Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Bi đại ái

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BI ĐẠI ÁI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM HAI MƯƠI BA

PHẨM TÁM TỔNG TRÌ
 

Lúc đó, Bồ Tát Sư Tử Anh hỏi Bồ Tát Tổng Giáo Vương: Thiện nam! Bồ Tát thành tựu pháp tổng trì gì để nghe được Kinh Điển vi diệu của Phật, giáo hóa chúng sinh, giúp chúng tỏ ngộ?

Bồ Tát Tổng Giáo Vương đáp: Bồ Tát thành tựu tám pháp tổng trì sẽ làm được việc ấy.

Tám pháp: Tịnh quang âm, vô tận pháp tạng, vô lượng thoái tiến, hải ấn ý, liên hoa nghiêm, nhập vô ngại ấn, nhập phân biệt biện, kiến lập Phật trang nghiêm.

Bồ Tát Sư Tử Anh thưa: Thiện nam! Xin rủ lòng giải thích rõ tám pháp tổng trì ấy để các Bồ Tát biết cách tu tập.

Bồ Tát Tổng Giáo Vương bảo: Thiện nam! Tôi sẽ nói về tám pháp tổng trì.

Thế nào là Tịnh quang âm?

Bồ Tát an trụ tổng trì này không bị trở ngại, thuần khiết, kiên cố. Bồ Tát giảng Kinh, tiếng pháp sẽ vang xa khắp một, hai, ba, mười, hai mươi, một trăm ngàn, vạn, ức vô lượng na do tha Cõi Phật. Bồ Tát muốn tiếng pháp vang xa bao nhiêu thì sẽ toại nguyện.

Bồ Tát an trụ nơi Tòa Sư Tử giảng Kinh cho tất cả chúng sinh, nếu muốn chúng sinh trong hai mươi dặm, ba mươi dặm, một Tu Di, cho đến Trời Phạm Thiên được nghe thì cũng được toại nguyện. Tất cả chúng sinh tùy theo căn tánh mà nghe và hiểu pháp.

Bồ Tát an tọa nơi Tòa Sư Tử, Chư Phật khắp mười phương hiện thân thuyết pháp cho Bồ Tát. Nhờ nghe pháp, Bồ Tát đạt sức tổng trì, nhớ kỹ pháp, hiểu nghĩa pháp, đủ biện tài giảng thuyết, từ một chữ giảng vô số nghĩa. Bồ Tát giảng các pháp không tướng.

Không nơi chốn, không dừng trụ, an nhiên, không trùng lặp, không đến, thanh tịnh, không căn, không sinh, không biên giới, không thành, không tận, không hành, không khởi, không nhân duyên, không hạn, không chống, không diệt.

Không nguyện, không đùa, không vọng tưởng, hợp, không hợp, không thể nói năng, không giáo hóa, không niệm, không hư, không dựa, không hối, không suy xét, không thầy bạn, vắng lặng, không ngã, không nhân, không thọ mạng.

Không trường tồn, không oai nghi, rỗng lặng, tịch tĩnh từ bên trong, không thời gian, không làm, không chấp, không tu tập, không thân, không tạo tác, không nghiệp, không nhập, không báo, không hợp, không hoại, không lấy bỏ.

Không gap, không nắm bắt, không tiếp xúc, không lậu hoặc, không lưu truyền, không chí, không bè nhóm, không sở thuộc, không sắc, vô thường, không đau khổ, không dục vọng, không hay biết, không cảnh giới, không tham, không hình tượng, không hàng phục, không tiêu trừ, không nhớ, không hai, không bờ bến, không hư diệt, không tranh chấp, không tên, không tạp lẫn, không thiêu hủy, không ác, không nước cấu uế, không tai họa, không thể đếm.

Không cầu, không động, không hiện, không chiếu, không so sánh, không tà vạy, không thiên lệch, không tối, không sáng, không tội, đủ điều tốt, không tiến thoái, không thấy, không nếm, không mềm cứng, không trơn rít, vượt ngoài tâm ý thức, bình đẳng, vốn tịnh, không sinh diệt.

