Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Bảo Khiếp

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG BẢO KHIẾP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
 

PHẦN BẢY
 

Thưa Đại Đức! Ý Đại Đức nghĩ sao?

Có người nào còn chấp ngã, chúng sinh, người nuôi dưỡng mạng sống và Bậc Trượng Phu có thể nhập vào Niết Bàn không?

Tôi đáp: Thưa không, Nhân Giả.

Bồ Tát Văn Thù nói: Thưa Đại Đức! Vì lợi ích như vậy mà Như Lai xuất hiện ở đời, Như Lai chỉ vì hiển bày tướng bình đẳng, không vì sinh hay diệt, chỉ vì để giảng giải cho người được hiểu rõ phiền não là không thật…

Khi ay, tôi nói: Thưa Nhân Giả! Việc làm của Bồ Tát thật là hiếm có! Bồ Tát quan sát biết bản tánh của chúng sinh đều hoàn toàn tịch tĩnh, vì muốn làm lợi ích cho tất cả chúng sinh mà không bỏ sự trang nghiêm, biết bản tanh của chúng sinh là Niết Bàn hoàn hảo. Bồ Tát lại còn có thể phát thệ nguyện lớn trang nghiêm.

Bồ Tát Văn Thù nói: Thưa Đại Đức! Những sự trang nghiêm của Bồ Tát đồng với Như Như.

Tôi nói: Thưa Nhân Giả! Xin Nhân Giả giảng nói về sự phát ra trang nghiêm lớn của Bồ Tát.

Bồ Tát Văn Thù nói: Đại Bồ Tát phát ra sự trang nghiêm lớn có ba mươi hai việc.

Ba mươi hai điều ấy gồm:

1. Bồ Tát giáo hóa vô lượng sinh tử, phát ra sự trang nghiêm lớn vì tánh không như mộng.

2. Bồ Tát làm cho vô lượng chúng sinh được diệt độ, phát ra sự trang nghiêm lớn vì không chấp ngã.

3. Bồ Tát cúng dường phụng sự vô lượng các Đức Phật Thế Tôn, phát ra sự trang nghiêm lớn vì tướng đồng với Pháp Thân.

4. Bồ Tát nghe nhận tất cả các Pháp Phật, phát ra sự trang nghiêm lớn vì tướng như tiếng vọng.

5. Bồ Tát ủng hộ tất cả các Pháp Phật, phát ra sự trang nghiêm lớn vì thấu đạt tướng bình đẳng của các pháp.

6. Bồ Tát thu phục tất cả các ma, phát ra sự trang nghiêm lớn vì tánh tướng của tất cả các phiền não đều thanh tịnh.

7. Bồ Tát điều phục tất cả các ngoại đạo làm phát ra sự trang nghiêm lớn, khiến cho những người chấp có, chấp không đều hiểu rõ tướng nhân duyên.

8. Bồ Tát xả bỏ tất cả những gì mình có, làm phát ra sự trang nghiêm lớn, vì tất cả các tướng đều xả bỏ hoàn toàn.

9. Bồ Tát chứa nhóm các công đức giới hạnh Đầu Đà, làm phát ra sự trang nghiêm lớn, vì không có tướng thực hành.

10. Bồ Tát có năng lực nhẫn nhục làm phát ra sự trang nghiêm lớn, vì không có tướng bị thương tổn.

11. Bồ Tát tinh tấn làm phát ra sự trang nghiêm lớn, vì hiểu rõ thân tâm đều tịch tĩnh.

12. Bồ Tát tu tập tất cả các thiền định, giải thoát, làm phát ra sự trang nghiêm lớn, lìa bỏ tất cả các thứ nương tựa.

13. Bồ Tát có trí tuệ Ba la mật vô ngại, phát ra sự trang nghiêm lớn, trừ sạch vô minh và các kiến chấp si ám.

14. Bồ Tát dùng phương tiện phát ra sự trang nghiêm lớn, thị hiện tất cả các việc làm.

15. Bồ Tát tu đại từ phát ra sự trang nghiêm lớn, vì tướng như hư không.

16. Bồ Tát tu đại bi phát ra sự trang nghiêm lớn, hiểu rõ năm cõi đều như hư không.

17. Bồ Tát tu tâm đại hỷ, làm phát ra sự trang nghiêm lớn, không còn sự lo buồn.

18. Bồ Tát tu tâm đại xả, làm phát ra sự trang nghiêm lớn, xa lìa tướng khổ vui.

19. Bồ Tát tu tập viên mãn trí tuệ thần thông, làm phát ra sự trang nghiêm lớn, quan sát thấy được giải thoát rõ ràng như trong lòng bàn tay.

