Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Bảo Khiếp

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG BẢO KHIẾP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật ở tại Tinh Xá nơi khu vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc thành Xá Vệ, cùng với chúng đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, chúng Bồ Tát năm ngàn vị.

Khi ấy, Đức Thế Tôn đang giảng nói pháp cho đại chúng gồm các Thanh Văn, Bồ Tát nơi Đạo Tràng ở vườn hoa Ca Lợi La.

Bấy giờ, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi cùng với năm trăm vị Bồ Tát, Vua Trời Đế Thích, Phạm Thiên, Trời Hộ Thế cung kính vây quanh… đồng đi đến chỗ Đức Thế Tôn. Đến nơi, các vị đảnh lễ ngang chân Phật, đi nhiễu quanh bảy vòng rồi ngồi qua một bên, các Bồ Tát cũng ngồi qua một bên.

Lúc này, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hôm nay Đức Như Lai giảng nói pháp gì, kính xin Thế Tôn tuần tự, tiếp tục giảng nói cho chúng con, đừng để đoạn dứt.

Đại Đức Tu Bồ Đề nói với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Trước tiên, Đức Thế Tôn sẽ giảng nói pháp cho các Thanh Văn.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Hôm nay, tôi kính thỉnh Nhân Giả giảng nói về pháp Bồ Tát.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Hôm nay, Đại Đức dùng pháp Bồ Tát làm gì?

Này Đại Đức TuBồ Đề! Tất cả các Thanh Văn và các Duyên Giác đều chẳng phải là pháp khí của Bồ Tát.

Đại Đức Tu Bồ Đề nói: Kính xin Nhân Giả giảng nói.

Các chúng sinh lợi căn sẽ tự nghe nhận được.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Hôm nay, Đại Đức có thể biết thế nào là phap khí và chẳng phải pháp khí của Phật chăng?

Đại Đức Tu Bồ Đề thưa: Thưa Nhân Giả! Thanh Văn chúng tôi nhờ nghe âm thanh nơi lời dạy của Phật mà được hiểu pháp thì làm sao tôi có thể biết được thế nào là pháp khí và chẳng phải pháp khí của Phật.

Thưa Nhân Giả! Kính thỉnh Nhân Giả giảng nói về pháp khí của Phật và chẳng phải pháp khí của Phật.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Thưa Đại Đức! Những người lệ thuộc vào quả vị đều chẳng phải là pháp khí, vì bị pháp giới ràng buộc. Nếu quan sát pháp giới mà không rời bỏ tất cả chúng sinh, không rơi vào quả vị, không ở trong kết sử… những người như thế mới là pháp khí của Phật.

Lại nữa, thưa Đại Đức! Nếu người đạt đến cảnh giới của pháp học và pháp vô học, không bị trói buộc, rời bỏ tất cả những sự nóng bức, gò bó của chúng sinh, tâm sinh ra mệt mỏi, lo sợ, cho đến một niệm cũng không ưa thích ở trong kết sử. Những người như vậy đều chẳng phải là pháp khí của Phật.

Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Nếu người có thể đến hết đời vị lai, phát ra sự không lo không sợ rất mực trang nghiêm, tu hành các hạnh trong ba cõi nhưng không bị ba độc tham, sân, si làm nhiễm ô, ở trong sinh tử khởi tưởng xem như trong vườn nhà, ưa thích các cõi nhưng không chứa nhóm các nghiệp trong các cõi. Những người như vậy gọi là pháp khí của Phật.

Lại nữa, thưa Đại Đức! Người không dục nhiễm mà thị hiện dục nhiễm, chẳng phải người sân hận mà thị hiện có sân hận, không phải là người si mê mà thị hiện có si mê, đoạn trừ các kết sử mà thị hiện ở trong ba cõi, dẫn dắt chúng sinh mà không hề có tâm tự cao, gánh vác, đảm nhận đối với tất cả chúng sinh, khiến họ đạt được chủng tánh nơi ba ngôi báu vô thượng và đầy đủ các môn Tam Muội không gián đoạn… những người như vậy được gọi là pháp khí của Phật.

Tôn Giả Tu Bồ Đề thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Pháp tánh là nhất như, nhất thật tế, vậy thì làm sao phân biệt để nói pháp khí hay chẳng phải pháp khí?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Thưa Đại Đức! Ví như người thợ đồ gốm chỉ dùng một loại đất bùn mà làm ra nhiều loại đồ dùng, rồi cũng một ngọn lửa nung chín để tạo thành hoặc đồ đựng dầu, hoặc đồ đựng váng sữa, hoặc đồ đựng mật, hoặc đồ đựng vật dơ. Tánh của đất bùn này không gì sai khác, tánh của lửa nung cũng vậy, không có gì khác biệt, như vậy, như vậy…

Thưa Đại Đức! Nơi một pháp tánh nhất như, nhất thật tế, tùy theo các hạnh nghiệp mà làm ra các đồ dùng khác nhau. Đồ đựng dầu và đồ đựng váng sữa dụ cho Thanh Văn, Duyên Giác, đồ đựng mật dụ cho các Bồ Tát, đồ đựng vật nhơ uế dụ cho hàng phàm phu.

