi, định Đẳng Giác chi, xả Đẳng Giác chi của Đại Bồ Tát. Đó là Bảy Chi Đẳng Giác.

Thiện Hiện!

Tám Chi Thánh Đạo là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định của Đại Bồ Tát. Đó là tám chi Thánh đạo.

Thiện Hiện! Ba môn giải thoát là pháp môn không, vô tướng, vô nguyện của Đại Bồ Tát.

Thế nào là pháp môn giải thoát không?

Đó là Đại Bồ Tát dùng hành tướng rỗng không của vô ngã thu nhiếp tâm về một nẻo. Đó gọi là không giải thoát môn.

Thế nào là pháp môn giải thoát vô tướng?

Đó là Đại Bồ Tát dùng hành tướng vắng lặng, tịch diệt thu nhiếp tâm về một nẻo. Đó gọi là pháp môn giải thoát vô tướng.

Thế nào gọi là pháp môn giải thoát vô nguyện?

Đó là Đại Bồ Tát dùng hành tướng khổ, vô thường thu nhiếp tâm về một nẻo. Đó gọi là pháp môn giải thoát vô nguyện.

Thiện Hiện!

Tám giải thoát là: Đại Bồ Tát tự có sắc quán các sắc bên ngoài. Đó là giải thoát thứ nhất. Tưởng bên trong không có sắc quán các sắc bên ngoài là giải thoát thứ hai, chứng đắc sự thanh tịnh trong thân là giải thoát thứ ba.

Vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt trừ hữu đối tưởng, không tư duy các loại tưởng, nhập vào định vô biên không không Vô Biên Xứ định và hoàn toàn an trụ trong đó, là giải thoát thứ tư.

Vượt qua tất cả không Vô biên xứ nhập vào định vô biên thức Thức vô biên xứ và an trụ hoàn toàn trong đó, là giải thoát thứ năm. Vượt qua tất cả Thức vô biên xứ, nhập vào định vô thiểu sở hữu Vô sở hữu xứ và hoàn toàn an trụ trong đó, là giải thoát thứ sáu.

Vượt qua tất cả Vô sở hữu xứ, nhập vào định Phi tưởng phi phi tưởng xứ và hoàn toàn an trụ trong đó, là giải thoát thứ bảy. Vượt qua tất cả Phi tưởng phi phi tưởng xứ nhập vào định diệt tưởng thọ và hoàn toàn an trụ trong đó là giải thoát thứ tám.

Thiện Hiện!

Chín định thứ đệ là: Đại Bồ Tát lìa pháp dục ác bất thiện, có tầm có tứ, ly sanh hỷ lạc, nhập vào sơ tịnh lự và an trụ hoàn toàn trong đó, là lớp định thứ nhất. Vắng mặt tầm tứ, trong tâm yên tịnh chỉ còn tánh không tầm không tứ, định sanh hỷ lạc, nhập vào Tịnh Lự thứ nhì và hoàn toàn an trụ trong đó, là lớp định thứ hai.

Lìa hỷ, trụ vào xả chánh niệm chánh tri thân thọ lạc mà Bậc Thánh dạy nên xả bỏ, đầy đủ niệm lạc trụ nhập vào Tịnh Lự thứ ba và an trụ hoàn toàn trong đó, là lớp định thứ ba.

Dứt vui dứt khổ khiến vui khổ trước đây chấm dứt, hoàn toàn không còn khổ, không vui, xả niệm thanh tịnh, nhập Tịnh Lự thứ tư và an trụ trong đó, là lớp định thứ tư, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt trừ tưởng hữu đối, không tư duy các loại tưởng, nhập vào định vô biên không không Vô Biên Xứ và hoàn toàn an trụ trong đó.

Là lớp định thứ năm. Như vậy cho đến vượt qua tất cả Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhập vào định diệt tưởng thọ và hoàn toàn an trụ trong đó, là lớp định thứ chín.

Thiện Hiện!