Thiện nam! Bồ Tát thành tựu tổng trí Tịnh quang âm sẽ có đủ biện tài giảng thuyết. Từ một câu chữ, Bồ Tát có thể giảng giải suốt một kiếp hay hơn một kiếp. Tóm lại, từ mot câu, một chữ, Bồ Tát có thể giảng diễn mãi, không cùng tận. Bồ Tát làm thanh tịnh oai nghi, tùy thời cơ diễn giảng, tu tập tâm từ, thanh tịnh bố thí, ban cho tất cả.

Bồ Tát giữ giới thanh tịnh, không khiếm khuyết. Tu nhẫn Ba la mật, không tổn hại. Hành tinh tấn thanh tịnh, an ổn làm mọi việc. Thiền định thanh tịnh, tịch tĩnh không loạn. Đủ trí thanh tịnh, trừ hết tối tăm. Bồ Tát làm thanh tịnh hạnh nguyện, không lỗi lầm. Thanh tịnh ba mắt. Tai thanh tịnh, nghe tất cả Pháp Phật. Mũi thanh tịnh ngửi hương pháp giới. Lưỡi thanh tịnh nếm vị pháp.

Thân thanh tịnh không cấu nhiễm khi thọ thân, tâm thanh tịnh tùy thời nhập pháp. Sắc thanh tịnh trang nghiêm tướng tốt. Thấy thanh tịnh, vào tai không loạn. Hương thanh tịnh, xông giới, thí. Vị thanh tịnh vì thành tướng tốt. Sự xúc chạm thanh tịnh, chân tay mềm mại.

Pháp thanh tịnh đủ ánh sáng pháp. Ý thanh tịnh nhớ rõ các pháp đã nghe. Chí thanh tịnh vượt đường ma. Hạnh thanh tịnh thâm nhập pháp vi diệu. Bồ Tát trụ tổng trì này, được Chư Phật phóng quang soi rọi, diễn giảng giáo pháp của Chư Phật nơi mười phương, đủ biện tài không ngại.

Thiện nam! Tổng trì Tịnh quang âm có đủ công dụng không thể nói năng, không thể nghĩ bàn, không thể tính đếm, không cùng tận, không chướng ngại.

Thiện nam! Thế nào là tổng trì Vô tận pháp tạng?

Sắc không tận vì sắc vô thường, khổ, vô ngã, tịch tĩnh, hư ảo, bọt, huyễn, dợn nắng, trăng dưới nước, như mộng, là tiếng vọng, như bóng, ảnh trong gương, không có, không học, không cứu cánh, trống rỗng, không tướng, không nguyện, không hành, không sinh.

Không khởi, tự nhiên vốn không, quá khứ tự nhiên, vị lai tự nhiên, hiện tại tự nhiên, điềm tịnh, tĩnh mặc, không động, không đùa, không thể nghĩ bàn, không tướng mạo, không thể chất, không nhân, không thọ, không mạng, không nuôi, ngu si, không nhân từ.

Không thần, như củi, cây cỏ, tường vách, ngói đá, tướng cuồng, bốn đại, không tiếng, không giáo, không được, niệm định, duyên khởi, không đoạn, không phải thường, như nhà, không đau, có từ tội phúc, pháp giới, trụ pháp giới, không động, không thọ.

Không chở, không niệm, không tánh, vô lượng, vô biên, vốn tịnh trong đạo, như hư không, vốn tịnh trong Niết Bàn. Tóm lại, tất cả năm ấm, sáu suy trần, hình, sắc, thân thức đều thuộc tuệ không tận, bốn kho pháp báu cũng thuộc tuệ không cùng tận. Tổng trì Vô tận pháp tạng có đủ công dụng, dù giảng nói suốt một kiếp hay hơn thế nữa vẫn không thể hết.

Thiện nam! Thế nào là tổng trì Vô lượng thoái tiến?

