Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Thiện Xảo Phương Tiện

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG

THIỆN XẢO PHƯƠNG TIỆN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

PHẦN BỐN
 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi Tôn Giả Đại Ca Diếp: Lành thay! Lành thay! Đại Ca Diếp! Ông đã nói thí dụ rất hợp lý.

Khi Đức Phật khen ngợi Tôn Giả Đại Ca Diếp như thế, trong chúng hội có một vạn hai ngàn chúng sinh, được thân Trời, Người, đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Phật bảo Tôn Giả Đại Ca Diếp: Ông nên biết! Đại Bồ Tát đạt đủ phương tiện thien xảo, đã có thể thành tựu vô lượng công đức. Ở bất cứ lúc nào, tuy có hành hóa nhưng không gây tạo các nghiệp bất thiện, với mình với người luôn xa lìa lỗi lầm.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Trí Thượng ở trong pháp hội thấy việc như vậy, nghe pháp như vậy, nên cung kính bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Do đâu thuở xưa, khi con là Bồ Tát nhất sinh bổ xứ, ở trong pháp của Như Lai Ca Diếp từng nói: Vì sao cạo bỏ râu tóc, vì sao cầu đạo bồ đề mà bồ đề này là cao tột khó được.

Xưa đã nói như vậy là có nghĩa gì?

Xin Phật vì con mà giảng giải.

Phật bảo Đại Bồ Tát Trí Thượng: Này Bồ Tát Trí Thượng! Chớ nói như thế! Nên biết hành hóa gì, lời nói gì của Đại Bồ tat cũng đều có lợi ích.

Vì sao! Vì Đại Bồ Tát luôn có đầy đủ phương tiện chẳng thể nghĩ bàn. Thấy các Bồ Tát tùy chỗ nên ở, đối với các chúng sinh tùy theo căn cơ thích hợp mà điều phục giáo hóa. Tất cả chỗ hành hóa đều không xa lìa phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Này Bồ Tát Trí Thượng! ta nay vì ông giảng nói rộng về chánh pháp thâm diệu nơi phương tiện thiện xảo của Đại Bồ Tát. Ông hãy lắng nghe, suy nghĩ cho kỹ.

Này thiện nam! Như khi xưa ta làm Bồ Tát, vào thời Phật Nhiên Đăng, đã thành tựu phương tiện chẳng thể nghĩ bàn, ở trong Pháp Phật ấy đã chứng được pháp nhẫn vô sinh, từ đó về sau ta hành trì Bồ Tát nhẫn nhục, vì cầu bồ đề nên lại cang tinh tấn.

Trong một kiếp hoặc trăm kiếp, chưa từng biếng trễ, chưa từng chán bỏ, chưa từng quên mất, luôn luôn ở trong cõi luân hồi, dùng phương tiện thiện xảo để cứu độ chúng sinh, dùng năng lực từ trí tuệ của mình làm gì cũng đều được thành tựu, không còn tưởng an trụ vào đời sau, vì nhằm tạo lợi ích cho chúng sinh nên không hề ngưng nghỉ, phải biết đấy đều là phương tiện thiện xảo của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, này thiện nam! Khi ta làm Bồ Tát, vì cầu đạo quả bồ đề nên tuy nhập vào định tịch tĩnh của Thanh Văn, cho đến nhập vào định của Bồ Tát, thì hoặc thân hoặc tâm không tưởng đến nhập và xuất. Tuy có được cái vui tịch tĩnh nhưng không chấp trước.

Tuy ở nơi định nhưng luôn tinh tấn không lười trễ, luôn đem sáu Ba la mật đa, bốn nhiếp pháp giáo hóa chúng sinh, mọi hành hóa chưa từng ngưng nghỉ. Nên biết, đây là phương tiện thiện xảo của Đại Bồ Tát.

Này thiện nam! Khi ta lam Bồ Tát, đã được bậc Nhất sinh bổ xứ, bèn muốn thành đạo, chuyển bánh xe pháp, nên ở cùng Trời Đâu Suất quan sát như thật: ta nay ở trong Cõi Trời này thành Đẳng Chánh Giác vì mọi người chuyển bánh xe pháp, hay là vao trong cõi người thành Đẳng Chánh Giác?

Quan sát vậy rồi lại nghĩ: Nếu ta ở nơi Cõi Trời làm việc lợi ích, thì người nơi Cõi Diêm Phù Đề không được nghe pháp. Nếu ở Cõi Diêm Phù Đề tạo việc lợi ích thì Chư Thiên sẽ khong được nghe pháp. Ta nên tùy theo căn cơ, nên hạ sinh xuống cõi Diêm Phù Đề thành tựu đạo quả Đẳng Chánh Giác thì Chư Thiên cũng đạt được lợi ích.

