Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn Hậu Phần

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI BÁT NIẾT BÀN HẬU PHẦN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nhã Na Bạt Đà La, Đời Đường
 

PHẨM HAI

PHẨM LỜI RĂN DẠY

CỦA ĐỨC PHẬT ĐỂ LẠI
 

Bấy giờ, Phật bảo A Nan và khắp cả đại chúng: Sau khi ta diệt độ, bốn chúng các ông hãy nên chăm chỉ hộ trì Đại Niết Bàn của ta, ta ở vô lượng muôn ức A tăng kỳ kiếp tu tập pháp Đại Niết Bàn khó được này, nay đã nói rõ ràng.

Các ông nên biết, Đại Niết Bàn này mới chính là kho chứa châu báu kim cương của tất cả Chư Phật trong ba đời khắp mười phương, thường, lạc, ngã, tịnh trọn vẹn không có sự thiếu sót. Hết thảy Chư Phật đối với sự Niết Bàn này mà vào Niết Bàn, lý cùng cực rốt ráo sau chót không bỏ sót. Đối với điều này, Chư Phật buông bỏ thân mạng, cho nên gọi là Niết Bàn.

Này các ông! Muốn được sự quyết định báo đền ơn Phật một cách chân thật, mau chóng chứng đắc bồ đề, được Chư Phật xoa đỉnh đầu, sinh ra ở đời nào cũng không mất chánh niệm, mười phương Chư Phật thường hiện ra trước mặt người ấy, ngày đêm gìn giữ che chở, khiến cho tất cả mọi người được pháp môn ra khỏi thế gian, các ông hãy nên chăm chỉ tu tập theo Kinh Niết Bàn.

Phật lại bảo A Nan: Khi chưa thành Phật, ta thị hiện vào trong pháp ngoại đạo của vị Tiên Uất Đầu Lam Phất để tu học bốn thiền và tám định, chịu thực hành theo sự chỉ dạy của vị ấy.

Từ khi thành Phật đến nay, ta chê bai pháp ấy, dần dần dẫn dụ lôi cuốn mọi người tiến tu, cuối cùng Tu Bạt Đà La đều vào Phật Đạo. Như Lai dùng ngọn đuốc đại trí để thiêu đốt cờ phướn tà kiến, giống như lá cây và cỏ khô ném vào ngọn lửa cháy rực.

Này A Nan! Nay ta hết sức lo nghĩ đến những người đệ tử thuộc dòng họ Thích và những người thân thích của ta. Sau khi ta Niết Bàn, ông hãy nên tinh tiến chuyên cần đem điều thiện để khuyên răn dạy bảo các quyến thuộc của ta, trao cho họ giáo pháp tuyệt diệu, dạy dỗ họ bằng tấm lòng thân thiết, không được cười cợt chọc ghẹo, tâm tán loạn và buông lung, vào những cảnh giới vâng chịu thực hành tà pháp.

Ai chưa thoát khỏi ba cõi và nỗi thống khổ của thế gian, thì phải sớm cầu mong lìa ra khỏi, ở trong sự ái dục của cõi đời đầy năm thứ vẩn đục này, cần phải nảy sinh tư tưởng lo âu và sợ hãi không có người cứu hộ. Một khi mất thân người thì khó có thể tìm lại nữa. Trọn một hình hài này thường cần phải cảnh tỉnh và suy xét, con quỷ dữ vô thường thực sự mong cầu khó thoát khỏi.

Xót thương chúng sinh, chớ giết hại lẫn nhau, cả đến loài sâu bọ ngọ nguậy cũng phải nên bố thí cho nó sự không sợ hãi. Thân nghiệp thanh tịnh, thường sinh vào cõi thù thắng vi diệu, khẩu nghiệp thanh tịnh, xa lìa các sự lỗi lầm ác độc.

Đừng ăn thịt, chớ uống rượu, điều phục tâm con rắn khiến cho nó đi vào đạo quả. Suy nghĩ sâu xa về quả báo của việc làm thiện hay ác như bóng theo hình, nhân quả ba đời, xoay vần không mất, đời này sống uổng phí, sau hối hận không kịp.

Giờ Niết Bàn đã đến, Như Lai dạy bảo rõ ràng như thế.

Bấy giờ, A Nan nghe Phật nói xong, thân tâm rung động, tình thức chả hay biết gì cả, ông đau xót nức nở nghẹn ngào, ngập sâu vào biển ưu sầu. Toàn thân hôn mê sầu muộn, tâm trí hỗn loạn lờ mờ, ông gieo mình trước Đức Như Lai dường như người chết.

Lúc này, A Nê Lâu đậu an ủi A Nan, muốn làm giảm nhẹ lòng sầu khổ của ông ấy, mà nói với A Nan: Ô hay, ông buồn khổ làm gì?

Giờ Niết Bàn của Như Lai sắp đến. Hôm nay tuy có, nhưng sáng sớm hôm sau thì không có.

Ông y theo lời nói của ta mà thưa hỏi Như Lai bốn câu hỏi như vậy: Sau khi Phật Niết Bàn, Xa Nặc tính xấu ác, nhóm sáu Tỳ Kheo làm hoen ố tín đồ, làm sao ở chung để chỉ dạy tỏ rõ cho các vị ấy?

Như Lai còn ở đời thì chúng con nương Phật làm thầy.

Sau khi Thế Tôn diệt độ thì chúng con nương vị nào làm thầy?

Nếu Phật còn ở đời, thì chúng con nương dựa theo Phật mà trụ, khi Như Lai đã diệt độ thì chúng con nương theo đâu mà trụ?

