Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Bi đại ái

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BI ĐẠI ÁI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM HAI MƯƠI MỐT

PHẨM MƯỜI TÁM PHÁP BẤT CỘNG
 

Phật nói: Thiện nam! Như Lai Chí Chân không còn lậu hoặc, không hề khiếm khuyết, thuận hành chánh pháp, biết rõ kẻ trí, ngu.

Vì sao?

Vì hành nghiệp của thân Phật không khiếm khuyết, Như Lai đạt Chánh Giác bình đẳng đủ thần thông, sắc thân đoan nghiêm, oai nghi, cử chỉ đều thuận pháp, Như Lai mặc pháp y, tay cầm bình bát, đi khắp mọi nơi, vào xóm làng thành ấp nhưng chân Phật không chạm đất.

Vì bàn chân với tướng bánh xe ngàn căm của Phật bước đến đâu thì nơi ấy đều có hoa sen thơm đỡ nâng, nhờ thế, tất cả loài trùng kiến đều được an ổn dưới chân Phật, sau khi mạng chung, sinh lên Cõi Trời. Pháp y không chạm vào thân Phật, gió không lay động pháp y. Chúng sinh đều được an ổn khi ở bên Phật.

Thiện nam! Lời của Như Lai không lỗi lầm. Người trí, kẻ ngu không thể tìm thấy lỗi.

Vì sao?

Vì lời Phật nói thành thật không hư dối, thuận pháp, luật, bình đẳng, đúng với hành động, không lỗi lầm, làm vui lòng mọi chúng, không trùng lặp, hợp lý, trang nghiêm. Từ một âm thanh của Phật hợp với tất cả chúng sinh, chúng sinh nghe hiểu vui vẻ.

Thiện nam! Tâm Như Lai không lỗi lầm.

Người trí, kẻ ngu đều không tìm được lỗi.

Vì sao?

Vì Như Lai luôn sống trong định. Đó là hạnh mười lăm của Phật.

Đức Thế Tôn nói kệ:

Như Lai Thế Tôn

Không có lỗi lầm

Việc làm của Phật

Từ thân, khẩu, ý.

Tất cả thế gian

Không thể thấy lỗi

Như Lai từ bi

Thương xót thị hiện.

Chúng sinh không thể

Thấy lỗi của Phật

Phật giảng Kinh Pháp

Giúp chúng tịch tĩnh.

Trừ bỏ tất cả

Lỗi lầm, khiếm khuyết

Hạnh thứ mười lăm

Của Phật là vậy.

Phật nói: Thiện nam! Như Lai Chí Chân không có lời thô. Lời nói của Phật tất cả ma, quyến thuộc của ma, ngoại đạo, nhà học thuật khác không thể tìm thấy lỗi. Vì Như Lai không hề nói gì, không chấp trước. Chúng sinh thọ học lời Phật không chấp nơi có, không.

Việc làm của thân Phật cùng khắp, lời nói của Phật không lỗi lầm, không tranh chấp với đời. Vì thế Như Lai không nói năng, luôn tĩnh lặng, không chấp ngã và sở hữu của ngã, không tham, vượt các cõi, không tranh chấp giúp chúng sinh trừ chap nơi ngôn ngữ nên giảng pháp. Đó là hạnh mười sáu của Phật.

Đức Thế Tôn nói kệ:

Dù được ngợi khen

Không thấy mừng vui

Bị người hủy báng

Cũng chẳng buồn khổ.

Trừ các chấp trước

Không mong cầu gì

Tu tập hạnh lành

Nhưng không tham chấp.

Như Lai thật tu

Sống trong tĩnh lặng

Không ngã, không thọ

Không có yêu ghét.

An trụ đúng pháp

Giảng thuyết Kinh Pháp

Đó là hành nghiệp

Như Lai, Thế Tôn.

Phật nói: Thiện nam! Như Lai sống trong định, không tán loạn, không quên, không trái pháp, đủ trí tuệ, giải thoát, biễt rõ tâm hành của chúng sinh, tùy thuận giảng thuyết, không chướng ngại, đủ biện tài.

