Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm -​​​ Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

HỘI THỨ NĂM
 

PHẨM MƯỜI BẢY

PHẨM THAM HÀNH
 

PHẦN HAI 
 

Phật Bảo Thiện Hiện: Nếu các Bồ Tát hành như thế là hành chỗ nào?

Thiện Hiện bạch: Bạch Thế Tôn! Nếu các Bồ Tát hành như thế thì hoàn toàn không chỗ hành.

Vì sao?

Vì các pháp đang hành đều chẳng chuyển động vậy.

Phật Bảo Thiện Hiện: Nếu các Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa là hành nghĩa đế nào?

Thiện Hiện bạch: Bạch Thế Tôn! Nếu các Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa là hành Thắng nghĩa đế.

Phật Bảo Thiện Hiện: Ý ông thế nào?

Nếu các Bồ Tát hành Thắng nghĩa đế thì đối với thắng nghĩa đế là thủ tướng chăng?

Thiện Hiện bạch: Kính bạch Thế Tôn, không!

Phật Bảo Thiện Hiện: Ý ông thế nào?

Các Bồ Tát này đối với thắng nghĩa đế tuy chẳng thủ tướng mà hành tướng chăng?

Thiện Hiện bạch: Kính bạch Thế Tôn, không!

Phật Bảo Thiện Hiện: Ý ông thế nào?

Các Bồ Tát này đối với tướng thắng nghĩa đế đã chẳng hành tướng thì hoại tướng chăng?

Thiện Hiện bạch: Kính bạch Thế Tôn, không!

Phật Bảo Thiện Hiện: Ý ông thế nào?

Các Bồ Tát này đối với Thắng nghĩa đế nếu chẳng hoại tướng thì khiển tướng chăng?

Thiện Hiện bạch: Kính bạch Thế Tôn, không!

 Phật Bảo Thiện Hiện: Các Bồ Tát này đối với thắng nghĩa đế nếu chẳng hoại, khiển thì làm sao có thể dứt được tưởng chấp thủ tướng?

Thiện Hiện bạch: Bạch Thế Tôn!

Các Bồ Tát này chẳng nghĩ: Ta dứt tưởng tướng hoại, tướng khiển. Cũng chưa tu học đạo dứt tưởng. Nếu các Bồ Tát tinh tấn tu hành đạo dứt tưởng mà chưa đầy đủ Phật Pháp, thì đúng ra phải rơi vào địa vị Thanh Văn hoặc Độc Giác.

Các Bồ Tát này phương tiện thiện xảo nên mặc dù đối với các tướng và tưởng chấp thủ tướng biết là rất lỗi lầm, nhưng chẳng hoại, khiển để mau dứt tưởng này, chứng tướng không.

Vì sao?

Vì chưa viên mãn tất cả Pháp Phật vậy.

Phật Bảo Thiện Hiện: Đúng như vậy! Đúng như vậy! Khi ấy, Xá Lợi Tử bảo Thiện Hiện: Nếu các Bồ Tát trong giấc mộng tu hành ba môn giải thoát thì đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa có lợi ích chăng?

Nếu khi các Bồ Tát thức, tu hành ba môn giải thoát, đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa đã có lợi ích thì trong giấc mộng họ tu cũng có lợi ích.

Vì sao?

Vì Phật dạy: Mộng, thức không sai khác vậy.

Thiện Hiện thưa: Nếu khi các Bồ Tát thức, tu hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, đã được gọi là an trụ bát nhã Ba la mật đa sâu xa, thì các Bồ Tát này trong giấc mộng, tu hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa cũng được gọi là an trụ ba môn giải thoát bát nhã Ba la mật đa sâu xa. Đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa cũng có lợi ích như thế. Hoặc mộng, hoặc thức, nghĩa không sai khác.

Xá Lợi Tử thưa: Bạch Thế Tôn! Trong giấc mộng tạo nghiệp có thành không?

Phật dạy: Các pháp chẳng thật như mộng, nên sự tạo ra các nghiệp ở trong mộng cũng không thành. Cần phải đến lúc thức dậy, nhớ tưởng phân biệt mới thành.

Thiện Hiện thưa: Nếu các hữu tình trong giấc mộng thấy giết hại sinh mạng, đến khi thức dậy nhớ tưởng phân biệt, rất vui mừng, thì sự tạo nghiệp của người đó chẳng thành ư?

Xá Lợi Tử thưa: Việc không có sở duyên, hoặc nghĩ, hoặc buộc lòng tin, nghiệp chẳng thể sanh. Cần phải có sở duyên suy nghĩ, nghiệp mới phát sanh.

Nghiệp suy nghĩ trong giấc mộng duyên đâu mà sanh?

