Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Bi đại ái

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BI ĐẠI ÁI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM BỐN

PHẨM TRANG NGHIÊM PHÁP BẢN
 

Thấy tất cả Bồ Tát và đại chúng đều vì pháp nên tập hợp về đây, Phật định giảng pháp môn vô cái cho Bồ Tát. Khi ấy, Đức Thế Tôn phóng ra hào quang vô úy biện từ tướng lông trắng giữa chặng mày.

Hào quang này xoay quanh các Bồ Tát bảy vòng, sau đó xoay quanh Bồ Tát Tổng Giáo Vương trăm ngàn vòng rồi nhập vào đỉnh đầu Bồ Tát. Nương nơi thần lực Phật, ánh sáng đó lại xoay quanh các Bồ Tát trăm ngàn vòng, chiếu soi Tòa Sư Tử, thân Phật càng thêm uy nghiêm, Bồ Tát càng kính tín.

Thấy thần thông biến hóa của Phật, Bồ Tát Tổng Giáo Vương rời tòa, trịch vai áo bên phải, quỳ gối, chắp tay, hóa hiện lọng báu che trên Như Lai. Nhờ thần lực của Phật, phướn lưu ly hiện ra cao vòi vọi, được trang sức bằng các tạp báu, chân châu, lụa báu đan xen, xung quanh kết bằng vàng ròng. Lọng báu đó to lớn che cả tam thiên đại thiên cõi nước.

Bồ Tát dâng lọng báu, rải hoa thơm, trổi nhạc, cúng Phật, nói kệ khen Phật:

Hào quang soi rọi khắp mọi nơi

Tất cả Trời người đều thấy được

Tự tại biến hóa trong các pháp

Công đức của Phật không thể bàn.

Thế Tôn phóng quang chiếu tất cả

Khẩu nghiệp thanh tịnh đủ biện tài

Ánh sáng xoay quanh trăm ngàn vòng

Lại được nhập vào đỉnh đầu con.

Y như bản nguyện chí niệm xưa

Biện tài thanh tịnh, đủ tổng trì

Hiểu thấu tất cả không gì sánh

Nhờ ân Như Lai, Đấng Đại Hùng.

Thân Phật vòi vọi, tâm thanh tịnh

Con nay vui mừng thỏa ước nguyện

Trí Phật khôn lường không kể xiết

Gia hộ cho con đủ biện tài.

Thế Tôn uy nghiêm khó gặp được

Kẻ thiếu phước trí làm sao thấy

Nương thần lực Phật con thấy được

Ngưỡng mong Như Lai thương chúng sinh.

Hạnh nguyện của các Đại Bồ Tát

Vào trong thế gian cứu mọi loài

Hào quang của Phật rọi đến đâu

Con xin thành kính hỏi Thế Tôn.

Tất cả đại chúng đều về đây

Đều đang tu tập pháp đại thừa

Luôn luôn cầu mong pháp vi diệu

Vì thế con xin hỏi Như Lai.

Khéo léo giữ gìn mọi hành nghiệp

Lại luôn nghe học trí Như Lai

Nay đã đúng thời xin Phật giảng

Pháp tạng bí mật cho chúng sinh.

Thân Phật sáng rỡ không gì sánh

Trí tuệ Như Lai thật khôn lường

Trí tuệ vô ngại hiểu tất cả

Vì thế con xin hỏi Thế Tôn.

Thế Tôn tự tại trong trí tuệ

Là nhờ tu tập vô số kiếp

Ngưỡng mong Như Lai vì chúng con

Giảng thuyết hạnh đức của Như Lai.

Nói kệ xong, Bồ Tát Tổng Giáo Vương bạch Phật: Thế Tôn! Cảnh giới của Phật không thể nghĩ bàn, hạnh nguyện của Bồ Tát cũng không thể lường tính. Chúng con xin hết lòng nghe pháp Như Lai.

Xin Thế Tôn thương xót cho chúng con biết thế nào là trang nghiêm hạnh Bồ Tát?

Thế nào là Bồ Tát thanh tịnh bằng pháp sáng, xua tan man tối tăm?

