Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Bảo Khiếp

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG BẢO KHIẾP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
 

PHẦN SÁU
 

Này Ba Tuần! Ở trong diệu pháp, các pháp như vậy gọi là chất độc. Trong chánh pháp của Phật, không có những pháp như vậy.

Này Ba Tuần! Pháp cam lộ được gọi là Pháp Phật, pháp an ổn gọi là Pháp Phật, pháp không hý luận gọi là Pháp Phật, pháp không lỗi lầm gọi là Pháp Phật, pháp không còn kết sử gọi là Pháp Phật, pháp cốt yếu đạt giải thoát gọi là Pháp Phật.

Pháp không sợ hãi gọi là Pháp Phật, pháp không phân biệt gọi là Pháp Phật, pháp không chấp tự mình và người khác gọi là Pháp Phật, pháp không chê trách gọi là Pháp Phật. Pháp như là nhà cửa, là nơi nương tựa, là đảo, là bến bờ, pháp giữ gìn ủng hộ… gọi là Pháp Phật.

Pháp tịch tĩnh, thuần thục gọi là Pháp Phật. Pháp tự thanh tịnh, không cấu uế và soi sáng gọi là Pháp Phật. Pháp hướng đến chân chánh gọi là Pháp Phật. Pháp điều phục khéo léo, không còn vọng tưởng gọi là Pháp Phật. Pháp tùy cơ nghi để khéo léo giáo hóa, dẫn dắt gọi là Pháp Phật.

Pháp tự giảng nói và nói về người khác gọi là Pháp Phật, pháp thu phục các ngoại đạo theo đúng như pháp gọi là Pháp Phật, pháp điều phục các ma gọi là Pháp Phật, pháp làm gián đoạn dòng sinh tử gọi là Pháp Phật, pháp chánh niệm gọi là Pháp Phật vì an trụ trong niệm xứ.

Pháp tinh tấn chân chánh gọi là Pháp Phật vì đoạn trừ các điều ác, pháp bốn thần túc gọi là Pháp Phật vì quán tưởng thân tâm nhẹ nhàng, pháp về các căn gọi là Pháp Phật vì tín đứng đầu, pháp về các lực gọi là Pháp Phật vì không ai có thể làm cho khuất phục được, các pháp giác quán gọi là Pháp Phật vì tuần tự giác quán.

Pháp con đường chân chánh gọi là Pháp Phật vì nhập vào các dòng Thánh chân chánh, pháp Tam Muội gọi là Pháp Phật vì hoàn toàn tịch tĩnh, pháp trí tuệ gọi là Pháp Phật vì quán xuyến hết các pháp giải thoát của Bậc Thánh, pháp chân lý chắc thật gọi là Pháp Phật vì không còn giận dữ.

Pháp về các biện tài gọi là Pháp Phật vì pháp, ngôn từ và ý nghĩa giảng nói đều không trở ngại. Pháp thấu rõ vô thường, khổ, không, vô ngã gọi là Pháp Phật vì chê trách tất cả các pháp hữu vi.

Pháp không gọi là Pháp Phật vì thu phục được tất cả các ngoại đạo, pháp tịch tĩnh gọi là Pháp Phật vì hướng đến Niết Bàn, pháp Ba la mật gọi là Pháp Phật vì đạt đến bờ bên kia, pháp phương tiện gọi là Pháp Phật vì khéo léo giáo hóa, pháp về tâm từ gọi là Pháp Phật vì trí không lỗi lầm, pháp về tâm bi gọi là Pháp Phật vì không bức ngặt.

Pháp về tâm hỷ gọi là Pháp Phật vì diệt trừ sự không vui lòng, pháp xả gọi là Pháp Phật vì việc làm được hoàn thành, pháp thiền gọi là Pháp Phật vì diệt trừ kiêu mạn, pháp không gián đoạn ba ngôi báu gọi là Pháp Phật vì phát tâm Bồ Đề.

Tất cả các pháp An Lạc, không còn khổ não đều gọi là Pháp Phật vì không đưa đến các cõi… Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi giảng nói pháp này xong, năm trăm Thiên Tử theo Ma Vương Ba Tuần đều phát tâm cầu đạo quả Chánh Giác Vô Thượng, họ nói: Bạch Thế Tôn! Kính xin Thế Tôn khiến cho chúng con được an trú trong pháp mà Thế Tôn đã khen ngợi.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền mỉm cười.

Đại Đức A Nan thưa: Thưa Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà Thế Tôn mỉm cười?

