Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Bảo Khiếp

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG BẢO KHIẾP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
 

PHẦN BỐN
 

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Thưa Đại Đức!

Nếu không hiểu rõ thì làm sao Đại Đức đạt được tâm giải thoát?

Đại Đức Trí Đăng đáp: Nhờ bốn Thánh Đế mà tôi đạt được giải thoát.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bốn Thánh Đế là gì?

Đại Đức Trí Đăng đáp: Tu hành riêng một mình, không có bạn bè gọi là Thánh Đế.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: Nếu tu hành riêng một mình không có bạn bè, thì làm sao thấy được tâm bình đẳng để đạt được sự giải thoát của Bậc Thánh?

Đại Đức Trí Đăng đáp: Thưa Nhân Giả! Tôi nương vào thế đế mà nói, chẳng phải là đệ nhất nghĩa.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: thế đế ấy có nhập vào đệ nhất nghĩa hay không?

Đại Đức Trí Đăng đáp: Nếu không nhập vào thế đế thì chẳng phải là đệ nhất nghĩa.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: Vậy thì sao Đại Đức lại nương vào thế đế để nói chẳng phải là đệ nhất nghĩa?

Nếu thế đế hội nhập vào đệ nhất nghĩa thì cả hai đều có nghĩa là một đệ nhất nghĩa.

Đại Đức Trí Đăng nói: Thưa Nhân Giả! Bồ Tát mới phát tâm mà nghe điều Nhân Giả giảng nói thì các vị ấy sẽ rất sợ hãi.

Bồ Tát Văn Thù nói: Thưa Đại Đức! Đại Đức mà còn kinh sợ huống gì là các Bồ Tát mới phát tâm.

Đại Đức Trí Đăng đáp: Tất cả không gì có thể làm cho tôi sợ hãi.

Bồ Tát Văn Thù nói: Thưa Đại Đức! Chẳng phải là nhờ sợ hãi sinh tử mà tâm được giải thoát sao?

Đại Đức Trí Đăng đáp: Thưa Nhân Giả! Nhờ sợ hãi, nhàm chán mà tâm được giải thoát.

Bồ Tát Văn Thù nói: Thưa Đại Đức! 

Vì thế nên tôi nói: Đại Đức vốn cũng sợ hãi, huống gì là các Bồ Tát mới phát tâm.

Đại Đức Trí Đăng hỏi: Thưa Nhân Giả! Bồ Tát làm thế nào để đạt được giải thoát?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Nhờ không sợ hãi, không nhàm chán nên Bồ Tát đạt được giải thoát.

Đại Đức Trí Đăng lại hỏi: Nhân Giả nói nhờ không sợ hãi, không nhàm chán mà đạt được giải thoát, ý nghĩa ấy như thế nào?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Bồ Tát không sợ hãi trăm ngàn vạn ức binh chúng nơi các Ma. Bồ Tát không nhàm chán đối với việc vì tất cả chúng sinh. Bồ Tát không sợ việc chứa nhóm các căn lành. Bồ Tát không nhàm chán việc tu tập trí tuệ trang nghiêm.

Vì ý nghĩa ấy, tôi nói: Không sợ hãi, không nhàm chán thì tâm đạt được giải thoát.

Bấy giờ, trong chúng hội có các vị Thiên Tử, dùng nhiều loại hoa để rải cúng dường Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, rồi khen ngợi: Nếu trú xứ nào thấy Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi tức là được thấy Phật. Nơi chốn thuyết pháp của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nên cung kính xem như tháp Phật. Nếu chúng sinh được nghe pháp này, nên biết, chúng sinh ấy đã bao gồm được các đức.

Khi ấy, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói với Đại Đức Trí Đăng: Đức Phật nói Đại Đức là người có trí tuệ bậc nhất.

Vậy trí tuệ ấy là hữu vi hay là vô vi?

Nếu hữu vi thì đó là ba tướng sinh diệt, còn nếu vô vi thì không có ba tướng.

Đại Đức Trí Đăng nói: Người tu vô vi được Đức Phật gọi là Bậc Thánh.

