Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TẬP NHỮNG ĐIỀU

BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG HỎI PHẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bất Không, Đời Đường
 

PHẦN BỐN
 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo tại Bồ Tát Đại Hư Không Tạng: Bồ Tát thành tựu bốn pháp để tu hành tịnh giới Ba la mật giống như hư không.

Những gì là bốn?

Nghĩa là: Biết thân như hình bóng, biết âm thanh như tiếng vang trong hang sâu, biết tâm như huyễn hóa, biết tuệ như hư không. Đó là bốn pháp mà Bồ Tát thành tựu để tu hành tịnh giới Ba la mật giống như hư không.

Lại nữa, nếu Bồ Tát thành tựu tám pháp thì có thể tu hành thanh tịnh tịnh giới Ba la mật.

Những gì là tám?

Nghĩa là: Vì không xa lìa tâm bồ đề nên giới được thanh tịnh. Xa lìa tâm Thanh Văn, Duyên Giác được tâm không giới hạn nên giới được thanh tịnh. Không xả bỏ tất cả các học xứ nên trí tuệ được thanh tịnh. Thọ sinh vào tất cả các cõi nên nguyện được thanh tịnh. Thực hành không biếng nhác đối với giới, an nhiên không tạo tác nên hạnh được thanh tịnh.

Hồi hướng đến bồ đề nên tâm ma được thanh tịnh. Tâm không bị khổ não thiêu đốt nên phiền não được thanh tịnh. Đại nguyện viên mãn nên bồ đề được thanh tịnh. Đó là tám pháp mà Bồ Tát thành tựu thì có thể tu hanh thanh tịnh tịnh giới Ba la mật.

Này thiện nam! Như hư không thanh tịnh, Bồ Tát trì giới cũng thanh tịnh như vậy. Như hư không không nhơ uế, Bồ Tát trì giới cũng không bị nhơ uế như vậy. Như hư không vắng lặng, Bồ Tát trì giới cũng vắng lặng như vậy.

Như hư không không có giới hạn, Bồ Tát trì giới cũng không có giới hạn như vậy. Như hư không không bị ràng buộc, Bồ Tát trì giới cũng không bị ràng buộc như vậy. Như hư không chẳng hề vướng mắc, Bồ Tát trì giới lìa mọi vướng mắc cũng vậy.

Như hư không không thể chứa nhóm, Bồ Tát trì giới không tích tập cũng vậy. Như hư không chẳng xa lìa tánh, Bồ Tát trì giới cũng vậy. Như tánh hư không là thường, còn, Bồ Tát trì giới cũng vậy. Như hư không rốt ráo không cùng tận, Bồ Tát trì giới cũng vậy.

Như hư không chẳng có hình tướng, Bồ Tát trì giới cũng vậy. Như hư không chẳng có đến, đi, Bồ Tát trì giới cũng vậy. Như hư không dứt mọi hý luận, Bồ Tát trì giới cũng vậy. Như hư không xa lìa các lậu, Bồ Tát trì giới cũng vậy.

Như hư không chẳng tạo tác, Bồ Tát trì giới cũng vậy. Như hư không chẳng biến đổi, Bồ Tát trì giới cũng vậy. Như hư không chẳng phân biệt, Bồ Tát trì giới cũng vậy. Như hư không hiện bày khắp nơi, Bồ Tát trì giới cũng vậy.

Như hư không không bị hủy hoại, Bồ Tát trì giới cũng vậy. Như hư không chẳng có cao thấp, Bồ Tát trì giới cũng vậy. Như hư không tánh xa lìa mọi ô nhiễm, Bồ Tát trì giới cũng vậy.

Này thiện nam! Đó là Bồ Tát tu hành tịnh giới Ba la mật giống như hư không.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Trì giới, tâm thanh tịnh không nhơ

Diệt trừ phiền não, không chấp giữ

Nghiệp thân, miệng, ý không lỗi lầm

Tất cả luật nghi đều đầy đủ.

Bậc trí chẳng kiêu mạn vì giới

Tâm thường vắng lặng không tán loạn

Bậc trí thường nương tâm bồ đề

Nên tâm ý không hề ô nhiễm.

Xa lìa các nghiệp, không lo nghĩ

Như vậy không còn sự phân biệt

Từ bỏ màu xanh, vàng, đỏ, trắng

Cũng không trụ vào nẻo danh sắc.

Tâm không lấy, bỏ, không đắm nhiễm

Ví như hư không, chẳng chướng ngại

Giới này bậc trí đã tán thán

Không khen ngợi văn chương, nghĩa lý.

Nhờ giữ giới này tâm tịch tĩnh

Khiến các phiền não được thanh tịnh

Đạt đến tận cùng nơi chỉ quán

Tự nhiên hiển hiện được giải thoát.

Bậc Thánh cởi bỏ hết trói buộc

Đều được an trú nơi tịnh giới

Nên giới là giải thoát bậc nhất

Là pháp căn bản của bồ đề.

