Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Bi

PHẬT THUYẾT KINH ĐẠI BI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
 

PHẨM MƯỜI BỐN

PHẨM DẠY KHUYÊN
 

Lúc ấy Ngài Huệ Mệnh A Nan bạch Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn! Con nay phải tu hành pháp nhãn như thế nào?

Nếu con tu hành chánh pháp nhãn của Phật thì phải làm sao để lưu bố được rộng rãi khắp Trời người?

Bạch Thế Tôn! Và con làm sao kết tập pháp nhãn được?

Làm sao hiển bày được?

Nói xong lời ấy, Phật lại bảo A Nan: Sau khi ta diệt độ có các Tỳ Kheo tập trung tụng Pháp Tỳ Ni thì Đại Đức Ma Ha Ca Diếp tối vi thượng thủ.

A Nan thì phải vì các vị Đại Đức Tỳ Kheo ấy mà hỏi như thế này:

Thế Tôn đã nói Đại A Bạt Đà Na ở đâu?

Ở nơi đâu nói Ma Ha Ni Đà Na?

Ở nơi đâu nói đại tập pháp?

Ở nơi đâu nói ngũ tam pháp?

Ở nơi đâu nói Chư Thiên đến hỏi đạo?

Ở nơi đâu Đế Thích hỏi đạo?

Ở nơi nào Chư Thiên từ thâm cung đến?

Nơi nào đã nói Kinh Phạm Võng?

Như vậy theo thư lớp và các Tỳ Kheo kia sẽ hỏi lại ngươi.

Này A Nan! Phật đã giảng Kinh tại nơi đâu?

Nơi nào đã nói Kỳ Dạ?

Nơi nào đã nói Tỳ Đa Ca La Na?

Nơi nào đã nói Già Đà?

Nơi nào đã nói Ưu Đà Na?

Nơi nào nói Ni Đà Na?

Nơi nào nói Y Đế Tỳ Lợi Đa Ca?

Nơi nào nói Xà Đa Ca?

Nơi nào nói Tỳ Phất Lược?

Nơi nào nói A Bà Đà Na?

Nơi nào nói A Phù Đà Đạt Ma?

Nơi nào Ưu Bà Đề Xá?

Này A Nan! Nơi nào Phật đã nói tạng Duyên Giác?

Nơi nào Phật nói Bồ Tát tạng?

Này A Nan! Sau khi các Tỳ Kheo ấy hỏi như thế rồi, ngươi nên đáp như thế này:

Ta nghe như vậy, một lúc Phật tại Ma Già Đà Quốc Mayadha, dưới cây Bồ Đề, lúc mới thành Chánh Giác.

Ta nghe như vậy, một thuở nọ Đức Phật ở thành Già Đa.

Ta nghe như vậy, một thuở nọ Đức Phật ở Ma Già Đà, dưới cây A Xà Bà La Ni Câu Đà tu hành khổ hạnh.

Ta nghe như vậy, một thuở Đức Phật ở tại núi Kỳ Xà Quật.

Ta nghe như vậy, một thuở nọ Đức Phật ở tại núi Tỳ Phú La.

Ta nghe như vậy, một thuở nọ Đức Phật ở tại nước Ma Già Đà, tại núi Bi Đề Ha.

Ta nghe như vậy, một thuở nọ Đức Phật ở tại Vương Xá Thành, núi Tiên Nhân chỗ tảng đá đen lớn.

Ta nghe như vậy, một thời Đức Phật tại nước Xá Vệ nơi vườn của ông Cấp Cô Độc, cây của Thái Tử Kỳ Đà.

Ta nghe như vậy, một thuở nọ Đức Phật tại thành Tỳ Xá Ly, trong vườn Ám La Thọ.

Ta nghe như vậy, một thuở nọ Đức Phật ở tại Tỳ Xá Ly bên cạnh hồ Di Hầu, ở Tịnh Xá Đại Lâm, giảng đường Trọng Các.

Ta nghe như vậy, một thuở nọ Đức Phật ở tại thành Già Đa, tại đỉnh núi Già Đa.

Ta nghe như vậy, một thuở nọ Đức Phật ở tại nước Câu Đàm Di trong vườn Cồ Sư La.

Ta nghe như vậy, một thuở nọ Đức Phật ở tại thành Ba Chỉ Đa, nơi vườn A Dục Xà, nơi rừng Ca La Ca.

