Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Pháp Cổ

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHÁP CỔ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống 
 

PHẦN HAI
 

Lại bạch Phật rằng: Kể từ hôm nay cho đến sau khi Thế Tôn diệt độ, con sẽ thường giữ gìn giảng nói rộng rãi Kinh này.

Đức Phật bảo Ca Diếp: Lành thay, lành thay! Hôm nay ta sẽ vì ông giảng nói Kinh Đại Pháp Cổ.

Khi ấy trong hư không các chúng Trời, rồng đồng thanh khen: Lành thay, lành thay! Tôn Giả Ca Diếp!

Hôm nay các vị Trời mưa xuống nhiều hoa Trời, các chúng rồng đầu đàn mưa nước Cam Lồ và bột thơm xuống để an ủi, làm cho tất cả chúng sinh được an vui, đáng được Đức Thế Tôn kiến lập làm trưởng tử của pháp.

Rồi chúng Trời, rồng đồng thanh nói kệ rằng:

Vua ở thành Xá Vệ

Nổi trống chiến, tù và

Vua pháp rừng Kỳ hoàn

Gióng lên trống pháp to.

Phật bảo Ca Diếp: Nay ông sẽ dùng cái dùi vấn nạn đánh lên trống pháp lớn. Như Lai Pháp vương sẽ giảng nói về Trời trong các Trời cho ông nghe sẽ giải quyết sự nghi ngờ của ông.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Đại Ca Diếp: Có vị Tỳ Kheo tên là Tín Đại Phương Quảng, nếu có bốn chúng nghe được tên ông ấy thì những mũi tên tham, sân, si đều được nhổ ra hết.

Vì sao?

Này Ca Diếp! Ví như vua Ba Tư Nặc có Kỳ bà tử tên là Thượng Dược.

Nếu khi vua Ba Tư Nặc cùng đánh nhau với nước địch thì vua bảo Thượng Dược: Ông hãy mau mang loại thuốc có thể nhổ tên ra cho chúng sinh lại đây.

Lúc bấy giờ, Thượng Dược liền mang thuốc tiêu độc đến. Nhà vua bôi thuốc vào trống chiến, hoặc bôi, hoặc xông, hoặc đắp vào, nếu chúng sinh kia bị tên độc mà nghe tiếng trống ấy, hoặc cách một do tuần, hoặc cách hai do tuần tên độc đều được nhổ ra.

Cũng vậy, này Ca Diếp! Nếu có người nghe tên vị Tỳ Kheo Tín Phương Quảng thì tên độc tham, sân, si đều được nhổ ra.

Vì sao?

Vì ông ấy nhờ Kinh này mà mở rộng thêm chánh pháp, rồi nhờ thành tựu hiện pháp ấy nên được đại quả này.

Này Đại Ca Diếp! Ông hãy xem cái trống thường vô tâm kia, dùng thứ thuốc vô tâm hoặc bôi, hoặc xông, hoặc đắp mà có năng lực làm lợi ích cho chúng sinh như vậy.

Huống chi lại được nghe tên vị Tỳ Kheo Tín Phương Quảng Bồ Tát Ma Ha Tát kia mà chẳng trừ được ba độc của chúng sinh hay sao?

Ca Diếp bạch Phật: Nếu nghe tên vị Bồ Tát ấy mà còn trừ được ba thứ tên độc cho chúng sinh, huống là xưng niệm danh hiệu công đức của Đức Thế Tôn. Xưng rằng Nam mô Thích Ca Mâu ni. Nếu khen ngợi danh hiệu công đức của Đức Thế Tôn còn có công năng nhổ ra được ba thứ tên độc cho chúng sinh, huống gì là nghe được Kinh Đại Pháp Cổ này.

Chỉ an ủi, giảng nói bằng một bài kệ, bằng một câu Kinh, huống gì là giảng nói rộng rãi mà không thể nhổ được ba thứ tên độc sao?

Phật bảo Ca Diếp: Như ta trước kia có nói Tỳ Kheo giữ giới thanh tịnh thì do bản nguyện có thể tùy tâm đạt được những gì mong muốn. Tất cả các Đức Phật đều có pháp này, đó là Kinh Bất Tác Bất Khởi Bất Diệt Đại Pháp Cổ.

Cho nên, này Ca Diếp! Vào đời sau ông cũng sẽ như ta.

Vì sao?

Vì nếu có bốn chúng nghe được danh hiệu ông thì ba thứ tên độc đều được nhổ ra.

Vậy nên, này Ca Diếp! Nay ông phải hỏi về Kinh Đại Pháp Cổ để sau khi ta diệt độ, về lâu về dài ở thế gian ông sẽ giữ gìn, giảng nói cùng khắp.

Ca Diếp bạch Phật: Lành thay, bạch Thế Tôn! Nay xin Thế Tôn vì con giảng nói Kinh Đại Pháp Cổ.

Phật bảo Ca Diếp: Đối với Kinh Đại Pháp Cổ, ông nên ít thưa hỏi.

