Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Thiện Xảo Phương Tiện

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG

THIỆN XẢO PHƯƠNG TIỆN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

PHẦN NĂM
 

Khi Bồ Tát ở trong cung, tuy thọ nhận tất cả voi, ngựa, nô tỳ nhưng hết thảy đều do nguyện lực thù thắng vốn có từ đời trước, nên được thọ hưởng, Bồ Tát vì sự thành tựu đó nên tiếp nhận. Do nhân duyên này nên biết Bồ Tát hiện tướng cưới vợ, có con chẳng phải do tâm tham ái.

Lại vì duyên gì, vào một lúc nọ, Bồ Tát đi đến bên gốc cây Diêm Phù ngồi kiết già, khi ấy tuy ánh nắng mặt trời di chuyển, nhưng bóng cây vẫn không di chuyển.

Tướng ấy là thế nào?

Vì Bồ Tát muốn cho bảy ức hàng trời, người được lợi ích nên hiện tướng như vậy.

Lại vì duyên gì, Bồ Tát ra khỏi thành dạo chơi nơi các khu viên lâm thấy sự sinh già bệnh chết, sinh sợ hãi?

Do Bồ Tát đã lìa mọi sự sợ hãi của sinh già bệnh chết, nên khi thấy tướng này bèn hiện sự kinh sợ là muốn làm cho chúng sinh khởi tâm lo sợ nhàm chán.

Lại vì sao, Bồ Tát vượt thành xuất gia vào lúc nửa đêm mà không phải là ban ngày?

Bồ Tát chọn lúc nửa đêm là muốn làm cho tất cả mọi người trong thành Ca Tỳ La Vệ đều không nhìn thấy. Lại nữa, Bồ Tát muốn làm cho thiện căn của mình được tăng trưởng, pháp thiện đầy đủ, thanh tịnh viên mãn, xả bỏ tất cả việc vui, do đó Bồ Tát nửa đêm vượt thành xuất gia.

Lại khi Bồ Tát ra khỏi cung Vua rồi, đi đến rừng khổ hạnh tự tay cắt tóc.

Vua cha là Tịnh Phạn nghe được việc này trong tâm không tin: Con ta sao lại cắt tóc?

Sau biết được sự thật, Vua rất buồn khổ.

Vậy tướng này là thế nào?

Bồ Tát sở dĩ cắt tóc vì muốn cho các chung Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, người không phải người nơi thế gian trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới nhìn thấy nhục kế an lành, oai quang cao tột của Phật mà chiêm ngưỡng cung kính đảnh lễ, được lợi ích lớn. Do duyên này nên Bồ Tát tự cắt tóc.

Bồ Tát lại có ngựa chúa Ca sa ca là giống đẹp thuần, người cầm cương có thể điều khiển tốt. Khi Bồ Tát cưỡi ngựa ra khỏi cung Vua, ngựa vui mừng đưa Bồ Tát đi, sau đó mới từ giã.

Vậy tướng ay là thế nào?

Nghĩa là Bồ Tát hoan hỷ từ bỏ không luyến tiếc tất cả những gì mình yêu mến, muốn cho tất cả chúng sinh đời sau tu học trong pháp của mình, lìa các tham ái, chấp trước, như Bồ Tát bây giờ. Lại muốn cho các hàng xuất gia trong đời mạt pháp vì chánh mạng mà xuất gia học đạo. Do duyên này nên từ bỏ ngựa chúa.

Lại vì duyên gì, Bồ Tát ở nơi vắng lặng, trải qua các việc khó khăn trong sáu năm tu khổ hạnh, có phải là Bồ Tát do nghiệp chướng khác mà chiêu cảm quả báo ấy?

Đó là Bồ Tát đã dứt hết các chướng ngại, không có khổ báo, các việc đã làm chỉ là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Này Thiện Nam!

Trước ông đã hỏi ta là khi làm Bồ Tát nhất sinh bổ xứ đã từng nói: Vì sao Bồ Tát lại cạo bỏ râu tóc?

Làm sao cầu đạo bồ đề?

Mà bồ đề này rất khó đạt, nhân duyên ấy không phải là không tạo được lợi ích. Ta sẽ vì ông giảng nói rõ về sự thật. Ta nhớ vào đời quá khứ, ở trong pháp của Đức Như Lai Ca Diếp, ta làm Bồ Tát tên là Hộ Minh, khi ấy ta dùng phương tiện thiện xảo, đối với các chúng sinh tùy theo căn cơ, luôn khiến cho họ được lợi ích.

