Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Thiện Xảo Phương Tiện

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG

THIỆN XẢO PHƯƠNG TIỆN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật ở tại khu vườn rừng Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ, cùng với chúng Đại Bí Sô tám ngàn người và một vạn sáu ngàn Bồ Tát. Các vị Bồ Tát này đều có đủ phương tiện trí tuệ thần thông, chứng đắc đại Tổng trì, biện tài vô ngại.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở nơi pháp tòa lớn có trăm ngàn đại chúng cung kính vây quanh nghe Phật thuyết pháp.

Khi ấy, trong pháp hội có một Đại Bồ Tát tên là Trí Thượng, từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai áo bên phải, gối phải quỳ sát đất, làm lễ nơi chân Phật, rồi chắp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con có đôi điều muốn thưa hỏi, xin Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác thương xót cho con được hỏi.

Phật bảo Bồ Tát Trí Thượng: Này thiện nam! Cho phép ông hỏi, nay đã đúng lúc. Chư Phật, Như Lai luôn tùy theo điều người thưa hỏi mà giảng nói thích ứng khiến người nghe luôn hoan hỷ.

Đại Bồ Tát Trí Thượng liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát dùng phương tiện thiện xảo?

Xin Thế Tôn phân biệt giảng nói.

Phật bảo Đại Bồ Tát Trí Thượng: Này thiện nam! Ông nên biết Đại Bồ Tát có đủ phương tiện thiện xảo, dùng một phương tiện làm cho khắp tất cả chúng sinh đều tu hành đúng như lý.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát luôn có đủ phương tiện thiện xảo, cho đến ở trong cõi ác nơi các loài bàng sinh khác, Đại Bồ Tát cũng đem tâm nhất thiết trí bình đẳng tạo các phương tiện, rồi liền đem căn lành này hồi hướng về khắp tất cả chúng sinh, khiến họ tu hành theo hai pháp.

Những gì là hai?

Đó là tâm nhất thiết trí và tâm hồi hướng.

Thiện nam! Như thế gọi là phương tiện thiện xảo của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ Tát có đầy đủ phương tiện thiện xảo, đối với các chúng sinh đã có căn lành, không nghĩ đến việc hủy hoại, thường đối với điều họ ưa thích sinh tâm tùy hỷ, rồi liền đem căn lành tùy hỷ ấy hồi hướng cho tất cả chúng sinh, lại đem tâm nhất thiết trí thí khắp cho hết thảy các loài. Tuy có tâm bố thí nhưng tất cả đều không chấp giữ, cũng không có chỗ thủ đắc.

Thiện nam! Như vậy gọi là phương tiện thiện xảo của Đại Bồ Tát.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đầy đủ phương tiện thiện xảo.

Hoặc khi đi qua mười phương Thế Giới, cho đến tất cả các nơi chốn, thấy tất cả những cây hoa, cây hương nhiệm mầu đẹp đẽ, Bồ Tát thấy rồi không khởi một niệm muốn lấy, lại nghĩ: Cây hương, cây hoa này không phải là vật để ta chiếm dụng, mà phải dâng cúng lên tất cả Chư Phật nơi mười phương, liền đem căn lành như vậy hồi hướng về nhất thiết trí.

Thiện nam! Như vậy gọi là phương tiện thiện xảo của Đại Bồ Tát.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đầy đủ phương tiện thiện xảo, theo chỗ hướng đến, thấy tất cả chúng sinh hưởng các sự an vui, khi đó Bồ Tát sinh tâm tùy hỷ, liền đem căn lành tùy hỷ này hồi hướng ve nhất thiết trí.

Lại nữa, nếu Bồ Tát đi đến đâu, hoặc thấy tất cả chúng sinh chịu các khổ não, lúc đó Bồ Tát sinh tâm thương xót, liền mặc áo giáp tinh tấn phát nguyện: Tôi xin chịu thế tất cả các khổ não cho hết thảy chúng sinh, nguyện cho khắp chúng sinh đều được an vui, liền đem căn lành này hồi hướng về bồ đề vô thượng.

Thiện nam! Như vậy gọi là phương tiện thiện xảo của Đại Bồ Tát.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đầy đủ phương tiện thiện xảo, tùy theo nơi chốn, nếu lễ một Phật Như Lai, tức là đồng thời lễ các Chư Phật Như Lai.

Vì sao?

