Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Bảo Khiếp

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG BẢO KHIẾP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
 

PHẦN MƯỜI
 

Bấy giờ, ngoại đạo Thắng Chí thưa: Thưa Thế Tôn! Hôm nay, từ chỗ của bậc tri thức thiện, con được nghe đạo chân chánh và công đức của Đại Thừa.

Bạch Thế Tôn! Hôm nay, từ Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, được nghe thuyết giảng pháp này, con xin phát tâm cầu đạo quả Chánh Đẳng, Chánh Giác, Vô Thượng.

Lành thay! Bạch Thế Tôn! Kính xin Thế Tôn giảng nói pháp ứng hợp để khiến con được nghe rồi liền nhanh chóng tu tập pháp hỗ trợ Bồ Đề, nhanh chóng đạt đạo chánh chân vô thượng, vì khắp tất cả vô lượng, vô số các chúng sinh.

Đức Phật nói: Này Thắng Chí! Bồ Tát có hai pháp nhanh chóng thông đạt đầy đủ Đại Thừa.

Hai pháp ấy là gì?

Đó là tinh tấn và không buông lung.

Trong đó, tinh tấn nghĩa là đúng như pháp mà đạt được của cải, thì đều xả bỏ tất cả. Không buông lung nghĩa là bố thí không mong được đền đáp, tất cả đều hồi hướng về nhất thiết trí.

Lại nữa, tinh tấn nghĩa là chân chánh đoạn trừ tất cả các pháp ác bất thiện, thành tựu viên mãn đầy đủ tất cả các pháp thiện. Không buông lung nghĩa là kiên cố giữ gìn giới thanh tịnh, không phải vì phước báo đời sau mà tất cả đều hoi hướng về đạo vô thượng.

Lại nữa, tinh tấn nghĩa là tu hành nhẫn nhục, không tiếc thân mạng. Không buông lung nghĩa là không có tâm làm hại đến các chúng sinh.

Lại nữa, tinh tấn nghĩa là chứa nhóm các pháp thiện không biết nhàm chán. Không buông lung nghĩa là chứa nhóm các pháp thiện, hồi hướng về đạo vô thượng.

Lại nữa, tinh tấn nghĩa là tâm không nhàm chán đối với các thiền chi. Không buông lung nghĩa là không tham đắm thiền vị đối với các thiền chi.

Lại nữa, tinh tấn nghĩa là chứa nhóm những sự học rộng không thấy nhàm chán. Không buông lung nghĩa là chánh niệm, tu hành trí tuệ của Bậc Thánh.

Lại nữa, tinh tấn nghĩa là không bỏ bốn nhiếp pháp. Không buông lung nghĩa là không được để thân tâm rời xa chánh pháp.

Lại nữa, tinh tấn nghĩa là có tâm từ bình đẳng duyên nơi tất cả chúng sinh. Không buông lung nghĩa là không được vin dựa theo pháp từ của chúng sinh.

Lại nữa, tinh tấn nghĩa là dạy cho chúng sinh phát tâm cầu nhất thiết trí. Không buông lung nghĩa là quan sát tất cả các pháp đều như huyễn, nhưng không bao giờ rời bỏ tâm cầu nhất thiết trí.

Lại nữa, tinh tấn nghĩa là phát khởi ba minh. Không buông lung nghĩa là giữ gìn không để rơi vào các lậu.

Lại nữa, tinh tấn nghĩa là tu tập Thánh Đế siêng năng như bị lửa đang thiêu cháy trên đầu. Không buông lung nghĩa là không tùy theo sự chứng đắc ma diệt độ.

Lại nữa, tinh tấn nghĩa là vì để làm viên mãn các tướng mà chứa nhóm điều thiện không thấy mỏi mệt. Không buông lung nghĩa là quan sát Pháp thân.

Lại nữa, tinh tấn nghĩa là tu hành, làm thanh tịnh Cõi Phật. Không buông lung nghĩa là làm thanh tịnh cõi chúng sinh.

Lại nữa, tinh tấn nghĩa là chứa nhóm ba mươi bảy pháp hỗ trợ bồ đề. Không buông lung nghĩa là an trú trong pháp giải thoát tịch tĩnh…

Thắng Chí nên biết! Bồ Tát có được các nghiệp thiện, phương tiện là đều do tinh tấn mà được thành tựu. Bồ Tát có được hạnh nghiệp nhất thiết trí là do không buông lung mà thành tựu. Cho nên, ta nói Bồ Tát thành tựu trí tuệ và phương tiện, không sợ hãi, không thoái chuyển đối với đạo chánh chân vô thượng.