Thế nào là Bồ Tát tu hạnh từ bi, không bỏ chúng sinh.

Thế nào là Bồ Tát tôn kính chánh pháp, không làm tổn hạ pháp?

Thật hy hữu thay. Thế Tôn! Xin phân biệt giảng nói về hạnh, pháp của Bồ Tát như việc hàng phục quân ma, trừ nghi, vào cảnh giới Phật, đi lại trong cõi Bồ Tát, hiểu tâm chí của chúng sinh, tâm hạnh thanh tịnh, đến Đạo Tràng, làm trang nghiêm Cõi Phật, tự tại không trở ngại trong các pháp theo lời Phật.

Phật khen: Hay thay! Hay thay! Chánh Sĩ! Vì muốn hiểu được hạnh nguyện, trí tuệ của Bồ Tát, Phật, nên đã thưa hỏi Như Lai như vậy.

Hãy lắng nghe! Suy nghĩ kỹ! Như Lai sẽ giảng nói. Bồ Tát trọn vẹn hạnh, đức sẽ tự tại trong các pháp. Bồ Tát Tổng Giáo Vương và đại chúng lắng nghe.

Phật nói: Bồ Tát trang nghiêm bốn pháp: Giữ gìn, không hủy giới cấm. Định ý không tán loạn. Trang nghiêm trí tuệ không chướng ngại. Nghe nhớ các pháp tổng trì.

Thiện Nam! Thế nào là trang nghiêm giới?

Trang nghiêm bằng một pháp. Đó là thương yêu chúng sinh, không tổn hại, thương xót mọi loài có mạng sống, tôn trọng mạng sống, làm an vui tất cả. Lại có hai pháp là lấp đường ác, mở đường lành.

Lại có ba pháp: Thân nghiệp thanh tịnh, không ô nhiễm. Khẩu nghiệp thanh tịnh, lời không thô bạo. Tâm thanh tịnh, không tán loạn.

Lại có bốn pháp: Đạt quả như nguyện, mong gì có nấy. Được như sở thích. Đạt đến cùng tột của ước muốn.

Lại có năm pháp: Cùng nhau tu tập giữ gìn giới cấm. Siêng năng trau giồi trí tuệ. Chuyên tâm giải thoát không kiêu mạn, luôn tu các độ. Gia hạnh chuyên tâm đạo vô thượng.

Lại có sáu pháp: Không hủy phạm, không hận thù. Không khiếm khuyết, không tổn hại. Không nhiễm ô, không lung lạc. Tu hạnh thanh tịnh không tỳ vết. Học rộng nghe nhiều không theo thế tục. Tu học không cần người tôn kính.

Lại có bảy pháp: Thanh tịnh giới. Thanh tịnh thí. Thanh tịnh nhẫn nhục. Thanh tịnh tinh tấn thanh tịnh thiền định. Thanh tịnh trí tuệ. Thanh tịnh phương tiện không phóng túng.

Lại có tám pháp: Biết đủ. Đạt cứu cánh. Đủ các pháp. Giới tánh tinh mật. Không bị tổn hại. Thành tựu chí nguyện. Không chấp trước khi gặp Phật. Thông tỏ tất cả. Học hỏi các pháp từ bậc Thiện tri thức.

Lại có chín pháp: Không kinh sợ khi nghe trí tuệ Phật. Không khiếp sợ trước mọi pháp. Hiểu trí rỗng lặng. Phân biệt phương tiện. Sống trong thanh tịnh không khổ não. Giữ gìn giới cấm như ong giữ mật hoa. Thanh tịnh tâm không theo vọng tình. Tâm nhu thuận không thô bạo. Đạt địa điều hòa.

Lại có mười pháp: Trang nghiêm thân bằng các tướng tốt. Trang nghiêm khẩu nghiệp, nói làm tương hợp. Thanh tịnh tâm, không bị tỳ vết. Trang nghiêm cõi nước như hạnh nguyện. Giáo hóa chúng sinh, thanh tịnh chí tánh. Không làm việc ác, trang nghiêm chốn thọ sinh.

