Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TẬP NHỮNG ĐIỀU

BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG HỎI PHẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bất Không, Đời Đường
 

PHẦN MƯỜI BỐN
 

Này thiện nam! Vua Phước Báo Trang Nghiêm đó, đã trải qua tám vạn bốn ngàn năm vì để lãnh hội pháp này, nên đi đến chỗ Đức Như Lai Vô Cấu Viêm Vô Lượng Quang Vương, thấy hai Đồng Tử này xuất gia học đạo, riêng tự suy nghĩ: Hai Đồng Tử này xuất gia học đạo chứng đắc được gì?

Không biết công đức của ta, trong tám vạn bốn ngàn năm đã dùng vô số vật dụng tạo sự an lạc để cúng dường, công đức đó như thế nào?

Đức Như Lai Vô Cấu Viêm Vô Lượng Quang Vương nhận biết tâm niệm của nhà Vua liền bảo Đồng Tử Sư Tử Dũng Bộ: Này thiện nam! Ông nên thị hiện các thứ thần thông trí tuệ, thần thông phước đức, thần thông diệu lực, che lấp oai quang hiện có của đại chúng và tất cả ánh sáng nơi cung điện của ma, nhằm hiển bày tướng bồ đề, khiến cho đại chúng kia sinh tâm hy hữu, đạt được chánh kien, hàng phục các luận thuyết khác, thắp ngọn đuốc pháp lớn, diệt trừ phiền não, được thần thông tự tại hiện rõ diệu dụng nơi Bồ Tát.

Lúc đó, Bồ Tát Sư Tử Dũng Bộ liền đưa cánh tay sờ vào hư không, khiến cho tam thiên Thế Giới chấn động đủ sáu cách, lại đưa cánh tay lên chạm vào hư không lần nữa, tức thì trong hư không có trăm ngàn ức thứ nhạc Trời, không tấu mà tự vang lên, âm thanh ấy thật hòa nhã, êm dịu.

Bồ Tát Sư Tử Dũng Bộ lại đưa tay lên chạm vào hư không như trước, liền mưa xuống vô lượng hoa Trời tươi đẹp, từ xưa chưa từng nghe thấy, rất mềm mại giống như lụa Ca chi lật na, khi xúc chạm thì luôn cảm thấy vui thích.

Cũng tuôn xuống vô số vat báu, các thứ hương bột, hương xoa, lọng, lụa, cờ phướn, y phục, thức ăn, tất cả vật dụng cho đời sống, các vật trang nghiêm chứa đầy cả tam thiên đại thiên Thế Giới. Hết thảy chúng hội đều đạt được điều chưa từng có.

Khi ấy, Đức Như Lai Vô Cấu Viêm Vô Lượng Quang Vương bảo Vua Phước Báo Trang Nghiêm: Cơn mưa các vật báu thể hiện huệ thí rộng lớn như vậy, ông có thể nhận biết được về số lượng không?

Vua bạch Phật: Kính thưa Thế Tôn! Cơn mưa các vật báu thể hiện huệ thí ấy cũng như hư không, chẳng thể biết được về số lượng.

Phật bảo: Này Đại Vương! Bồ Tát Sư Tử Dũng Bộ đó, nếu dùng diệu lực của thần thông trí tuệ thì chỉ trong một sát na sẽ tuôn xuống trận mưa vật báu như thế khắp hằng hà sa số Thế Giới, khiến cho tất cả chúng sinh tùy ý thọ nhận, đều được đầy đủ và vô cùng vui thích.

Này thiện nam! Ngay lúc ấy, có vị Trời thuộc Cõi Địa Cư xướng lên: Bồ Tát này vào đời vị lai, nhất định có thể thành tựu được kho tàng như hư không, tùy theo sự mong cầu của chúng sinh, đều từ nơi không trung mưa xuống các vật báu như vậy.

Như thế Thiên chúng của các Cõi Trời Tứ Đại Thiên Vương, Trời Tam Thập Tam, Trời Dạ Ma, Trời Đâu Suất, Trời Lạc Biến Hóa, Trời Tha Hóa Tự Tại, Trời Đại Phạm Vương, lần lượt nói với nhau, đều như vậy.

Bấy giờ, Như Lai Vô Cấu Viêm Vô Lượng Quang Vương tức thì ấn chứng, vị Đại Sĩ kia sẽ thành tựu kho tàng như hư không. Nói xong, liền có hằng sa Chư Phật cùng lúc nói lời ấn chứng cũng như thế.

Này thiện nam!