Đó là quán biết vòng luân chuyển của mười hai duyên khởi, vô minh làm nhân cho hành, hành dẫn đến thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên già bệnh chết ưu bi khổ não.

Trừ vô minh là trừ tất cả hành sầu lo khổ não. Mười hai duyên khởi ấy thật vô lượng, vô biên nên là vô lượng tiến thoái. Vừa lấy vừa bỏ là lưu chuyển, không sinh diệt.

Vì khi hòa hợp với trần lao thì có tranh chấp, nhưng khi về với nguồn gốc thì thanh tịnh, không chấp trước, không buông lung. Từ đó thấy các pháp có vận hành, hợp không hợp, niệm không niệm, xoay chuyen lại không tưởng, không niệm, không hợp, không không hợp.

Từ thấy nhân duyên xoay chuyển, đoạn thấy nhân duyên. Từ danh sắc chuyển sang không danh sắc. Từ hữu vi vô vi chuyển sang thanh tịnh. Từ có trong ngoài chuyển sang không trụ thức. Từ tội phước báo ứng chuyển sang không tội phước báo ứng.

Từ thiện ác chuyển sang không thiện ác. Từ hữu lậu vô lậu chuyển sang không chấp cả hai. Từ vô minh tăm tối chuyển sang thanh tịnh sáng suốt. Từ chấp có ngã không ngã chuyển sang thanh tịnh cả hai. Từ sinh tử Niết Bàn chuyển sang tịch tĩnh.

Thiện nam! Bồ Tát an trụ tổng trì Vô lượng tiến thoái này thấy không sinh khởi, trải qua vô số kiếp thuyết giảng Kinh Pháp vẫn không thể hết, thông đạt trí tuệ, làm thanh tịnh tất cả soi sáng mọi pháp.

Thiện nam! Thế nào là tổng trì Hải ấn ý?

Thiện nam! Tất cả mọi hình sắc trong bốn cõi như sông núi, cỏ cây, mặt trăng, mặt trời, châu ngọc, ánh sáng, làn chớp, xóm làng, thành ấp, nhà cửa, vườn, ao, suối, nguồn, đi đứng, họat động, tốt xấu, thiện ác, thượng, trung, hạ đều từ biển.

Bồ Tát trụ nơi tổng trì Hải ý bình đẳng Ấn, biết tất cả chúng sinh, tùy thuận thuyết giảng, được nghe pháp của Chư Phật nơi mười phương, Bồ Tát thuyết pháp được Chư Phật Ấn chứng, khiến cho tất cả đều vui nghe. Tất cả đều được trí tuệ Như Lai Ấn chứng. Ấn vô. Không tâm hành, tự nhiên tịch tĩnh.

Ấn ly: Từ dục được thanh tịnh.

Ấn độ: Giảng pháp mầu thông đạt tất cả.

Ấn hiệu: Biết tất cả tên.

Ấn lạc. Trừ tham dục, khát ái, phóng túng.

Ấn thập: Đủ mười Lực.

Ấn Bị khủng: Trừ các ý tưởng Ấn thiếu trá không còn bị thiêu đốt.

Ấn lục thành tựu sáu thần thông.

Ấn tả phi: Trừ bỏ tà đạo.

Ấn thẩm: Thuyết giảng chân đế.

Ấn như: Hạnh nguyện như thật.

Ấn đa: Trừ bỏ tất cả nguồn gốc.

Ấn ca: Không tạo nghiệp.

Ấn ta: Thông đạt chí thành, đủ uy lực.

Ấn sinh: Vượt sinh già chết.

Ấn chí: Ý thanh tịnh.

Ấn giới: Không hoại pháp giới.

Ấn tịch: Điềm tịnh.

Ấn hư: Như hư không, không cùng tận.

Ấn tận: Trừ vọng tưởng.

Ấn lập: Trụ vững nơi ý giác.

Ấn tri: Biết tất cả chúng sinh.