Trang nghiêm hạnh Bồ Tát, học hạnh Như Lai. Trang nghiêm trí Phật nhưng không tự cao. Trang nghiêm Đạo Tràng đủ mọi đức. Trang nghiêm mười lực, bốn vô úy, mười tám pháp bất cộng, an định giới đức, không hủy phạm. Đó là mười pháp trang nghiêm giới.

Thiện Nam! Thế nào là Bồ Tát trang nghiêm định?

Có một pháp: Tu tâm từ, thương yêu chúng sinh.

Lại có hai pháp: Giữ gìn oai nghi. Tánh ngay thật không dua nịnh.

Lại có ba pháp: Không dua nịnh. Tâm tánh nhu thuận. Không dối trá.

Lại có bốn pháp: Điều hòa không chống trái. Không độc ác. Không tìm lỗi người. Không phạm giới cấm, không gặp tai nạn. Không theo kẻ ngu muội.

Lại có năm pháp: Là trừ năm cái: Tham dục. Sân hận. Tham ngủ nghỉ, ham vui đùa.

Lại có sáu pháp: Luôn niệm Phật. Niệm Pháp. Niệm Tăng. Niệm giới. Niệm bố thí. Niệm Thiên.

Lại có bảy pháp là không bỏ tâm đạo, tu bảy Phần giác: Niệm. Trạch pháp. Hỷ. Tinh tấn. Tín. Định. Hộ xả.

Lại có tám pháp là tám con đường chánh: Chánh kiến. Chánh mạng. Chánh ngữ. Chánh nghiệp. Chánh niệm. Chánh tư duy. Chánh định. Chánh tuệ.

Lại có chín pháp là Bồ Tát không bỏ tâm đạo, tu tầm tứ, không tham chấp, không bỏ chúng sinh: Trừ ái dục và các nghiệp ác, an vui theo đạm bạc, tu thiền thứ nhất.

Tịch tĩnh, suy xét, nội tâm chuyên nhất, không tầm tứ, tu thiền thứ hai. Hoan hỷ, lìa dục, an nhiên như Hiền Thánh, an ổn tu thiền thứ ba. Đoạn trừ khổ vui, rốt ráo thanh tịnh, không buồn vui, quán không khổ vui, tu thiền thứ tư.

Vượt vọng tưởng các sắc, đạt thanh tịnh thông suốt, không suy niệm, tu tập trí tệ hư không vô lượng. Vượt không tưởng, tu trí tuệ thức vô lượng. Vượt thức tưởng, không chấp thân, không dùng thức. Vượt tất cả, không dùng thức, tu hành từ hữu tưởng, vô tưởng. Vượt hữu tưởng vô tưởng, nhập tưởng, định tâm tư duy, dùng phương tiện quyền biến, không thủ chứng, giữ hạnh nguyện giáo hóa chúng sinh.

Lại có mười pháp: Không sân hận. Đủ hạnh tịch tĩnh. Không bỏ hạnh nguyện. Thích nơi thanh vắng. Không mất đức. Tâm điềm tĩnh. Thân tâm an nhiên không so sánh. An trụ các pháp. Tâm tự tại. Đạt tánh Thánh hiền. Đó là mười pháp trang nghiêm định.

Thiện Nam! Thế nào là Bồ Tát trang nghiêm tuệ?

Có một pháp: Thông hiểu các pháp.

Lại có hai pháp: Không nghi ngờ. Trừ tham ái.

Lại có ba: Trừ ngu si. Diệt vô minh. Trừ ấm, giới. Đoạn hết ngu tối.

Lại có bốn pháp: Hiểu đoạn các khổ. Thông các tập. Tỏ diệt. Tu đạo.

Lại có năm pháp: Thanh tịnh giới nhưng không chấp. Thanh tịnh định, siêng tu trí tuệ. Hiểu đạo pháp vào sinh tử. Thông hiểu ba đời, vượt chấp. Hành chánh pháp.

Lại có sáu pháp: Thanh tịnh thí Ba la mật: Biết mình như sóng nắng, người như giấc mộng, tâm như huyễn.

