Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn Hậu Phần

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI BÁT NIẾT BÀN HẬU PHẦN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nhã Na Bạt Đà La, Đời Đường
 

PHẨM BỐN

PHẨM CƠ CẢM TRÀ TỲ
 

Bấy giờ, tất cả trai gái ở bên trong thành Câu Thi buồn khóc rơi nước mắt, họ không biết phép tắc trà tỳ thế nào, bèn hỏi A Nan: Đức Như Lai Niết Bàn, nên theo phép tắc như thế nào để có thể trà tỳ?

Lúc này, vị Trời Đế Thích biết đầy đủ sự việc trên nên trả lời: Như điều Đức Phật nói, y theo phép của Luân Vương.

Lúc này, tất cả dân chúng ở bên trong thành Câu Thi buồn khóc rơi lệ, hết thảy đều vào trong thành, lập tức làm kim quan được trang hoàng bằng bảy thứ quý báu. Họ liền sắm sửa một ngàn tấm vải bông màu trắng vi diệu vô giá, vô số bông Đâu la đẹp đẽ mịn màng.

Họ sắm sửa vô số trầm thủy, chiên đàn vi diệu, trăm ngàn vạn thứ bột hương hòa trộn, hương sáp, nước thơm. Hết thảy hàng tơ lụa, lọng, phướn, hoa v.v… giống như đám mây đầy khắp ở giữa hư không chất cao như núi Tu Di. Khi đã sắm sửa xong xuôi, họ buồn thảm, nước mắt ròng ròng, đem đến chỗ Đức Phật rồi rải vào ở trước Đức Như Lai, đau xót nghẹn ngào không kể xiết mà tỏ ý cúng dường.

Bấy giờ, tất cả dân chúng và các đại chúng ở bên trong thành Câu Thi, một lần nữa họ lại buồn thảm nghẹn ngào, tuôn trào nước mắt. Họ lại cầm vô lượng hương hoa, phướn lọng, tất cả vật dụng cúng dường, giống như đám mây đầy khắp không trung.

Họ nắm tay lẫn nhau đấm ngực nghẹn ngào, nước mắt ràn rụa, nỗi đau xót làm chấn động Đại Thiên Thế Giới, họ rải các thứ vào trước Đức Như Lai để cúng dường một cách buồn thảm.

Lúc ấy, đại chúng buồn bã nức nở nghẹn ngào, tâm cung kính sâu nặng, mỗi người lấy vải bông màu trắng mịn màng đẹp đẽ để bao che tay mình, rồi đỡ Đức Như Lai vào trong kim quan, họ rót đầy dầu thơm, liền đóng nắp áo quan lại.

Bấy giờ, tất cả nam và nữ ở trong thành Câu Thi có lòng lành, tham phước đức, họ cứ muốn giữ lấy công đức đối với Như Lai, không để cho tất cả đại chúng, Trời và người cùng nâng kim quan Đức Phật.

Họ liền cùng nhau bàn bạc cặn kẽ, sai bốn người lực sĩ khỏe mạnh vạm vỡ không ai bằng, họ cởi chuỗi ngọc và y phục mà mình đang mang, mong mỏi trong lòng xin nâng Thánh quan Đức Như Lai, muốn đưa vào bên trong thành.

Họ tự tỏ ý cúng dường, bèn dốc hết thần lực của mình, song hoàn toàn không thể nào nâng nổi.

Lúc này, mọi người ở bên trong thành lại sai tám vị đại lực sĩ đến chỗ quàn Thánh quan, họ cởi áo mà mình đang mặc, cùng chung nâng kim quan Đức Phật lên, ai nấy đều dốc hết thần lực của mình, song cũng hoàn toàn không thể nâng được.

Mọi người trong thành Câu Thi lại sai mười sáu vị đại lực sĩ tột bực đi đến chỗ quàn kim quan, họ cởi áo mà mình đang mặc, cùng chung nâng kim quan Đức Phật lên, song cũng không thể nào nâng nổi.

Bấy giờ, Lâu đậu nói với những vị lực sĩ: Cho dù hết cả mọi người trong thành, nam, nữ, người lớn, kẻ nhỏ, họ cùng nâng kim quan Như Lai, muốn đưa vào trong thành, cũng không thể nào được, huống gì là các ông mà có thể nâng nổi hay chăng?

Các ông hãy nên thỉnh cầu đại chúng và Chư Thiên giúp sức các ông để nâng kim quan, thì mới đưa được vào thành.

Lời của Lâu đậu nói chưa xong, bấy giờ Đế Thích liền cầm chiếc lọng lớn bằng bảy báu vi diệu, vô số hương và hoa cờ phướn, âm nhạc, cùng với các chúng Cõi Trời buồn thảm nức nở, nước mắt ròng ròng, họ buông các thứ ở giữa hư không để cúng dường Thánh quan. Cả đến tầng Trời thứ sáu và Cõi Trời thuộc sắc giới đều cúng dường Thánh quan giống như Đế Thích.

Lúc ấy, lòng đại bi của Đức Thế Tôn bao trùm khắp cả, khiến cho các thế gian được tâm bình đẳng và được phước giống hệt nhau. Ở rừng Ta La, tức thời chiếc kim quan tự nhiên nâng lên, lên giữa hư không cao bằng một cây Đa La. Tất cả dân chúng ở bên trong thành Câu Thi và các thế gian, đại chúng Trời người, họ không được cùng nâng Thánh quan Đức Phật.