Các bậc Đầu Đà nơi thanh vắng

Ít muốn, biết đủ, dứt mong cầu

Xa lìa náo nhiệt, trụ thiền định

Tâm sạch phiền não được khinh an.

Như vậy, tịnh giới là căn bản

Tư duy pháp thanh tịnh giải thoát

Nên dùng tịnh giới làm trang nghiêm

Tất cả các nẻo đều an lạc.

Xa lìa hết thảy sự tán loạn

Trừ diệt phiền não và kiến chấp

Lòng từ ban khắp như hư không

Đoạn trừ chấp thủ, khiến thanh tịnh.

Nên chắc chắn đạt quả giác ngộ

Đối với bồ đề không phân biệt

Bậc trí nếu đủ đức như vậy

Đều nhờ tịnh giới đến bờ kia.

Này thiện nam! Nếu Bồ Tát thành tựu bốn pháp thì tu hạnh nhẫn nhục Ba la mật như hư không.

Thế nào là bốn?

Nghĩa là bị người khác mắng nhiếc không nói lại vì biết rõ lời nói như hư không. Bị người khác đánh không đánh lại, vì biết thân như hư không.

Bị người khác giận không giận lại, vì biết tâm như hư không. Bị người khác trêu chọc không đáp trả, do biết tâm ý như hư không. Đó là bốn pháp mà Bồ Tát thành tựu thì tu hạnh nhẫn nhục Ba la mật như hư không. Lại nữa, nếu Bồ Tát nào thành tựu tám pháp thì có the tu hành thanh tịnh nhẫn nhục Ba la mật.

Thế nào là tám?

Nghĩa là đối với chúng sinh, tâm không có giới hạn giống như hư không, nên tu hành nhẫn nhục được thanh tịnh.

Đối với các sự lợi dưỡng không sinh tham đắm như hư không, nên tu hành nhẫn nhục được thanh tịnh. Đối với việc làm lợi ích cho chúng sinh thì bình đẳng như hư không, nên tu hành nhẫn nhục được thanh tịnh. Thân tâm không thể bị hủy hoại như hư không, nên tu hành nhẫn nhục được thanh tịnh. Xa lìa các phiền não như hư không, nên tu hành nhẫn nhục được thanh tịnh.

Xa lìa cảnh của đối tượng được quan sát như hư không nên tu hành nhẫn nhục được thanh tịnh. Quan sát tánh của các pháp không sinh không diệt như hư không nên tu hành nhẫn nhục được thanh tịnh. Đối với Cõi Sắc và Cõi Vô Sắc dùng lòng từ duyên khắp giống như hư không, nên tu hành nhẫn nhục được thanh tịnh. Đó là tám pháp mà Bồ Tát thành tựu thì có thể tu hành thanh tịnh nhẫn nhục Ba la mật như hư không.

Này thiện nam! Lại có tám pháp, có thể quan sát kỹ lưỡng để tu hành nhẫn nhục Ba la mật.

Thế nào là tám?

Đó là nhẫn nhục tánh không nên không hủy bỏ các tri kiến. Nhẫn nhục vô tướng nên không bị các tướng chi phối. Nhẫn nhục vô nguyện nên không bỏ tâm bồ đề. Nhẫn nhục vô hành nên không đoạn tận pháp hữu vi.

Nhẫn nhục vô sinh nên không trụ vào pháp vô vi. Nhẫn nhục không dấy khởi nên không trụ vào pháp sinh diệt. Nhẫn nhục không hữu tình nên không hủy hoại thể tánh. Nhẫn nhục như như nên không từ bỏ ba đời.

Như vậy, này thiện nam! Đó là tám pháp nhẫn nhục, nếu quan sát kỹ lưỡng thì có thể tu hành nhẫn nhục Ba la mật.

Lại nữa, này thiện nam! Khi tu hành nhẫn nhục Ba la mật, nếu bị ai mắng nhiếc, chê bai mà ta phải chịu đựng thì gọi là ngã nhẫn nhục, không phải là nhẫn nhục Ba la mật. Nếu thấy người mắng nhiếc và cách thức mắng nhiếc mà ta phải chịu đựng, gọi là ngã nhẫn nhục, chẳng phải là nhẫn nhục Ba la mật. An trú vào hạnh không tranh cãi là âm thanh nhẫn nhục, chẳng phải là nhẫn nhục Ba la mật.

Thực hành gia hạnh đúng đắn, ta và người đều không. Tư duy, chịu đựng, ta và người đều vô thường. Tư duy, chịu đựng như vậy gọi là nhẫn nhục được sắp đặt, chẳng phải là nhẫn nhục Ba la mật.

Này thiện nam! Tất cả đều không có chủ thể thực hành và đối tượng được thực hành.

Như có người cầm búa bén, vào rừng Đại Sa La để chặt mé cành nhánh, cây cối không hề suy nghĩ người kia là chủ thể chặt và cây cối là đối tượng bị chặt, đều không sinh thương ghét.

