Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Bảo Khiếp

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG BẢO KHIẾP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
 

PHẦN CHÍN
 

Bấy giờ, trong chúng hội có hai trăm Tỳ Kheo trước đây đã chứng đắc trạng thái thiền thứ tư, các vị ấy khởi tăng thượng mạn cho rằng mình đạt thân sau cùng nên khinh thường người khác, liền đứng dậy bỏ đi và nói: Các pháp được giảng nói ấy trái với tất cả thế gian. Chúng ta vốn đã được nghe giảng nói pháp tùy thuận, hôm nay chúng ta lại nghe giảng nói những điều chẳng phải pháp, chẳng phải Tỳ ni, chẳng phải lời của Bậc Đạo Sư.

Đại Đức Phú Lâu Na nói: Lúc ấy, tôi liền nói với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Hai trăm Tỳ Kheo từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi và nói: Các pháp được nói ra ấy trái với thế gian.

Bồ Tát Văn Thù nói: Thưa Đại Đức Phú Lâu Na! Vì có nhân duyên mà việc thuyết pháp này trái với thế gian.

Vì sao?

Thưa Đại Đức! Thế gian lệ thuộc vào các ấm, giới, nhập, cho nên những người ấy muốn rời bỏ sinh tử và hướng đến Niết Bàn, nhưng họ không biết được thật tánh của sinh tử vĩnh viễn không thể đạt được tức là Niết Bàn, không biết trong đây chẳng có sinh tử cũng chẳng đến Niết Bàn.

Chấp nhận sự không hiểu biết như vậy nên mới nói thế gian và sinh tử trái nghịch nhau. Lại chấp có bốn đế trái với pháp này, mà trong đệ nhất nghĩa thì chẳng hề có bốn đế, lại chẳng có đạo, chẳng có công đức. Những người cho trái nhau vì họ còn sự phân biệt. Nếu đã phân biệt thì liền có sự trái nhau. Đạo là bình đẳng nên tất cả các pháp bình đẳng, vì thế gọi là không phân biệt.

Nếu hiểu rõ về không phân biệt thì không có trái nhau. Nếu chấp ngã thì có tăng thượng mạn, có tăng thượng mạn nên có trái nhau. Nếu không tạo tác trên, cũng không tạo tác dưới, sự trung đạo bình đẳng này không tạo tác trên dưới, không tạo tác cũng chẳng phải không tạo tác. Người như vậy gọi là không còn tăng thượng mạn, nếu không còn tăng thượng mạn nên không còn trái nhau.

Như lời Phật dạy: Ta không tranh cãi với thế gian, chỉ có thế gian tranh cãi với ta.

Vì sao?

Vì Phật Đã đoạn trừ những việc tranh cãi.

Nguồn gốc của sự tranh cãi là gì?

Đó là: Thật hay không thật, chánh hay tà… như lời Phật dạy, điều mà Bà La Môn nói là thật.

Ý Đại Đức nghĩ sao?

Là hư vọng chẳng chân thật?

Là chánh hay tà?

Hay là cả hai?

Và dựa vào đâu mà Đại Đức biết được điều đó?

Bấy giờ, ở trước chỗ con đường hai trăm Tỳ Kheo bỏ đi ra, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi biến hóa ra lửa cháy tràn lan, không thể nào đi qua được.

Hai trăm Tỳ Kheo liền dùng thần lực để đi trên hư không, nhưng bên trên toàn lưới bằng sắt bao vây ngăn họ lại. Khi đó, các Tỳ Kheo ấy, trên thì bị lưới sắt, dưới thì bị lửa, không còn biết phương cách xoay sở, họ sợ hãi lông tóc dựng đứng.