Ấn phổ: Diễn giảng mọi pháp hưng suy.

Ấn hữu: Hiểu rõ có, không.

Ấn tham: Trừ tham dục, sân hận, ngu si.

Ấn kỷ: Tự thân thành Chánh Giác.

Ấn tự: Tự hiểu.

Ấn đán: Trừ mọi chấp tướng.

Ấn số: Diệt tận nguồn gốc.

Ấn xứ: Trừ các ấm cái.

Ấn tật: Trừ tật bệnh.

Ấn thí: Xông hương thí, giới.

Ấn kiên: Trừ tánh chấp cứng.

Ấn cứu: Hiểu rõ nghĩa lý văn tự.

Thiện nam! Bồ Tát ấn biết tất cả văn tự để thuyết giảng là tổng trì Hải ấn ý.

Thiện nam! Thế nào là tổng trì Liên hoa nghiêm?

Bồ Tát ở trong chúng hay ở chỗ mình thuyết giảng Kinh Điển, tự nhiên có hoa sen tươi đẹp xuất hiện ở đó. Bồ Tát an tọa nơi tòa sen. Trong hư không tuôn đầy hoa sen.

Từ các hoa sen vang ra tiếp pháp vi diệu sâu xa, không tạp lẫn, đó là mười hai Bộ Kinh: Văn, Đắc, Thính, Phân Biệt, Hiện, Ứng Thời, Sinh, Phương Đẳng, Vị Tằng Hữu, Thí Dụ, Chú Giải, Hành. Ai nghe thấy tiếng ấy sẽ trừ hết khổ não. Bồ Tát an nhiên tịch tĩnh.

Từ mỗi lỗ chân lông trên thân Bồ Tát, phóng ra ánh sáng, biến thành hoa sen, trên mỗi hoa sen đều có Bồ Tát hóa. Các Bồ Tát đến Cõi Phật mười phương, cúng dường Phật.

Thiện nam! Thế nào là tổng trì Nhập vô ngại?

Bồ Tát nhớ rõ tất cả các pháp đã nghe dù là một, hai, ba, bốn, mười, ngàn, trăm, ức câu, giảng thuyết thông suốt Kinh Pháp, làm vui tất cả chúng sinh, luôn thuận hợp, không tán loạn, đi lại vô lượng vô số Cõi Phật thuyết giảng Kinh Pháp, từ một cõi, hai, ba, bốn, mười, trăm ngàn ức cõi vẫn không chấp trước, không trụ vin. Lời của Bồ Tát hòa nhã, êm dịu, hợp thời, không lỗi lầm, tất cả đều vui nghe, không chướng ngại.

Thiện nam! Thế nào là tổng trì Nhập phân biệt?

Hiểu thời cơ, trí tuệ không cùng tận, phân biệt pháp là tùy thời phân biệt thuyết giảng bằng trí tuệ, nhưng không cùng kiệt.

Phân biệt biện: Đạt trí vô biên. Bồ Tát đạt trí này, tập hợp tất cả chúng sinh ở phương Đông về một nơi, từ một âm thanh Bồ Tát thuyết giảng cho chúng sinh đó với ngôn ngữ, ý nguyện khác nhau nhưng đều hiểu được pháp. Bồ Tát trả lời thông suốt mọi nghi vấn.

Chúng sinh ở phương Tây, Nam, Bắc, bốn góc đều thế. Bồ Tát cùng một lúc giải đáp tất cả nghi vấn của chúng đó, tùy thuận từng loại ngôn ngữ mà giảng thuyết, tất cả đều hiểu, tùy tâm nhập đạo. Bồ Tát dùng một âm nhưng bao hàm tất cả các âm thanh ngôn ngữ, vô số ngôn ngữ nằm trong một âm thanh. Đó là tổng trì nhập phân biệt biện.

Thiện nam! Thế nào là tổng trì kiến lập Phật trang nghiêm?

