Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Pháp Cổ

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHÁP CỔ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống 
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thuở nọ Đức Phật ngự, trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ, cùng với năm trăm vị đại Tỳ Kheo.

Lại có trăm ngàn chúng Đại Bồ Tát. Lại có rất nhiều chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà. Lại có trăm ngàn các chúng Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di.

Lại có chủ Thế Giới Ta Bà là Phạm Thiên Vương, Đế Thích, bốn vua Trời. Lại có vô lượng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, các Bồ Tát trong các Thế Giới ở mười phương đều đến hội họp.

Lúc bấy giờ, Đức Như Lai ở trước bốn chúng ấy nói pháp như vậy: Có hữu thì có khổ vui, không hữu thì không khổ vui. Vậy nên lìa khổ vui thì chính là niềm vui Niết Bàn bậc nhất.

Năm trăm vị Thanh Văn Tỳ Kheo kia, tất cả đều là Bậc A La Hán, các lậu đã hết, không còn phiền não, tâm được tự tại, ví như con rồng lớn, được tâm giải thoát tốt, tuệ giải thoát tốt, những việc phải làm đã làm xong, bỏ được gánh nặng, được lợi ích cho mình, đã sạch các kết sử hữu lậu, tâm chánh trí giải thoát, được tất cả tâm tự tại Ba la mật bậc nhất. Có vô lượng người theo học đều chứng quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm.

Có vô lượng chúng Tỳ Kheo đầy đủ pháp hữu lậu. Có các vị Bồ Tát Ma Ha Tát đầy đủ vô lượng A tăng kỳ công đức.

Họ từ mười phương đến, số lượng nhiều không thể ví dụ được tất cả Thanh Văn, Duyên Giác, cũng không thể biết được, trừ Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và Bồ Tát Đại Lực, Bồ Tát Quán Thế Âm, Đại Bồ Tát Di Lặc. Vô lượng A tăng kỳ các vị Bồ Tát ma ha tát thượng thủ như thế, ví như cỏ cây sinh ra từ mặt đất các chúng Bồ Tát từ các phương khác đến.

Cũng giống như vậy, không thể tính kể, lại có Sai Ma Tỳ Kheo Ni cùng nhóm họp với chúng Tỳ Kheo Ni, mẹ con bà Tỳ Xá Khư và phu nhân Mạt Lợi, mỗi vị cùng với vô lượng quyến thuộc cùng nhóm họp. Trưởng giả Tu Đạt cùng nhóm họp với các Ưu Bà Tắc.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn ở trước đại chúng giảng nói pháp môn hữu phi hữu.

Lúc bấy giờ, vua Ba Tư Nặc đang nằm ngồi dậy, suy nghĩ như vậy: Bây giờ, ta nên đến chỗ Đức Thế Tôn. Nghĩ rồi, vua liền ra đi. Đánh trống, thổi loa ốc, Nhà Vua đến thẳng chỗ Đức Phật.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn biết mà cố hỏi: Này A Nan! Vì cớ gì mà có tiếng trống, tiếng loa ốc như thế?

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Vua Ba Tư Nặc đến chỗ Đức Phật. Đó là tiếng trống, tiếng loa ốc của họ.

Phật bảo A Nan: Bây giờ, ông cũng nên đánh trống pháp lớn. Nay ta sẽ nói Kinh Đại Pháp Cổ.

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Kinh Đại Pháp Cổ này con chưa từng nghe, vì sao tên là Kinh Đại Pháp Cổ?

Phật bảo A Nan: Ông làm sao biết được, ngay như các vị Đại Bồ Tát đến nhóm họp ở đây đều không thể biết sáu chữ danh hiệu của Kinh Đại Pháp Cổ này, huống gì là ông nghe được biết.

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chưa từng có vậy, danh hiệu của pháp này chân thật khó biết.

Đức Phật nói: Đúng thế, A Nan! Thật vậy không khác.

Này A Nan! Kinh Đại Pháp Cổ này thế gian ít có, như hoa Ưu Đàm Bát.

Tổn giả A Nan bạch Phật: Có phải tất cả các Đức Phật đều có pháp này hay chăng?

Phật bảo A Nan: Các Đức Phật trong ba đời đều có pháp này.

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Nếu vậy thì sao các vị Bồ Tát, ở các cõi kia lại nhóm họp đến đây?

Các Đức Như Lai ở các cõi ấy cớ sao không giảng nói pháp ấy.

Phật bảo A Nan: Như có một vị Tỳ Kheo ở chốn vắng lặng ẩn cư trong hang núi. Đến giờ, Tỳ Kheo này vào xóm khất thực, trên đường đi thấy người, thú các thây chết của người và thú vật.