Họ chỉ thấy con đường đi đến rừng Kỳ Đà được trang trí bằng nhiều hoa sen và thấy nhiều người hướng về chỗ Đức Phật Để được nghe nhận chánh pháp. Tất cả liền quay trở lại vườn hoa Ca Lợi La trong rừng Kỳ Đà và hướng đến chỗ Đức Thế Tôn. Đến nơi, các vị đảnh lễ ngang chân Phật rồi đứng qua một bên.

Đại Đức Phú Lâu Na nói: Khi đó, tôi liền hỏi các Tỳ Kheo ấy: Các ông đến chỗ nào và từ đâu đến?

Các Tỳ Kheo nói: Thưa Đại Đức Phú Lâu Na! Chúng tôi là những A La Hán các lậu đã hết, thành tựu trạng thái thiền thứ tư, đầy đủ các thần thông.

Chúng tôi nghe Bồ Tát Văn Thù nói pháp trái nhau nên bỏ đi, nhưng bị lửa lớn tràn lan ở Cõi Phật này nên không thể đi qua được. Liền dùng thần lực để bay lên hư không nhưng lại bị lưới bang sắt bao vây ngăn lại. Trên dưới đều bị lửa lớn, chúng tôi muốn thưa hỏi Đức Phật về đạo quả A La Hán.

Khi ấy, Đức Phật nói với tôi: Này Phú Lâu Na! Nếu có lửa lớn mà tránh được, điều đó không thể có.

Này Phú Lâu Na! Nếu đã rơi vào lưới kiến chấp mà có thể ra khỏi lưới sắt, điều đó không thể có.

Này Phú Lâu Na! Nếu đã bị chìm vào nước ái dục mà có thể qua được Thế Giới của nước, điều đó cũng không thể có.

Vì sao?

Này Phú Lâu Na! Các Tỳ Kheo này chưa dập tắt được lửa tham, sân, si, vì thế nên họ không thể ra khỏi lửa.

Này Phú Lâu Na! Các Tỳ Kheo này bị mắc trong lưới kiến chấp, vì vậy, họ không thể ra khỏi lưới sắt.

Này Phú Lâu Na! Cac Tỳ Kheo này bị chìm trong nước ái dục mà có thể vượt qua nước lớn, điều này không thể có.

Này Phú Lâu Na! Nhưng lửa, lưới sắt và nước ấy vốn không có chỗ đến cũng không đi về đâu, chỉ nhờ thần lực của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nên mới thấy được những điều ấy.

Này Phú Lâu Na! Tham, sân, si, các kiến chấp, ái dục… các pháp ấy đều không từ đâu đến cũng không đi về đâu, chỉ từ điên đảo vọng tưởng, phân biệt, tham dục, phân biệt ta người mà ra. Do vậy, sinh tử không có ngã cũng không có đối tượng thân thuộc.

Nếu không có tâm tán loạn, phát khởi sự tu hành chân chánh, ở một nơi yên tĩnh trang nghiêm tu thiền. Nếu đạt thiền rồi sẽ không kiêu mạn, không chấp thủ.

Tâm định tĩnh thực hành quan sát các pháp: Pháp nào là nhân, pháp nào là duyên… quan sát như thế sẽ được thấy biết đúng như thật: Vô minh duyên hành… cho đến lo buồn, khổ sở nhóm họp. Như vậy được gọi là rời khỏi tà kiến.

Như vậy, vô minh diệt thì hành diệt… cho đến lo buồn, khổ sở diệt. Đó gọi là chánh kiến, là quả vị chân chánh vô vi, không có vô minh đời quá khứ nào có thể diệt, không có vô minh đời hiện tại va vị lai nào có thể diệt.

Nhưng suy nghĩ không chân chánh thì vô minh liền phát khởi. Nếu vô minh diệt thì tư duy không chân chánh chẳng sinh khởi. Nếu tư duy không chân chánh ấy diệt thì vô minh cũng diệt. Nếu vô minh diệt thì gọi là sự diệt hoàn toàn.