Thiện Hiện thưa: Đúng như vậy! Đúng như vậy. Hoặc trong mộng, hoặc lúc thức, không có sở duyên suy nghĩ thì nghiệp chẳng sanh. Cần phải có duyên suy nghĩ, nghiệp mới sanh.

Vì sao?

Này Xá Lợi Tử! Vì cần phải đối với các tướng thấy nghe, hiểu biết, có tác động của sự hiểu biết, do đó mới phát sanh nhiễm hoặc phát sanh tịnh.

Nếu không có các tướng: Thấy, nghe, hiểu biết thì không có tác dụng của sự hiểu biết, cũng không nhiễm tịnh. Do đó nên biết, hoặc trong mộng, hoặc lúc thức có sở duyên suy nghĩ thì nghiệp mới sanh. Nếu không có sở duyên suy nghĩ thì nghiệp chẳng sanh.

Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện: Phật thuyết sở duyên đều lìa tự tánh.

Như thế thì làm sao có thể nói có sở duyên suy nghĩ nghiệp mới phát sanh, không có sở duyên suy nghĩ thì nghiệp chẳng sanh?

Thiện Hiện đáp: Mặc dù các nghiệp suy nghĩ và sở duyên đều lìa tự tánh, nhưng do tự tâm chấp thủ tướng phân biệt, nên thế tục đặt bày nói là có sở duyên phát sanh các nghiệp suy nghĩ, chẳng phải sở duyên này lìa tâm riêng có.

Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện: Nếu các Bồ Tát trong giấc mộng làm việc bố thí.

Bố thí xong, hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, thì các Bồ Tát này có phải là thật đem bố thí hồi hướng bồ đề vô thượng Phật chăng?

Thiện Hiện đáp: Bồ Tát Từ Thị từ lâu đã được thọ ký đắc đại bồ đề, nên có thể thưa hỏi, nhất định Ngài sẽ đáp.

Xá Lợi Tử theo lời Thiện Hiện, cung kính thưa hỏi Bồ Tát Từ Thị.

Bấy giờ, Bồ Tát Từ Thị bảo Xá Lợi Tử: Những gì gọi là Bồ Tát Từ Thị mà bảo có thể đáp lời Tôn Giả hỏi?

Là sắc chăng?

Là Thọ, Tưởng, Hành, Thức chăng?

Là sắc không chăng?

Là Thọ, Tưởng, Hành, Thức không chăng?

Vả lại, sắc chẳng phải là Bồ Tát Từ Thị, nên cũng chẳng thể đáp lời Tôn Giả hỏi. Thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải là Bồ Tát Từ Thị nên cũng chẳng thể đáp lời Tôn Giả hỏi.

Không của sắc, chẳng phải Bồ Tát Từ Thị, cũng chẳng thể đáp lời Tôn Giả hỏi. Không của thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải Bồ Tát Từ Thị, cũng chẳng thể đáp lời Tôn Giả hỏi. Tôi hoàn toàn chẳng thấy có pháp nào có thể gọi là Bồ Tát Từ Thị, cũng hoàn toàn chẳng thấy có pháp năng đáp, có pháp sở đáp, nơi chốn đáp, thời gian đáp và do đây đáp.

Tôi hoàn toàn chẳng thấy có pháp thọ ký, có pháp bị thọ ký, nơi chốn thọ ký, thời gian thọ ký và do đây thọ ký.

Vì sao?

Xá Lợi Tử! Vì bản tánh tất cả pháp đều thông. Suy tìm rốt ráo chẳng thể đắc vậy.

Xá Lợi Tử hỏi Từ Thị: Pháp mà Nhân giả đã nói có phải là như chỗ đã chứng chăng?

Từ Thị đáp: Pháp tôi nói chẳng phải như chỗ đã chứng.

Vì sao?

Vì pháp tôi đã chứng chẳng thể nói vậy.

Xá Lợi Tử nghĩ: Bồ Tát Từ trí tuệ sâu xa, từ lâu tu hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa mới có thể nói như thế.

Khi ấy, Thế Tôn biết ý nghĩ của Xá Lợi Tử, liền bảo: Ý ông thế nào?

Ông do pháp này thành A La Hán thì có thể thấy pháp này là có thể nói chăng?

Xá Lợi Tử bạch: Kính bạch Thế Tôn! Chẳng thể.

Phật dạy: Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, pháp tánh đã chứng cũng như thế, chẳng thể tuyên thuyết.

Các Bồ Tát này phương tiện thiện xảo, chẳng nghĩ: Ta do pháp này đã được thọ ký, đang được thọ ký, sẽ được thọ ký đại bồ đề.

Chẳng nghĩ: Ta do pháp này sẽ chứng bồ đề.