Lúc này, Đế Thích và các chúng Cõi Trời liền cầm chiếc lọng lớn bằng bảy thứ quý báu và đài báu bốn trụ, bốn phía trang nghiêm, chuỗi ngọc anh lạc bảy báu treo rủ xuống giữa hư không che phủ Thánh quan Đức Phật.

Vô số hương hoa, cờ phướn, chuỗi ngọc, âm nhạc vi diệu lẫn lộn nhiều màu sặc sỡ ở giữa hư không để cúng dường. Cả đến Chư Thiên ở tầng Trời thứ sáu và Sắc Giới bày biện đồ gấp bội Đế Thích ở trước, để che phủ Thánh quan Đức Phật và tỏ ý cúng dường.

Bấy giờ, tất cả dân chúng ở trong thành Câu Thi thấy Thánh quan Đức Phật lên ở giữa hư không, họ đấm ngực khóc òa, đau thương nghẹn ngào áo não. Khi ấy, tất cả hàng Trời Người ở phía trước quan tài quý báu của đức Đại Thánh tôn quý, họ rải khắp chân châu bảy báu, hương hoa, chuỗi ngọc anh lạc vi diệu sặc sỡ, bay lả tả như mây, mặt đất và hư không thảy đều đầy khắp.

Họ khóc một cách thảm thương, nước mắt ròng ròng, cúng dường linh quan bảy báu của Đức Như Lai, mọi người đồng thanh xướng lên: Khổ thay! Khổ thay! Chúng ta không có phước, cho nên không thể nào nâng Thánh quan Đức Phật được.

Chúng ta trơ trọi côi cút, gốc rễ tốt lành có ăn thua gì đâu?

Lúc này, kim quan đức Đại Thánh Thế Tôn ở giữa hư không ngay khu rừng Ta La từ từ đáp hư không vào theo cửa phía Tây thành Câu Thi.

Khi ấy, tất cả nam và nữ trong thành Câu Thi, vô số hàng Bồ Tát, Thanh Văn, đại chúng Trời Người, thảy đều đầy khắp mặt đất và hư không, họ đi theo linh quan Đại Thánh Như Lai, nắm tay lẫn nhau khóc òa gào thét, họ đấm ngực kêu la, nức nở chảy nước mắt. Mỗi người cầm vô số hương và hoa, cờ phướn lọng tàn quý báu, mặt đất và hư không thảy đều đầy khắp, họ đau xót than vãn cúng dường linh quan.

Thành Câu Thi na ấy một phía rộng dọc bốn mươi tám do tuần. Bấy giờ, kim quan bảy báu của Đức Như Lai từ từ đáp hư không ra theo cửa phía Đông thành Câu Thi, rồi đáp hư không vòng quanh bên phải để vào cửa phía Nam của thành. Dần dần đi giữa hư không, ra từ cửa phía Bắc.

Kim quan đáp hư không vòng quanh bên trái trở lại vào từ cửa phía Tây thành Câu Thi. Hết lần này đến lần khác như thế, đi quanh ba vòng xong, kim quan đáp hư không từ từ trở lại vào cửa phía Tây, rồi đáp hư không mà đi từ cửa phía Đông để ra. Kim quan đi giữa hư không vòng quanh bên trái rồi vào cửa phía Bắc của thành.

Dần dần đi giữa hư không, ra từ cửa phía Nam. Kim quan đáp hư không vòng quanh bên phải rồi trở lại vào cửa phía Tây. Hết lần này đến lần khác như thế, trải qua bốn vòng quanh. Kim quan đi vòng quanh bên trái và bên phải thành Câu Thi như thế trải qua được bảy vòng.

Bấy giờ, khi Thánh quan bảy báu đang vào thành, tất cả đại chúng nghẹn ngào, gào khóc thảm thiết, mỗi người cầm vô số gỗ thơm vi diệu, chiên đàn, trầm thủy, hết thảy hương thơm quý báu, vân cây và thớ gỗ thơm tho sạch sẽ xông khắp Thế Giới. Họ lại cầm vô số cờ phướn báu, lọng báu, hương hoa, chuỗi ngọc anh lạc đến chỗ trà tỳ để cúng dường một cách đau xót buồn rầu.

Lúc này, bốn vị Thiên Vương và các chúng Cõi Trời xót thương nức nở, nước mắt ròng ròng. Mỗi vị đều cầm cây chiên đàn, trầm thủy thượng diệu trên Cõi Trời, bên trong tỏa ra mùi thơm tinh khiết ngào ngạt cùng khắp, mỗi vị cầm năm trăm gốc lớn như bánh xe. Họ lại cầm tất cả hương thơm quý báu, cờ phướn báu, lọng báu, hoa đẹp, chuỗi ngọc, đi đến chỗ trà tỳ để cúng dường một cách buồn thảm.