Bồ Tát lại suy nghĩ quán sát: Nếu ta biến mất ở cung Trời Đâu Suất này, sinh xuống nhân gian không vào thai tạng, hiện tướng thọ sinh, chỉ trong khoảnh khắc liền thành Bậc Chánh Giác thì sẽ có chúng sinh ở Cõi Diêm Phù Đề sinh ý nghĩ: Bồ Tát Thích Ca này từ chỗ nào đến?

Từ nơi Cõi Trời hay trong chúng Càn Thát Bà, hoặc từ sự biến hóa mà đến?

Do sự việc ấy, nên ta biến mất ở cung Trời Đâu Suất, hạ sinh xuống Cõi Diêm Phù Đề, tùy thuận theo thế gian, nhập vào thai mẹ. Nên biết đây là phương tiện thiện xảo của Đại Bồ Tát.

Này thiện nam! Bồ Tát tuy ở trong thai mẹ, nhưng chúng sinh nơi thế gian không nên đối với với việc này nghĩ là thật.

Vì sao?

Vì Bồ Tát vốn từ tam muội Vô cấu tịch tĩnh an nhiên mà ra, biến mất khỏi cõi trơi, sinh xuống nhân gian, thọ sinh nơi thai mẹ, xuất gia tu khổ hạnh, cho đến ngồi nơi Đạo Tràng bồ đề, thành bậc Đẳng Chánh Giác, chiến thắng chúng ma, chuyển bánh xe pháp lớn, tất cả việc đã làm như vậy, Bồ Tát ở đấy đều thanh tịnh, không nhiễm, không động, không chuyển, không hiện, không mất. Do nghĩa ấy, phải rõ là theo hành thanh tịnh thì Bồ Tát không ở trong thai mẹ. Nên biết đây là phương tiện thiện xảo của Đại Bồ Tát.

Lại vì duyên gì, Bồ Tát chỉ hiện sinh nơi bào thai mà không hiện sinh bằng cách khác?

Vì Bồ Tát đối với tất cả chúng sinh là tối thượng, tối thắng, là phần thanh khiết thuần nhất không chút tạp nhiễm. Do tướng hiện sinh nơi bào thai như vậy, nên phải biết đây là phương tiện thiện xảo của Đại Bồ Tát.

Lại khi Bồ Tát bắt đầu vào thai mẹ, tướng ấy như thế nào?

Lúc Bồ Tát vào thai mẹ, sạch sẽ cả trong lẫn ngoài, an ổn, không khó khăn, không khổ sở, không bực bội, như sự thọ hưởng an lạc nơi ngày trước trong Cõi Trời.

Khi Bồ Tát vào thai mẹ cũng lại tương ưng với lạc thọ như vậy, không như dòng yết la lam của cha mẹ nơi thế gian, cấu uế không sạch làm tướng nhập thai.

Lại vì duyên gì, Bồ Tát ở trong thai mẹ, đủ mười tháng không thêm bớt?

Vì Bồ Tát không giống với người thế gian trụ nơi thai mẹ, số lượng ngày tháng có tăng có giảm. Do tăng giảm nên thai tạng không trọn, các căn thiếu, giảm.

Vậy nên Bồ Tát ở trong thai tạng tròn đủ mười tháng, các căn đầy đủ không có thêm bớt. Phải biết đây là phương tiện thiện xảo của Đại Bồ Tát.

Lại vì duyên gì, Bồ Tát không thích nơi cung điện mà lại sinh trong vườn cây?

Vì Bồ Tát trong thời gian dài, xa lìa chốn ồn ào, thích nơi vắng lặng, tu hạnh tịch tĩnh, có các chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà v.v… thường hộ vệ. Bồ Tát muốn cho tất cả mọi người trong thành Ca Tỳ La đem các hoa hương tùy hỷ cúng dường và ai cũng được chiêm ngưỡng. Vì nhân duyên này nên Bồ Tát sinh nơi vườn cây.

Lại vì duyên gì, mẹ của Bồ Tát vịn nơi nhánh cây sinh ra Bồ Tát?

Vì mẹ của Bồ Tát không như mẹ của người đời, khi sinh sản thường tương ưng với khổ thọ nên bị khổ não lớn. Còn Phu nhân Ma Da khi sinh Bồ Tát thì tương ưng với lạc thọ nên được sự an vui lớn. Do duyên này nên mẹ của Bồ Tát vịn nơi nhánh cây sinh ra Bồ Tát.

Lại vì duyên gì, Bồ Tát ở trong thai mẹ có thể nhớ biết được việc nơi ba đời, cho đến các việc vào thai, ở trong thai, Bồ Tát đều biết?