Như Lai thấy rõ ba đời, thương yêu tất cả chúng sinh, thuận hợp giảng pháp. Đó là hạnh thứ mười bảy của Phật.

Đức Thế Tôn nói kệ:

Như Lai nhớ kỹ

Không quên pháp nào

Sống trong thiền định

Hành pháp giải thoát.

Biết rõ tâm hành

Tất cả chúng sinh

Tùy thuận căn tánh

Thuyết giảng chánh pháp.

Chỉ dạy rõ ràng

Không để quên sót

Thông đạt ba đời

Tùy thuận tất cả.

Vì không quên sót

Tùy thuận giảng thuyết

Đó là hành nghiệp

Của Đức Như Lai.

Phật nói: Thiện nam! Như Lai Chí Chân luôn sống trong tịch tĩnh, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, nghỉ… đều là định, thành tựu tam muội giải thoát, không bị che lấp, quán sát chúng sinh định, không định, nhưng chúng sinh không thấy được Như Lai, không hiểu thần thông Phật, Như Lai thị hiện giúp chúng thấy biết.

Như Lai sống trong định, không phân biệt cao thấp, thuyết giảng cho chúng sinh nhưng không chấp.

Vì sao?

Vì biết tâm hành của các chúng sinh. Trí Phật vòi vọi như thế, không vin chấp như hư không, không trong ngoài, thông đạt tất cả. Đó là hạnh mười tám của Phật.

Như Lai nói kệ:

Phật không tiến thoái

Tâm luôn tịch tĩnh

Đi đứng nằm ngồi

Ngủ nghỉ ăn uống.

Nói năng im lặng

Tịch tĩnh không loạn

Như Lai luôn định

Không bị mê hoặc.

Mười phương chúng sinh

Không thể thấy lỗi

Không hề hay biết

Tâm định của Phật.

Như Lai định tịnh

Thuyết pháp cho người

Hợp thời hợp cơ

Đó là hạnh Phật.

Phật nói: Thiện nam! Như Lai Chí Chân không vọng tưởng, không bị mê hoặc, như hư không rộng lớn, không xét chúng sinh nhưng tùy thuận tất cả, hạnh Phật như pháp giới, không thể phá hoại, trí Phật bình đẳng, không phân biệt các pháp, không dục vọng, với người không hủy giới cấm.

Như Lai không thiên lệch, không chê bai kẻ phạm giới, không tôn kính người tu đạo, không bỏ người không tu đạo, không chấp giáo, luật là của mình, không khinh khi kẻ sống trong tà kiến. Như Lai bình đẳng với tất cả nên không vọng tưởng, giảng thuyết giúp chúng sinh trừ bỏ phân biệt. Đó là hạnh mười chín của Phật.

Khi ấy Đức Thế Tôn nói kệ:

Phật an trụ đạo

Không còn vọng tưởng

Thế Tôn tối thắng

Quán biết Cõi Phật.

Tất cả Kinh Pháp

Đều không sai khác

Như Lai Thế Tôn

Hành hạnh bình đẳng.

Với người giữ giới

Hay kẻ hủy giới

Không thấy sai khác

Giáo hóa chúng sinh.

Như Lai Thế Tôn

Tâm luôn bình đẳng

Độ thoát tất cả

Trừ diệt tướng tham.

Phật nói: Thiện nam! Như Lai Chí Chân không do dự, quán sát thấy rõ nguồn gốc, không cần tư duy.

Vì sao?

Như Lai thành tựu tất cả các pháp, làm việc thận trọng, tâm nhu thuận, đủ giới thanh tịnh, trí sáng tỏ, không chấp, không phân biệt.

Với trí tuệ, Phật quán sát, bảo vệ, không thuận theo vô minh, vượt hết các cõi, không làm việc thế tục, Như Lai hành trì hạnh Phật, không theo thế gian, chuyển pháp luân thanh tịnh vô thượng, tự tại, thương yêu chúng sinh, đi khắp mười phương, không chạy theo kẻ khác, không kết bè nhóm, Như Lai an tường độ thoát tất cả, không nhầm lẫn, không lấy bỏ, trừ hai chấp, vượt bốn độc, dù phải trải qua một kiếp tư duy suy xét vẫn không thể biết hết hạnh Phật.

