Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Pháp Cổ

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHÁP CỔ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống 
 

PHẦN BỐN
 

Lại nữa, như khi vị Chuyển luân Thánh Vương không ra đời, thì các vị tiểu vương khác gắng sức như Chuyển Luân Vương hòa hợp các vua, mỗi vị đều xuất hiện ở đời. Các địa phương như vậy không người giảng nói chỗ sâu xa của Kinh này. Toàn là người tạp thuyết, nói các tạp Kinh, gồm chánh bất chánh tạp Kinh. Các chúng sinh kia cũng theo học như thế.

Khi họ theo học, nghe về Kinh thâm sâu rốt ráo Như Lai tạng, Như Lai thường trụ, tâm sinh nghi hoặc đối với Thuyết An Úy sinh lòng nhuế hại, khinh rẻ cười chê, không sinh ái niệm, mạ nhục chẳng nhịn mà nói: Đây ghi chép những lời ma nói. Rồi họ cho là hủy pháp nên đều bỏ hết mà đi về bản xứ. Họ lại cùng nhau phá hoại, phạm giới tà kiến, không bao giờ được Kinh này.

Vì sao?

Vì chỗ an trụ của Thuyết An Úy là chỗ Kinh này theo trụ vậy.

Lúc bấy giờ, ở thế gian có nhiều chúng sinh thấy nghe Kinh Đại Thừa sinh tâm phỉ báng, không sinh sợ hãi.

Vì sao?

Vì ở cõi đời có năm thứ trược ác thì chánh pháp bị tổn giam, có nhiều chúng sinh phỉ báng đại thừa, như trong thôn bảy nhà chắc chắn có xuất hiện quỷ Trà di ni. Cũng giống như vậy, nơi Kinh này lưu hành trong chúng bảy người chắc chắn có người phỉ báng.

Này Ca Diếp! Ví như người đồng giới, gặp nhau vui mừng, những người kia cũng vậy, ai nấy đều hủy giới.

Ở trong chúng nói pháp, khi nghe Kinh này, lại nhìn nhau cười cợt: Kẻ nào là chúng sinh giới?

Kẻ nào thường ngắm nhan sắc kia?

Rồi suy nghĩ: Kia là bạn ta lại thương xót nhau. Nghĩ như vậy rồi, họ giữ tánh mà an trụ, giữ tánh mà ra đi. Như vị trưởng giả Bà La Môn sinh đứa con trai có tánh ác, cha mẹ răn dạy chẳng hề sửa đổi, bỏ nhà đi theo các bạn xấu, nghe theo những lời cầm thú cho là vui vẻ.

Như vậy xoay vần cho đến nước khác, cấu kết được những kẻ cùng loại, cùng nhau làm những việc không đúng pháp. Đó gọi là đồng hành. Người không ưa Kinh này cũng giống như vậy, thấy người khác đọc tụng, giảng nói trở lại chê cười.

Vì sao?

Vì lúc bấy giờ chúng sinh rất lười biếng, giữ giới lỏng lẻo, làm trở ngại chánh pháp, những người đồng hành kia theo nhau phỉ báng.

Ca Diếp bạch Phật: Than ôi, thật la thời buổi trược ác!

Đức Phật bảo Ca Diếp: Đến lúc thì Thuyết An Úy ấy sẽ như thế nào?

Này Ca Diếp! Ví như ven thành ấp, ruộng gần đường đi bị mọi người, các giống voi, ngựa chiếm ăn. Khi ấy, chủ ruộng sai một người trông nom. Người trông nom chẳng siêng năng giữ gìn. Người chủ lại tăng thêm hai, ba, bốn, năm… rồi mười, hai mươi… thậm chí cả trăm người. Nhưng người giữ càng nhiều thì kẻ lấy càng đông.

Sau cùng có một người nghĩ: Thật ra kẻ giữ gìn trông nom ấy không phải tất cả đều giữ gìn, phải có phương tiện khéo léo mới khiến cho không còn bị xâm hại.

Rồi ông liền tự tay lấy lúa ruộng ban cho. Những người kia sinh tâm cảm động hổ thẹn, lúa ruộng được an toàn.

Này Ca Diếp! Nếu có thể được phương tiện khéo léo như vậy thì sau khi ta diệt độ Kinh này sẽ được giữ gìn.

Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con không hề có khả năng thu nhiếp những người ác ấy, con thà dùng hai vai gánh vác núi Tu Di đến trăm ngàn kiếp chứ không thể chịu đựng để cho bọn người ác kia phạm giới cấm, hủy diệt đạo pháp, phỉ báng chánh pháp, làm hoen ố đạo pháp, những điều ác, không đúng pháp như vậy.

