Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TẬP NHỮNG ĐIỀU

BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG HỎI PHẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bất Không, Đời Đường
 

PHẦN MƯỜI TÁM
 

Quán tâm Bồ Đề thì dùng sự không mong cầu về thừa thấp nhỏ và thương xót các chúng sinh để thâu tóm. Thuận theo Đạo Tràng Bồ Đề thì dùng việc hàng phục các ma và chứng đắc pháp Phật để thâu tóm. Giác ngộ về nghiệp ma thì dùng sự chỉ dạy, trao truyền của bậc thiện tri thức và tu tập trí tuệ Ba la mật để thau tóm. Sự gia hộ của Chư Phật thì dùng việc thực hành đúng như pháp đã thuyết giảng và không bỏ tất cả chúng sinh để thâu tóm.

Không nóng nảy thì dùng tâm như đại địa và dứt hết sự thương, ghét để thâu tóm. Không lay động thì lấy sự xa lìa ác tác hối và quán vô thường để thâu tóm. Tâm như núi thì dùng sự không cao không thấp để thâu tóm.

Không dời đổi thì dùng hạnh nguyện không thoái chuyển và hạnh nguyện thắng tiến để thâu tóm. Khéo tạo nghiệp thì dùng hành động của trí mà không nhớ nghĩ theo việc của ma để thâu tóm. Không hối tiếc thì dùng giới thanh tịnh và định thanh tịnh để thâu tóm.

Thật tánh thì dùng đế thế tục và đế thắng nghĩa để thâu tóm. Chân tánh thì chân như và pháp chân thật để thâu tóm. Thuận theo duyên sinh thì dùng nhân và duyên để thâu tóm. Xa lìa chấp đoạn, thường thì dùng pháp vô sinh và vô diệt để thâu tóm. Đối tượng được gia hạnh thì dùng lòng tin nơi nghiệp quả và sự dứt sinh nghiệp để thâu tóm. Như lý thì dùng đạo xa lìa và đạo bất sinh để thâu tóm.

Chánh cần thì dùng việc đoạn trừ điều ác và không dứt bỏ điều thiện để thâu tóm. Không kiêu mạn thì dùng diệu lực nơi tâm và thân để thâu tóm. Dũng mãnh thì dùng sự quán xét kỹ và không mất sự tu hành để thâu tóm. Tinh tấn thì dùng tâm không xen tạp và không thoái chuyển để thâu tóm.

Đối với bậc Thiện tri thức thì dùng sự cung kính và cúng dường để thâu tóm. Cầu pháp thì dùng sự cầu đạt chánh trí và cầu đạt giải thoát để thâu tóm. Hành trang của pháp chỉ thì dùng thân và tâm dứt bặt, vắng lặng để thâu tóm. Hành trang của quán dùng sự nghe pháp không nhàm chán và tác ý như lý để thâu tóm.

Vâng theo thuận hợp thì dùng việc chắp tay, lễ bái để thâu tóm. Cung kính thì dùng lời nói chân thật và không dối trá để thâu tóm. Thân khinh an thì dùng sự ăn uống điều độ, ngủ nghỉ luôn tỉnh thức để thâu tóm. Tâm khinh an thì dùng sự không tham muốn và chánh tư duy để thâu tóm. Niết Bàn thì dùng sự xa lìa vô thường và khổ để thâu tóm.

Lìa dục thì dùng vô ngã và sự không thâu nhận để thâu tóm. Nhân không hủy hoại thì dùng nhân tịch diệt và thắng giải để thâu tóm. Quả không hủy hoại thì dùng pháp quán như Du Già không dối trá và sự tán thán về quả thắng giải để thâu tóm.

Này thiện nam! Đó là sáu mươi bốn pháp đã dùng một trăm hai mươi tám pháp để thâu tóm.

Này thiện nam! Như vậy là tôi đã lược nói về chỗ thâu tóm của tất cả các pháp. Nếu nói về số lượng của các pháp ấy cứ lần lượt tang thêm thì với biện tài vô ngại của tôi, hoặc một kiếp, hoặc hơn một kiếp cũng không thể nêu bày hết.

Khi Bồ Tát Bảo Thủ nghe Bồ Tát Đại Hư Không Tạng nói về sự thâu tóm của các pháp này thì đạt được điều chưa từng có nên rất đỗi vui mừng, liền đưa cánh tay phải lên như che tam thiên đại thiên Thế Giới, chỉ khoảng một sát na thì toàn bộ mười phương Thế Giới.