Vì Chư Phật Như Lai cùng một pháp tánh, cùng một phẩm giới, cùng một phẩm định, phẩm tuệ, phẩm giải thoát, phẩm giải thoát tri kiến. Cũng lại đồng một tâm ý cao tột. Bồ Tát hiểu rõ như vậy rồi, cho đến cung kính cúng dường một Phật Như Lai cũng đồng như cung kính cúng dường hết thảy Chư Phật Như Lai. Bồ Tát đem tâm rộng lớn gồm thâu tất cả.

Thiện nam! Như vậy gọi là phương tiện thiện xảo của Đại Bồ Tát.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đầy đủ phương tiện thiện xảo, hoặc thấy người tu tập đại thừa nhưng đối với pháp ấy sinh tâm thoái chuyển, khi đó Bồ Tát liền nghĩ: Ta nên vì người ấy xưng tán một bài kệ bốn câu, làm cho người ấy theo đúng như lý mà tu học, khiến tâm không thoái chuyển.

Nghĩ rồi liền nói: Này các người tu tập đại thừa, nếu đối với bài kệ bốn câu ấy, hiểu rõ được ý nghĩa, tức có thể đối với tất cả ngôn ngữ thông suốt hết các nghĩa lý, tức không sinh tâm thoái lui. Ta đã nói bài kệ bốn câu, nếu người nào có thể nghe nhận, tức liền được biện tài của Chư Phật. Ta sẽ đem căn lành này bố thí khắp tất cả chúng sinh, đều nguyện cho họ đạt được đa văn đầy đủ, bao gồm các biện tài vô ngại của Chư Phật.

Thiện nam! Như vậy gọi là phương tiện thiện xảo của Đại Bồ Tát.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát đạt đầy đủ phương tiện thiện xảo, hoặc lúc đến chỗ những người nghèo cùng hành khất, Bồ Tát sinh tâm thương xót liền nghĩ: Nghiệp của họ đã tạo, nhất định phải chịu quả báo, ta nên đối với họ hoa hợp vui vẻ, tùy theo ý muốn của họ mà bố thí. Như Phật đã nói trong việc bố thí có bốn hành tướng.

Đó là: Bố thí với tâm lớn, bình đẳng. Việc ta bố thí này tuy ít nhưng với tâm nhất thiết trí thì lại vô lượng. Nếu ta bố thí cho người nghèo khổ hành khất bằng tâm nhất thiết trí, thì nhờ diệu lực của thiện căn này sẽ được tay báu thường phát ra các thứ châu báu, thí khắp tất cả chúng sinh. Bố thí cho người nghèo khổ như vậy tức có thể ngang bằng với việc tu phước hạnh như bố thí, trì giới, thiền định của Phật Thế Tôn hiện tại không khác.

Thiện nam! Như vậy gọi là phương tiện thiện xảo của Đại Bồ Tát.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát đạt đầy đủ phương tiện thiện xảo, có lúc cùng ở với hàng Thanh Văn, Duyên Giác, khi ấy, Bồ Tát đối với hai thừa chỉ sinh tâm cung kính. Nếu chúng Thanh Văn, Duyên Giác ấy hoặc do hai việc mà sinh khởi tướng ngã.

Những gì là hai?

Một là Bồ Tát sinh ra Chư Phật, Thế Tôn. Hai là Chư Phật, Thế Tôn sinh ra hàng Thanh Văn, Duyên Giác.

Hàng Nhị thừa do sự việc ấy mà nghĩ: Ở đây ta là cao tột, làm sao có thể sinh tâm cung kính đối với kẻ kia được. Bồ Tát tuy nghe nói như vậy nhưng vì dùng phương tiện nên tâm không nghĩ khác.

Thiện nam! Như vậy gọi là phương tiện thiện xảo của Đại Bồ Tát.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát đạt đầy đủ phương tiện thiện xảo, có thể ở trong một hạnh bố thí thành tựu được sáu pháp Ba la mật.

Hành tướng ấy như thế nào?

Nghĩa là bất kỳ ở đâu, Bồ Tát thấy người đến xin, khi ấy Bồ Tát thâu phục tâm tham lam keo kiệt, tùy theo ý họ muốn mà thí cho. Đây gọi là Bồ Tát thành tựu bố thí Ba la mật.

Khi bố thí như vậy, Bồ Tát tự giữ gìn giới hạnh, lại có thể giáo hóa người phá giới, rộng độ làm cho họ được an trụ nơi giới thanh tịnh. Đây gọi là Bồ Tát thành tựu giữ giới Ba la mật.