Bạch Thế Tôn! Con thà lệ thuộc kẻ khác làm kẻ nô bộc sai khiến chứ không thể chịu đựng nghe những điều ác, không đúng pháp như vậy của bọn người ác phạm giới, trái pháp, xa pháp, hoại pháp kia.

Bạch Thế Tôn! Con thà đầu đội quả đất, núi biển suốt trăm ngàn kiếp chứ không thể chịu đựng nghe những điều ác, không đúng pháp như vậy của bọn người ác phạm giới, diệt pháp, tự cao hủy kẻ khác kia.

Bạch Thế Tôn! Con thà luôn luôn chịu thân đui điếc, câm ngọng chứ không thể chịu đựng nghe những âm thanh ác, không đúng pháp như vậy của bọn người ác hủy phạm tịnh giới, vì lợi xuất gia thọ nhận của tín thí.

Bạch Thế Tôn! Con thà xả thân, chóng nhập Niết Bàn chứ không thể chịu nhịn nghe những âm thanh ác, không đúng pháp như vậy của bọn người ác hủy phạm tịnh giới, rêu rao tu hành mà thân làm những điều tà vạy, miệng nói lời hư dối kia.

Đức Phật bảo Ca Diếp: Ông nhập Niết Bàn, ấy là Niết Bàn Thanh Văn không phải là rốt ráo.

Ca Diếp bạch Phật: Nếu nhập Niết Bàn của Thanh Văn, Duyên Giác không phải là rốt ráo, thì bạch Thế Tôn!

Vì sao nói có Ba Thừa: Thanh Văn thừa, Bích Chi Phật thừa và Phật thừa.

Bạch Thế Tôn! Sao đã vào Niết Bàn rồi lại còn vào Niết Bàn nữa?

Đức Phật bảo Ca Diếp: Bậc Thanh Văn cho Thanh Văn vào Niết Bàn nhưng vào Niết Bàn chẳng phải là rốt ráo. Bích Chi Phật cho Bích Chi Phật nhập Niết Bàn nhưng nhập Niết Bàn chẳng phải là rốt ráo. Cho đến khi được tất cả các thứ công đức, được tất cả các thứ trí tuệ Đại Thừa vào Niết Bàn, sau đó mới rốt ráo, không còn rốt ráo nào khác.

Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nghĩa ấy ra sao?

Phật bảo Ca Diếp: Ví như từ sữa lấy ra được bơ, từ bơ lấy ra được tô sống, từ tô sống lấy ra được tô chín, từ tô chín lấy ra được đề hồ. Kẻ phàm phu tà kiến như sữa mới sinh, sữa máu lẫn lộn. Người thọ Tam quy giống như sữa thuần.

Kẻ tin theo tu hành và Bồ Tát mới phát tâm trụ địa vị Giải hạnh giống như sữa đã thành bơ. Bảy hạng người học và Bồ Tát Thất địa trụ giống như bơ sinh tô. Bậc ý sinh thân A La Hán, Bích Chi Phật được năng lực tự tại và bậc Bồ Tát Cửu Trụ, Thập Trụ giống như tô chín. Như Lai Ứng Cúng, Chánh Đẳng, Chánh Giác giống như đề hồ.

Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao Đức Như Lai nói có Ba Thừa?

Phật bảo Ca Diếp: Ví như người dẫn đường mạnh mẽ dẫn các người thân thuộc và nhiều người khác, từ chỗ mình ở đến một địa phương khác mà phải đi qua vùng hoang vắng nguy hiểm bèn nghĩ: Những người này mệt mỏi thiếu thốn sẽ sợ sệt mà lui về.

Để giúp cho mọi người ngưng ngay ý ấy nên ở phía trước đường kia ông hóa ra một ngôi thành lớn. Từ xa ông dùng tay chỉ cho mọi người thấy và nói rằng đàng trước có ngôi thành lớn, hãy mau đến đó đi.

Mọi người đều thấy dần dần đến gần ngôi thành kia. Họ đều nói với nhau rằng đó là chỗ nghỉ của chúng ta. Rồi họ liền cùng nhau vào thành nghỉ ngơi sung sướng. Họ mãi vui trong ấy chẳng muốn tiếp tục đi nữa.

Lúc bấy giờ, người dẫn đường bèn nghĩ: Những người này mới được chút vui này đã cho là đủ. Họ yếu đuối, lười nhác, nghỉ ngơi, không muốn tiếp tục đi nữa.