Tất cả việc làm, không làm, niệm, không niệm, Như Lai thông đạt hết. Lòng từ bi, trí quán sát của Phật rộng lớn như thế nên Phật bảo hộ luôn chúng sinh, thuyết giảng chánh pháp. Đó là hạnh hai mươi của Phật.

Đức Thế Tôn nói kệ:

Như Lai luôn quán, hộ

Không một niệm trễ lười

Tu tập các pháp mầu

Hạnh thù thắng siêu tuyệt.

Thân tâm Phật như thế

Giới cấm và trí tuệ

Thế Tôn Bậc Tối Thượng

Hạnh nguyện luôn chí thành.

Như Lai không chấp trước

Không tổn hại chúng sinh

Không vọng tưởng loạn niệm

Không giả trá hư dối hư.

Mọi việc Phật quán, hộ

Chân thật, không phô trương

Phật giảng thuyết Kinh pháp

Cho tất cả chúng sinh.

Phật nói: Thiện nam! Như Lai Chí Chân không còn tham dục, chỉ thích pháp lành.

Nghĩa là lòng từ bi của Phật không tổn giảm, Như Lai không tham chấp, thuyết giảng Kinh Điển, không sai lầm, không làm cho chúng sinh mê chấp theo tà dục, Phật khai hóa chúng sinh, không mê hoặc, không chấp trong nhàn tịnh, không bỏ dở, khuyên Bồ Tát luôn làm cho Tam Bảo hưng thịnh, không đoạn tuyệt, Như Lai sống trong đạo đức, giáo hóa chúng sinh, giúp chúng đạt trí chân thật. Đó là hạnh hai mươi mốt của Phật.

Khi ấy Đức Thế Tôn nói kệ:

Như Lai không tham dục

Vui sống trong pháp lành

Từ bi bố thí pháp

Độ thoát hết mọi loài.

Cứu vớt các chúng sinh

Tùy thời cơ khai hóa

Như Lai không tổn đạo

Không để đoạn Tam Bảo.

Không tham dục, sân hận

Không ngu si giữ giới

Với trí tuệ thông đạt

Giảng thuyết các Kinh Pháp.

Thấy chung sinh lười biếng

Như Lai khuyên siêng năng

Làm mọi việc bằng trí

Độ tất cả quần mê.

Phật nói: Thiện nam! Như Lai luôn tinh tấn. Nghĩa là Như Lai luôn quán sát, giáo hóa chúng sinh, không bỏ một ai, Như Lai giúp người nghe Kinh hiểu rõ. Như Lai quán xét căn tánh của người nghe Kinh, luôn giảng Kinh Pháp cho người đáng được nghe, giảng Kinh không vì tham lợi dưỡng của chúng sinh.

Như Lai đi khắp Cõi Phật mười phương, giáo hóa làm cho chúng sinh phát tâm đạo. Ba nghiệp của Như Lai không mệt mỏi, luôn thanh tịnh, luôn được Chư Phật khen ngợi. Như Lai bình đẳng độ thoát các chúng sinh. Hạnh Phật hết mực rộng lớn không thể nói hết. Đó là hạnh hai mươi hai của Phật.

Như Lai nói kệ:

Sư tử chúa trong đời

Trọn vẹn sức tinh tấn

Do lực tinh tấn ấy

Nên luôn được tán thán.

Do uy lực tinh tấn

Chưa từng có tổn giảm

Diễn giảng các Kinh pháp

Cho người đáng được nghe.

Phật an trụ tinh tấn

Không ai biết được hết

Thân tâm khẩu của Phật

Không bao giờ mỏi mệt.

Phật tinh tấn bình đẳng

Mọi việc không lỗi lầm

Như Lai luôn từ bi

Thuyết giảng cho chúng sinh.

Phật nói: Thiện nam! Như Lai Chí Chân đủ sức nhớ rõ, không quên sót, không tổn giảm.

Vì sao?

Thiện nam! Từ khi thành đạo bồ đề vô thượng, Như Lai đã biết tất cả hành nghiệp tâm tánh của mọi chúng sinh nơi quá khứ, vị lai, hiện tại.