Chỗ hiện có các thứ vòng hoa, hương bột, hương xoa, lọng, cờ phướn, y phuc, các loại âm nhạc vi diệu, đều từ trong cánh tay phải của Bồ Tát Bảo Thủ rơi xuống như mưa, hiện đủ khắp nơi tam thiên Đại Thiên Thế Giới. Hoa thì ngập đến đầu gối, còn cờ phướn, y phục thì hiện đầy cả hư không, tạo sự đẹp đẽ rực rỡ.

Trăm ngàn thứ âm nhạc không tấu mà tự nhiên vang lên trong âm thanh đó phát ra bài kệ:

Giữ đức, hiển đức đủ trăm phước

Niệm, tuệ tu hành, hàng phục ma

Bậc đại Sa Môn khéo thuyết pháp

Diệt sạch hữu lậu khắp mười phương.

Tu trì được phước lành thù thắng

Chế ngự sợ hãi, lìa trần nhiễm

Dẫn dắt Trời người đến Niết Bàn

Mười lực dứt lậu, tâm vô tướng.

Thuyết pháp với âm thanh vi diệu

Không mất, không sai lìa ba cấu

Trời người ba cõi không gì sánh

Tùy thuận thế gian ban an lạc.

Niệm tuệ tu trì đều viên mãn

Mười lực tối thắng diệt quân ma

Do đấy khai mở cửa cam lộ

Khéo điều phục, không còn ràng buộc.

Tự tại bất động hơn tất cả

Giáo hóa mười phương lợi Trời, người

Diệu tuệ như không, chẳng chỗ nương

Pháp giới bất động an như đất.

Âm thanh ánh sáng dứt tối tăm

Nên khen ngợi bậc lìa trần cấu

Tuệ sáng chiếu soi được an lành

Ánh sáng Mâu Ni che các ma.

Giáo hóa Trời, người nơi ba cõi

Thị hiện định, loạn lìa mọi duyên

Thế gian vô ngại như hư không

Nên Phật giáo hóa hàng Trời, người.

Có thể lường ba ngàn biển cả

Mười phương hư không có thể đi

Tâm các chúng sinh có thể biết

Công đức Phật khó thể lường xét.

Khi dùng kệ này để tán thán Phật xong thì Thiên Ma Ba Tuần liền chuẩn bị bốn thứ quân binh rồi đi đến chỗ Đức Phật, đứng trước chúng hội hiện ra thân hình một trưởng giả, cúi đầu lễ nơi chân Phật lui ra đứng một bên, bạch Phật: Bạch Thế Tôn!

Bồ Tát Đại Hư Không Tạng và Bồ Tát Bảo Thủ, hai vị Chánh Sĩ này đã thành tựu vô lượng, vô biên công đức, lại có thể thị hiện vô số các pháp thần thông đặc biệt, tạo nhiều lợi ích như vậy.

Ở đời vị lai, nếu có chúng sinh nghe Kinh Điển này thì có thể tư duy để tin hiểu mà mở bày, tỏ ngộ chăng?

Phật bảo Thiên Ma Ba Tuần: Vào đời vị lai, những người tin Kinh này số lượng rất ít, như đem một sợi lông ngắt ra làm trăm ngàn phần, dùng một phần nhỏ ấy bỏ vào trong biển cả để lấy một giọt nước.

Này thiện nam! Những người tin Kinh này như giọt nước trên đầu sợi lông, còn những người không tin Kinh này thì như nước trong biển cả.

Thiên Ma Ba Tuần nghe lời này rồi thì tâm vô cùng vui mừng, nhảy múa ca hát ra khỏi chúng hội.

Bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đây là người gì mà lại nhảy múa, vui mừng rồi ra khỏi chúng hội?

Phật bảo: Này Xá Lợi Tử! Đó là Thiên Ma Ba Tuần, hiện thân hình một Trưởng Giả đến chỗ của ta muốn ngăn che chánh pháp, nghe ta nói đời sau người tin hiểu Kinh này rất ít, nên sinh tâm vui mừng, xướng lên: Quyến thuộc của Sa Môn Cù Đàm thì giảm bớt, còn quyến thuộc của ta thì thêm nhiều.

Lúc này, Thiên Ma Ba Tuần sinh tâm vui vẻ rồi ra khỏi chúng hội muốn trở về thiên cung bèn suy nghĩ: Bồ Tát Hư Không Tạng này và các Bồ Tát khác, các thứ công đức hiện có nơi Sa Môn Cù Đàm thảy đều bị tổn giảm.

Bồ Tát Hư Không Tạng tức thì dùng diệu lực của thần thông để ngăn Ma Ba Tuần cùng đám quyến thuộc dừng lại giữa hư không khiến không thể đi tới được, rồi bảo Ma Ba Tuần: Hư không chẳng ngăn ngại sao không mau trở về?

