Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Thiện Xảo Phương Tiện

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG

THIỆN XẢO PHƯƠNG TIỆN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

PHẦN BẢY
 

Khi ấy, Như Lai dùng uy lực gia trì, trong bảy ngày đêm không vào thôn xóm. Lúc đó, có sáu mươi ức thiên nhân, sau bảy ngày đã đến chỗ Phật, Đức Phật tùy theo căn cơ, giảng nói giáo pháp, ai cũng liền đạt được trí Tam Muội Trí chứng.

Lại vì duyên gì, xưa Như Lai trong ba tháng ăn lúa mạch của ngựa?

Do vì Như Lai muốn làm cho các Bà La Môn, trưởng giả, sinh tâm cho la điều ít có, lại thành tựu được việc lợi ích.

Vì sao thế?

Vì lúc ấy, ta cùng với năm trăm Bí Sô thấy thiện căn đời trước của năm trăm con ngựa kia đã thuần thục. Vì từ nhiều đời trước, năm trăm ngựa này là người đã từng gần gũi cúng dường Phật, Như Lai, đã ở trước Phật phát tâm bồ đề, sau, nhân do gặp tri thức ác phá hoại pháp thiện, nên gây tạo các nghiệp ác, do báo ứng đó, nay thọ thân ngựa.

Lại, năm trăm ngựa này xưa kia đã từng phát thệ nguyện lớn với Bồ Tát Nhật Tạng, do đã phát thệ nguyện lớn từ đời trước, nay lại gặp Bồ Tát Nhật Tạng, dùng pháp bồ đề làm phương tiện giáo hóa khiến được độ thoát. Năm trăm ngựa này do oai lực của Bồ Tát và năng lực thệ nguyện của chúng nên có thể nhớ được việc đời trước.

Này Bồ Tát Trí Thượng! Ta thấy đám ngựa ấy có nhân duyên này nên thương xót muốn hóa độ, mới cùng các Bí Sô qua chỗ ngựa, lấy lúa mạch đó mà ăn.

Ta ăn xong, lại đem trao cho năm trăm Bí Sô. Khi ấy, năm trăm ngựa kia nhờ năng lực của thiện căn từ đời trước, nên thấy Phật và chúng Bí Sô ăn lúa mạch của ngựa, liền lễ Phật và Bí Sô, trải qua ba tháng, năm trăm ngựa kia thảy đều chết, được sinh lên Cõi Trời Đâu Suất.

Từ Cõi Trời ấy, tất cả cùng đi đến chỗ Phật, cung kính tôn trọng, chiêm ngưỡng, đảnh lễ cúng dường. Phật liền tùy theo căn cơ của họ mà giảng nói giáo pháp. Các Thiên Tử thảy đều được đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, trụ nơi bậc bất thoái chuyển. Vì thành tựu việc lợi ích lớn cho năm trăm ngựa ấy nên Như Lai ăn lúa mạch của ngựa.

Này Bồ Tát Trí Thượng! Phải biết các thức ăn uống hiện có, Như Lai ăn vào đều là thức ăn hảo hạng. Giả sử đất và sữa đường trong cõi tam thiên đại thiên, Như Lai ăn hai thứ thức ăn này đều trở thành vị ngon như nhau.

Vì sao?

Vì ngay nơi lưỡi của Như Lai thường được vị ngon, đó là tướng của bậc đại nhân. Do duyên này nên biết, tất cả thức ăn Chư Phật Như Lai đều là món ăn ngon bậc nhất.

Khi ấy, Như Lai nói với Tôn Giả A Nan: Ông từ bỏ ngôi Vua Chuyển Luân, xuất gia tu đạo, đối với các chúng sinh luôn có tâm thương xót.

Nay ông ăn lúa của ngựa này có được mùi vị gì?

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Lúa mạch của ngựa này thật là hiếm có. Con xưa tuy sống trong cung Vua nhưng chưa từng được mùi vị rất ngon này. Lúc đó Tôn Giả A Nan ăn lúa mạch rồi, trong bảy ngày luôn hoan hỷ an lạc.

Này Bồ Tát Trí Thượng! Lúc nọ ta cùng năm trăm Bí Sô kia kiết hạ an cư xong, mỗi người trở về chỗ ở của mình. Trong số năm trăm Bí Sô, có bốn mươi Bí Sô ăn lúa mạch của ngựa, tuy đối với mùi vị ấy nghĩ tưởng là thanh tịnh, rồi trở lại nghĩ nhớ về các khổ ăn gạo lức. Nơi bảy đêm nghĩ như vậy họ đều đắc quả A La Hán.

