Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
 

PHẨM HAI MƯƠI BA

PHẨM SƯ TỬ HỐNG BỒ TÁT
 

PHẦN MỘT
 

Bấy giờ Đức Phật bảo tất cả đại chúng: Này các thiện nam tử! Các người nếu nghi là có Phật không Phật, có Pháp không Pháp, có Tăng không Tăng, có khổ không khổ, có tập không tập, có diệt không diệt, có đạo không đạo, có thiệt không thiệt, có ngã không ngã, có lạc không lạc, có tịnh không tịnh, có thường không thường.

Có thừa không thừa, có tánh không tánh, có chúng sanh không chúng sanh, có hữu không hữu, có chân không chân, có nhân không nhân, có quả không quả, có tác không tác, có nghiệp không nghiệp, có báo không báo, giờ đây tha hồ cho các người hỏi, ta sẽ phân biệt giải thuyết cho.

Ta thiệt chẳng thấy hoặc có Trời, Người, hoặc có Ma, Phạm, hoặc có Sa Môn hay Bà La Môn nào đến hỏi mà ta không giải đáp được.

Trong Pháp Hội có Bồ Tát hiệu Sư Tử Hống đứng dậy nghiêm chỉnh y phục đảnh lễ Đức Phật chấp tay quì bạch rằng: Thế Tôn! Tôi vừa muốn hỏi, Đức Như Lai đại từ lại đã hứa cho.

Phật bảo đại chúng rằng: Các người nên cung kính Bồ Tát này, cũng nên tôn trọng tán thán cùng đem các thứ hoa hương kỹ nhạc, anh lạc, phan lọng, y phục, đồ ăn uống, đồ nằm, thuốc men, phòng nhà, điện đường để cúng dường Bồ Tát.

Vì Bồ Tát này từ quá khứ Chư Phật đã sâu trồng thiện căn phước đức đã đầy đủ, vì thế nên muốn ở trước ta mà thưa hỏi: Như sư tử chúa tự biết sức lực nanh răng nhọn bén, bốn chân chống đất đứng trong hang vẩy đuôi gầm ra tiếng. Nếu có người nào đủ những tướng như vậy phải biết rằng có thể rống như sư tử, thiệt là sư tử chúa sáng sớm ra khỏi hang vươn vai ngáp nhìn ngó bốn phương, cất tiếng rống to.

Làm như thế là vì mười một điều:

Một là vì muốn phá dẹp những loài chẳng phải thiệt sư tử mà dối làm sư tử.

Hai là vì muốn thử sức mình.

Ba là vì muốn khiến chỗ ở thanh tịnh.

Bốn là vì muốn bầy sư tử con biết chỗ nơi.

Năm là vì muốn đoàn sư tử không tâm kinh sợ.

Sáu là vì muốn kẻ ngũ được thức tỉnh.

Bảy là vì muốn tất cả những thú phóng dật được siêng năng chẳng phóng dật.

Tám là vì muốn những thú khác đến chầu hầu.

Chín là vì muốn điều phục đại hương tượng.

Mười là vì muốn dạy bảo các con cái.

Mười một là vì muốn trang nghiêm quyến thuộc của mình.

Tất cả loài cầm thú nghe tiếng hống của Sư Tử, loài lội dưới nước liền lặn xuống vực sâu, loài chạy trên bờ nép trốn trong hang, loài chim bay thời rơi rớt, các đại hương tượng kinh hãi chạy té phẩn.

Như loài chồn cáo kia dầu đi theo sư tử trọn trăm năm nhưng chẳng thể rống lên tiếng như sư tử. Nếu là con sư tử, mới đầy ba năm thời có thể kêu rống như sư tử chúa.

Này thiện nam tử! Như Lai Chánh Đẳng Giác, trí huệ là nanh vuốt, bốn như ý túc là chân, đầy đủ sáu môn Ba la mật là thân, thập trí lực hùng mãnh là sức lực, đại từ bi là đuôi an trụ, tứ thiền là hang thanh tịnh, vì chúng sanh mà rống như sư tử, dẹp phá quân ma, hiện bày mười trí lực.