Vì Bồ Tát hành thanh tịnh là tối thượng, tối thắng trong ba cõi. Đối với tất cả các pháp luôn chánh niệm hiện tiền không chỗ nào quên mất. Do đó, tuy Bồ Tát ở trong thai, nhưng cũng đều nhớ biết tất cả các việc.

Lại vì duyên gì, khi Bồ Tát sinh, được Thiên Chủ Đế Thích đến hộ vệ?

Lúc Bồ Tát vừa sinh ra Đế Thích liền lại đỡ Bồ Tát mà không phải là các người, trời khác?

Vì Thiên chủ Đế Thích trước đã phát nguyện lớn: Khi Bồ Tát đản sinh sẽ giữ gìn, hộ vệ. Do sức của căn lành xưa, nên khi Bồ Tát đản sinh liền được Vua Trời Đế Thích đến hộ vệ.

Lại vì duyên gì, khi Bồ Tát sinh rồi đối với bốn phương, mỗi phương liền đi bảy bước, không bớt xuống sáu, cũng không thêm lên tám bước?

Vì Bồ Tát theo phương tiện thích ứng với thần thông biến hóa, nên hiện tướng như vậy. Do duyên này nên chỉ đi bảy bước, không có thêm bớt.

Lại vì duyên gì, đã đi bảy bước liền nói: Ở thế gian này, ta là tối thượng tối thắng, vì đã có thể thoát khỏi sinh già bệnh chết?

Vì các Thiên Tử nơi cõi Phạm Thiên, nghe Bồ Tát sinh đều đến chiêm ngưỡng, đảnh lễ, tùy theo căn cơ của mỗi người mà được lợi ích.

Khi ấy, Bồ Tát liền nghĩ: Chỉ có Thiên Tử nơi các cõi Phạm biết được việc này. Ta nay muốn khiến cho tất cả đều được nghe biết.

Nghĩ vậy rồi mới nói rõ: Trong thế gian này ta là bậc tối tôn, tối thắng, đã có thể thoát khỏi sinh già bệnh chết.

Khi nói rõ lời ấy, các chúng Thiên Tử và chúng Phạm trong ba ngàn đại thiên Thế Giới, nghe tiếng như vậy, nên trong khoảnh khắc, hết thảy đều đến chỗ Bồ Tát, chắp tay cung kính, tùy hỷ khen ngợi tán thán.

Do duyên ấy nen mới nói rõ: Ở thế gian này ta là tối tôn, tối thắng.

Này Bồ Tát Trí Thượng! Vì nhân duyên gì, khi Bồ Tát sinh hiện ra tướng cười?

Không lẽ do Bồ Tát trạo cử mà hiện tướng ấy?

Bồ Tát vừa sinh ra suy nghĩ thế này: ta muốn khiến cho tất cả chúng sinh đều có thể cùng ta phát tâm bồ đề, ta đạt được bồ đề rồi, sẽ cứu độ hết thảy chúng sinh ra khỏi khổ não nơi luân hồi. Đối vơi việc cứu độ này, ta không hề có ý nghĩ biếng trễ. Ta xem thấy hết thảy chúng sinh đều dấy khởi tâm thấp kém, tác ý mê loạn, đối với đạo giải thoát không thể phát sinh sự tinh tấn rộng lớn.

Đây là nghĩa thế nào?

Đó là do có đầy đủ tâm đại bi nên có thể phát khởi tinh tấn. Các chúng sinh kia không thể làm được như vậy, nên ta muốn khiến họ thành tựu được sự tinh tấn rộng lớn, đạt được đạo giải thoát cao tột, vì thế nên ta chọn lấy quả nhất thiết trí. Do nhân duyên này mà tâm sinh hoan hỷ, vì hoan hỷ nên biểu hiện thành tướng cười, không phải là tướng trạo cử của Bồ Tát.

Lại vì duyên vì, thân của Bồ Tát vốn không dơ mà phải tắm gội?

Do từ vô lượng kiếp đến nay, tuy Bồ Tát lìa mọi sự cấu nhiễm, nhưng nay hiện sinh, thuận theo thế gian nên có sự gội tắm thân thể.

Lại vì nhân duyên gì, sau khi Bồ Tát sinh rồi không từ nơi vườn cây đến thẳng Bồ Đề Đạo Tràng, thành tựu bậc Đẳng Chánh Giác, mà lại vào trong cung Vua, sự việc ấy như thế nào?

Do Bồ Tát có oai đức đầy đủ, thân tướng viên mãn, những người đã chiêm ngưỡng đều được lợi ích, nên Bồ Tát vào cung Vua, làm cho tất ca quyến thuộc, cung tần được nhìn thấy.

Lại muốn ở trong cung Vua làm những việc vui thú, thuận theo thế gian thọ hưởng diệu lực. Tuy là có hành động mà không có sự thật, cho đến tất cả tài sản, ngôi vị Vua Chuyển Luân Bồ Tát đều từ bỏ hết để xuất gia tu hành, do nhân duyên này nên Bồ Tát vào trong cung Vua.