Khi bố thí như vậy, Bồ Tát lấy tâm từ làm đầu, lại không sinh tâm hủy hoại mà trụ vào tâm cứu hộ, tâm bình đẳng. Lúc sinh khởi tâm như thế gọi là Bồ Tát thành tựu nhẫn nhục Ba la mật.

Khi bố thí như vậy, hoặc thức ăn nước uống và các nhu cầu khác, tùy theo đó mà bố thí, Bồ Tát tới lui dừng nghỉ, đối với thân, miệng, ý không sinh mệt mỏi. Đây gọi là Bồ Tát thành tựu tinh tấn Ba la mật.

Khi bố thí như vậy, tùy chỗ bố thí, tâm Bồ Tát luôn trụ ở một cảnh không sinh tán loạn. Đây gọi là Bồ Tát thành tựu thiền định Ba la mật.

Khi bố thí như vậy, Bồ Tát đều nhận biết người thí như vậy, người nhận như vậy, đều được quả báo gì, nên mọi nêu bày so sánh thảy đều bình đẳng, trong đó không một chút pháp nào có thể thủ đắc. Đây gọi là Bồ Tát thành tựu trí tuệ Ba la mật.

Thiện nam! Như vậy gọi là Đại Bồ Tát dùng phương tiện thiện xảo ở trong một hành bố thí thành tựu được sáu phap Ba la mật.

Lúc ấy, Đại Bồ Tát Trí Thượng lại bạch Phật: Hy hữu thay Thế Tôn! Trong hạnh bố thí của Đại Bồ Tát mới có các phương tiện thiện xảo như vậy. Dùng phương tiện ấy nên có thể giải thoát mọi khổ não nơi luân hồi cho tất cả chúng sinh, bao gồm tất cả pháp tạng của Chư Phật.

Phật bảo Bồ Tát Trí Thượng: Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói. Các Đại Bồ Tát đạt đủ phương tiện thiện xảo, nên có thể ở trong một hạnh bố thí mà thành tựu lợi ích của vô lượng thắng hạnh.

Đức Thế Tôn lại bảo Đại Bồ Tát Trí Thượng: Thiện nam! Ông nên biết! Đại Bồ Tát đạt đủ phương tiện thiện xảo, giả như lúc nào đó bị tội rất nặng, nhưng Bồ Tát ấy cũng không làm hư hoại thiện căn.

Vì sao không làm hư hoại?

Vì Bồ Tát hoặc có lúc gặp tri thức xấu ác khuyên làm thoái lui đạo ý vô thượng, bị tội rất nặng.

Khi ấy, Bồ Tát tự suy nghĩ: Nếu ngay bây giờ, đối với thân này ta chứng lấy Niết Bàn, chấm dứt đời sau, không còn phải mặc áo giáp tinh tấn, thì làm sao có thể độ thoát mọi khổ não nơi luân hồi cho chúng sinh?

Ta không nên vì sự việc này mà tự hủy hoại tâm kia.

Vì sao?

Vì ta nguyện ở trong luân hồi độ thoát tất cả chúng sinh, dù có tội rất nặng cũng không làm dứt mất thiện căn.

Thiện nam! Như vậy gọi là phương tiện thiện xảo của Đại Bồ Tát.

Này thiện nam! Nếu Bồ Tát xuất gia có tâm phân biệt, ý nghĩ riêng khác thì đã mắc bốn tội căn bản. Bồ Tát ấy nếu có đủ phương tiện thiện xảo thì tùy lúc phát sinh mà liền sám hối.

Thiện nam! Ta nói Bồ Tát ấy là người không có tội.

Đại Bồ Tát Trí Thượng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao Bồ Tát cũng có tội?

Phật bảo Đại Bồ Tát Trí Thượng: Nếu nói Bồ Tát không có tội, thì sao Bồ Tát ở trong trăm ngàn kiếp, học giới Ba La Đề Mộc Xoa, có người phạm tội căn bản?

Thiện nam! Ông nên biết, đối với những lời thiện, lời ác của tất cả chúng sinh, các vị Bồ Tát ấy đều có thể nhẫn. Nhưng do tác ý tương ưng với pháp Thanh Văn, Duyên Giác nên nói Bồ Tát ấy đã mắc bốn tội căn bản.

Như hàng Thanh Văn đã phạm tội căn bản rồi thì không thể chứng đắc Niết Bàn. Bồ Tát xuất gia cũng như vậy, bị tội này mà không kịp thời sám hối ngay, cùng tác ý với Thanh Văn, Duyên Giác thì không thể tiến tới chứng đắc cảnh giới Niết Bàn.