Mở mang chỗ đi của Phật, làm chỗ nương về cho bọn tà kiến, vỗ về những chúng sợ sệt sanh tử, giác ngộ chúng sanh vô minh ngủ nghỉ, làm cho người tạo ác sanh tâm ăn năn, khai thị tà kiến cho tất cả chúng sanh, làm cho họ biết hàng lục sư chẳng phải là tiếng rống của sư tử, để phá lòng kiêu mạn của ngoại đạo Phú Lâu Na v.v…

Làm cho hàng nhị thừa sanh lòng hối hận, dạy bảo các Bồ Tát bậc ngũ trụ cho họ sanh tâm đại lực, làm cho bốn bộ chúng chánh kiến chẳng sợ sệt những đồ chúng tà kiến, nên từ nơi thánh hạnh, phạm hạnh, thiên hạnh, vươn vai mà ra.

Muốn khiến các chúng sanh phá lòng kiêu mạn nên hà ngáp. Vì khiến chúng sanh thêm lớn pháp lành nên đoái ngó bốn phương. Vì khiến chúng sanh đặng tứ vô ngại biện nên bốn chân chấm đất. Vì khiến chúng sanh đầy đủ Thi La Ba la mật nên rống như sư tử.

Sư Tử Rống gọi là quyết định thuyết: Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh, Như Lai thường trụ không có biến đổi.

Này thiện nam tử! Hàng Thanh Văn, Duyên Giác dầu theo Đức Như Lai trong vô lượng vô số kiếp nhưng trọn không thể làm Sư Tử Rống. Thập Trụ Bồ Tát nếu có thể tu hành ba hạnh như trên, nên biết rằng đó là Sư Tử Rống.

Này đại chúng! Bồ Tát Sư Tử Hống đây, nay muốn làm Đại Sư Tử Rống, nên đại chúng phải nên thâm tâm cúng dường cung kính tôn trọng tán thán.

Bây giờ Thế Tôn bảo Sư Tử Hống Bồ Tát: Này thiện nam tử! Nếu ông muốn hỏi, giờ đây ông có thể hỏi.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là Phật Tánh?

Do nghĩa gì nên gọi là Phật Tánh?

Có gì lại gọi là thường, lạc, ngã, tịnh?

Nếu chúng sanh có Phật Tánh, tại sao lại chẳng thấy được Phật Tánh của tất cả chúng sanh?

Thập Trụ Bồ Tát trụ những pháp gì mà chẳng thấy Phật Tánh rõ ràng?

Phật trụ những pháp gì mà thấy được rõ ràng?

Thập Trụ Bồ Tát dùng con mắt gì mà thấy chẳng rõ ràng?

Phật dùng con mắt gì mà thấy Phật Tánh được rõ ràng?

Phật bảo: Này thiện nam tử! Lành thay! Lành thay! 

Nếu có ai vì pháp mà thưa hỏi thời là đầy đủ hai thứ trang nghiêm: Một là trí huệ, hai là phước đức. Nếu có Bồ Tát đầy đủ hai thứ trang nghiêm như vậy thời biết Phật Tánh, cũng lại rõ biết gọi là Phật Tánh, nhẫn đến có thể biết Thập Trụ Bồ Tát dùng con mắt gì, Chư Phật Thế Tôn dùng con mắt gì.

Sư Tử Hống Bồ Tát thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là trí huệ trang nghiêm?

Thế nào gọi là phước đức trang nghiêm?

Này thiện nam tử! Trí huệ trang nghiêm chính là từ nhất địa đến Thập Địa. Phước đức trang nghiêm chính là Đàn Ba la mật nhẫn đến bát nhã, chẳng phải là bát nhã Ba la mật.

Lại này thiện nam tử! Huệ trang nghiêm là nói Chư Phật và Bồ Tát. Phước đức trang nghiêm là nói Thanh Văn, Duyên Giác cùng cửu trụ Bồ Tát.