Thanh tịnh nhẫn Ba la mật: Không nói lời thô, giữ gìn lời nói, trừ oán kết luôn ngợi khen, dù bị chặt thân vẫn luôn hiện bày pháp thân thanh tịnh.

Thanh tịnh tinh tấn Ba la mật: Không chán ghét, vào cõi sinh tử, quán tất cả như mộng, kiên định tâm chí, tùy thuận tất cả, không chấp trước. Thanh tịnh thiền Ba la mật, biến vô minh thành trí tuệ, đưa tất cả về các pháp mà không tham chấp, siêng Tu Đạt thần thông. Thanh tịnh trí tuệ Ba la mật, thanh tịnh bốn pháp hóa độ chúng sinh, đủ Đà La Ni thọ trì chánh pháp, thanh tịnh nguyện trang nghiêm Cõi Phật.

Lại có bảy pháp: Tu bốn niệm xứ không sinh diệt. Tu bốn chánh cần, thân tâm thanh tịnh. Tu bốn Thần túc hiểu rõ các căn. Năm căn hàng phục quân ma, năm lực hiểu rõ các pháp. Bảy Giác phần thông đạt tất cả. Tám chánh đạo không đến đi.

Lại có tám pháp: Tuệ quán tịch tĩnh. Quán sát các pháp. Hiểu các pháp. Hiểu tánh giới bình đẳng. Biết các nhập vốn không dục vọng. Tỏ mười hai nhân duyên không ngã. Thành tín, không sân hận, thật quán các pháp.

Lại có chín pháp: Biết quá khứ vốn thanh tịnh. Biết vị lai tịch nhiên. Biết hiện tại cứu cánh tịnh. Biết rõ nghiệp báo. Hiểu nhân định. Khai hóa kẻ tà chấp. Biết Phật bình đẳng, đạt pháp thân. Bình đẳng quán các pháp, không tham dục. Biết Chư Phật bình đẳng tu tập vô vi.

Lại có mười pháp: Biết tất cả như mộng do mê hoặc. Hết thảy mộng ảo do vọng tưởng. Như ngựa hoang do phân biệt. Như thật do nhân duyên, như bóng, tùy thuận căn tánh. Như tiếng vọng do sự hòa hợp. Pháp giới không hoại. Không cố định vì không dừng trụ. Căn bản không dao động. Hiểu vô vi là tướng tự nhiên. Đó là mười pháp trang nghiêm tuệ.

Thiện Nam! Thế nào là Bồ Tát trang nghiêm Đà La Ni?

Có một pháp: Ý thông đạt, không quên.

Lại có hai pháp: Đủ oai nghi, thâu tóm không trái.

Lại có ba: Hiểu oai nghi. Nói lời thanh nhã hiểu rõ nơi về, tùy thuận phương tiện.

Lại có bốn: Không chấp ngôn ngữ. Lời không thô bạo. Lời hòa nhã. Không nói lời mỉa mai.

Có có năm: Nghe tiếng bằng oai nghi. Hiểu thân bằng tuệ. Đạt diệu lý nơi Kinh. Biết người bằng pháp. Vào cõi tục bằng hạnh xuất thế.

Lại có sáu: Nói làm tương hợp. Thành thật. Không tự cao, không chấp trước. Không quanh có, giữ gìn. Tu tâm từ, tùy thuận thuyết pháp. Tùy thuận thế tục, giảng diễn các pháp.

Lại có bảy: Đủ trí tuệ đối đáp thích hợp. Tùy thuận căn cơ. Nhanh nhẹn. Không trở ngại. Không ngừng đọng. Không khiếm khuyết. Tùy hạnh nghi.

Lại có tám: Hiểu ngôn ngữ Cõi Trời. Biết âm thinh loài rồng. Hiểu ngôn ngữ loài quỷ thần. Phân biệt ngôn ngữ của Càn Thát Bà. Tỏ tiếng của A Tu La, đạt ngôn từ của Ca Lâu La. Thông ngôn ngữ của Khẩn Na La. Hiểu tiếng nói của Ma Hầu La và những chúng sinh khác.