Như Lai biết tất cả mà không cần quán sát, trí Phật cũng không tổn giảm. Như Lai biết thời cơ, tùy thuận thuyết giảng Kinh Pháp cho chúng sinh, không quên sót. Đó là hạnh hai mươi ba của Phật.

Như Lai nói kệ:

Trí nhớ Thế Tôn

Không hề sai sót

Như Lai tối tôn

Không cần suy xét.

Riêng mình đi khắp

Thành tựu Chánh Giác

Biết tâm chúng sinh

Không hề sai sót.

Như Lai không cần

Dùng thức quán biết

Với trí tuệ sáng

Biết hạnh chúng sinh.

Giúp chúng tu tập

Không chấp việc làm

Như Lai Thế Tôn

Vua của các pháp.

Phật nói: Thiện nam! Như Lai Chí Chân đủ các tam muội, thấy biết các pháp bình đẳng.

Vì sao?

Vì Như Lai tu tập bình đẳng, đối với dục, không dục, sinh tử, Niết Bàn Như Lai đều quán xét bình đẳng không sai khác.

Vì sao khen Như Lai là bậc sống trong tam muội không quên?

Vì Như Lai không thoái chuyển, bình đẳng trước mọi pháp, không chấp mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý nhưng lại tùy thuận tất cả. Tam muội của Phật không nương vào đất, nước, lửa, gió, hư không, không chấp vào Cõi Dục, Sắc, Vô Sắc, không chấp đời này, đời sau.

Vì không chấp trước nên không tổn giảm, vì thế tâm định của Như Lai không loạn quên. Như Lai giảng pháp cho chúng sinh, giúp những chúng sinh đủ khả năng đạt tâm định. Đó là hạnh hai mươi bốn của Phật.

Khi ấy Đức Thế Tôn nói kệ:

Như Lai sống trong định

Tam định không tổn giảm

Thuận với tất cả pháp

Hợp tâm định Chư Phật.

Không nương đất nước lửa

Cõi, Dục, Sắc, Vô Sắc

Như Lai không chấp pháp

Nên không tổn tam muội.

Phật nói: Thiện nam! Trí tuệ của Như Lai không hề tổn giảm.

Vì sao?

Vì Như Lai biết rõ các pháp, không cao ngạo, giảng giải trí Phật cho chúng sinh, tùy thuận thời cơ, không sai sót. Như Lai thông hiểu về văn tự, chỉ từ một câu, Như Lai giảng diễn suốt trăm ngàn kiếp. Như Lai thản nhiên đáp lời tất cả những vấn nạn về đến đi, tiến thoái.

Như Lai thông hiểu ba thừa, phân tích hướng về. Vì chúng sinh có tám vạn bốn ngàn bệnh, Như Lai phải cho tám vạn bốn ngàn thứ thuốc Kinh. Đó là trí tuệ không thể nghĩ bàn của Phật, dù thuyết giảng bao nhiêu vẫn không tổn giảm. Đó là hạnh hai mươi lăm của Phật.

Đức Thế Tôn nói kệ.

Trí tuệ của Như Lai

Tối thượng ở trong đời

Khéo phân biệt thuyết giảng

Tự tại vượt tất cả.

Giảng dạy cho chúng sinh

Bằng bản tánh thanh tịnh

Chỉ với một câu chữ

Như Lai giảng suốt kiếp.

Biết tâm hành chúng sinh

Trí thấy không biên giới

Bình đẳng nêu giảng cả

Tám vạn bốn ngàn pháp.

An trụ pháp đã giảng

Trí Phật không tổn giảm

Đó là hạnh của Phật

Như Lai Đấng Tối Tôn.

Phật nói: Thiện nam! Sự giải thoát của Như Lai không tổn giảm.

Vì sao?

Hàng Thanh Văn nhờ nghe pháp nên giải thoát, hàng Duyên Giác quán mười hai nhân duyên nên giải thoát. Chư Phật Thế Tôn vượt mọi trở ngại, trừ hai chấp nên giải thoát.

