Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Thiện Xảo Phương Tiện

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG

THIỆN XẢO PHƯƠNG TIỆN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

PHẦN BA
 

Bấy giờ, vị Thiên Tử mới sinh ấy suy nghĩ: Xưa ta ở đời sinh tâm nhiễm ái, sao nay lại được quả báo tốt đẹp như thế?

Nguyên nhân này chính là nhờ vào diệu lực của Bồ Tát Tác Ái hướng dẫn. Ta nên đến chỗ Đức Thế Tôn cung kính cúng dường Đức Thế Tôn và chiêm ngưỡng đảnh lễ Bồ Tát Tác Ái.

Suy nghĩ như vậy xong, liền cùng các Thiên Nữ quyến thuộc, mang các loại hương hoa tốt đẹp, từ Cõi Trời đến chỗ Phật, đảnh lễ nơi chân Đức Thế Tôn, rồi ở trước Phật chắp tay hướng lên hư không, cung kính đảnh lễ Bồ Tát Tác Ái. Sau đó, đem các loại hương hoa, tôn trọng cung kính cúng dường Đức Thế Tôn.

Cúng dường xong, đi quanh theo phía bên phải ba vòng, chắp tay hướng về Phật, nói kệ:

Nhân Trung Tôn chẳng thể nghĩ bàn

Đại bồ đề chẳng thể nghĩ bàn

Hạnh Chư Phật chẳng thể nghĩ bàn

Pháp Chư Phật chẳng thể nghĩ bàn.

Con là cô gái thành Xá Vệ

Cha con đặt tên là Thượng Tài

Hình tướng xinh đẹp người mến phục

Cha mẹ thân tộc cũng thương yêu.

Bấy giờ có một đệ tử Phật

Đầy đủ oai đức tên Tác Ái

Đi khất thực trong thành Xá Vệ

Lần lượt đến nơi nhà của con.

Khi nghe tiếng hay của vị ấy

Vui mừng liền tự bưng thức ăn

Đem đến trước Bồ Tát Tác Ái

Hết lòng tôn kính dâng cúng dường.

Khi thấy tướng đẹp của vị ấy

Tâm sinh ái nhiễm muốn hòa hợp

Do ý muốn kia không toại nguyện

Trong khoảnh khắc con liền qua đời.

Nay con không thể nói ra hết

Nhân duyên của Bồ Tát Tác Ái

Không tương ứng với pháp ái nhiễm

Khiến mạng con hết, sinh cõi tốt.

Thế Tôn! Con tuy bỏ thân trước

Vui thay! Con dứt tướng người nữ

Thành thân nam tử oai quang lớn

Lại được sinh lên nơi Cõi Trời.

Cùng các Thiên Nữ sinh với con

Một vạn bốn ngàn làm quyến thuộc

Lại có bảy báu trang nghiêm đẹp

Cung điện nguy nga cùng lúc hiện.

Khi ấy con phát sinh tâm này

Đây là việc chẳng thể nghĩ bàn

Con do tâm ái nhiễm làm nhân

Sao được quả báo thanh tịnh ấy.

Bồ Tát Tác Ái rất hiếm có

Cũng gọi là Tác quang minh,

Tác hỷ Thân hiện oai quang lớn rực rỡ

Do nhân như thế được tốt đẹp.

Nhân nhiễm mà thành quả thế này

Thanh Văn, Duyên Giác không thể biết

Pháp ấy không có trong thừa kia

Chỉ trí thiện thệ mới khiến chuyển.

Ví như hằng hà sa số kiếp

Không thể tu học các trí Phật

Tâm con không còn vui nào khác

Chỉ cầu quả bồ đề vô thượng.

Bồ Tát Tác Ái oai đức lớn

Là thiện tri thức lớn của con

Con do vị ấy được gặp Phật

An trụ bồ đề không thoái chuyển.

Con biết người tu hạnh bồ đề.

Đối tâm ái nhiễm, không đắm vướng

Như con đã chuyển tướng nữ nhân

Xin nguyện tất cả là nam tử.

Khi con qua đời trong kiếp trước

Mẹ cha thân tộc buồn thương nhớ

Ân ái rất khổ, tâm trói buộc

Trở lại giận dữ với Sa Môn.

Con nay do sức oai thần Phật

Trong khoảng sát na đến chỗ cha

Ẩn thân trong không mà nói rõ:

Chớ sinh giận dữ với Sa Môn.

Người sinh giận dữ tội lỗi lớn

Mãi mãi lãnh chịu các khổ não

Người nữ Thượng Tài nay là con

Đã sinh nơi Cõi Trời Đao Lợi.

Chuyển tướng người nữ của đời trước

Thành thân Thiên Tử sáng rực rỡ

Cha mẹ nay hãy đến nơi Phật

Nên xin sám hối tâm giận dữ.