Lại có chín: Không chấp vô vi. Tu tập không khiếp sợ. Dũng mãnh, giảng pháp. Đủ trí chân thật không hư dối. Đầy đủ mọi pháp. Tùy thuận chỉ dạy kẻ cao ngạo. Chỉ dạy người chân chất. Hiện sự hủy diệt với người chấp xứ. Thuyết giảng tùy sở học của từng nơi chốn.

Lại có mười: Tùy thuận căn tánh của chúng sinh không nói lời thô bạo. Nghe Pháp Phật, tu tập trí tuệ, không trau dồi trí thế gian. Đủ tài thuyết giảng dù là một câu cũng giảng không cùng tận. Giảng pháp không chấp. Khen ngợi Chư Phật.

Trừ bỏ việc ác, lời thô. Dạy Niết Bàn không thể nghĩ bàn. Nhẫn nhục với tất cả, không trở ngại bản trí. Hành theo lời Phật. Đủ biện tài phân biệt. Đó là mười pháp trang nghiêm Đà La Ni.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn muốn nhắc lại các ý nghĩa trên nên nói kệ:

Các Bậc Thánh Hiền

Trang nghiêm bốn pháp

Đó là phép tắc

Là thừa tối thượng.

Giữ giới định tâm

Trau giồi trí tuệ

Hành Đà La Ni

Phân biệt hiểu rõ.

Được mọi chúng sinh

Tôn kính mến yêu

Giữ thân, khẩu, ý

Luôn được thanh tịnh.

Trừ hết nghi ngờ

Không chấp văn tự

Người giữ gìn giới

Trang nghiêm như thế.

Lên Trời vào đời

Công đức lưu truyền

Tất cả chí nguyện

Đều được thành tựu.

Thường tu hạnh chánh

Là pháp trên hết

Giữ gìn tịnh giới

Trang nghiêm như vậy.

Sẽ được thành tựu

Định ý không loạn

Trí tuệ giải thoát

Trí tuệ của Phật.

Gần pháp vô vi

Quy nương hạnh ấy

Giữ giới thanh tịnh

Trang nghiêm như vậy.

Không thể phạm giới

Không để khuyết giới

Không đùa giới pháp

Tánh không buông thả.

Danh dự lợi dưỡng

Tất cả truyền tụng

Giữ giới thanh tịnh

Trang nghiêm như thế.

Giới đức thanh tịnh

Bố thí thuần khiết

Nhẫn nhục thanh tịnh

Tinh tấn cũng thế.

Thanh tịnh thiền định

Trí tuệ cũng vậy

Thanh tịnh phương tiện

Không sống buông lung.

An trụ kiên cố

Không bị dao động

Thông tỏ tất cả

Không ôm thù hận.

Tánh không buông, thắt

Cẩn thận giữ gìn

Giới đức thanh tịnh

Trang nghiêm như thế.

Giới luôn thuần tịnh

Không tâm thoái lui

Tâm không sinh khởi

Phiền não lo buồn.

Giữ ý và hạnh

Không hề thay đổi

Giới đức thanh tịnh

Trang nghiêm như thế.

Không lo sợ gì

Cũng không ương ngạnh

Tâm ý tịch tĩnh

Không hề chê cười.

Người phạm giới cấm

Khổ não ràng buộc

Giới đức thanh tịnh

Trang nghiêm như thế.

Tâm giữ giới cấm

Công đức khôn lường

Chí tánh hòa nhã

An ổn tâm ý.

Tự mình trang nghiêm

Các tướng tốt đẹp

Giới đức thanh tịnh

Trang nghiêm như thế.

Nói ra điều gì

Làm đúng như thế

Giữ gìn khẩu nghiệp

Trang nghiêm bảo hộ.

Tâm không tham đắm

Dục trần thế gian

Giới đức thanh tịnh

Trang nghiêm như thế.

Người này sẽ là

Trang nghiêm Cõi Phật

Giáo hóa chúng sinh

Đưa về đạo lớn.

Bậc minh triết nay

Thanh tịnh cõi mình

Vì nhân duyên này

Không phạm điều ác.