Vì vậy, vô minh diệt thì các hành diệt. Nếu tư duy chân chánh thì quan sát biết đúng như thật. Thân bốn đại này si ám không hiểu biết, như cỏ cây gạch ngói, như bóng, như dợn nắng.

Như ta đã giảng nói, thân này như vậy, tâm này như vậy, ý này như vậy, thức này như vậy, tâm này không có hình tướng, màu sắc, không thể nắm giữ, tâm giống như huyễn không thể diễn tả, không ở trong, không ở ngoài, không ở giữa, không thể nắm bắt được… nếu Tỳ Kheo nào thành tựu tư duy chân chánh như vậy thì được biết tất cả các pháp xưa nay vốn không sinh. Nếu các pháp không sinh tức là đệ nhất nghĩa.

Khi Đức Phật giảng nói pháp này, hai trăm Tỳ Kheo, nhiều người không chấp nhận pháp ấy, hoàn toàn diệt tận các lậu, tâm được giải thoát.

Bấy giờ, Ni Kiền Tử Tát Già mất các đồ chúng, lo buồn không vui, ông đi đến chỗ Đức Thế Tôn nơi vườn Ca Lợi La và khu vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc thành Xá Vệ.

Sau khi thăm hỏi Đức Phật, ông đứng qua một bên thưa: Thưa Cù Đàm! Tôi luôn luôn nghe Sa Môn Cù Đàm dùng năng lực huyễn thuật để chiếm đoạt đồ chúng của người khác, đến nay tôi mới chính mắt nhìn thấy. Người đã sai khiến Văn Thù Sư Lợi phá hoại đồ chúng của tôi rồi đưa họ đến chỗ Phật, nghe nhận và làm theo pháp tà, không đến chỗ của tôi, không nghe lời dạy của tôi, tự ý muốn làm gì thì làm…

Lúc ấy, có một ngoại đạo vừa xuất gia tên là Thắng Chí đang ngồi trong chúng hội liền dùng lời chân thật nói với Ni Kiền Tử: Hãy ngưng lại, thưa Ni Kiền Tử! Đừng ở trước Đức Thế Tôn, đại chúng Tỳ kheo và Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi sinh tâm không cung kính, không nên để mất lợi ích, chịu khổ lâu dài và đừng nên ưa thích bị đọa vào đường ác.

Xin Ni Kiền Tử Tát Già hãy nghe tôi nói ví dụ để lam rõ ý nghĩa này.

Ví như có người ngu si, không có trí tuệ, muốn xin váng sữa, cầm bình đi đến sông Hằng, múc nước rồi đi đến chỗ khác, khuấy nước mãi đến lúc mệt lả mà vẫn chẳng thấy váng sữa.

Cũng vậy, thưa Ni Kiền Tử! Các ngoại đạo của người muốn tu hành đoạn trừ kết sử, thọ giới hơ đốt thân, oai nghi và các pháp đều là tà vạy nên không thể đoạn trừ được gì, cũng giống người múc nước sông Hằng ấy. Rồi lại ở trong pháp điều phục của Thế Tôn mà khởi tâm giận dữ, sẽ bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Rồi lại nói tiếp: Thưa Ni Kiền Tử! Như có một người thông minh trí tuệ muốn có váng sữa. Người ấy lấy loại sữa tốt rót vào bình rồi khuấy đều, chỉ dùng sữa rất ít nhưng được rất nhiều váng sữa, lại từ sinh tô chuyển thành thục tô.

Cũng vậy, thưa Ni Kiền Tử! Những người tại gia, xuất gia trong chánh pháp của Đức Phật có đầy đủ niềm tin thanh tịnh, có nhiều đường hướng đến giải thoát, siêng năng tu tập tiến tới và nhanh chóng đạt được giải thoát, cũng như người trí vì muốn có được váng sữa mà rót sữa vào bình.

Lại nữa, thưa Ni Kiền Tử! Như có hai người, người này đập bể hàng trăm ngàn chiếc bình sành của người kia, sau đó, ban cho người kia những chiếc bình quý báu đẹp.