Bồ Tát đạt tổng trì này, khi lên pháp tòa thuyết pháp cho đại chúng, thì trong hư không có đức hóa Phật với đủ ba mươi hai tướng tốt, đưa tay xoa đầu Bồ Tát. Nhờ uy lực Phật, thân Bồ Tát biến thành thân Phật đủ các tướng tốt, Bồ Tát đủ biện tài giảng thuyết như Phật, tâm ý như Phật.

Bồ Tát thành tựu pháp lực như thế hiểu được tâm niệm, hành nghiệp của chúng hội mà thuyết giảng giáo pháp.

Bồ Tát không an uống từ một ngày, hai ngày, nửa tháng, một tháng, nửa năm, một năm, năm trăm năm, ngàn năm cho đến vô số năm không thể tính đếm để thuyết giảng Kinh Pháp cho đại chúng, song Kinh Pháp Bồ Tát giảng vẫn không cùng tan, thân Bồ Tát không mỏi mệt, tâm Bồ Tát không quên sót. Đó là nhờ oai lực của Như Lai.

Nhờ lực Phật, Bồ Tát thành tựu bốn tuệ lớn: Hiểu tâm ý của tất cả chúng sinh. Thông suốt tất cả văn tự.

Giảng pháp bằng trí Phật nên không cùng tận. Tùy thuận căn tánh sở thích của chúng sinh mà giảng các thừa pháp.

Thiện nam! Công dụng của tổng trì này là vô lượng không có biên vực, thể nói hết thông suốt mọi cảnh giới Phật. Chỉ có thể nói lược về ý nghĩa thôi.

Bồ Tát Tổng Giáo Vương lại nói kệ:

Bồ Tát nào an trụ

Tám pháp tổng trì trên

Đối với các thừa pháp

Phân biệt hiểu tất cả.

Dù thuyết giảng ngàn năm

Lời lẽ vẫn không cùng

Trí tuệ phân biệt giảng

Vẫn không hề tổn giảm.

Tiếng Phật rất hòa nhã

Âm hưởng thật vi diệu

Rền vang hằng hà sa

Vô lượng cõi Như Lai.

Chúng sinh nào nghe được

Thành tựu pháp giải thoát

tổng trì này thanh tịnh

Âm thanh lại vang xa.

Giảng thuyết vô số kiếp

Pháp Kinh không cùng tận

Tất cả các ngôn ngữ

Không thể nào diễn giảng.

Hết thảy mọi văn tự

Bậc trí tùy thời giảng

Đó là tạng Pháp Phật

Vô biên, không bờ bến.

Vượt ngoài mọi cảm thọ

Hạnh đức luôn thanh tịnh

Không chấp trước các pháp

Không thoái chuyển theo cảnh.

Dũng mãnh truyền bá pháp

Chuyên tâm phụng hành pháp

Thành tựu pháp tổng trì

Trừ diệt tận nguồn gốc.

Tất cả các chúng sinh

Khắp trong bốn thiên hạ

Với tổng trì ấn biết

Như biển chẳng suy xét.

Bồ Tát nhờ thành tựu

Tổng trì hải ấn này

Biết rõ mọi tâm hành

Giang thuyết không thể bàn.

Bồ Tát vào trong chúng

Giảng thuyết các Kinh Pháp

Trong hư không tuôn mưa

Vô số hoa sen đẹp.

Từ trong các hoa sen

Rền vang tiếng Kinh Pháp

Tổng trì Liên Hoa Nghiêm

Đức thanh tịnh như thế.

Từ một âm vang ra

Hai ba bốn năm sáu

Tất cả tiếng khác nhau

Nghe hiểu không nhầm lẫn.

Trăm ngàn ức do tha

Ngôn ngữ không cùng tận

Thành tựu tổng trì này

Thấy biết không trở ngại.

Đủ biện tài giảng thuyết

Tùy thuận cả thời, cơ

Chúng sinh ở mười phương

Đến vấn nạn Bồ Tát.