20. Bồ Tát không nhớ nghĩ đến các pháp vô ngã, làm phát ra sự trang nghiêm lớn, không sợ rơi vào các quả vị Thanh Văn, Duyên Giác.

21. Bồ Tát quan sát các ấm như oán thù, làm phát ra sự trang nghiêm lớn, biết các tướng như huyễn.

22. Bồ Tát quan sát bốn đại như rắn độc, làm phát ra sự trang nghiêm lớn, tướng đồng như pháp giới.

23. Bồ Tát quan sát các nhập như làng xóm trống không, làm phát ra sự trang nghiêm lớn, biết các tướng như thù oán.

24. Bồ Tát không chấp vào ba cõi, làm phát ra sự trang nghiêm lớn, không lệ thuộc các chỗ cư trú.

25. Bồ Tát bao gồm chắc chắn các cõi, làm phát ra sự trang nghiêm lớn, tướng cõi và chẳng phải cõi.

26. Bồ Tát tu tâm đại bi, làm phát ra sự trang nghiêm lớn, tướng không thoái lui.

27. Bồ Tát làm vị thầy thuốc giỏi bậc nhất, làm phát ra sự trang nghiêm lớn, tùy theo bệnh tật của chúng sinh mà ban cho thuốc pháp.

28. Bồ Tát làm vị đại thương buôn, làm phát ra sự trang nghiêm lớn, chỉ bày hướng dẫn đạo ba thừa giải thoát.

29. Bồ Tát không hề làm gián đoạn hạt giống ba ngôi quý báu, làm phát ra sự trang nghiêm lớn, biết báo ân tất cả Chư Phật.

30. Bồ Tát biết tánh các pháp vốn không sinh, làm phát ra sự trang nghiêm lớn, đạt được pháp nhẫn vô sinh.

31. Bồ Tát vì đạt được đạo quả không thoái chuyển mà làm phát ra sự trang nghiêm lớn, xả bỏ tất cả các phiền não trói buộc trong ba cõi và xả bỏ các quả vị Thanh Văn, Duyên Giác.

32. Bồ Tát trang nghiêm Đạo Tràng, làm phát ra sự trang nghiêm lớn, dùng trí tuệ tương ưng như thật, trong một niệm biết rõ tất cả các pháp đúng như thật.

Như vậy, thưa Đại Đức Ca Diếp! Đó là ba mươi hai loại làm phát ra sự trang nghiêm lớn của Bồ Tát. Đại Bồ Tát dùng sự trang nghiêm lớn ấy để tự trang nghiêm. Thể của bốn đại có thể biến đổi tánh của chúng, nhưng Bồ Tát đối với đạo vô thượng không hề thoái chuyển.

Tôi liền nói: Phát ra một sự trang nghiêm lớn thì đã đạt không thoái chuyển, huống nữa là phát ra ba mươi hai loại.

Thưa Nhân Giả! Trong pháp của Thanh Văn không có pháp trang nghiêm.

Bồ Tát Văn Thù nói: Thưa Đại Đức! Vì thế, Thanh Văn không có sự trang nghiêm lớn như các Bồ Tát, dù chỉ là có tên gọi.

Thưa Đại Đức! Ý Đại Đức thế nào?

Như có người mạnh khỏe mặc áo giáp đồng, tay cầm đao bén để khéo léo trang nghiêm, cũng có người yếu đuối tự làm trang nghiêm một cách thô xấu, vậy thì hai sự trang nghiêm ấy có thể so sánh nhau không?

Tôi đáp: Thưa không, Nhân Giả.

Bồ Tát Văn Thù nói: Thưa Đại Đức! Vì ý nghĩa ấy cho nên sự trang nghiêm của Bồ Tát, tất cả các Thanh Văn và các Duyên Giác đều không thể có được.