Này Bồ Tát Trí Thượng! Nên biết Như Lai tuy ăn lúa mạch của ngựa, nhưng đó không phải là quả báo do nghiệp chướng từ đời trước, mà vì nhằm tạo lợi ích lớn cho chúng sinh. Lại làm cho các Sa Môn, Ba la mật tu giới thanh tịnh, khởi tâm hy hữu. Lại khiến cho tất cả chúng sinh có thể làm đúng như lời, phải biết Như Lai hết thảy là tối thắng, các việc đã làm không hề hủy hoại pháp.

Lại vì duyên gì, Như Lai bảo Tôn Giả Ca Diếp: Ta bị đau lưng, ông có thể vì ta giảng nói pháp bảy giác chi.

Do nhân duyên này: Lúc đó có tám ngàn Thiên Tử cung kính tập hợp. Các Thiên Tử ấy đối với Phật, Pháp, Tăng Bảo chưa từng sinh tâm tin tưởng thanh tịnh.

Khi được nghe pháp bảy giac chi do Tôn Giả Ca diếp nói rồi thì tâm tin của họ dần được khai ngộ, liền đến chỗ của Tôn Giả Ca Diếp, Ca Diếp vì tám ngàn Thiên Tử giảng nói rộng, phân biệt về pháp bảy giác chi, khiến các Thiên Tử ấy tức thời đều đắc tam muội Trí chứng, bèn tự suy nghĩ: Chúng sinh có bệnh nên chẳng thể nghe pháp, nếu người nghe pháp thì bệnh được tiêu trừ. Như Lai là Đại Pháp Vương vì cớ hiện bệnh khiến cho Tôn Giả Đại Ca Diếp giảng nói pháp bảy giác chi.

Tại sao chúng ta không thích nghe pháp?

Các Thiên Tử kia nghĩ vậy rồi liền đối với Phật, Pháp tâm được thanh tịnh. Vì do lợi ích như thế nên Như Lai mới hiện tướng đau lưng, để cho Đại Ca Diếp giảng nói pháp bảy giac chi, nên biết đó là phương tiện thiện xảo, không phải việc báo ứng của nghiệp chướng từ đời trước.

Lại vì duyên gì, xưa có Bà La Môn tên Trang Nghiêm Tràng, trong một lúc hướng đến Phật Thế Tôn nói lời bất thiện.

Lúc đó Phật không hề tức giận?

Do vì Như Lai đối với hàng thiên, nhân trong bốn chúng nơi pháp hội lớn, đã được đầy đủ năng lực về nhẫn, tùy ý quán sát các cảnh, không sinh tức giận. Khi ấy Như Lai đối với các chúng sinh trụ nơi tâm bình đẳng, tâm cứu hộ, tâm an trụ, tâm hòa dịu, tâm dũng mãnh.

Lúc Đức Như Lai trụ ở các tâm đó, có bốn ngàn chúng sinh phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Do nhân duyên tạo lợi ích, nên Như Lai đối với Bà La Môn Trang Nghiêm Tràng không sinh tức giận. Nên biết Như Lai đều dùng phương tiện thiện xảo, không phải việc thật do báo ứng của nghiệp chướng từ đời trước.

Này Bồ Tát Trí Thượng! Ta nhớ thuở xưa, khi còn là Bồ Tát, ta ở nơi nào, Đề Bà Đạt Đa cũng thường theo bên ta.

Vì sao?

Vì Đề Bà Đạt Đa tuy đến chỗ ta tìm cách nhiễu hại nhưng lại làm cho ta hành trì viên mãn sáu Ba la mật đa, có thể làm cho vô lượng chúng sinh được lợi ích lớn. Đó là, hoặc có lúc muốn làm cho chúng sinh được an vui lớn, nhưng ta không thể hành nhiếp pháp bố thí thì Đề Bà Đạt Đa liền đến chỗ ta xin vợ con, nô tỳ, đầu, mắt, tay, chân, khi ấy ta liền có thể bố thí cho.

Vì có thể bố thí nên người kia nói: Như vậy mới gọi là làm được việc khó làm, có thể khiến chúng sinh phát sinh thiện căn.

Khi ta hành bố thí như vậy, có vô lượng chúng sinh phát tâm yêu mến, đối với hạnh bố thí tin hiểu được thanh tịnh.