Trí Bốn Thánh đế là: Khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí của Đại Bồ Tát.

Thiện Hiện! Ba la mật đa là bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã, phương tiện thiện xảo, diệu nguyện, lực, trí, Ba la mật đa của Đại Bồ Tát. Đó là Ba la mật đa.

Thiện Hiện! Trí về các pháp không là trí hiểu biết pháp nội không cho đến trí vô tính tự tính không, và trí hiểu biết chân như cho đến trí cảnh giới bất tư nghì của Đại Bồ Tát. Đó là trí của các pháp không.

Thiện Hiện!

Mười địa Bồ Tát là: Cực Hỷ Địa, Ly Cấu địa, Phát Quang địa, Diệm tuệ địa, Cực Nan Thắng địa, Hiện Tiền địa, Viễn Hành địa, Bất Động địa, Thiện Tuệ địa, Pháp Vân địa. Đó là của Đại Bồ Tát.

Thiện Hiện!

Năm loại mắt là: Nhục nhãn, thiên nhãn, Thánh huệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn mà Đại Bồ Tát đã mong cầu.

Thiện Hiện!

Sáu phép thần thông là: Các thần thông mà Đại Bồ Tát tu học như thần cảnh trí chứng thông, thiên nhãn trí chứng thông, thiên nhĩ trí chứng thông, tha tâm trí chứng thông, túc trụ tùy niệm trí chứng thông, lậu tận trí chứng thông. Đó là sáu thần thông.

Thiện Hiện!

Mười lực Như Lai là: Các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đối với đạo lý biết như thật là đạo lý, đối với phi đạo lý biết như thật là phi đạo lý. Đó là lực thứ nhất. Các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết như thật về các nghiệp quá khứ, hiện tại, vị lai của các hữu tình và nhơn dị thục của các pháp thọ xứ. Đó là lực thứ hai. Các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết rõ như thật về đủ loại cảnh giới khác nhau của các chúng sanh là lực thứ ba.

Các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết rõ như thật về các loại hiểu biết khác nhau tầm tứ khác nhau là lực thứ tư. Các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết rõ như thật căn cơ hơn kém của các hữu tình và chúng sanh là lực thứ năm.

Các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết rõ như thật các hạnh nghiệp của các cảnh giới là lực thứ sáu. Các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết rõ như thật sự an lập sai khác của tất cả tịnh lự, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí, tạp nhiễm trong sạch là lực thứ bảy.

Các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn loài người, thấy các việc thiện ác lúc sống, chết của các loài hữu tình. Do ba nghiệp ác nơi thân, miệng, ý, do các tà kiến, do hủy báng Thánh Hiền nên các hữu tình này đọa vào các đường ác. Nhờ các loại diệu hạnh nơi ba nghiệp thân, miệng, ý, nhờ các chánh kiến, nhờ ca ngợi Thánh Hiền nên hữu tình này sanh vào các đường lành.

Các Ngài lại dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn loài người, thấy các sắc đẹp, sắc xấu của các hữu tình lúc sống, chết và do đó lại sanh vào các đường lành đường dữ. Như thật biết việc các hữu tình sanh vào đường lành dữ tùy theo thế lực của họ. Đó là lực thứ tám.

Các vị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết rõ như thật đối với vô số việc trong đời quá khứ của các hữu tình, biết rõ các việc làm, lời nói, tướng mạo của họ trong một đời, mười đời, trăm đời, ngàn đời hoặc vô lượng đời hoặc một kiếp, mười kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp hoặc vô lượng kiếp đó là lực thứ chín.

Các vị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết rõ như thật về các lậu tận, về tâm giải thoát vô lậu, về tuệ giải thoát vô lậu, đối với pháp giải thoát chân chánh, dứt sạch phiền não, vị ấy chứng đắc thông suốt và hoàn toàn an trụ trong đó, nhận biết như thật sự sống đã hết, không còn tham ái, việc làm đã xong, không còn luân hồi. Đó là lực thứ mười. Đó là mười lực Như Lai.