Lại vì nhân duyên gì, khi Bồ Tát sinh được bảy ngày thì phu nhân Ma Da qua đời, có phải là lỗi của Bồ Tát không?

Nghĩa là Bồ Tát khi ở Cõi Trời Đâu Suất sắp đản sinh vào thai mẹ, trước hết dùng thiên nhãn xem xét tận tường, thấy tuổi thọ của phu nhân Ma Da còn đủ mười tháng, bảy ngày sau đó sẽ qua đời. Thấy thế rồi Bồ Tát bèn nhập vào thai, trải qua mười tháng thì đản sinh. Vì nhân duyên ấy nên khi Bồ Tát đản sinh, bảy ngày sau thì phu nhân Ma Da qua đời, tuổi thọ đã hết, không phải là lỗi của Bồ Tát.

Lại khi Bồ Tát chưa xuất gia đã học hết các thứ học thuật trong thế gian, đó là văn chương, toán học, chú thuật, công nghệ, cho đến các việc cung, tên, vũ khí v.v… những sự học như vậy, ý nghĩa thế nào?

Tức là Bồ Tát vì muốn điều phục thế gian để hiển thị sự tối thắng.

Vì sao?

Vì trong Thế Giới tam thiên đại thiên này không một người nào có tài năng học hơn Bồ Tát. Do nhân duyên ấy nên khi Bồ Tát chưa xuất gia cũng đã học đủ như vậy.

Lại vì duyên gì, khi chưa xuất gia Bồ Tát đã cưới vợ có con, và có rất nhiều cung tần thể nữ, các quyến thuộc, có phải là Bồ Tát có tâm tham ái không?

Bồ Tát tuy hiện thân tướng đồng như thế gian nhưng không phải là Bồ Tát có tâm tham ái.

Vì sao?

Vì Bồ Tát là người đã dứt bỏ tham ái, ở trong tham ái, hành động theo nhưng không cho đó là sở hữu của mình. Bồ Tát cưới công chúa Da Du Đà La làm vợ, vì muốn cho Da Du Đà La mãn thệ nguyện từ đời trước.

Vào kiếp trước, ở thời Phật Nhiên Đăng, Da Du Đà La đã phát nguyện: Con nguyện được ở trong pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni, làm con gái của dòng họ Thích, trồng các căn lành. Vì lời nguyện từ đời trước của Da Du không hư dối nên nay Bồ Tát cưới Da Du làm vợ, khiến cho Da Du mau chóng thành tựu được căn lành. Tùy thuận theo tướng của thế gian làm như vậy, nhưng tâm của Bồ Tát không gây ra lỗi, sau đó đều từ bỏ để xuất gia tu hành.

Có sinh người con là La Hầu La vì người đời sẽ chê trách: Nếu không có con để nuôi dưỡng kế thừa thì không phải là trượng phu. Bồ Tát muốn tránh sự chê trách này nên cùng với Da Du Đà La sinh con là La Hầu La, nhưng La Hầu La không phải sinh từ Yết La Lam cấu uế của cha mẹ mà nên biết, vị ấy đã bỏ thân từ nơi Cõi Trời, liền hóa sinh vào cõi này.

Có sự tập hợp các cung tần thể nữ, quyến thuộc rất nhiều là vì Bồ Tát muốn tùy theo căn cơ của mọi người để hướng dẫn chỉ dạy, làm cho họ đạt được lợi ích trọn vẹn, sau đó từ bỏ để xuất gia tu hành.

Bồ Tát ở trong cung đem pháp Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác chỉ dạy hướng dẫn cho bốn vạn hai ngàn cung tan thể nữ, khiến đều vun trồng được thiện căn bồ đề, còn các cung nữ khác thì chỉ có lòng tin thanh tịnh an trụ nơi chánh kiến.

Vì thế nên biết, các Đại Bồ Tát tu hạnh Bồ Tát, thuận theo tướng thế gian, ở trong cung cưới vợ có con, tập hợp quyến thuộc, cung tần thể nữ rất đông, cho đến vui theo năm dục, các việc làm ấy đều là không thật, luôn trong sạch, tinh khiết, lìa các việc cấu nhiễm, không luyến ái, không tham đắm, không động, không chuyển.

Bồ Tát chỉ vì giáo hóa tất cả chúng sinh, làm viên mãn nguyện đời trước và khiến cho thiện căn được thuần thục nên dùng vô số nguyện lực thần thông, phương tiện thiện xảo, biến hóa sinh ra, biến hóa hoạt động. Ở trong pháp thần thông tự tại đạt được định an vui vắng lặng, tùy theo việc làm đều được lợi ích.

***