Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Bi

PHẬT THUYẾT KINH ĐẠI BI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
 

PHẨM NĂM

PHẨM CA DIẾP
 

Lúc bấy giờ Ngài A Nan tại bên giường Phật bi thương khóc lóc gieo mình xuống đất, dụ như rừng già mất đi cây lớn, nên mới thưa rằng: Bà Già Bà vào Niết Bàn quá sớm! Tu Già Đà Niết Bàn quá sớm. Trong chúng sanh là bậc đại từ bi vào nơi an ổn quá sớm. Là đèn của thế gian, là ánh sáng của Trời người, nhưng vào Niết Bàn quá sớm.

Hoa sen quý của chúng sanh vào Niết Bàn quá sớm. Là bậc Long Tượng của chúng sanh, tự điều phục, lại điều phục chúng sanh, còn nhiều người chưa độ, đã vội vào Niết Bàn.

Là bậc vô thượng Đạo Sư đã vì thế gian mà làm cho an ổn lại vội đi nhanh thế. Dùng mắt trí tuệ để rọi soi thế gian, lại đi sớm thế. Thế gian này như người đui, không có kẻ dẫn đường. Là cha mẹ của chúng sanh trong thế gian, sao vội đi nhanh thế. Thế gian sẽ cô độc không chỗ để nương nhờ.

Là hạng quý giá trong thế gian, làm sao mà ngày mai ta không còn thấy được nữa. Tuy chỉ còn tên tuổi tại thế gian thôi.

Lúc bấy giờ Đức Phật mới bảo Ngài A Nan rằng: Hãy dừng lại! A Nan! Hãy đừng sầu bi nữa! Ta đã từng nói về tất cả những sự luyến tiếc. Tất cả cái gì hòa hợp ắt có ngày sẽ ly tán.

Này A Nan! Các pháp hữu vi có sanh thì phải biết rằng pháp nhân duyên ấy phải hoại diệt. Nếu không bị hoại, không thể được như vậy. Nếu có ở đời, lại không tồn tại.

Này A Nan! Nếu có pháp mà sống đời đời như thế, tất cũng phải có chia lìa. Cho nên A Nan đừng sầu bi nữa. Lúc bấy giờ Ngài A Nan chiêm ngưỡng tôn nhan của Phật, mắt không rời và suy nghĩ. Lúc ấy dụ như rừng cây mất đi cây lớn.

Phật lại bảo A Nan rằng: Này A Nan! Hãy dừng lại! Hãy đừng sầu khổ! Cũng đừng lo buồn mong ta ở lại đời.

Này A Nan! Ta đã từng dạy phàm tất cả các luyến ái, các pháp hữu vi hòa hợp, tức có biệt ly. Giả sử ở đời lâu dài có thể cũng phải mất đi như các pháp vậy.

Này A Nan! Từ thân miệng từ bi Hiếu Đạo của Như Lai, vô lượng tâm an lạc không có hai, không sân không hận và không lo buồn.

Lúc bấy giờ Ngài A Nan, từ đất đứng lên vừa khóc vừa thưa: Bạch Đức Thế Tôn: Con làm sao không sầu được! Làm sao không buồn được. Con cùng với tất cả những người có lòng thương, cùng với tất cả những người trong thế gian, cùng với những người lân mẫn của thế gian, cùng với tất cả những người yêu thương của thế gian.

Cùng với tất cả những người trở về của thế gian, những người lãnh đạo của thế gian, những người vì lợi ích của tất cả thế gian, người vì sự an lạc của thế gian, như vậy đó, là bậc quý giá của chúng sanh ngày mai đây phải ly biệt. Lúc bấy giờ Ngài A Nan khóc than xong rồi tiếp.

Lạ thay, lạ thay! Các hành là một xác chết mà làm chỗ thờ, có thể như ánh sáng soi rọi. Ánh sáng lớn trong mọi ánh sáng, có trăm ngàn ức na do tha quyến thuộc vây quanh, làm cho thế gian này thấy biết nhớ nghĩ đến cảnh giới trí huệ, làm cho chúng sanh yên ổn nhưng mau quá.

Bậc đại trí huệ! Bậc đại quang minh! Vì thế gian an ổn mà đi nhanh quá. Thế gian cô độc. Người giữ gìn sự yên ổn chưa xong đã vội ra đi. Đức Như Lai có đầy đủ thần thông biến hóa mà nay thì làm cho thế gian yên ổn chưa xong đã vội đi.

Bạch Thế Tôn! Con làm sao không sầu được, con làm sao không buồn được.

Bạch Thế Tôn! Con bây giờ tự ngờ tâm mình mà không phá đi hết.

Bạch Thế Tôn! Con lại tự ngờ không ở trước Phật mà mất đi, tức thời Phật dùng thần lực mà cứu con. Cho nên con không chết được.

Vì sao vậy?

Vì con đã nhận lãnh chỗ yếu pháp của Như Lai, tám vạn bốn ngàn các pháp tạng đã thọ trì không quên, vì chưa lưu truyền cho mười phương Trời người vậy.

Bạch Thế Tôn! Con vì sự gia bị của Phật mà con chưa mệnh chung.

