Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TẬP NHỮNG ĐIỀU

BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG HỎI PHẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bất Không, Đời Đường
 

PHẦN MƯỜI BẢY
 

Lại nữa, căn lành là siêng cầu pháp lành không nhàm chán, phước là đem căn lành đã có hồi hướng cho chúng sinh, trí là căn lành đã tích tập, hồi hướng đến bồ đề.

Lại nữa, căn lành là có thể tu tập các thiền chi, phước là đạt được các căn lành của thiền định, trí là từ các thiền định hiện sinh ở Cõi Dục.

Lại nữa, căn lành là tuệ lực nơi kiến thức rộng, phước là quán về chỗ đã nghe, trí là tuệ được viên mãn.

Lại nữa, căn lành là xem chúng sinh một cách bình đẳng, phước là chứng được định từ, trí là tâm từ bình đẳng giống như hư không.

Lại nữa, căn lành là hành trang tu tập ba địa, phước là hành trang tu tập bốn địa, trí là hành trang để viên mãn cho tám, chín, mười Địa.

Lại nữa, căn lành ấy là Bồ Tát mới phát tâm, phước là Bồ Tát an trụ nơi các hạnh, trí là Bồ Tát không thoái chuyển.

Lại nữa, căn lành là hạnh bình đẳng, phước là sự trang nghiêm của tướng tốt, trí là tướng vô kiến đảnh.

Lại nữa, căn lành là trang nghiêm Cõi Phật, phước là tâm luôn nghĩ đến viec cứu giúp, trí là làm lợi ích cho chúng sinh.

Lại nữa, căn lành là nghe giảng nói về nghiệp ma, phước là hiểu rõ về nghiệp ma, trí là có thể vượt khỏi nghiệp ma.

Lại nữa, căn lành là đầy đủ đại bi, phước là phương tiện thiện xảo, trí là tu tập bát nhã.

Lại nữa, căn lành là trang nghiêm Đạo Tràng giác ngộ, phước là khéo có thể hàng phục các ma, trí là trong một sát na tương ưng với tuệ, thành tựu Chánh Giác.

Này Phạm Vương! Như vậy gọi là căn lành, phước và trí.

Bấy giờ, Phạm Vương Quang Trang Nghiêm bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Kỳ lạ thay, có thể dùng ý nghĩa của ba câu để nói về các pháp.

Lúc ấy, Bồ Tát Hư Không Tạng bảo Phạm Vương Quang Trang Nghiêm: Phạm Vương! Chỉ có một câu mà có thể tóm thâu tất cả các pháp.

Thế nào là một?

Nghĩa là câu tánh không.

Vì sao?

Vì do các pháp đồng với tánh không, đó gọi là một câu. Lại nữa, có một câu thâu tóm các pháp, đó là câu vô tướng, câu vô nguyện, đều thâu tóm các pháp. Như vậy, nói rộng ra cho đến câu vô hành, câu lìa dục, câu tịch tĩnh, câu không có A lại da, câu pháp giới, câu chân như, câu thật tế, câu không sinh, câu không khởi, câu Niết Bàn, đều thâu tóm tất cả các pháp cũng như vậy.

Lại nữa, này Phạm Vương! Dục là câu lìa dục, vì tánh của lìa dục tức là dục, nên tất cả pháp Phật cũng đồng với tánh ấy. Sân là câu lìa sân, vì tánh của lìa sân tức là sân, tất cả pháp Phật cũng đồng với tánh ấy. Si là câu lìa si, vì tánh của lìa si tức là si, tất cả pháp Phật cũng đồng với tánh ấy.

Cho đến thân kiến là câu không thân kiến, vì tánh của không thân kiến tức là thân kiến, tất cả pháp Phật cũng đồng với tánh ấy. Sắc là câu Vô Sắc, vì tánh của Vô Sắc tức là sắc, tất cả pháp Phật cũng đồng với tánh ấy. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Thức là câu vô thức, vì tánh của sự không phân biệt tức là thức, tất cả pháp Phật cũng đồng với tánh ấy. Nói rộng ra cho đến xứ, giới, mười hai duyên sinh cũng như vậy.

Vô minh tức là câu minh, vì tánh của minh tức là vô minh, tất cả pháp Phật cũng đồng với tánh ấy. Cho đến sinh là câu bất sinh, vì tánh của không sinh tức là sinh, tất cả pháp Phật cũng đồng với tánh ấy. Tất cả câu pháp là câu vô pháp, vì tánh của vô pháp là pháp của Chư Phật, tất cả pháp Phật cũng đồng với tánh ấy.

Này Phạm Vương! Đó là một câu thâu tóm tất cả các pháp. Nếu Bồ Tát hội nhập nơi pháp môn này thì ở nơi một câu hội nhập vào tất cả pháp Phật.