Vua Phước Báo Trang Nghiêm trông thấy thần biến của Bồ Tát Sư Tử Dũng Bộ như vậy ben chắp tay hướng về Đức Phật thưa: Kính bạch Thế Tôn! Diệu lực của thần thông phước đức nơi Bồ Tát ấy không thể nghĩ bàn như vậy. Vua liền lập Thái Tử Thắng Tuệ nối ngôi, rồi lìa hoàng cung, ngai vàng, cạo bỏ râu tóc, ở trong pháp của Đức Như Lai xuất gia tu đạo.

Xuất Gia rồi Vua liền suy nghĩ: Việc xả thí là nhằm tạo lợi ích cho thân, miệng, ý. Còn xuất gia thì khiến cho ba nghiệp được thanh tịnh. Việc bố thí là để cứu giúp cho bao kẻ thiếu thốn. Còn sự xuất gia thì dứt hết mọi sự thiếu thốn.

Việc xả thí đó chỉ đạt được quả báo mỏng manh, không chắc chắn. Còn xuất gia thì đạt được quả báo chắc thật. Sự xả thí đó thì thuộc về ngã sở. Còn việc xuất gia thì không còn sự thâu nhận. Việc xả thí vẫn còn theo thân kiến. Còn xuất gia thì xa lìa tất cả kiến chấp.

Việc xả thí giống như đứa trẻ được đi dạo chơi, vui mừng, mà không biết gì. Còn xuất gia thì với trí tuệ tịch tĩnh mọi thứ đều nhận biết khắp. Vua suy nghĩ như vậy rồi, nên yên vui nơi cảnh tịch tĩnh, không sinh phóng dật, siêng năng tu đạo, sau đó không bao lâu thì chứng được năm thần thông.

Này thiện nam! Vua Phước Báo Trang Nghiêm thơi ấy, chẳng phải là người nào xa lạ mà chính là Đức Như Lai Câu lưu tôn, Bồ Tát Sư Tử chính là ta, còn Bồ Tát Sư Tử Dũng Bộ chính là Bồ Tát Đại Hư Không Tạng. Đại Bồ Tát Hư Không Tạng kia ở trong vô lượng trăm ngàn ưc na do tha kiếp, từ nơi kho tàng như hư không, luôn có thể mưa xuống vô số vật báu không dừng nghỉ.

Này thiện nam! Vương Tử Thắng Tuệ thời đó nay chính là Bồ Tát Từ Thị. Hàng thiện nam vui mừng, thanh tịnh, do đời trước đã gieo trồng căn lành nên được nghe giáo pháp, nên biết đều là nơi chốn y báo của các loài hữu tình.

Khi giảng nói về nhân duyên đời trước của Bồ Tát Hư Không Tạng này thì có mười hai vạn người, đều phát tâm cầu đạo qua Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bấy giờ, Bồ Tát Đại Hư Không Tạng bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là đạo xuất thế gian của Bồ Tát?

Phật bảo Bồ Tát Đại Hư Không Tạng: Này thiện nam! Đạo xuất thế gian của Bồ Tát là sáu pháp Ba La Mật, là ba mươi bảy pháp bồ đề phần, là pháp chỉ, quán, là bốn nhiếp pháp, là bốn tâm vô lượng, là bốn Thiền, là bốn Định Vô Sắc, là năm thần thông.

Này thiện nam! Đó gọi là đạo xuất thế gian của Bồ Tát.

Pháp thế gian nghĩa là năm uẩn. Bồ Tát vì cầu đạt bồ đề bằng trí tuệ phương tiện, biết sắc là vô thường, nên thực hành bố thí, biết sắc là khổ, biết sắc là vô ngã, biết sắc là tịch tĩnh, biết sắc là không.

Biết sắc là vô tướng, biết sắc là vô nguyện, biết sắc là vô hành, biết sắc là chẳng sinh, biết sắc là chẳng khởi, biết sắc là duyên sinh, biết sắc là xa lìa, biết sắc là không chấp giữ, biết sắc là không có A lại da, biết sắc là không phát khởi, biết sắc là như huyễn, biết sắc là như mộng, biết sắc như dợn nắng, như trăng dưới nước, như tiếng vang trong hang sâu, như điện chớp, như ảnh tượng, như hình bóng, như cỏ cây, như gạch ngói, mà thực hành bố thí.

Khi Bồ Tát thực hành bố thí như vậy, Bồ Tát nhận biết về chân như của sắc.

Do biết chân như của sắc, nên nhận biết chân như của bố thí, biết chân như của bố thí tức biết chân như của hồi hướng, biết chân như của hồi hướng tức biết chân như của bồ đề, vì biết chân như của bồ đề tức biết chân như của hữu tình, vì biết chân như của hữu tình nên biết được chân như của ngã, biết được chân như của ngã tưc biết chân như của tất cả pháp, biết chân như của tất cả pháp nên phi chân như là chân như không vọng, chân như không đổi khác, biết như vậy mà thực hành bố thí.

