Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TẬP NHỮNG ĐIỀU

BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG HỎI PHẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bất Không, Đời Đường
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Thế Tôn ngự tại Đạo Tràng Bảo trang nghiêm, là cảnh giới của Như Lai. Đạo Tràng này nhờ sự hộ trì của Chư Phật nên đã chứa nhóm hành trang của phước đức vĩ đại thành tựu các hạnh nguyện bao la, là cung điện trú xứ của hàng Bồ Tát, là nơi để diễn nói pháp thâm diệu vô biên.

Cũng là cảnh giới của trí tuệ vô ngại, của thần thông tự tại nơi Đức Như Lai, có thể phát sinh niệm tuệ khéo léo rộng lớn, là nơi hội nhập vào nẻo hành hóa của trí Vô sở hữu, khen ngợi công đức thù thắng vô lượng ơ tận cùng đời vị lai.

Đức Thế Tôn hiện chứng tất cả pháp bình đẳng, tự tại, khéo chuyển bánh xe pháp thanh tịnh vô thượng, thu phục giáo hóa tất cả chúng đệ tử, hiểu rõ về ý muốn của hết thảy chúng sinh, cùng căn cơ giải thoát, đoạn trừ mọi thứ phiền não trói buộc cho họ, đảm nhiệm việc thực hành không ngừng nghỉ đối với các Phật Sự.

Nơi đây, Đức Thế Tôn cùng với chúng đại Tỳ Kheo gồm sáu trăm vạn người hội đủ. Chư vị Tỳ Kheo nay đều là hàng Pháp Vương Tử của Như Lai, tâm và tuệ hoàn toàn giải thoát, đã đoạn trừ tất cả phiền não trói buộc, diễn nói thông suốt hết thảy pháp sâu xa của Đức Phật, lại có thể thấu đạt các pháp vô tướng, đầy đủ oai nghi đoan nghiêm, đặc biệt, là nơi làm tăng trưởng ruộng phước lớn, khéo an trụ nơi giáo pháp của Đức Thế Tôn.

Lại có chúng Đại Bồ Tát, số lượng là không thể nghĩ bàn, không thể ví dụ, không thể nói hết, từ các Cõi Phật đều vân tập đến pháp hội. Trong khoảnh khắc một sát na, hàng Bồ Tát ấy tự tại đi qua vô số Cõi Phật để cúng dường tất cả các Đức Như Lai.

Thỉnh cầu Chư Phật thuyết pháp và nghe pháp không hề mệt mỏi, thường tạo mọi thành tựu đầy đủ cho các loài hữu tình, dùng những phương tiện thiện xảo để có thể đạt đến nẻo giải thoát thanh tịnh bậc nhất, an trú nơi biện tài vô ngại, vượt qua hết thảy mọi phân biệt, hý luận, chứng đắc quả vị gần với trí nhất thiết trí.

Danh hiệu của chư vị là Bồ Tát Điện Thiên, Bồ Tát Chiến Thắng, Bồ Tát Biến Chiếu, Bồ Tát Dũng Kiện, Bồ Tát Tồi Nghi, Bồ Tát Phấn Tấn, Bồ Tát Quan Sát Nhãn, Bồ Tát Thường Thư Thủ, cùng với hàng Đại Bồ Tát thượng thủ như vậy hội đủ.

Bấy giờ, vì hàng Đại Bồ Tát, Đức Thế Tôn đã tập hợp tất cả đại chúng ở lâu đài báu trụ giữa hư không để giảng nói pháp vi diệu. Lâu đài ấy hết mực trang nghiêm thù thắng, giống như Cõi Phật Nhất Bảo Trang Nghiêm trong Thế Giới Đại trang nghiêm, chúng Bồ Tát đều thấy mình an tọa trong lâu đài đó.

Lúc này, tất cả hình sắc, trong tam thiên đại thiên Thế Giới, như núi Tô Mê Lô, núi Luân Vi, núi Đại Luân Vi, Châu Thiệm Bộ…, các xóm làng, thành ấp, sông ngòi, suối khe, ao hồ, biển cả, rừng rậm, cỏ cây cùng mọi thứ cung điện cư trú nơi đại địa đều bị che khuất.

