Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Bi đại ái

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BI ĐẠI ÁI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM MƯỜI BA

PHẨM CHỦNG LOẠI CHÚNG SINH
 

Phật nói: Thiện nam! Như Lai biết rõ về chủng loại, thân hình của tất cả chúng sinh.

Thế nào là biết?

Chúng sinh đó tạo tội lỗi, chúng sinh ấy tích lũy công đức, thân tạo ác, không được gia hộ, không được cứu thoát Như Lai biết rõ.

Thế Tôn lại biết: Cảnh giới, cảnh giơi của mắt, sắc, thức, hiểu rõ nguồn gốc, ngọn ngành. Nghĩa là Như Lai biết bên trong bên ngoài đều rỗng lặng. Tai mũi lưỡi thân ý cũng thế.

Ý pháp, thức sự sinh khởi, bên trong không, bên ngoài không, trong ngoài đều rong lặng. Cái nhân của đất, nước, gió, lửa đều rỗng lặng như hư không. Như Lai biết Cõi Dục, Sắc, Vô Sắc, từ tưởng niệm có cõi hữu vi, vô vi.

Ở cõi hữu vi, vô hành là tưởng. Ở cõi vô vi, tưởng là có hành. ở cõi trần lao do khách trần mà có dục. Sân hận vốn thanh tịnh, thuần khiết. Hành có tướng là không thuận niệm. Tướng Niết Bàn là thuận niệm. Cõi chúng sinh gửi thân là thế. Từ trong cõi đó, có sự xô đẩy, hành động, siêng năng, chí tánh, an trụ, sinh khởi. Như Lai biết rõ, nên tùy thuận thuyết pháp. Đó là hạnh thứ tư của Phật.

Như Lai nói kệ:

Sư tử chúa trong đời

Hiểu rõ tất cả cõi

Chúng sinh ở trong đó

Tạo mọi nghiệp từ thân.

Ở trong cảnh giới ấy

Rộng khắp, không hạn lượng

An trụ trí nhất thiết

Biết rõ hết ngọn nguồn.

Tội phúc là nguyên nhân

Tạo nên mọi quần sinh

Từ nhân duyên hòa hợp

Sắc thân được sinh ra.

Ngay trong cảnh giới Phật

Tất cả được giải thoát

Tỏ biết thân sắc đó

Thế Tôn Bậc Tối Thắng.

Đối với mắt sắc ấy

Và tất cả các pháp

Phật biết là rỗng lặng

Vốn tịnh không sầu lo.

Tai mũi cũng như vậy

Lưỡi và cảnh giới thân

Ý pháp các chủng loại

Phật biết là rỗng lặng.

Với đất nước lửa gió

Tất cả đều bình đẳng

Sư tử chúa trong đời

Biết chẳng khác hư không.

Cõi Dục đã như vậy

Cõi Sắc và Vô Sắc

Phật biết các cõi đó

Hình thành từ tư tưởng.

Thế Tôn biết khách trần

Tạo nên các dục vọng

An trụ hiểu sâu luận

Cũng vốn là thanh tịnh.

Như Lai phân biệt biết

Các hành và vô hành

Kể cả pháp Niết Bàn

Không hề có ba tưởng.

Các tướng trong cảnh giới

Sinh khởi từ vô minh

Tất cả các nguyên nhân

Hợp tan như ảo thuật.

Một đời bao nhiêu thân

Vô số các hình sắc

Như Lai tự tỏ biết

Không do vọng niệm sinh.

Chẳng khác nào hư không

Mười phương không biên vực

Sư tử chúa trong đời

Tỏ biết các cảnh giới.

Trí tuệ Phật thù thắng

Cùng tột không trở ngại

Trời người không thể sánh

Không một ai hiểu được.

Đó là hạnh thứ tư

Thế Tôn trừ cấu uế

Hiểu rõ các cảnh giới

Chỉ dạy các chúng sinh.

Dùng giới khai ngộ tâm

Các nghiệp tạo tội phước

Không khởi tâm sân hận

Biết tất cả sai khác.

***