Ta nghe như vậy, một thuở nọ Đức Phật ở tại dòng họ Thích thuộc thành Ca Tỳ La vườn Ni Câu Đà.

Ta nghe như vậy, một thuở nọ Đức Phật ở tại thành Ba Li Phất, vườn Cửu Cửu Thóa.

Ta nghe như vậy, một thuở nọ Đức Phật ở tại thành Ma Thâu La trong rừng cây Tần Đà.

Ta nghe như vậy, một thuở nọ Đức Phật ở tại thành Câu Thi Na, nơi đất Lực sĩ sanh, sông A Lợi La Bạt Đề bên cạnh Sa La Song Thọ.

Này A Nan! Như vậy đó theo thứ lớp nơi nơi xứ xứ mà Phật đã nói pháp. Tại các nơi ấy đông người tập họp. Tùy theo thời tiết, tùy theo ý nghĩa, tùy theo nhân duyên, tùy theo hỏi đáp mà phát khởi ra sự việc, cũng tùy người, tùy việc nữa. Phải nên phân biệt nói rộng ra vậy.

Hãy tùy theo tên tuổi, ý nghĩa thứ lớp khác nhau mà diễn thuyết vậy. Cũng tùy theo lý do, có nhân có duyên. Hãy vì nghĩa tốt, ý hay mà vì người rộng nói vậy. Phật nói Kinh rồi, tất cả đại chúng đều hoan hỷ lãnh thọ phụng hành.

Này A Nan! Các ngươi hãy kết tập pháp nhãn như thế. Cứ như thế mà phân biệt, giảng nói giảng bày. Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri nói lời như vậy. Khi nghe những lời ấy rồi đại địa cực ác sáu loại chấn động, làm cho nhiều người sợ hãi, khiến tóc dựng lên.

Lúc bấy giờ cả ba ngàn Đại Thiên Thế Giới sáu loại chấn động hiện ra mười tám tướng. Đông nhảy Tây chìm. Tây nhảy Đông chìm. Nam nhảy Bắc chìm. Bắc nhảy Nam chìm. Trung nhảy cạnh chìm.

Cạnh nhảy giữa chìm cả mười tám tướng như vậy. Thay đổi nhảy múa, nhảy múa biến đổi. Lên và xuống, chấn động chỗ này, chỗ kia. Có tiếng kêu lớn chỗ này chỗ kia. Chỗ này đột biến chỗ kia xuất hiện. Chỗ này có chỗ kia không.

Lúc bấy giờ có vô lượng Chư Thiên, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Ma Hầu La Đà, Thích Phạm, hộ thế người và không phải người.

Tất cả đều sầu khổ khóc thương và nói như thế này: Đức Bà Già Bà nhập Niết Bàn quá sớm! Đức Tu Già Đà nhập Niết Bàn quá sơm! Cặp mắt của thế gian bị mù lòa quá sớm. Thế gian có mắt cũng hư không, quá sớm.

Ngài Huệ Mệnh A Nan sầu bi khóc lóc lại nói rằng: Đức Bà Già Bà Niết Bàn quá sớm. Đức Tu Già Đà Niết Bàn quá sớm. Cặp mắt của thế gian mất đi quá sớm. Thế gian bị mù lòa, không có mắt quá sớm. Thầy của thế gian mất đi quá sớm.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo A Nan rằng: Này A Nan! Hãy đừng sầu bi nữa. Tất cả các pháp hữu vi có sanh ra có tồn tại thì phải biết rằng có phân biệt, có biết. Vì di nhân duyên sanh nên phải hoại diệt. Nếu mà không hoại, thật không đúng vậy.

Này A Nan! Từ đêm dài này thân, miệng, ý của ta đã an lạc vô lượng không có hai, không sân không hận, không có giận buồn.

Này A Nan! Hãy biết đây là đại thần thông, đại công đức. Rộng sâu vô lượng dụ như Cam Lồ số một trong tận cùng Cam Lồ vậy.

Cho nên A Nan! Hãy nên vì phạm hạnh cho đến thân khẩu ý mà cung kính cúng dường. Hãy nên học theo những gì ta chỉ dạy.

Vì sao vậy?