Khi Bồ Tát Văn Thù giảng nói về sự trang nghiêm lớn của Bồ Tát, một vạn hai ngàn Thiên Tử phát tâm cầu đạo quả chánh chân vô thượng.

Vì vậy, thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Tôi thấy Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi có trí tuệ, thần thông không thể nghĩ bàn vô lượng như thế.

Bấy giờ, Đại Đức Phú Lâu Na Di đa La Ni Tử nói với Đại Đức Xá Lợi Phất: Thưa Đại Đức! Tôi cũng đã từng được nhìn thấy việc làm của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi. Thuở ấy, Đức Phật ở trong vườn cây Am la thuộc thành Tỳ Xá Ly cùng với năm trăm đại Tỳ Kheo đông đủ.

Lúc đó, Ni Kiền Tử Tát Già ở trong thành Tỳ Xá Ly cùng với sáu vạn quyến thuộc đông đủ đang cung kính cúng dường. Tôi nhập vào tam muội để quan sát các Ni Kiền Tử này. Khi ấy, tôi thấy có trăm ngàn Ni Kiền Tử đáng được giáo hóa. Tôi liền đến để thuyết pháp cho họ.

Không có người nào trong số họ chịu lắng nghe và có tâm thiện tốt, họ lại nhìn ngó, cười khinh thường và nói những lời thô ác. Tôi khổ nhọc uổng phí trong ba tháng mà không giáo hóa được một người nào. Sau ba tháng ấy với tâm ý không một chút vui vẻ, tôi bỏ ra đi.

Luc này, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi liền biến hóa ra trăm ngàn ngoại đạo và Bồ Tát tự làm thầy của họ.

Bồ Tát dẫn theo năm trăm đệ tử ấy đến chỗ của Ni Kiền Tử Tát Già, đảnh lễ ngang chân vị ấy rồi thưa: từ xa, con đã được nghe danh đức của Đại sư, nên chúng con đã đến thành Tỳ Xá Ly này. Người là thầy của con, con là đệ tử. Xin hãy thu nhận và thương tưởng dạy bảo chúng con, để cho chúng con không gặp Sa Môn Cù Đàm, khiến cho chúng con không nghe pháp trái ngược của ông ấy.

Tát Già đáp: Lành thay! Lành thay! Ông đã được thuần tịnh, không bao lâu nữa sẽ được hiểu rõ pháp điều phục của ta.

Rồi Tát Già tuyên bố với các đồ chúng của mình: từ nay về sau, năm trăm Ma nạp này sẽ hòa hợp đồng ở đây, cùng nhau học hỏi.

Những điều họ nói, các ông phải chuyên tâm lắng nghe.

Khi ấy, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi va năm trăm đệ tử được biến hóa ấy, được ngồi theo thứ tự, thọ nhận giới pháp của Ni Kiền Tử, oai nghi thù thắng hơn cả Tát Già, luôn luôn gần gũi khen ngợi công đức của ba ngôi báu, đồng thời cũng khen ngợi công đức của Tát Già, khiến cho tâm của những Ni Kiền Tử ấy đều thân thiết, nương tựa nhau.

Đến lúc nọ, biết mọi người đã nhóm họp, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Đối tượng tu hành của chúng ta là các Kinh Điển chú thuật và Kinh Tỳ Đề Già, khi nào đọc tụng lên, các công đức của Sa Môn Cù Đàm sẽ nhập vào Kinh của chúng ta mà đến.

Sa Môn Cù Đàm có công đức pháp chân thật.

Vì sao?

Vì Sa Môn Cù Đàm có sự đản sinh thành tựu, cha mẹ thanh tịnh, dòng giống Vua Chuyển Luân, trang nghiêm thân thể bằng hàng trăm tướng phước, lại nghe, khi Ngài đản sinh, đại địa chấn động, Vua Trời Đế Thích, Phạm Thiên Theo hầu, bước đi bảy bước và nói: Trong tất cả các đời, ta là bậc thù thắng bậc nhất, lớn mạnh bậc nhất, ta sẽ diệt hết các đời sinh tử.

Trong hư không lại tự nhiên sinh ra hai dòng nước, các vị Vua Trời Đế Thích, Phạm Thiên Tắm rửa cho Ngài, các âm nhạc cõi người, Cõi Trời không tấu mà tự trổi lên, phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp Thế Giới, diệt các đường ác, người điếc liền được nghe, người mù bỗng được nhìn thấy… lúc ấy, tất cả các chúng sinh đều không bị phiền não, đều an vui, không tạo tác.

