Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn Hậu Phần

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI BÁT NIẾT BÀN HẬU PHẦN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nhã Na Bạt Đà La, Đời Đường
 

PHẨM MỘT

PHẨM KIỀU TRẦN NHƯ
 

Bấy giờ, Tu Bạt Đà La theo Đức Phật để nghe nói pháp vi diệu rất sâu sắc Đại Bát Niết Bàn mà được pháp nhãn, thấy pháp thanh tịnh, ông yêu quý hộ trì chánh pháp và đã xả bỏ tà kiến. Với niềm tin sâu sắc bền vững ở trong Phật pháp, ông liền theo Đức Như Lai để muốn cầu xin xuất gia.

Đức Phật dạy: Quý hóa thay! Quý hóa thay! Tu Bạt Đà La! Thiện lai Tỳ Kheo! Ông làm đẹp lòng tâm của Bậc Thánh, khéo nhập Phật Đạo.

Thế là Tu Bạt Đà La vui mừng, hân hoan vô lượng, tức thời râu tóc tự nhiên rụng mà làm Sa Môn, nước trí tuệ pháp tánh đổ vào nguồn tâm, không có sự ràng buộc dính mắc nữa, dứt bỏ hết mọi phiền não cho nên ý được giải thoát, đắc quả La Hán.

Tu Bạt Đà La đã chứng quả xong, ông liền ở trước Đức Phật chiêm ngưỡng vẻ mặt tôn quý, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài, mặc áo Ca Sa để hở vai bên phải, đầu gối phải chạm đất, chắp tay quỳ xuống, mừng mừng tủi tủi.

Ông tự hối hận trách cứ tội lỗi của mình ở vào thuở xa xưa một cách thấm thía rồi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chỉ tiếc rằng thân độc hại của con từ kiếp lâu xa đến nay thường lừa dối mê hoặc lẫn nhau, khiến cho con ngụp lặn mãi trong sự vô minh và tà kiến, chìm đắm trong pháp ngoại đạo ở ba cõi.

Đau đớn thay! Khổ sở thay! Đương lúc tai hại quá đỗi, nay con vô cùng mừng rỡ, nhờ ơn Như Lai con được vào chánh pháp.

Bạch Thế Tôn! Biển cả trí tuệ, từ bi thương xót vô lượng. Con tự trộm ngẫm nghĩ, dù cho tấm thân tan nát trong bao đời kiếp chồng chất, vẫn chưa thể nào báo đền ân đức của Ngài trong chốc lát.

Tu Bạt Đà La nói lời như thế xong, buồn rầu nức nở, nước mắt ròng ròng không thể nào ngăn được.

Ông lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tuổi tác của con đã già nua, vận mệnh không còn bao lăm nữa, con chưa thoát khỏi mọi nỗi khổ và sự khổ cứ biến chuyển thúc ép. Xin mong Thế Tôn ở lại ít lâu để răn bảo dạy dỗ, xót thương cứu hộ mà đừng vào Niết Bàn.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn im lặng không hứa, thỉnh cầu của Tu Bạt Đà La không có kết quả, ông lo buồn, bức rức phiền não, bèn lớn tiếng xướng lên: Khổ thay! Khổ thay! Thế gian trống rỗng! Thế gian trống rỗng!

Cớ sao hiện giờ sự sợ hãi quá đỗi liền đến, nỗi phiền não bức rức lưu hành.

Thương thay! Xót thay! Phước của chúng sinh hết, con mắt tuệ chân chính không còn.

Ông lại chảy nước mắt kêu gào thảm thương nghẹn ngào, máu xuất ra khắp cả thân thể, cất tiếng khóc òa.

Ở trước Đức Như Lai, ông gieo xuống đất cả thân thể, tâm hỗn loạn cuống cuồng, mê man im bặt, hồi lâu ông mới tỉnh lại, nghẹn ngào trong nước mắt mà bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nay con không đành lòng trông thấy Như Lai nhập Niết Bàn, trong tâm vô cùng đau đớn, khó tùy ý dằn ép bớt, tự mình con làm sao có thể cùng với tấm thân độc ác như đồ dùng hư hỏng này ở chung.

Nay trước mặt Thế Tôn, thà rằng con tự diệt độ trước một cách mau chóng, xin mong Thế Tôn sau này sẽ Niết Bàn.

Bấy giờ, Tu Bạt Đà La nói lời như thế xong, ông nghẹn ngào xót xa bịn rịn, ngay trong phút chốc, ông liền nhập Niết Bàn.

Lúc này, các Đại Bồ Tát, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, hết thảy thế gian, Trời, Người, A Tu La v.v… nhiều bằng vô số ức số lượng cát của sông Hằng không thể nói, đồng thanh xướng lên: Khổ thay! Khổ thay! Vì sao đấng Chánh Giác bỗng lìa bỏ trong phút chốc. Chúng ta không có chủ, không có chỗ quay về, không có nơi nương tựa, không có chỗ hướng tới.