Lúc bấy giờ, người dẫn đường liền diệt ngôi thành hóa hiện ấy.

Bọn người kia thấy thành đã bị diệt rồi bèn nói với người dẫn đường: Đây là gì?

Là huyễn, là mộng hay là chân thật?

Người dẫn đường nghe thế liền bảo mọi người: Ngôi thành lớn vừa rồi vì dừng nghỉ ngơi tạm nên ta hóa ra vậy thôi, còn có ngôi thành khác nữa, giờ đây nên tiếp tục đi nữa, phải mau đến đó để được an on vui sướng.

Mọi người đáp: Xin vâng, vì sao lại ưa cái chỗ thấp hèn nhỏ nhoi này?

Chúng tôi sẽ cùng nhau tiếp tục đi nữa để đến ngôi thành lớn an vui.

Người dẫn đường đáp: Hay lắm, hãy đi đi.

Họ liền cùng nhau tiến bước về phía trước.

Người dẫn đường lại bảo mọi người: Ngôi thành lớn mà chúng ta phải đến đã hiện ra rồi. Các vị hãy quan sát ngôi thành lớn trước mặt kia hết mực giàu có an vui.

Họ đi dần đi về phía trước thì thấy ngôi thành lớn kia.

Lúc bấy giờ, người dẫn đường bảo mọi người: Các vị nên biết, đây là ngôi thành lớn.

Mọi người thấy xa xa một ngôi thành lớn, yên ổn vui sướng, tâm đầy vui mừng.

Mọi người đều nhìn nhau sinh tâm ít có nghĩ: Thành này là thật là hay lại là hư dối?

Người dẫn đường đáp: Đây là ngôi thành chân thật, tất cả đều đặc biệt yên ổn giàu có an vui. Liền bảo mọi người vào thành và nói đây là ngôi thành lớn rốt ráo bậc nhất, qua chỗ này rồi không còn ngôi thành nào khác nữa.

Mọi người đều vào thành, liền sinh tâm ít có, lòng đầy vui mừng khen ngợi người dẫn đường kia: Lành thay, lành thay! Bậc đại trí, đại bi chân thật, dùng phương tiện thương xót cứu vớt chúng con.

Này Ca Diếp! Ông nên biết ngôi thành biến hóa đầu tiên kia chỉ cho trí tuệ thanh tịnh của hàng Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa. Còn cái trí tuệ không, vô tướng, vô tác giải thoát là ngôi thành lớn chân thật, chính là Như Lai giải thoát. Cho nên Như Lai mở bay Ba Thừa, thị hiện hai Niết Bàn, lại giảng nói Nhất Thừa.

Phật bảo Ca Diếp: Nếu có người nói không có Kinh này thì đó chẳng phải là đệ tử của ta và ta cũng chẳng phải là thầy của người ấy.

Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Kinh Đại Thừa nói nhiều về nghĩa không.

Phật bảo Ca Diếp: Tất cả Kinh nói về không là còn có dư thừa, chỉ có Kinh này là vô thượng thuyết, chẳng còn dư thừa.

Lại nữa, này Ca Diếp! Như vua Ba Tư Nặc thường vào tháng mười một lập hội đại thí. Trước tiên bố thí thức ăn cho ngạ quỷ, kẻ cô độc, người nghèo, tiếp đến bố thí cho Sa Môn, Bà La Môn. Các món ngon đủ vị cứ theo sự ưa thích của mọi người.

Các Đức Phật Thế Tôn cũng giống như vậy, vì thuận theo các sở thích của chúng sinh mà giảng nói các thứ Kinh pháp cho họ nghe. Như có chúng sinh lười biếng, phạm giới, chẳng siêng tu tập, bỏ diệu điển Như Lai tạng thường trụ, thích tu học các Kinh nói về không, hoặc theo câu chữ lời nói, hoặc thêm câu chữ khác.

Vì sao?

Vì người ấy nói như vậy: Tất cả Kinh Phật đều nói vô ngã. Nhưng người ấy chẳng biết cái nghĩa không vô ngã. Người không có trí tuệ kia hướng về sự tận diệt hoàn toàn, nhưng thuyết không, vô ngã cũng là do Phật nói.

Vì sao?

Vì Niết Bàn vô lượng trần cấu các phiền não tạng, thường không tất cả câu Niết Bàn như vậy, kia thường trụ An Lạc, đó là câu đại Bat Niết Bàn sở đắc của Phật.

Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Sao gọi là xa lìa đoạn, thường?