Sau khi thấy rồi Tỳ Kheo sinh tâm nhàm chán, không khất thực nữa liền trở về, than: Khổ thay, rồi đây ta cũng sẽ như vậy!

Vào lúc khác, tâm được vui sướng, Tỳ Kheo nghĩ: Ta lại đến quán sát thây chết để tăng thêm sự chán lìa. Tỳ Kheo ấy lại hướng về phía xóm làng tìm thây chết để tu bất tịnh tưởng. Thấy rồi quán sát và chứng được quả A La Hán. Các Đức Phật ở phương khác cũng như thế, không nói vô thường, khổ, không, bất tịnh.

Vì sao, vì cõi nước của các Đức Phật là pháp nên như vậy?

Các Đức Như Lai kia vì các Bồ Tát nói như vậy: Lạ thay, thật khó làm theo Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni, đã ra đời trong cõi nước có năm thứ vẩn đục, xấu ác, vì sự chúng sinh khổ não nên bằng nhiều cách giảng nói Kinh Đại Pháp Cổ. Cho nên những người thiện nam, phải nên tu học như thế.

Các Bồ Tát kia đều muốn gặp ta để cung kính lễ bái nên đến nhóm họp. Đã nhóm họp rồi thì có người được Sơ Trụ cho đến Thập Trụ. Cho nên Kinh Đại Pháp Cổ rất khó gặp được. Vậy nên các chúng Đại Bồ Tát trong mười phương vì nghe pháp nên đều đến nhóm họp.

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Lành thay, lành thay! Tất cả điều lành đều đến, tất cả các vị ấy sẽ được Kinh pháp khó được này.

Phật bảo A Nan: Bản Kinh sâu xa này không phải chung cho tất cả, vì vậy không nên nói rằng tất cả điều lành đều đến.

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Vì sao họ không phải là tất cả điều lành đều đến?

Phật bảo A Nan: Kinh Điển này là pháp tạng bí mật của các Đức Như Lai, rất sâu xa nhiệm mầu, khó hiểu khó tin.

Vì thế, này A Nan! Chẳng nên nói Tất cả điều lành đều đến.

Tôn Giả A Nan bạch Đức Phật: Không phải như vua Ba Tư Nặc khi lâm trận chiến đấu, đánh trống trận lớn, nghe tiếng trống kia tất cả tên đều rơi hết chăng?

Phật bảo A Nan: Khi vua Ba Tư Nặc đánh trống trận, không phải tất cả nghe tiếng trống đều vui, mà có người yếu hèn nghe liền sợ hãi, như người chết gần chết.

Cũng thế, này A Nan! Tên Kinh Đại Pháp Cổ ấy hàng Nhị Thừa còn chẳng tin pháp môn.

Cho nên, này A Nan! Ví như vua kia khi chiến đấu, đánh trống lớn của vua. Kinh Đại Pháp Cổ ấy là bí mật của các Đức Phật, Phật xuất hiện ra đời thì mới giảng nói.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Đại Ca Diếp: Các Tỳ Kheo này thanh tịnh thuần nhất, chân thật mạnh mẽ, dứt bỏ các phiền não thì đủ sức nghe được Kinh Đại Pháp Cổ này chăng?

Tôn Giả Ca Diếp bạch Phật: Nếu có Tỳ Kheo phạm giới, trái luật thì bị Tôn Giả Đại Mục Liên quở trách. Có Tỳ Kheo như vậy thì con đây còn chẳng cùng họ tu hành, huống gì Đức Thế Tôn. Nay chúng hội này như rừng Chiên đàn, thanh tịnh thuần nhất.

Phật bảo Tôn Giả Ca Diếp: Nay chúng hội này tuy tất cả đều thanh tịnh thuần nhất, nhưng đối với Lời nói ẩn kín thì có người không khéo hiểu.

Tôn Giả Ca Diếp bạch Phật: Sao gọi là lời nói ẩn kín?

Phật bảo Ca Diếp: Lời nói ẩn kín ấy nghĩa là nói Như Lai rốt ráo Niết Bàn, mà thật ra Như Lai vẫn thường trụ, bất diệt. Nhập Niết Bàn ấy chẳng phải là pháp hủy hoại. Kinh này xa lìa sự che lấp, được thanh tịnh, hiển bày rõ âm thanh, trăm ngàn nhân duyên phân biệt chỉ bày. Cho nên Ca Diếp phải lại quán sát các đại chúng này.

Khi ấy, Tôn Giả Đại Ca Diếp liền quán sát những người đến dự hội.