Này thiện nam! Đó là đạo xuất thế gian của Bồ Tát. Như vậy nhận biết về thọ, tưởng, hành, thức tức là vô thường mà thực hành bố thí. Nhận biết về thức là vô ngã, biết thức là tịch tĩnh, biết thức là không, biết thức là vô tướng, biết thức là vô nguyện, biết thức là vô hành, biết thức là không sinh.

Biết thức là không khởi, biết thức là duyên sinh, biết thức là xa lìa, biết thức là không chấp giữ, biết thức là không có A lại da không chỗ chứa nhóm, biết thức là không phát khởi, biết thức là như huyễn.

Biết thức là như mộng, biết thức như dợn nắng, biết thức như trăng dưới nước, như tiếng vang trong hang sâu, như bóng hình, nhận biết về thức không hình tướng như vậy mà thực hành bố thí. Khi thực hành bố thí như thế thì nhận biết chân như của thức, nên đạt được chân như của bố thí.

Do đạt được chân như của bố thí nên đạt được chân như của hồi hướng, vì được chân như của hồi hướng nên đạt được chân như của bồ đề, được chân như của bồ đề tức đạt được chân như của hữu tình, được chân như của hữu tình nên đạt được chân như của ngã, được chân như của ngã nên đạt được chân như của tất cả pháp, được chân như của tất cả pháp nên phi chân như là chân như không vọng, không đổi khác mà thực hành bố thí.

Này thiện nam! Đó là đạo xuất thế gian của Bồ Tát.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát biết sắc là vô thường nên giữ giới, cho đến biết sắc như cỏ cây, ngói đá nên giữ giới. Khi Bồ Tát giữ giới như vậy thì nhận biết được chân như của sắc, vì biết chân như của sắc nên biết chân như của giới, biết chân như của giới nên đạt được chân như của hồi hướng, biết chân như của hồi hướng nên đạt được chân như của bồ đề.

Đạt được chân như của bồ đề nên biết được chân như của hữu tình, đạt được chân như của hữu tình nên rõ được chân như của ngã, được chân như của ngã nên đạt được chân như của tất cả pháp, nhận biết chân như của tất cả pháp nên phi chân như là chân như chẳng vọng, chân như chẳng khác, tức tùy theo đó mà giữ giới.

Này thiện nam! Đó là đạo xuất thế gian của Bồ Tát. Như thế, nhận biết ve thọ, tưởng, hành, thức là vô thường mà giữ giới, cho đến biết sắc là vô hình tướng mà giữ giới.

Lúc giữ giới như vậy thì biết được chân như của thức, biết được chân như của thức nên đạt được chân như của giới, biết được chân như của giới nên đạt được chân như của hồi hướng, được chân như của hồi hướng nên đạt được chân như của bồ đề, được chân như của bồ đề nên đạt được chân như của hữu tình.

Được chân như của hữu tình nên đạt được chân như của ngã, được chân như của ngã nên đạt được của tất cả pháp, được chân như của tất cả pháp nên phi chân như là chân như chẳng vọng, chân như chẳng đổi khác, tùy theo đó mà giữ giới.

Này thiện nam! Đó là đạo xuất thế gian của Bồ Tát.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát biết sắc là vô thường nên thực hành nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, cho đến biết sắc như cỏ cây, ngói đá mà thực hành trí tuệ. Khi Bồ Tát thực hành trí tuệ như thế, nên biết được chân như của sắc, do biết được chân như của sắc nên đạt được chân như của trí tuệ.

Được chân như của trí tuệ nên đạt được chân như của hồi hướng, được chân như của hồi hướng nên đạt được chân như của bồ đề, được chân như của bồ đề nên đạt được chân như của hữu tình, được chân như của hữu tình nên đạt được chân như của ngã, được chân như của ngã nên đạt được chân như của tất cả pháp, được chân như của tất cả pháp nên phi chân như là chân như chẳng vọng, chân như chẳng khác, theo đấy mà thực hành trí tuệ.

Này thiện nam! Đó là đạo xuất thế gian của Bồ Tát. Như thế nhận biết về thọ, tưởng, hành, thức là vô thường mà thực hành trí tuệ, cho đến biết thức là vô hình tướng mà thực hành trí tuệ. Khi thực hành trí tuệ như vậy thì nhận biết được chân như của thức, do biết được chân như của thức nên đạt được chân như của trí tuệ.