Tầng Trời thứ hai mỗi vị cầm một ngàn gốc. Tầng Trời thứ ba, mỗi vị cầm hai ngàn gốc. Tầng Trời thứ tư, mỗi vị cầm ba ngàn gốc. Tầng Trời thứ năm, mỗi vị cầm bốn ngàn gốc. Tầng Trời thứ sáu, mỗi vị cầm năm ngàn gốc và phướn, hoa, họ đến chỗ trà tỳ để cúng dường một cách buồn thảm.

Bấy giờ, Chư Thiên Cõi Sắc và Cõi Vô Sắc chỉ có hương và hoa, họ mang đến chỗ trà tỳ để cúng dường một cách đau xót.

Lúc ấy, hết thảy đại chúng trong thế gian, mỗi người cầm chiên đàn, trầm thủy, hương, hoa, cờ phướn, lọng vi diệu, đến chỗ trà tỳ để cúng dường một cách đau buồn.

Bấy giờ, Lâu đậu sụt sùi, nước mắt ràn rụa, nỗi thương tiếc tột cùng. Ông đến theo các hàng Trời và người để xin đủ sáu ngàn gốc gỗ thơm, chiên đàn, trầm thủy vi diệu, vân cây và thớ gỗ thơm tho tinh khiết ngào ngạt cùng khắp, ông đến chỗ trà tỳ để cúng dường một cách xót thương.

Ao A nậu đạt bốn mặt dọc ngang hai trăm do tuần, phát ra bốn con sông lớn. Khi Đức Phật mới thành đạo bên bờ phía Bắc sông Hằng, có một cây chiên đàn theo Đức Phật mà mọc lên, cây lớn giống như bánh xe, cao bằng bảy cây Đa La, mùi thơm lan tỏa khắp để cúng dường Đức Như Lai.

Vị thần cây và cây thơm ấy cùng sinh ra một lần, vị ấy thường lấy hương thơm này để cúng dường cho Đức Phật. Đức Phật nhập Niết Bàn, cây chiên đàn này liền diệt mất theo Đức Phật.

Vỏ và lá cây đều rụng, vị thần cũng chết theo luôn. Có các vị thần khác lấy cây thơm này đưa đến chỗ trà tỳ để cúng dường một cách xót thương. Vùng đất ấy chính là chỗ trà tỳ của Chư Phật trong ba đời, đấng Đại Giác Thế Tôn nương theo lực bản nguyện cũng trà tỳ ở chỗ này. Chỗ ấy có vô lượng ngôi Tháp báu của Chư Phật và các vị thuở xưa, đó là nơi vững chắc kim cương không thể hoại.

Lúc này, kim quan quý báu của đức Đại Thánh Như Lai dần dần bay đi giữa hư không đến chỗ trà tỳ. Kim quan từ hư không hạ xuống an trí trên giường bằng bảy báu. Giường ấy dùng tất cả mọi thứ chuỗi ngọc anh lạc vô giá đẹp đẽ và đủ màu sắc sặc sỡ để trang nghiêm. Vào lúc ấy kim quan lại được quàn trải qua bảy ngày.

Bấy giờ, tất cả nam và nữ bên trong thành Câu Thi, vô số Bồ Tát, Thanh Văn, hết thảy đại chúng ở Ba mươi ba cảnh Trời, họ đau xót nghẹn ngào cầm các phướn lọng, cờ báu, hương và hoa đi theo kim quan Đức Phật trải qua bảy ngày.

Nhờ sức Thần Thông của Đức Phật, tất cả hàng Trời Người không có ý tưởng đói khát, không suy nghĩ đến sự ăn uống gì cả, chỉ thấy họ nức nở buồn thương và quyến luyến Đức Như Lai. Đã trọn vẹn bảy ngày, đức Đại Thánh Như Lai sắp được thỉnh ra khỏi kim quan.

Lúc ấy, tất cả nam và nữ ở trong thành Câu Thi và vô số đại chúng lại hết sức đau xót nức nở làm chấn động Thế Giới. Họ lại cầm hương hoa, vô số cờ phướn, lọng, âm nhạc Cõi Trời vi diệu, đặt vào trước kim quan Đức Phật để cúng dường một cách buồn thảm nghẹn ngào.

Khi ấy đại chúng đau xót cùng tận, nước mắt ròng ròng, mỗi người lấy vải bông màu trắng mịn màng để tự bao tay của mình với lòng tôn kính sâu nặng, từ trong kim quan báu, họ đỡ thân Như Lai sắc tía vàng óng, đủ ba mươi hai tướng và tám mươi vẻ đẹp, là thân kim cương vững chắc không thể hoại, họ thỉnh Ngài ra một cách ung dung, rồi an trí trên giường bảy báu.

Bấy giờ, lại một lần nữa đại chúng vô cùng buồn thảm, tiếng kêu làm chấn động mười phương, cùng khắp Thế Giới của Phật. Tất cả cầm hương hoa, tơ lụa, lọng tàn, âm nhạc để cúng dường với tấm lòng thâm thiết. Họ đặt các thứ trước Đức Như Lai với nỗi sầu muộn tuyệt vọng, nghẹn ngào.

Khi ấy đại chúng lại buồn thảm nức nở, nước mắt ràn rụa, mỗi người cầm vô số nước thơm, hương sáp, với lòng cung kính sâu sắc, họ tưới rửa từ đầu đến chân của Đức Như Lai đủ ba mươi hai tướng và tám mươi vẻ đẹp, vô lượng phước đức và trí tuệ trang nghiêm, là sắc thân kim cương kiên cố, màu tía vàng óng, không thể hủy hoại. Họ lại rửa áo quan quý báu, vi diệu thanh tịnh.