Nghĩa là Như Lai không thấy quá khứ, không mong vị lai, biết hiện tại không dừng, mắt đối với sắc không khởi hai thọ, tai với tiếng, mũi với hương, lưỡi với vị, thân với xúc, tâm với pháp cũng không khởi hai thọ, nên giải thoát. Tâm Phật thanh tịnh, biết tất cả nên vừa phát tâm là thành tựu Bồ Đề Vô Thượng. Đó là hạnh hai mươi sáu của Phật.

Đức Thế Tôn nói kệ.

Các chúng Thanh Văn

Nghe pháp giải thoát

Duyên Giác quán duyên

Nên được giải thoát.

Vượt mọi trở ngại

Tịnh địa hư không

Đó là Chư Phật

Không chấp các pháp.

Quá khứ, vị lai

Hiện tại giải thoát

Thanh tịnh rốt ráo

Quán căn chúng sinh.

Giáo hóa tất cả

Độ thoát mọi loài

Giải thoát Như Lai

Không hề tổn giảm.

Phật nói: Thiện nam! Như Lai Chí Chân nhớ biết rất rõ mọi hành nghiệp quá khứ.

Như Lai tùy thời độ thoát chúng sinh, không bỏ dở, dù là nói năng, im lặng, ăn uống, ngủ nghỉ. Có chúng sinh nhờ thấy ba mươi hai tướng tốt, được giải thoát nên Phật hiện. Có chúng sinh nhờ thấy tám mươi vẻ đẹp được giải thoát nên Như Lai thị hiện.

Có chúng sinh mong được thấy tướng đỉnh của Như Lai, Phật phóng ánh sáng soi rọi, hiện thần thông, làm chúng an vui, được giải thoát, có chung sinh gặp Phật, tùy thuận giáo, luật Phật, Phật phóng hào quang chiếu sáng giúp chúng giải thoát.

Có chúng sinh thấy bước chân Phật đi mà được giải thoát. Có Đức Phật vào xóm làng khuyên dạy để chúng giải thoát. Mọi việc làm, oai nghi cử chỉ của Chư Phật đều là tạo lợi ích cho chúng sinh. Đó là hạnh hai mươi bảy của Phật.

Đức Thế Tôn nói kệ.

Với mắt thấy biết

Oai nghi cử chỉ

Đi đứng tới lui

Vào ra nằm ngồi.

Các tướng tốt đẹp

Đỉnh tướng Như Lai

Phật tùy thuận cả

Giáo hóa chúng sinh.

Như Lai Thế Tôn

Phóng hào quang sáng

Vô số chúng sinh

An ổn độ thoát.

Thấy ánh sáng Phật

Tùy thuận luật, giáo

Đó là hạnh nguyện

Chư Phật Thế Tôn.

Phật nói: Thiện nam! Lời nói của Như Lai đều xuất phát từ trí tuệ tự tại.

Vì sao?

Vì Như Lai tùy thời cơ giảng thuyết. Lời Phật không hư dối, luôn thành thật, không lỗi lầm, an ổn, không thô bạo, không mê hoặc, chất trực, không dua nịnh, không độc ác, không chấp chặt, hòa nhã. Như Lai thuận pháp, không phóng túng, không thấp kém, không tạp lẫn, an nhàn.

Lời Phật êm dịu, tiếng Phật hay, thong thả, từ tốn, có sức thu hút, không thô, không nhanh vội, có ý nghĩa. Phật luôn tự giữ mình, làm mọi việc hợp với oai nghi, tâm tùy căn cơ, không tham, sân, si, hàng phục tà ma, trừ mọi tật bệnh hiểm ác, phân tích nghĩa lý, làm vui tất cả. Tiếng Phật như tiếng chim loan, tiếng Đế Thích, tiếng thủy triều, tiếng rền của đại địa, tiếng chim mạng mạng. Tâm Phật an định như Tu Di.

Tiếng Phật hay như tiếng chim mỏ đỏ, từ hòa như tiếng uyên ương, vang xa như tiếng chim nhạn, dịu dàng như tiếng nai chúa gọi bầy, như tiếng đàn, sáo, tiêu… hòa nhã êm ái. Ai nghe được lời Phật sẽ vui vẻ, tích lũy công đức. Lời Phật vang xa không cùng tận, hợp thời, thuận từng căn tánh.