Đức Phật hỏi: Này A Nan! Ông có thấy những Tỳ Kheo của ma.

Ba Tuần biến hóa hay không?

Đại Đức A Nan đáp: Bạch Thế Tôn! Con đã thấy.

Đức Phật nói: Vào năm trăm năm sau, khi pháp gần diệt hết, sẽ có những Tỳ Kheo thân hình xấu xí như vậy, y phục rách rưới không tề chỉnh như vậy, thấp kém như vậy, không có trí như vậy… vì sao?

Vì các Tỳ Kheo đời sau phiền não nặng nề, tham lam lợi dưỡng, mưu làm nhiều việc, phá bỏ Tỳ Ni, trái vượt giới giải thoát, lìa bỏ pháp thanh tịnh.

Những chỗ tới lui của họ đều nặng vì lợi lộc, không chú trọng đời sau, bị đui điếc, què chân, lú lẫn không có trí tuệ, mang nhiều bệnh tật… những người như vậy đều ở trong pháp của ta mà xuất gia thọ giới, chỉ lo quyến thuộc và những người cung cấp, không vì trọng pháp.

Này A Nan! Những giáo pháp mà ta thuyết giảng, chân chánh như vậy, đáng quý như vậy, nhưng lúc ấy, những người đó cũng sẽ chẳng thèm thấy, nghe. Chư Thiên lo buồn, còn Ma Vương Ba Tuần thì sẽ vô cùng vui mừng, không còn gì phải lo nghĩ.

Lúc ấy, tôi tức Đại Đức A Nan thưa: Bạch Thế Tôn! Vì sao Ma Vương Ba Tuần lại vô cùng vui mừng, không còn gì phải lo nghĩ?

Đức Phật nói: Này A Nan! Vì những người ác ấy làm những việc làm của ma, Ma Vương Ba Tuần không còn việc gì để làm.

Vì sao?

Vì do các Tỳ Kheo ấy không có hạnh chân chánh. Nếu có Tỳ kheo nào siêng năng tinh tấn như cứu lửa cháy trên đầu, những người như vậy, Ma Vương sẽ tìm tòi những điều dở của họ.

Cho nên, này A Nan! Ông hãy siêng năng, tạo phương tiện, chưa đạt được làm cho đạt được, chưa giải thoát khiến được giải thoát, chưa chứng đắc khiến cho chứng đắc, thu phục bè nhóm của ma, làm rạng rỡ Pháp Phật, ủng hộ giữ gìn chánh pháp, thực hành cúng dường pháp, không nên buông lung, đó chính là giáo pháp của ta.

Đức Phật giảng nói pháp như vậy xong, năm trăm Tỳ Kheo do ma vương hóa ra đều muốn bỏ mạng sống, thưa: Thưa Thế Tôn! Chúng con không muốn thấy cõi đời xấu ác ấy.

Rồi họ liền nhảy vọt lên hư không, dùng lửa đốt cháy thân. Năm ngàn Chư Thiên đều cúng dường Phật. Hai trăm Tỳ Kheo xa lìa trần cấu được pháp nhãn thanh tịnh. Hai trăm Tỳ Kheo được dứt hẳn các lậu, tâm đạt giải thoát. Ba vạn hai ngàn Bồ Tát đạt được pháp nhẫn.

Vua Trời Đế Thích, Phạm Vương, bốn Vua Trời Hộ Thế và các quyến thuộc đều đảnh lễ ngang chân Phật, rồi thưa: Kính xin Đức Thế Tôn trụ lâu ở đời, xin đừng cho chúng con nhìn thấy cõi đời xấu ác như vậy.

Bạch Thế Tôn! Nếu chúng sinh nào được nghe Kinh này, họ sẽ không bao giờ biếng trễ và làm những việc buông lung, họ cũng không làm những việc làm ác của ma.

Khi ấy, nghe như vậy xong, tôi bất tỉnh ngã xuống đất.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Tôi thấy Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thành tựu diệu lực thần thông không thể nghĩ bàn như vậy, và tôi cũng chính mắt nhìn thấy việc giảng nói pháp như vậy.

Bấy giờ, Đại Đức Ca Diếp nói với Đại Đức Xá Lợi Phất: Tôi cũng đã từng được thấy thần thông hiếm có của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Bấy giờ, Đức Thế Tôn thành Phật chưa bao lâu, tôi xuất gia cũng được một thời gian khá dài. Lúc đó, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi mới đến Thế Giới Ta bà này, Bồ Tát từ Thế Giới Bảo Vương của Đức Phật Bảo Tướng đến để được gặp Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và cung kính cúng dường.