Việc tưới rửa đã xong xuôi, khi ấy đại chúng lại gào khóc òa, buồn thảm nghẹn ngào. Họ đốt hương thơm vi diệu và rải hoa bảy báu, vô số cờ phướn và lọng báu thảy đều đầy khắp mặt đất và hư không, để cúng dường Như Lai với vẻ buồn thảm và gào khóc.

Khi ấy, đại chúng đều buồn bã nức nở, họ liền cầm vô số tơ lụa, bông Đâu La đẹp đẽ quấn bọc sắc thân kim cương Như Lai từ đầu đến chân. Khi đã quấn thân thể xong, họ lại lấy một ngàn tấm vải bông màu trắng vô giá đẹp đẽ hạng nhất, rồi lần lượt dùng lụa quấn thân Như Lai từng lớp, từng lớp.

Quấn vải vào thân xong xuôi, khi ấy đại chúng một lần nữa lại hết sức buồn thảm, gào khóc, sầu muộn và tuyệt vọng. Họ lại cầm hương, hoa, cờ, lọng, phướn báu, âm nhạc để cúng dường trong vẻ nghẹn ngào. Khi ấy, đại chúng buồn khóc, nước mắt tuôn trào, lòng cung kính sâu nặng.

Mỗi người lấy vải bông màu trắng bao che tay, sụt sùi đau xót nghẹn ngào, họ cùng đỡ Đức Như Lai vào trong kim quan quý báu, rồi rót đầy dầu thơm, chẳng bao lâu đóng nắp kim quan lại.

Bấy giờ, đại chúng hết sức buồn thảm một lần nữa, tiếng gào làm rung chuyển Thế Giới. Họ lại cầm hương hoa, phướn, lọng, âm nhạc, khóc gào thảm thiết, xót đau nức nở, để cúng dường kim quan quý báu.

Lúc ấy, hết thảy gỗ thơm vi diệu mà đại chúng góp lại chất cao như núi Tu Di, mùi thơm ngào ngạt xông tỏa khắp Thế Giới, gỗ được xếp chi chít với nhau theo thứ lớp làm thành lầu hương thơm to lớn, bốn mặt được trang nghiêm bằng bảy báu, cờ, lọng, phướn, hoa, chuỗi ngọc anh lạc tơ lụa lẫn lộn nhiều màu sặc sỡ, đầy khắp hư không như mây dùng để trang nghiêm, âm nhạc của nhân gian và Cõi Trời cúng dường một cách buồn thảm.

Khi ấy, đại chúng Trời Người sắp sửa nâng đỡ kim quan an trí trên lầu hương thơm, họ lại vô cùng đau xót, đấm ngực kêu lớn, tiếng gào làm chấn động đại thiên.

Họ lại cầm phướn, lọng, hương, hoa, âm nhạc để cúng dường một cách buồn thảm. Lúc ấy, đại chúng thương tiếc, nỗi buồn se thắt, lòng cung kính sâu nặng, mỗi người lấy vải bông trắng để bao che tay, rồi cùng nhau nâng đỡ kim quan quý báu của đức Đại Thánh Như Lai, an trí lên trên lầu hương thơm đẹp đẽ trang nghiêm.

Họ lại gào khóc òa, ngất đi rồi tỉnh lại, bèn xướng lên: Khổ thay! Khổ thay, sao mà chúng ta phải chịu trơ trọi và không có chỗ nương dựa cậy trông vậy! Với vẻ đau xót nghẹn ngào, đầm đìa nước mắt, họ lại rải hương hoa, cờ phướn và lọng báu, âm nhạc, tơ lụa lẫn lộn nhiều màu sặc sỡ, tất cả hết lòng cúng dường một cách bi ai.

Bấy giờ, kim quan quý báu của Đức Như Lai Đại Thánh đã ở trên lầu hương thơm quý báu vi diệu xong, định châm lửa trà tỳ Như Lai. Khi ấy, đại chúng lại gào khóc lớn làm kinh động đại thiên Thế Giới. Họ lại cúng dường kim quan quý báu của đức Đại Thánh và lầu hương thơm vi diệu một cách đau xót sâu nặng.

Lúc này, hết thảy đại chúng khóc lóc thương xót, nước mắt ràn rụa. Mỗi người cầm đuốc thơm bảy báu lớn như bánh xe, ánh lửa sáng ngời chiếu khắp Thế Giới. Cùng lúc, mọi người khóc òa khi mây sầu bao phủ trên lầu trà tỳ, tiếng bi ai làm chấn động tất cả Thế Giới thuộc đại thiên. Họ lại đem hương và hoa để cúng dường đầy khắp.

Khi đuốc báu bén lửa đến chỗ lầu hương thơm thì tự nhiên tắt ngấm. Tất cả Chư Thiên lại cầm đuốc lớn bằng bảy báu vô thượng, ánh lửa ngời sáng chiếu rọi khắp nơi, họ buồn thảm chảy nước mắt, ném đuốc vào chỗ lầu hương thơm song thảy đều tắt ngấm.