Khi đó, Tôn Giả A Nan bèn đi tới trước chỗ Phật bạch: Bạch Thế Tôn! Trong thành Xá Vệ có một Bồ Tát tên Quang Tụ Vương, một hôm con vào thành khất thực, không thấy Bồ Tát ấy, lúc đó Bồ Tát Quang Tụ Vương đang ở nơi một thôn xóm, cùng với một người nữ đồng ngồi một chỗ, nói những lời phi pháp. Con đến thấy như vậy nhưng họ không lẫn tránh, lại còn nói pháp phạm hạnh.

Bạch Thế Tôn! Phật, Như Lai của con là Đạo Sư của tat cả chúng sinh, việc gì cũng biết, việc gì cũng thấy, việc gì cũng hiểu rõ, con trông thấy hành tướng như thế, vậy sự việc ấy là thế nào?

Xin Phật chỉ dạy.

Lúc Tôn Giả A Nan nói lời này xong thì nơi pháp hội của Phật mặt đất rung động.

Khi ấy, Bồ Tát Quang Tụ Vương hiện thân trên không, cao một cây Đa La, hỏi Tôn Giả A Nan: Thưa Tôn Giả A Nan! Theo ý của Tôn Giả thì thế nào?

Người phạm phi pháp sao có thể trụ ở hư không như vậy?

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan ở trước Đức Như Lai, hướng lên hư không hỏi: Bồ Tát Quang Tụ Vương! Như vừa rồi tôi đã nêu bày sự tướng, vì sao Bồ Tát tạo sự phi pháp ấy?

Tôn Giả A Nan nói lời này vừa dứt, Đức Thế Tôn bèn dùng chân ấn xuống đất, tức thì các Thế Giới nơi phương khác đều có Chư Phật Thế Tôn hiện ra trong hư không, nói rõ: Bồ Tát ấy đã lìa phi pháp, Ta chứng biết việc này. Chư Phật Thế Tôn ấy nói xong liền ẩn vào hư không.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả A Nan: Ông không nên đối với bậc Bồ Tát trụ nơi đại thừa mà tưởng có lỗi lầm.

Này Tôn Giả A Nan! Ví như quả thứ nhất và thứ hai trong thừa Thanh Văn, người cầu đạo vô lậu không lấy làm khó, Đại Bồ Tát đạt đủ phương tiện thiện xảo cũng như vậy, cầu nhất thiết trí không lấy làm khó.

Vì sao?

Vì Bồ Tát đã lìa các sự trói buộc của quyến thuộc, đã có thể an trụ nơi Phật, Pháp, Tăng Bảo, không hủy hoại tâm thanh tịnh, không còn thoái lui nơi quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Tôn Giả A Nan nên biết! Nếu có người trụ nơi thừa Bồ Tát, không lìa tâm nhất thiết trí thì dù đối với pháp của năm dục mà vui hưởng cũng không có lỗi lầm. Do đó, Chư Phật Như Lai chứng đắc đầy đủ năm căn là nghĩa như vậy.

Tôn Giả A Nan, như ông đã thấy, nhân duyên việc ấy của Bồ Tát Quang Tụ Vương, ta sẽ vì ông giảng nói sự thật.

Này Tôn Giả A Nan! Ông nên biết, Bồ Tát Quang Tụ Vương đi vào thôn xóm cùng ngồi một chỗ với người nữ, tức người nữ ấy nơi hai trăm đời quá khứ đã cùng làm vợ chồng với Bồ Tát.

Vì thế nên đời này, người nữ kia khi thấy Bồ Tát Quang Tụ Vương đầy đủ giới lực, oai quang an lành rồi, do nghiệp của đời trước nên sinh ý nghĩ sai lầm, nhưng nhờ năng lực của thiện căn nên nghĩ: Nếu ta được Bồ Tát Quang Tụ Vương này đến nhà của ta, cùng ngồi một chỗ, cũng có the giúp ta phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này Tôn Giả A Nan! Khi ấy, Bồ Tát Quang Tụ Vương biết ý nghĩ của người nữ ấy, nên liền trong đêm đến nhà người nữ đó, cùng ngồi một chỗ, giảng nói vô số pháp môn cho người ấy. Bấy giờ, nhà của người nữ trong ngoài đều bằng phẳng rộng rãi sạch đẹp.

***