Khi Phật giảng nói pháp ấy, ngoại đạo Thắng Chí đạt được pháp nhẫn vô sinh, tâm thanh tịnh và vô cùng hoan hỷ, bay lên hư không cao bằng bảy cây Đa La. Tam thiên đại thiên Thế Giới chấn động đủ sáu cách, ánh sáng rực rỡ soi chiếu khắp nơi, âm nhạc Cõi Trời không tấu mà tự trổi lên, Trời rưới mưa hoa.

Bấy giờ, biết được tâm của Thắng Chí, Đức Thế Tôn liền mỉm cười. Theo pháp thường lệ, khi chư Phật mỉm cười, từ nơi khuôn mặt có vô số trăm ngàn ánh sáng rực rỡ nhiều màu sắc, chiếu đến khắp vô lượng, vô biên Thế Giới, lên đến Cõi Phạm Thiên, ngăn ngại cả ánh sáng mặt trời, mặt trăng, che lấp mất cung điện của ma, rồi trở lại, nhiễu quanh bên phải thân Phật trăm ngàn vòng và nhập vào nơi đỉnh đầu.

Khi ấy, Đại Đức A Nan, nương nơi thần lực của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, bày vai phải, gối phải quỳ xuống đất, hướng về Đức Phật, chắp tay nói kệ:

Hoa phước đức, trí tuệ

Ánh sáng hướng dẫn đời

Hoa ba mươi hai tướng

Các vẻ đẹp trang nghiêm.

Đi như sư tử chúa

Lực tinh tấn mạnh mẽ

Vì sao Phật mỉm cười

Kính xin Phật giảng nói.

Lời Phật như tiếng sấm

Tiếng Phật: Sư Tử gầm

Tiếng Ca Lăng Tần Già

Nghe thanh tịnh dịu êm.

Tiếng tam thiên Thế Giới

Chư Thiên và loài người

Muốn so với tiếng Phật

Tính toán không thể được.

Trí Thanh Văn, Duyên Giác

Và trí các Bồ Tát

Không thể sánh bằng Phật

Không biết nhất thiết trí.

Kính xin Phật giảng nói

Vì sao lại mỉm cười?

Trời, Người, Rồng, Tu La

Nghe đều đạt Bồ Đề.

Tâm được lìa hai bên

Cũng không chấp ở giữa

Tất cả đều không chấp

Bình đẳng như hư không.

Hết thảy không thể đến

Vượt trên mọi thế gian

Thưa Bậc Trí hư không

Vì sao Phật mỉm cười?

Ánh sáng xanh, vàng ròng

Màu hồng, tím, đỏ, trắng

từ mặt sáng rực rỡ

Nhiều như cát Sông Hằng.

Chiếu khắp vô số cõi

Rộng rãi như hư không

Diệt đường ác, được vui

Nhờ ánh sáng Phật soi.

Phóng ánh sáng đầu gối

Là thọ ký Thanh Văn

Phóng ánh sáng nơi tay

Nói về Bích Chi Phật.

Phật thọ ký đại thừa

Đạo nhất thiết trí tuệ

Ánh sáng lợi chúng sinh

Rồi nhập vào đỉnh đầu.

Lành thay Đức Thế Tôn!

Bậc Ứng Cúng ba cõi

Xin như thật giảng bày

Diễn nói cho đại chúng.

Dứt trừ nghi, được vui

Vì sao Phật mỉm cười?

Ngàn vạn ức chúng sinh

Nghe rồi tâm hoan hỷ.

Nghe kệ thỉnh mời như vậy xong, Đức Phật hỏi: Này A Nan! Ông có thấy thiện nam Thắng Chí, người bay lên hư không cao bằng bảy cây Đa La, đạt được pháp nhẫn vô sinh, chắp tay đảnh lễ ta và được trăm ngàn Chư Thiên cúng dường hay không?

Đại Đức A Nan đáp: Bạch Thế Tôn! Con đã thấy.

Đức Phật nói: Này A Nan! Thiện Nam Thắng Chí này đã từng ở chỗ bảy mươi hai ức Đức Phật, trồng các căn lành, thực hành đạo Bồ Tát, tu tập đạo chánh chân vô thượng.

Thuở đó, Thắng Chí thường làm Vua Đại chuyển luân, cung kính cúng dường tôn trọng ngợi khen các Đức Như Lai ấy, luôn tu hành phạm hạnh, ủng hộ, thọ trì tất cả các pháp của chư Phật ấy.

Này A Nan! từ đây về sau, Thiện Nam Thắng Chí cũng sẽ luôn gặp vô lượng, vô số Đức Phật, cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, luôn tu hành phạm hạnh, khiến cho vô lượng, vô số chúng sinh ở trong đạo Bồ Đề.

Sau vô lượng, vô số kiếp, chứa nhóm đạo Bồ Đề rồi, sẽ đạt đạo chánh chân vô thượng, thành Bậc Tối Chánh Giác, hiệu là Trí Quang Vương gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, xuất hiện ở đời, nước tên là hỷ kiến, kiếp tên là Nhất bảo nghiêm.