Trang nghiêm bằng cách

Tôn phụng Pháp Phật

Điều phục tất cả

Vào Đạo Tràng Phật.

Trang nghiêm mười lực

Bốn pháp vô úy

Trang nghiêm trí tuệ

Nhưng không kiêu mạn.

Thương yêu bảo vệ

Tất cả chúng sinh

Các bậc trí tuệ

Thấy đạo chân chánh.

Không tâm dua nịnh

Không chấp tiểu tiết

Không theo tham dục

Sân hận ngu si.

Chí tánh mạnh mẽ

Không chấp năm cái

Tu sáu niệm pháp

Không sống buông thả.

Hành bảy giác phần

Giữ đạo như thế

Quán sát tư duy

Thành tựu định ý.

Gần gũi cận kề

Sống trong tịch tĩnh

Tùy thời hành thiện

Không mất công đức.

An Lạc tính quán

Vào chốn loạn động

Tự tại hành đạo

Gieo mầm Hiền Thánh.

Không hề do dự

Không trái Kinh Pháp

Cũng chẳng nghi ngờ

Không bị chìm đắm.

Trừ diệt vô minh

Không sống ngu muội

Tâm tánh thành thật

Hiểu rõ trí Phật.

Giới đức thanh tịnh

Không chấp sở đắc

Trí tuệ tối thượng

Định ý thanh tịnh.

Tùy thuận hai việc

Giải thoát thanh tịnh

Không tâm kiêu mạn

Trí tuệ thanh tịnh.

Thấy rõ ba đời

Độ thoát mọi loài

Trừ diệt tham dục

Giới đức thanh tịnh.

Tuy sống thanh tịnh

Nhưng không tự cao

Người này trang nghiêm

Trí tuệ như thế.

Bố thí bằng trí

Trang nghiêm như thế

Thanh tịnh tất cả

Ba việc sau đây.

Thân mình, chúng sinh

Và việc tu đạo

Đều là mộng huyễn

Không hề chấp trước.

Dùng giới và trí

Trang nghiêm thân mình

Thanh tịnh điều phục

Cả ba việc ấy.

Thân nghiệp lời nói

Tâm niệm cũng vậy

Đều là bóng, ảo

Lại như tiếng vọng.

Đó là trí tuệ

Trang nghiêm thân mình

Nên được thanh tịnh

Ba việc sau đây.

Không ai khuất phục

Không bị dao động

Quán sát tất cả

Biết rõ pháp thân.

Trí tuệ tinh tấn

Trang nghiêm như vậy

Lại phải thanh tịnh

Ba việc sau đây.

Không hề lười biếng

Chí tánh kiên cường

Không mong đền đáp

Tùy thuận tất cả.

Nhờ có trí tuệ

Trang nghiêm định tâm

Lại có ba việc

Thực hành thanh tịnh.

Không còn tối tăm

Bậc minh triết này

Kiến lập năm thông.

Phương tiện trí tuệ

Trang nghiêm như thế

Lại phải thanh tịnh

Ba việc sau đây.

Thọ pháp tổng trì

Hiểu pháp bình đẳng

Chỉ pháp chúng sinh

Thanh tịnh Cõi Phật.

Bằng bốn niệm xứ

Tâm không thoái chuyển

Trong bốn chánh cần

Không làm hai việc.

Thân tâm điềm đạm

Tu bốn thần túc

Hiểu rõ mọi pháp

Tánh căn chúng sinh.

Vĩnh viễn không còn

Trần dục nghiệp ma

Tự tại trong pháp

Tùy thuận quyết đoán.

Không chấp đến đi

Không thấy qua lại

Thực hành oai nghi

Trang nghiêm trí tuệ.

Đạt đến nguồn căn

Thanh tịnh thiền định

Quán sát tất cả

Hạnh nguyện rộng lớn.

Hiểu rõ các ấm

Tu tập các pháp

Biết hết thảy giới

Tựa như hư không.

Vọng tình phân biệt

Rỗng lặng, không chấp

Pháp không ta người

Do nhân duyên sinh.

