Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm -​​​ Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

HỘI THỨ NĂM
 

PHẨM MƯỜI BẢY

PHẨM THAM HÀNH
 

PHẦN MỘT 
 

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật: Hy hữu thay, kính bạch Thế Tôn! Các Bồ Tát này thành tựu công đức lớn như thế. Thế Tôn có thể trải kiếp số như cát Sông Hằng, thuyết các tướng hành trạng bất thối chuyển.

Cúi xin Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tuyên thuyết nghĩa xứ tương ưng với bát nhã Ba la mật đa sâu xa, làm cho các Bồ Tát an trụ trong đó, tu hạnh bồ đề mau được viên mãn.

Phật Bảo Thiện Hiện: Lành thay! Lành thay! Ông nay có thể hỏi việc như thế.

Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Ta sẽ nói cho ông.

Thiện Hiện nên biết! Nghĩa xứ tương ưng với bát nhã Ba la mật đa sâu xa, đó là không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, vô sanh, vô diệt, chẳng phải có, tịch tĩnh, lìa nhiễm, Niết Bàn, là sự biểu hiện của khái niệm.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chỉ có pháp này được gọi là nghĩa xứ tương ưng với bát nhã Ba la mật đa sâu xa, hay là tất cả pháp đều được gọi là nghĩa xứ tương ưng với bát nhã Ba la mật đa sâu xa?

Phật Bảo Thiện Hiện: Tất cả các pháp khác cũng được gọi là nghĩa xứ tương ưng với bát nhã Ba la mật đa sâu xa.

Vì sao?

Vì tất cả sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng gọi là sâu xa.

Thiện Hiện! Thế nào là sắc cho đến thức cũng gọi là sâu xa?

Nghĩa là chân như sâu xa nên sắc cho đến thức cũng gọi là sâu xa.

Lại nữa, Thiện Hiện! Hoặc là chỗ không có sắc cũng gọi là sắc sâu xa, cho đến chỗ không có thức cũng gọi là thức sâu xa.

Khi ấy, Thiện Hiện bạch Phật: Hy hữu thay, kính bạch Thế Tôn! Đó là Phương tiện mầu nhiệm ngăn chặn năm uẩn, hiển bày Niết Bàn.

Phật Bảo Thiện Hiện: Đúng như vậy! Đúng như vậy! Nếu các Bồ Tát thường quán sát kỹ nghĩa xứ tương ưng với bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thế thì nghĩ: Ta nên y như bát nhã Ba la mật đa sâu xa đã chỉ dạy mà an trú.

Ta nay nên như bát nhã Ba la mật đa đã giảng thuyết mà học. Các Bồ Tát này do thường nương tựa nghĩa xứ tương ưng bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thế, quán sát kỹ, tinh tấn tu hành cho đến trong một ngày số phước đức đạt được vô lượng, vô biên.

Như có người tham dục, lại nhiều suy tư, cùng với người con gái đẹp hẹn hò. Người con gái kia bị trở ngại, không đến nơi đúng hẹn. Tâm mong mỏi của người ấy mãnh liệt, tuôn tràn.

Thiện Hiện! Ý ông thế nào?

Tâm mong muốn của người kia hướng về nơi nào?

Kính bạch Thế Tôn! Tâm mong muốn của người này hướng về người con gái kia.

Nghĩa là nghĩ: Nàng ấy khi nào mới đến đây gặp nhau để cùng ta đùa giỡn vui chơi.

Thiện Hiện! Ý ông thế nào?

Người đó ngày đêm phát sanh bao nhiêu mong muốn?

Kính bạch Thế Tôn! Người đó ngày đêm phát sanh rất nhiều mong muốn.

Phật Bảo Thiện Hiện: Nếu các Bồ Tát nương nghĩa xứ tương ưng bát nhã Ba la mật đa sâu xa, quán sát kỹ, tinh tấn tu hành, cho đến một ngày thì vượt thoát kiếp số trôi lăn sanh tử bằng với số lượng mong muốn phát sanh trải qua một ngày đêm của người tham dục kia.