Lại này thiện nam tử! Phước đức trang nghiêm là hữu vi hữu lậu có quả báo, có ngại chẳng phải thường, là pháp phàm phu. Trí huệ trang nghiêm là vô vi vô lậu không quả báo, không ngại là thường trụ.

Này thiện nam tử! Nay ông đầy đủ hai thứ trang nghiêm này, nên ông có thể hỏi diệu nghĩa rất sâu Phật cũng đầy đủ hai thứ trang nghiêm này nên có thể giải đáp những nghĩa ấy.

Bạch Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát đầy đủ hai thứ trang nghiêm như vậy thời chẳng nên hỏi một thứ hai thứ. Tại sao Đức Thế Tôn nói rằng có thể đáp một thứ hai thứ. Vì tất cả pháp không có một thứ hai thứ. Một thứ hai thứ là tướng phàm phu.

Này thiện nam tử! Nếu có Bồ Tát không hai thứ trang nghiêm thời chẳng phải biết một thứ hai thứ. Phải là Bồ Tát đầy đủ hai thứ trang nghiêm mới có thể rõ biết một thứ hai thứ. Nếu nói các pháp không một hai đó, thời không đúng nghĩa. Vì nếu không một hai thế nào nói là tất cả pháp không một không hai.

Này thiện nam tử! Nếu nói một hai là tướng phàm phu, đây bèn gọi là bậc Thập Trụ Bồ Tát chẳng phải là phàm phu vậy.

Tại sao vậy?

Một đó gọi là Niết Bàn, hai đó gọi là sanh tử.

Tại sao một đó gọi là Niết Bàn?

Vì Niết Bàn là thường.

Tại sao hai đó là sanh tử?

Vì là ái và vô minh vậy.

Niết Bàn thường trụ đó chẳng phải là tướng phàm phu. Sanh tử là hai đó cũng chẳng phải tướng phàm phu. Do nghĩa này nên người đủ hai thứ trang nghiêm thời có thể hỏi có thể đáp.

Ông hỏi thế nào là Phật Tánh đó?

Lắng nghe! Ta sẽ phân biệt giải thuyết cho ông.

Này thiện nam tử! Phật Tánh đã gọi là đệ nhất nghĩa không, đệ nhất nghĩa không gọi là trí huệ. Không đây là chẳng thấy không cùng bất không. Người trí thấy không và bất không thường cùng vô thường khổ với lạc, ngã cùng vô ngã. Không là nói tất cả sanh tử. Bất không là nói Đại Niết Bàn. Nhẫn đến vô ngã chính là sanh tử. Ngã đó chính là Đại Niết Bàn.

Thấy tất cả không mà chẳng thấy bất không thời chẳng gọi là trung đạo. Nhẫn đến thấy tất cả vô ngã mà chẳng thấy ngã thời chẳng gọi là trung đạo. trung đạo đó gọi là Phật Tánh. Do nghĩa này nên Phật Tánh là thường hằng không biến đổi vì vô minh che đậy làm cho chúng sanh chẳng thấy được.

Hàng Thanh Văn, Duyên Giác thấy tất cả không mà chẳng thấy bất không, nhẫn đến thấy tất cả vô ngã mà chẳng thấy ngã, do đây nên chẳng được đệ nhất nghĩa không. Vì chẳng đặng đệ nhất nghĩa không nên chẳng đi được nơi trung đạo. Vì không trung đạo nên chẳng thấy Phật Tánh.

Này thiện nam tử! Phàm có ba hạng chẳng thấy trung đạo. Một là định lạc hành, hai là định khổ hành, ba là khổ lạc hành. Định lạc hành chính là Đại Bồ Tát vì thương xót tất cả chúng snh, nên dầu ở địa ngục A tỳ nhưng an vui như đệ tam thiền.

Định khổ hành là nói hàng phàm phu. Khổ lạc hành là nói Thanh Văn, Duyên Giác. Thanh Văn, Duyên Giác hành nơi khổ lạc mà tưởng là trung đạo, do đây nên dầu có Phật Tánh mà chẳng thấy được.