Thưa Ni Kiền Tử! Ý ông nghĩ sao?

Người này có làm tổn hại người kia không?

Ni Kiền Tử đáp: Không, thưa Thắng Chí.

Cũng vậy, thưa Ni Kiền Tử! Những đệ tử ngoại đạo như những chiếc bình sành của người kia, phá vỡ rồi liền hội nhập vào pháp của Như Lai, cũng như có được những chiếc bình quý báu, chỉ được tăng thêm chứ không có gì bị hao tổn.

Lại nữa, thưa Ni Kiền Tử! Như có người lái buôn ngu si không biết phương cách xoay xở, đưa nhiều người vào con đường không đúng. Lại có một người lái buôn khác có trí tuệ lớn, thương yêu mọi người, hướng dẫn họ đi theo con đường đúng đắn.

Cũng vậy, thưa Ni Kiền Tử! Các người cũng như người tự xưng là thầy kia, là người chẳng biết đường, là người dẫn chứng bất thiện, là người chẳng thấy con đường và không thể giảng nói về con đường đạo. Vì vậy, các người hướng dẫn chúng sinh vào con đường tà vạy.

Hôm nay, Đức Thế Tôn như là vị lái buôn lớn, biết con đường thiện, thấy con đường và giảng nói về con đường, dẫn dắt các ngoại đạo đưa họ vào con đường chân chánh.

Thưa Ni Kiền Tử! Đồ chúng cua người tất cả đều ở đây, người hãy dẫn họ về.

Khi ấy, một vạn hai ngàn người đều theo Ni Kiền Tử Tát Già trở về. Ngoài ra những người ở lại đều đạt được các minh.

Đức Phật nói: Lành thay! Lành thay! Hãy đến đây các Tỳ kheo, các ông đều thành Sa Môn.

Bấy giờ, Đức Phật hỏi ngoại đạo Thắng Chí: Ông có thấy một vạn hai ngàn người bỏ đi theo Tát Già hay không?

Thắng Chí đáp: Bạch Thế Tôn! Con đã thấy.

Đức Phật nói: Này Thắng Chí! Những vị ấy sẽ ở trong số chúng hội đầu tiên của Phật Di Lặc.

Vì sao?

Vì nhờ họ đã được nghe pháp sâu xa như vậy và đã cúng dường ta. Ni Kiền Tử Tát Già cũng sẽ là người có trí tuệ bậc nhất ở chỗ Đức Phật Di Lặc, giống như Xá Lợi Phất ở chỗ ta hiện nay.

Vì sao?

Vì ta biết vị ấy đã hiểu rõ về ngã, nhưng vì ngã mạn nên chưa bỏ kiến chấp được.

Khi ấy, Thắng Chí thưa Bồ Tát Văn Thù: Thưa Nhân Giả! Đời mạt pháp sau này sẽ có nhiều Tỳ Kheo tăng thượng mạn.

Bồ Tát Văn Thù nói: Này Thiện Nam! Vào đời mạt pháp sau này, khi pháp gần diệt hết, những người tăng thượng mạn rất hiếm có.

Vì sao?

Vì không thể tu hành chứng đắc bốn Thiền, chứng đắc bốn Thiền rồi thường khởi lên tăng thượng mạn. Vào đời mạt pháp sau này, khi chánh pháp gần diệt hết, các Tỳ Kheo còn không thể trụ tâm được huống nữa là chứng đắc bốn Thiền.

Vì vậy, này Thiện Nam! Vào đời mạt phap sau này, những người tăng thượng mạn rất hiếm có.

Lại nữa, này Thiện Nam! Có hai loại người tăng thượng mạn. Một là tin vào kiến chấp, hai là ngã mạn về thiền định. Người ngã mạn về thiền định nghĩa là vì lợi dưỡng và tiếng khen nên khởi lên tăng thượng mạn. Người tin vào kiến chấp chính là những người khởi lên tăng thượng mạn, chê bai Pháp Phật. Người tăng thượng mạn sẽ bị đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.