Thiện Hiện!

Bốn vô sở úy là: Các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tự xưng: ta là Bậc Chánh Đẳng Giác. Giả sử có Sa Môn hoặc Bà La Môn, hoặc thiên ma và Trời Phạm Thiên Vương, hoặc thế gian khác dựa vào pháp để vấn nạn, hoặc làm cho nghĩ nhớ lại đối với pháp này Phật chẳng phải là Chánh Đẳng Giác thì đối với sự vấn nạn đó, ta thấy rõ nó không có căn cứ.

Do thấy rõ sự vấn nạn ấy là không căn cứ nên ta được an ổn không lo sợ và tự xưng ta ở ngôi vị của Phật Thế Tôn, nên ở giữa đại chúng ta rống tiếng rống của sư tử, chuyển vận bánh xe Đại Phạm mà tất cả Sa Môn, Bà La Môn hoặc Thiên Ma, Phạm Thiên hoặc thế gian khác chắc chắn không có ai có thể chuyển vận như pháp ấy. Đó là vô úy thứ nhất.

Hoặc các vị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tự xưng, ta đã vĩnh viễn diệt sạch các phiền não, giả sử có Sa Môn, Bà La Môn, Thiên Ma, Phạm Thiên, hoặc các Thế Giới khác y theo pháp vấn nạn muốn nghĩ làm cho Phật vẫn chưa vĩnh viễn dứt trừ các phiền não này thì đối với sự vấn nạn ấy ta thấy rõ là không căn cứ.

Do thấy rõ sự vấn nạn ấy là không căn cứ nên ta được an ổn không lo sợ và tự xưng là ta ở ngôi vị Phật Thế Tôn, ở giữa đại chúng ta rống tiếng rống của sư tử, vận chuyển bánh xe Đại Phạm mà tất cả Sa Môn, Bà La Môn, Thiên Ma, Phạm Thiên hoặc các thế gian khác chắc chắn không có ai có thể vận chuyển đúng pháp ấy. Đó là vô úy thứ nhì.

Hoặc các vị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tự xưng, ta nói cho các đệ tử nghe pháp có thể ngăn cản sự nhiễm ô. Giả sử có Sa Môn hoặc Bà La Môn, hoặc Thiên Ma, Phạm Thiên hoặc thế gian khác y pháp vấn nạn hoặc làm cho suy nghĩ có sự nhiễm ô pháp này không thể ngăn cản được thì đối với sự vấn nạn đó, ta thấy rõ nó không có căn cứ.

Do thấy rõ sự vấn nạn đó là không căn cứ nên ta được an ổn không lo sợ và tự xưng là ta ở ngôi vị Phật Thế Tôn, ở giữa đại chúng ta rống tiếng rống của sư tử, vận chuyển bánh xe Đại Phạm mà tất cả Sa Môn, Bà La Môn, Thiên Ma, Phạm Thiên hoặc các thế gian khác chắc chắn không có ai có thể chuyển vận đúng pháp ấy. Đó là vô úy thứ ba.

Hoặc các vị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tự xưng, ta nói cho các đệ tử nghe về đạo xuất ly mà các Bậc Thánh tu tập, quyết định xuất ly, chắc chắn thông đạt, dứt sạch các khổ đến tận bờ mé.

Giả sử có Sa Môn hoặc Bà La Môn, hoặc Thiên Ma, Phạm Thiên hoặc thế gian khác dựa vào pháp vấn nạn hoặc làm cho suy nghĩ có người nào tu theo đạo này thì chẳng phải xuất ly đúng đắn, chẳng phải thông đạt đúng đắn, chẳng hoàn toàn dứt khổ, không thể vượt hết khổ thì ta thấy rõ sự vấn nạn ấy là không có căn cứ.