Có vị Bà La Môn đoán tướng: Nếu không xuất gia sẽ làm vị Vua Chuyển luân, nếu xuất gia thì sẽ trở thành Phật, là Vua các pháp.

Nhưng Đức Cù Đàm ấy đã bỏ ngôi Vua Chuyển Luân, xuất gia tu đạo. Nơi Đạo Tràng, thu phục trăm ức ma ác, thành đạo bồ đề và vận chuyển bánh xe pháp vi diệu mà tất cả Sa Môn, Bà La Môn, Ma, Phạm Thiên, Thiên Vương Hộ Thế, hoặc Trời, hoặc người, tất cả thế gian… đều không thể vận chuyển. Những pháp mà Ngài thuyết giảng, ban đầu, giữa và sau cùng đều thiện.

Ban đầu thiện là gì?

Đó là thân làm điều thiện, miệng, ý cũng thực hành điều thiện.

Ở giữa thiện là gì?

Học và thực hành giới thù thắng, học và thực hành định thù thắng và tuệ thù thắng.

Sau cùng thiện là gì?

Là pháp môn giải thoát về tam muội không, pháp môn giải thoát về tam muội vô tướng và pháp môn giải thoát về tam muội vô nguyện.

Lại nữa, ban đầu thiện nghĩa là lòng tin, ước muon và không buông lung. Ở giữa thiện là định và niệm chuyên chú một chỗ. Sau cùng thiện là trí tuệ vi diệu.

Lại nữa, ban đầu thiện là niềm tin kiên cố vào Đức Phật. Ở giữa thiện là niềm tin bền chắc vào chánh pháp. Sau cùng thiện là niềm tin không thể hủy hoại vào Thánh tăng chứng đắc có quả vị.

Lại nữa, ban đầu thiện là nghe pháp từ người khác. Ở giữa thiện là chánh niệm tu hành. Sau cùng thiện là đạt được chánh kiến của Bậc Thánh.

Lại nữa, ban đầu thiện là biết rõ khổ, đoạn trừ tập nguyên nhân của khổ. Ở giữa thiện là tu hành chánh đạo. Sau cùng thiện là chứng đắc diệt độ.

Như thế gọi là ban đầu, giữa và sau cùng đều thiện của hàng Thanh Văn.

Thế nào là ban đầu, giữa và sau cùng đều thiện của Bồ Tát?

Không bỏ tâm Bồ Đề được gọi là ban đầu thiện. Không nghĩ đến các thừa thấp kém được gọi là ở giữa thiện. Hồi hướng về nhất thiết trí đó là sau cùng thiện.

Lại nữa, ban đầu thiện là có tâm từ, bình đẳng đối với chúng sinh. Ở giữa thiện là đối với chúng sinh khởi tâm đại bi, thực hành các phương tiện. Sau cùng thiện là tâm hỷ, xả bình đẳng đối với tất cả.

Lai nữa, ban đầu thiện là chế ngự tâm tham lam bỏn sẻn, xa lìa sự phá giới, bỏ hẳn tâm giận dữ, chấm dứt biếng trễ, không ở trong tâm tán loạn, giết hại và không hiểu biết. Ở giữa thiện là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Sau cùng thiện là dùng các pháp Ba la mật để hồi hướng về nhất thiết trí.

Lại nữa, ban đầu thiện là dùng bốn nhiếp pháp để giáo hóa chúng sinh. Ở giữa thiện là giữ gìn, ủng hộ chánh pháp không tiếc thân mạng. Sau cùng thiện là phương tiện thiện xảo không lệ thuộc vào các quả vị.

Lại nữa, ban đầu thiện là thiền định như đất, không bỏ tất cả các tâm và hạnh của Bồ Tát. Ở giữa thiện là dùng phương tiện thiện xảo biết tới, biết lùi, an trụ trong địa không thoái chuyển. Sau cùng thiện là ở trong một đời, đạt được chánh vị quán đảnh. Đó là ban đầu, giữa và sau cùng đều thiện của Bồ Tát.

***