Bồ Tát tùy thuận đáp

Xua tan mọi nghi ngờ

Thành tựu pháp tổng trì

Ý tỏ ngộ như thế.

Bồ Tát bậc Đại Sĩ

An tọa pháp tòa cao

Chư Phật đưa ta phải

Xoa đỉnh đầu Bồ Tát.

Bồ Tát đạt biện tài

Chẳng khác gì Chư Phật

Nhờ thành tựu tổng trì

Phật kiến lập trang nghiêm.

Giả sử Bồ Tát này

Thành tựu tổng trì ấy

Tâm ý đủ các đức

Rộng lớn không thể lường.

Dù trải ngàn ức kiếp

Như số cát Sông Hằng

Để khen ngợi công đức

Vẫn không thể cùng tận.

Thanh tịnh vào ba cõi

Như hoa sen không nhiễm

Kiên cố như Tu Di

Không hề bị dao động.

Nếu Bồ Tát thành tựu

Tổng trì vô thượng này

Trí tuệ biết cùng khắp

Thông suốt cả ba đời.

Dù vào trong hội chúng

Dũng mãnh như Sư Tử

Hàng phục các ngoại đạo

Khiến chúng học Pháp Phật.

Nếu Bồ Tát thành tựu

Tổng trì vô thượng này

Đi lại khắp mọi nơi

Không hề lo sợ gì.

Phóng hào quang sáng soi

Tùy thời rọi tất cả

Hạnh đức như nước chảy

Tẩy trừ mọi ô uế.

Và cũng như lửa lớn

Không vọng tưởng, suy niệm

Hạnh đức tựa gió thoảng

Không chấp trước cảnh giới.

Lại như thầy thuốc giỏi

Trị lành tất cả bệnh

Tùy thời cho thuốc pháp

Đun nấu để chữa trị.

Nếu Bồ Tát thành tựu

Pháp tổng trì vô thượng

Đủ trí không sân hận

Tùy căn tánh giảng dạy.

Hạnh đức như trăng sáng

Xua tan màn đen tối

Tâm chân chánh sáng soi

Rực rỡ hiển pháp mầu.

Nếu Bồ Tát thành tựu

Pháp tổng trì vô thượng

Chúng sinh luôn tôn kính

Chiêm ngưỡng không chán ghét.

Hạnh như mặt trời sáng

Xua tan hết bóng tối

Chỉ dạy mọi chúng sinh

Khai ngộ cả ba cõi.

Nếu Bồ Tát thành tựu

Pháp tổng trì vô thượng

Làm khô cạn dòng nước

Ai dục và trần lao.

Hạnh đức như nhà Vua

Cai trị dân trong nước

Ban thuyết các pháp mầu

Giáo hóa tất cả chúng.

Nếu Bồ Tát thành tựu

Pháp tổng trì vô thượng

Trừ hết mọi cảm thọ

Không chấp trước các cõi.

Hạnh đức như rồng chúa

Kiên cường đủ thần biến

Nổi mây tuôn mưa pháp

Phóng ánh chớp sáng soi.

Nếu Bồ Tát thành tựu

Pháp tổng trì vô thượng

Luôn tuôn mưa chánh pháp

Tiêu diệt mọi nóng bức.

Hạnh đức như Đế Thích

Không đắm nhiễm sắc dục

Thấy rõ pháp mê lầm

Tịnh tâm tư duy pháp.

Nếu Bồ Tát thành tựu

Pháp tổng trì vô thượng

Tất cả các hội chúng

Đều chiêm ngưỡng tôn nhan.

Hành hạnh từ bi lớn

Đi khắp như Phạm Thiên

Hết thảy không ai bằng

Được thọ sinh cõi này.

Nếu Bồ Tát thành tựu

Pháp tổng trì vô thượng

Sinh vào cõi Phạm Thiên

Sống trong hạnh thanh tịnh.

Thành tựu năm thần thông

Khác với các người thường

Qua trăm ngàn Cõi Phật

Không thể nào đếm được.

