Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Thiện Xảo Phương Tiện

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG

THIỆN XẢO PHƯƠNG TIỆN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

PHẦN SÁU
 

Khi ấy, Phạm Vương suy nghĩ: Đức Như Lai Đại Sư là bậc tôn kính của thế gian, tùy nghi thích ứng đều biết hết căn cơ của chúng sinh, vậy ta nên cầu thỉnh Ngài nói pháp.

Nghĩ vậy rồi, liền đến Bồ Đề Đạo Tràng, thỉnh cầu Thế Tôn chuyển bánh xe pháp. Khi Phạm Vương thỉnh cầu, có sáu trăm tám mươi vạn Phạm chúng phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Do duyên ấy, nên Phạm Vương là vị thỉnh Phật chuyển bánh xe pháp đầu tiên.

Này Bồ Tát Trí Thượng! đại viên cảnh trí của Như Lai có thể soi rõ tất cả tâm hành, lời nói của chúng sinh. Tất cả việc làm không chỗ nào là không dung nạp, thấy rõ biên vực ban đầu của chúng sinh. Người có đủ thiện căn, người không đủ thiện căn, đủ các loại chúng sinh, đủ các loại nghiệp báo, thảy đều hiện rõ trong đại viên cảnh trí. Cho đến việc làm, sự báo ứng của Phật, Như Lai cũng hiện trong đó.

Bồ Tát đến Bồ Đề Đạo Tràng thành Đẳng Chánh Giác, đầy đủ tất cả pháp thiện, công đức cao tột. Như Lai đã dứt trừ tất cả pháp bất thiện, đã có thể làm thanh tịnh tất cả chướng ngại buộc ràng, đã có thể xa lìa tất cả tội lỗi. Công đức như vậy, đại viên cảnh trí đều có thể soi rõ.

Lại nữa, này Bồ Tát Trí Thượng! Do tâm đại bi của Như Lai phát sinh phương tiện thien xảo, rộng vì tất cả chúng sinh mà cứu độ. Giống như vị thầy thuốc giỏi hiểu rõ mọi thứ thuốc men, tùy theo từng căn bệnh mà cho thuốc, hòa hợp các vị thuốc ngọt, cay, đắng, tùy bệnh để cho uống, đều trừ được bệnh.

Đại Sư Như Lai cũng vậy, có đầy đủ các thứ phương tiện thiện xảo, làm bậc đại y vương, khéo trị bệnh cho chúng sinh, tùy theo mỗi chúng sinh có bệnh gì, theo đúng bệnh của họ, dùng phương tiện thiện xảo để chữa trị, làm cho họ đều được giải thoát.

Lại như ở thế gian, đứa con mới sinh ra, mẹ hiền cho bú mớm, nuôi dưỡng, thương yêu, giữ gìn khiến không chút bệnh khổ xâm nhập. Nếu sau đó có bệnh, người mẹ liền tìm thuốc hay cho uống để được bình phục.

Con đã bình phục rồi, mới được yên vui, Như Lai Đại Sư cũng như vậy, làm cha của tất cả thế gian, thấy các chúng sinh tưởng như con của mình, không để chúng sinh có sự buồn khổ. Nếu thấy chúng sinh tạo nghiệp như thế, bị quả báo như thế thì Như Lai tùy theo chỗ thích hợp, dùng phương tiện thiện xảo để cứu độ đạt giải thoát.

Này Bồ Tát Trí Thượng! ta đã nói như vậy nên biết đó là phương tiện thiện xảo.

Lại nữa, này Bồ Tát Trí Thượng! ta nhớ về đời quá khứ, lúc đó có năm trăm người khách buôn vào biển tìm vật báu.

Lại có một nguời khách buôn tánh tình lanh lợi, cứng rắn, mạnh mẽ nhưng xấu ác, trên đường đi biển bỗng gặp đoàn người kia, người này liền sinh ý ác mưu tính muốn được châu báu, liền tự suy nghĩ: Ta nên bày cách giết chết các người buôn kia, đoạt lấy châu báu trở về châu Diêm Phù Đề, hưởng sự vui sướng.

Trong số năm trăm người kia có một chủ buôn tên là Thiện Ngự, tánh tình hiền hòa, thường thương yêu tất cả mọi người.

Khi vị này nằm nghỉ, trong mộng chợt thấy tướng của vị thần biển cả hiện ra nói với chủ buôn: Ông nên biết, ngoài các bạn buôn của ông, còn có một người khác tánh tình hung ác, tên gọi như thế, hình dáng như thế, người ấy sinh tâm mưu hại muốn cướp đoạt châu báu, suy nghĩ phải mau giết hết các ông để đoạt lấy vật báu trở về châu Diêm Phù Đề hưởng sự vui sướng.