Phật là cha lành của chúng sinh

Là chỗ hướng về của muôn loài

Cha mẹ nghe được tiếng Phật rồi

Liền sinh tâm rộng lớn hơn lên.

Cha mẹ nương vào uy lực Phật

Nghe lời liền đến gặp Đức Phật

Đến rồi đầu mặt lễ dưới chân

Sám hối tâm giận dữ trước đây.

Thưa rằng con nay quy y Phật

Lại chắp tay thưa hỏi thế này:

Phật Pháp Tăng Bảo rất tôn thắng

Việc cúng dường nên phải thế nào?

Chỉ Phật biết được tâm ý con

Theo lời con hỏi xin Phật dạy

Thưa như vậy rồi đứng chí thành

Nhất tâm mong đợi mà lắng nghe.

Phật bảo cha mẹ của Thượng Tài:

Các ngươi lắng nghe lời ta nói

Nếu người muốn cúng dường chư

Phật Phải nên phát khởi tâm bồ đề.

Nên biết Thượng Tài con gái ông

Đã trồng căn lành năm trăm đời

Nay chuyển thân nữ làm Thiên Tử

Lại vì cha mẹ khéo dẫn đường.

Cha mẹ nghe Phật nói như vậy

Liền phát tâm bồ đề vô thượng

Hoan hỷ xưng tán nói thế này:

Đại tiên trong đời nói như thật.

Phật liền bảo Tôn Giả A Nan:

Nay ông chứng biết việc như vậy

Phương tiện Bồ Tát chẳng nghĩ bàn

Với tâm nhiễm được quả báo tịnh.

Như sự chuyển tướng của Thượng Tài

Tất cả chúng sinh cũng như vậy

A Nan! Công đức thù thắng ấy

Đều khiến chúng sinh lìa các khổ.

Nay Thiên Tử này phước báo tốt

Nơi tâm nhiễm ái thường thanh tịnh

Có thể cung kính Phật Thế Tôn

Tôn trọng đạo bồ đề vô thượng.

Nhiều kiếp đã từng cúng dường Phật

Đã trồng căn lành nơi Chư Phật

An trụ vững chắc tâm bồ đề

Chắc chắn sẽ được quả giác ngộ.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Theo ý con thì ví như núi Tu Di được tạo thành do các thứ báu, tuy các thứ báu có nhiều màu sắc mà màu hoàng kim là rực rỡ nhất. Đại Bồ Tát cũng như vậy, dù tâm thanh tịnh hay tâm cấu nhiễm hoặc tâm trụ pháp hay tâm ẩn pháp thì tuy có nhiều loại tâm khác biệt như thế nhưng tâm nhất thiết trí là cao tột.

Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát ban đầu trụ nơi tâm nhất thiết trí, đối với các pháp nhiễm đều có thể làm thanh tịnh. Lại có thuốc tên là Thiện Hiện, có thể trị được tất cả bệnh khổ của đời. Đại Bồ Tát cũng như vậy, đã trụ ở tâm nhất thiết trí rồi, nên có thể dứt trừ các bệnh phiền não tham, sân, si.

Khi ấy, Thế Tôn khen ngợi Tôn Giả A Nan: Lành thay, A Nan! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói.

Lúc đó, Tôn Giả Đại Ca Diếp tiến tới trước Phật, bạch: Bạch Thế Tôn! Rất hiếm có! Đại Bồ Tát có thể hành hạnh thanh tịnh cao tột, có thể đối với tất cả chúng sinh phát khởi tâm từ bi, thường tạo mọi lợi ích. Lại có thể tu pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, không thích pháp của hàng Thanh Văn, Duyên Giác, ở tất cả nơi chốn không hề lìa tâm nhất thiết trí, luôn đầy đủ phương tiện thiện xảo chẳng thể nghĩ bàn.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chốn hành hóa của Đại Bồ Tát là không chấp trước, không ngăn ngại. Ở trong cảnh của sắc thanh, hương, vị, xúc, hành hóa mà không chấp giữ cũng không tạo nghiệp.

Bạch Thế Tôn! Con muốn nói thí dụ làm sáng tỏ hạnh của Bồ Tát, xin Thế Tôn cho phép.

Phật bảo Tôn Giả Đại Ca Diếp: Tôn Giả vui thích nói thì hãy nêu bày, nay đã đúng lúc!

Tôn Giả Đại Ca Diếp thưa: Bạch Thế Tôn! Ví như có vô số trăm ngàn người trong thế gian, ở nơi chốn đồng rộng trống vắng hiểm nạn thấy phía trước có một cái cửa và các người ấy đều phải đi vào cửa kia để đi tiếp. Nhưng con đường ay dài rộng lại có nhiều nạn hiểm ác, nên mọi người tuy thấy đường này rồi nhưng đều sinh sợ hãi.