Như ông hỏi nghĩa gì gọi là Phật Tánh?

Này thiện nam tử! Phật Tánh chính là vô thượng bồ đề của tất cả Chư Phật, là chủng tử của trung đạo.

Lại này thiện nam tử! Đạo có ba: Thượng, trung, hạ. Đạo bậc hạ là Phạm Thiên vô thường nhận lầm là thường. Đạo bậc thượng là sanh tử vô thường nhận lầm là thường. Tam Bảo là thường chấp là vô thường.

Cớ gì gọi là bậc thượng?

Vì có thể đặng vô thượng bồ đề.

Đạo bậc trung gọi là đệ nhất nghĩa không: Vô thường thấy là vô thường, thường thấy là thường. Đệ nhất nghĩa không chẳng gọi là hạ, vì tất cả phàm phu không thể được, lại chẳng gọi là bậc thượng, vì chính đây là thượng. Đạo của Chư Phật Bồ Tát tu hành chẳng phải thượng chẳng phải hạ nên gọi là trung đạo.

Này thiện nam tử! Bờ mé sanh tử phàm có hai thứ cội gốc: Một là vô minh, hai là hữu ái. Chặn giữa hai thứ này thời có quả khổ sanh già bệnh chết, đây gọi là trung đạo. Trung đạo như đây có thể phá sanh tử nên gọi là trung. Do nghĩa này nên pháp trung đạo gọi là Phật Tánh.

Vì thế nên Phật Tánh là thường lạc ngã tịnh. Bởi chúng sanh chẳng thấy được Phật Tánh nên là vô thường vô lạc vô ngã vô tịnh. Phật Tánh thiệt chẳng phải là vô thường vô lạc vô ngã vô tịnh.

Ví như người nghèo trong nhà có kho châu báu vì người này chẳng thấy nên không được sung sướng tự tại. Có người trí dùng phương tiện chỉ bảo cho được thấy. Nhờ thấy có châu báu người này hết khổ đặng sung sướng tự tại.

Cũng vậy, vì chúng sanh chẳng thấy Phật Tánh nên là vô thường vô lạc vô ngã vô tịnh. Do thiện tri thức, Chư Phật và Bồ Tát dùng nhiều phương tiện dạy bảo mà chúng sanh thấy Phật Tánh. Do thấy Phật Tánh nên chúng sanh được thường, lạc, ngã, tịnh.

Kiến chấp của chúng sanh phàm có hai: Thường kiến và đoạn kiến. Hai thứ kiến chấp này chẳng gọi là trung đạo. Không thường không đoạn mới gọi là trung đạo, không thường không đoạn, tức là trí quán chiếu mười hai nhân duyên. Quán trí này gọi là Phật Tánh.

Hàng nhị thừa dầu quán nhân duyên nhưng còn chẳng được gọi là Phật Tánh. Phật Tánh dầu là thường bởi chúng sanh bị vô minh che đậy nên không thấy được. Lội chưa qua được sông mười hai nhân duyên, dụ như thỏ và ngựa kia, vì chẳng thấy Phật Tánh.

Này thiện nam tử! Trí huệ quán chiếu mười hai nhân duyên đây chính là chủng tử của vô thượng bồ đề. Do nghĩa này nên mười hai nhân duyên gọi là Phật Tánh. Ví như dưa hấu gọi là bệnh nhiệt, vì dưa này có thể làm nhân duyên bệnh nhiệt. Mười hai nhân duyên cũng như vậy.

Này thiện nam tử! Phật Tánh có nhân, có nhân nhân, có quả, có quả quả. Có nhân đó chính là mười hai nhân duyên. Nhân nhân đó chính là trí huệ. Có quả chính là vô thượng bồ đề. Quả quả đó chính là vô thượng Đại Niết Bàn.

Này thiện nam tử! Như vô minh là nhân, hành là quả. Hành là nhân, thức là quả. Do nghĩa này nên thể vô minh kia cũng là nhân, cũng là nhân nhân. Thức cũng là quả, cũng là quả quả. Phật Tánh cũng như vậy.