Thắng Chí thưa: Thưa Nhân Giả! Phải làm thế nào để biết được tâm của người nào đó có tăng thượng mạn hay không?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Những người phàm phu muốn đạt Niết Bàn mà thật sự chẳng phải là A La Hán, nếu nghe giảng nói pháp này, họ sẽ lo sợ, kinh hãi, nên biết, những người phàm phu ấy là những người có tâm tăng thượng mạn, chẳng phải là các A La Hán thật sự của Đức Như Lai.

Nếu nghe pháp từ người khác mà lo sợ, kinh hãi, nên biết, đó chính là những kẻ phàm phu, là người tăng thượng mạn, chẳng phải là A La Hán. Những người ấy có thể báo đáp thanh tịnh các đối tượng thi ân nhưng không phải là A La Hán.

Nếu dứt sạch tất cả các kết sử phiền não, người ấy không còn đối tượng nương tựa, là ruộng phước của thế gian. Nếu còn tất cả các kết sử phiền não tức còn đối tượng nương tựa, chẳng phải là ruộng phước của thế gian, nếu ở trong đây, nên biết, đó là người tăng thượng mạn.

Tất cả các pháp đều thể nhập Niết Bàn, nếu quan sát, phân biệt về Niết Bàn, nên biết, đó là người tăng thượng mạn. Tất cả các pháp là không nên biết, không nên đoán, không nên chứng, không nên tu… Nếu không biết sự thấy ấy, nên biết, đó gọi là người tăng thượng mạn.

Thắng Chí hỏi: Thưa Nhân Giả! Nếu người không tăng thượng mạn thì có hình tướng ấn chứng nào không?

Bồ Tát Văn Thù nói: Không trái, không hoại diệt, đó là hình tướng ấn chứng của người không tăng thượng mạn.

Vì sao?

Vì không có âm thanh nào có thể gây cho người này sự sợ hãi, họ giống như sư tử chúa. Tất cả các âm thanh đều không thể khiến người ấy sợ hãi, Tỳ Kheo không tăng thượng mạn cũng vậy, nghe các âm thanh không hề sợ hãi.

Vì sao?

Vì người ấy biết rõ âm thanh giống như tiếng vọng. Như tiếng vọng ấy không có tâm, ý, thức mà có âm thanh. biết về tâm, ý và thức đúng như thật như vậy. Tất cả các âm thanh đều do duyên mà khởi lên, không hề chân thật. biết như vậy rồi thì biết không pháp nào có một tên nhất định là âm thanh.

Nghe âm thanh Phật không ham thích, nghe tiếng của ngoại đạo cũng không chê bai, nghe pháp thiện thanh tịnh tâm không ham thích, nghe pháp nhiễm ô cũng không ghét bỏ. Khéo léo biết rõ tận cùng trước sau của tất cả các âm thanh.

Tướng ấn chứng như vậy là không tăng thượng mạn, là ấn chứng không có cao thấp, ấn chứng đúng như thật, ấn chứng con đường tri kiến chân chánh, ấn chứng thể nhập vào nhất đạo, ấn chứng hội nhập pháp giới bình đẳng.

An chứng như không thể hủy hoại, ấn chứng không trái với như, ấn chứng an trú trong chân thật, ấn chứng Đệ nhất nghĩa không, ấn chứng ba đời đều bình đẳng, ấn chứng không có sự sinh khởi ban đầu, ấn chứng quan sát về tánh của chánh pháp… các ấn ấn chứng tất cả các pháp như vậy.

Tỳ Kheo như thế gọi là không tranh cãi, nghe rồi liền được vô ngại, không lo, không sợ, không kinh, không hãi, không chấp ngã, không chấp vào pháp, tất cả đều bình đẳng.

***