Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Bi đại ái

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BI ĐẠI ÁI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM HAI MƯƠI NĂM

PHẨM TUỆ NGHIỆP
 

Bấy gờ, Bồ Tát Trí Tích hỏi Đức Phật: Thế Tôn!

Làm sao Bồ Tát đạt được tổng trì này, nhớ rõ các pháp, tạo lợi ích cho chúng sinh, tự tu các hạnh?

Phật nói: Thiện nam! Bồ Tát an tru trí nơi căn bản, tạo nghiệp bằng tuệ sẽ đạt tổng trì Bảo Diệu, nhớ rõ pháp, tạo lợi ích cho chúng sinh.

Bồ Tát lại thưa: Xin Như Lai giảng rõ thế nào là trí căn bản, thế nào là tuệ nghiệp?

Phật nói: Hãy lắng nghe, suy xét kỹ! Như Lai sẽ nêu giảng.

Thiện Nam! Lắng nghe về nghĩa lý, tư duy nhớ kỹ là trí căn bản, giảng lại pháp đã nghe cho người là tuệ nghiệp. Quán sát phân biệt là trí căn bản, khai ngộ chúng sinh là tuệ nghiệp. Tùy thuận quán sát biết nguồn gốc là trí căn bản, tùy thời khai hóa chúng sinh là tuệ nghiệp.

Tu hạnh bình đẳng, không thiên lệch là trí căn bản, hành hạnh chân chánh không tà vạy là tuệ nghiệp. Tâm không khởi, không chấp là trí căn bản, không khởi tâm nhưng thuyết giảng Kinh Điển là tuệ nghiệp.

Nhàn tịnh tư duy, tâm tịch tĩnh là trí căn bản, thân tâm an nhiên không tán loạn là tuệ nghiệp. Tâm chuyên nhất, không khởi các việc là trí căn bản, biết đạo nhất thừa không chống trái là tuệ nghiệp. Chuyên tâm quán sát là trí căn bản, đạt giải thoát xua tan tăm tối là tuệ nghiệp.

Tuân hành ba môn giải thoát là trí căn bản, hiểu rõ việc quá khứ, vị lai, hiện tại là tuệ nghiệp. Tin hiểu nghĩa đạo, không mê hoặc là trí căn bản, vượt mọi trở ngại là tuệ nghiệp. Tâm mạnh mẽ không khiếp sợ là trí căn bản, thân tâm an định, không vội vàng là tuệ nghiệp. Ý ung dung, không thô bạo là trí căn bản, tư duy rộng, nhớ biết rõ là tuệ nghiệp.

Biết khống chế kịp thời là trí căn bản, tâm thường định là tuệ nghiệp. Tu thiền, hiểu pháp là trí căn bản, ý không chấp niệm là tuệ nghiệp. Hành bốn chánh cần, khiến từ bỏ mọi nguồn gốc là trí căn bản, thanh tịnh không nhơ uế, hiểu các pháp là tuệ nghiệp.

Tu bốn Thần túc đi lại nhẹ nhàng là trí căn bản, không hành nhưng thành tựu thần túc là tuệ nghiệp. Tu tập năm căn, đạt tịch tĩnh là trí căn bản, phân biệt biết chỗ hướng đến của các căn là tuệ nghiệp. An trụ nơi năm lực không dao động là trí căn bản, hàng phục trần lao, không khởi dục là tuệ nghiệp.

Hiểu bảy phần giác, đạt nhẫn nhu thuận là trí căn bản, phân biệt các pháp, tự tại trước mọi pháp là tuệ nghiệp. Tu tám chánh đạo, thông suốt không chướng ngại là trí căn bản, phân biệt, dẫn dục, đưa phi pháp về chánh pháp là tuệ nghiệp.

Hiểu rõ kho tập tiến tu đạo pháp là trí căn bản, đạt diệt đế, tâm không cùng tận là tuệ nghiệp. Tụng Kinh hiểu nghĩa là trí căn bản, thông đạt Kinh Pháp phụng hành đúng pháp là tuệ nghiệp. Nhớ kỹ pháp đã nghe là trí căn bản, hiểu nghĩa không trái lý là tuệ nghiệp.