Vì vậy ta nói cho ông biết trước để ông có thể tìm phương cách, làm cho người ác này không gây nghiệp giết hại, tránh được quả báo địa ngục, mà đoàn người buôn lại được toàn mạng.

Vì sao?

Vì năm trăm người này đối với đạo bồ đề vô thượng đã đạt quả vị bất thoái chuyển, còn người ác kia đối với những người trụ nơi pháp Bồ Tát như vậy, nếu gây nghiệp giết hại thì vĩnh viễn bị đọa nơi địa ngục, không có thời hạn ra khỏi, vậy ông nên khéo bày phương tiện cứu độ người ấy.

Thương chủ Thiện Ngự thức dậy liền suy nghĩ: Ta phải có cách gì làm cho người ác này không tạo nghiệp giết hại, tránh được quả báo địa ngục, còn các người buôn đều được toàn mạng. Trong một ngày suy nghĩ như vậy, tìm phương tiện nhưng chưa có được. Miệt mài suy nghĩ cho đến bảy ngày cũng không thể tìm ra.

Quá bảy ngày rồi mới nghĩ: ta không thể tìm được cách gì, chỉ đối với người có tâm ác kia, giết chết hắn trước, người ấy chết rồi sẽ không gây nghiệp giết hại, tránh được quả báo địa ngục, làm cho các người khác được toàn mạng.

Nghĩ thế rồi lại so sánh: Nếu ta cùng với năm trăm người này giết người kia thì đều bị đọa vào địa ngục. Ta nên vì tâm đại bi mà cứu giúp họ, phải tự tay giết. Do nhân giết hại này, nếu ở trong ngàn kiếp bị quả báo địa ngục ta cũng nhẫn chịu.

Chỉ có thể dùng phương tiện đại bi như vậy, mới làm cho người ác này không tạo nghiệp giết hại tránh khỏi khổ nơi địa ngục, trong vô lượng kiếp, lại làm cho các thương buôn trụ nơi pháp Bồ Tát ấy được an ổn, không gặp nạn. Người thương chủ nghĩ rồi, dùng phương tiện giết người ác kia, người ác ấy sau khi chết được sinh lên Cõi Trời.

Này Bồ Tát Trí Thượng! Nên biết năm trăm người thương buôn thời ấy là năm trăm Đức Như Lai trong Hiền kiếp này. Người thương chủ tức là thân ta. Ta luân hồi trong trăm ngàn kiếp, dùng tâm đại bi, bày ra đủ các thứ phương tiện thiện xảo như thế để cứu độ chúng sinh.

Ý ông thế nào?

Đại Bồ Tát dù trải qua trăm ngàn kiếp trong luân hồi đều là dùng trí phương tiện để cứu độ chúng sinh, chớ cho là Đại Bồ Tát có nghiệp chướng! Nên phải biết hành tạo gây nghiệp của Chư Phật, Bồ Tát thảy đều thanh tịnh, lại không có chút phần nhỏ chướng ngại nào.

Này Bồ Tát Trí Thượng! Nên biết Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác là thân kim cang không hoại, cho đến bước chân đi cũng đều dùng phương tiện thần thông tạo lợi ích lớn.

Bấy giờ, trong thành Xá Vệ có hai mươi người cùng gặp hai mươi người bạn cực ác, các người ấy đồng sinh tâm ác muốn mưu giết hại những người kia, mỗi người đều tìm một cách. Khi ấy, bốn mươi người nhờ sức oai thần của Phật, đều đi đến chỗ Phật, đứng sang một bên.

Lúc này, Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác vì muốn hóa độ bốn mươi người kia, nên trong khoảng sát na hóa làm một người cao lớn ở trong chúng hội của Phật, bạch cùng Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên: Tôn Giả nên biết, trong đại địa này không lâu sẽ xuất hiện các loại cỏ cây. Người to lớn kia nói xong, Đức Thế Tôn liền đưa bàn chan phải xuống đất, chỉ trong chốc lát, khắp trên mặt đất đều sinh cỏ cây, cao khoảng một thước.

Tôn Giả Mục Kiền Liên bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bây giờ đã xuất hiện tướng cỏ cây, ở các phương khác con có thể thấy hay không?

Phật đáp: Không thể thấy. Tôn Giả Mục Kiền Liên liền giữ lại một ít cỏ cây. Lúc đó, ba ngàn đại thiên Thế Giới thảy đều chấn động. Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, dùng sức thần thông tự hiện thân tướng vượt qua cõi Phạm, các cỏ cây này cũng theo vượt qua cõi Phạm.

