Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TẬP NHỮNG ĐIỀU

BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG HỎI PHẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bất Không, Đời Đường
 

PHẦN CHÍN
 

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát hàng phục ma oán, vượt qua bốn thứ ma?

Này thiện nam! Có Bồ Tát nào dùng trí như huyễn, thông đạt về năm uẩn và tất cả các pháp đều như huyễn hóa thì vượt qua uẩn ma. Thông đạt về bản tánh thanh tịnh của các pháp thì vượt qua phiền não ma. Thông đạt về duyên khởi thì vượt qua tử ma.

Tâm bồ đề không thoái lui thì vượt qua thiên ma. Lại nữa, nhờ quan sát như vậy nên Bồ Tát đoạn trừ hết các chướng ngại, ngăn chận tất cả các thứ ma và việc làm của ma.

Thế nào là việc làm của ma?

Nghĩa là ưa thích pháp tiểu thừa là việc làm của ma. Không giữ gìn tâm bồ đề là việc làm của ma. Thực hành bố thí mà còn phân biệt đối với các chúng sinh là việc làm của ma.

Vì thích mong cầu nơi thọ sinh nên trì giới là việc làm của ma. Vì cầu sắc tướng mà tu nhẫn nhục là việc làm của ma. Thực hiện các việc thế gian mà tương ưng với tinh tấn là việc làm của ma. Tham đắm nơi thiền vị là việc làm của ma. Dùng trí tuệ để nhàm chán đối với pháp thấp kém là việc làm của ma.

Ở trong sinh tử mà có sự mỏi mệt là việc làm của ma. Tạo các căn lành mà không hồi hướng là việc làm của ma. Chán lìa phiền não là việc làm của ma. Che giấu tội lỗi đã tạo là viec làm của ma. Oán ghét Bồ Tát là việc làm của ma. Phỉ báng chánh pháp là việc làm của ma.

Quên ân nghĩa, không đền đáp là việc làm của ma. Không cầu các Độ là việc làm của ma. Không tôn trọng chánh pháp là việc làm của ma. Bỏn sẻn đối với pháp là việc làm của ma. Vì mong cầu lợi dưỡng mà thuyết pháp là việc làm của ma. Lìa bỏ các phương tiện để giáo hóa chúng sinh là việc làm của ma. Bỏ bốn nhiếp pháp là việc làm của ma. Hủy phạm giới cấm là việc làm của ma. Khinh chê người trì giới là việc làm của ma.

Thuận theo hạnh Thanh Văn là việc làm của ma. Tùy thuận thừa Duyên Giác là việc làm của ma. Chỉ cầu pháp vô vi là việc làm của ma. Nhàm chan pháp hữu vi là việc làm của ma. Tâm luôn nghi hoặc, không tạo lợi ích cho chúng sinh là việc làm của ma.

Ưa nghi ngờ những điều đã nghe, không chịu tác ý như lý để thông đạt là việc làm của ma. Thích sự dối trá, giả hiện bày thương xót là việc làm của ma. Mắng nhiếc, hung dữ là việc làm của ma. Tạo tội mà không chán bỏ là việc làm của ma. Chấp giữ nơi pháp của tự thân là việc làm của ma.

Mới nghe một ít đã cho là đủ là việc làm của ma. Không siêng năng cầu chánh pháp là việc làm của ma. Ưa thích cầu phi pháp là việc làm của ma. Không thích đối trị sự trói buộc của phiền não là việc làm của ma. Tâm và miệng không thanh tịnh là việc làm của ma. Chấp nhận sự cấu nhiễm của Sa Môn là việc làm của ma.

Này thiện nam! Như vậy, cho đến ưa thích, thực hành mười nghiệp bất thiện, bỏ các pháp lành… tất cả đều là việc làm của ma. Bồ Tát thành tựu bốn pháp thì có thể vượt qua các việc làm của ma.

Những gì là bốn?

Nghĩa là: Không quên mất tâm bồ đề, nên chuyên cần tu tập sáu độ. Không buông lung, an trú trong trí thiện xảo làm cho các chúng sinh được thành tựu, hiểu được nghĩa lý sâu xa, hộ trì chánh pháp.

Này thiện nam! Nếu Bồ Tát khế hợp với pháp này thì chắc chắn có thể diệt trừ tất cả các ma oán. Đó là Bồ Tát vượt khỏi bốn thứ ma.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát chứa nhóm vô lượng hành trang về phước đức, làm nơi nương tựa cho các chúng sinh?

Này thiện nam! Nếu Bồ Tát đối với tất cả chúng sinh, khởi tâm đại bi đồng thể, an trú trong thiền định, thấy có người nào đến cầu xin điều gì cũng đều ban cho. Với đôi tay quý báu, phước đức vô tận, Bồ Tát ban cho chúng sinh tất cả những gì họ cần, chí nguyện của chư vị rất thanh tịnh, tâm như mặt đất bằng phẳng, chẳng còn phân biệt cao thấp, mong muốn cho tất cả chúng sinh đều được giàu có, lợi ích.