Thiện Hiện nên biết! Các Bồ Tát này nương theo nghĩa xứ tương ưng bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thế, quán sát kỹ, tinh tấn tu hành thì tùy theo đó mà có thể giải thoát bao nhiêu tội lỗi thường làm trở ngại quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Thế nên Bồ Tát nương nghĩa xứ tương ưng bát nhã Ba la mật đa sâu xa, quán sát kỹ, tinh tấn tu hành, không lười nhác thì mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Thiện Hiện nên biết! Nếu các Bồ Tát nương nghĩa xứ tương ưng bát nhã Ba la mật đa sâu xa, quán sát kỹ, tinh tấn tu hành trải qua một ngày đêm thì công đức đạt được, hơn công đức bố thí trải qua số đại kiếp như cát Sông Hằng của các Bồ Tát lìa bát nhã Ba la mật đa sâu xa vô lượng, vô biên.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát nương nghĩa xứ tương ưng bát nhã Ba la mật đa sâu xa, quán sát kỹ, tinh tấn tu hành, trải qua một ngày đêm thì công đức đạt được, hơn công đức bố thí của các Bồ Tát xa lìa bát nhã Ba la mật đa sâu xa trải qua số đại kiếp như cát Sông Hằng, đem các đồ cúng dường Bậc Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán, Độc Giác, Bồ Tát, Như Lai vô lượng, vô biên.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát nương bát nhã Ba la mật đa đã nói mà an trú, trải qua một ngày đêm siêng năng tu học bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã, thì công đức đạt được, hơn công đức đạt được của các Bồ Tát lìa bát nhã Ba la mật đa trải qua số đại kiếp như cát Sông Hằng, siêng năng tu học bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã vô lượng, vô biên.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát nương bát nhã Ba la mật đa sâu xa đã nói mà an trú, trải qua một ngày đêm đem pháp vi diệu bố thí cho các loài hữu tình thì công đức đạt được hơn công đức đạt được của các Bồ Tát lìa bát nhã Ba la mật đa sâu xa, trải qua số đại kiếp như cát Sông Hằng đem pháp vi diệu bố thí cho các hữu tình vô lượng, vô biên.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát nương bát nhã Ba la mật đa sâu xa đã nói mà an trú, trải qua một ngày đêm tu ba mươi bảy pháp bồ đề phần và các căn lành khác, công đức đạt được hơn công đức đạt được của các Bồ Tát lìa bát nhã Ba la mật đa sâu xa, trải qua số đại kiếp như cát Sông Hằng tu ba mươi bảy pháp bồ đề phần và các căn lành khác vô lượng, vô biên.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát nương bát nhã Ba la mật đa sâu xa đã nói mà an trú, trải qua một ngày đêm tu các pháp tài thí, pháp thí, ở chỗ vắng vẻ, buộc niệm tư duy các pháp phước nghiệp tu trước kia, hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Công đức đạt được hơn công đức đạt được của các Bồ Tát lìa bát nhã Ba la mật đa sâu xa, trải qua số đại kiếp như cát Sông Hằng tu các pháp tài thí, pháp thí, an trú chỗ vắng vẻ, buộc niệm tư duy các pháp phước nghiệp tu trước kia, hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề vô lượng, vô biên.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát nương bát nhã Ba la mật đa sâu xa đã nói mà an trú, trải qua một ngày đêm duyên khắp công đức thiện căn của ba đời Chư Phật và các đệ tử, hoà hợp cân lường, hiện tiền tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, thì công đức đạt được của các Bồ Tát này hơn công đức đạt được của các Bồ Tát lìa bát nhã Ba la mật đa sâu xa.

Trải qua số kiếp như cát Sông Hằng duyên khắp thiện căn công đức của ba đời Chư Phật và các đệ tử, hoà hợp cân lường, hiện tiền tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề vô lượng, vô biên.