Hết thảy các loại hình ảnh, màu sắc từ Cõi Dục, Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc, cho đến Trời Hữu Đảnh, cùng cung điện của Chư Thiên, của chúng sinh thảy đều không hiện ra. Giống như sau kiếp bị tai họa lửa thiêu đốt, đại địa cháy tan, chỉ còn là hư không, trong ấy không có một đối tượng nào để mắt có thể nhìn thấy.

Ở đây cũng vậy, cả tam thiên đại thiên Thế Giới không còn có màu sắc, hình ảnh nào để mắt của các chúng sinh nhìn ngắm, chỉ trừ hàng Thanh Văn, Bồ Tát, chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà… nơi pháp hội trong Đạo Tràng Bảo trang nghiêm thì mọi hình tướng đều hiển hiện rõ ràng.

Lại nữa, nơi Đạo Tràng này có Tòa Sư Tử tự nhiên vọt lên, cao rộng hàng vạn do tuần, phát ra ánh sáng thanh tịnh, chiếu tỏa khắp tam thiên Đại Thiên Thế Giới, che khuất ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, Trời Đế Thích, Phạm Thiên và Trời Hộ Thế.

Khi Đức Phật an tọa trên tòa ấy thì đại chúng thấy được tướng kỳ diệu, đặc biệt của Đức Như Lai, nên rất đỗi vui mừng, khen ngợi là điều chưa từng có, bảo nhau: Lâu đài hết sức trang nghiêm thù thắng, với vô số sự sai biệt khéo léo như vậy, giả sử chúng ta có sống trọn một kiếp cũng không thể nêu bày hết.

Bấy giờ, nương vào oai thần của Đức Phật, từ lâu đài báu, Tôn Giả Xá Lợi Tử đứng dậy, trụ giữa hư không, sửa lại y phục bày vai bên phải, quỳ gối chắp tay, thưa: Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà trước tiên hiện ra điềm lành này?

Những màu sắc, hình ảnh trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều bị che khuất nên rỗng lặng như hư không, chỉ có lâu đài Bảo trang nghiêm nơi chúng hội cư trú này thì vẫn tự nhiên hiện bày?

Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Tử: Này Tôn Giả Xá Lợi Tử! Ông nay tất có thấy lâu đài báu này chăng?

Bạch Thế Tôn! Con nay đã thấy.

Này Tôn Giả! Ông có thể khen ngợi hết công đức của lâu đài báu này?

Bạch Thế Tôn! Suốt đời con cũng không thể khen ngợi hết công đức chân thật ấy.

Đúng vậy, này Tôn Giả Xá Lợi Tử! Có Thế Giới tên là Đại trang nghiêm, trong Thế Giới ấy có lâu đài báu, vi diệu, cùng với tất cả đại chúng nơi pháp hội đều trụ giữa hư không. Hôm nay, lâu đài ấy đã hiện ra ở đây.

Bạch Thế Tôn! Thế Giới Đại trang nghiêm đó hiện ở đâu?

Đức Phật bảo: Về phương Đông cách cõi này với số lượng Cõi Phật nhiều như số vi trần trong tám Thế Giới Phật, có Thế Giới tên là Đại trang nghiêm, Đức Phật nơi cõi ấy hiệu là Nhất Bảo Trang Nghiêm gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Mịnh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, hiện đang thuyết pháp.

Này Tôn Giả Xá Lợi Tử! Do nhân duyên gì Thế Giới ấy được gọi là Đại trang nghiêm?

Vì trong Thế Giới ấy có những sự việc vô cùng trang nghiêm, thù thắng, nếu ta sống ở đời trong một kiếp cũng không thể nói hết về sự trang nghiêm kia, do đấy nên gọi là Đại trang nghiêm.

Lại do nhân duyên gì danh hiệu Phật là Nhất Bảo Trang Nghiêm?

Vì Đức Phật ở cõi ấy thường dạy: Chỉ dùng tâm đại Bồ Đề mà làm ngọc báu, cho nên hiệu là Nhất Bảo Trang Nghiêm. Khi thuyết pháp, Đức Phật Nhất Bảo Trang Nghiêm cùng hàng Bồ Tát đều ngồi trên Tòa Sư Tử nơi lâu đài báu và vụt lên hư không cao bang tám mươi ức cây Đa La, vì hàng Bồ Tát, Đức Phật giảng nói pháp ấn hư không thanh tịnh.

Này thiện nam! Thế nào là Pháp ấn hư không thanh tịnh?

Đó là tất cả các pháp đều Lìa tánh, không tánh.

Thế nào là lìa tánh, không tánh?