Bồ Tát Văn Thù hỏi: Thưa Đại Đức! Pháp vô vi này có thể tu tập không?

Đại Đức Trí Đăng đáp: Thưa không, Nhân Giả.

Bồ Tát Văn Thù nói: Vậy thì sao Đại Đức nói tu pháp vô vi thì được gọi là Bậc Thánh?

Bấy giờ, đại Thanh Văn Trí Đăng liền im lặng.

Đức Như Lai Quang Tướng bảo Bồ Tát Văn Thù: Ông hãy giảng nói về các pháp môn, khiến cho cả chúng hội được không thoái chuyển đối với đạo chánh chân vô thượng.

Bồ Tát Văn Thù bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tất cả các pháp đều là pháp môn tịch tĩnh, tất cả những lời nói đều là pháp môn tịch tĩnh nên hiện bày sự tịch tĩnh.

Lúc này, có vị Bồ Tát tên là Pháp Dũng đang ngồi trong chúng hội, hỏi Bồ Tát Văn Thù: Những điều mà Đức Như Lai giảng nói về tham, sân, si… đều là pháp môn tịch tĩnh hiện bày tịch tĩnh chăng?

Bồ Tát Văn Thù hỏi: Này thiện nam! Tham, sân, si ấy từ đâu sinh khởi?

Bồ Tát Pháp Dũng đáp: từ vọng tưởng mà sinh khởi.

Bồ Tát Văn Thù lại hỏi: Vọng tưởng ấy ở chỗ nào?

Bồ Tát Pháp Dũng đáp: Vọng tưởng trụ ở nơi điên đảo.

Bồ Tát Văn Thù hỏi: Sự điên đảo ấy lại ở chỗ nào?

Bồ Tát Pháp Dũng đáp: Thưa Nhân Giả! Sự điên đảo trụ ở nơi tư duy, nhớ nghĩ không chân chánh.

Bồ Tát Văn Thù lại hỏi: Sự tư duy, nhớ nghĩ không chân chánh ấy ở chỗ nào?

Bồ Tát Pháp Dũng đáp: Ở nơi ngã và ngã sở.

Bồ Tát Văn Thù hỏi: Ngã và ngã sở ở chỗ nào?

Bồ Tát Pháp Dũng đáp: Ở nơi kiến chấp về thân.

Bồ Tát Văn Thù hỏi: Kiến chấp về thân ở nơi nào?

Bồ Tát Pháp Dũng đáp: Ở nơi kiến chấp về ngã.

Bồ Tát Văn Thù hỏi: Kiến chấp về ngã ở chỗ nào?

Bồ Tát Pháp Dũng đáp: Kiến chấp về ngã ấy không có chỗ ở, không có nơi chốn, chính là chỗ ở của kiến chấp về ngã.

Vì sao?

Vì ngã ấy tìm kiếm khắp mười phương cũng không có được, huống gì là có chỗ ở.

Bồ Tát Văn Thù hỏi: Này thiện nam! Nếu pháp mà tìm kiếm khắp mười phương đều không tìm được thì đó gọi là pháp môn gì?

Bồ Tát Pháp Dũng đáp: Đó là không có pháp môn.

Bồ Tát Văn Thu lại hỏi: Vậy thì sự tịch tĩnh ấy có pháp môn chăng?

Bồ Tát Pháp Dũng đáp: Cũng là không có pháp môn.

Bồ Tát Văn Thù nói: Vì ý nghĩa ấy, cho nên, tôi nói: Các pháp là pháp môn tịch tĩnh, tất cả những lời nói đều là pháp môn tịch tĩnh, hiện bày tịch tĩnh.

Lúc Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói pháp này xong, có tám trăm Bồ Tát đều đạt được pháp nhẫn. Bồ Tát Văn Thù nói pháp xong, liền từ tòa ngồi đứng dậy, cung kính đảnh lễ ngang chân Đức Thế Tôn Quang Tướng rồi rời khỏi chúng hội ra đi…

Vì vậy, thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Đại Đức nên biết, không có Thanh Văn hay Bồ Tát nào có thể thấu suốt được biện tài của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi. Vậy thì hôm nay làm sao tôi có thể dám biện luận với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi.