Này thiện nam tử! Do nghĩa này nên mười hai nhân duyên chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng thường, chẳng đoạn, chẳng một, chẳng hai, chẳng đến, chẳng đi, chẳng chân, chẳng quả.

Là nhân mà chẳng phải quả như Phật Tánh.

Là quả mà chẳng phải nhân như Đại Niết Bàn.

Là nhân cũng là quả như những pháp do mười hai nhân duyên sanh.

Chẳng phải nhân chẳng phải quả gọi là Phật Tánh. Vì chẳng phải nhân quả nên thường hằng không biến đổi.

Do nghĩa này nên trong Kinh Phật nói mười hai nhân duyên ý nghĩ rất sâu không thể biết, không thể thấy, chẳng thể nghĩ bàn, là cảnh giới của Chư Phật và Bồ Tát, chẳng phải hàng Thanh Văn, Duyên Giác đến được.

Do nghĩa gì mà là rất sâu?

Nghiệp hạnh của chúng sanh chẳng thường chẳng đoạn mà có quả báo dầu niệm niệm diệt mà không mất, dầu không tác giả mà có tác nghiệp, dầu không thọ giả mà có quả báo. Thọ giả, dầu diệt mà quả chẳng hư. Không có lự tri nhưng hòa hiệp mà có.

Tất cả chúng sanh dầu cùng đi với mười hai nhân duyên mà chẳng thấy chẳng biết. Vì chẳng thấy biết nên không có chung thỉ. Bậc Thập Trụ Bồ Tát chỉ thấy chung mà chẳng thấy thỉ.

Chư Phật thấy thỉ thấy chung. Do nghĩa này nên Chư Phật thấy Phật Tánh được rõ ràng. Tất cả chúng sanh vì chẳng thấy được mười hai nhân duyên nên phải luân chuyển.

Như tằm làm kén tự sống tự chết. Tất cả chúng sanh cũng như vậy, vì chẳng thấy Phật Tánh nên tự tạo nghiệp mà lưu chuyển sanh tử, dường như đánh trái cầu.

Vì thế nên trong các Kinh Phật nói: Nếu có người thấy được mười hai nhân duyên thời là thấy pháp, thấy pháp đó chính là thấy Phật. Phật đó chính là Phật Tánh, vì tất cả Chư Phật dùng đây làm tánh.

Này thiện nam tử! Trí quán mười hai nhân duyên có bốn hạng: Một là hạ, hai là trung, ba là thượng, bốn là thượng thượng.

Quán trí bậc hạ chẳng thấy Phật Tánh, vì chẳng thấy nên chứng được đạo Thanh Văn. Trí quán bậc trung chẳng thấy Phật Tánh, vì chẳng thấy nên chứng đặng đạo Duyên Giác.

Trí quán bậc thượng thấy Phật Tánh chẳng rõ ràng, vì thấy chẳng rõ ràng nên trụ bậc Thập Trụ. Trí quán bậc Thượng Thượng thấy Phật Tánh rõ ràng nên chứng được vô thượng bồ đề.

Do nghĩa đây nên mười hai nhân duyên gọi là Phật Tánh. Phật Tánh chính là đệ nhất nghĩa không. Đệ nhất nghĩa không gọi là trung đạo. trung đạo đó gọi là Phật. Phật đây là Niết Bàn.

Sư Tử Hống Bồ Tát bạch Phật: Thế Tôn! Nếu Phật cùng Phật Tánh không sai khác, thời tất cả chúng sanh cần gì tu hành?

Phật bảo: Này thiện nam tử! Lời ông hỏi không đúng. Phật cùng Phật Tánh dầu không sai khác nhưng chúng sanh đều chưa đầy đủ. Ví như có người ác tâm muốn hại mẹ, hại rồi sanh lòng ăn năn, ba nghiệp dầu lành, nhưng người này vẫn gọi là người địa ngục, vì người này quyết định sẽ đọa địa ngục vậy.