Việc kết tập tạng giáo pháp sau khi Như Lai diệt độ, lời mở đầu tất cả các Kinh nên dùng lời lẽ nào?

Bấy giờ, A Nan như từ trong mộng nghe A Nê Lâu đậu an ủi lòng mình, nêu ra bốn câu hỏi khiến mình hỏi Phật. Dần dần A Nan được tỉnh ngộ, nỗi thương xót tự mình không tài nào chịu nổi, bèn trình bày đầy đủ vấn đề trên mà đem bạch Phật.

Phật bảo A Nan: Sao ông lại bi ai buồn khổ như thế! Sự giáo hóa của Chư Phật chu toàn, việc làm đã xong, các Ngài giữ đúng phép tắc trở về chỗ ấy.

Quý hóa thay! Quý hóa thay! Này A Nan! Ông đưa đến bốn vấn đề để làm câu hỏi cuối cùng, có thể mang lại lợi ích lớn cho tất cả thế gian.

Các ông hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ điều đó.

Thưa vâng! Bạch Thế Tôn! Chúng con nguyện ưa muốn nghe.

Phật bảo A Nan: Như điều ông hỏi, sau khi Phật Niết Bàn, Xa Nặc tính xấu ác, nhóm Tỳ Kheo sáu người làm hoen ố tín đồ, thì làm sao ở chung với họ để có thể chỉ dạy tỏ rõ?

Này A Nan! Tỳ Kheo Xa Nặc, tính ông ấy thô bỉ xấu ác, sau khi ta Niết Bàn, dần dần sẽ điều phục, tâm của ông ấy nhu hòa, xả bỏ tính xấu ác sẵn có của mình.

A Nan! Người em của ta là Nan Đà có đủ sự ham muốn rất mực nặng nề, tính nết ông ấy thô bỉ xấu ác, Như Lai đem phương tiện thiện xảo lần lượt tỏ rõ, dạy bảo, lợi ích, vui mừng. Biết căn tính như vậy, ta dùng tuệ Bát Nhã để nói mười hai nhân duyên cho ông ấy. Điều đó gọi là vô minh duyên hành, hành duyên thức, cho đến già chết, lo buồn, khổ não, đều chính là rừng rậm vô minh, thương ghét.

Hết thảy sự khổ dời đổi biến chuyển dày đặc ba cõi, trôi dạt khắp cả sáu đường. Gốc rễ nỗi khổ lớn là do vô minh trỗi dậy, dùng tuệ bát nhã để tỏ rõ bản tính thanh tịnh, quán xét tỉ mỉ gốc rễ, liền dứt bỏ quả báo trong các cõi và lỗi lầm tai họa vô minh.

Do gốc rễ diệt nên vô minh diệt, vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sự già chết, lo buồn, khổ não đều diệt. Khi được sự quán sát này, nhiếp tâm trụ vào thiền định tức là nhập tam muội. Nhờ năng lực tam muội nên được vào Cõi Thiền thứ nhất, dần dần theo thứ lớp vào Thiền thứ tư. Nối tâm chánh niệm tu tập như thế, sau đó tự nhiên sẽ được chứng thượng quả, xa lìa khổ đau trong ba cõi.

A Nan! Bấy giờ, Tỳ Kheo Nan Đà phát sinh lòng tin sâu sắc, y theo giáo pháp của ta mà đem tâm chuyên cần tu tập, chẳng bao lâu ông ấy liền đắc quả A La Hán.

A Nan! Sau khi ta Niết Bàn, ông nên y theo giáo pháp của ta mà tu chánh quán, hướng dẫn chỉ dạy Tỳ Kheo Xa Nặc trong nhóm sáu Tỳ Kheo, với tâm sâu sắc nương dựa theo chánh pháp thanh tịnh này, chẳng bao lâu nữa tự nhiên sẽ được chứng Thượng quả.

A Nan! Nên biết đều là do vô minh làm tăng trưởng cây lớn sống chết trong ba cõi, bồng bềnh chìm nghỉm trong dòng sông ái dục, chịu mọi khổ nạn suốt đêm dài. Dưới vách núi tối tăm, chung quanh trụ cột sống chết, sáu thức làm cành, tâm niệm hư vọng làm gốc.

Làn sóng vô minh, tâm thức thúc giục sai khiến, vui chơi sáu trần, gieo mầm khổ não, không có năng lực ngăn chặn, tự tại như Vua. Do đó ta nói rằng, ông chủ vô minh làm tổn hại từng ý niệm, chúng sinh không biết sự sống chết xoay chuyển như bánh xe.

A Nan! Hết thảy chúng sinh vì sự vô minh này mà khởi lên các tham ái trói buộc. Ý kiến chấp trước có cái ta che lấp, tám vạn bốn ngàn ông chủ phiền não sai khiến thân mình, thân tâm rạn nứt, không được tự tại.

A Nan! Vô minh nếu diệt thì ba cõi đều tận, do nhân duyên ấy nên gọi là người ra khỏi thế gian.

A Nan! Nếu có thể quan sát kỹ mười hai nhân duyên, rốt ráo không có cái ngã, đi sâu vào bản lai thanh tịnh, tức có thể xa lìa ngọn lửa lớn ở ba cõi.

A Nan! Lời chân thật ấy của Như Lai là lời nói thành thật phó chúc sau cùng, ông hãy nên tu hành!

A Nan! Như điều ông hỏi, sau khi Phật qua đời, lấy vị nào làm thầy?

A Nan! Thi Ba la mật, giới luật chính là bậc đại sư của ông. Nương theo đó để tu hành thì có thể đạt được định tuệ rất sâu sắc ra khỏi thế gian.