Bạch Thế Tôn! Con làm sao không sầu! Làm sao chẳng buồn.

Bạch Thế Tôn! Con sẽ đến thành Ca Tỳ La nơi Đức Thế Tôn đã sanh, tập trong dòng họ Thích lại để nói lời gì?

Lời nói đó là hôm nay Đức Thích Ca Mâu Ni bậc chúng trung tôn, vô thượng Pháp Vương sắp vào Niết Bàn.

Con đến thành Vương Xá gặp Tỳ Đề Hy Tử A Xà Thế, nói lời thế nào?

Có thể nói Đức Phật hôm nay vào Cõi Vô Dư?

Bậc hay cứu thế gian tội Vô gián nay sắp đi rồi.

Con đến thành Xá Bà Đề, phải nói lời nào?

Có thể nói bậc đại bi lân mẫn của thế gian đi vào cõi yên ổn.

Con đến rừng Kỳ Đà nơi Trưởng Giả Cấp Cô Độc và sẽ bị hỏi rằng: Khi nào thì Như Lai đến ở nơi cây của Kỳ Đà và vườn Cấp Cô Độc?

Con phải đáp sao đây?

Con đến thành Tỳ Xá Ly trước các vị Ly Xa Tử phải nói những gì?

Có thế nói bậc lân mẫn của thế gian là tối Đại Tôn Sư sẽ yên ổn ra đi chăng?

Nhiều nơi các bậc trai lành gái tốt đến hỏi con, con phải đáp sao đây?

Có thể nói rằng bậc đại trí của thế gian, là bậc đã đoạn tất cả nghi và an ổn ra đi.

Các vị Tỳ Kheo vì muốn thấy Phật cúng dường và lễ bái và hỏi con rằng Thế Tôn bao giờ làm lễ Bố Tát?

Lại đến hỏi pháp, lại đến hỏi ý nghĩa. Con hư không nghe không thấy họ mà nói rằng sau khi Thế Tôn tịch diệt sẽ có thần thông biến hóa và những kẻ phạm hạnh sẽ ở đời. Con làm sao không sầu, không buồn được.

Sau khi nói lời ấy, Phật bảo Ngài A Nan rằng: Này A Nan! Hãy đừng! Hãy đừng sầu khổ! Ta đã vì phạm hạnh mà giảng rộng, dạy khắp đã ở thế gian và vì lợi ích Trời người.

Này A Nan! Sau khi ta diệt độ bốn trăm năm Ca Diếp cùng các đệ tử sẽ khai triển dạy dỗ và hóa độ chúng sanh. Tu hành phạm hạnh lợi ích Trời người.

Này A Nan! Hãy đừng sầu khổ. Chánh pháp của ta đang lưu truyền rộng rãi, ở lâu trên đời và sẽ làm lợi ích cho chúng sanh.

Này A Nan! Sau khi ta vào Niết Bàn, Tỳ Kheo Ca Diếp cùng với các vị khác sẽ phát tâm, nghe ta mà vân tập vô lượng A tăng kỳ Uế Na Do Tha kiếp, vô thượng Tam Muội Tam Bồ Đề pháp, làm lợi ích việc lành không cho lui sụt.

Vì sao vậy?

Này A Nan! Tỳ Kheo Ca Diếp vì muốn ít biết đủ, xa rời siêng năng. Vui không quên hẳn. Vui không đùa giỡn mà trí tuệ hiện tiền.

Này A Nan! Tỳ Kheo Ca Diếp sẽ vì đại chúng mà dạy dỗ lợi lạc vậy. Vì phạm hạnh mà Thuyết Pháp không vì quyền lợi như cha mẹ vậy.

Này A Nan! Tỳ Kheo Ca Diếp sẽ cùng với bốn chúng mà nhìn thế gian một cách lân mẫn. Vì muốn cho lợi ích và an lạc chúng sanh ở Cõi Trời cũng như người vậy.

Phát tâm như thế rồi, lúc ấy A Nan bạch Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn! Tỳ Kheo Ca Diếp, phát tâm như thế đó vì lời hứa làm lợi lạc cho Trời người.

Phật bảo: Này A Nan! Tỳ Kheo Ca Diếp khi nhập Niết Bàn sẽ có lời thệ nguyện rằng: Nếu ta sau khi diệt độ, thần lực của ta sẽ gia trì làm cho chiếc y quấn nơi thân ta không biến không hoại, lông tóc màu sắc các căn từng loại cũng không biến hoại, cho đến khi nào Đức Di Lặc Như Lai Ứng Chánh Biến Tri xuất thế, làm cho ta thấy được Thế Tôn và gặp ở hội thứ nhất, thứ nhì và thứ ba. Đây là do nguyện lực gia trì của ta vậy.

Làm cho trăm ngàn chúng sanh, nhiều ngàn vạn chúng sanh, nhiều trăm ngàn ức Na Do Tha chúng sanh được chứng quả Thánh.

Nếu Phật Di Lặc thấy thân y của ta không hoại, không đổi và cả ba hội Thanh Văn cũng đều thấy thân ta không hoại cùng với các căn đều khắp và Cà Sa rồi, lúc ấy thân ta ở trên không trung, tự thiêu thân ta, thiêu rồi lửa dứt.