Này thiện nam! Bậc Đại Bồ Tát khi thực hành nhẫn nhục Ba la mật, cũng không có thương ghét như vậy, không có chủ thể phân biệt và đối tượng được phân biệt. Đó là Bồ Tát tu hành nhẫn nhục Ba la mật giống như hư không.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Đạt được nhẫn vô sinh thanh tịnh

Tâm ý thuần thục, không nhiễm trần

Trong, ngoài vắng lặng, không nương tựa

Tâm tịnh nhẫn nhục như hư không.

Thân ấy như ảnh như cỏ cây

Tâm hình như huyễn, không chân thật

Pháp này tánh không chẳng thể thấy

Thân tâm biến đổi giống như thế.

Dù có khen chê chẳng vui, buồn

Không còn phân biệt, không cao thấp

Biết nhẫn như đất, như then cửa

Y theo nhẫn nhục, độ chúng sinh.

Tuy biết tánh các pháp là không

Không nhân, không ngã, không thọ mạng

Chẳng trái nhân duyên và tạo tác

Nhẫn này hạnh chân thật bậc nhất.

Nghe lời nói ác không giận dữ

Biết tánh ngôn ngữ như hư không

Tu tập thân tâm cũng như vậy

Nên dạy chúng sinh tu nhẫn này.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát tu hanh tinh tấn Ba la mật như hư không?

Nếu Bồ Tát thành tựu bốn pháp thì tu hành tinh tấn Ba la mật như hư không.

Những gì là bốn?

Nghĩa là siêng năng tu tập các căn lành, biết tất cả các pháp chưa trọn vẹn, ở chỗ Chư Phật thực hành sự cúng dường lớn nên hiểu rõ thân Như Lai là bình đẳng. Thường ưa thích làm cho vô lượng chúng sinh được thành tựu, nên biết tất cả hữu tình là không thủ đắc.

Theo Chư Phật thọ trì chánh pháp nên không thấy tính chất chán lìa của các pháp. Đó là bốn pháp mà Bồ Tát thành tựu thì tu hành tinh tấn Ba la mật như hư không.

Lại nữa, này thiện nam! Nếu Bồ Tát thành tựu tám pháp thì có thể tu hành tinh tấn Ba la mật thanh tịnh.

Những gì là tám?

Do trang nghiêm thân để siêng tu tinh tấn nên biết thân như hình ảnh, không chấp thủ. Do trang nghiêm ngữ để siêng tu tinh tấn nên biết tánh của ngôn ngữ như sương, không chấp thủ. Do trang nghiêm tâm để siêng tu tinh tấn nên đạt được thiền định, biết tâm là không phân biệt.

Vì đầy đủ các phần Ba la mật để siêng tu tinh tấn nên tuần tự tu tập, tư duy, không chấp thủ. Do thành tựu tất cả pháp phần bồ đề để siêng tu tinh tấn nên tư duy về tánh tướng của bồ đề, không chấp thủ. Vì làm thanh tịnh Cõi Phật để siêng tu tinh tấn nên biết các Cõi Phật đều như hư không, không thủ đắc.

Vì làm cho tất cả những điều đã nghe đều được thọ trì để siêng tu tinh tấn nên biết được các pháp đã nghe như tiếng vang, hoàn toàn không chấp thủ. Vì thành tựu tất cả pháp Phật để siêng tu tinh tấn nên biết pháp giới bình đẳng, một tướng, tư duy không chấp giữ. Đó là tám pháp mà Bồ Tát thành tựu thì tu hành tinh tấn Ba la mật thanh tịnh.

Này thiện nam! Bồ Tát có hai loại tinh tấn, là tinh tấn gia hạnh và tinh tấn hạn tề. Dùng tinh tấn gia hạnh để thúc đẩy nơi thân, miệng, ý, tu tập thành tựu tất cả các pháp lành nên không có chỗ trụ, tư duy không thủ đắc.

Dùng tinh tấn hạn tề để trụ vào chỗ không xuất không nhập, nên tùy thuận nơi pháp giới không đến, không đi, như hư không, không thủ đắc. Như hư không không có màu sắc, Bồ Tát tinh tấn làm cho các chúng sinh được thành tựu sự tu tập cũng vậy, nương vào pháp của Chư Phật để thành tựu tất cả các việc của chúng sinh.

Như hư không hàm chứa tất cả các màu sắc, Bồ Tát tinh tấn cũng bao hàm khắp tất cả chúng sinh, làm cho họ xa lìa tất cả kiến chấp cũng vậy. Như các cỏ cây sinh trưởng không rễ không gốc trong hư không, Bồ Tát tinh tấn làm cho tất cả Phật Pháp được tăng trưởng, không chấp ngã, kiến cũng vậy.

Như hư không bao trùm khắp nơi mà không dao động, Bồ Tát tinh tấn đối với tất cả pháp lành cũng không lay động như vậy. Như hư không đồng thời hiện ra các loại màu sắc, Bồ Tát tinh tấn, bình đẳng vì các chúng sinh mà thị hiện tu tập tư duy bình đẳng, cũng không phân biệt như vậy.

Này thiện nam! Đó là Bồ Tát tu tập tinh tấn Ba la mật như hư không.

***