A Nan! Như điều ông hỏi, sau khi Phật Niết Bàn, phải nương vào đâu mà trụ?

A Nan! Các ông nên nương vào bốn niệm xứ, nghiêm tâm mà trụ. Quán tánh tướng của thân đồng với hư không, gọi là thân niệm xứ. Quán sự thọ nhận không ở trong hay ngoài, chẳng trụ khoảng giữa, gọi là thọ niệm xứ. Quán tâm chỉ có danh dự, tính của danh tự lìa khỏi, gọi là tâm niệm xứ.

Quán pháp không được pháp tốt lành, cũng chẳng được pháp không tốt lành, gọi là pháp niệm xứ.

A Nan! Tất cả người tu hành cần phải nương dựa theo bốn niệm xứ này để trụ.

A Nan! Như điều ông hỏi, sau khi Như Lai diệt độ, việc kết tập tạng giáo pháp, phần mở đầu của hết thảy các Kinh nên dùng lời lẽ nào?

A Nan! Sau khi Như Lai diệt độ, việc kết tập tạng giáo pháp, phần mở đầu của tất cả Kinh Điển hãy nên xếp đặt: Tôi nghe như vậy, một thời Đức Phật ở nơi nào đó, xứ nào đó, cùng với các bốn chúng mà nói Kinh ấy.

Bấy giờ, A Nan lại bạch Phật: Nếu Phật còn ở đời, hoặc giả sau khi Niết Bàn, có người đàn việt đủ lòng tin đem vàng bạc, bảy thứ quý báu, tất cả dụng cụ âm nhạc kính dâng bố thí cho Như Lai thì làm sao sắp đặt mọi việc?

Phật bảo A Nan: Nếu Phật hiện còn ở đời, thì đồ vật cúng dâng Phật, Tăng chúng cần phải biết. Nếu sau khi Phật diệt độ, tất cả đồ vật của người có lòng tin cúng cho Phật, phải nên sử dụng vào việc tạc hình tượng Phật, cho đến việc tạo ra áo Phật và phướn lọng bằng bảy thứ quý báu. Mua các loại hương, dầu, hoa báu để cúng dường Phật. Trừ việc cúng dường Phật, còn lại không được dùng, nếu người nào dùng tức là phạm tội trộm đồ vật của Phật.

A Nan lại bạch Phật: Nếu Phật hiện còn ở đời, lại có người đem vàng bạc, bảy thứ quý báu, nhà cửa, cung điện, vợ con, tôi tớ, áo quần, đồ ăn thức uống, tất cả dụng cụ âm nhạc, với tấm lòng tha thiết, họ cung kính lễ lạy cúng dường Như Lai. Sau khi Phật Niết Bàn, nếu lại có người đem vàng bạc, bảy thứ châu báu, thê thiếp, nô tỳ, y phục, đồ ăn uống, hết thảy nhạc cụ để cúng dường hình tượng Như Lai, với tấm lòng tha thiết, họ cung kính lễ bái cúng dường.

Bạch Thế Tôn! Hai người cúng dường với tấm lòng tha thiết như thế, thì phước đức của họ có được, người nào được nhiều hơn?

Phật bảo A Nan: Hai người như thế, họ đều đem tấm lòng tha thiết để cúng dường, phước đức mà họ có được, không khác nhau tí nào.

Vì sao?

Mặc dù sau khi Phật diệt độ, song Pháp Thân thường còn, vì vậy sự cúng dường với tấm lòng tha thiết, phước ấy ngang đều nhau.

A Nan lại bạch Phật: Nếu như Phật hiện còn ở đời, giả sử lại có người vẫn còn đem tấm lòng tha thiết như trên để cúng dường và cung kính Như Lai. Sau khi Phật Niết Bàn, lại có người vẫn còn đem tấm lòng tha thiết như trên để cúng dường và cung kính toàn thân Xá Lợị.

Bạch Thế Tôn! Như thế, phước đức của hai người có được, người nào nhiều hơn?

Phật bảo A Nan: Hai người như thế được phước ngang đều nhau, công đức rộng lớn vô lượng vô biên, cả đến hết khổ, phước ấy không bao giờ hết.

A Nan lại bạch Phật: Nếu như Phật còn ở đời, giả sử lại có người đem lòng tha thiết hết thảy như trên để cúng dường và cung kính Như Lai. Sau khi Phật Niết Bàn, lại có người đem tấm lòng tha thiết như trên để cung kính cúng dường nửa thân Xá Lợi.

Bạch Thế Tôn! Như thế, phước đức của hai người có được, người nào được nhiều hơn?

Phật bảo A Nan: Hai người cúng dường với tấm lòng tha thiết như thế, họ sẽ được phước giống hệt nhau, phước đức mà họ có được rất nhiều không thể đếm xuể và không có giới hạn.

A Nan! Nếu như sau khi Phật diệt độ, giả sử lại có người đem tâm ân cần tha thiết cúng dường một phần tư, một phần tám, một phần mười sáu, một phần trăm, một phần ngàn, một phần vạn, một phần số lượng cát Sông Hằng Xá Lợi của Như Lai. Thậm chí Xá Lợi độ chừng như hạt cải, họ cũng đều đem tấm lòng tha thiết để cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi.

Nếu như Phật hiện còn ở đời, giả sử lại có người cung kính cúng dường Như Lai với tâm niệm tha thiết ân cần, hai người như thế, phước đức họ có được thảy đều không khác nhau tí nào, phước ấy vô lượng không thể nào tính đếm cho xuể.