Hiện tại người này dầu không thân địa ngục nhưng vẫn gọi là người địa ngục. Do đây nên trong các Kinh Phật nói nếu thấy có người tu hành hạnh lành thời gọi là thấy người Trời. Thấy người tạo ác thời gọi là thấy địa ngục. Vì quyết định sẽ thọ quả báo.

Này thiện nam tử! Vì tất cả chúng sanh quyết định được vô thượng bồ đề nên Phật nói tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh. Nhưng thật ra tất cả chúng sanh chưa có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp.

Do nghĩa đây nên nơi Kinh này Phật nói kệ rằng:

Trước có nay không

Trước không nay có

Ba đời có pháp

Nghĩa này không đúng.

Này thiện nam tử!

Có ba thứ có: Một là vị lai có, hai là hiện tại có, ba là quá khứ có.

Tất cả chúng sanh vị lai sẽ có vô thượng bồ đề, đây gọi là Phật Tánh. Tất cả chúng sanh hiện tại điều có phiền não, nên hiện tại không có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Tất cả chúng sanh quá khứ có dứt phiền não nên hiện tại được thấy Phật Tánh.

Do nghĩa này Phật thường tuyên nói: Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh, nhẫn đến nhất xiển đề cũng có Phật Tánh. Nhất xiển đề không có pháp lành. Phật Tánh là pháp lành vị lai họ sẽ có. Nhất xiển đề đều có Phật Tánh, vì họ quyết định sẽ đặng thành vô thượng bồ đề. Ví như có người trong nhà có sữa lạc.

Có người hỏi: Ông có tô không?

Đáp rằng tôi có. Lạc thiệt chẳng phải tô, do phương tiện khéo, chắc sẽ đặng tô, nên đáp rằng có tô. Chúng sanh cũng như vậy tất cả đều có tâm. Phàm người có tâm sẽ được thành vô thượng bồ đề.

Do nghĩa đây nên Phật thường tuyên nói: Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh.

Này thiện nam tử! Tất cánh có hai thứ: Một là trang nghiêm tất cánh, hai là cứu cánh tất cánh. Và một là thế gian tất cánh, hai là xuất thế tất cánh. Trang nghiêm tất cánh là sáu môn Ba la mật. Cứu cánh tất cánh là nhất thừa của tất cả, chúng sanh chứng được. Nhất thừa đó gọi là Phật Tánh.

Do nghĩa đây nên Phật nói tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh, tất cả chúng sanh đều có nhất thừa, vì vô minh che đậy nên chẳng thấy được.

Như Châu Uất Đơn Việt, Đao Lợi Thiên, vì quả báo che ngăn nên chúng sanh ở đây chẳng thấy được. Phật Tánh cũng như vậy, do các phiền não kiết sử che ngăn nên chúng sanh chẳng thấy được.

Này thiện nam tử! Phật Tánh chính là Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội tánh như đề hồ, chính là mẹ của tất cả Chư Phật. Do sức của Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội mà Chư Phật được thường, lạc, ngã, tịnh.

Tất cả chúng sanh đều có Thủ Lăng Nghiêm tam muội vì chẳng tu hành nên không được thấy, vì thế nên không thể được thành vô thượng bồ đề.

Này thiện nam tử! Thủ Lăng Nghiêm tam muội có năm tên: Một là Thủ Lăng Nghiêm tam muội, hai là bát nhã Ba la mật, ba là Kim Cang tam muội, bốn là Sư Tử Hống tam muội, năm là Phật Tánh. Tùy theo năng lực chỗ làm của tam muội mà có tên khác nhau.

Này thiện nam tử! Như một tam muội có nhiều tên, như thiền gọi là tứ thiền, căn gọi là định căn, lực gọi là định lực, giác gọi là định giác, chánh gọi là chánh định, bát Đại Nhân giác gọi là định giác, Thủ Lăng Nghiêm tam muội cũng như vậy.

