Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TẬP NHỮNG ĐIỀU

BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG HỎI PHẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bất Không, Đời Đường
 

PHẦN NĂM
 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Dũng mãnh phát sinh lực tinh tấn

Không tiếc thân mạng và tài sản

Thực hành oai đức đại bồ đề

Thường tạo lợi ích các chúng sinh.

Từ xưa đã tu các công đức

Luôn tu tập không hề mệt mỏi

Thích làm cho chúng sinh giải thoát

Hằng cúng dường các Đức Như Lai.

Nguyện được đến vô số Cõi Phật

Phá trừ tất cả các ma ác

Thường ưa bố thí khắp mọi người

Thường ưa hộ trì giới thanh tịnh.

Luôn ưa ban phát tâm từ bi

Luôn siêng tu tập các căn lành

Tư duy vô lượng tâm thiền định

Dùng trí tuệ lớn để quan sát.

Tâm từ vô lượng, bỏ giận dữ

Tu hành các công đức lợi ích

Đối với thân mạng không tham tiếc

Hoàn toàn thoát khỏi các phiền não.

Thường tu vô ngã, không, giải thoát

Lìa tướng, vô tướng, oai đức lớn

Lìa hẳn kiến chấp, tu bồ đề

Quán tự tánh như huyễn, sóng nắng.

Ưa nói pháp không, bặt suy nghĩ

Nương hạnh thanh tịnh, đọc Kinh Điển

Pháp và không pháp thay đều quên

Không bỏ âm thanh và văn tự.

Diễn nói Kinh Điển ở thế gian

Khen ngợi công đức Phật vô lượng

Tâm hành chúng sinh rất khó lường

Bậc trí nên tinh tấn dũng mãnh.

Biết rõ căn tánh các hữu tình

Chẳng vướng mắc sinh và không sinh

Thường dùng tâm tinh tấn vô biên

Độ chúng sinh bằng pháp thanh tịnh.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát tu hành thiền định Ba la mật như hư không?

Nếu Bồ Tát thành tựu bốn pháp thì tu hành thiền định Ba la mật như hư không.

Những gì là bốn?

Nghĩa là an trụ tâm ở bên trong thì nội tâm không chấp giữ, bên ngoài thì chế ngự nên tâm không phân biệt. Do tự tâm bình đẳng nên biết tâm của tất cả chúng sinh cũng bình đẳng. Tâm ấy và sự tư duy chứng biết bình đẳng đều như huyễn hóa. Đó là bốn pháp mà Bồ Tát thành tựu thì tu hành thiền định Ba la mật như hư không.

Lại nữa, này thiện nam! Nếu Bồ Tát thành tựu tám pháp thì có thể tu hành thiền định Ba la mật thanh tịnh.

Những gì là tám?

Nghĩa là không nương vào uẩn, xứ, giới mà tu thiền định. Không nương vào đời này, đời khác mà tu hành thiền định. Không nương vào Cõi Dục, Sắc và Vô Sắc mà tu hành thiền định. Đó là tám pháp mà Bồ Tát thành tựu thì có thể tu hành thiền định Ba la mật thanh tịnh như hư không.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát tu hành thiền định thanh tịnh với tâm chuyên chú.

Thế nào là chuyên chú?

Nghĩa là đối với danh tự của pháp không thêm, không bớt, không biến đổi, không sai khác, không tổn hại, không lợi ích, không lấy, không bỏ, không sáng, không tối, không phân biệt, chẳng phải không phân biệt, không tưởng.

Không tác ý, không một, không hai, chẳng phải không một, cũng chẳng phải không hai, không dao động, không suy nghĩ, không hý luận, không chứa nhóm cũng chẳng phải không chứa nhóm, không tư duy về tất cả tướng, tâm không trụ vào đâu, đó gọi là chuyên chú. Tâm chuyên chú không tán loạn, xa lìa sắc, mắt và nhãn thức nên tự tướng thanh tịnh.