Này A Nan! Sau khi ta diệt độ, ở đời vị lai. Sau khi chánh pháp hết rồi ở năm trăm năm phần trì giới và giữ gìn chánh pháp bị hoại diệt. Phá giới phi pháp băng đẳng xuất hiện thạnh hành, phỉ báng chánh pháp, thọ mạng không dài lâu. Khi chúng sanh hoại thì Pháp cũng hoại theo, lúc ấy Tỳ Kheo Tăng cũng bị hoại.

Này A Nan! Lúc ấy thật đáng sợ, có những Tỳ Kheo không tu thân, không tu thân, chẳng tu giới, chẳng tu huệ. Họ là những người chẳng lo tu giới, thân, tâm, huệ, mà chỉ lo tham trước sáu nơi.

Thế nào là sáu?

Một làm tham đắm nơi bình bát.

Hai là tham đắm nơi y phục.

Ba là tham đắm nơi đồ ăn.

Bốn là tham đắm nơi chỗ ngồi.

Năm là tham đắm nơi phòng ốc.

Sáu là vì bị bệnh nên tham đắm nơi thuốc men.

Họ là những người chỉ biết tham cầu nơi y bát cho đến các loại thuốc men tốt đẹp. Lại hay đấu tranh, tướng mạo sỗ sàng, lời nói thô tháo. Cho đến nơi công quyền miệng như đao kiếm. Cùng nhau phỉ báng, sỗ sàng cũng như ghen ghét.

Tất cả chỉ vì áo quần, bình bát, đồ ăn thức uống, chỗ ngồi, nơi nằm và thuốc men vậy. Cùng với việc ghen ghét, tâm không thuần thục, tâm tánh dơ bẩn.

Như gậy đó A Nan! Hãy nên phạm hạnh, thân miệng ý nên từ bi. Những kẻ như thế nên cúng dường đầy đủ. Nói về phạm hạnh có nghĩa là khi thấy, khi nghe, khi thô, khi tế, khi tin, khi làm, hãy từ nơi họ khoan khởi não loạn, hãy học như vậy.

Vì sao thế?

Này A Nan! Khi mà sợ hãi gia tăng chính là lúc mệnh trược, kiếp trược, chúng sanh trược, kiến trược và phiền não trược. Người thế tục lúc bấy giờ thọ nhận những sự khổ sở. Chính trong sự khổ sở đó họ bị phiền não.

Vì khi quá nghèo đói thì sẽ sinh ra bệnh dịch. Vì cướp phá nên sanh ra phiền não với nạn nước lửa. Vì các trùng độc nên nhiều loại bị não hại.

Này A Nan! Lúc ấy các vị Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ vì những khổ não như vậy cho nên đã có tín tâm tôn trọng cung kính Phật Pháp Tăng cho nên khiến cho nhiều người phát tâm tin sâu, tu hành bố thí làm các công đức. Thọ trì cầm giới, đọc tụng Kinh Điển.

Vì người giải nói, có nghe có làm, sau khi nghe rồi sanh tâm ái kính hoan hỷ reo mừng. Như pháp tu hành gồm nhiều căn lành.

Do căn lành này mà khi thân hoại mạng chung sanh vào đường lành như Chư Thiên hoặc loài người.

Này A Nan! Hãy xem các ác Tỳ Kheo ấy, họ cũng vì tín tâm mà bỏ nhà đi tu. Sau khi xuất gia được rồi lại tham lam y bát. Sáu loại nhân duyên để làm đọa lạc nơi ba đường dữ. Người tại gia do khổ não mà sinh tín tâm và do lòng tin này nên sanh vào được đường lành.

Cho nên A Nan! Hãy làm đúng luật về thân, luật về miệng, luật về ý và nên nhớ nghĩ rằng: Với sự kính tin này sẽ mau đầy đủ. Nguyện cho lòng tin của con được đầy đủ. Nguyện cho thân tâm của con có suy nghĩ đầy đủ.

Vì sao vậy?

Này A Nan! Thân khẩu ý nghiệp không thiện khi suy nghĩ thì có năm loại mất mát.

Thế nào là năm?

Một là vọng ngữ.

Hai là lưỡng thiệt.

Ba là ỷ ngữ.

Bốn là tham dục.

Năm là thân hoại.

Khi chết bị đọa vào ba đường ác, sanh vào địa ngục.