Này thiện nam tử! Tất cả chúng sanh đầy đủ ba môn định: Thượng, trung và hạ. Thượng là nói Phật Tánh, do đây nên nói tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh. Trung là tất cả chúng sanh đầy đủ sơ thiền, lúc có nhân duyên thời có thể tu tập, nếu không nhân duyên thời chẳng thể tu tập.

Nhân duyên đây có hai thứ: Một là hỏa tai, hai là phá kiết sử cõi dục, do đây nên nói rằng tất cả chúng sanh đều đầy đủ định bậc Trung. Hạ định là định tâm sở trong mười đại địa, do đây nên nói tất cả chúng sanh đều đầy đủ định bậc hạ.

Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh vì phiền não che đậy nên chẳng được thấy. Thập Trụ Bồ Tát dầu thấy Nhất Thừa nhưng chẳng biết Như Lai là pháp thường trụ, do đây nên nói rằng Thập Trụ Bồ Tát dầu thấy Phật Tánh mà chẳng rõ ràng.

Này thiện nam tử! Thủ Lăng gọi là nhất thiết sự tất cánh, Nghiêm là kiên, nhất thiết sự tất cánh mà đặng kiên cố gọi là Thủ Lăng Nghiêm. Do đây nên nói rằng Thủ Lăng Nghiêm định gọi là Phật Tánh.

Này thiện nam tử! Một lúc nọ ta ở bên sông Ni Liên Thiền, bảo A Nan rằng: Nay ta muốn tắm rửa, ông nên lấy y và đem tháo đậu. Ta vào trong nước, tất cả loài chim cùng những loài ở trên đất, ở dưới nước đều tụ đến xem ngó ta.

Lúc đó lại có năm trăm vị Phạm Chí đi đến bờ sông bảo nhau rằng: Thế nào mà được thân Kim Cương?

Nếu giả sử ông Cù Đàm chẳng nói đoạn kiến, ta sẽ theo ông để thỉnh thọ trai pháp.

Này thiện nam tử! Lúc đó ta dùng tha tâm trí biết tâm niệm của các Phạm Chí, bèn bảo họ rằng tại sao cho rằng ta nói đoạn kiến?

Các Phạm Chí đáp: Lúc trước ở trong các Kinh Cù Đàm nói tất cả chúng sanh đều không có ngã, đã nói không ngã sao lại chẳng phải đoạn kiến?

Nếu không ngã thời ai trì giới?

Ai phá giới?

Này các Phạm Chí! Ta nói tất cả chúng sanh đều không ngã. Ta cũng thường tuyên nói tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh.

Phật Tánh đó há chẳng phải là ngã ư?

Do nghĩa này nên ta chẳng nói đoạn kiến. Vì tất cả chúng sanh chẳng thấy Phật Tánh nên là vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh, đây thời gọi là nói đoạn kiến vậy.

Lúc đó các Phạm Chí nghe nói Phật Tánh chính là ngã, liền phát tâm vô thượng bồ đề, đồng thời xuất gia tu đạo bồ đề. Tất cả những loài chim bay cá lội, thú chạy cũng đều phát tâm vô thượng bồ đề, đã phát tâm rồi chúng nó liền được bỏ thân chim thú.

Này thiện nam tử! Phật Tánh đây thiệt chẳng phải ngã, vì chúng sanh nên nói là ngã. Vì có nhân duyên nên Như Lai nói vô ngã là ngã, mà thật là vô ngã. Dầu nói như vậy nhưng không hư vọng. Vì có nhân duyên, Như Lai nói ngã là vô ngã, mà thiệt là có ngã.

Vì thế giới chúng sanh nên dầu nói vô ngã mà không hư vọng. Phật Tánh vô ngã Như Lai nói là ngã, vì Phật Tánh là thường. Như Lai là ngã mà nói là vô ngã, vì được tự tại.

Sư Tử Hống Bồ Tát bạch rằng: Thế Tôn! Nếu tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh như Kim Cang Lực Sĩ, do cớ gì mà tất cả chúng sanh chẳng được thấy.