Các Bồ Tát có thể hành như thế là hành bát nhã Ba la mật đa, đối với việc đắc bồ đề cũng không sợ hãi, quyết định tự biết: Ta sẽ chứng, nên các Bồ Tát này hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, nghe pháp sâu xa chẳng kinh, chẳng sợ, cũng chẳng chìm đắm.

Các Bồ Tát này nếu ở nơi đồng hoang, chỗ có thú dữ cũng không sợ hãi.

Vì sao?

Vì các Bồ Tát này muốn lợi ích các hữu tình nên có thể xả bỏ tất cả sở hữu trong ngoài, thường nghĩ: Các thú dữ v.v… muốn ăn nuốt thân ta, ta sẽ bố thí giúp cho chúng được no đủ. Nhờ căn lành này khiến cho ta bố thí Ba la mật đa mau được viên mãn, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Ta sẽ siêng tu chánh hạnh như thế. Khi chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, trong Cõi Phật của ta không có tất cả bàng sanh, ngạ quỷ.

Các Bồ Tát này ở đồng hoang, chỗ có giặc ác cũng không sợ hãi.

Vì sao?

Vì các Bồ Tát này muốn lợi ích các hữu tình nên có thể xả bỏ tất cả sở hữu trong ngoài, ưa tu các việc lành, đối với thân mạng, tài sản không chút luyến tiếc, thường nghĩ: Nếu các hữu tình đến tranh giành, cướp đoạt các của cải của ta, hoặc do như thế mà hại thân mạng của ta thì ta chẳng hận họ.

Nhờ nhân duyên này làm cho ta An Nhẫn Ba la mật đa mau được viên mãn, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Ta sẽ siêng tu chánh hạnh như thế. Khi chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, trong Cõi Phật của ta không có tất cả oán tặc cướp hại. Do Cõi Phật của ta rất thanh tịnh nên cũng không có các thứ xấu khác.

Nếu các Bồ Tát này ở đồng hoang, chỗ không có nước cũng không sợ hãi, nghĩ: Ta sẽ tuyên thuyết diệu pháp vô thượng, dứt bệnh khát ái của các hữu tình. Giả sử ta do cơn khát này bức ngặt mà chết, đối với các loài hữu tình quyết chẳng rời bỏ ý đại bi, bố thí cho họ nước diệu pháp.

Kỳ lạ thay! Hữu tình này bạc phước nên ở tại Thế Giới không có nước như thế. Ta sẽ siêng tu chánh hạnh như thế. Khi chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, trong Cõi Phật của ta không có tất cả đồng hoang v.v… thiếu nước, cháy khát như thế. Ta sẽ phương tiện khuyên các hữu tình tu nghiệp thắng phước, tùy theo ở chỗ nào đều làm cho đầy đủ nước tám công đức.

Các Bồ Tát này ở chỗ đói kém cũng không sợ hãi, nghĩ: Ta sẽ tinh tấn nghiêm tịnh Cõi Phật. Khi chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, trong Cõi Phật của ta không có tất cả sự đói kém như thế. Các loài hữu tình đầy đủ sự vui sướng, tùy ý cần dùng gì, nghĩ đến liền có ngay, như Chư Thiên nghĩ gì liền được.

Ta sẽ phát khởi tinh tấn bền vững, làm cho nguyện ước của các hữu tình được đầy đủ. Tất cả thời gian, nơi chốn, tất cả hữu tình đối với tất cả của cải không thiếu thốn. Nếu các Bồ Tát không lo sợ việc này thì nhất định chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Các Bồ Tát này khi gặp bệnh dịch cũng không sợ hãi.

Vì sao?

Vì các Bồ Tát này thường tư duy kỹ: Không có pháp gọi là bệnh, cũng không có người bệnh, tất cả đều không, chẳng nên sợ hãi. Ta sẽ siêng năng tu chánh hạnh như thế. Khi chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, trong Cõi Phật của ta các loài hữu tình v.v…  không có ba thứ bệnh, tinh tấn tu hành pháp lành thù thắng như Phật đã dạy, thường không lười biếng bỏ bê.

Các Bồ Tát này nếu nghĩ bồ đề, trải qua thời gian lâu mới đắc, cũng không sợ hãi.

Vì sao?

Vì giới hạn kiếp số đời trước tuy có vô lượng, nhưng trong một niệm nhớ nghĩ phân biệt chứa nhóm là thành. Giới hạn kiếp số đời sau nên biết cũng như thế. Thế nên Bồ Tát chẳng nên ở trong đó khởi tưởng lâu xa mà sanh sợ hãi.

Vì sao?

Vì giới hạn trước, giới hạn sau của kiếp số dài, ngắn đều trong một sát na tương ưng với tâm vậy. Bồ Tát đối với những việc đáng sợ như thế, luôn tư duy kỹ, chẳng sanh sợ hãi, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

***