Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - ​​​​​​​phẩm Mười Năm - Phẩm Như Lai

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

HỘI THỨ NĂM
 

PHẨM MƯỜI NĂM 

PHẨM NHƯ LAI
 

PHẦN HAI
 

Khi ấy, Thiên Tử Phạm Thế Cõi Dục cung kính chấp tay đồng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật đa như thế rất là sâu xa, rất khó tin hiểu. Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật cũng rất sâu xa, rất khó tin hiểu.

Phật Bảo các Thiên Tử: Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như lời ông nói.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như con hiểu nghĩa Phật dạy thì vô thượng bồ đề chẳng phải khó tin, khó đắc.

Vì sao?

Vì tất cả pháp hoàn toàn không, nên trong không không có pháp tín chứng pháp khác.

Vì sao?

Vì tự tánh tất cả pháp đều không. Nếu vì dứt hẳn pháp như thế nên nói pháp như thế, thì pháp này cũng không.

Do nhân duyên này, đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Phật, năng chứng, sở chứng, năng tri, sở tri, tất cả đều không, vắng lặng. Thế nên quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề chẳng phải khó tin hiểu, chẳng phải khó chứng đắc, do tất cả pháp hoàn toàn không. Tin hiểu như thế thì liền chứng đắc.

Phật Bảo Thiện Hiện: Người có thể tin chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề chẳng thể đắc, vì quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề chẳng phải thật có. Vì không chứa nhóm nên nói khó tin, khó đắc.

Khi ấy, Xá Lợi Tử bảo Thiện Hiện: Do tất cả pháp hoàn toàn không, nên Vô Thượng bồ đề rất khó tin, khó đắc.

Vì sao?

Vì tất cả pháp hoàn toàn không có tự tánh, đều như hư không.

Ví như hư không không nghĩ: Ta sẽ tin, sẽ đắc vô thượng bồ đề, các pháp cũng vậy, thế nên quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề rất khó tin, khó đắc.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Phật bồ đề chẳng phải khó tin, khó đắc thì không nên có các chúng Bồ Tát hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề nhiều như cát sông Hằng, sau lại thối lui, nên Phật bồ đề rất khó tin, khó đắc.

Thiện Hiện thưa: Ý Tôn Giả thế nào?

Sắc đối với bồ đề có thối lui không?

Xá Lợi Tử đáp: Thưa Thiện Hiện, không.

Thọ, Tưởng, Hành, Thức đối với bồ đề có thối lui không?

Xá Lợi Tử đáp: Thưa Thiện Hiện, không.

Lìa sắc, có pháp nào đối với bồ đề thối lui không?

Xá Lợi Tử đáp: Thưa Thiện Hiện, không.

Lìa Thọ, Tưởng, Hành, Thức, có pháp nào đối với bồ đề có thối lui không?

Xá Lợi Tử đáp: Thưa Thiện Hiện, không.

Chân như của sắc, đối với bồ đề có thối lui không?

Xá Lợi Tử đáp: Thưa Thiện Hiện, không.

Chân như của Thọ, Tưởng, Hành, Thức đối với bồ đề có thối lui không?

Xá Lợi Tử đáp: Thưa Thiện Hiện, không.

Lìa chân như của sắc, có pháp nào đối với bồ đề có thối lui không?

Xá Lợi Tử đáp: Thưa Thiện Hiện, không.

Lìa chân như của thọ, tưởng, hành, thức có pháp nào đối với bồ đề có thối lui không?

Xá Lợi Tử đáp: Thưa Thiện Hiện, không.

Chân như đối với bồ đề có thối lui không?

Xá Lợi Tử đáp: Thưa Thiện Hiện, không.

Lìa chân như đối với bồ đề có thối lui không?

Xá Lợi Tử đáp: Thưa Thiện Hiện, không.

Cụ thọ Thiện Hiện bảo Xá Lợi Tử: Nếu tất cả pháp chắc thật, tồn tại, hoàn toàn không sở hữu, đều chẳng thể đắc, thì nói những pháp nào đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề để có thể thối lui?

Xá Lợi Tử thưa: Như lời thầy nói:  Thật không có pháp, cũng không có hữu tình có thể nói có sự thối lui bồ đề.

Nếu vậy thì vì lẽ gì Phật thuyết ba hạng trụ Bồ Tát thừa, chỉ nên nói một?

Lại không nên lập có ba thừa khác, chỉ nên có một thừa Chánh Đẳng Giác?

Khi ấy, Mãn Từ Tử thưa với cụ thọ Xá Lợi Tử: Nên hỏi Thiện Hiện: Có phải là chỉ có một Bồ Tát thừa chăng?

Rồi sau đó mới có thể nạn vấn: Lẽ ra không nên kiến lập ba thừa sai khác, chỉ nên có một thừa Chánh Đẳng Giác.

Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện: Có phải chỉ có một Bồ Tát thừa chăng?

Thiện Hiện hỏi: Lẽ nào chân như có ba hạng Bồ Tát và ba thừa ư?

Xá Lợi Tử thưa: Thiện Hiện, chẳng phải vậy! Lẽ nào chân như có một Bồ Tát thừa, một Phật thừa chăng?

Xá Lợi Tử thưa: Thiện Hiện, chẳng phải vậy! Lẽ nào chân như có một pháp có thể thấy, gọi là một Bồ Tát và một thừa chăng?

Xá Lợi Tử thưa: Thiện Hiện, chẳng phải vậy.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bảo với Xá Lợi Tử: Nếu tất cả pháp chắc thật, tồn tại, hoàn toàn không sở hữu, chẳng thể đắc thì ba thừa Bồ Tát cũng như thế.

Như thế, thì vì lẽ gì gạn hỏi có một, có ba?

Nếu các Bồ Tát nghe thuyết tướng chân như không sai khác, chẳng kinh, chẳng sợ, cũng chẳng chìm đắm, thì các Bồ Tát này mau chứng bồ đề, nhất định không thối lui.

Khi ấy, Thế Tôn khen Thiện Hiện: Lành thay! Lành thay! Ông có thể vì các Bồ Tát thuyết điều cốt yếu của chánh pháp. Sự giảng thuyết của ông nương vào oai thần của Phật, tất cả Như Lai đều tùy hỷ về sự giảng thuyết của ông.

Nếu các Bồ Tát đối với tướng không sai biệt của các pháp chân như, hết lòng tin hiểu, thì nghe thuyết chân như của các pháp như thế chẳng kinh chẳng sợ, cũng chẳng chìm đắm. Các Bồ Tát này mau chứng quả vị giác ngộ cao tột, nhất định không thối lui.

Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu các Bồ Tát thành tựu pháp này thì nhất định chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề chăng?

Phật Bảo Xá Lợi Tử: Đúng như vậy! Đúng như vậy! Các Bồ Tát này nhất định chẳng rơi vào địa vị Thanh Văn v.v…

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu các Bồ Tát muốn chứng bồ đề, nên trụ như thế nào?

Nên học như thế nào?

Phật Bảo Thiện Hiện: Nếu các Bồ Tát muốn chứng bồ đề thì đối với các hữu tình nên trụ bình đẳng, nghĩa là đối với loài kia nên phát sanh tâm bình đẳng, tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả, tâm không sai khác, tâm khiêm tốn, tâm lợi ích, tâm an lạc, tâm không sân hận, não hại, tâm như cha mẹ… cũng dùng tâm này nói với họ.

Thiện Hiện nên biết! Nếu các Bồ Tát muốn chứng bồ đề thì nên trụ như thế, nên học như thế.

***