Nghĩa là tất cả pháp không có biểu hiện.

Thế nào gọi là không có biểu hiện?

Đó là tất cả các pháp không hiển bày rõ ràng?

Thế nào là không hiển bày rõ ràng?

Tức tất cả các pháp đều xa lìa mọi duyên hợp, phân biệt.

Thế nào là không duyên hợp, phân biệt?

Nghĩa là tướng của tất cả các pháp là vắng lặng.

Thế nào là tướng vắng lặng?

Ấy là tất cả các pháp không có hai tướng.

Thế nào là không có hai tướng?

Nghĩa là tất cả các pháp đều xa lìa mọi dị biệt.

Thế nào là không dị biệt?

Đó là tất cả các pháp đều nhập vào tướng nhất đạo.

Thế nào gọi là nhập vào tướng nhất đạo?

Nghĩa là tự tướng, tự tánh của tất cả pháp đều thanh tịnh.

Thế nào là tự tướng tự tánh đều thanh tịnh?

Ấy là tất cả các pháp đều siêu vượt cả ba đời.

Thế nào là siêu vượt cả ba đời?

Tức tất cả các pháp không có nơi chốn nương tựa.

Thế nào là không có nơi chốn nương tựa?

Đó là tất cả các pháp không có ảnh tượng.

Thế nào là không có ảnh tượng?

Nghĩa là tất cả các pháp đều vượt qua mọi cảnh giới.

Thế nào là vượt qua các cảnh giới?

Tức tất cả các pháp trong, ngoài đều thanh tịnh.

Thế nào là trong ngoài đều thanh tịnh?

Đó là tánh của tất cả các pháp là không tạp nhiễm.

Thế nào là không tạp nhiễm?

Nghĩa là tánh của tất cả các pháp đều tịch tĩnh.

Thế nào là tánh tịch tĩnh?

Ấy là tất cả các pháp đều xa lìa tâm, ý, thức.

Thế nào là xa lìa tâm, ý, thức?

Nghĩa là tất cả các pháp đều lìa khỏi tướng, vốn không sinh.

Thế nào là lìa khỏi tướng, vốn không sinh?

Đó là tất cả các pháp không có ngã.

Thế nào là không có ngã?

Tức tất cả các pháp không có chủ tể.

Thế nào là không có chủ tể?

Ấy là tánh của tất cả các pháp là vô ngã?

Thế nào là tánh vô ngã?

Đó là tất cả các pháp xưa nay vốn thanh tịnh.

Thế nào là xưa nay vốn thanh tịnh?

Nghĩa là tất cả các pháp vốn không có Niết Bàn.

Thế nào là không có Niết Bàn?

Ấy là tánh của tất cả các pháp đều như huyễn.

Thế nào là tánh như huyễn?

Nghĩa là tất cả các pháp không chân thật.

Thế nào là không chân thật?

Tức tất cả các pháp không có tướng tạo tác.

Thế nào là không có tướng tạo tác?

Nghĩa là tất cả các pháp đều xa lìa tướng thân, tâm.

Thế nào là xa lìa tướng thân, tâm?

Đó là tất cả các pháp đều lìa tướng và vô tướng.

Thế nào là lìa tướng và vô tướng?

Nghĩa là tất cả các pháp tự tướng là chẳng động.

Thế nào là tự tướng chẳng động?

Tức tất cả các pháp không có đối tượng được y cứ.

Thế nào là không có đối tượng được y cứ?

Đó là tất cả các pháp đều không có nơi duyên dựa.

Thế nào là không có nơi duyên dựa?

Nghĩa là tất cả các pháp đều xa lìa A lại da.

Này Tôn Giả Xá Lợi Tử! Đức Như Lai Nhất Bảo Trang Nghiêm đã giảng nói ba mươi hai pháp ấn thanh tịnh như hư không cho hàng Bồ Tát. Lúc ấy, vô lượng Bồ Tát biết rõ tánh của các pháp ngang bằng với hư không nên đều chứng đắc Trí nhẫn tự tại thanh tịnh.

Này Tôn Giả Xá Lợi Tử! Trong Thế Giới Đại trang nghiêm kia, hàng Bồ Tát đã dùng bố thí để trang nghiêm, nơi vô lượng kiếp tùy thuận mà xả bỏ. Dùng tịnh giới để trang nghiêm nên thân tâm được thanh tịnh, không có các điều nhơ uế.