A Nan nên biết rằng, hoặc giả Phật hiện còn, hoặc sau khi Phật Niết Bàn, nếu lại có người đem tấm lòng tha thiết ân cần để cung kính, cúng dường, lễ bái, tôn trọng, khen ngợi, như thế, phước đức mà hai người sẽ được không có hai, không có khác nhau.

Phật bảo A Nan và các đại chúng: Sau khi ta Niết Bàn, hết thảy chúng sinh ở trên Cõi Trời, chốn nhân gian được Xá Lợi của ta mà vừa mừng vừa tủi, đau buồn thương xót, hớn hở vui vẻ, rồi cung kính lễ bái, đem tâm ân cần tha thiết cúng dường, họ sẽ được công đức vô lượng vô biên.

A Nan! Nếu người nào trông thấy Xá Lợi của Như Lai tức là thấy Phật, thấy Phật tức là thấy Pháp, thấy Pháp tức là thấy Tăng, thấy Tăng tức là thấy Niết Bàn.

A Nan! Nên biết do nhân duyên ấy, ba ngôi báu thường trụ, không có sự biến đổi, có thể làm chỗ quay về và nương tựa cho chúng sinh.

A Nan lại bạch Phật: Sau khi Phật Niết Bàn, hết thảy đại chúng dựa vào phép tắc nào để trà tỳ Như Lai mà được Xá Lợi rồi đem tấm lòng tha thiết cúng dường.

Phật bảo A Nan: Ta Bát Niết Bàn, đại chúng các người hãy nên y theo cách thức trà tỳ Chuyển Luân Thánh Vương.

A Nan lại bạch: Phép tắc trà tỳ vị Chuyển Luân Thánh Vương, việc ấy như thế nào?

Phật bảo A Nan: Sau khi vị Chuyển Luân Thánh Vương mạng chung, đặt yên thi thể qua bảy ngày mới liệm vào quan tài sắt. Đã liệm vào áo quan rồi, dùng dầu thơm vi diệu rót đầy trong áo quan.

Đóng áo quan lại cho khít, lại trải qua bảy ngày, đem thi thể từ trong áo quan ra, dùng các thứ nước thơm để rửa ráy tắm gội, đã tắm rửa xong, thì đốt mọi thứ hương thơm nổi tiếng để cúng dường. Dùng bông Đâu la miên quấn khắp thân thể, sau đó liền đem một ngàn tấm vải bông trắng thuộc loại vô giá và tốt đẹp nhất, lần lượt quấn chồng lên nhau khắp thân mình vị Thánh Vương.

Khi đã quấn xong xuôi, đem các loại dầu thơm đổ đầy bên trong chiếc quan tài sắt, bỏ thân của vị Thánh Vương vào áo quan. Đóng kín chặt áo quan xong, chở áo quan trên xe làm bằng gỗ thơm và bảy báu, bốn mặt chiếc xe ấy treo rủ xuống các chuỗi ngọc anh lạc.

Xe ấy được trang nghiêm bằng tất cả dây báu xoắn vào nhau, vô số hoa, phướn và cờ lọng bằng bảy báu. Tất cả hương thơm tuyệt diệu, tất cả âm nhạc Cõi Trời vây chung quanh cúng dường. Đến giờ mới dùng toàn các loại gỗ thơm thù thắng vi diệu để tô điểm trang hoàng bên ngoài, lấy dầu thơm vi diệu để trà tỳ thân của vị Chuyển Luân Thánh Vương.

Trà tỳ xong rồi, thu nhặt Xá Lợi, dựng lên Tháp bảy báu ở giữa ngã tư đường bên trong đô thành, ngôi Tháp mở bốn cửa, an trí Xá Lợi, để cho hết thảy thế gian cùng nhau chiêm ngưỡng.

A Nan! Nhờ chút ít phước đức, vị Chuyển Luân Vương ấy nối dõi ngôi Vua này. Vị ấy chưa thoát khỏi luật nhân quả trong các cõi, đầy đủ năm thứ ham muốn, vợ chính và vợ hầu, gái đẹp hầu hạ, kiến giải xấu ác, ba mối ác độc, hết thảy phiền não, các sự trói buộc sai khiến v.v… vị ấy chưa dứt bỏ một chút nào.

Thế mà sau khi vị ấy mạng chung, thế gian lại còn theo phép tắc như vậy, họ dựng Tháp cúng dường để tất cả mọi người chiêm ngưỡng.

A Nan! Huống chi là Như Lai đã mãi mãi xả bỏ năm thứ dục lạc, thê thiếp, gái hầu ở vô lượng vô biên vô số A tăng kỳ kiếp.

Đối với pháp thế gian, ta đã làm sương giá và mưa đá, việc khó chăm chỉ mà Như Lai có thể chăm chỉ được, việc khó làm mà Như Lai có thể làm được. Tất cả sự khổ hạnh vượt ra ngoài thế tục của Bồ Tát, ta đã cần cù tu tập.

Đạo của hết thảy Chư Phật trong ba đời mười phương thực hành là rất mực sâu xa vi diệu, thanh tịnh, giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, sáu Ba la mật, không gì không đầy đủ. Ta tu tập mười lực, đại bi, bốn đức không e sợ của Như Lai. Ba môn giải thoát, mười tám đại không, sáu loại thần thông, năm loại mắt, ba mươi bảy phẩm, mười tám pháp bất cộng, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp.

Tất cả thọ mạng của Chư Phật, tất cả sự việc để làm thanh tịnh cõi nước Phật, hết thảy công việc giáo hóa để thành tựu chúng sinh, tất cả lối tu khổ hạnh khó thực hành, ta lấy việc tu hành hết thảy mọi thiện pháp làm giới luật, lấy việc làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh làm giới luật.