Bấy giờ, có một người trí tuệ gồm đủ phương tiện thiện xảo muốn đem lại lợi ích an vui cho nhiều người, liền bảo: Các người nên biết! Cách đây không xa có một thành lớn, rộng rãi, đẹp đẽ, dân chúng đông đúc sống yên ổn, giàu có, ai vào thành ấy đều được vui sướng. Vào được thành ấy tức có thể lìa các hiểm nạn, sợ hãi.

Lúc này, trong chúng có một số người, nghe như vậy rồi liền nói: Chúng tôi thích vào thành ấy. Vào thành rồi, thấy sự giàu có, an vui cho là hy hữu nên tham đắm không từ bỏ, nên đã ở lại không chịu ra.

Lại có những người nghe như vậy bèn nói: Chúng tôi cũng đi theo vào thành. Những người này tuy theo vào nhưng không thích ở đó, sau lại trở ra. Lại có những người dù nghe nói nhưng không vào thành.

Bạch Thế Tôn! Người có trí kia đã qua khỏi thành, lại đi tiếp trên vùng đồng trống vắng hiểm nạn, ra khỏi quãng đường ấy thì thấy một con đường nhỏ, hẹp chỉ khoảng một thước, bên trái đường có một hầm lớn sâu tới trăm ngàn khuỷu tay, phía bên phải đường cũng có mot hầm lớn, sâu như hầm kia, nếu như có người rơi vào các hầm này thì không thể ra khỏi.

Bốn hướng của đường nhỏ ấy, một số người nói: Ở đây chúng tôi rất sợ hãi. Lại cách đường nhỏ này không xa là ngả tư đường, co nhiều người qua lại trên ấy. Theo hướng họ đi, người nào cũng đều thấy được thành lớn. Đúng như chỗ cùng trông thấy, mỗi người tùy theo sự ứng hợp mà sinh vui thích. Khi đó, người trí kia thấy rõ con đường nhỏ rồi, liền đi theo đường ấy đến nơi an ổn.

Bạch Thế Tôn! Vô số trăm ngàn người nơi thế gian là hàng phàm phu ngu si. Một cửa là chấp lấy duy nhất có thân. Nơi chốn đồng trống vắng hiểm nạn kia thấy con đường lớn đó là đường sinh tử hiểm nạn. Con đường lớn ấy nên biết đó là vô minh, hữu, ái làm nhân nên phải thọ lấy quả rất xa rộng.

Người trí có thể làm người hướng dẫn, nên biết đó là Đại Bồ Tát có đủ phương tiện thiện xảo. Thành lớn tức là Niết Bàn mà hàng nhị thừa đã chứng. Có những người vào thành lớn ấy, vui thích an trụ không cầu ra khỏi, nên biết đó là hàng Thanh Văn, Duyên Giác tin hiểu còn thấp, sinh tưởng dừng nghỉ.

Những người cũng theo vào thanh ấy nhưng không muốn ở lại, sau lại trở ra, nên biết đó là các Bồ Tát khác thành tựu tâm tin hiểu vượt bậc. Một số người, tuy nghe nói nhưng không vào thành, nên biết đó là các ngoại đạo không có trí, ít phước.

Người có trí đã vào thành này, lại ra khỏi con đường rộng nơi chốn đồng hoang trống vắng, nên biết đó là Đại Bồ Tát gồm đủ phương tiện thiện xảo, hành tinh tấn Ba La Mật. Con đường nhỏ chỉ rộng một thước nên biết đó là phap giới cao tột. Hầm bên trái ấy nên biết là bậc Thanh Văn. Hầm bên phải tức là bậc Duyên Giác. Bốn hướng nơi đường nhỏ có một số người nói lời sợ hãi, ấy là các Thiên ma và quyến thuộc của ma.

Đường ngả tư tức là pháp môn bốn nhiếp. Theo hướng đi, mọi người đều thấy được thành lớn, nên biết là hàng nhị thừa, tùy theo chỗ thích ứng, thấy rõ công đức Phật, thấy nẻo hành hóa của Phật và sinh tâm ưa thích trí tuệ Phật. Khi đó, người trí đi tới nơi an ổn nên biết là đạt đến bậc nhất thiết trí.

Bạch Thế Tôn! Con đã nêu các ví dụ như vậy, nên biết đều là phương tiện thiện xảo của Đại Bồ Tát, dẫn dắt chúng sinh, là thắng hạnh tối thượng của Bồ Tát. Do nghĩa này, nên con đối với Đại Bồ Tát luôn cung kính đảnh lễ.

***