Tại sao họ đến?

Thì trong khoảng khắc, những chúng sinh hạ tín, và các vị Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát sơ nghiệp… tự nghĩ chẳng kham nổi nên sinh tâm xả bỏ thoái lui.

Ví như các lực sĩ của nhà vua, có người tên là Thiên lực sĩ, đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi đánh trống nói: Ai có thể đấu sức với ta?

Trong chúng những người không có khả năng thì đứng im lặng, tâm tự nghĩ: Ta không có khả năng đấu sức với hắn, ra đấu thì có thể sẽ bị thương tổn, thậm chí mất mạng. Trong các lực sĩ kia không ai dám ra đối nghịch nên Thiên lực sĩ nổi tiếng là mạnh mẽ. Người lực sĩ khó khuất phục kia dựng cờ đại thắng.

Cũng giống như thế, những chúng sinh thấp hèn và hàng Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát sơ nghiệp đều nghĩ: Ta không có khả năng nghe nhận việc Như Lai đã vào Niết Bàn mà lại nói rằng thường trụ bất diệt.

Ở trong đại chúng, khi nghe điều chưa từng nghe này thì họ đứng dậy ra về.

Vì sao?

Vì những người ấy sống trong đêm dài sinh tử, đối với Bát Niết Bàn, tu tập không kiến nên khi nghe Kinh Ly ẩn phú thanh tịnh thì đứng dậy ra về. Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát sơ nghiệp đến từ mười phương kia có đến hàng trăm ngàn muôn ức A tăng kỳ phần chỉ còn một phần trụ lại. Họ chính là những bậc Bồ Tát Ma Ha Tát, tín giải pháp thân, thường trụ bất biến.

Vậy họ mới an trụ, thọ trì Nhất thiết Như Lai Tạng Kinh. Họ cũng có khả năng giảng nói, an ủi thế gian, hiểu rõ tất cả lời nói ẩn kín, khéo quán sát tất cả Kinh liễu nghĩa, Kinh không liễu nghĩa, đều có khả năng hàng phục chúng sinh, hủy phá giới cấm, tôn kính, vâng thờ người có đức thanh tịnh.

Đối với đại thừa được đại tịnh tín, không khởi ý tưởng kỳ đặc đối với nhị thừa, trừ những Kinh lớn Phương Quảng như thế, chẳng giảng nói Kinh khác. Chỉ nói Như Lai thường trụ và có Như Lai tạng, chẳng bỏ không, cũng chẳng phải thân thấy không. Không kia là tự tánh của tất cả hữu vi.

Phật bảo Tôn Giả Ca Diếp: Tôn Giả hãy hỏi đại chúng là họ có muốn nghe Kinh Đại Pháp Cổ Phương Quảng Nhất Thừa, đó là Kinh Đại Thừa khó tin này chăng?

Đức Phật hỏi như vậy đến lần thứ ba, Ca Diếp mới bạch Phật: Lành thay, Đức Thế Tôn! Rồi liền đứng dậy, bày vai áo bên phải, quỳ gối phải chấm đất, đảnh lễ dưới chân Phật, đi quanh bên phải ba vòng xong bảo các đại chúng: Các vị có muốn nghe Kinh Đại Pháp Cổ này chăng?

Bây giờ Đức Như Lai sẽ giảng nói rộng một thừa, còn gọi là Đại Thừa, vượt hơn tất cả cảnh giới của Thanh Văn, Duyên Giác cho các vị nghe.

Tôn Giả nói ba lần như vậy, đại chúng kia đều đáp: Chúng con rất muốn được nghe.

Thưa Tôn Giả Đại Ca Diếp! Chúng con đều vì nghe pháp nên đến đây.

Lành thay, xin Đức Phật thương xót, giảng nói Kinh Đại Pháp Cổ cho chúng con được nghe!

Đại Ca Diếp lại nói: Vì sao các vị lại tin?

Họ liền đáp: Ví như nói người hai mươi tuổi có con một trăm tuổi. Nếu Đức Phật nói như thế thì chúng tôi cũng sẽ tin theo như thế. Huống chi Đức Phật nói chánh pháp mà chẳng tin nhận.

Vì sao?

Vì Đức Như Lai nói sao, làm vậy, tịnh nhãn của Như Lai chiếu suốt vô ngại. Như Lai dùng mắt Phật quán biết tâm của chúng tôi.

Ca Diếp khen: Lành thay, lành thay! Này các vị Hiền Giả, các vị đủ sức nghe Kinh Đại Pháp Cổ, cả việc trì tụng và giảng nói nữa.