Bấy giờ Thiện Hiện bạch Phật: Như Lai thường thuyết: Chư hành đều là do phân biệt tạo ra, đều chẳng phải có thật, thì vì nhân duyên gì các Bồ Tát này đạt được công đức vô lượng, vô biên?

Phật Bảo Thiện Hiện: Các Bồ Tát ấy hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa cũng thường quán sát việc thiện đã làm là không, không có sở hữu, hư vọng chẳng thật cũng như thế, chẳng có thể lìa bát nhã Ba la mật đa sâu xa. Đúng như thật, chẳng lìa bát nhã Ba la mật đa sâu xa. Như vậy thì công đức đạt được ấy vô lượng, vô biên.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nghĩa vô lượng, vô biên, có gì sai khác?

Phật Bảo Thiện Hiện: Nói vô lượng là ở trong đó lượng của nó dứt hẳn. Nói vô biên là số đó không thể đếm.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Có nhân duyên nào, sắc cho đến thức cũng vô lượng, vô biên chăng?

Phật Bảo Thiện Hiện: Cũng có nhân duyên sắc cho đến thức vô lượng, vô biên.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên nào, sắc cho đến thức vô lượng, vô biên?

Phật Bảo Thiện Hiện: Vì sắc cho đến thức đều tánh không, nên vô lượng, vô biên.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Có phải chỉ có sắc, thọ, tưởng, hành, thức không, hay tất cả pháp đều không?

Phật Bảo Thiện Hiện: Ta nói tất cả các pháp, không pháp nào là chẳng đều không.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vô lượng, vô biên là khái niệm về pháp nào?

Phật Bảo Thiện Hiện: Vô lượng, vô biên là khái niệm về không, vô tướng, vô nguyện.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vô lượng, vô biên có phải chỉ là không, vô tướng, vô nguyện.

Hay là còn có nghĩ khác?

Phật Bảo Thiện Hiện: Ý ông thế nào?

Ta đâu chẳng nói:  Tất cả pháp môn, không pháp môn nào chẳng đều là không?

Thiện Hiện thưa: Như Lai thường nói: Tất cả pháp môn, không pháp môn nào là chẳng đều không.

Phật Bảo Thiện Hiện: Không, tức là vô tận. Không, tức là vô lượng. Không, tức là vô biên. Không, tức là nghĩa khác.

Thế nên, Thiện Hiện! Tất cả Pháp Môn mặc dù có vô số lời nói sai khác nhưng nghĩa không khác.

Thiện Hiện nên biết! Lý không của các pháp hoàn toàn không thể nói. Như Lai phương tiện nói là vô tận, hoặc nói vô lượng, hoặc nói vô biên, hoặc nói là không, hoặc nói là vô tướng, hoặc nói là vô nguyện, hoặc nói là vô tác.

Hoặc nói là vô sanh, hoặc nói là vô diệt, hoặc nói là chẳng phải có, hoặc nói là tịch tịnh, hoặc nói là lìa nhiễm, hoặc nói là Niết Bàn… vô lượng các Pháp Môn như thế, nghĩa chơn thật chẳng khác, đều là Như Lai phương tiện diễn thuyết.

Khi ấy, Thiện Hiện bạch Phật: Hy hữu thay, kính bạch Thế Tôn! Thật tánh của các pháp phương tiện thiện xảo đều chẳng thể nói, nhưng vì hữu tình nên phương tiện chỉ ra.

Như con hiểu nghĩa Phật dạy: Thật tánh các pháp đều không thể nói.

Phật Bảo Thiện Hiện: Đúng như vậy! Đúng như vậy!

Vì sao?

Vì tánh tất cả pháp đều rốt ráo không, không ai có thể tuyên nói về rốt ráo không ấy.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nghĩa bất khả thuyết có tăng, có giảm chăng?