Này A Nan! Những đồ dùng của nước hỷ kiến ấy giống như trong Cõi Trời Tha Hóa Tự Tại. Chúng sinh ở nước ấy không tham đắm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không ai có các hình tướng xấu, mọi người đều cung kính nhau, hoan hỷ, vui vẻ.

Tất cả chúng sinh đều đến gặp Đức Phật Trí Quang Vương, thậm chí trong mộng cũng luôn được thấy Phật, không rời sự niệm Phật. Vì vậy, nước ấy mới có tên là hỷ kiến. Trong kiếp ấy chỉ có một Đức Như Lai làm các Phật sự. Phật và chúng sinh đều sống thọ một kiếp. Vì thế, kiếp ấy được gọi là Nhất bảo nghiêm.

Này A Nan! Phật Trí Quang Vương ấy có chúng đệ tử toàn là Bồ Tát chín mươi hai ức vị đều là những vị của pháp hội buổi đầu, đạt tâm không thoái chuyển.

Khi Như Lai Trí Quang Vương sắp vào Niết Bàn, Ngài sẽ thọ ký cho Bồ Tát Sư Tử Tấn Khứ sẽ thành Phật hiệu là Sư Tử Tướng gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, sống thọ mười trung kiếp, sau đó mới Niết Bàn và Tăng Chúng cũng sẽ gồm vô lượng, vô biên các Bồ Tát.

Khi Phật Trí Quang Vương Niết Bàn, Xá Lợi toàn thân Ngài được thờ trong một tòa tháp báu rộng sáu mươi do tuần, cao tám mươi do tuần, tháp được trang trí bằng nhiều châu báu.

Bấy giờ, Bồ Tát Thắng Chí từ hư không đi xuống, đảnh lễ ngang chân Phật, đi nhiễu quanh bên phải bảy vòng, hướng về Đức Phật khen ngợi bằng cách nói kệ pháp giới bất hoại:

Cõi Sắc và pháp giới

Cõi chúng sinh đồng nhau

Cõi ấy bằng cõi trí

Nay thọ ký cho con.

Cõi thọ, cõi phiền não

Cũng như cõi hư không

Các pháp đồng cảnh giới

Hôm nay con đến đây.

Pháp giới và Cõi Dục

Và cùng với ba cõi

Cũng đồng như hư không

Sự thọ ký cũng vậy.

Cõi sinh tử, Niết Bàn

Cũng đồng như pháp giới

Cõi này và cõi nước

Cõi đất, cõi gió, lửa.

Cõi các ấm, các nhập

Cõi mắt, cõi nhãn thức

Cõi ý và pháp giới

Cảnh giới đều đồng đẳng.

Không thọ ký các ấm

Giới và nhập của con

Không thọ ký danh, sắc

Không thọ ký trong, ngoài.

Nhờ âm thanh mà biết

Đạo sư thọ ký con

Âm thanh là tịch tĩnh

Phật không có tâm ý.

Thực hành tâm thọ ký

Con cũng không có thức

Để được nhận thọ ký

Như con, Phật cũng vậy.

Như Phật con cũng vậy

Các chúng sinh cũng thế

Thọ ký nhận: Đều vậy

Thọ ký là chân thật.

Như Như đều rời bỏ

Không hủy hoại pháp giới

Trụ tận cùng chân thật

Con kính lễ Thế Tôn.

Đồng vào tất cả pháp

Như hư không vô vi

biết rõ các phương tiện.

Khi ấy, nói kệ khen ngợi Đức Phật xong, Bồ Tát Thắng Chí đảnh lễ ngang chân Phật, đi nhiễu quanh bên phải bảy vòng rồi ngồi qua một bên.

Lúc đó, Đức Phật bảo: Này A Nan! Ông nên thọ trì, đọc tụng, biên chép Kinh này và ở giữa đại chúng giảng nói rộng rãi.

Đại Đức A Nan thưa: Thưa Thế Tôn! Con xin thọ trì.

Kinh này tên là gì và phải phụng giữ như thế nào?

Đức Phật nói: Này A Nan! Kinh này tên là Văn Thù Sư Lợi Thần Thông Sở Trì, còn gọi là Diệt Trừ Nhất Thiết Chư Ma Ngoại Đạo Âm Thanh, cũng có tên là Thái Bảo, hoặc là Bảo Khiếp, hãy như vậy mà thọ trì.

Đức Phật giảng nói Kinh này xong, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Thắng Chí, Đại Đức A Nan và các đại chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, loài Người và Càn Thát Bà… nghe lời Phật day đều vô cùng hoan hỷ.

***