Phạm Vương! Ví như biển cả, thâu nạp các dòng nước, đó là một câu thâu tóm tất cả các pháp cũng như vậy. Ví như hư không có thể bao trùm vạn vật, mỗi mỗi câu ấy đều thâu tóm tất cả các pháp cũng vậy.

Cho nên câu này chuyển biến đến vô tận vô lượng. Ví như nhà toán số dùng thẻ đếm phân ra từng phần, trong từng phần ấy không có thẻ đếm, trong thẻ đếm không có từng phần, mà có thể lần lượt đếm thành vô lượng số. Như thế, một câu thành vô lượng cau cũng như vậy.

Phạm Vương! Trăm ngàn kiếp như thế nêu bày chỗ so sánh về pháp của Phật, hoặc thân hoặc tâm đều không có chỗ thủ đắc, cũng không thể dùng số lượng để nhận biết.

Vì sao?

Vì tất cả pháp đều là Pháp Phật. Pháp Phật ấy tức chẳng phải pháp.

Vì sao?

Vì do tưởng phân biệt, do tưởng mà phân biệt khắp nên giả nói như vậy. Đối với vô tướng cũng chẳng phải là vô tướng, đối với vô pháp cũng chẳng phải là vô pháp, hoàn toan không có tướng. Tướng ấy thanh tịnh, xa lìa tự tướng, giống như hư không, đồng một tự tánh. Pháp Phật cũng vậy, tánh tướng đều không.

Khi Bồ Tát Hư Không Tạng giảng nói pháp này thì trong Phạm chúng ấy có hai vạn hai ngàn Phạm Thiên đều phát tâm cầu đạo quả bồ đề Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Lại nữa, có năm ngàn Phạm Vương do căn lành đã gieo trồng từ đời trước nên chứng được pháp nhẫn vô sinh.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Bảo Thủ hỏi Bồ Tát Đại Hư Không Tạng: Thưa Đại Sĩ! Đối với tâm bồ đề nên dùng pháp gì để thâu giữ khiến không thể thoái chuyển?

Bồ Tát Hư Không Tạng đáp: Này thiện nam! Tâm bồ đề dùng hai pháp để thâu giữ, khiến được an trụ, không thoái lui.

Những gì là hai pháp?

Đó là ý lạc và ý lạc tăng thượng.

Ý lạc và ý lạc tăng thượng này lấy gì làm đối tượng để thâu giữ?

Dùng bốn pháp để thâu giữ.

Những gì là bốn?

Đó là ý lạc lấy sự không dua nịnh và không dối trá để thâu tóm. Ý lạc tăng thượng thì dùng tâm không tán loạn và sự tu hành tinh tấn để thâu tóm. Đó là dùng bốn pháp để thâu tóm hai pháp.

Bốn pháp này thì dùng bao nhiêu pháp để thâu tóm?

Có tám pháp để thâu tóm.

Những gì là tám?

Đó là không dua nịnh thì dùng chánh trực và chánh trú để thâu tóm. Không dối trá thì dùng tâm không giả dối và ý lạc thanh tịnh để thâu tóm. Tâm không tán loạn thì dùng tâm không thoái chuyển và tinh tấn không thoái lui để thâu tóm. Tu hạnh tinh tấn bậc nhất thì dùng hành trang về phước đức và hành trang về trí tuệ để thâu tóm.

Đó là dùng tám pháp để thâu tóm bốn pháp.

Tám pháp này dùng bao nhiêu pháp để thâu tóm?

Dùng mười sáu pháp để thâu tóm.

Những gì là mười sáu pháp?

Đó là chánh trực thì dùng tịch tĩnh và nhu hòa để thâu tóm. Chánh trụ thì dùng vô ngã và sự chân thật để thâu tóm. Không giả dối thì dùng đại từ đại bi để thâu tóm. Ý lạc thanh tịnh thì dùng thân thanh tịnh và tâm thanh tịnh để thâu tóm. Tâm không thoái chuyển thì dùng sự kiên cố và diệu lực để thâu tóm.

Tinh tấn không thoái lui thì dùng sự thực hành đúng theo lời dạy và tu tập chân chánh để thâu tóm. Hành trang về phước đức thì dùng gia hạnh và gia hạnh tăng thượng để thâu tóm. Hành trang về trí tuệ thì dùng sự nghe nhiều và những tư duy về điều được nghe để thâu tóm. Đó là dùng mười sáu pháp để thâu tóm sáu pháp.

Mười sáu pháp này dùng bao nhiêu pháp để thâu tóm?

Mười sáu pháp này dùng ba mươi hai pháp để thâu tóm.

Những gì là ba mươi hai?