Bấy giờ, tất cả thần biển cầm đuốc lớn bảy báu thắp lửa trong biển với vô số ánh sáng cháy rực ném vào chỗ lầu hương thơm, song cũng đều tắt ngấm. Khi ấy đại chúng gào khóc một thời gian lâu và cúng dường tất cả, họ chẳng biết Đức Như Lai có duyên cớ gì chưa thành, mà khi quăng lửa vào lầu hương thơm để trà tỳ nhưng không cháy.

Bấy giờ, lòng đại bi của Đức Thế Tôn thấm nhuần khắp cả, chờ đợi chúng của Ca Diếp đến mới cháy ngọn lửa trà tỳ. Khi ấy, Đại Ca Diếp cùng với năm trăm người đệ tử ở tại núi Kỳ Xà Quật, cách thành Câu Thi năm mươi do tuần, thân tâm vắng lặng nhập vào tam muội.

Ở trong chánh thọ, bỗng nhiên trong lòng Tôn Giả hốt hoảng, toàn thân run rẩy, xuất thiền định, thấy những núi non và mặt đất đều rung động mạnh, lập tức Tôn Giả biết Đức Như Lai đã nhập Niết Bàn, bèn bảo các đệ tử: Đức Phật của chúng ta là bậc Đại Sư đã nhập Niết Bàn, hiện thời đã nhập liệm trong kim quan, trải qua bảy hôm rồi.

Khổ thay! Khổ thay! Chúng ta hãy nên mau chóng đi đến chỗ Đức Như Lai, ta e rằng đã trà tỳ, không thấy được sắc thân chân tịnh ba mươi hai tướng và tám mươi vẻ đẹp của Đức Phật.

Do sự cung kính Đức Phật, cho nên Ca Diếp không dám bay giữa hư không để đến chỗ Đức Như Lai, liền dắt theo đệ tử tìm quãng đường đi nhanh.

Họ đi nhanh với vẻ buồn thảm đúng bảy ngày, đến đầu đường khu vực thành phía Đông của thành Câu Thi, Ca Diếp gặp một người Bà La Môn cầm một đóa hoa Trời đi đến, Ca Diếp hỏi: Thưa nhân giả, ông từ đâu đến đây?

Người Bà La Môn trả lời: Đức Phật Bát Niết Bàn, tôi ở chỗ trà tỳ đến đây.

Ca Diếp lại hỏi: Đây là hoa gì?

Người Bà La Môn trả lời: Tôi được đóa hoa Trời này ở chỗ trà tỳ.

Ca Diếp bèn xin hoa, song người Bà La Môn trả lời: Không được, tôi mong mỏi mang hoa về, dự định bày tỏ cho sáu hạng thân thuộc họ hàng trong nhà cúng dường.

Ca Diếp bèn mượn hoa để cài lên đỉnh đầu của mình, lập tức lòng sầu muộn tuyệt vọng, hôn mê ngã nhào xuống đất, sụt sùi buồn tủi nghẹn ngào, một hồi lâu mới tỉnh lại, liền tự ngẫm nghĩ: Ta gào khóc ở đây, chẳng thấy sắc thân màu tía và tám mươi vẻ đẹp của Đức Như Lai, thì truy tìm sự lợi ích chỗ nào?

Tức thời, Tôn Giả và đệ tử nhanh chóng cùng nhau tiến tới, họ đến cửa phía Bắc thành Câu Thi rồi đi vào.

Ở trong thành ấy, họ đi vào một phố phường của sư Tăng, thấy các Tỳ Kheo tụ họp một chỗ, những người kia nói với Ca Diếp: Các ông từ phương xa đến khó nhọc lắm chăng?

Xin ổn định chỗ ngồi để đợi dùng cơm.

Ca Diếp trả lời: Bậc Đại Sư của tôi đã nhập Niết Bàn, tôi có tình ý nào mà yên ổn đợi chờ dùng cơm ở chỗ này.

Các vị Tỳ Kheo nói: Thầy của ông là ai?

Ca Diếp trả lời: Các ông chẳng biết chăng?

Thảm thương thay! Đau đớn thay! Đức Đại Giác Thế Tôn nay đã Niết Bàn.

Các Tỳ Kheo nghe xong, ai nấy đều rất vui mừng mà nói lời thế này: Vui thay! Sướng thay! Như Lai ở đời ngăn cấm chúng ta bằng giới luật nghiêm ngặt, chúng ta không chịu đựng nổi, không thể y theo mà thực hành. Nay Như Lai đã Niết Bàn, giới cấm nghiêm ngặt theo đó hãy nên buông bỏ. Ông tạm chờ ăn cơm, có chuyện gì đâu mà gấp gáp.

Nhờ thần lực của Đức Phật, nên tai của Chư Thiên và các đệ tử của Đại Ca Diếp bị bưng bít, các vị ấy thảy đều không nghe lời nói của Tỳ Kheo xấu ác, chỉ có một mình Ca Diếp nghe lời nói ấy. Ngay sau đó, Ca Diếp liền đem đệ tử vội vàng đi đến chỗ Đức Phật, họ buồn khóc nức nở, nước mắt đầm đìa.