Đại Đức Tu Bồ Đề thưa: Thưa Nhân Giả! Có khi nào noi pháp khí là chẳng phải pháp khí, chẳng phải pháp khí là pháp khí chăng?

Thưa Đại Đức! Có.

Nghĩa là thế nào?

Thưa Đại Đức! Tất cả các kết sử là chẳng phải pháp khí. Sự huân tập tất cả các kết sử là chẳng phải pháp khí. Đó chẳng phải là pháp khí, mà cũng gọi là pháp khí của Phật. Nếu đoạn trừ tất cả các phiền não thì pháp khí như vậy chẳng phải là pháp khí của Phật.

Tu Bồ Đề hỏi: Đồ dùng thì đựng những gì?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Không đựng là đựng, nếu đựng đồ mà không bị chảy, thì đó là đồ dùng còn nguyên, còn đựng đồ mà bị rỉ chảy thì đó là đồ dùng đã bị hư bể.

Thưa Đại Đức! Giống như hư không là đồ dùng của các cây thuốc, rừng rậm, nhưng cũng chẳng phải là đồ dùng, Bồ Tát cũng vậy, là pháp khí của Phật mà cũng chẳng phải là pháp khí.

Thưa Đại Đức! Giống như cây cối mọc lên từ mặt đất, nhờ có đồ dùng hư không mà cây cối được lớn lên.

Như vậy, thưa Đại Đức! Bồ Tát được sinh ra từ các tâm thiện, nhờ đồ dùng trí tuệ Ba La Mật mà được tăng trưởng.

Đại Đức Tu Bồ Đề hỏi: Bồ Tát được tăng trưởng điều gì?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Giống như sự tăng trưởng của hư không, sự tăng trưởng của Bồ Tát cũng vậy. Nên Bồ Tát không có tăng trưởng cũng chẳng có giảm bớt.

Vì sao?

Vì không tăng các kết sử, không giảm các Pháp Phật.

Đại Đức Tu Bồ Đề hỏi: Thưa Nhân Giả! Pháp Phật và kết sử có gì khác nhau?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Thưa Đại Đức! Như tất cả những nơi được ánh sáng của núi chúa Tu Di chiếu đến đều có cùng một màu vàng ròng.

Cũng vậy, thưa Đại Đức! Ánh sáng của trí tuệ chiếu đến thì tất cả các kết sử đều có cùng một màu, đó là màu Pháp Phật.

Vì thế, thưa Đại Đức! Pháp Phật và kết sử được quan sát bằng trí tuệ bát nhã thì không có gì khác nhau. Cho nên, tất cả các pháp đều là Pháp Phật.

Đại Đức Tu Bồ Đề thưa: Thưa Nhân Giả! Vì sao tất cả các pháp đều là Pháp Phật?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Vì Như là đối tượng được giác ngộ của trí Phật.

Đại Đức Tu Bồ Đề hỏi: Như là đối tượng được giác ngộ của trí Phật là thế nào?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Như sự đầu tiên và cuối cùng của Đại Đức cũng vậy, đều không lìa Như, vì thế nên nói đối tượng được giác ngộ của trí Phật là Như.

Đại Đức Tu Bồ Đề lại hỏi: Sự đầu tiên và cuối cùng là gì?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Ban đầu thì không, sau cùng thì rỗng lặng, nên gọi là đầu tiên và cuối cùng.

Đại Đức Tu Bồ Đề hỏi: Trống không và rỗng lặng có khác nhau chăng?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Thưa Đại Đức! Ý của Đại Đức nghĩ sao, vàng tạp và vàng ròng có khác nhau hay không?

Đáp: Nếu dùng lời nói thì chúng có khác nhau.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Cũng vậy, thưa Đại Đức! Nếu dùng lời nói thì nói có không, nói có rỗng lặng, còn nếu có trí tuệ thì không lệ thuộc vào văn tự, không chấp thủ nơi văn tự.

Đại Đức Tu Bồ Đề hỏi: Phàm phu và bậc trí có khác nhau chăng?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Thưa Đại Đức! Như lời Phật dạy thì do tướng của nghiệp mà gọi là phàm phu, cũng do tướng của nghiệp mà gọi là bậc trí.

Đại Đức Tu Bồ Đề hỏi: Thưa Nhân Giả! Nghiệp có những tướng gì?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Nhân duyên là tướng, tùy theo sự thực hành tạo tác mà có tên gọi khác nhau. Nếu không có sự thực hành tạo tác thì cũng không có tên gọi khác nhau. Phàm phu có tạo tác nên có tên gọi khác nhau, bậc trí tuệ không tạo tác nên không có tên gọi khác nhau, ở giữa có và không thì gọi là Thánh hạnh. Nhưng đối với các phàm phu, Thánh hạnh này gọi là chẳng phải hạnh.

Đại Đức Tu Bồ Đề lại hỏi: Bậc Thánh là những ai?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Là chỉ chung cho những vị đồng thể nhập vào phạm trù không chấp thủ, không tranh cãi.