Lúc đó, có năm người Bà La Môn là con của các dòng họ lớn, trước ở trong pháp của thừa Bồ Tát tu các phạm hạnh, sau vì gặp phải bạn ác làm cho quên mất tâm đại bồ đề.

Năm người Bà La Môn ấy cùng nghĩ: Chúng ta đã gặp được pháp bồ đề, ma nay khởi tâm này là tương ưng với dị kiến.

Bấy giờ, ta biết được ý ấy liền dùng phương tiện để dẫn dắt, ở trước họ nói: Vì sao cạo bỏ râu tóc?

Làm sao cầu bồ đề, mà bồ đề này rất khó đạt được?

Năm người Bà La Môn khi nghe lời này, đều nghĩ: Vì sao Bồ Tát Hộ Minh nói lời như vậy?

Bồ Tát biết ý nghĩ ấy, lại bảo: Vì sao cạo bỏ râu tóc?

Làm sao cầu bồ đề, mà bồ đề này rất khó đạt được?

Lúc ta nói như vậy rồi, liền an trụ trong pháp môn chân thật bình đẳng và cùng năm người Bà La Môn đồng ở một nơi.

Bấy giờ, có hai người, người thứ nhất tên Kiệt Trí Ca La, người thứ hai tên Cống Bà Ca La đi đến chỗ ta và năm người Bà La Môn.

Trước tiên xưng tụng tán thán công đức cao tột của Như Lai Ca Diếp, sau nói với ta và năm người Bà La Môn: Chúng ta có thể đến chỗ của Đức Ca Diếp Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác.

Lúc ấy, ta nghĩ: Thiện căn của năm người Bà La Môn này chưa thuần thục, nếu cùng đến chỗ Đức Phật Ca Diếp mà ta xưng tụng công đức cao tột của Như Lai Ca Diếp thì năm người Bà La Môn ấy không thể tán thán được.

Suy nghĩ rồi, ta bảo hai người kia: ta tự biết lúc nào nên đi. Nói thế rồi, ngay nơi pháp Bát Nhã Ba La Mật đa, ta trụ vào không chỗ trụ. Nhờ sự hộ trì của Bát Nhã Ba La Mật đa, từ đó sinh ra phương tiện thiện xảo.

Ta liền nói với năm người Bà La Môn: Ta vừa nói với các ông vì sao cạo bỏ râu tóc?

Làm sao cầu bồ đề, mà bồ đề này rất khó đạt được?

Đối với nghĩa như vậy các ông chưa hiểu, ta sẽ giải thích cho các ông.

Vì nghĩa gì mà bồ đề khó được?

Vì Bồ Tát đối với Bát Nhã Ba La Mật Đa, không có tưởng hành, không có tưởng trụ. Tức là đối với bồ đề không trí, không đắc, quán xét như thật đều không có chỗ thủ đắc. bồ đề ấy là không ở bên trong, không ở bên ngoài, không ở giữa, không thể dùng thân mà được, không thể dùng tâm mà được, tận cùng trong không, tất cả đều không thủ đắc.

Do vậy, lúc nãy ta nói với các ông: Vì sao cạo bỏ râu tóc?

Làm sao cầu bồ đề?

Mà bồ đề này rất khó đạt được. Phải biết, đây là lời nói chân thật.

Khi năm người Bà La Môn nghe pháp này rồi, tâm liền được khai ngộ, an trụ nơi pháp đại thừa như cũ. Ta nói như thế rồi, trụ vào tất cả pháp với tâm không thủ đắc, liền rời khỏi nơi ấy và đi một mình đến ở một chỗ khác.

Lúc đó, năm người Bà La Môn kia cũng vẫn ở chỗ cũ. Khi ấy, Kiệt Trí Ca La và Cống Bà Ca La, hai người nương nơi sức oai thần của Phật, lại đến chỗ đó khuyên bảo dẫn dắt, làm cho năm người Bà La Môn đồng đến chỗ của Phật Ca Diếp.

Ta xem thấy căn duyên của năm người Bà La Môn đã thuần thục rồi, liền cùng với hai vị ấy và năm người Bà La Môn đi đến chỗ Đức Ca Diếp Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác. Đến nơi Phật rồi, đều đảnh lễ nơi chân Phật.

Hai vị kia do năng lực của thiện căn từ đời trước nên thấy được tướng hảo của Phật, tâm mỗi người đều được thanh tịnh. Năm người Bà La Môn thấy Như Lai sắc tướng quang minh, oai đức an nhiên, tâm sinh vui mừng, đều nhờ vào năng lực của thiện căn từ đời trước, nên phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác trở lại.