Phật Bảo Thiện Hiện: Nghĩa bất khả thuyết không tăng, không giảm.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu nghĩa bất khả thuyết không tăng, không giảm thì đáng ra bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa cũng không tăng, không giảm.

Nếu sáu pháp Ba la mật đa này cũng không tăng, không giảm thì Bồ Tát vì lẽ gì dùng Ba la mật đa không tăng, không giảm cầu chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, luôn gần quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề?

Nếu sáu pháp Ba la mật đa của các Bồ Tát tăng giảm thì chẳng thể gần quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Phật Bảo Thiện Hiện: Đúng như vậy! Đúng như vậy! Nghĩa bất khả thuyết của bát nhã Ba la mật đa hoàn toàn không thêm bớt, nhưng các Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo của bát nhã Ba la mật đa sâu xa chẳng nghĩ sáu pháp Ba la mật đa này có tăng, có giảm, mà nghĩ:

Chỉ có danh, tướng. Nghĩa là bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa. Các Bồ Tát này tu hành bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa đem sáu pháp này tác ý tương ưng và nương vào đó phát khởi tâm và căn lành, bình đẳng ban cho các hữu tình, đồng hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Như quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Phật nhiệm mầu sâu xa mà phát khởi hồi hướng. Do hồi hướng này, tăng thêm thế lực phương tiện thiện xảo, có thể chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề?

Phật Bảo Thiện Hiện: Chân như các pháp, gọi đó là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Thiện Hiện nên biết! Chân như các pháp không tăng, không giảm nên quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật cũng không tăng giảm. Nếu các Bồ Tát thường an trụ tác ý tương ưng với chân như như thế, thì gần quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Như vậy, này Thiện Hiện! Nghĩa bất khả thuyết mặc dầu không thêm không bớt mà không thối thất tác ý chân như. Bát nhã Ba la mật đa mặc dầu không tăng, không giảm mà không thối thất sở cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Nếu các Bồ Tát an trú tác ý chân như như thế, tu hành sáu pháp Ba la mật đa, thì liền gần quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Bồ Tát này là tâm đầu tiên phát sanh có thể gần bồ đề.

Hay là tâm sau phát sanh có thể gần bồ đề?

Nếu tâm đầu phát sanh gần bồ đề thì khi tâm đầu phát sanh, tâm sau chưa sanh. Như thế, không có nghĩa hòa hiệp. Nếu tâm sau phát sanh, có thể gần bồ đề thì khi tâm sau phát sanh, tâm đầu đã diệt mất, không có nghĩa hòa hiệp. Như vậy, pháp của tâm, tâm sở trước sau tới lui gạn tìm không có nghĩa hòa hiệp.

Như thế thì làm sao có thể chứa nhóm được căn lành?

Nếu các căn lành chẳng thể chứa nhóm được, thì làm sao Bồ Tát có thể gần bồ đề?

Phật Bảo Thiện Hiện: Ý ông thế nào?

Như khi đốt đèn thì ngọn lửa đầu đốt cháy tim đèn, hay ngọn lửa sau đốt cháy tim đèn?

Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Như ý con hiểu thì chẳng phải ngọn lửa đầu có thể đốt cháy tim đèn, cũng chẳng lìa ngọn lửa đầu. Chẳng phải ngọn lửa sau có thể đốt cháy tim đèn, cũng chẳng lìa ngọn lửa sau.

Phật Bảo Thiện Hiện: Ý ông thế nào?

Tim đèn có cháy chăng?

Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Thế gian hiện thấy cái tim đèn thật có cháy.

Phật Bảo Thiện Hiện: Bồ Tát cũng như thế. Chẳng phải tâm đầu phát sanh được gần bồ đề, cũng chẳng lìa tâm đầu. Chẳng phải tâm sau phát sanh được gần bồ đề, cũng chẳng lìa tâm sau, mà các Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa phương tiện thiện xảo làm cho các căn lành tăng trưởng viên mãn nên được gần bồ đề.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Duyên khởi như thế, lý thú sâu xa. Chẳng phải ngay các tâm phát sanh trước sau mà các Bồ Tát có thể gần bồ đề.