Thuở ấy, Đức Thế Tôn ở Tinh Xá nơi khu vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc thành Xá Vệ. Ba tháng hạ an cư, tôi không hề thấy Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi ở trước Như Lai, trong Chúng Tăng, trong giờ thọ thực, trong ngày tụng giới, hay đi theo thứ tự trong hàng ngũ Chúng Tăng… qua ba tháng xong, vào ngày tự tứ, tôi mới thấy Bồ Tát.

Tôi liền hỏi: Thưa Nhân Giả! Ba tháng an cư mùa hạ, Nhân Giả ở đâu?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Thưa Đại Đức! Tôi ở nơi hậu cung của Vua Ba Tư Nặc thành Xá Vệ trong một tháng, lại một tháng tôi ở trong trường học của trẻ con, còn trong một tháng cuối cùng tôi ở trong nhà của các dâm nữ.

Nghe như vậy xong, tôi không vui chút nào, liền suy nghĩ: Sao lại phải ở chung với những người không thanh tịnh như vậy mà tự tứ. Nghĩ xong, tôi liền ra khỏi nhà đi đánh kiền chùy tập hợp Chúng Tăng để đuổi Bồ Tát Văn Thù ra khỏi chúng.

Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nói với Bồ Tát Văn Thù: Ông hãy đến xem, này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Hôm nay, vì sao Đại Ca Diếp lại đánh kiền chùy?

Bồ Tát Văn Thù thưa: Thưa Thế Tôn! Con đã thấy, các vị ấy muốn đuổi con ra khỏi chúng.

Đức Phật nói: Này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Bây giờ, ông hãy hiện bày cảnh giới thần lực thần thông của ông để làm cho tâm của các Thanh Văn ấy được thanh tịnh, để khỏi sinh tâm không thanh tịnh đối với ông.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi liền nhập vào Tam Muội tên Hiện nhất thiết Phật Độ. Khi Bồ Tát nhập vào Tam Muội ấy, trong các Thế Giới nhiều như số cát Sông Hằng trong khắp mười phương đều có Đại Đức Đại Ca Diếp là vị tu khổ hạnh bậc nhất đang đánh kiền chùy.

Khi đó, Đức Thế Tôn hỏi tôi: Này Ca Diếp! Hôm nay, vì sao mà ông lại đánh kiền chùy?

Tôi thưa: Thưa Thế Tôn! Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đã tự nói: Trong ba tháng an cư mùa hạ, vị ấy ở trong hậu cung của Vua và ở trong nhà của dâm nữ. Vì muốn tập hợp Tăng chúng để đuổi vị ấy nên con đánh kiền chùy.

Khi ấy, từ nơi thân của Đức Thế Tôn phóng ra ánh sáng chiếu khắp mười phương, Đức Thế Tôn bảo tôi: Ông hãy nhìn khắp mười phương Thế Giới xem thử có thấy gì không.

Tôi liền nhìn khắp vô lượng, vô số các Thế Giới nhiều như cát Sông Hằng ở khắp mười phương, trong các Thế Giới ấy đều có Đại Ca Diếp đang đánh kiền chùy vì muốn đuổi Bồ Tát Văn Thù. Tất cả những cõi ấy cũng đều có Bồ Tát Văn Thù đang ngồi ở trước Phật.

Đức Phật hỏi: Ông muốn đuổi Bồ Tát Văn Thù ở chỗ nào trong các Thế Giới nơi khắp mười phương ấy?

Tôi liền đảnh lễ nơi chân Đức Thế Tôn rồi thưa: Bạch Thế Tôn! Cho con xin được sám hối. Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi đã thành tựu công đức không thể nghĩ bàn như vậy của Bồ Tát. Con chỉ theo Phật Đạt được trí có hạn lượng mà vẫn chưa đạt được trí tuệ vô lượng, vì không biết nên đã đánh kiền chùy.

Đức Phật nói: Này Đại Ca Diếp! Ông đã nhìn thấy Văn Thù Sư Lợi trong các Thế Giới ở khắp mười phương, vị ấy cũng trong ba tháng an cư mùa hạ ở trong hậu cung của Vua và trong nhà các dâm nữ. Chính ở những nơi ấy, Văn Thù Sư Lợi đã khiến cho năm trăm cô gái trong cung Vua Ba Tư Nặc được tâm không thoái chuyển đối với đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng.