Nếu Bồ Tát thành tựu

Pháp tổng trì vô thượng

Đi lại khắp mười phương

Cúng dường vô số Phật.

Được Chư Phật ngợi khen

Dù ở nơi chốn nào

Luôn được Phật thương yêu

Như đứa con duy nhất.

Nếu Bồ Tát thành tựu

Pháp tổng trì vô thượng

Sẽ không còn bao lâu

Thành tựu công đức Phật.

Đầy đủ biện tài lớn

Diễn thuyết không cùng tận

Giảng vô số Kinh Pháp

Vi diệu và sâu rộng.

Nếu Bồ Tát thành tựu

Pháp tổng trì vô thượng

Trang nghiêm hạnh như hoa

Biện tài tợ dòng thác.

Kiên định vào trong chúng

Thấy biết hết mọi pháp

Trí tuệ không bờ bến

Hạnh nguyện như hư không.

Nếu Bồ Tát thành tựu

Pháp tổng trì vô thượng

Không còn tâm kiêu mạn

Trừ dối gạt, tự cao.

Đủ trí tuệ quyền biến

Tự tại đi khắp nơi

Siêng năng phụng hành pháp

Luôn tu tập từ bi.

Nếu Bồ Tát thành tựu

Pháp tổng trì vô thượng

Diệt trừ hết tất cả

Mọi cấu uế hữu vi.

Hiểu ngôn ngữ chúng sinh

Và các pháp thiện ác

Biết sở thích mọi loài

Tỏ căn hạnh muôn sinh.

Nếu Bồ Tát thành tựu

Pháp tổng trì vô thượng

Diễn thuyết mọi Kinh Pháp

Không thể nào cùng tận.

Siêng năng tu thiền định

Năm căn và năm lực

Đường giác ý như thế

Nẻo tịch tĩnh vô thượng.

Nếu Bồ Tát đạt được

Pháp tổng trì vô thượng

Quán sát tất cả pháp

Thành tựu hạnh thanh tịnh.

Trọn vẹn Ba la mật

Đạt giải thoát cứu cánh

Mạnh mẽ và tỏ ngộ

Bốn pháp nhẫn bằng tuệ.

Nếu Bồ Tát thành tựu

Pháp tổng trì vô thượng

Tự nhiên tỏ ngộ pháp

An trụ các hạnh nguyện.

Tịch tĩnh và an nhiên

Nhân hòa, không phóng túng

Đủ oai nghi phép tắc

Phân biệt an trụ vững.

Nếu Bồ Tát thành tựu

Pháp tổng trì vô thượng

Sẽ không còn vướng mắc

Trần lao cõi tử sinh.

Hiểu các pháp như huyễn

Chí tánh không cấu nhiễm

Dù vào thai thọ sinh

Vẫn không bị uế tạp.

Nếu Bồ Tát thành tựu

Pháp tổng trì vô thượng

An trụ trên hoa sen

Được ở bên cạnh Phật.

Thân, khẩu, ý ba nghiệp

Oai nghiêm không lậu hoặc

Thành tựu trí nhất thiết

Hóa độ mọi quần mê.

Nếu Bồ Tát thành tựu

Pháp tổng trì vô thượng

Được Chư Phật gia hộ

Tự tại thuyết pháp mầu.

Thành tựu trí tuệ lớn

Hành đạo vì chúng sinh

Trải qua vô số kiếp

Ca ngợi vẫn không hết.

Nếu Bồ Tát thành tựu

Pháp tổng trì vô thượng

Trọn vẹn các công đức

Không thể nao tính đếm.

Đức Thế Tôn ngợi khen Bồ Tát Tổng Giáo Vương: Hay thay! Hay thay! Ông đã khéo giảng diễn về các pháp tổng trì. Pháp này tự tại, không nương tựa, không cần người khác. Ông đã từng hỏi pháp tổng trì này với Chư Phật quá khứ.

Thiện nam! Đó là thật pháp, hãy quán sát kỹ.

***