Tưởng nhớ lại, họ lưu luyến mến chuộng, cảm động xót thương, gào khóc thê thảm. Họ nắm tay nhau, đấm ngực bất tỉnh tuyệt vọng, không nhận ra các phương hướng, đau thương thảm thiết vang đến ba ngàn đại thiên Thế Giới.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn phát ra tám thứ âm thanh bảo khắp đại chúng: Các người chớ khóc gào lớn tiếng giống như trẻ con, mỗi người hãy kiềm chế lẫn nhau chớ tự làm loạn tâm mình. Đối với nỗi khổ lưu chuyển trong biển cả sinh tử, các ông hãy chăm chỉ tu tập tâm thanh tịnh, chớ đánh mất niệm tuệ, chóng cầu chánh trí để mau ra khỏi sự sống chết trong các cõi.

Thọ thân trong ba cõi, bánh xe khổ quay mãi không có ranh giới. Ông chủ vô minh, Vua quỷ ân ái sai khiến thân tâm, thúc giục làm tôi tớ người hầu. Cảnh giới duyên khắp, tạo nghiệp sống chết.

Tham lam, tức giận, ngông cuồng, ngu si, từng niệm từng niệm làm tổn hại, vô lượng kiếp đến nay thường chịu khổ não, sao người có trí không xét lại ngọn nguồn này?

Các ông nên biết rằng, từ thuở kiếp lâu xa đến giờ, ta đã vào rốt ráo tịch tĩnh, không có ấm, giới, nhập, mãi mãi dứt bỏ sự sống chết trong các cõi.

Kho chứa châu báu kim cương thường, lạc, ngã, tịnh. Đối với điều này, nay ta lộ rõ sự khó thể nghĩ bàn và hiển hiện lực dụng của phương tiện, vào đại Niết Bàn, tỏ rõ giống như pháp thế gian. Ta muốn khiến cho chúng sinh biết thân mạng như ánh chớp mà phát sinh lòng mến chuộng, thác nước sinh tử cuốn trôi nhanh chóng. Các pháp hữu vi do nhân duyên sinh ra thường xoay chuyển như bánh xe pháp ứng theo như thế.

Như Lai Niết Bàn sâu sắc đến mức cùng cực, sâu sắc tột cùng, không thể suy nghĩ và bàn luận, mới chính là cảnh giới của Chư Phật và Bồ Tát, không phải là điều mà các hàng Thanh Văn và Duyên Giác biết được.

Đức Phật lại bảo các đại chúng: Ông Tu Bạt Đà La ấy đã từng cúng dường Chư Phật nhiều như số cát Sông Hằng, trồng sâu cội rễ tốt lành ở chỗ các Đức Phật, nhờ sức mạnh thệ nguyện căn bản, nên thường ở trong pháp ngoại đạo Ni Kiền, xuất gia tu hành, đem trí tuệ phương tiện dạy dỗ khuyên bảo kẻ tà kiến tiến tu, khiến cho chúng sinh lạc đường đi vào chánh trí.

Tu Bạt Đà La nương theo sức mạnh của thệ nguyện căn bản, nay được gặp ta Niết Bàn, được nghe chánh pháp lần cuối cùng. Ông ấy đã nghe chánh pháp thì đắc quả La Hán, đã đắc quả xong thì lại nhập Niết Bàn. Khi ta đắc đạo, độ cho A Nhã Kiều Trần Như, sau cùng Niết Bàn, ta độ cho Tu Bạt Đà La. Sự việc của ta rốt ráo, không còn thi hành gì nữa, giả sử ta ở đời lâu dài, thì không có khác gì hôm nay.

Bấy giờ, nói lời ấy xong, Đức Thế Tôn liền thở dài rồi than: Quý hóa thay! Quý hóa thay! Tu Bạt Đà La! Để báo đền ân Phật, này đại chúng, các ông phải nên cúng dường thi thể của ông ấy và an lập Tháp Miếu.

Lúc này, đại chúng đè nén sự buồn bã thảm thương, che giấu nước mắt và dằn bớt nỗi đau, liền y theo lời dạy của Đức Phật, lấy gỗ thơm và dầu để thiêu xác của ông ấy.

Lúc đang thiêu đốt thi thể Tu Bạt Đà La, tức thời ở trong ngọn lửa tỏa ra ánh sáng rỡ ràng, thị hiện mười tám loại thần biến. Trên thân tuôn ra nước, dưới thân bốc ra lửa. Hông bên phải phát ra lửa, hông bên trái tuôn ra nước. Nhỏ lại hiện lớn, lớn lại hiện nhỏ đầy khắp giữa hư không.

Bấy giờ, vô lượng đại chúng cho đến những chúng sinh tà kiến ngoại đạo phát tâm Bồ Đề và được vào chánh kiến. Tu Bạt Đà La thị hiện sự biến đổi thần diệu xong, bèn trở vào lại trong ngọn lửa. Lễ Trà Tỳ đã xong xuôi, lúc ấy đại chúng buồn cảm thương tiếc, họ thu lấy Xá Lợi để dựng Tháp cúng dường.

***