Do thấy rõ sự vấn nạn ấy là không căn cứ nên ta được an ổn, không lo sợ, và tự xưng là ta ở ngôi vị Phật Thế Tôn, ở giữa đại chúng ta rống tiếng rống của sư tử, vận chuyển bánh xe Đại Phạm mà tất cả Sa Môn, Bà La Môn, Thiên Ma, Phạm Thiên hoặc các thế gian khác chắc chắn không có ai có thể chuyển vận đúng pháp ấy. Đó là vô úy thứ tư. Đó là bốn vô sở úy.

Thiện Hiện! Bốn vô ngại giải là: Nghĩa vô ngại giải, pháp vô ngại giải, từ vô ngại giải và biện vô ngại giải.

Thiện Hiện! Thế nào là nghĩa vô ngại giải?

Đó là trí biết rõ nghĩa lý không bị ngưng trệ.

Thế nào là pháp vô ngại giải?

Đó là trí không bị ngăn ngại đối với giáo pháp.

Thế nào là từ vô ngại giải?

Đó là trí thông đạt về ngôn từ.

Thế nào là biện vô ngại giải?

Đó là trí biện bác, nói năng không bị ngưng trệ.

Thiện Hiện! Mười tám Pháp Phật bất cộng là: Các vị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thường không lầm lỗi, không nói giọng thô bạo, ý niệm không sai sót, tâm luôn ở thắng định, không có các loại tưởng, luôn lựa chọn xả bỏ, không lui mất ý muốn làm việc thiện, tinh tấn không giảm, nhớ nghĩ không thối chuyển, trí tuệ không thối chuyển, giải thoát không thối chuyển.

Giải thoát tri kiến không thối chuyển, trí tuệ hiểu biết về đời quá khứ không bị dính mắc, ngăn ngại, trí tuệ hiểu biết về đời hiện tại không bị dính mắc, ngăn ngại, trí tuệ hiểu biết về đời vị lai không bị dính mắc, ngăn ngại, tất cả thân nghiệp đều được trí tuệ dẫn dắt và chuyển động theo trí tuệ.

Tất cả ngữ nghiệp được trí dẫn dắt và chuyển vận theo trí huệ, tất cả ý nghiệp được trí dẫn dắt và chuyển vận theo trí huệ. Đó là mười tám Pháp Phật bất cộng.

Lại nữa Thiện Hiện! Ba mươi hai tướng tốt của Bậc Đại Sĩ là:

1. Lòng bàn chân bằng phẳng đầy đặn giống như đáy hộp, tuy đất gập ghềnh nhưng hễ bước đến chỗ nào thì bàn chân liền tiếp xúc đều với mặt đất, không có chỗ nào chẳng tiếp xúc. Đó là tướng thứ nhất.

2. Dưới chân Như Lai có hoa văn hình bánh xe ngàn căm, các tướng vành và trục đều tròn trịa. Đó là tướng thứ hai.

3. Tay chân Như Lai đều mềm dịu như bông đổ la bông sợi hơn hết tất cả. Đó là tướng thứ ba.

4. Giống như nhạn chúa giữa các ngón tay ngón chân của Như Lai đều có màn da và hoa văn bằng màu vàng ròng giao nhau như bức tranh thêu. Đó là tướng thứ tư.

5. Các ngón tay ngón chân của Như Lai tròn trịa thon dài rất khả ái. Đó là tướng thứ năm.

6. Gót chân Như Lai rộng dài đầy đặn, tương xứng với mu bàn chân, hơn hẳn các hữu tình khác. Đó là tướng thứ sáu.

7. Mu bàn chân của Như Lai dài, cao, đầy đặn, mềm mại, xinh đẹp, tương xứng với gót chân. Đó là tướng thứ bảy.

8. Hai bắp chân Như Lai tuần tự thon tròn như bắp chân của nai chúa Ế Nê Da Tiên. Đó là tướng thứ tám.

9. Đôi cánh tay Như Lai tròn trịa dài thẳng như vòi voi chúa, khi đứng thẳng thì đụng gối. Đó là tướng thứ chín.