Phật nói: Này thiện nam tử! Như sắc pháp dầu có màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hình chất dài ngắn, mà kẻ mù chẳng thấy. Dầu chẳng thấy nhưng cũng chẳng thể nói rằng không có xanh, vàng, đỏ, trắng hình chất dài ngắn. Vì dầu rằng người mù chẳng thấy, nhưng người mắt sáng thời được thấy.

Phật Tánh cũng như vậy, tất cả chúng sanh dầu chẳng được thấy, nhưng Thập Trụ Bồ Tát thấy được một ít phần, Đức Như Lai thời thấy rõ hoàn toàn.

Thập Trụ Bồ Tát thấy Phật Tánh như đêm tối thấy hình sắc, Đức Như Lai thấy Phật Tánh như giữa ban ngày thấy hình sắc. Như người mắt lòa thấy hình sắc chẳng rõ ràng, lương y điều trị, do công dụng của thuốc nên được rõ ràng. Thập Trụ Bồ Tát cũng như vậy, dầu thấy Phật Tánh nhưng chẳng được rõ ràng, nhờ năng lực của Thủ Lăng Nghiêm tam muội mà được thấy rõ ràng.

Này thiện nam tử! Nếu có người thấy tất cả pháp là vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh, thấy chẳng phải tất cả pháp cũng là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, người như vậy thời chẳng thấy Phật Tánh. Trên đây nói tất cả pháp đó là nói sanh tử. Còn chẳng phải tất cả pháp đó là nói Tam Bảo.

Hàng Thanh Văn, Duyên Giác thấy tất cả pháp là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Thấy chẳng phải tất cả pháp cũng là vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh, vì thế nên chẳng thấy Phật Tánh.

Thập Trụ Bồ Tát thấy tất cả pháp là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, còn chẳng phải tất cả pháp thời phần ít là thường, lạc, ngã, tịnh do đây nên trong mười phần thấy được một phần.

Chư Phật Thế Tôn thấy tất cả pháp là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, thấy chẳng phải tất cả pháp là thường, lạc, ngã, tịnh. Vì thế nên Như Lai thấy Phật Tánh xem như trái A Ma Lặc trong bàn tay. Do nghĩa này nên Thủ Lăng Nghiêm định gọi là tất cánh.

Này thiện nam tử! Như đêm mùng một dầu chẳng thấy Mặt Trăng nhưng chẳng được nói là không. Phật Tánh cũng như vậy, tất cả phàm phu dầu chẳng được thấy, cũng chẳng được nói rằng không có Phật Tánh.

Này thiện nam tử! Phật Tánh là mười trí lực, bốn vô sở úy, đại bi tam niệm. Tất cả chúng sanh thời có ba thứ ấy, vì sau khi phá trừ phiền não thời được thấy.

Hàng nhất xiển đề sau khi phá trừ nhất xiển đề thời có thể được ba thứ ấy. Do nghĩa này nên Phật thường tuyên nói tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh.

Này thiện nam tử! Tất cả chúng sanh đều đồng có mười hai nhân duyên, cũng có nội, cũng có ngoại.

Những gì là mười hai?

Phiền não quá khứ gọi là vô minh, nghiệp quá khứ gọi là hành.

Trong đời hiện tại, lúc sơ khởi thọ thai gọi là thức.

Năm phần nhập thai chưa đủ bốn căn gọi là danh sắc.

Đầy đủ bốn căn gọi là lục nhập.

Chưa phân biệt khổ vui gọi là xúc.

Nhiễm tập một ái gọi là thọ.

Quen gần ngũ dục thời gọi là ái.

Tham cầu trong và ngoài thời gọi là thủ.

Vì sự trong ngoài mà khởi nghiệp thân, khẩu, ý đây gọi là hữu.

Thức đời hiện tại gọi là vị lai sanh.

Hiện tại danh sắc, lục, nhập, xúc, thọ thời gọi là vị lai lão, bệnh, tử vậy.

Đây gọi là mười hai nhân duyên.

***