Nghe tiếng nhưng không chấp là trí căn bản, thuận Kinh, hiểu nghĩa là tuệ nghiệp. Quán mọi vật đều vô thường là trí căn bản, biết các pháp không hành là tuệ nghiệp. Quán mọi vật la khổ là trí căn bản, biết các pháp vốn rỗng lặng là tuệ nghiệp.

Hiểu các pháp không có ngã là trí căn bản, quán chúng sinh vốn thanh tịnh là tuệ nghiệp. Không kinh sợ khi nghe pháp chân thật là trí căn bản, biết nguồn gốc của các pháp là tuệ nghiệp. Quán Niết Bàn tịch tĩnh là trí căn bản, biết tất cả các pháp vốn tịch tĩnh là tuệ nghiệp.

Nghe Kinh không nghi ngờ lo sợ là trí căn bản, hiểu nghĩa lý biết hướng về là tuệ nghiệp. Suy xét pháp không chìm đắm là trí căn bản, đủ biện tài phân biệt các pháp là tuệ nghiệp. Nghe mọi âm thanh nhưng không lo sợ là trí căn bản, tùy thời thông đạt là tuệ nghiệp. Nghe biện tài của Phật nhưng không hoảng sợ là trí căn bản, giảng thuyết cho tất cả là tuệ nghiệp.

Hành pháp vì chúng sinh là trí căn bản, gia hộ chúng sinh bằng tâm là tuệ nghiệp. Hành từ bi vì mình và mọi loài là trí căn bản, đủ hai pháp không chấp trước, phát lòng từ bi lớn là tuệ nghiệp. Vui thích pháp là trí căn bản, không cao thấp chống trái là tuệ nghiệp.

Quán sát đoạn trừ ràng buộc nguy hại là trí căn bản, biết mọi hành động của mình là tuệ nghiệp. Luôn niệm Phật là trí căn bản, biết pháp thân nhưng không chấp là tuệ nghiệp. Niệm Kinh hiểu nghĩa là trí căn bản, phân biệt trừ dục là tuệ nghiệp. Niệm Chư Tăng, luôn cúng dường là trí căn bản, thành tựu vô vi, quán sát không trần dục là tuệ nghiệp.

Thường nghĩ đến việc bố thí, cứu giúp kẻ nghèo khốn là trí căn bản, bỏ trần dục, thuận ý đạo là tuệ nghiệp. Thận trọng giữ giới là trí căn bản, làm nhưng không chấp, hiểu giới cấm là là tuệ nghiệp. Thường niệm thiên, tỏ ngộ là trí căn bản, làm thanh tịnh các pháp từ trần dục là tuệ nghiệp.

Nghe, hiểu nghĩa là trí căn bản, không nhiễm thế tục là tuệ nghiệp. Mọi việc làm đều chân thật không lỗi lầm là trí căn bản, hiểu rõ không tạo tác, không báo ứng là tuệ nghiệp. Không cao ngạo là trí căn bản, thành tựu trí lớn là tuệ nghiệp.

Luôn tự thức tỉnh là trí căn bản, đủ cả hai việc là tuệ nghiệp. Thọ trì tám vạn bốn ngàn Kinh Pháp là trí căn bản, phân biệt tám vạn bốn ngàn hạnh là tuệ nghiệp. Tùy thời giảng pháp là trí căn bản, tùy cơ giảng Kinh không trái là tuệ nghiệp.

Khai hóa chúng sinh vào trong đạo là trí căn bản, trọn trí lớn đủ phương tiện chỉ dạy chúng sinh, giúp chúng sinh không thoái chuyển là tuệ nghiệp. Không lo sợ khi nguyện sinh trong năm cõi là trí căn bản, giáo hóa mọi loài khi thọ sinh là tuệ nghiệp.

Siêng năng tu tập thành tựu âm hưởng nhẫn là trí căn bản, luôn tu tập không vì thọ sinh là tuệ nghiệp. Tự tùy thuận đạt nhẫn nhu thuận là trí căn bản, thành tựu pháp nhẫn vô sinh là tuệ nghiệp. Siêng năng tu tập đạt địa không thoái chuyển là trí căn bản, thành tựu địa A duy nhan là tuệ nghiệp.