Phật bố thí pháp, trang nghiêm giới cấm, giúp chúng sinh thanh tịnh, tu nhẫn, siêng năng hành hạnh Phật, tu trí, hành từ, không bỏ chúng sinh, không phân biệt, xây dựng ba thừa, không đoạn Tam Bảo, hiểu ba tụ, tịnh ba giải thoát, thành thật, không bị người trí chê bai, được Hiền Thánh khen ngợi, chí rộng lớn như hư không, đầy đủ công đức.

Thiện nam! Lời của Phật hợp thời cơ là thế, siêu tuyệt, vượt tất cả âm thanh, ba cõi không ai sánh, tất cả đều tùy thuận. Đó là hạnh hai mươi tám của Phật.

Đức Thế Tôn nói kệ:

Lời Như Lai luôn từ hòa

Thanh tịnh đủ mọi công đức

Một lời Phật giảng nói ra

Vang xa tam thiên Thế Giới.

Hàng Thanh Văn cùng Duyên Giác

Đều nghe được pháp của Phật

Như người có tâm chí lớn

Phát tâm cầu đạt quả Phật.

Phật luôn tùy thuận giảng thuyết

Thông suốt, không hề sai lầm

Như Lai chỉ dạy pháp mầu

Tâm không hề thoái chuyển.

Lời Phật vang khắp mọi nơi

Tất cả thảy đều nghe thấy

Lời của Thế Tôn là vậy

Làm an vui mọi chúng sinh.

Phật nói: Thiện nam! Với trí tuệ, Như Lai biết rõ tâm niệm của chúng sinh, thông đạt tất cả.

Vì sao?

Vì Như Lai không phân biệt tâm ý thức, không vọng tưởng tiến thoái. Trí Phật xua tan tăm tối, thấu suốt tâm niệm của tất cả chúng sinh, vượt mọi sự hiểu biết của các loài.

Như Lai đủ chánh định, không nương chấp, vượt cái, ấm, trừ mười hai duyên, đoạn ba niệm, không nhiễm cấu, hàng phục quân ma, không dối gạt, không chấp ta, chặt cây vô minh, tịnh tu đạo nghiệp, tâm như hư không, không vọng niệm, không hoại pháp giới.

Thiện nam! Đó là hạnh hai mươi chín của Phật.

Đức Thế Tôn nói kệ.

Như Lai Bậc Tối Thắng

Đầy đủ cả phước trí

Đức trí Phật sáng soi

Hạnh Thế Tôn thanh tịnh.

Phật an trụ trí tuệ

Hiểu rõ tánh chúng sinh

Thâm nhập khắp mọi nơi

Tự tại trong pháp giới.

Tâm định Phật là thế

Đầy đủ mọi pháp lành

Đối với tâm ý thức

Tất cả không vọng niệm.

Vượt qua cõi nước ma

Không có nghiệp tổn hại

Tự tại như hư không

Thanh tịnh không chấp trước.

Phật nói: Thiện nam! Như Lai Chí Chân đủ trí tuệ thấy biết mọi việc trong quá khứ nhưng trí không tổn giảm.

Vì sao?

Vì Như Lai biết rõ sự thành, hoại, hưng, suy, cỏ cây. Núi rừng. Chúng sinh. Thân tướng chủng loại. Ngôn ngữ âm thanh. Côn trùng. Chư Phật xuất hiện, pháp giảng. Chúng Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát phát tam vô thượng. Tướng tốt xấu. Hạnh nghiệp.

Chúng Tỳ Kheo tu hành. Thức ăn. Y phục. Nơi ở, tâm nghiệp của chúng sinh của tất cả Cõi Phật thời quá khứ. Với trí sáng thù thắng Như Lai thấy biết tất cả, không cần suy xét, do dự, nên luôn tùy thuận thuyết pháp cho chúng sinh. Đó là hạnh ba mươi của Phật.

Khi ấy Đức Thế Tôn nói kệ:

Thánh huệ sáng của Phật

Không hạn lượng, trở ngại

Nơi cõi của Chư Phật

Nêu giảng các Kinh pháp.