Đó là tịch tĩnh thì dùng pháp hổ và thẹn để thâu tóm. Nhu hòa thì dùng lời nói thiện và trụ nơi an lạc để thâu tóm. Vô ngã thì dùng sự khiêm nhường và bất động để thâu tóm.

Chân thật thì dùng sự không cấu uế và lời nói không gây tổn hại để thâu tóm. Đại Từ thì dùng tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh và tâm không ngăn ngại để thâu tóm. Đại bi thì dùng sự không mệt moi và những việc đã làm, cung cấp cho chúng sinh để thâu tóm.

Thân thanh tịnh thì dùng pháp không hai và sự biết đủ về tài vật của mình để thâu tóm. Tâm thanh tịnh thì dùng tánh nhu hòa và tịch tĩnh để thâu tóm. Kiên cố thì dùng sự mong cầu đầy đủ và quyết định cứu giúp để thâu tóm. Diệu lực thì dùng tuệ thiện trú và tuệ bất động để thâu tóm. Sự thực hành đúng như pháp đã nêu bày thì dùng tánh như chỗ thuyết giảng và chủ thể tạo tác để thâu tóm.

Tu hành chân chánh thì dùng pháp chánh gia hạnh và chánh tinh tấn để thâu tóm. Gia hạnh thì dùng sự siêu việt thù thắng và không thoái chuyển để thâu tóm. Gia hạnh tăng thượng thì dùng sự lãnh hội từ người khác và tác ý như lý để thâu tóm. Hiểu biết rộng thì lấy sự gần gũi và tùy thuận nơi bạn lành để thâu tóm.

Suy nghĩ về những điều đã nghe thì dùng chánh hạnh dũng mãnh và sự quán xét của thiền định để thâu tóm.

Này thiện nam, đó là ba mươi hai pháp dùng để thâu tóm mười sáu pháp.

Ba mươi hai pháp này thì dùng bao nhiêu pháp để thâu tóm?

Ba mươi hai pháp này thì dùng sáu mươi bốn pháp để thâu tóm.

Những gì là sáu mươi bốn pháp?

Đó là: Hổ thì lấy sự quan sát về bên trong và sự phòng hộ các căn để thâu tóm. Thẹn thì dùng sự giữ gìn cảnh bên ngoài và kính bậc có đức để thâu tóm. Lời nói thiện thì dùng sự cầu pháp và ưa thích pháp để thau tóm.

Trụ nơi an lạc thì dùng thân và tâm thanh tịnh để thâu tóm. Khiêm nhường thì dùng sự không cao ngạo và lời nói như pháp để thâu tóm bất động thì dùng thân và tâm chân chánh để thâu tóm. Không cấu uế thì dùng sự diệt trừ ba cấu uế và tu tập ba pháp môn giải thoát để thâu tóm.

Lời nói không tổn hại thì dùng sự không thô lỗ và lời nói không chia rẽ để thâu tóm. Tâm vô ngại thì dùng sự tự giữ mình và giữ gìn cho người khác để thâu tóm. Tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh thì dùng sự không phân biệt, lựa chọn và tánh đồng nhất để thâu tóm.

Không mệt mỏi thì dùng tự tánh như mộng và tự tánh như huyễn để thâu tóm. Tất cả việc làm nhằm cung cấp cho chúng sinh thì dùng thần thông và phương tiện để thâu tóm. Không hại thì dùng sự xấu hổ và tin vào nghiệp báo để thâu tóm.

Đối với các tài vật đều biết đủ thì dùng sự ít ham muốn và biết đủ để thâu tóm. Điều phục nhu hòa thì dùng hành động không nóng nảy và không dối trá để thâu tóm. Tánh tịch tĩnh thì dùng sự xả bỏ ngã và ngã sở để thâu tóm. Sự mong cầu đầy đủ thì dùng quán tâm bồ đề và tùy thuận nơi Đạo Tràng bồ đề để thâu tóm. Quyết định cứu giúp thì dùng sự giác ngộ về nghiệp ma và sự gia hộ của Chư Phật để thâu tóm.

Tuệ thiện trụ thì dùng sự điềm tĩnh và không loạn động để thâu tóm. Tuệ bất động thì dùng tâm như núi cùng không dời đổi để thâu tóm. Tánh đúng như pháp thuyết giảng thì dùng chỗ tạo nghiệp thiện và sự không hối tiếc để thâu tóm. Chủ thể tạo tác thì dùng thật tánh và chân tánh để thâu tóm. Chánh gia hạnh thì dùng sự thuận theo duyên sinh và xa lìa chấp đoạn, thường để thâu tóm. Chánh tinh tấn thì dùng gia hạnh và như lý để thâu tóm.

Không thoái chuyển thì dùng chánh cần và sự không biếng trễ để thâu tóm. Vượt hơn hết thì dùng sự dũng mãnh và tinh tấn để thâu tóm. Lãnh hội từ nơi kẻ khác thì dùng bạn lành và sự cầu pháp để thâu tóm. Tác ý như lý thì dùng hành trang về chỉ và quán để thâu tóm.