Khi đó, ta bạch Phật: Thiện căn của năm người Bà La Môn này đã thuần thục, xin Phật hóa độ.

Bấy giờ, Đức Ca Diếp Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác vì họ mà giảng nói tạng pháp của Bồ Tát, tùy theo căn cơ mà họ có thể hiểu rõ, tức thời đều đạt được pháp nhẫn Vô sinh. Đức Như Lai Ca Diếp thọ ký cho ta được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Ta được thọ ký rồi, bạch Phật Ca Diếp: Năm người Bà La Môn này do Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác tiếp nhận, làm cho họ thấy được Như Lai, lại vì họ giảng nói pháp tạng của Bồ Tát, giáo hóa hướng dẫn cho họ đều được pháp nhẫn. Bồ Tát cầu đạo bồ đề của Phật, không còn thoái lui.

Này Bồ Tát Trí Thượng! Xưa, ta ở trong pháp của Như Lai Ca Diếp, khi còn làm Bồ Tát nhất sinh bổ xứ, đã nói: Vì sao cạo bỏ râu tóc?

Làm sao cầu bồ đề?

Mà bồ đề rất khó đạt được. Nói lời đó rồi, ta đều vì họ mà mở bày dẫn dắt, do nhân duyên ấy nên họ được lợi ích. Vì vậy nên biết, những lời ta nói đều lợi ích, đều là phương tiện thiện xảo của Đại Bồ Tát, không phải lỗi lầm, không phải pháp bất thiện.

Nếu có chúng sinh nào ít biết ít thấy, hoặc đối với Sa Môn, Bà La Môn nào giữ giới thanh tịnh, mà nói lời không có nghĩa, tức cho trí là phi trí thì người nói lời này không thể tạo được lợi ích an vui lâu dài, chỉ cùng tương ưng với khổ thọ, khiến các chúng sinh này gây tạo nghiệp bất thiện thì đó là người lỗi lầm.

Đại Bồ Tát thì không như vậy, tất cả nghiệp chướng đều đã dứt sạch, lại không còn bị một chút nghiệp chướng nào. Bồ Tát chỉ vì chúng sinh diệt trừ các pháp ác làm cho họ có thể chứng được đạo giải thoát.

Này Bồ Tát Trí Thượng! Vì nhân duyên xưa nên biết là như thế.

Ta có trải qua sáu năm khổ hạnh làm việc khó làm, chỉ vì nhằm điều phục các ngoại đạo, lại muốn cho các chúng sinh phát khởi tinh tấn, nên một ngày chỉ ăn một hạt mè, một hạt gạo, là muốn cho thân thể được thanh tịnh. Do nhân duyên này nên tu khổ hạnh trong sáu năm, chẳng phải là do nghiệp tàn dư mà chiêu cảm quả báo.

Khi xưa, trong thời gian ta tu khổ hạnh sáu năm, có năm trăm vạn Thiên Chúng và tiên chúng đều được Tam Muội trí thông. Thế nên biết ta tu hạnh này là dùng phương tiện thiện xảo để tạo lợi ích.

Lại nữa, sau khi Bồ Tát nhận bát cháo sữa xong, sức lực hồi phục, mới đi đến bồ đề Đạo Tràng, thành Bậc Chánh Giác.

Sao Bồ Tát không để cho thân ấy gầy ốm tiều tụy rồi đến bồ đề Đạo Tràng thành Bậc Chánh Giác?

Vì Bồ Tát thương xót tất cả chúng sinh nơi đời sau, nên nhận bát cháo sữa, thọ thực xong mới thành Chánh Giác.

Vì sao?

Vì chúng sinh nơi đời sau đều nhờ sự ăn uống giúp thêm sức khỏe. Có các chúng sinh cầu đạo quả, nếu không nhờ sự ăn uống để nuôi thân họ thì không thể tăng tiến, hoặc sẽ sinh tâm thoái chuyển.

Nếu người nhờ sự ăn uống trơ giúp thân thể sẽ được an ổn, nhờ được an ổn nên nhớ được các pháp thiện, mới có thể tăng tiến, hướng cầu đạt đạo quả. Ta muốn cho chúng sinh nơi đời sau làm theo như vậy, nên ban đầu nhận sự ăn uống, sau mới tiến tu đạo.

Lại vì muốn cho người mục nữ dâng cúng cháo sữa kia được đầy đủ nhân bố thí, thành tựu pháp bồ đề phần, nên khi ta nhận thức ăn xong, ngồi nơi Đạo Tràng chứng đắc quả bồ đề. Có thể trải qua ngàn kiếp ở trong một Tam Ma Địa, đều nhờ sự ăn uống trợ lực, vì nhân duyên này nên nhận bát cháo sữa kia.