Ta thâu nhận đủ hết thảy mọi luật nghi để gìn giữ. Tất cả công đức, hết thảy trí tuệ, tất cả sự trang nghiêm, hết thảy thệ nguyện lớn lao, tất cả phương tiện, những sự việc như thế, phước đức trí tuệ không thể nghĩ bàn, ta đều đã thành tựu, không có sự việc nào là không đầy đủ.

Ta dứt bỏ tất cả việc chẳng tốt lành, dứt bỏ hết thảy phiền não, dứt bỏ mọi thói quen còn dư của phiền não. Ta thông đạt bốn đế, mười hai nhân duyên, ở dưới cội Bồ Đề, ta hàng phục bốn ma, thành tựu trí tuệ biết hết các loại pháp, giáo pháp tuyệt diệu như thế ta đều tu tập xong.

Khi ấy tất cả Chư Phật mới xướng lên: Quý hóa thay! Quý hóa thay! Chư vị cùng đem nước trí tuệ pháp tánh mà rưới lên đỉnh pháp thân, ta mới thành A nậu Đa La tam miệu tam Bồ Đề. Do nhân duyên ấy, nay ta có danh hiệu là Thiên Nhân Sư, Thập Lực Chủng Giác, Chí Cực Thế Tôn.

Trên Cõi Trời và chốn nhân gian không có ai sánh bằng, ta xem chúng sinh một cách bình đẳng, đều giống như La Hầu La, cho nên có danh hiệu là Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Ta thương xót thế gian, nhân duyên giáo hóa trọn vẹn xong xuôi, vì chúng sinh nên nay ta vào Niết Bàn, hãy làm theo pháp thế gian như vị Chuyển Luân Vương, để khiến cho chúng sinh được cúng dường khắp cả.

A Nan! ta nhập Niết Bàn, giống như vị Chuyển Luân Vương, để yên qua bảy hôm mới liệm vào kim quan, dùng dầu thơm tuyệt diệu rót đầy bên trong áo quan rồi đậy kín nắp áo quan. Bốn mặt kim quan ấy phải lấy bảy thư báu xen lẫn vào giữa để trang hoàng, dùng hết thảy cờ phướn báu và hương hoa cúng dường.

Trải qua bảy ngày xong, lại đem nhục thể ra khỏi kim quan, khi đã đem nhục thể ra khỏi kim quan thì phải dùng hết thảy các thứ nước thơm tuyệt diệu để tẩy rửa và tắm gội thân thể của Như Lai. Khi đã rửa ráy xong rồi, dùng bông Đâu La Miên loại tốt đẹp thượng hạng quấn khắp thân thể. Thứ đến lấy một ngàn tấm vải bông trắng vi diệu vô giá, lại quấn vào thân Như Lai chồng lên trên bông rồi lại liệm vào kim quan.

Lại lấy dầu thơm vi diệu đổ đầy bên trong kim quan rồi đậy nắp áo quan cho kín. Đến khi ấy mới đem toàn loại gỗ chiên đàn mọc ở núi Ngưu Đầu, trầm thủy hương, hết thảy gỗ thơm vi diệu rồi chất đầy vào xe bảy báu.

Tất cả mọi đồ quý giá dùng để trang nghiêm được chở theo kim quan quý báu đến chỗ trà tỳ. Vô số cờ phướn báu, vô số lọng báu, vô số y báu, vô số tiếng nhạc Cõi Trời, vô số hương và hoa đầy khắp hư không để cúng dường một cách xót thương. Tất cả hàng Trời Người, vô số đại chúng, ai nấy đều nên đem gỗ chiên đàn, trầm thủy, dầu thơm vi diệu để trà tỳ Như Lai.

Làm lễ trà tỳ trong cảnh gào khóc và quyến luyến đã xong, hàng Trời Người bốn chúng thu lấy Xá Lợi đựng vào bình bảy báu. Ở giữa ngã tư đường lớn bên trong đô thành, hãy dựng lên Tháp bảy báu để cúng dường Xá Lợi, có thể làm cho chúng sinh được công đức lớn, xa lìa nỗi khổ ở ba cõi mà hướng đến sự vui Niết Bàn.

A Nan nên biết! Tất cả bốn chúng dựng lên Tháp bảy báu để thờ Xá Lợi Phật xong, lại phải dựng thêm ba Tháp để cúng dường. Đó là Tháp Phật Bích Chi, Tháp A La Hán, Tháp Chuyển Luân Vương, vì để khiến cho thế gian biết quay về và nương tựa.

A Nan bạch Phật: Như Lai xuất hiện ở đời, từ bi thương xót chúng sinh, biểu hiện rõ ràng mười lực đại bi, bốn đức không sợ hãi, mười hai nhân duyên, giáo pháp bốn đế, ba môn giải thoát, tám loại âm thanh sang sảng như tiếng sấm của bậc Đại Phạm Thiên Vương làm chấn động ba cõi, ánh hào quang từ bi năm màu chiếu rọi khắp sáu đường.

Thuận theo tâm nghiệp chúng sinh ma chuyển hóa, hoặc là được bốn quả và sở hành của ba Thừa, hoặc là chứng đạo vô lậu vô vi của hàng Duyên Giác, hoặc nhập địa vị vô diệt vô sinh của hàng Bồ Tát, hoặc được vô lượng các Đà La Ni, hoặc được năm loại mắt, hoặc được sáu loại thần thông, hoặc thoát khỏi ba đường ác, hoặc ra khỏi tám chỗ chướng nạn, hoặc xa lìa nỗi khổ trong hàng người và Trời thuộc ba cõi.