Đại Đức Tu Bồ Đề hỏi: Vậy thì có các pháp cũng đồng thể nhập vào phạm trù không chấp thủ và không tranh cãi chăng?

Thưa Đại Đức! Có các pháp ấy.

Đại Đức Tu Bồ Đề hỏi: Đó là những pháp gì?

Đáp: Tất cả các dòng sông đổ về biển cả rồi thì đều có cùng một vị mặn.

Cũng vậy, thưa Đại Đức! Tất cả các pháp thể nhập vào nẻo không chấp thủ và không tranh cãi đều có đồng một vị, đó là vị giải thoát.

Đại Đức Tu Bồ Đề hỏi: Thoát khỏi điều gì thì được gọi là giải thoát?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Thưa Đại Đức! Vì nhân duyên gì mà có trói buộc hoặc không có trói buộc?

Đại Đức Tu Bồ Đề thưa: Vì không có trí tuệ nên bị trói buộc.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Như vậy, chấm dứt chỗ không có trí tuệ ấy thì gọi là giải thoát.

Đại Đức Tu Bồ Đề hỏi: Các pháp đều bình đẳng, sao lại nói trí tuệ và không có trí tuệ?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Như vào mùa hạ Trời nóng thì gọi là nước nóng, vào mùa đông trời lạnh thì gọi là nước lạnh, nhưng tính chất của nước nơi hai mùa ấy vẫn không có gì khác nhau.

Như vậy, thưa Đại Đức! Tư duy không chân chánh, bị phiền não nóng bức nên được gọi là không có trí tuệ. Còn tư duy chân chánh thì gọi là trí tuệ. Nhưng trong đó, không có người nào được gọi là trí tuệ hay không trí tuệ.

Đại Đức Tu Bồ Đề nói: Thưa Nhân Giả! Ý nghĩa này thật khó hiểu.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Do tạo tác hai hành kiến hành và ái hành.

Ý nghĩa này thật khó thấy.

Do không có mắt tuệ.

Ý nghĩa này thật khó thể nhập.

Do không thấu đạt tận cùng.

Ý nghĩa này thật khó biết.

Do tăng thượng mạn.

Ý nghĩa này thật khó lãnh hội.

Do rời bỏ tánh giác.

Ý nghĩa này rất khó giải thoát.

Do ưa thích hang ổ.

Ý nghĩa này thật khó suy nghĩ.

Do trong đó không có hành tướng.

Ý nghĩa này thật khó giác quán.

Do trong đó không có sự nói năng.

Ý nghĩa này không thể đạt được.

Vì trong đó, thậm chí một chút ý nghĩa cũng không có.

Ý nghĩa này chính là đối tượng được kiến giải của bậc trí.

Do hiểu rõ về Như của tự tâm.

Đại Đức Tu Bồ Đề lại hỏi: Thưa Nhân Giả! Đức Như Lai đã dạy là có lợi căn và không có lợi căn, vì sao Đại Sĩ lại dạy pháp như vậy?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Lợi căn là không thật có, nếu ở trong điều ấy mà muốn có đối tượng để đạt được thì lợi căn cũng gọi là chẳng phải lợi căn.

Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Lại nữa, lợi căn được gọi là tịch tĩnh, nếu ở trong đây mà khởi lên các tạo tác về thân, tâm thì lợi căn cũng gọi là chẳng phải lợi căn. Vì thế nên Đức Như Lai nói về lợi căn và chẳng phải lợi căn.

Đại Đức Tu Bồ Đề hỏi: Như lời Đức Phật dạy, tất cả các pháp đều chẳng phải pháp, điều này nghĩa là gì?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Thưa Đại Đức! Như lời Phật dạy, có thể biết được Pháp Phật như ví dụ về chiếc bè, pháp còn nên xả bỏ huống gì là chẳng phải pháp. Nếu pháp đã nên xả bỏ thì không gọi là pháp hay không phải pháp.

Đại Đức Tu Bồ Đề hỏi: Thưa Nhân Giả! Pháp của Đức Phật Như Lai có thể là chẳng phải pháp chăng?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Thưa Đại Đức! Pháp của Đức Như Lai không có nhất định. Vì không nhất định nên không thể nói là pháp hay chẳng phải pháp. Vì thế, Đức Phật nói tất cả các pháp đều chẳng phải pháp.

Đại Đức Tu Bồ Đề thưa: Thật là hiếm có, thưa Nhân Giả! Nếu những Bồ Tát mới phát tâm nghe giảng nêu như vậy mà không bị sợ hãi.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Ý của Đại Đức nghĩ sao?

Con của sư tử chúa nghe tiếng gầm của sư tử có kinh sợ chăng?

Như con của chim nhạn chúa bay trong hư không có sợ rơi xuống đất chăng?

Đại Đức Tu Bồ Đề đáp: Thưa Nhân Giả! Chúng không sợ.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Cũng vậy, thưa Đại Đức! Nếu có Bồ Tát là chủng tánh của Như Lai, đi đến trong như, từ như sinh ra, nghe tất cả các pháp, tất cả các âm thanh, tất cả những sự giảng nói đều không hề kinh sợ.

***