Vì giữ giới thanh tịnh nên tâm không còn gì vướng mắc, khéo hộ trì các căn, lại có thể thực hiện trọn vẹn tất cả sự bố thí, đạt Đà La Ni, thành tựu biện tài, Bồ Tát đem những sự chứa nhóm căn lành như thế mà hồi hướng về quả vị bồ đề và cho tất cả chúng sinh.

Giống như bốn đại bên ngoài, là nơi nương tựa của tất cả thế gian, bốn đại bên trong là chỗ nương nhờ để tồn tại của hết thảy các loài, Bồ Tát suy nghĩ: Tất cả những căn lành, pháp, trí và sự thiện xảo mà ta đã chứa nhóm, không một pháp nào mà không là nơi nương tựa cho chúng sinh. Đó là Bồ Tát đạt được vô lượng hành trang về phước đức, làm nơi nương tựa cho các chúng sinh.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát xuất hiện ở đời không có Phật, vì các chúng sinh làm các Phật Sự?

Này thiện nam! Bồ Tát vì để phát sinh trí thị xứ, trí phi xứ mà tu hành mười lực, vì để phát sinh trí lậu tận mà tu hành bốn vô úy, vì để tạo ra ba mươi trí vô ngại mà tu hành mười tám pháp bất cộng, vì làm phát sinh.

Phật nhãn sáng tỏ mà tu hành năm thứ nhãn nhận biết tất cả, vì để phát sinh tất cả thần thông mà tu hành túc mạng thông, vì để thành tựu bồ đề viên mãn mà tu hành đầy đủ hết thảy các pháp lành, đoạn trừ các phiền não của thân, miệng, ý, vì để phát sinh các tướng hảo trang nghiêm mà tu hành tất cả các thứ phước đức, vì để đạt đến mười địa, tiếp nhận được tất cả các pháp Phật mà tu hành hết thảy các sự nghiệp trí tuệ.

Như vậy, này thiện nam, nếu Bồ Tát tu hành đầy đủ các pháp ấy rồi thì có thể ở đời không có Phật, vì các chúng sinh mà thực hành các Phật Sự, làm cho họ được thành tựu đầy đủ.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đạt định Hải ấn, không đắm nhiễm theo các sự tạo tác nơi tâm, của tất cả chúng sinh?

Này thiện nam! Vì sao gọi là định Hải ấn?

Ví như ở cõi Diêm Phù Đề, bao nhiêu chủng loại, hình sắc của tất cả chúng sinh đều hiện ra các hình tướng trong biển, nên gọi là biển lớn. Tất cả các hình sắc của tâm cho đến âm thanh của bao nhiêu chúng sinh như vậy, đều hiện rõ trong biển tâm của Bồ Tát.

Vì vậy gọi là định Hải ấn. Ví như nước trong biển lớn chỉ thuần một vị mặn, trí tuệ của Bồ Tát cũng như vậy chỉ thuần một pháp vị giải thoát.

Ví như biển cả, giới hạn của thủy triều, không thể vượt qua Bồ Tát cũng vậy, quan sát biết đúng thời hay không đúng thời đều không vượt qua thời điểm ngồi nơi Đạo Tràng thành tựu đạo bồ đề. Ví như biển lớn không chứa thây chết, Bồ Tát cũng vậy, không cùng chung với tất cả các tập khí phiền não và các tâm nơi hàng Thanh Văn, Duyên Giác.

Ví như biển cả dung chứa hàng vạn dòng nước nhưng vẫn không tăng không giảm, Bồ Tát cũng như vậy, thâu nhận tất cả các pháp nhưng cũng không tăng không giảm. Ví như biển cả rộng lớn không bờ bến, diệu dụng về tuệ của Bồ Tát cũng vô biên như vậy.

Ví như biển lớn sâu thẳm không đáy, biển trí của Bồ Tát cũng vậy, tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác đều không thể suy lường nổi. Ví như biển cả có thể làm nơi nương tựa cho vô lượng Thế Giới, Bồ Tát cũng vậy làm nơi nương cho tất cả chúng sinh.

Này thiện nam! Đó là Bồ Tát khéo nhập vào định Hải ấn, không vướng mắc vào sư tạo tác nơi tâm của tất cả chúng sinh.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đạt tâm không vướng mắc như hư không, không thể bị gió làm trở ngại?

Này thiện nam! Bồ Tát đối với tất cả các pháp, không còn bị các kiến chấp trói buộc, tâm không vướng bận. Ví như hư không không thể bị vướng mắc do ngọn gió lớn, Bồ Tát cũng như vậy đối với tất cả các pháp, tâm không bị vướng mắc. Đó là Bồ Tát tâm không chấp giữ như hư không không bị gió làm chướng ngại.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát khéo biết rõ về phép tắc tu hành để xa lìa chỗ tối tăm, đạt được sự sáng suốt, không nhờ người khác mà được trí tự nhiên, mau đạt đến trí nhất thiết trí của đại thừa?