Lúc ấy, Ca Diếp liền bạch Phật: Lành thay, bạch Thế Tôn! Con sẽ thưa hỏi về những điều con thắc mắc. Như Đức Thế Tôn đã nói nếu có hữu thì có khổ vui, không có hữu thì không có khổ vui.

Điều này có nghĩa như thế nào?

Phật bảo Ca Diếp: Nếu không có hữu thì đó là niềm vui bậc nhất của Bát Niết Bàn. Cho nên lìa khổ vui để được niềm vui bậc nhất của Bát Niết Bàn, hoặc khổ hoặc vui, đó chính là hữu. Nếu không có hữu thì không có khổ vui, cho nên nếu muốn được Bát Niết Bàn thì phải dứt bỏ hữu.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn vì muốn nói lại ý nghĩa vừa nói nên nói bài kệ rằng:

Tất cả hữu vô thường

Cũng không biến không đổi

Hữu kia có khổ, vui

Vô hữu không khổ vui

Chẳng làm không khổ vui

Làm thì có vui khổ

Chớ ưa các hữu vi

Cũng lại chớ gần gũi

Như người được an vui

Trở lại nơi đau khổ

Nếu chẳng đến Niết Bàn

Chẳng trụ nơi an vui.

Khi ấy, Ca Diếp đáp bằng bài kệ như sau:

Chúng sinh chẳng vì hữu

Niết Bàn vui bậc nhất

Kia là tên gọi vui

Không có người thọ vui

Khi ấy, Đức Thế Tôn lại nói kệ rằng:

Thường giải thoát không tên

Diệu sắc trụ vắng lặng

Chẳng phải cảnh giới của

Nhị thừa và Bồ Tát.

Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn!

Vì sao nói sắc mà lại thường trụ?

Phật bảo: Nay ta sẽ nói ví dụ.

Ví như sĩ phu từ phương Nam Ma Đầu La đến.

Có người hỏi ông ấy ông từ đâu đến?

Sĩ phu đáp: Từ Ma Đầu La đến.

Người kia liền hỏi: Ma Đầu La là địa phương nào?

Khi ấy vị sĩ phu kia liền chỉ phương Nam.

Này Ca Diếp!

Không phải vì người kia đến đây mà được tin chăng?

Vì sao?

Vì Chánh sĩ phu tự thấy mình đến từ đó vậy.

Cũng vậy, này Ca Diếp! Vì ta thấy nên phải tin ta.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Ví như có sĩ phu

Đưa tay chỉ hư không

Nay ta cũng như vạy

Danh tự nói giải thoát.

Ví như sĩ phu kia

Xa đến từ phương Nam

Nay ta cũng như vậy

Từ Niết Bàn kia ra.

Nhưng này Ca Diếp! Nếu thấy nghĩa ấy thì không cần nhân duyên. Nếu chẳng thấy nghĩa thì cần nhân duyên.

Cũng vậy, này Ca Diếp! Các Đức Phật, Thế Tôn thường dùng vô lượng nhân duyên để hiển bày giải thoát.

Ca Diếp bạch Phật: Sao gọi là nhân?

Phật bảo Ca Diếp: Nhân chính là việc.

Ca Diếp bạch Phật: Sao gọi là duyên?

Phật bảo Ca Diếp: Duyên nghĩa là nương tựa.

Ca Diếp bạch Phật: Nguyện xin Phật chỉ bày cho.

Ví dụ ấy như thế nào?

Phật bảo Ca Diếp: Như từ cha mẹ mà sinh ra con. Mẹ là nhân, cha là duyên. Vậy nên cha mẹ là nhân duyên sinh ra con. Như vậy nói về pháp trụ nhân duyên, ấy gọi là thành.

Ca Diếp bạch Phật: Thành ấy có nghĩa là gì?

Phật bảo Ca Diếp: Thành ấy là thế gian thành.

Ca Diếp bạch Phật: Sao gọi là thế gian?

Phật bảo Ca Diếp: Chúng sinh hòa hợp thiết lập nên.

Ca Diếp bạch Phật: Sao gọi là chúng sinh?

Phật bảo Ca Diếp: Pháp tập hợp thiết lập nên.

Ca Diếp bạch Phật: Sao gọi là pháp?

Phật bảo Ca Diếp: Chẳng phải pháp cũng là pháp, pháp cũng là chẳng phải pháp.

Pháp lại có hai thứ, hai thứ ấy là?

Hữu vi và vô vi, sắc và phi sắc, lại không có pháp thứ ba.

Ca Diếp bạch Phật: Hình dáng, chủng loại của pháp ra sao?

Phật bảo Ca Diếp: Pháp là chẳng phải sắc.

Ca Diếp bạch Phật: Chẳng phải pháp thuộc loại gì?

Phật bảo Ca Diếp: Chẳng phải pháp ấy cũng chẳng phải sắc.

Ca Diếp bạch Phật: Nếu pháp, chẳng phải pháp, chẳng phải sắc, vô tướng thì sao gọi là pháp?

Thì sao gọi là chẳng phải pháp?

Phật bảo Ca Diếp: Pháp ấy chính là Niết Bàn, phi pháp ấy chính là hữu.