Chán cảnh giới chúng sinh

Khiến giúp tin Phật Đạo

Trong tất cả Cõi Phật

Mọi thứ hưng hay suy.

Cỏ cây cùng rừng núi

Tướng tốt xấu sai khác

Chúng sinh ở các cõi

Tâm tánh, chí hướng về.

Tâm chúng sinh quá khứ

Sở thích của mọi loài

Trí bình đẳng Như Lai

Thấy biết không nhầm lẫn.

Phật nói: Thiện nam! Trí tuệ của Như Lai biết rõ tất cả mọi việc ở vị lai nhưng không tổn giảm.

Vì sao?

Vì Như Lai biết rõ mọi việc thành, hoại, hợp tan, kiếp số, nước, lửa… ở đời vị lai. Như Lai biết rõ cõi nước lớn nhỏ, xa gần, số bụi của các Cõi Phật thời vị lai.

Như Lai biết việc độ sinh của Chư Phật, số chúng Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát mà Phật độ và mọi viec đi đứng, ăn nghỉ của tất cả chúng sinh cùng với tâm hành, mong muốn của chúng, Như Lai luôn tùy thuận giảng Kinh Pháp để hóa độ.

Đó là hành ba mươi mốt của Phật.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Ở đời vị lai

Có bao nhiêu cõi

Hình thành hủy hoại

Thịnh đạt suy vong.

Chúng sinh, cõi nước

Số lượng Chư Phật

Như Lai Chánh Giác

Biết rất chính xác.

Tâm không bao giờ

Quên sót nhầm lẫn

Như Lai quán sát

Thấy biết vị lai.

Vì các chúng sinh

Hợp thời thuyết giảng

Đó là hạnh nguyện

Của Phật Thế Tôn.

Phật nói: Thiện nam! Trí tuệ của Như Lai thấu rõ mọi việc trong hiện tại, không trở ngại cũng không tổn giảm.

Vì sao?

Vì Như Lai biết rõ số Cõi Phật, Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác trong mười phương hiện tại.

Như Lai biết rõ hình dáng và sự vận hành của các ngôi sao, cỏ cây, rừng núi, hang khe, cõi xa gần, số bụi trong các quốc độ, số giọt nước trong biển, sự thiêu hủy của lửa, sự tồn vong của các nước, sự thổi dừng mạnh nhẹ của gió, sự rộng lớn của hư không. Như Lai biết rõ ba hạng chúng sinh, cảnh giới, việc tien thoái, khó dễ, nguồn gốc cạn sâu, sự lãnh thọ giáo pháp nhanh chậm của chúng sinh.

Phật biết tội lỗi của chúng sinh ở địa ngục đã phạm, nguyên nhân tạo tội, cảnh giới thọ sinh sau khi ra khỏi địa ngục, phương tiện trừ tội, tất cả các loài súc sanh, kể cả những loài côn trùng đang sống trong hiện tại, nguyên nhân thọ thân súc sanh, phương tiện trừ tội súc sanh, cảnh giới thọ sinh sau khi hết tội súc sanh. Số quỷ đói, cảnh giới của chung, nguyên nhân đọa làm quỷ đói, phương tiện trừ tội, nơi thọ sinh sau khi hết tội quỷ đói.

Như Lai biết rõ tâm niệm, hoài bảo, bệnh tham ái, phương pháp trừ dục ái, sự thọ học Kinh, luật. Có chúng sinh không học luật, giáo nhờ biết sự thọ sinh, thoái địa của Chư Thiên mà trừ dục. Với trí tuệ vi diệu không hai, Phật tùy thuận các loài để thuyết giảng. Đó là hạnh ba mươi hai của Phật.

Đức Thế Tôn nói kệ:

Trí tuệ Như Lai

Biết rõ tất ca

Vượt mọi giới hạn

Không thể nghĩ bàn.

Chẳng khác hư không

Không thể ví dụ

Tất cả thế gian

Không ai sánh kịp.

Khắp trong mười phương

Hết thảy mọi loài

Các nghiệp đã tạo

Ngay trong hiện tại.

Như Lai biết rõ

Nguyên nhân nguồn cội

Đó là hạnh nghiệp

Thấy biết của Phật.

***