Thiên ma thưa: Ông thấy hư không chẳng có ngăn ngại, còn tôi thì thấy hư không hoàn toàn là tối tam, không biết chỗ để đi, nhìn xuống chỉ thấy ánh sáng của Phật Thế Tôn tỏa chiếu khắp.

Bồ Tát Hư Không Tạng bảo Ma Ba Tuần: Nếu trong tâm ý của người ưa thích pháp lành mà bên ngoài lại thấy u ám thì không có lẽ ấy.

Thiên Ma Ba Tuần biết trong tâm mình luôn có sự ganh ghét, não hại nên sinh hổ thẹn, nói với Bồ Tát Hư Không Tạng: Tôi từ nay về sau không dám làm các việc của ma nữa.

Bồ Tát Hư Không Tạng nói: Ba Tuần! Đó là việc hiếm có, là việc khó làm nay ông đã phát khởi ý nguyện vững chắc như vậy.

Này Ba Tuần! Ông và quyến thuộc của mình nên trở lại chỗ Đức Như Lai để nghe và lãnh hội pháp quan trọng.

Vì sao?

Vì Phật xuất hiện ở đời rất khó gặp.

Khi ấy, Ma Ba Tuần tâm ý muốn trở về cung chứ không muốn nghe pháp, do Bồ Tát Hư Không Tạng chỉ bảo nên cùng với đám quyến thuộc từ nơi hư không lần lượt quay trở lại.

Bấy giờ, Bồ Tát Hư Không Tạng bảo các Bồ Tát: Các Nhân Giả! Chư vị có thể thuyết giảng về pháp môn vượt hơn các ma chăng?

Tùy theo chỗ ưa thích của mình mà nêu bày đầy đủ.

Lúc đó, trong chúng hội có Bồ Tát tên là Sơn Vương nói như vậy: Nếu mong cầu nham xa lìa cảnh giới của các ma thì rơi vào cõi ma. Nếu biết tất cả cảnh giới đều là cảnh giới của Phật, không có cảnh giới của ma thì người ấy gọi là tùy thuận nơi cảnh giới của Phật. Hội nhập nơi Cõi Phật hãy còn không thấy cảnh giới của Phật, huống nữa là cảnh giới khác, do đấy mà Bồ Tát vượt hơn cõi ma. Đó gọi là pháp môn vượt hơn các ma của Bồ Tát.

Bồ Tát Bảo Cát Tường nói: Người mà tâm còn vướng mắc là cảnh giới của ma. Nếu ở nơi các pháp không còn đối tượng để vướng mắc thì biết tất cả các pháp đều không thể nắm giữ, thủ đắc, không còn nơi chứa nhóm thì ở chỗ ấy làm gì có chỗ tạo tác của ma. Đó là pháp môn vượt hơn các ma của Bồ Tát.

Bồ Tát Bảo Thủ nói: Nếu còn chấp trước thì rơi vào cảnh giới của ma. Nếu không chấp giữ thì không còn sự cạnh tranh, tâm không còn chấp về một hoặc hai, huống gì là các ma. Nếu Bồ Tát chứng được pháp môn không chấp này thì vượt hơn cảnh giới của các ma là pháp môn vượt hơn Ma của Bồ Tát.

Bồ Tát Bảo Dũng nói: Nếu rơi vào có và không thì đó là tranh chấp, vì có tranh chấp nên ở trong cảnh giới của ma. Nếu không rơi vào nẻo không, có thì thuận theo chỗ tương ưng của thức, không bị lay chuyển, trụ vào biên vực của vô tướng thì vượt hơn cảnh giới của ma. Đó là pháp môn vượt hơn các ma của Bồ Tát.

Bồ Tát Bảo Tư Duy nói: Như Lai giảng noi tất cả đều là phiền não, vọng tưởng, như bóng sáng, như ảnh tượng, không chuyển chẳng phải là không chuyển, không đến, không đi, không ở trong, không ở ngoài. Nếu nhận biết như vậy thì đối với sự phân biệt về phiền não không khởi cũng không diệt, nên đoạn trừ mọi sự biến kế, vượt hơn cảnh giới của ma. Đó là pháp môn vượt hơn các ma của Bồ Tát.

Bồ Tát Bảo Tạng nói: Nếu phân biệt có nhiễm và không nhiễm thì còn sự thương ghét, do còn sự thương ghét nên rơi vào nẻo hành của ma. Nếu xa lìa thương ghét gọi là trụ vào sự bình đẳng. Nếu trụ vào sự bình đẳng thì đối với các pháp luôn xa lìa các tướng. Vì xa lìa các tướng nên suy nghĩ bình đẳng. Được sự bình đẳng này thì vượt lên cảnh giới của ma.