Đức Phật bảo Ca Diếp: Ví như người hai mươi tuổi có con một trăm tuổi. Kinh Đại Pháp Cổ cũng giống như vậy.

Vì sao?

Vì Như Lai Niết Bàn mà vẫn thường trụ. Tất cả vô ngã mà lại nói có ngã.

Đại chúng kia liền bạch Phật: Chỉ có Phật là biết được, như Thế Tôn đã nói, chúng con cứ như thế thọ trì.

Ca Diếp bạch Phật: Cúi xin Thế Tôn Giảng nói Kinh Đại Pháp Cổ. Đánh trống đại pháp, thổi loa pháp lớn.

Đức Phật nói: Lành thay, lành thay! Này Ca Diếp! Bây giơ ông hãy lắng nghe Kinh Đại Pháp Cổ.

Ca Diếp bạch Phật: Thưa vâng, con xin thọ giáo.

Vì sao?

Vì là cảnh giới của con vậy. Vậy nên Như Lai rất kính đãi con.

Sao gọi là kính đãi?

Vì Như Lai từng nói: Nghe lời ta, ông hãy lại đây ngồi chung. Do nhân duyên này nên con rất biết ân Như Lai.

Phật dạy: Lành thay! Này Ca Diếp! Vì ý nghĩa này nên ta kính đãi ông.

Này Ca Diếp! Ví như vua Ba Tư Nặc khéo nuôi dưỡng bốn thứ binh, nếu khi chiến đấu, đánh trống đại chiến, thổi loa đại chiến lên thì họ đối địch chiến đấu mạnh mẽ. Nhờ cái ân nuôi dưỡng ấy nên họ đem hết sức ra chiến đấu, chiến thắng được kẻ thù đem lại sự an ổn cho đất nước.

Cũng như vậy, này các Tỳ Kheo! Sau khi ta vào Niết Bàn, ông Ma Ha Ca Diếp sẽ giữ gìn Kinh Đại Pháp Cổ này. Do ý nghĩa ấy nên ta chia cho ông nửa chỗ ngồi của ta. Vậy nên ông ấy sẽ làm cái mà ta đã làm. Sau khi ta diệt độ, ông ấy có khả năng giảng nói rộng rãi Kinh Đại Pháp Cổ.

Ca Diếp bạch Phật: Con chính là đứa con đầu lòng sinh ra từ miệng của Đức Thế Tôn.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Ví như vua Ba Tư Nặc giáo dục các Vương Tử học các minh xứ để về sau họ đủ sức nối dõi dòng họ vua.

Cũng vậy, này các Tỳ kheo! Sau khi ta diệt độ, Tỳ Kheo Ca Diếp giữ gìn Kinh này cũng giống như vậy.

Lại nữa, này Ca Diếp! Vua Ba Tư Nặc cùng nhiều vị vua khác là kẻ thù của nhau, công phạt lẫn nhau. Trong mọi lúc, các chiến sĩ trong bốn binh chủng voi, ngựa, xe, bộ binh của ông ta nghe tiếng trống lớn lòng không sợ hãi, giữ chắc áo giáp, binh khí vì ân vua đã tràn trề.

Khi tiễn đưa đã ban cho nhiều. Khi đang chiến đấu còn ban thưởng thêm nhiều đồ quý báu và ban cho cả thành ấp nữa. Nếu đánh tan được kẻ địch thì ban mũ lụa ngũ sắc, phong cho làm tiểu vương.

Như vậy này Ca Diếp! Các Thanh Văn Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di của ta như giới theo học Ba La Đề Mộc Xoa được thành tựu, khéo an trụ luật nghi, Như Lai thì cùng với Trời, người an vui.

Trong số ấy, người có công lớn hàng phục bốn ma thì dùng lụa bốn chân đế giải thoát mà làm mũ đội đầu cho họ. Nếu có người tin hiểu tăng thượng, cầu pháp thân Phật tạng đại ngã, pháp thân thường trụ thì lúc ấy Như Lai dùng nước trí nhất thiết trí rưới lên đỉnh đầu họ, dùng lụa trắng đại thừa mà làm mu đội đầu cho họ.

Này Đại Ca Diếp! Ta nay cũng giống như vậy, dùng lụa trắng đại thừa làm mũ đội đầu cho ông, ở đời vị lai, trong vô lượng Cõi Phật, ông sẽ giữ gìn Kinh này.

Ca Diếp! Nên biết sau khi ta diệt độ, ông đủ sức giữ gìn Kinh Điển như thế.

Ca Diếp bạch Phật: Con sẽ vâng làm như lời Thế Tôn dạy.

***