Lại có khi ta dùng nguyện lực bồ đề, trụ hành tịnh giới, Đề Bà Đạt Đa lại đến chỗ ta muốn phá tịnh giới. Khi ấy ta cứng rắn không động, không hủy hoại giới hạnh, có vô lượng chúng sinh thấy việc này rồi thảy đều trụ nơi giới địa thanh tịnh.

Lại có khi Đề Bà Đạt Đa đối với ta phát sinh tức giận, đánh mắng, lúc đó ta không sinh khởi tâm sân giận, giữ tâm nhẫn nhục, có vô lượng chúng sinh thấy việc này rồi, đều thực hành theo hạnh nhẫn nhục. Do Đề Bà Đạt Đa nên ta được viên mãn các hạnh tinh tấn, thiền định, trí tuệ v.v… và làm cho vô lượng chúng sinh đạt được lợi ích lớn.

Này Bồ Tát Trí Thượng! Nên biết Đề Bà Đạt Đa dù sinh ý muốn nhiễu hại ta, nhưng lại làm cho ta tăng trưởng pháp thiện, vì các chúng sinh làm việc lợi ích. Vì vậy biết Chư Phật Như Lai dùng phương tiện thiện xảo, đối với việc làm của các chúng sinh, đều không làm hư hoại báo ứng đã có.

Lại, Như Lai xem xét rộng khắp ở cõi chúng sinh. Chúng sinh nào gây nhân như vậy, thì quả báo như vậy, tùy theo sự quán sát rồi nêu bày các phương tiện hóa độ họ.

Này Bồ Tát Trí Thượng! ta đã nói các pháp môn như trên, đều là phương tiện thiện xảo cao tột. pháp môn như vậy không nên nói với trước chúng sinh thiện căn thấp kém.

Vì sao?

Vì có chúng sinh tuy đã gieo trồng thiện căn tương ưng với hàng Thanh Văn, Duyên Giác, nhưng cũng không thể tu học đúng như lý trong phương tiện thiện xảo cao tột này.

Vì sao?

Vì không pháp là pháp khí. Ta chỉ vì họ tu pháp Bồ Tát, nên nói đúng như thật. Giống như người mù ở trong đêm tối, dù có ánh sáng cũng không thể thấy tất cả cảnh tướng. Nếu người có mắt, ở trong đêm tất sẽ thấy được ánh sáng kia.

Đại Bồ Tát cũng như vậy, có thể soi sáng, xem thấy tất cả cảnh tướng. Bồ Tát đã tu pháp hạnh tối thắng, lại có thể đạt đầy đủ phương tiện thiện xảo, nên mọi thắng hạnh hiện có của Chư Phật, các pháp môn giải thoát của Chư Phật đều có thể thông đạt.

Này Bồ Tát Trí Thượng! Nếu các thiện nam, thiện nữ có chí cầu đạt đạo quả bồ đề vô thượng, vì ưa thích pháp nên dù ở ngoài trăm ngàn do tuần, nếu có nơi giảng nói về pháp môn phương tiện thiện xảo như vậy, cũng không sợ xa liền đến nghe nhận.

Vì sao?

Vì người nghe pháp ấy rồi tâm liền được sáng suốt rộng lớn, việc làm thanh tịnh, đối với Phật Pháp không còn nghi ngờ. Cho nên biết trong bốn chúng, trời, người, đó là pháp khí, vui thích nghe nhận pháp này. Người không phải pháp khí, tuy được nghe nhưng không sinh tâm ưa thích.

Khi Phật giảng nói pháp này, có bảy vạn hai ngàn chúng sinh phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Lúc ấy Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Kinh này tên là gì?

Con phải thọ trì như thế nào?

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Kinh này tên Chánh Pháp Của Phương Tiện Thiện Xảo Ba La Mật Đa. Cũng gọi là chánh pháp của tất cả bí mật Ba la mật đa tối thắng. Tên gọi như vậy, ông nên theo đấy mà thọ trì, giảng nói, lưu hành rộng cho đời sau, khiến cho các chúng sinh đều được lợi ích lớn.

Phật giảng nói Kinh này rồi, Tôn Giả A Nan và các Thanh Văn, Bồ Tát Trí Thượng và các Đại Bồ Tát, cho đến thế gian trời, người, A Tu La, Càn Thát Bà v.v… tất cả đại chúng, nghe Phật giảng nói đều hết sức vui mừng, tin nhận làm theo.

***