Từ lực của Như Lai thanh tịnh, pháp môn giải thoát của Như Lai không thể nghĩ bàn, cho đến lúc Niết Bàn, hết thảy thế gian, người, Trời, bốn chúng dựng Tháp bảy báu, cúng dường Xá Lợi được công đức lớn, có thể khiến cho chúng sinh thoát khỏi khổ đau trong ba cõi và nhập vào chánh giải thoát.

Do nhân duyên ấy, Phật Bát Niết Bàn, tất cả thế gian, người, Trời, đại chúng báo đáp ân đức từ bi vô lượng rất mực sâu xa của Phật, họ dựng Tháp bảy báu để cúng dường Xá Lợi, đúng lẽ là phải thế.

Bạch Thế Tôn! Còn ba loại Tháp kia đối với các chúng sinh sẽ được những lợi ích gì, mà khiến xây dựng để cung kính cúng dường?

Phật bảo A Nan: Hàng Phật bích chi giác ngộ nhân duyên của pháp và đi sâu vào pháp tánh. Các vị ấy đã thoát khỏi tất cả lỗi lầm tai họa và quả báo trong các cõi, có thể làm ruộng phước cho hàng người và Trời. Do nhân duyên đó mà dựng Tháp cúng dường, phước đức mà vị ấy có được tuy kém hơn Như Lai, nhưng có năng lực khiến cho chúng sinh đều được kết quả rất mầu nhiệm.

A Nan! Bậc A La Hán, ở trong ba cõi, đã hết sự sinh ra và phận sự, chẳng chịu quả báo ở đời sau, phạm hạnh đã đứng vững, có thể làm ruộng phước cho thế gian. Vì thế cho nên cần phải dựng Tháp cúng dường, phước đức vị ấy có được đứng sau Phật Bích Chi, cũng khiến cho chúng sinh đều được giải thoát.

A Nan! Vị Chuyển Luân Vương mặc dù chưa giải thoát phiền não trong ba cõi, song nhờ lực dụng phước đức nên vị ấy cai quản bốn thiên hạ, rồi đem mười điều lành để cảm hóa giáo dục mọi loài chúng sinh. Đó là điều mà các chúng sinh ấy tôn trọng, vì vậy bốn chúng dựng Tháp cúng dường, phước đức có được cũng lại vô lượng.

A Nan bạch Phật: Phật Bát Niết Bàn, tất cả bốn chúng nên trà tỳ Như Lai ở chỗ nào để chúng con có thể thu lấy Xá Lợi, xin mong Thế Tôn chỉ bày rõ ràng.

Phật bảo A Nan: Phật Bát Niết Bàn, nếu hết thảy bốn chúng trà tỳ Như Lai ở bên trong thành Câu Thi, người trong thành ấy đều nối ngôi Vua, thì họ sẽ đánh dẹp và kiện tụng lẫn nhau không lường, cũng khiến cho tất cả được phước theo từng bậc chênh lệch.

A Nan! Tất cả bốn chúng có thể trà tỳ Như Lai ở bên ngoài thành, để khiến cho thế gian được phước ngang bằng nhau.

A Nan bạch Phật: Phật nhập Niết Bàn, công việc trà tỳ xong xuôi, tất cả bốn chúng thu lấy Xá Lợi rồi an trí vào bình báu, chúng con nên dựng Tháp bảy báu ở chỗ nào để hết thảy mọi người đều được cúng dường với tấm lòng tha thiết. Xin mong Thế Tôn chỉ dạy rõ.

Phật bảo A Nan: Phật Bát Niết Bàn, công việc trà tỳ đã xong, tất cả bốn chúng thu lấy Xá Lợi đặt vào bình bảy báu. Các ông nên dựng Tháp bảy báu ở giữa ngã tư đường, bên trong thành Câu Thi Na Già.

Ngôi Tháp cao mười ba tầng, bên trên có bánh xe chuyển pháp luân, hết thảy các thứ quý báu đẹp đẽ xen kẽ trang nghiêm, dùng hết thảy phướn hoa đẹp đẽ ở thế gian để trang nghiêm Tháp ấy, lan can bốn bên Tháp là do bảy thứ quý báu hợp thành, hết thảy đồ trang hoàng, không có gì là không cùng khắp.

Bốn mặt của ngôi Tháp ấy, mỗi mặt mở một cửa, thứ tự khoảng cách giữa từng tầng Tháp có cửa sổ tương đương, an trí bình báu đựng Xá Lợi Như Lai để hàng Trời Người và bốn chúng chiêm ngưỡng cúng dường.

A Nan! Tháp của hàng Phật Bích Chi phải làm mười một tầng, cũng đem mọi đồ quý báu để trang hoàng.

A Nan! Tháp của Bậc A La Hán làm hoàn thành chỉ có bốn tầng, cũng đem mọi thứ quý báu để trang nghiêm.

A Nan! Tháp của vị Chuyển Luân Vương cũng hoàn thành bằng bảy thứ quý báu, không có tầng cấp.

Vì sao?

Vì các vị ấy chưa thoát khỏi sự khổ não và quả báo ở ba cõi.

Bấy giờ, A Nê Lâu đậu bạch Phật: Sau khi Phật Niết Bàn, việc trà tỳ đã xong xuôi, tất cả các hàng Trời Người và bốn bộ đại chúng nên phân bố Xá Lợi Như Lai như thế nào rồi được cúng dường?