Lúc ấy, Ca Diếp và các đệ tử có chung sự suy nghĩ: Làm thế nào chúng ta có được các lễ vật cúng dường, đem đến chỗ Đức Phật để cúng dường Như Lai.

Ca Diếp lại nói: Từ khi sinh ra và lớn lên ở trong thành này, ta xin đồ vật cúng dường cũng đều được đáp ứng.

Ca Diếp dắt các đệ tử lập tức đi vào trong thành lần lượt nói với mọi người để xin. Các vị xin được đầy đủ một ngàn tấm vải bông màu trắng đẹp đẽ, họ lại xin được vô số tơ lụa tinh xảo, lại được vô lượng hoa báu, hương nến, nước thơm, dầu thơm, cờ phướn và lọng báu, âm nhạc, đàn dây, chuỗi ngọc anh lạc, hàng tơ lụa lẫn lộn nhiều màu sặc sỡ, toàn bộ đều đầy đủ.

Ca Diếp và các đệ tử đau xót chảy nước mắt, lập tức họ mang các lễ vật đi mau ra khỏi cửa phía Tây của thành.

Bấy giờ, Ca Diếp liền nghe tiếng gào khóc nức nở buồn thảm của tất cả đại chúng tại chỗ trà tỳ, mọi người cùng hỏi Đế Thích, rằng đã cúng dường Như Lai xong rồi, làm sao được ngọn lửa để đốt lầu hương thơm này mà trà tỳ Đức Như Lai?

Đế Thích trả lời: Mọi người hãy tạm chờ đợi, Ma Ha Ca Diếp sẽ đến ngay bây giờ.

Đế Thích nói chưa dứt lời, tất cả đại chúng đang ở trong nỗi đau thương liền trông thấy Ca Diếp cùng với các đệ tử tìm đường đến với vẻ buồn rầu.

Mọi người liền ngừng buồn khóc, mở đường cho chúng Ca Diếp thuận tiện tiến bước vào, nhác trông kim quan Đức Phật từ xa, Ca Diếp và các đệ tử lễ bái cùng một lúc, họ gào khóc nghẹn ngào, sầu muộn ngất xỉu, ngã nhào xuống đất, tâm tán loạn mê man hồi lâu mới tỉnh lại, nước mắt ròng ròng không sao chịu nổi, Ca Diếp đi dần dần về phía trước, rồi hỏi đại chúng: Làm sao mở được kim quan của đấng Đại Thánh?

Đại chúng trả lời: Đức Phật nhập Niết Bàn đã trải qua mười bốn ngày, e rằng có sự tổn hoại thì làm sao mở được.

Ca Diếp đáp: Thân của Đức Như Lai là thân kim cương kiên cố, thường, lạc, ngã, tịnh, không thể tan nát hư hoại, hương đức hạnh thơm ngào ngạt dường như núi chiên đàn.

Nói lời đó xong, Ca Diếp đến chỗ kim quan Đức Phật, nước mắt nước mũi tuôn ròng ròng.

Lúc này, lòng đại bi của Đức Như Lai bình đẳng, vì Ca Diếp nên kim quan tự nhiên mở ra, một ngàn tấm vải bông trắng và bông tơ Đâu la đều mở bung ra ngay, lộ rõ sắc thân kiên cố màu tía vàng thật, đủ ba mươi hai tướng và tám mươi vẻ đẹp. Ca Diếp và các đệ tử trông thấy rồi, lòng sầu muộn ngất xỉu ngã nhào xuống đất, nghẹn ngào thương tiếc, hồi lâu mới tỉnh lại, nước mắt đầm đìa.

Ca Diếp cùng các đệ tử từ từ bước lên lầu Hương đến gần bên kim quan Đức Phật, lại nghẹn ngào, khóc lóc, bi thương. Tôn Giả liền kết hoa thơm, cờ phướn, lọng báu, chuỗi ngọc cúng dường. Trỗi các khúc nhạc bi ai khóc thương, quyến luyến.

Tôn Giả liền dùng hương bột, nước thơm tắm rửa thân sắc vàng ròng của Đức Như Lai, sau đó đốt hương, rải hoa cúng dường mà trong lòng không sao tránh khỏi xót thương rơi lệ. Tắm rửa xong, Ca Diếp cùng các đệ tử dùng loại vải lụa mỏng quấn lấy thân sắc vàng ròng của Đức Như Lai. Tiếp đến, Tôn Giả đặt lụa cũ ở bên ngoài lớp lụa mới.

Quấn buộc lụa xong rồi, lại dùng vải trắng ngàn xấp, theo thứ tự chồng lên lớp vải lụa, bông mà quấn lấy thân Đức Như Lai. Sau đó, Tôn Giả dùng vải trắng cũ đặt lên trên lớp vải trắng mới, theo thứ tự mà buộc lại. Buộc xong, nắp kim quan liền đóng lại, trang nghiêm bằng tất cả chuỗi ngọc bảy báu.

Bấy giờ, Tôn Giả Ca Diếp lại một lần nữa cùng các đệ tử nhiễu quanh về bên phải bảy vòng, trong lòng đau buồn, lệ rơi đầm đìa, quỳ gối chắp tay buồn thương đọc kệ:

Buồn thay! Buồn thay! Đại Thánh Tôn!

Con nay trà tỳ lòng đau xót

Thế Tôn diệt độ sao quá nhanh?