Gần gũi bạn lành thì dùng sự thuận hợp và cung kính để thâu tóm. Tùy thuận bạn lành thì dùng sự xem nhẹ lợi dưỡng đối với thân và tâm để thâu tóm. Chánh hạnh dũng mãnh thì dùng Niết Bàn và sự lìa dục để thâu tóm. Quán xét của thiền định thì dùng nhân và quả không bị hủy hoại để thâu tóm.

Này thiện nam! Đó là sáu mươi bốn pháp dùng để thâu tóm ba mươi hai pháp.

Lại hỏi: Sáu mươi bốn pháp này nên dùng bao nhiêu pháp đê thâu tóm?

Sáu mươi bốn pháp này nên dùng một trăm hai mươi tám pháp để thâu tóm.

Đó là: Sự quan sát bên trong thì dùng pháp về không và quán về tánh để thâu tóm. Giữ gìn các căn thì dùng chánh niệm và chánh tri kiến để thâu tóm. Giữ gìn cảnh giới bên ngoài thì dùng sự phòng hộ các căn và sự không giong ruổi, loạn động để thâu tóm. Cung kính bậc có đức thì dùng sự quan sát bậc trí vượt hơn mình và không cầu bậc trí vượt hơn khác nữa để thâu tóm.

Cầu pháp thì dùng sự mong cầu đầy đủ, dũng mãnh không thoái chuyển nơi chính mình và không nhớ nghĩ việc làm ác đối với người khác để thâu tóm. Ưa thích pháp thì dùng sự cầu pháp và tùy thuận pháp để thâu tóm. Thân thanh tịnh thì dùng sự xa lìa hôn trầm và tanh si để thâu tóm. Tâm tĩnh là dùng sự nhận biết khắp và đoạn trừ phiền não để thâu tóm.

Không cao ngạo thì dùng sự không kiêu mạn và dứt trừ mọi bạo ác để thâu tóm. Lời nói đúng như pháp thì dùng sự đoạn bỏ các pháp bất thiện và tạo đầy đủ pháp lành để thâu tóm. Thân chân chánh thì dùng sự không thô lỗ và lời nói không xấu ác để thâu tóm. Tâm chân chánh thì dùng chánh niệm và chánh định để thâu tóm.

Trừ diệt ba cấu thì dùng pháp quán bất tịnh và quán từ bi để thâu tóm. Tu tập ba pháp môn giải thoát thì dùng chỗ không lưu chuyển trong luân hồi và thắng nghĩa đế để thâu tóm. Không thô lỗ thì dùng lời nói tạo lợi ích và lời nói tạo an lạc để thâu tóm. Lời nói không chia rẽ thì dùng lời nói không phá hoại và lời nói hòa hợp để thâu tóm.

Tự giữ gìn mình thì dùng sự không tạo các tội và tích tập các phước đức để thâu tóm. Ủng hộ người khác thì dùng sự nhẫn nhục và nhu hòa để thâu tóm. Không phân biệt, chọn lựa thì dùng tâm bình đẳng như hư không và tâm không vướng mắc để thâu tóm. Tánh một vị thì dùng chân như và tánh của pháp giới để thâu tóm.

Tự tánh như mộng thì dùng sự thấy nghe hiểu về pháp và chỗ trải qua không thọ dụng pháp để thâu tóm. Tự tánh như huyễn thì dùng chỗ mê lầm hư dối cùng phân biệt xét đoán để thâu tóm. Thần thông thì dùng sự thành tựu lợi ích và tùy thuận nơi trí tuệ để thâu tóm. Phương tiện thì dùng ánh sáng của trí tuệ và quan sát về hữu tình để thâu tóm.

Hổ thẹn thì dùng sự hối hận không còn tạo tác nữa và không che giấu lỗi lầm để thâu tóm. Tin vào nghiệp báo thì dùng sự hiện chứng các pháp không sinh buông lung và sợ hãi về khổ nơi đời sau để thâu tóm. Ít ham muốn thì dùng sự thọ dụng thanh tịnh và xa lìa tâm không biết chán đủ để thâu tóm. Biết đủ thì dùng tâm xem nhẹ sự đầy đủ và xem nhẹ mọi lợi dưỡng để thâu tóm.

Không tán động thì dùng sự cứu cánh tận cùng và không tranh cãi để thâu tóm. Không khinh dối thì dùng lời nói chân thật và pháp nhu hòa để thâu tóm. Xả bỏ ngã thì dùng sự không chấp nhân và diệt trừ ác kiến để thâu tóm. Không có ngã sở thì dùng không ngã mạn và không tham chấp để thâu tóm.

***