Thành tựu hạnh nghiệp, an tọa nơi tòa Bồ Đề là trí căn bản, hiểu pháp trừ nghi, tỏ ngộ sự bình đẳng, phát tâm bồ đề vô thượng, tùy thuận thời cơ, thành tựu Chánh Giác là tuệ nghiệp.

Đức Phật nói kệ nhắc lại ý trên:

Nghe thọ các Kinh Pháp

Học hỏi không buông lung

Thanh tịnh tất cả chúng

Là học trí căn bản.

Giảng thuyết pháp đã nghe

Tâm từ truyền bá rộng

Bồ Tát thật thù thắng

Thành tựu tuệ nghiệp lớn.

Tư duy bằng ý sáng

Chính là trí căn bản

Phân biệt giảng các Kinh

Là tuệ nghiệp lớn lao.

Thực hành như ý niệm

Chính là trí căn bản

Giảng thuyết cho mọi loài

Là tuệ nghiệp lớn lao.

Không để tâm sinh khởi

Chính là trí căn bản

Không chấp nơi tâm hành

Tuệ nghiệp lớn là đó.

Tịnh tu hạnh chân chánh

Chính là trí căn bản

Thuyết giảng hạnh đã tu

Tuệ nghiệp lớn là đó.

Tịch tĩnh chuyên hành đạo

Chính là trí căn bản

Thân tâm không chấp ngã

Tuệ nghiệp lớn là đó.

Lo sợ tập sinh tử

Chính là trí căn bản

Yêu thích đạo nhất thừa

Đó tức là tuệ nghiệp.

Thích quán pháp tịch tĩnh

Đó là trí căn bản

Tư duy việc giải thoát

Đó tức là tuệ nghiệp.

Siêng tu ba giải thoát

Đó là trí căn bản

Chứng đắc trí ba đạt

Ấy tức là tuệ nghiệp.

Chuyên tập bốn ý chỉ

Đó là trí căn bản

Niệm không ý không ngã

Ấy tức là tuệ nghiệp.

Bỏ ác làm việc lành

Đó là trí căn bản

Gốc tịnh trừ pháp ấy

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Chuyên hành bốn thần túc

Đó là trí căn bản

Không tham tập thần túc

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Tin sâu pháp giai thoát

Đó là trí căn bản

Vượt tất cả trở ngại

Ấy tức là tuệ nghiệp.