Bấy giờ, Đại Đức Tu Bồ Đề lại nói với Đại Đức Xá Lợi Phất: Thưa Đại Đức! Đại Đức có thấy Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi dùng những sự thần biến gì để đến các Cõi Phật hay không?

Đại Đức Xá Lợi Phất đáp: Thưa Đại Đức! Thuở xưa, tôi đã từng cùng với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi ở nơi phương Tây, đi đến các Cõi Phật, thấy có Cõi Phật bị tai nạn về lửa nổi lên, nơi đám lửa ấy hóa ra lưới hoa sen, Bồ Tát Văn Thù ở trong lưới đó mà đi đến được.

Lại thấy Cõi Phật bị tai nạn về lửa lan tràn khắp nơi, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi ở trong lửa ấy vẫn đi qua được, nếu lửa có đụng chạm vào người, thì cũng giống như dùng chiên đàn thoa trên thân rồi nằm trên vải lụa Ca thi rất êm ái, mềm mại và vô cùng vui thích.

Lại có Cõi Phật trống không, chẳng có gì, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hóa ra cung điện Phạm thiên, nhập thiền định rồi từ nơi định ấy mà vào được cõi kia.

Lại có Cõi Phật vô cùng nhỏ hẹp, chúng sinh ở cõi ấy tạo nhiều nghiệp ác, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đến được cõi đó, khiến tất cả chúng sinh từ bỏ, không làm các điều ác, thành tựu được sự giác ngộ, trí tuệ và tâm từ: Ta sẽ thành tựu chánh đạo vô thượng, nhưng phải chấm dứt tham, sân, si cho các chúng sinh, diễn nói chánh pháp, khiến tất cả chúng sinh đều đạt được tam muội về tâm từ. Đó gọi là Bồ Tát thành tựu giác ngộ, trí tuệ và tâm từ.

Thưa Đại Đức! Thuở ấy, tôi đã từng thấy những việc như vậy.

Tôi lại ở riêng một mình, đã từng suy nghĩ: Thần thông của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và thần thông của mình đều như nhau không có gì khác. Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi biết được suy nghĩ ấy của tôi, liền cùng tôi đi đến các Cõi Phật.

Đến cõi có tai nạn về lửa, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Đại Đức hãy dùng năng lực thần thông mà đi vào cõi ấy.

Khi đó, tôi dùng hết năng lực thần thông, trừ diệt được tai nạn về lửa kia trải qua bảy ngày đêm. Tôi và Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đã đi vào cõi ấy.

Sau đó, chúng tôi lại đi đến tam thiên đại thiên Thế Giới thứ hai, lại càng rộng lớn hơn Thế Giới trước rồi ở trong đó, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Nhờ thần lực của ai mà Đại Đức vào được Thế Giới này?

Khi ấy, tôi đáp: Nhờ thần lực của Nhân Giả mà tôi đến được Thế Giới này.

Bấy giờ, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi giữ tâm chánh niệm trước mặt, dùng thần lực của Bồ Tát, trong khoảng thời gian bằng một niệm, biến hóa ra lưới hoa sen che khắp bên trên đám lửa rồi đi vào cõi ấy.

Vào xong, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi tôi: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Ý Đại Đức nghĩ sao?

Thần lực của Đại Đức hơn hay thần lực của tôi hơn?

Tôi nói: Thưa Nhân Giả! Chim cánh vàng chúa bay nhanh hơn hay chim nhỏ bay nhanh hơn?

Bồ Tát Văn Thù hỏi lại tôi: Ý Đại Đức nghĩ sao?

Hai loài chim ấy, loài nào bay nhanh hơn?

Tôi đáp: Thần lực của tôi giống như loài chim nhỏ kia, còn thần lực của Nhân Giả thì nhanh hơn, thù thắng đặc biệt hơn cả chim cánh vàng.

Bồ Tát Văn Thù liền bảo tôi: Thưa Đại Đức! Đại Đức suy nghĩ một mình: Thần lực của Bồ Tát Văn Thù và thần lực của ta đều như nhau không có gì khác.