Thị tịch, không thể chờ con đến.

Ở nơi hang sâu ngồi thiền định

Quán khắp mọi nơi chẳng thấy Phật

Hồ nghi Phật đã vào Niết Bàn

Toàn thân chuyển động, lòng kinh hãi.

Mây đen vây bủa khắp thế gian

Sông núi, Đất Trời chấn động mạnh

Rõ biết Như Lai đã Niết Bàn

Con liền vội đến nhưng chẳng thấy.

Thế Tôn thương con nên chẳng nói

Khiến con chẳng thấy Phật diệt độ

Chẳng ban một lời dạy bảo con

Con nay cô độc, không chỗ nương?

Con nay đau khổ, thưa Thế Tôn!

Tâm trí rối bời, lòng đau xót

Cung kính đảnh lễ đầu Thế Tôn

Xót xa cúi lễ nơi phần ngực.

Cúi đầu lễ lạy tay của Ngài

Buồn đau làm lễ lưng Đại Thánh

Thành kính bái lạy rốn Đức Phật

Thành tâm chiêm bái chân của Ngài.

Buồn đau, chẳng thấy Phật Niết Bàn!

Xin nguyện dạy con chỗ kính lễ!

Như Lai tại thế chúng vui yên

Ngài vào Niết Bàn, chúng con khổ.

Thương thay! Thương thay! Khổ lớn thay! Từ bi dạy bày chỗ kính lễ!

Bấy giờ, Ca Diếp nghẹn ngào bi ai nói bài kệ đó rồi, đức Đại Bi Thế Tôn liền hiện tướng thiên bức luân của đôi chân ló ra ngoài kim quan để Ca Diếp được nhìn thấy như trông thấy kim thân của Phật. Từ nơi tướng thiên bức luân phóng ra ngàn ánh sáng soi khắp tất cả Thế Giới mười phương.

Khi ấy, Ca Diếp cùng các đệ tử đều nhìn thấy chân Đức Phật, cùng nhau đảnh lễ tướng thiên bức luân. Vì quá đau xót, Ca Diếp té xỉu xuống đất, hôn mê bất tỉnh. Hồi lâu mới tỉnh lại, Tôn Giả cùng các đệ tử buồn tủi, nghẹn ngào khóc lóc, nhiễu quanh bên phải bảy vòng. Sau khi nhiễu xong, lại đảnh lễ chân Đức Phật, tiếng khóc than thảm thiết chấn động cả Thế Giới.

Tôn Giả lại quỳ dưới chân Đức Phật nói kệ xót thương:

Đức Như Lai lòng từ cao cả

Tâm bình đẳng đối với chúng sinh

Chúng sinh có cảm ắt có ứng

Thị hiện ra tướng Thiên bức luân.

Nay con dốc lòng quy mạng lễ

Tướng Thiên bức luân của đôi chân

Tướng ấy phóng ra ngàn ánh sáng

Soi khắp các cõi Phật mười phương.

Nay con quy y, cúi đầu lễ

Ánh sáng tướng ấy chói sáng rực.

Chúng sinh trông thấy đều giải thoát

Ra khỏi tám nạn, cùng ba đường.

Con lại quy y, cúi đầu lễ

Đường ác được cứu nhờ Luân Quang

Thế Tôn, thuở xưa vô số kiếp

Đã vì chúng con tu khổ hạnh.

Nay chứng được thân sắc vàng ròng

Dưới chân phóng ngàn ánh hào quang

Bi ai cúi đầu quy mạng lễ

Chúng sinh an trụ nơi Thiên luân.

Phật tu mọi đức vì tất cả

Dưới cội Bồ Đề ngồi tu đạo

Hàng phục bốn ma và ngoại đạo

Chúng sinh nhân đây chánh kiến thành.

Cúi đầu lễ, ánh sáng nơi chân

Chúng sinh chánh kiến quy y Ngài

Phật là cha lành của tất cả

Ánh sáng bình đẳng độ chúng sinh.

Con lại quy y, cúi đầu lễ

Bình đẳng lìa khổ Luân túc quang

Con được nhìn thấy luân túc quang

Buồn vui lẫn lộn lòng đau xót.

Con lại bi ai cúi đầu lễ

Cảm tướng ánh sáng Thiên bức luân

Cúi đầu quy y ánh luân túc

Tu đạo cứu cánh, xuất thế gian.

Kính lễ chân người Trời nương cậy

Ánh luân quang chiếu khắp ba cõi

Chúng sinh chưa được thoát cửa khổ

Đều quy mạng ánh luân túc quang.

Chúng con còn chìm trong luân hồi

Mà sao Như Lai đành Niết Bàn

Thương thay! Thương thay, những chúng sinh

Đêm dài không thấy Luân túc quang!

Thế Tôn từ bi, con hối lỗi!

Hiện ra ánh sáng Thiên bức luân

Thương thay, nay gặp Luân quang tướng.

Từ đây bao giờ lại được nhìn?

Bấy giờ, Ca Diếp cùng các đệ tử nói bài kệ này rồi, lại một lần nữa đau buồn té xỉu xuống đất, hôn mê bất tỉnh, hồi lâu tỉnh lại, bi ai nghẹn ngào, chẳng thể kềm chế. Đôi chân kim cương với tướng thiên bức luân của đấng Đại Giác Thế Tôn tự thu trở vào kim quan và đóng kín lại như cũ.

