Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Thập Luân

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG THẬP LUÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẨM MƯỜI HAI

PHẨM NHẪN NHỤC
 

Lại nữa, này thiện nam! Thế nào gọi là Đại Bồ Tát phát tâm đạt được luân nhẫn đầy đủ trang nghiêm?

Nếu Bồ Tát thành tựu luân này thì từ lúc mới phát tâm có thể xa lìa năm thứ dục, mới gánh vác, làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật, cũng làm cho chúng sinh luôn tôn trọng, giữ gìn, cung kính, cúng dường.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát nhẫn nhục có hai loại: Một là thế gian, hai là xuất thế gian.

Lại nữa, Bồ Tát có nhẫn nhục hữu lậu thọ nhận các cõi, cũng không thể không nghĩ tưởng về chúng sinh, nương tựa vào quả báo, nương tựa vào công đức, cũng gọi là nhẫn nhục trụ nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, cũng gọi là nhẫn yếu kém, không có đối tượng kham nhẫn để hiển bày tâm bi đối với chúng sinh mà tu hạnh nhẫn nhục.

Đó chỉ là vui theo điều ấy mà nhẫn nhục, không vì sự an lạc của chúng sinh nên nhẫn nhục. Người nhẫn nhục như vậy thì đồng với hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật, chẳng phải là sự trang nghiêm lớn, cũng chẳng phải là Bồ Tát, chỉ có giả danh. Bồ Tát như vậy hoàn toàn không thể gánh vác, làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật. Đó gọi là luân nhẫn nhục thế gian của Bồ Tát.

Thế nào gọi là nhẫn xuất thế gian trang nghiêm lớn của Bồ Tát?

Đó là vì các chúng sinh nên tu hạnh nhẫn nhục, không có nhiễm chấp.

Nếu đối với tất cả sự việc đã tạo tác: Lời nói, tướng mạo, âm thanh, danh tự, trụ xứ của Bậc Thánh, thảy đều tùy thuận, nên không xả bỏ ba kiết, ba thọ, ba tướng, ba đời, ba cõi, ba nghiệp những việc như vậy đều không nương tựa, tâm luôn tịch tĩnh, tu hạnh nhẫn nhục. Đó gọi là luân nhẫn nhục xuất thế gian của Bồ Tát.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát thành tựu luân nhẫn nhục trang nghiêm lớn như vậy, từ lúc mới phát tâm luôn xa lìa năm thứ dục, các Đại Bồ Tát này có thể làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật, được tất cả chúng sinh giữ gìn và cúng dường.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhằm nêu lại các sự việc trên, nên nói kệ:

nhẫn nhục có hai loại

Hữu tướng và vô tướng

Tu nhẫn nhục hữu tướng

Người trí không quý trọng.

Hữu tướng nói ba nghiệp

Liền nương vào nhẫn tu

Gọi là nhẫn hữu lậu

Chẳng phải tướng đại nhân.

Ở trong bốn điên đảo

Tu nhẫn nhục không vướng

Ba nghiệp đều thanh tịnh

Nhẫn này là tối thắng.

Diệt trừ tất cả hành

Không nương tướng, vô tướng

Tâm giống như hư không

Đây là nhẫn tối thang.

Chúng sinh đều một tướng

Các pháp không, vắng lặng

Tâm đều không đắm chấp

Nhẫn này lợi rất lớn.

***