Tôi đáp: Thưa Nhân Giả! Thần lực của Nhân Giả, tôi không thể sánh bằng.

Bồ Tát Văn Thù hỏi: Làm sao Đại Đức biết được?

Tôi đáp: Hàng Thanh Văn chưa đoạn trừ tập khí, cho nên tôi vốn đã không thể sánh bằng Nhân Giả.

Bồ Tát Văn Thù nói: Lành thay! Lành thay! Đúng như lời Đại Đức nói! Thưa Đại Đức!

Vào đời quá khứ xa xưa, nơi bờ biển nọ có hai vị Tiên ở. Một vị tên là Dục Pháp, vị kia tên là Phạm Dữ. Bấy giờ, tiên Dục Pháp đã đạt được năm thần thông, tiên Phạm Dữ thì nhờ năng lực của chú thuật mà có thể đi được trong hư không. Hai vị đều dùng thần lực của mình để vượt qua biển cả rồi trở lại chỗ ở.

Lúc đó, tiên Phạm Dữ nói: Thần lưc của Dục Pháp và thần lực của tôi đều như nhau không khác.

Lại vào một lúc khác, hai vị cùng từ bờ bên này qua bờ bên kia và đến đảo của quỷ La sát. Có quỷ La sát phát ra âm thanh của tiếng sáo, nghe âm thanh ấy, từ trên hư không, Phạm Dữ bị mất năng lực của chú thuật và rơi xuống đất. Dục Pháp vì thương Phạm Dữ nên dìu Phạm Dữ trên cánh tay trái rồi đưa về chỗ ở.

Thưa Đại Đức! Ý Đại Đức nghĩ sao?

Vị tiên Phạm Dữ ấy đâu phải la người lạ, đừng nghĩ là ai khác, chính là Đại Đức, và tôi là tiên Dục Pháp.

Thưa Đại Đức! Lúc ấy, Đại Đức cũng không bằng tôi mà lại cho là bằng, ngày nay cũng không bằng mà cho là bằng.

Vì sao?

Vì kiến chấp thiên lệch.

Bấy giờ, Đại Đức Xá Lợi Phất lại nói với Đại Đức Tu Bồ Đề: Tôi lại nhớ tôi cùng với Bồ Tát Văn Thù từ các Thế Giới ở phương Nam đi qua trăm ngàn Cõi Phật rồi cùng đến cõi nước tên là Nhất thiết trang nghiêm, Phật hiệu là Bảo Văn.

Đến nước ấy, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói với tôi: Hôm nay, Đại Đức có thấy Cõi Phật này không, các nước mà chúng ta đã đi qua, Đại Đức có nhìn thấy hết không?

Tôi đáp: Tôi đã thấy.

Bồ Tát lại hỏi: Đại Đức đã nhìn thấy những gì?

Khi ấy, tôi đáp: Tôi nhìn thấy hoặc nước tràn đầy, hoặc thấy lửa tràn lan, hoặc thấy cõi hư không, hoặc thấy sự sống hưng thịnh, vui vẻ.

Bồ Tát Văn Thù lại hỏi: Làm thế nào mà Đại Đức thấy được?

Tôi đáp: Nếu thấy nước tràn đầy thì tôi nói nước tràn đầy, nếu thấy lửa tràn lan thì tôi nói lửa tràn lan, nếu thấy cõi hư không thì tôi nói cõi hư không, nếu thấy sự sống hưng thịnh, vui vẻ, thì tôi nói sự sống hưng thịnh, vui vẻ.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Đó chính là cảnh giới theo đối tượng nhìn thấy của Đại Đức.

Tôi liền hỏi: Thưa Nhân Giả! Vậy Nhân Giả làm thế nào để thấy được các Cõi Phật?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Thế Giới hư không chính là Thế Giới Chư Phật.

Vì sao?

Vì Đại Đức còn mê lầm nên mới thấy nước, lửa, cõi hư không và sự sống hưng thịnh, vui vẻ.

***