Phật bảo Ca Diếp: Cho đến chúng sinh sinh tử luân hồi, chẳng được tự tại. Vậy nên ta nói nghĩa vô ngã cho họ nghe. Nhưng sở đắc của Chư Phật là Đại Bát Niết Bàn thường trụ an vui. Do nghĩa này nên phá hoại cái đoạn, thường kia.

Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như vậy là tái chuyển vô ngã thành ngã vĩnh cữu.

Phật bảo Ca Diếp: Vì phá ngã thế gian nên ta nói nghĩa vô ngã. Nếu không nói như vậy thì làm sao khiến cho họ lãnh thọ giáo pháp của Đại sư. Phật nói vô ngã, các chúng sinh kia mới sinh ý tưởng lạ lùng là nghe điều chưa từng nghe, mới đến chỗ Phật.

Sau đó, Phật dùng trăm ngàn nhân duyên khiến họ đến với Phật pháp. Đến với Phật pháp rồi lòng tin mới tăng trưởng, siêng tu, tinh tấn, khéo học pháp không. Sau đó ta mới giảng nói về thường trụ An Lạc hữu sắc giải thoát cho họ nghe.

Lại nữa, có thuyết thế tục cho hữu là giải thoát.

Để phá thuyết đó nên ta nói: Giải thoát đều là vô sở hữu. Nếu không nói như vậy thì làm sao khiến họ lãnh thọ pháp Đại sư. Vậy nên ta dùng trăm ngàn nhân duyên nói giải thoát là diệt tận vô ngã. Sau đó ta lại thấy chúng sinh kia cho diệt rốt ráo diệt là giải thoát. Những người không có trí tuệ kia hướng về diệt tận, sau đó ta lại dùng trăm ngàn nhân duyên để nói giải thoát là hữu.

Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Được giải thoát tự tại phải biết chúng sinh ắt là hữu thường. Ví như thấy khói biết chắc có lửa. Nếu có ngã chắc chắn có giải thoát. Nếu nói có ngã thì là đã nói giải thoát hữu sắc. Chẳng phải thân kiến thế tục, cũng chẳng phải nói đoạn, thường.

Ca Diếp lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao Như Lai chẳng vào Niết Bàn mà thị hiện vào Niết Bàn?

Chẳng sinh mà thị hiện sinh?

Phật bảo Ca Diếp: Để phá cái tư tưởng chấp thường của chúng sinh nên Như Lai chẳng vào Niết Bàn mà thị hiện Niết Bàn, chẳng sinh mà thị hiện sinh.

Vì sao?

Vì chúng sinh cho là Phật mà còn có chết đi, chẳng được tự tại, huống gì là chúng ta còn ngã và ngã sở.

Ví như có vị vua bị nước bên cạnh bắt được, trói buộc kềm kẹp, nghĩ rằng: Nay ta còn là vua là chúa chăng?

Nay ta chẳng phải là vua, chẳng phải là chúa.

Vì sao đến nỗi chịu các khổ nạn như vậy?

Do ta buông lung vậy. Cũng giống như vậy, chúng sinh sinh tử luân hồi, ngã chẳng tự tại. Vì chẳng tự tại nên ta nói nghĩa vô ngã.

Ví như có người bị cướp rượt, vung đao muốn hại, bèn nghĩ: Bây giờ ta không có sức mạnh để thoát khỏi cái nạn chết này. Do những tư tưởng không đúng về chúng sinh đã có đủ các thứ khổ, sinh, già, bệnh, chết nên họ nguyện làm Đế Thích, Phạm Vương.

Như Lai vì phá cái tư tưởng đó nên thị hiện có chết. Như Lai là Trời trong các Trời, nếu nhập Niết Bàn đều tiêu diệt hết thì thế gian lẽ ra phải diệt. Nếu không diệt thì thường trụ an vui mà thường trụ an vui thì chắc chắn có ngã, như có khói thì chắc chắn có lửa.

Nếu lại vô ngã mà còn có ngã thì thế gian phải đầy khắp thật hữu ngã phi, vô ngã cũng chẳng hoại. Nếu thật vô ngã thì ngã chẳng thành.

Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hữu là gì?

Phật bảo Ca Diếp: Hữu chỉ cho hai mươi lăm cõi chúng sinh hạnh, phi hữu ấy là vật vô tư. Nếu phi hữu là chúng sinh thì phải từ người khác đến, nếu vật hữu tư bị hoại thì chúng sinh sẽ giảm. Nếu phi hữu là chúng sinh thì chúng sinh phải đầy khắp vì chúng sinh chẳng sinh chẳng hoại nên chẳng giảm chẳng đầy.

***