Như Lai lại dùng sức thần thông hiện ở trong biển cả, các cỏ cây này cũng theo đó mà hiện. Như Lai dùng sức thần thông vào giữa núi lớn, cỏ cây này cũng theo đến đó.

Khi ấy, Như Lai trở lại tòa ngồi, rồi liền thâu chân phải, nhưng cỏ cây cũng ở yên không động.

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Như Lai Thế Tôn! Xưa do nhân duyên gì mà nay hiện tướng như vậy?

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Xưa ta là thương chủ lớn, vào biển tìm của báu gặp tri thức ác, lúc đó, ta vì tâm đại bi nên dứt trừ thân mạng của kẻ kia, do nhân duyên xưa nên nay có tướng này.

Đức Thế Tôn nói kệ:

Bây giờ đã hiện tướng như thế!

Không trụ hư không và biển núi

Cho đến không trụ các phương khác

Do nhân xưa nên trụ như vậy.

Lúc đó, bốn mươi người kia suy nghĩ: Như Lai là Đại Pháp Vương, không thật có một chút nghiệp chướng nào, chúng ta sinh tâm ác mưu hại lẫn nhau, nay ở trước Đức Phật nên sám hối.

Nghĩ vậy rồi đồng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con trước đã sinh tâm ác, muốn giết hại lẫn nhau, nay đều xin sám hối.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền vì họ giảng nói pháp yếu. Bốn mươi người kia đều đạt được tam muội Trí chứng. Cùng lúc có ba trăm hai mươi vạn chúng sinh xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh.

Này Bồ Tát Trí Thượng! Do nhân duyên này nên biết Chư Phật Như Lai nhấc chân, hạ chân đều là phương tiện thần thông tạo lợi ích lớn, thật không bị một chút phần nghiệp chướng nào.

Lại, Như Lai đã lìa các bệnh, vì sao có lúc còn sai các Bí Sô đến chỗ Kỳ Bà xin nước tinh chất nơi nhụy hoa sen xanh để làm gì?

Vì bấy giờ ta cùng với năm trăm Bí Sô kiết hạ ở giữa rừng chưa lâu. Lúc đó có hành giả tên Tu Tả La Ma Bà Vỹ Ca ở cạnh khu rừng này, người ấy bỗng nhiên sinh bệnh, không thể đi lại, không thể chữa trị, nên tới chỗ ta xin thuốc hay để trị bệnh.

Khi ấy, ta suy nghĩ: Nay ta không nên biết cách trị bệnh ấy.

Vì sao?

Vì nếu ta biết bệnh này trị như thế nào thì nơi đời sau sẽ hủy hoại tâm Thánh, chỉ nên chỉ bày cách nào để được thuốc trị bệnh ấy, và sai các chúng Bí Sô đi tìm thuốc đó. Nghĩ như thế rồi, liền bảo chúng Bí Sô đến chỗ Kỳ Bà, xin nước tinh chất nơi nhụy hoa sen xanh để trị bệnh. Các Bí Sô tuy vâng lời Phật, nhưng chưa làm theo.

Khi ấy, Thiên Tử Tịnh Cư, thấy các Bísô bèn bạch: Thưa Tôn Giả! Các vị nên biết phải theo lời Phật tìm đúng thuốc như vậy để trị bệnh, chớ tìm thuốc khác, vì người bệnh uống vào sẽ bị chết.

Các Bí Sô nói: Nếu chúng tôi đi tìm thuốc mà trái với giới luật của Phật, chúng tôi thà tự mất mạng, hoàn toàn không làm trái giới luật Phật.

Thiên Tử Tịnh Cư lại thưa các Bí Sô: Như Lai là Đại Pháp Vương, do tâm tạo lợi ích nên hiện tướng chỉ dẫn thuốc uống trị bệnh. Sao các ông không làm như lời dạy.

Hãy đi xin thuốc, hãy đi xin thuốc! Thiên Tử Tịnh Cư nói như vậy ba lần, các Bí Sô mới hết tâm nghi ngờ, liền đi đến chỗ Kỳ Bà xin thuốc, được thuốc rồi đem trao cho người bệnh kia, uống liền hết bệnh.

Này Bồ Tát Trí Thượng! Do nhân duyên ấy nên ta vì tạo lợi ích, mới sai các Bí Sô tìm thuốc như vậy, chứ chẳng phải Như Lai có các bệnh khổ.

Lại nữa, các Như Lai ở trong nhóm phước là tối thượng, cao tột, vì sao ban đầu lại cầm bát vào thành khất thực?