10. Âm tướng của Như Lai ẩn kín giống như long mã hoặc như voi chúa. Đó là tướng thứ mười.

11. Mỗi lỗ chân lông của Như Lai đều sanh một sợi lông mềm mại xanh biếc xoay về phía phải. Đó là tướng thứ mười một.

12. Lông tóc Như Lai ngay thẳng và lướt lên trên xoay về phía phải mềm mại xanh biếc, trang nghiêm thân kim sắc rất xinh đẹp. Đó là tướng thứ mười hai.

13. Da trên thân Như Lai mịn, mỏng, trơn, láng, bụi, đất, nước… đều không thể bám. Đó là tướng thứ mười ba.

14. Da trên thân Như Lai thuần một màu vàng ròng, sáng sạch, lóng lánh như đài bằng vàng xinh đẹp được các vật báu trang sức mọi người đều thích. Đó là tướng thứ mười bốn.

15. Bảy chỗ là lòng hai bàn chân, lòng hai bàn tay, cổ và hai vai của Như Lai đều đầy đặn. Đó là tướng thứ mười lăm.

16. Vai, ót Như Lai tròn trịa xinh đẹp. Đó là tướng thứ mười sáu.

17. Bắp tay và nách Như Lai đều đầy đặn. Đó là tướng thứ mười bảy.

18. Dung mạo Như Lai cao lớn, ngay thẳng. Đó là tướng thứ mười tám.

19. Thân tướng Như Lai cao lớn trang nghiêm. Đó là tướng thứ mười chín.

20. Thể tướng Như Lai cao rộng, tròn đầy như cây Nặc cù đà. Đó là tướng thứ hai mươi.

21. Cằm, ngực và nửa thân trên của Như Lai oai phong rộng lớn như sư tử chúa. Đó là tướng thứ hai mươi mốt.

22. Quanh mình Như Lai thường có ánh sáng chiếu ra một tầm. Đó là tướng thứ hai mươi hai.

23. Như Lai có bốn mươi cái răng đều đặn, bằng phẳng, kín, sạch, gốc sâu, trắng hơn ngọc Kha tuyết. Đó là tướng thứ hai mươi ba.

24. Bốn răng cửa của Như Lai trắng đẹp, bén. Đó là tướng thứ hai mươi bốn.

25. Như Lai ăn gì cũng biến thành vị ngon nhất trong các vị. Đó là tướng thứ hai mươi lăm.

26. Tướng lưỡi Như Lai mỏng, sạch, dài, rộng có thể che kín mặt cho đến tai và mí tóc. Đó là tướng thứ hai mươi sáu.

27. Phạm âm của Như Lai có từ ngữ và âm vận rộng và tao nhã, dù chúng nhiều ít cũng đều nghe được âm thanh vang rền giống như tiếng trống Trời, phát ngôn Thánh thót như tiếng chim Tần ca. Đó là tướng thứ hai mươi bảy.

28. Lông mi Như Lai giống như mi trâu chúa xanh biếc, ngay thẳng, không lẫn lộn nhau. Đó là tướng thứ hai mươi tám.

29. Con ngươi mắt của Như Lai xanh biếc, trắng trong, có vòng hồng trang sức xung quanh, lóng lánh, rõ ràng. Đó là tướng thứ hai mươi chín.

30. Khuôn mặt Như Lai giống như trăng rằm, lông mày sáng và sạch như cây cung của Vua Trời. Đó là tướng thứ ba mươi.

31. Giữa chặng mày Như Lai có tướng lông trắng mềm mại, xoay qua phải như bông đổ la, trắng trong sáng sạch hơn ngọc Kha tuyết. Đó là tướng thứ ba mươi mốt.

32. Nhục kế trên đảnh của Như Lai nhô cao tròn trịa giống như lộng Trời. Đó là tướng thứ ba mươi hai.

Đó là ba mươi hai tướng tốt của Bậc Đại Sĩ.

***