Bấy giờ, Phật bảo A Nê Lâu Đậu: Ta Bát Niết Bàn, hàng Trời Người các ông giữ lấy Xá Lợi Phật, đem tâm bình đẳng, phân bố cho ba cõi, hết thảy thế gian trong sáu đường để cúng dường.

Khi ấy, Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Nay con tuân theo Phật kính thỉnh bán thân Xá Lợi của Như Lai, đem tấm lòng tha thiết của con nguyện xin cúng dường.

Phật bảo Trời Đế Thích: Như Lai xem chúng sinh một cách bình đẳng giống như La Hầu La, ông không nên thỉnh bán thân Xá Lợi.

Vì sao?

Vì sự bình đẳng lợi ích giúp đỡ cho các chúng sinh?

Phật bảo vị Thiên đế: Nay ta cho ông Xá Lợi một chiếc răng hàm trên bên phải, có thể dựng Tháp cúng dường ở trên Cõi Trời, có khả năng khiến cho ông được phước đức vô tận.

Bấy giờ, hàng Trời, Người, tất cả đại chúng xót thương chảy nước mắt, không thể nào tự giảm bớt.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo khắp bốn chúng: Phật Bát Niết Bàn, hàng Trời và người các ông chớ buồn rầu quá.

Vì sao?

Tuy rằng Phật Niết Bàn, nhưng có Xá Lợi thường còn để cúng dường. Lại có Pháp Bảo vô thượng, tạng Tu Đa La, tạng Tỳ Na Da, tạng A Tỳ Đạt Ma. Do nhân duyên ấy mà Ba ngôi báu, Bốn đế thường trụ ở đời, có năng lực làm cho chúng sinh quay về nương tựa với tấm lòng tha thiết.

Vì sao?

Cúng dường Xá Lợi tức là Phật bảo, thấy Phật tức là thấy pháp thân, thấy pháp thân tức là thấy Hiền Thánh, vì thấy Hiền Thánh tức là thấy Bốn đế, vì thấy Bốn đế tức là thấy Niết Bàn. Do đó, nên biết rằng, ba ngôi báu thường trụ, không có sự biến đổi, vì có năng lực làm chỗ quay về nương tựa cho thế gian.

Phật lại bảo các đại chúng: Các ông chớ quá buồn rầu khổ sở, hôm nay ở đây, ta sắp Niết Bàn. Nếu các vị có điều gì còn nghi ngờ như giới luật, như quy y, hoặc giả sự thường, vô thường, ba ngôi báu, bốn đế, sáu Ba la mật, mười hai nhân duyên, thì các vị hãy mau nêu ra câu hỏi để hỏi tường tận, sau khi Phật Niết Bàn, các vị không có sự thắc mắc hối tiếc nữa.

Phật bảo mọi người ba lần.

Bấy giờ, bốn chúng lo buồn khổ não, nghẹn ngào chảy nước mắt, trong lòng vô cùng đau đớn, họ tưởng nhớ lại và quyến luyến, hết sức buồn phiền sầu muộn. Nhờ thần lực của Phật nên họ che giấu nước mắt lặng yên mà không nêu ra câu hỏi.

Vì sao?

Vì tất cả bốn chúng đã thông đạt hiểu rõ và không có sự nghi ngờ đối với giới luật, sự quy y, ba ngôi báu, bốn đế.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn biết mọi người trong bốn chúng không còn điều gì nghi ngờ nữa, bèn khen ngợi: Quý hóa thay! Quý hóa thay! Bốn chúng các ông đã có năng lực thông đạt ba ngôi báu, bốn đế, không có sự nghi ngờ vậy, giống như nước sạch gột rửa thân nhơ bẩn, các ông hãy nên chăm chỉ siêng năng để sớm được ra khỏi, đừng sinh ra tâm niệm tán loạn, sầu não, mê muộn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở Tòa Sư Tử, dùng cánh tay vàng ròng sáng chói vén tấm Y Tăng Già Lê đang đắp trên thân, để lộ ra ngực sư tử màu tía vàng óng, cho đại chúng thấy cùng khắp mà bảo: Tất cả đại chúng Trời Người các ông, hãy nên đem tâm tha thiết để nhìn xem sắc thân vàng tía sáng chói của ta.

Bốn chúng lúc ấy, hết thảy đều chiêm ngưỡng sắc thân vàng óng sáng chói của đức Đại Giác Thế Tôn, mắt chẳng rời, ai nấy đều sung sướng, ví như vị Tỳ Kheo nhập Cõi Thiền thứ ba cũng khó sinh khởi sự vui sướng như thế.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn đem thân vàng óng cho đại chúng thấy xong, liền phóng ra vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức ánh sáng đại Niết Bàn, chiếu khắp tất cả Thế Giới ở mười phương, khiến ánh sáng của mặt trời và mặt trăng soi chiếu không còn sáng rỡ nữa.

Phóng ra ánh sáng như thế xong, rồi bảo đại chúng: Nên biết, Như Lai vì các ông mà qua bao đời kiếp chồng chất, đã cần cù tu tập hết thảy sự khổ hạnh khó làm, cắt đứt thân thể tay chân, bản nguyện đại bi ở cõi đời đầy năm thứ vẩn đục này mà thành A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

Ta được sắc thân vàng tía kim cương bất hoại này, đầy đủ ba mươi hai tướng và tám mươi vẻ đẹp, vô lượng ánh sáng chiếu khắp tất cả, không ai là không giải thoát khi họ nhìn thấy hình dáng hay gặp được ánh sáng của ta.

Đức Phật lại bảo các đại chúng: Phật xuất hiện ở đời khó như hoa Ưu đàm hiếm có và khó gặp.