Ca Diếp bạch Phật: Nếu pháp, chẳng phải pháp chẳng phải sắc, vô tướng thì tuệ kia làm sao biết được?

Biết chỗ nào?

Nhờ đâu biết được tướng kia?

Phật bảo Ca Diếp: Chúng sinh sống trong sinh tử tu tập các thứ phước đức, căn lành thanh tịnh. Đó là chánh hạnh. Nếu họ thực hành theo pháp ấy thì tất cả tướng thanh tịnh sinh ra, nếu thực hành theo pháp ấy thì họ là chúng sinh đúng pháp.

Chúng sinh sống trong sinh tử gây ra các nghiệp bất thiện, không phải phước đức. Nếu họ thực hành không đúng pháp như vậy thì tất cả tướng ác, bất tịnh sinh ra. Nếu thực hành những việc không đúng pháp ấy thì họ là chúng sinh không đúng pháp.

Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là chúng sinh?

Phật bảo Ca Diếp: Chúng sinh là do bốn giới nhiếp thiết lập nên, bao gồm: Địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới và nhập xứ, năm căn… cho đến mười hai chi duyên khởi, thọ, tưởng, tư, tâm, ý, thức, đó gọi là chúng sinh pháp. Ca Diếp nên biết, đó gọi là tất cả pháp.

Ca Diếp bạch Phật: Trong đó pháp nào là chúng sinh?

Phật bảo Ca Diếp: Trong đó chẳng có một pháp nào tên là chúng sinh cả.

Vì sao?

Này Ca Diếp! Ví như trống của vua Ba Tư Nặc thì cái gì gọi là trống?

Ca Diếp bạch Phật: Cái gọi là trống ấy gồm da, cây và dùi. Ba pháp ấy hòa hợp thì gọi là trống.

Phật bảo Ca Diếp: Đúng vậy, hòa hợp thiết lập gọi là chúng sinh.

Ca Diếp bạch Phật: Thế thì tiếng trống không phải là trống chăng?

Phật bảo Ca Diếp: Lìa tiếng trống ấy thì trống cũng có tiếng. Do gió động vậy.

Ca Diếp bạch Phật: Trống ấy là pháp hay chẳng phải pháp?

Phật bảo Ca Diếp: Trống ấy là chẳng phải pháp, chẳng phải chẳng phải pháp.

Ca Diếp hỏi Phật: Gọi là pháp gì?

Phật bảo Ca Diếp: Chẳng phải pháp, chẳng phải chẳng phải pháp ấy gọi là vô ký.

Ca Diếp bạch Phật: Nếu co pháp vô ký thì thế gian đáng lẽ phải có đến ba pháp.

Phật bảo Ca Diếp: Tướng vô ký ấy giống như chẳng phải nam, chẳng phải nữ. Chẳng phải nam, chẳng phải nữ thì gọi là bất nam, vô ký kia cũng giống như vậy.

Ca Diếp bạch Phật: Như Thế Tôn nói cha mẹ hòa hợp sinh ra con. Nếu cha mẹ không có chủng tử chúng sinh thì không phải là nhân duyên cha mẹ.

Phật bảo Ca Diếp: Kia không chủng tử chúng sinh thì gọi là Niết Bàn. Thông thường bất nam cũng giống như vậy.

Vì sao?

Vì như vua Ba tưnặc khi chiến đấu với các nước địch thì các chiến sĩ của vua ăn lộc của bậc trượng phu. Kẻ không mạnh mẽ thì chẳng gọi là trượng phu. Cũng như vậy, nếu không có chủng tử chúng sinh thì không gọi là cha mẹ được. Thông thường, kẻ bất nam cũng giống như vậy.

Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Pháp thiện, pháp bất thiện, pháp vô ký, pháp nào là pháp thiện?

Pháp nào là pháp bất thiện, pháp nào là pháp vô ký?

Phật bảo Ca Diếp: Thọ vui là pháp thiện, thọ khổ là pháp bất thiện, thọ không khổ không vui là pháp vô ký. Đây là ba pháp mà chúng sinh thường gặp phải. Thọ vui là công đức năm dục của người, Trời, thọ khổ là địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, A tu la. Còn thọ không khổ không vui là hói đầu.

Ca Diếp bạch Phật: Ở đây không phải như thế.

Phật bảo Ca Diếp: Từ vui sinh ra khổ, từ khổ sinh ra khổ, đó là vô ký.

Ca Diếp bạch Phật: Ví dụ ấy như thế nào?

Phật bảo Ca Diếp: Do ăn uống sinh ra bệnh. Ăn là vui, bệnh là khổ, còn hói đầu kia gọi là vô ký.

Ca Diếp bạch Phật: Nếu khổ vui gọi là vô ký thì cha mẹ, con cái cũng gọi là vô ký?

Phật bảo Ca Diếp: Như Cõi Trời Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng… cho đến Vô Tưởng thì thường trụ tử pháp, thiện cũng giống như vậy.

Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như Phật đã nói, thọ tưởng là chúng sinh, cho nên cõi Phi tưởng Phi Phi Tưởng xứ lẽ ra không phải là chúng sinh.

***