Lại nữa, Bồ Tát đã ngồi trên tòa Kim cang bên cội bồ đề, vì sao không mau chứng quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mà trước đó còn hàng phục các quân ma?

Bởi vì, không nơi nào có thể dung chứa các chúng ma ác. Nếu Bồ Tát không dùng phương tiện thiện xảo để dung nạp, các ma ác kia sẽ gây rối loạn cho tất cả chúng sinh.

Vì thế, Bồ Tát ngồi nơi tòa suy nghĩ: Nay ta đã thành Đẳng, Chánh Giác, nhưng các chúng sinh trong Thế Giới Tam thiên Đại Thiên này, có chúng sinh nào tâm không vui mừng?

Nghĩ rồi, xem xét biết tâm của các ma ác không vui mừng mà muốn nhiễu hại Bồ Tát.

Lúc ấy, Bồ Tát lại suy nghĩ: ta không nên cùng ma chiến đấu, chỉ dùng thần thông biến hóa để hàng phục đám ma kia, và làm cho tất cả chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, người không phải người, thấy được tướng sư tử diệu dụng nơi thần thông tự tại của Bồ Tát, phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Do nhân này nên khiến đều sẽ chứng đắc Niết Bàn tối thượng. Bồ Tát nghĩ thế rồi, liền từ giữa chặng mày phóng ra ánh sáng lớn, soi khắp Thế Giới Tam thiên Đại Thiên, làm cho tất cả ánh sáng nơi cung điện của các ma đều bị mờ tối.

Trong ánh sánh ấy phát ra lời nói: Nơi đây có con của Vua Tịnh Phạn, thuộc chung tộc Thích Ca, từ bỏ ngôi vị Chuyển Luân Vương, xuất gia tu đạo, đến bồ đề Đạo Tràng chứng đắc đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Khi lời ấy phát ra, lại có vô số bốn chúng trời, người, đến chỗ của Bồ Tát cung kính chiêm ngưỡng, đảnh lễ. Lúc đó, tất cả Ma Vương và quyến thuộc của ma, thấy việc này rồi thì hết sức kinh sợ, bỏ chạy tứ tán, bị mũi tên ưu buồn cắm vào tim rất đau khổ.

Các chúng ma ác càng tăng thêm tức giận, trong khoảnh khắc hóa làm bốn loại binh, vây kín xung quanh bồ đề Đạo Tràng hàng trăm do tuần, biến hiện đủ loại để quấy rối. Bấy giờ Bồ Tát trụ nơi tâm đại bi, tuy thấy các tướng ấy nhưng không lay động, Bồ Tát liền dung bàn tay có màn lưới báu biểu hiện tướng hàng ma, khiến các ma ác đều bị hàng phục.

Lúc đó có tám mươi bốn ức chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, người, không phải người v.v… đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Do nhân duyên này, nên trước tiên Bồ Tát hiện tướng hàng ma, phải biết đều là phương tiện thiện xảo của Đại Bồ Tát.

Lại vì duyên gì, Như Lai chứng đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng Chánh Giác, ngồi kiết già trong bảy ngày đêm, nhìn chăm chú vào cây bồ đề, lặng yên bất động?

Bởi vì, Cõi Sắc có các Thiên Tử tu hạnh tịch tĩnh, thấy Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác ngồi kiết già, tâm rất vui mừng, suy nghĩ thế này: Trong bảy ngày đêm, Như Lai chỉ trụ tâm vào một chỗ vắng lặng, vì tâm này không thể thủ đắc.

Khi nghĩ như thế, có ba vạn hai ngàn Thiên Tử nơi Cõi Sắc phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, vì ta muốn làm cho người tu hành trong đời sau đều có thể tu được hạnh vắng lặng như vậy. Do nhân duyên ấy, Như Lai đã được đạo bồ đề, trong bảy ngày đêm nhìn chăm chú vào cây bồ đề, lặng yên bất động.

Lại, khi Như Lai đã được đạo bồ đề, vì sao lúc ban đầu Phạm Vương thỉnh Thế Tôn chuyển bánh xe pháp?

Nhân duyên này là vì có các Phạm chúng cầu xin Phạm Vương tùy nghi thuyết pháp.

Vì sao?

Vì các Phạm chúng kia cho, có thể nương tựa theo Phạm Vương, lại cho là Phạm Vương có thể sinh ra Phạm chúng ở thế gian này, lại không ai sinh trước Phạm Vương.

***