Vị ấy cũng khiến cho năm trăm dâm nữ và năm trăm đồng tử đạt tâm không thoái chuyển đối với đạo chánh chân vô thượng. Lại có trăm ngàn chúng sinh nhờ pháp Thanh Văn mà được thuần thục, vô số chúng sinh được sinh lên Cõi Trời.

Khi ấy, tôi thưa: Thưa Thế Tôn! Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi giảng nói pháp gì mà có thể giáo hóa chúng sinh như vậy?

Đức Phật Đáp: Này Ca Diếp! Ông hãy hỏi Văn Thù Sư Lợi, vị ấy sẽ đáp lời ông.

Tôi liền hỏi Bồ Tát Văn Thù: Thưa Nhân Giả! Nhân Giả giảng nói pháp gì để có thể thu phục chúng sinh như vậy?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Thưa Đại Đức! Không phải chỉ nhờ giảng nói pháp mà giáo hóa được chúng sinh.

Thưa Đại Đức! Có chúng sinh thì dùng sự vui vẻ để thu phục, có chúng sinh thì phải dùng sự ủng hộ, hoặc dùng oai lực để điều phục, hoặc dùng tiền của.

Hoặc dùng sự tham cầu, hoặc hiện bày sự trang nghiêm, hoặc có khi cũng thị hiện thần thông, hoặc hiện thân Đế Thích, hiện ra thân Phạm Vương, thân Vua Trời Hộ Thế.

Hoặc thân Vua Chuyển luân, hoặc tùy theo đối tượng mà hiện ra thân Chư Thiên, hoặc dùng lời dịu dàng, hoặc dùng lời mạnh mẽ, hoặc dùng cả hai, hoặc bằng cách trách phạt, hoặc dùng cách lợi ích bí mật, hoặc thị hiện làm con… vì sao?

Thưa Đại Đức! Vì chúng sinh có nhiều loại pháp để giáo hóa họ.

Thưa Đại Đức! Tôi dùng phương tiện để giáo hóa chúng sinh, sau đó mới giảng nói pháp để khiến cho họ được hoàn toàn thuần thục.

Khi ấy, tôi hỏi: Thưa Nhân Giả! Nhân Giả đã giáo hóa được bao nhiêu chúng sinh?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Thưa Đại Đức! Tôi đã điều phục được các chúng sinh nhiều bang pháp giới.

Tôi lại hỏi: Pháp Giới là bao nhiêu?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Như cõi chúng sinh.

Tôi hỏi tiếp: Cõi chúng sinh lại có bao nhiêu?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Như cõi hư không.

Như vậy, thưa Đại Đức! Pháp giới, cõi chúng sinh và cõi hư không là như nhau, không hai, không khác.

Tôi lại hỏi: Thưa Nhân Giả! Đức Phật xuất hiện ở đời không có đối tượng giáo hóa chăng?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Thưa Đại Đức! Như người bị bệnh nóng nên luôn miệng nói sảng: Trong đây có quỷ thần dựa nhập. Có vị thầy thuốc giỏi cho người ấy uống váng sữa, bệnh nóng được thuyên giảm, người kia không còn nói sảng nữa.

Ý Đại Đức nghĩ sao?

Trong đó có quỷ thần nào bỏ đi không?

Tôi đáp: Dạ không!

Thưa Nhân Giả! Nhờ uống váng sữa mà người ấy được hết bệnh nóng.

Bồ Tát Văn Thù lại hỏi: Thưa Đại Đức! Vị thầy thuốc ấy có phải đã làm nhiều lợi ích cho người đó không?

Tôi đáp: Thưa Nhân Giả, đúng vậy.

Bồ Tát Văn Thù nói: Thưa Đại Đức! Thế gian bị bệnh nóng điên đảo nên vô ngã cho là ngã, ở trong ngã tưởng nên bị trôi lăn trong sinh tử.

Vì vậy, Đức Như Lai xuất hiện ở đời tùy theo hình sắc của thế gian mà dạy pháp môn giải thoát thích hợp để họ biết cách giải thoát khỏi ngã tưởng, đoạn trừ điên đảo nên Ngài vì các chúng sinh ấy mà giảng nói pháp. Họ nghe pháp rồi liền được diệt trừ tất cả các tưởng, không còn chấp thủ, biết cách thoát khỏi các tưởng rồi liền vượt qua dòng sinh tử đến được bờ bên kia, đó gọi là Niết Bàn.

***