Siêng năng không ngừng nghỉ

Đó là trí căn bản

Thân ý đã dừng nghỉ

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Chí tỏ ngộ, nhàn tịnh

Đó là trí căn bản

Chẳng trụ tất cả xứ

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Tự giác biết ý định

Đó là trí căn bản

Hành chánh thọ gốc tịnh

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Khéo thực hành năm căn

Đó là trí căn bản

Biết các căn chúng sinh

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Thực hành pháp năm lực

Đó là trí căn bản

Ân cần đạt Thánh tuệ

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Giác ý nhẫn nhu thuận

Đó là trí căn bản

Hiểu rõ hết thảy pháp

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Siêng tu đạo tinh tấn

Đó là trí căn bản

Trừ bỏ pháp, phi pháp

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Biết phương tiện trừ khổ

Đó là trí căn bản

Nơi chứng không diệt tận

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Tu tập tùy thuận đạo

Đó là trí căn bản

Dẫn dắt theo nghĩa lý

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Nghe nhiều không chán ghét

Đó là trí căn bản

Hành thuận nơi pháp yếu

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Tìm hiểu rõ nghĩa lý

Đó là trí căn bản

Phụng hành nơi Thánh đạt

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Không chấp vào thọ mạng

Đó là trí căn bản

Chỗ niệm như giáo pháp

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Quán biết vật vô thường

Đó là trí căn bản

Nơi ấy biết vô sinh

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Hiểu các pháp là khổ

Đó là trí căn bản

Các pháp thảy vô vi

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Tất cả pháp không ngã

Đó là trí căn bản

Tánh ấy luôn thanh tịnh

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Tin Niết Bàn tịch tĩnh

Đó là trí căn bản

Chúng sinh luôn diệt độ

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Quán sát rõ nghĩa lý

Đó là trí căn bản

Biết rõ nghĩa phân biệt

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Vững tin vào Kinh Pháp

Đó là trí căn bản

Thông đạt nơi Kinh Pháp

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Không lo sợ pháp nào

Đó là trí căn bản

Hiểu rõ nẻo hướng về

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Đủ biện tài của Phật

Đó là trí căn bản

Thấu tỏ tự nêu bày

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Hành hạnh thương chúng sinh

Đó là trí căn bản

Đạt được từ không duyên

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Biết thương mình và người

Đó là trí căn bản

Không tưởng chấp ta, người

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Luôn vui vẻ an lạc

Đó là trí căn bản

Không nêu, không chỗ khởi

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Chẳng tạo nơi tham ái

Đó là trí căn bản

Tâm không đạt hai nẻo

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Chuyên tâm niệm Thế Tôn

Đó là trí căn bản

Nếu theo pháp thân dạy

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Tư duy các Kinh Pháp

Đó là trí căn bản

Biết rõ pháp, báo, ứng

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Niệm công đức Thánh chúng

Đó là trí căn bản

Nếu hiểu rõ vô vi

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Thích hành hạnh bố thí

Đó là trí căn bản

Ví xả bỏ mọi trần

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Thanh tịnh các giới cấm

Đó là trí căn bản

Trụ nơi giới vô lậu

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Niệm Chư Thiên thần thông

Đó là trí căn bản

Nếu niệm định lại định

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Nghe hiểu rõ nghĩa lý

Đó là trí căn bản

Không cùng thế gian hành

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Siêng năng tạo nghiệp lành

Đó là trí căn bản

Tạo nơi tạo không tạo

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Khiêm tốn, không cao ngạo

Đó là trí căn bản

Chẳng cho mình có tuệ

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Tự thân luôn siêng năng

Đó là trí căn bản

Vì chúng sinh tạo hành

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Thọ trì tạng Pháp Phật

Đó là trí căn bản

Thấu rõ hành chúng sinh

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Vượt tất cả pháp ác

Đó là trí căn bản

Quy chúng sinh ba xứ

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Bố thí vì từ bi

Cùng tạo mọi lợi ích

Giáo hóa khiến lìa cấu

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Bình đẳng lợi tất cả

Xem như công đức Phật

Bậc Chánh Sĩ như thế

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Sợ ấm, giới hiện có

Đó là trí căn bản.

Tư duy sinh nơi ấy

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Chẳng sân đạt tuệ tận

Đó là trí căn bản

Khởi tuệ không chốn sinh

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Như đạt nhẫn âm hưởng

Đó là trí căn bản

Nẻo hành như chỗ niệm

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Đạt pháp nhẫn nhu thuận

Đó là trí căn bản

Chứng pháp nhẫn vô sinh

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Trụ địa không thoái chuyển

Đó là trí căn bản

Đạt địa A duy nhan

Đấy tức là tuệ nghiệp.

An tọa cội Bồ Đề

Đó là trí căn bản

Đạt mọi tuệ thần thông

Đấy tức là tuệ nghiệp.

Biết rõ gốc của trí

Đó chính là tâm đạo

Nương tựa vào tâm này

Làm mọi việc bằng tuệ.

Chân thật tu tâm đạo

Không hề bị dao động

Là việc làm bằng tuệ

Tùy thời làm mọi việc.

Thực hành đạo của Phật

Là nguồn gốc đạo tâm

Thần lực Phật là thế

Đủ biện tài phân biệt.

Trải qua vô số kiếp

Khen ngợi công đức này

Vẫn không thể nói hết

Hào quang, công đức Phật.

Chư Phật thời quá khứ

Hiện tại cũng như thế

Cùng Chư Phật vị lai

Không thể nào tính biết.

Những ai muốn cúng dường

Đấng tối thắng vô thượng

Tùy thuận hành tâm đạo

Thành tựu không buông lung.

Lúc Phật giảng pháp này các Cõi Phật mười phương chấn động đủ sáu cách, pháp tòa Bảo Nghiêm cũng rung động.

Bồ Tát Trí Tích bạch Phật: Thế Tôn! Vì sao Cõi Phật nơi mười phương chấn động đủ sáu cách và pháp tòa trong hư không cũng rung động?

Phật nói: Thiện nam! Kinh này được Chư Phật thời quá khứ, khen ngợi. Thời quá, khứ Bồ Tát đã từng thưa hỏi, Phật đáp nên có hiện tượng đó.

***