Này thiện nam! Nếu Bồ Tát đối với sự thực hành phép tắc về tất cả các hạnh mà không thoái lui, không lay động thì đạt được sự sáng suốt, gọi là sự sáng suốt về trí tuệ tự nhiên của chánh pháp, cũng gọi là trí đối với pháp không chướng ngại, có thể xa lìa chốn tối tăm đạt được sự sáng suốt, không nhờ người khác mà đạt được trí tự nhiên.

Vì sao?

Vì khi Bồ Tát ấy trụ vào chỗ sáng tỏ của trí tự nhiên thì chiếu soi rõ ràng, quyết định đối với hữu tình và đối với pháp ấy, không nhờ vào người khác, mau chóng đạt được trí nhất thiết trí.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Bậc trí giải thoát các kiến chấp

Đầy đủ phước đức trong sinh tử

Trụ vào thiền định, lìa các tướng

Hồi hướng bồ đề không cùng tận.

Đầy đủ hành trang nhất thiết trí

Trí vô biên, tánh tựa hư không

Không có sắc, tướng, không có pháp

Thì đạt đầy đủ nhất thiết trí.

Nên niệm Phật vượt qua sinh tử

Tâm ý vị ấy không tán loạn

Không chấp sắc tướng và dòng họ

Như vậy gọi là niệm Như Lai.

Thể tánh các pháp lìa tham dục

Trong lặng, tịch tĩnh thường vô tướng

Nếu xa lìa đối tượng duyên dựa

Như vậy mới chính là niệm pháp.

Vô vi, chẳng nhiễm, thường giải thoát

Như vậy gọi là niệm Tăng già

Tất cả của cải và vật dạng

Đều đem bố thí không tham đắm.

Thanh tịnh, không tư duy, phân biệt

Như vậy gọi là niệm về xả

Giới vô vi không còn lậu, hoặc

Lìa thân, miệng, ý chẳng đổi dời.

Chẳng sinh ba cõi, không chỗ nương

Là chánh niệm về giới vô lậu

Chư Thiên Tịnh Cư thể trong sạch

Ở Trời Đâu Suất nối Pháp Vương.

Như vậy là niệm thiên thanh tịnh

Chẳng bao lâu nữa, ta cũng vậy

Nếu giữ gìn chánh pháp của Phật

Không nên chấp giữ tạo phiền não.

Pháp và phi pháp đều giải thoát

Đó là giữ gìn pháp Chư Phật

Như Phật đã chứng tướng bồ đề

Giữ gìn pháp ấy cũng như vậy.

Biết được bản tế không cấu nhiễm

Đó là giữ gìn pháp Chư Phật

Ngã thanh tịnh, nên chúng sinh tịnh

Bậc trí tu hành pháp thanh tịnh.

Biết tâm chúng sinh luôn trong lành

Nhờ hành như vậy để thành tựu

Chẳng làm đoạn diệt cõi hữu tình

Cũng chẳng thấy có tăng hay giảm.

Vì họ thuyết pháp, trừ kiến chấp

Độ vô lượng chúng được thanh tịnh

Nên nói các cảnh giới thế gian

Chẳng khác với cảnh giới Như Lai.

Cảnh giới của Phật như hư không

Cảnh giới thế gian cũng như vậy

Tất cả ngôn ngữ và văn tự

Đều như tiếng vang nơi hang rỗng.

Trong ấy chẳng có đối tượng nghe

Như vậy là đã đạt tổng trì

Thọ giữ, tu tập và đọc tung

Giảng nói hết ý nghĩa các pháp.

Không có ngã, nhân và tướng pháp

Đó là an trụ Đà La Ni

Giữ gìn tất cả pháp Chư Phật

Khéo giảng nói, người nghe hoan hỷ.

Chánh niệm chẳng rời Tam Ma Địa

Do đấy nhất định được tổng trì

Tâm không loạn động đối với pháp

Cũng không nghi hoặc ở nơi pháp.

Giống như Long Vương tuôn mưa lớn

Vị ấy thuyết pháp cũng như thế

Không còn vướng buộc chẳng chướng ngại

Có thể nói ngàn ức Kinh Điển.

Chẳng có phap tưởng về chúng sinh

Được biện tài, công đức thù thắng

Nương oai thần Phật nói diệu pháp

Trong ngàn ức kiếp luôn thuận hợp.

Khiến tâm chúng sinh thường hoan hỷ

An trụ biện tài, công đức Phật

Nếu biết nghĩa lý tất cả pháp

Thể tánh đều giống như hư không.

Chẳng có người, mạng và thọ quả

Đó là giữ gìn chánh pháp Phật

Bản tánh chúng sinh đều tịch tĩnh

Các pháp rốt ráo vốn không sinh.

Cảnh giới Ta Bà chẳng nhơ, sạch

Được vậy gọi là không buông lung

Quán thấy các uẩn đều như huyễn

Tức thấy tánh chân thật các pháp.

***