Đó gọi là pháp môn vượt hơn các ma của Bồ Tát.

Bồ Tát Ly Bảo nói: Người sinh khởi về ngã là nghiệp của ma. Nếu ngã thanh tịnh thì đâu còn có việc làm của ma.

Vì sao?

Vì do ngã thanh tịnh nên phiền não thanh tịnh, phiền não thanh tịnh nên tất cả các pháp thanh tịnh. Do tất cả các pháp thanh tịnh nên hư không thanh tịnh. Người trụ vào pháp hư không thanh tịnh ấy thì gọi là vượt hơn cảnh giới của ma.

Đó là pháp môn vượt hơn các ma của Bồ Tát.

Bồ Tát Pháp Vương nói: Ví như Đại Vương đã làm lễ quán đảnh, có uy lực lớn, không hề lo sợ. Bồ Tát đạt được pháp quán đảnh cũng lại như vậy. Dùng các pháp báu làm quyến thuộc, đối với các loài ma không còn sợ hãi.

Vì sao?

Vì ngôi vị quán đảnh ấy đã gồm đủ tất cả các loại pháp báu của vô lượng pháp Phật, có thể giữ gìn giáo pháp của hết thảy Chư Phật trong mười phương đã giảng nói. Nếu Bồ Tát tâm an trụ như vậy thì vượt hơn cảnh giới của ma. Đó là pháp môn vượt hơn các ma của Bồ Tát.

Bồ Tát Sơn Tướng Kích Vương nói: Ví như có lỗ hổng, gió thổi vào trong ấy làm cho vật có tướng lay động qua lại. Bồ Tát cũng vậy, nếu tâm có kẽ hở thì tâm bị lay động. Vì bị lay động nên ma xen vào.

Do đó, Bồ Tát phải luôn giữ tâm không có khoảng trống, nếu tâm không có khoảng trống thì các tướng đầy đủ, vì các tướng đầy đu nên tánh không được viên mãn. Đó là pháp môn vượt hơn các ma của Bồ Tát.

Bồ Tát Hỷ Kiến nói: Đối với những sự nhận thấy thì thấy Phật, thấy pháp là hơn hết. Trong đó, thấy Phật thì không dùng sắc để thấy, không dùng thọ, tưởng, hành, thức để thấy. Đối với các pháp đều không có đối tượng được nhận thấy.

Người thấy Phật, thấy pháp một cách chân chánh, nên ở nơi các pháp xa lìa sự tác ý, không thấy văn tự, không sinh tham chấp. Ấy là thấy pháp một cách chân chánh. Do thấy Phật, thấy pháp được thành tựu nên vượt hơn cảnh giới của ma. Đó là pháp môn vượt hơn các ma của Bồ Tát.

Bồ Tát Đế Võng nói: Khởi niệm suy nghĩ gọi là nghiệp của ma. Bồ Tát đối với nhân duyên ấy, nếu có động, niệm, suy nghĩ, không tác ý như lý, đó đều là việc làm của ma. Nếu không động, không niệm, không khởi tư duy, không sinh sự xúc chạm thì vượt hơn cảnh giới của ma. Đó la pháp môn vượt hơn các ma của Bồ Tát.

Bồ Tát Công Đức Vương Quang Minh nói: Nếu còn có đối trị tức là nghiệp của ma. Nếu không còn đối trị tức là pháp giới. Tất cả các pháp đều tùy thuận theo pháp giới, nếu hội nhap nơi pháp giới thì không có cảnh giới của ma.

Vì sao?

Nếu lìa pháp giới thì ma không thể hiện bày. Pháp giới và cảnh giới của ma đồng tánh chân như, không mảy may sai khác. Nếu Bồ Tát hiểu được điều này thì đi vào nẻo chân như, vượt hơn cảnh giới ma. Đó là pháp môn vượt hơn các ma của Bồ Tát.

Bồ Tát Hương Tượng nói: Người không có diệu lực thì ma được tùy tiện, người có diệu lực thì ma không thể tùy tiện. Người không có diệu lực nghĩa là khi nghe ba pháp môn giải thoát liền sinh tâm khiếp sợ. Người có diệu lực thì khi nghe ba pháp môn giải thoát không hề khiếp sợ.

Vì sao?

Vì chứng đạt giải thoát nên không còn sợ hãi. Vì không sợ hãi nên vượt trên cảnh giới của ma. Đó là pháp môn vượt hơn các ma của Bồ Tát.

***