Được chân như của trí tuệ nên đạt được chân như của hồi hướng, được chân như của hồi hướng nên đạt được chân như của bồ đề, được chân như của bồ đề nên đạt được chân như của hữu tình, được chân như của hữu tình nên đạt được chân như của ngã, được chân như của ngã nên đạt được chân như của tất cả pháp, được chân như của tất cả pháp nên phi chân như là chân như chẳng hư vọng, chẳng sai khác, tùy theo đấy mà thực hành trí tuệ.

Này thiện nam! Đó là đạo xuất thế gian của Bồ Tát.

Này thiện nam! Bồ Tát biết sắc là vô thường, quán thân nơi thân, tu tập về thân niệm xứ, cho đến biết sắc như cỏ cây, gạch ngói, tu thân niệm xứ.

Lúc Bồ Tát tu tập về thân niệm xứ như thế, nên biết chân như của sắc, biết chân như của sắc nên biết chân như của thân, biết chân như của thân cho đến biết được chân như của tất cả pháp, biết chân như của tất cả pháp nên phi chân như là chân như chẳng vọng, chân như chẳng khác, theo đấy mà tu thân niệm xứ, chẳng cùng với thân chung làm việc xét tìm.

Này thiện nam! Đó là đạo xuất thế gian của Bồ Tát. Như vậy, biết thọ, tưởng, hành, thức là vô thường nên tu tập về thân niệm xứ, cho đến biết thức không có hình tướng mà tu thân niệm xứ. Lúc tu tập về thân niệm xứ như thế, nên nhận biết chân như của thức.

Vì biết được chân như của thức nên đạt được chân như của thân niệm xứ, được chân như của thân niệm xứ nên đạt được chân như của hồi hướng, được chân như của hồi hướng nên đạt được chân như của bồ đề, được chân như của bồ đề nên đạt được chân như của hữu tình, được chân như của hữu tình nên đạt được chân như của ngã.

Được chân như của ngã nên đạt được chân như của tất cả pháp, được chân như của tất cả pháp thì phi chân như là chân như chẳng vọng, chân như chẳng đổi khác, theo đấy mà tu tập về thân niệm xứ, cho đến tu tập về thọ, tâm, pháp niệm xứ cũng như vậy, không gắn liền với pháp để cùng hành xét tìm.

Này thiện nam! Đó gọi là đạo xuất thế gian của Bồ Tát. Như thế, nhận biết sắc là vô thường nên tu bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy bồ đề phần, tám Thánh Đạo, các pháp chỉ quán, bốn nhiếp pháp, bốn tâm vô lượng, bốn thiền, bốn định vô sắc, năm thần thông.

Cũng như vậy, biết sắc là khổ, biết sắc là vô ngã, biết sắc là tịch tĩnh, biết sắc là Không, biết sắc là vô tướng, biết sắc là vô nguyện, biết sắc là vô hành, là chẳng sinh, là chẳng diệt, là duyên sinh, là xa lìa, cho đến biết sắc là cỏ cây, gạch ngói dẫn đến trí thần thông. Như thế, nhận biết về thọ, tưởng, hành, thức là vô thường dẫn đến trí thần thông.

Như vậy, chân như của uẩn, chân như của thần thông, cho đến chân như của tất cả pháp, vì biết chân như của tất cả pháp nên phi chân như là chân như chẳng vọng, chân như chẳng khác, dẫn đến trí thần thông cũng lại như vậy.

Này thiện nam! Đó gọi là đạo xuất thế gian của Bồ Tát.

Vì sao?

Vì đạo ấy siêu việt mọi nẻo thế gian. Do biết chân như của sắc nên sắc ấy chẳng bị hủy hoại, chẳng thường, chẳng đoạn, do duyên sinh nên tự tánh là vô sinh.

Như thế nhận biết về chân như của thọ, tưởng, hành, thức là không hủy hoại, thức là không đoạn, không thường, từ duyen sinh tự tánh là vô sinh, vượt khỏi uẩn của thế gian, cùng Cõi Dục, Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc, do không đắm nhiễm. Vì không đắm nhiễm nên đối với các chúng sinh thọ sinh trong năm đường, thuyết giảng điều ấy, gọi là đạo xuất thế gian. Do Đức Phật giả nói là có thế gian, vì thế nên không hủy hoại.

Vì sao?

Vì tướng vô thường không hủy hoại thế gian, tướng khổ, tướng vô ngã, tướng tịch tĩnh, tướng không, tướng vô tướng, tướng vô nguyện, tướng vô hành, cho đến tướng chân như cũng đều không hủy hoại thế gian.

***