Lúc ấy, tất cả nam nữ trong thành, đại chúng người Trời thấy Đại Ca Diếp lại một lần nữa gào khóc, đấm ngực, kêu lớn bi thương chấn động vô lượng Thế Giới trong cõi đại thiên. Họ cung kính cúng dường với lòng xót xa vô hạn.

Bấy giờ, có bốn vị lực sĩ trong thành Câu Thi, trang nghiêm thân bằng chuỗi ngọc, cầm đuốc bảy báu lớn như bánh xe, ánh sáng rực rỡ soi khắp, đem đốt lầu hương trà tỳ Như Lai. Đuốc ném vào lầu hương thì tự nhiên tắt ngấm.

Tôn Giả Ca Diếp bảo: Lửa của ba cõi chẳng thể đốt cháy được quan tài báu của đức Đại Thánh, huống gì sức của các ông mà có thể đốt được sao?

Trong thành có tám lực sĩ lại cầm đuốc lớn bằng bảy báu, ánh sáng rực rỡ, tất cả đem ném vào chỗ kim quan thì cũng đều tắt ngấm. Bên trong thành có mười sáu vị cực đại lực sĩ, họ đều cầm đuốc lớn bảy báu đến ném vào lầu hương thì cũng đều tắt ngấm. Bên trong thành cũng lại có ba mươi sáu vị cực đại lực sĩ, họ đều cầm đuốc lớn bằng bảy báu ném vào cũng đều tắt cả.

Lúc ấy, Ca Diếp bảo các lực sĩ và tất cả đại chúng: Các ông phải biết rằng, giả sử có đem lửa đuốc vốn cỏ của tất cả Trời Người cũng chẳng thể trà tỳ được quan tài báu của Đức Như Lai.

Các ông chẳng cần phải lao khổ, cố công làm gì?

Bấy giờ, nam nữ trong thành, đại chúng người Trời lại một lần nữa bi ai gào khóc, họ đến cúng dường với tâm trạng đau buồn vô hạn, cùng nhau lễ bái, nhiễu quanh bên phải bảy vòng, tiếng gào khóc bi thương chấn động ba ngàn cõi. Khi ấy, Đức Như Lai dùng sức đại bi phát lửa từ trong buồng tim trào ra ngoài kim quan, dần dần trà tỳ, trải qua bảy ngày đốt lầu hương vi diệu mới cháy hết.

Lúc này, nam nữ nội thành, đại chúng Trời Người, ở trong thời gian bảy ngày bi ai gào khóc, tiếng bi thương chẳng dứt. Họ đều đến cúng dường với tâm trạng đau buồn.

Khi ấy, Tứ Thiên Vương đều nghĩ: Ta đem nước thơm rót vào lửa cho tắt để nhặt lấy Xá Lợi đem lên Trời cúng dường. Nghĩ thế rồi họ liền mang bình vàng làm bằng bảy báu đựng đầy nước thơm, lại đem bốn cây hương tinh khiết tiết ra sữa ngọt ở ven bốn gốc núi Tu Di.

Mỗi cây chu vi ngàn vòng, cao một trăm do tuần theo Tứ Thiên Vương, đồng lúc hạ xuống chỗ trà tỳ. Cây tuôn chảy sữa ngọt vào bình thơm. Sau đó, họ mang những bình thơm cùng một lúc tưới vào lửa. Tưới xong nhưng thế lửa càng bốc cao, không tắt.

Khi ấy, thần biển Ta già la Long vương và các thần sông thấy lửa chẳng tắt đều nghĩ: Ta đem nước thơm tưới vào lửa cho tắt, nhặt lấy Xá Lợi đem về trụ xứ cúng dường. Nghĩ thế rồi, họ đều mang bình bát đựng nước thơm nhiều không lường đến chỗ trà tỳ, cùng một lúc tưới vào lửa. Tưới xong, lửa vẫn như cũ, đều cũng chẳng tắt.

Lúc ấy, Tôn Giả Lâu đậu nói với Tứ Thiên Vương và thần biển v.v…: Các ông tưới nước thơm cho lửa tắt, phải chăng muốn lấy Xá Lợi đem về chỗ ở của mình mà cúng dường?

Họ đáp: Thật vậy!

Tôn Giả Lâu đậu nói với Tứ Thiên Vương: Lòng của các ông quá tham, các ông, người sống trên thiên cung, kẻ sống ở long cung, nếu Xá Lợi do các ông cất giữ thì người sống tại nhân gian này làm sao lên Trời hay xuống biển mà chiêm bái cúng dường?

Tôn Giả lại nói với vị thần biển: Các ông ở tại biển cả, sông ngòi, nếu các ông thu lấy Xá Lợi của Như Lai thì người ở trên mặt đất làm sao đến được mà cúng dường?

Bấy giờ, Tứ Thiên Vương liền cùng nhau sám hối. Sau khi sám hối rồi, họ đều trở về Thiên cung. Khi ấy thần biển, thần sông, thần hồ ao v.v… đều cũng sám hối, đúng như lời nói vị Thánh. Sám hối rồi, họ đều trở về.

***