Chẳng phải lìa các tâm phát sanh trước sau mà các Bồ Tát có thể gần bồ đề?

Phật Bảo Thiện Hiện: Ý ông thế nào?

Nếu tâm diệt rồi thì có sanh không?

Thiện Hiện thưa: Kính bạch Thế Tôn, không. Tâm đó đã diệt thì không thể sanh lại.

Ý ông thế nào?

Nếu tâm đã sanh thì pháp có diệt không?

Kính bạch Thế Tôn! Đúng như vậy! Nếu tâm đã sanh thì nhất định có pháp diệt.

Ý ông thế nào?

Pháp có diệt, tâm chẳng phải diệt chăng?

Kính bạch Thế Tôn, chẳng phải. Pháp có diệt, tâm nhất định sẽ diệt.

Ý ông thế nào?

Pháp không diệt, tâm có thể sanh chăng?

Kính bạch Thế Tôn, chẳng được. Pháp không diệt, tâm chẳng có nghĩa sanh.

Ý ông thế nào?

Pháp không sanh, tâm có thể diệt chăng?

Kính bạch Thế Tôn, chẳng được. Pháp không sanh, tâm không có nghĩa diệt.

Ý ông thế nào?

Pháp không sanh diệt, tâm có thể sanh diệt chăng?

Kính bạch Thế Tôn, không. Pháp không sanh diệt, tâm không có nghĩa sanh diệt.

Ý ông thế nào?

Nếu pháp đã diệt rồi, diệt nữa được chăng?

Kính bạch Thế Tôn, chẳng được. Nếu pháp diệt rồi thì chẳng thể diệt nữa.

Ý ông thế nào?

Nếu pháp sanh rồi, sanh nữa được chăng?

Kính bạch Thế Tôn, chẳng được. Nếu pháp sanh rồi, chẳng thể sanh nữa.

Ý ông thế nào?

Thật tánh các pháp có sanh diệt không?

Kính bạch Thế Tôn, thật tánh các pháp không sanh, không diệt.

Ý ông thế nào?

Tâm an trú là như tâm chân như chăng?

Kính bạch Thế Tôn! Đúng như vậy. Tâm an trú như thế là như tâm chân như.

Ý ông thế nào?

Nếu tâm an trú chân như, thì tâm như thế là chân như, tánh như thật tế, thường trụ chăng?

Kính bạch Thế Tôn, tâm này chẳng chân như, tánh như thật tế, thường trụ.

Ý ông thế nào?

Có phải chân như các pháp rất sâu xa chăng?

Kính bạch Thế Tôn! Đúng như thế. Chân như các pháp rất là sâu xa.

Ý ông thế nào?

Có phải chính chân như là tâm chăng?

Kính bạch Thế Tôn, chẳng phải.

Ý ông thế nào?

Có phải lìa chân như có tâm chăng?

Kính bạch Thế Tôn, chẳng phải.

Ý ông thế nào?

Có phải tâm tức là chân như chăng?

Kính bạch Thế Tôn, chẳng phải.

Ý ông thế nào?

Có phải lìa tâm có chân như chăng?

Kính bạch Thế Tôn, chẳng phải.

Ý ông thế nào?

Có phải chân như có thể thấy chân như chăng?

Kính bạch Thế Tôn, chẳng phải.

Ý ông thế nào?

Ông thấy có thật chân như không?

Kính bạch Thế Tôn, không.

Ý ông thế nào?

Nếu các Bồ Tát luôn hành như thế, có phải là hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa không?

Kính bạch Thế Tôn! Đúng như vậy. Nếu các Bồ Tát thường hành như thế thì chính là hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa.

***