Hiểu rõ chân đế

Không ôm sân hận

Không có lo sợ

Nhân duyên tùy niệm.

Hiểu rõ ba đời

Không hề chướng ngại

Tỏ biết ba tụ

Mục đích hướng về.

Biết rõ Tam Bảo

Đều là một tướng

Những bậc trí tuệ

Trang nghiêm như thế.

Biết rõ huyễn hóa

Là tướng mê hoặc

Từ đó khởi hận

Tất cả như mộng.

Lại tựa cây chuối

Là tướng mê hoặc

Các pháp không bền

Đều như bóng ảo.

Do nhân duyên sinh

Như trăng dưới nước

Chẳng khác âm vang

Từ tiếng vọng lại.

Trong pháp giới ấy

Trí tuệ không hoại

Thấu tỏ không gốc

Trí không chỗ trụ.

Pháp động không động

Vốn là như vậy

Hữu vi vô vi

Đều không hề có.

Trí tuệ sâu xa

Thanh tịnh là đạo

Trang nghiêm như thế

Đối với Pháp Phật.

Không hề tham chấp

Cũng không hoặc loạn

Đời sau lại được

Thọ trì Kinh Pháp.

Lại thường giảng thuyết

Nghĩa lý vi diệu

Đi lại mọi nơi

Độ thoát tất cả.

Không nói lời ác

Cũng không thô bạo

Mọi lời nói ra

Đều vui lòng chúng.

Tất cả ngôn ngữ

Hợp với mọi loài

Tôn kính trí tuệ

Hiểu rõ mọi pháp.

Biết nghĩa lý Kinh

Thông đạt hết thảy

Tất cả là pháp

Không chấp mình người.

Giảng thuyết mọi pháp

Để vượt thế gian

Tự trang nghiêm mình

Bằng pháp tổng trì.

Mọi lời nói ra

Thành thật, ngay thẳng

Giảng giải mọi pháp

Hướng đến bình đẳng.

Lại làm mọi việc

Thuyết Kinh Pháp Phật

Hợp thời không hư

Không chấp việc làm.

Thực hành như thế

Biện tài thuyết giảng

Sớm đạt trí tuệ

Không hề trở ngại.

Không trụ vào đâu

Tùy thuận tất cả

Tự trang nghiêm mình

Chuỗi hoa thơm đẹp.

Biết rõ ngôn ngữ

Chư Thiên và Rồng

Quỷ Thần, Thát Bà

Cùng A Tu La.

Ca Lưu, Chân Đà

Ma Hầu La Già

Lại còn hiểu rõ

Ngôn ngữ chúng sinh.

Không thấy đi đến

Cũng không dừng trụ

Trong một pháp nào

Thấy biết tất cả.

Bậc dũng mãnh ấy

Tuyên thuyết chánh pháp

Với trí tuệ sáng

Thông đạt tỏ ngộ.

Với kẻ tự kiêu

Luôn loạn tâm ý

Nghe thấy pháp ấy

Tùy thuận hợp thời.

Tự đại cao ngạo

Nghe thấy pháp ấy

Tâm luôn kiêu mạn

Không tâm sân hận.

Phân biệt giảng thuyết

Giáo pháp ba thừa

Trừ hết tâm nghi

Không để ràng buộc.

Tự thân thấy nghe

Phật và chánh pháp

Không nương tựa người

Trí tuệ như thế.

Đối với văn tự

Hiểu là cùng tận

Phân biệt thấu rõ

Không bị trở ngại.

Khen ngợi Chư Phật

Công đức khôn lường

Thành tưu tổng trì

Trang nghiêm như thế.

Nhàm chán dục trần

Trí biết không ngại

Phương tiện khéo léo

Tùy thuận giáo hóa.

Hiểu rõ tất cả

Căn tánh chúng sinh

Và pháp của Phật

Biện tài phân biệt.

Thành tựu tổng trì

Trang nghiêm thân mình

Nhờ đạt như thế

Tiếng tốt vang xa.

Suốt trong một kiếp

Khen ngợi hạnh đức

Không thể hết được

Công đức khôn lường.

***