Đại chúng các ông gặp được ta lần cuối cùng, là đối với thân này, các ông không sống cuộc đời uổng phí. ta đem lực dụng của lời thệ nguyện căn bản mà sinh ra tại cõi nhơ nhớp này, nhân duyên giáo hóa chu tất, nay sắp sửa Niết Bàn, các ông hãy đem tâm rất mực chân thành để nhìn xem sắc thân màu tía vàng óng của ta. Các vị hãy nên tu tập nghiệp thanh tịnh như thế, vào đời vị lai, các vị sẽ được quả báo này.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ân cần bảo đi bảo lại ba lần như thế.

Ngài đem sắc thân vàng ròng cho các đại chúng thấy, liền từ giường lớn sư tử bằng bảy báu, bay lên ở giữa hư không cao bằng một cây Đa La rồi một lần trở lại, bảo: Ta sắp sửa Niết Bàn, đại chúng các ông hãy nhìn xem sắc thân màu tía vàng óng của ta.

Hết lần này đến lần khác như thế, Đức Thế Tôn lên cao bằng bảy cây Đa La rồi bảy lần trở lại mà bảo: Ta sắp Niết Bàn, đại chúng các ông cần phải đem tấm lòng tha thiết để nhìn xem sắc thân màu tía vàng óng của ta.

Từ giữa hư không, Đức Thế Tôn hạ xuống ngồi giường sư tử, rồi lại bảo với đại chúng: Ta sắp Niết Bàn, các ông hãy đem lòng tha thiết để nhìn xem sắc thân màu tía vàng óng của ta.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn từ giường sư tử lại lên hư không cao bằng một cây Đa La, rồi lại bảo với đại chúng: Ta sắp Niết Bàn, các ông hãy đem lòng tha thiết để nhìn xem sắc thân màu tía vàng óng của ta.

Hết lần này đến lần khác như thế, Đức Thế Tôn lên cao bằng bảy cây Đa La rồi bảy lần trở lại mà bảo: Ta sắp Niết Bàn, đại chúng các ông hãy nhìn xem sắc thân màu tía vàng óng của ta.

Từ giữa hư không, Đức Thế Tôn hạ xuống ngồi giường sư tử, rồi lại bảo với đại chúng: Ta sắp Niết Bàn, các ông hãy đem lòng tha thiết để nhìn xem sắc thân màu tía vàng óng của ta.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn từ giường sư tử lại lên hư không cao bằng một cây Đa La, lại bảo với đại chúng: Ta sắp Niết Bàn, các ông hãy đem lòng tha thiết để nhìn xem sắc thân màu tía vàng óng của ta.

Hết lần này đến lần khác như thế, Đức Thế Tôn lên cao bằng bảy cây Đa La rồi bảy lần trở lại mà bảo: Ta sắp Niết Bàn, các ông hãy đem lòng tha thiết để nhìn xem sắc thân màu tía vàng óng của ta.

Từ giữa hư không, Đức Thế Tôn hạ xuống ngồi giường sư tử, rồi lại bảo với đại chúng: Ta sắp Niết Bàn, các ông hãy đem lòng tha thiết để nhìn xem sắc thân màu tía vàng óng của ta.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lộ rõ ra sắc thân màu tía vàng óng của Như Lai, tỏ bày khắp hết đại chúng. Trở đi trở lại ba lần như thế, Đức Thế Tôn lên trên hư không cao bằng bảy cây Đa La, rồi ba lần trở đi trở lại, từ không trung lại xuống ngồi giường sư tử.

Hai mươi bốn lần trở đi trở lại, Đức Thế Tôn bảo các đại chúng một cách ân cần như vậy: Ta sắp Niết Bàn, các ông hãy đem tấm lòng tha thiết để nhìn xem sắc thân của ta là thân kim cương vững chắc chẳng hoại, thân màu tía vàng óng, không có sự sợ hãi, giống như hoa Ưu Đàm khó có thể gặp gỡ.

Các ông nên biết, ta sắp sửa Niết Bàn, các ông cần phải đem lòng rất mực chân thành để nhìn xem sắc thân màu tía vàng óng của ta, giống như người khát nước khi Trời nóng bức gặp được nước mát lạnh, uống nước no nê, không còn suy nghĩ điều gì khác nữa. Đại chúng các ông cũng như thế.

Ta sắp Niết Bàn, đại chúng các ông cần phải đem lòng tha thiết ân cần để chiêm ngưỡng, vì đó là lần sau chót các người được gặp Như Lai. Gặp lần này rồi, từ đây các vị sẽ không còn gặp lại Như Lai nữa. Đại chúng các ông hãy chiêm ngưỡng cho đầy đủ, để không còn sự hối hận về sau.

Đức Phật lại bảo các đại chúng: Sau khi ta Niết Bàn, đại chúng các ông phải nên mở rộng việc tu hành để sớm ra khỏi ba cõi. Đừng biếng nhác và làm cho tâm tán loạn buông lung trở lại.

Bấy giờ, các bốn chúng, Trời và người ở tất cả Thế Giới gặp được ánh sáng Niết Bàn và chiêm ngưỡng Đức Phật, hết thảy hàng người và Trời trong thế gian, ba đường, tám chỗ chướng nạn có điều phiền não, bốn tội nặng, năm tội nghịch, tội lỗi cực ác, thì mãi mãi tiêu diệt không còn, đều được giải thoát.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn để lộ ra sắc thân màu tía vàng óng, ân cần bảo cho đại chúng đều biết rõ xong, rồi giơ tấm y Tăng già lê lên để đắp lại như thường.

***