Dùng nhẫn nhục để trang nghiêm nên đối với các chúng sinh không có tâm làm hại. Dùng tinh tấn để trang nghiêm, nên chứa nhóm mọi hành trang của tất cả các pháp. Dùng tĩnh lự để trang nghiêm, nên tự tại đối với tất cả các pháp.

Tam muội giải thoát. Dùng trí tuệ để trang nghiêm nên xa lìa tất cả phiền não trói buộc. Dùng đại Từ để trang nghiêm nên cứu giúp hết thảy chúng sinh. Dùng đại bi để trang nghiêm nên không rời bỏ mọi loài hữu tình.

Dùng đại hỷ để trang nghiêm nên luôn hoan hỷ đối với muôn vật. Dùng đại Xả để trang nghiêm nên bình đẳng đối với hết thảy chúng sinh không thương không ghét.

Lại nữa, này Tôn Giả Xá Lợi Tử! Trong Thế Giới của Đức Như Lai Nhất Bảo Trang Nghiêm có Đại Bồ Tát tên là Đại Hư Không Tạng. Bồ Tát này dùng phước đức và oai lực lớn để tự trang nghiêm nên chứng đắc trí vô ngại. Dùng tướng tốt để trang nghiêm thân.

Dùng biện tài để trang nghiêm lời nói. Dùng định thù thắng để trang nghiêm nơi tâm. Dùng kiến văn về Tổng trì để trang nghiêm niệm. Dùng tâm xả bình đẳng để trang nghiêm đạo chân thật.

Dùng tuệ để trang nghiêm sự an lạc nơi các cõi. Dùng gia hành, thắng tấn để trang nghiêm tâm an vui tăng thượng, đối với tất cả các pháp không còn nghi hoặc.

Dùng thần túc để trang nghiêm các thần thông tự tại diệu dụng. Dùng phước đức để trang nghiêm nên đạt được bàn tay công đức báu thường hay bố thí. Dùng trí để trang nghiêm nên phân biệt rõ về vô số ý muốn của chúng sinh.

Dùng tánh giác để trang nghiêm nên khiến tất cả loài hữu tình chứng ngộ pháp thù thắng. Dùng mắt để trang nghiêm nên được năm mắt thanh tịnh.

Dùng tai để trang nghiêm nên lãnh hội được ý nghĩa của các pháp như âm vang ứng hợp. Dùng biện tài vô ngại để trang nghiêm nên pháp, nghĩa, từ, biện được nêu bày là vô tận.

Dùng lực để trang nghiêm nên chứng đắc mười lực của Đức Phật, dẹp tan các ma oán. Dùng vô úy để trang nghiêm nên bẻ gãy các luận thuyết của ngoại đạo, không hề bị khuất phục. Dùng công đức để trang nghiêm nên đạt được vô biên công đức của Phật.

Dùng pháp để trang nghiêm nên từ các lỗ chân lông nơi thân đều diễn nói pháp như tiếng vang. Dùng sự sáng tỏ để trang nghiêm nên có thể thấy được kho pháp của tất cả Chư Phật. Dùng hào quang để trang nghiêm nên chiếu soi đến tất cả các Cõi Phật. Dùng tâm ghi nhớ để trang nghiêm nên không có sai lầm.

Dùng sự dạy bảo để trang nghiêm nên thực hành đúng như lời nói. Dùng thần thông thần cảnh để trang nghiêm nên biến hiện được tất cả các loại hình tướng.

Dùng sự khen ngợi của hết thảy Chư Phật để trang nghiêm nên an trụ tự tại, không bị lệ thuộc. Dùng tất cả các pháp lành để trang nghiêm nên hội nhập cảnh giới của tất cả pháp Phật.

Này Tôn Giả Xá Lợi Tử! Bồ Tát Đại Hư Không Tạng đã thành tựu vô lượng công đức như thế. Bồ Tát ấy cùng với các Bồ Tát khác muốn đến Thế Giới Ta Bà này để chiêm ngưỡng, cung kính lễ bái, hầu hạ, cúng dường Như Lai, cũng là để phân biệt pháp môn vi diệu nơi chúng hội Đại tập này, khiến cho chư vị Bồ Tát khắp mười phương đã vân tập đến đây, đều hoan hỷ phát khởi lòng tin thanh tịnh, tất cả đều dốc lòng thâu nhận giữ gìn chánh pháp.

***