Này A Nan! Hãy tư duy sẽ được năm loại công đức lợi ích.

Thế nào là năm?

Một là không vọng ngữ.

Hai là không lưỡng thiệt.

Ba là không ỷ ngữ.

Bốn là không tham dục.

Năm là khi thân mệnh chung được sanh vào đường lành như Chư Thiên hoặc loài người.

Lại nữa A Nan! Nếu có kẻ đấu tranh, lời nói thô tháo, cạnh tranh nhau, tâm không nhu hòa.

Ấy là kẻ có tâm ô trược, biến hoại vậy.

Năm điều mất mát là:

1. Kẻ nói vọng ngữ.

2. Kẻ nói hai chiều.

3. Kẻ giữ giới không sanh kính tín.

4. Kẻ ngày đêm lo buồn khổ ác ý mà ở đó.

5. Kẻ thân hoại mạng chung phải đọa vào ba đường ác sanh vào địa ngục.

Này A Nan! Nếu lại có người tâm luôn luôn có niệm lành, hay được mười một loại công đức vậy.

Thế nào là mười một?

Một là lúc ngủ được an ổn, tâm thường vui vẻ.

Hai là không thấy ác mộng.

Ba là người hay không phải người hay yêu quí.

Bốn là Chư Thiên hay bảo hộ.

Năm là chất độc không thể hại được.

Sáu là không bị thương bởi dao tên.

Bảy là không bị lửa cháy.

Tám là không bị nước ngập.

Chín là thường được áo quần tốt đẹp và đồ ăn, chỗ ngồi, nằm, thuốc thang luôn luôn đầy đủ.

Mười là hay được pháp cao cả.

Mười một là khi thân hoại mệnh chung được sanh lên Phạm Thiên.

Này A Nan! Tâm ở từ thiện được mười một công đức lợi ích như thế đó. Như ta còn ở đời hay sau khi ta diệt độ đi nữa thì tự nhiên đèn pháp sẽ soi đường cho mọi người về. Không nên cầu nơi ánh sáng khác, mà cũng chẳng cầu cạnh người ta phải về với mình.

Này A Nan! Tại sao Tỳ Kheo là ánh đèn tự nhiên, là quy tắc tự tại, không cầu ánh sáng khác, không cầu kẻ khác về là nghĩa gì?

Này A Nan! Nếu có Tỳ Kheo khi quán nội thân, luôn luôn tinh tấn, một lòng vì đời, không lo ăn mặc. Nếu quán như vậy thì sẽ nhận được sự thọ nhận bên trong, tâm bên trong và pháp bên trong. Tinh tấn siêng năng một lòng vì đời, không lo chuyện ăn mặc.

Này A Nan! Đây gọi là các Tỳ Kheo tự nhiên pháp đăng và tự tác pháp quy vậy. Không cầu đèn của kẻ khác, không cầu trở về với kẻ khác.

Cho nên A Nan! Ta là Đạo Sư của các Thanh Văn. Nên làm những gì như ta đã làm. Các ngươi nên thực hành như vậy. Đây là giáo pháp của ta.

A Nan nên biết dưới bóng cây là nhà, ở nơi đường trống đi chăng nữa cũng nên một lòng tu chỉ quán. Hãy tự diệt khổ não, đừng có buông lung. Nếu kẻ nào buông lung, sau này tất hối hận.

Lúc ấy Đức Phật nói lời kệ rằng:

Ta đã nói chánh đạo

Ta với mũi tên vô trí

Vì người nên khuyên tu

Chư Phật đã thuyết pháp

Vì tịnh và thấy rồi

Trừ diệt các đường ác

Kẻ tu được giải thoát

Hay dứt các lưới ma

Nếu hay tu hạnh này

Giống như Phật đã nói

Hay độ tất cả khổ

Tức mãn nguyện Chư Phật.

Lúc bấy giờ sau khi Đức Thế Tôn nói Kinh này rồi, Ngài Huệ Mệnh A Nan cùng với Chư vị Tỳ Kheo, các đại chúng cũng như Trời người, A Tu La, Càn Thát Bà, tất cả thế gian, nghe Phật nói xong đều tùy thuận buồn vui, chắp tay ngay ngực cúi đầu mặc niệm, buồn thảm khóc thương, đảnh lễ rồi lui.

***