Do Như Lai đã lìa các chướng ngại, không nghĩ đến ăn uống, nhưng vì thương các Bí Sô nơi đời sau có ít phước đức, tuy họ bưng bình bát đi vào thành phố, thôn xóm khất thực mà không xin được, phải chán nản, không thể thường xuyên siêng đi khất thực.

Như Lai làm cho các Bí Sô này lúc ấy suy nghĩ: Như Lai Đại Sư đối với thế gian này là phước đức cao tột, vay mà còn tùy nghi bưng bình bát khất thực, huống chi ta là Bí Sô đời sau, phước đức cạn mỏng, xin ăn khó khăn, không nên chán nản, phải đi khất thực, tuy là được ít nhưng cũng lấy làm đủ.

Này Bồ Tát Trí Thượng! Như Lai ở đời đi khất thực là tùy thuận để tạo lợi ích. Nghĩa là muốn cho các Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ, cho đến tất cả dân chúng, nhờ oai thần Phật gia trì nên trong đời hiện tại đầy đủ các thức ăn uống, không gặp khổ nạn về đói kém.

Vì sao?

Vì Đức Như Lai còn ở đời, không để cho các ma gây nạn đói kém, nên Như Lai tùy theo thế gian dùng phương tiện thiện xảo, dù có ăn uống nhưng không tham đắm, không làm cho các Bà La Môn, Trưởng Giả, cho đến tất cả dân chúng và các Thiên Tử suy nghĩ: Sa Môn Cù Đàm đối với sự ăn uống sinh tâm ưa thích.

Vì Như Lai muốn cho họ không có sự suy nghĩ ấy, nên suốt ngày đêm cùng chúng Bí Sô thường nhất tâm trụ vào Tam Muội, vắng lặng không động, không cao không thấp, từ trước ra sau, sau như ở trước, luôn tương ưng với chánh niệm.

Vào một lúc nọ, ta trụ trong tam muội, có bảy vạn Thiên Tử phát tâm thanh tịnh, cung kính đảnh lễ, ta liền ra khỏi Tam Muội, vì họ giảng nói giáo pháp yếu.

Các Thiên Tử kia, đối với các pháp, được pháp nhãn thanh tịnh. Do nhân duyên này, nên biết Chư Phật Như Lai hiện tướng khất thực chỉ vì tạo lợi ích nên dùng phương tiện thiện xảo.

Lại khi ấy có Tán hữu ma nỗ phược ca, đối với Phật Như Lai sinh tâm ác nên bị đọa nơi địa ngục, được Phật cứu giúp, việc ấy như thế nào?

Do vì Như Lai oán thân đều bình đẳng, không hề có chút chướng ngại ràng buộc, chỉ vì tạo lợi ích an vui cho chúng sinh. Lúc đó, ta muốn cứu giúp Tán hữu ma nỗ phược ca kia, nên dùng sức oai thần khiến thấy được Chư Phật Như Lai nơi hằng hà sa số Thế Giới, trong Đại viên cảnh trí của chư Như Lai hiện lên các nghiệp đã tạo của ông ấy.

Do sức thần thông của các Như Lai, làm cho Tán hữu ma nỗ phược ca thấy rõ nghiệp của mình, tâm liền biết lỗi, nói: Nay ở trong này hiện rõ sự chân thật, nên mới suy nghĩ đầy đủ về tất cả pháp thiện của Như Lai. Sao ta lại chỉ gây ra nghiệp ác mà thể không đạt được chút pháp thiện nào cả.

Khi Ma nỗ phược ca nghĩ như vậy liền được phạm hạnh thanh tịnh chân chánh, ở trong mộng được thấy Phật hiện thân, những tội lỗi do tâm ý ác gây ra từ trước đều tiêu diệt hết. Sau khi chết rồi, tránh được quả báo địa ngục. Nên biết, đó đều là sức thần của Như Lai vì muốn cứu giúp.

Vì sao?

Nghĩa là Như Lai dùng phương tiện đại bi không bỏ chúng sinh.

Lại, có Phạm chí Tôn Na Lợi, vì nhân duyên gì mà dứt mạng sống trong rừng Kỳ Đà, khi ấy Phật không biết, sao gọi là nhất thiết trí?

Vì Như Lai với chánh trí vô ngại, thảy đều đầy đủ, không có gì là không thấy biết. Như Lai thuận theo việc thần thông, các sắc tướng v.v… đều do oai thần lập nên. Nay Phật xem thấy Phạm chí Tôn Na Lợi này tuổi thọ đã hết, chắc chắn phải chết, không phải là Như Lai không biết rõ. Lại muốn đem nhân duyên này để thâu phục các ngoại đạo khiến tâm họ ngừng gây tội lỗi.

***