Này A Nan! Đó là sự phát tâm của Ca Diếp làm lợi ích an lạc cho chúng sanh.

Này A Nan! Tỳ Kheo Ca Diếp! Nhờ nguyện lực như thế mà được gia trì vậy. Sau khi đã thành thục những chúng sanh như thế rồi mới vào Niết Bàn.

Này A Nan! Tỳ Kheo Ca Diếp sau khi vào Niết Bàn có bốn núi đá di chuyển đến nơi Ca Diếp cùng với thân ấy hợp thành một.

Này A Nan! Thân của Ca Diếp ở giữa bốn hòn núi ấy chẳng biến hoại, mãi cho đến khi Di Lặc xuất thế, tùy thời dạy dỗ, thân của Tỳ Kheo Ca Diếp cũng không hoại diệt. Từ y áo Cà Sa cho đến chỗ ở cũng không bị hoại.

Vì sao vậy?

Này A Nan! Vì giữ tịnh giới vậy. Vì tu phạm hạnh vậy. Vì kẻ có trí tuệ vậy. Cho nên sở nguyện hay thành. Không giới, không tịnh, không tu phạm hạnh, không trí có muốn cũng khó thành tựu.

Này A Nan! Tỳ Kheo Ca Diếp trước khi phát nguyện gia trì rồi mới vào Niết Bàn. Sau khi vào Niết Bàn rồi, thân của Ca Diếp không bị biến đổi, tóc, máu, thịt và các cơ quan trong người cùng với y phục cũng không biến hoại. Thân cũng không hôi. Cho đến Di Lặc.

Này A Nan! Khi Đức Di Lặc ra đời cùng với chín mươi sáu ức Tỳ Kheo đến nơi Ca Diếp.

Này A Nan! Đức Phật Di Lặc vì thân Ca Diếp mà thị hiện chín mươi sáu ức Tỳ Kheo và ở trong pháp của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai làm bậc Đại Thanh Văn tu hạnh Đầu Đà, thiểu dục tri túc, siêng năng xa rời. 

Vui không quên, vui không giải đãi, định huệ hiện tiền. Hay vì chúng sanh mà hiển bày chỉ dạy lợi ích. Vì các bậc phạm hạnh mà thuyết pháp không hề lao nhọc như cha mẹ.

Này các Tỳ Kheo! Đó là Tỳ Kheo Ca Diếp, ở trong bốn chúng mà thấy xa lìa, không nghi hoặc mà hay tùy thuận chúng sanh.

Này chư Tỳ Kheo! Hãy xem Ca Diếp vì hay thương tưởng thế gian. Vì sự lợi ích an lạc của tất cả chúng Trời người mà phát tâm như vậy.

Này A Nan! Di Lặc Như Lai Chánh Biến Tri, hội thứ hai sẽ cùng với chín mươi bốn ức các vị Thanh Văn đến chốn này và kỳ thứ ba cùng với chín mươi hai ức Thanh Văn đến nơi Ngà Ca Diếp.

Này A Nan! Vị Phật Di Lặc kia đã dạy cho chín mươi hai ức Tỳ Kheo rằng: Tỳ Kheo Ca Diếp ở trong pháp của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai, là bậc Đại Thanh Văn tu hạnh Đầu Đà hay phát tâm muốn ít biết đủ và vì lợi ích an lạc của tất cả chúng sanh Trời người vậy.

Này A Nan! Đức Di Lặc Như Lai lúc ấy phóng hào quang nơi tay mặt đến đỉnh đầu Ca Diếp và quan sát nói với các Tỳ Kheo: Này chư Tỳ Kheo! Đây là Tỳ Kheo Ca Diếp: Sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ thì tuyên dương giáo pháp ấy rộng sâu, như trong chúng đây không có một người nào như sau khi ta diệt độ mà quảng tuyên giáo pháp của ta như Ca Diếp này vậy.

Này A Nan! Đó là Tỳ Kheo Ca Diếp, ở ba hội nơi vị Phật kia vì bổn nguyện mà gia trì vậy. Tại hư không hiện nhiều loại thần thông nhiều loại biến hóa rồi, tự thiêu thân mình. Khi thiêu xong không hiện lại nữa.

Lúc bấy giờ Ngài Di Lặc Phật đã tuyên dương Ngài Ca Diếp rồi cùng với chín mươi hai ức Tỳ Kheo mà thuyết pháp cùng với nhiều trăm, ngàn, ức na do tha và trăm ngàn Chư Thiên, loài người được chứng Thánh Đạo.

Này A Nan! Tỳ Kheo Ca Diếp phát tâm lợi ích cho nhiều chúng sanh như vậy. Cũng lại vì phát tâm làm lợi ích an lạc cho tất cả chúng sanh.

Như thế đó A Nan! Tỳ Kheo Ca Diếp cùng với sự phát tâm kia và qua bốn trăm năm vẫn duy trì chánh pháp của ta và làm các thần thông biến hóa tu hành phạm hạnh. Vì lợi ích tăng trưởng cho Trời người vậy.

***