Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Bảo Khiếp

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG BẢO KHIẾP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
 

PHẦN TÁM
 

Bấy giờ, ở giữa đại chúng các ngoại đạo, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lần lượt mở bày chánh pháp như vậy, khiến cho năm trăm ngoại đạo xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh, tám ngàn ngoại đạo phát tâm cầu đạo quả chánh chân vô thượng.

Khi ấy, năm trăm đồ chúng ngoại đạo do Bồ Tát Văn Thù hóa ra đều ở trước Bồ Tát, đảnh lễ năm vóc sát đất, thưa: Nam Mô Phật Đà! Nam Mô Phật Đà!

Các ngoai đạo khác, những người chưa tin chắc, thấy năm trăm Ma nạp nói lời như vậy, họ cũng bắt chước đảnh lễ năm vóc sát đất và nói: Nam Mô Phật Đà! Nam Mô Phật Đà!

Lúc đó, Thích Đề Hoàn Nhân đưa hoa Mạn Đà La cho mọi người và bảo: Các ông hãy dâng hoa này để cúng dường Đức Phật.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và các đại chúng cung kính vây quanh cùng đi đến chỗ Đức Thế Tôn. Đến nơi, họ đảnh lễ ngang chân Phật rồi đứng qua một bên. Khi ấy, các đại chúng cũng đảnh lễ ngang chân Phật rồi đứng qua một bên.

Lúc đó, đệ tử của ngoại đạo Ni Kiền Tử dâng hoa Mạn Đà La rải cúng dường Đức Phật, đi nhiễu quanh bên phải ba vòng rồi đứng qua một bên.

Nhờ năng lực hộ trì của Bồ Tát Văn Thù, các Ma Nạp do Bồ Tát biến hóa đều thưa: Bạch Thế Tôn! Hôm nay, chúng con đến đây nhưng chẳng vì để gặp Phật.

Vì sao?

Vì Như Lai là pháp thân.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì phước đức của Chúng Tăng.

Vì sao?

Vì các Thánh Tăng của Như Lai tu pháp vô vi.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì công đức.

Vì sao?

Vì trong pháp giới không có công đức và những sự khen ngợi.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì tu đạo.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp đều là đạo hoàn hảo.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì chứng quả.

Vì sao?

Vì không có lá, hoa, hay quả nào gọi là giải thoát.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì biết khổ.

Vì sao?

Vì xa lìa hai hành được gọi là giải thoát.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì đoạn trừ tập.

Vì sao?

Vì các pháp hoàn toàn không hòa hợp.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì chứng đắc diệt.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp rốt ráo đều là diệt.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì tu đạo.

Vì sao?

Vì xa lìa có, không.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng tu niệm xứ.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp đều xa lìa xứ và chẳng phải xứ.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì tu chánh tinh tấn.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp đều xa lìa thiện, ác và vô úy.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì tu các như ý túc.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp đều chẳng có đến, đi.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì tu các căn.

Vì sao?

Vì tất cả các căn đều là nghĩa xa lìa.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì tu các lực.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp đều không có lực và chẳng phải lực.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì tu các giác chi.

Vì sao?

Vì trong đệ nhất nghĩa không có mặt của giác.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì tu chánh đạo.

Vì sao?

Vì không có sự đi đến cùng tận biên giới của thế gian.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì tu định.

Vì sao?

Vì trong định luôn luôn tịch tĩnh không khuấy động.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì tu tuệ.

Vì sao?

Vì tuệ xuất thế gian không còn gì xen tạp.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì ba minh.

Vì sao?

Vì minh ấy đều rốt ráo là không.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì pháp giải thoát.

Vì sao?

Vì bản tánh các pháp là không trói buộc.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì làm Sa Môn.

Vì sao?

Vì xa lìa các phiền não được gọi là Sa Môn.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì làm Bà La Môn.

Vì sao?

Vì đoạn trừ các hình sắc được gọi là Bà La Môn.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì làm Tỳ Kheo.

Vì sao?

Vì tánh các pháp không hư hoại.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì đạt bờ bên kia.

Vì sao?

Vì sáu nhập luôn luôn tịch diệt.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì ít ham muốn.

Vì sao?

Vì cho đến một chút ham muốn cũng không có.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì biết đủ.

Vì sao?

Vì pháp không nắm giữ.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì tịch tĩnh.

Vì sao?

Vì thân tâm không lầm lỗi.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì bạn bè.

Vì sao?

Vì không ở chung với ba cõi.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng gần gũi bạn bè.

Vì sao?

Vì không thấy có hai.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì A Lan Nhã nơi tịch mịch vắng vẻ.

Vì sao?

Vì các hành trong ba cõi đều là A Lan Nhã.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng tu pháp không tranh cãi.

Vì sao?

Vì chỉ một mình không bạn bè mới gọi là không tranh cãi.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì khất thực.

Vì sao?

Vì chúng con đã hoàn toàn đoạn trừ tưởng thực.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng sợ tất cả các hành trong sinh tử.

Vì sao?

Vì không chấp vào sự thật.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng sợ hãi tránh né tham, sân, si.

Vì sao?

Vì không có các vong tưởng phân biệt.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng siêng năng đoạn trừ kết sử.

Vì sao?

Vì tánh của tất cả các phiền não đều như như, không nhiễm ô.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng ra khỏi kiến chấp về ngã.

Vì sao?

Vì tự thân là chẳng phải thân.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng làm thanh tịnh các tri kiến.

Vì sao?

Vì tánh các phiền não đều Như Như.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng đoạn trừ các điên đảo.

Vì sao?

Vì tánh của thường, lạc, ngã, tịnh là giải thoát.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vượt qua các dòng sinh tử.

Vì sao?

Vì không thấy có bờ bên này và bờ bên kia.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng đoạn trừ năm triền cái.

Vì sao?

Vì triền cái và giải thoát đều thông suốt.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng ra khỏi các trói buộc.

Vì sao?

Vì tận cùng pháp chân thật không hề có tướng trói buộc.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì đoạn trừ sự hối hận.

Vì sao?

Vì không hối hận về chân đế gọi là Sa Môn.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng lìa bỏ nghi ngờ.

Vì sao?

Vì luôn luôn có lòng tin vào pháp giải thoát thanh tịnh.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng nhổ mũi tên ái dục lên.

Vì sao?

Vì niềm tin vào giải thoát đã thông suốt.

Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng vì Niết Bàn.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp đều là Niết Bàn hoàn hảo…

Khi các Ni Kiền Tử được biến hóa nói pháp như thế, có hai trăm Tỳ Kheo không khởi lên các lậu, tâm được giải thoát.

***