Tâm quán hạnh chuyên chú không tán loạn, xa lìa âm thanh, tai và nhĩ thức nên tự tướng thanh tịnh. Tâm chuyên chú không tán loạn, xa lìa hương, mũi và tỷ thức nên tự tướng thanh tịnh. Tâm chuyên chú không tán loạn, xa lìa vị, lưỡi và thiệt thức nên tự tướng thanh tịnh.

Tâm chuyên chú không tán loạn, xa lìa sự xúc chạm, thân và thân thưc nên tự tướng thanh tịnh. Tâm chuyên chú không tán loạn xa lìa pháp trần, ý và ý thức nên tự tướng thanh tịnh.

Này thiện nam! Như hư không, không bị cháy vào kiếp thiêu, không bị ướt lúc có tai nạn về nước, Bồ Tát tu hanh thiền định cũng vậy, không bị tất cả các thứ lửa phiền não thiêu đốt, hết thảy các pháp tam muội giải thoát, sự cuốn trôi của các loại nước thiền định thường không xen tạp khiến cho chúng sinh bị loạn động, an trú trong thiền định nhưng không chấp vướng nơi cảnh giới ấy, xuất định cũng không bị chướng ngại.

đối với các Bậc Thánh thường hiện tịch tĩnh, còn đối với chỗ loạn động của phàm phu thì luôn khiến họ an trụ trong định, bình đẳng để giáo hóa. Đối với người tâm không bình đẳng thì thuyết pháp để dẫn dắt, không thấy có bình đẳng và không bình đẳng, đối với bình đẳng và không bình đẳng cũng chẳng chống trái, tâm không hề bị chướng ngại như hư không.

Đó gọi là người tu thiền định, cũng gọi là người tu thiền định nơi trí tuệ tối thắng hay người tu thiền định không trụ vào thức. Do thiền định này mà Bồ Tát đạt được thiền định vô trụ, giống như hư không.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Hộ trì các căn tu thiền định

Luôn định không chấp nơi hữu tình

Bình đẳng dẫn dắt cứu thế gian

Đối với trong, ngoài thường an trú.

Không nương vào uẩn, xứ và giới

Xa lìa cảnh giới, trụ vắng lặng

Tâm bậc trí thường ở trong định

Đối với tất cả đều bình đẳng.

Biết rõ pháp giới không cao thấp

Thấy tâm và ý đều tịch tĩnh

Vì muốn thành tựu cho thế gian

Thị hiện thiền định và biến đổi.

Nhưng không biến đổi và thiền định

Tâm được tự tại cũng như vậy

Hiện ra cảnh thiền định Vô Sắc

Thị hiện Cõi Dục cũng như thế.

Đều vì thành tựu các chúng sinh

Mà không chấp giữ nơi hữu tình

Cảnh giới như hư không, huyễn hóa

Sóng nắng, nước, trăng, mộng và mây.

Biết rõ thiền định và thế gian

Chuyển tâm chúng sinh thành trí tuệ

Không thể ngăn che tâm của họ

Mới được phát sinh tâm tự tại.

Thấu rõ thiền định và thần thông

Trải qua vô số ức cõi nước

Có thể cúng dường khắp Chư Phật

Đoạn trừ hết phiền não, ngu si.

Điều phục các căn, ý tĩnh lặng

Chứng đắc thiền định không phân biệt

Thế gian và ý đều thanh tịnh

Trí, lực luôn an định như vậy.

Tâm không phân biệt trụ bình đẳng

Nên gọi bình đẳng đều vô tướng

Đối với bình đẳng không chấp giữ

Đó gọi là người đạt thiền định.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát tu hành trí tuệ Ba la mật như hư không?

Nếu Bồ Tát thành tựu bốn pháp thì tu hành trí tuệ Ba la mật như hư không.

Những gì là bốn?

Nghĩa là do hư không thanh tịnh nên tất cả chúng sinh thanh tịnh. Do trí thanh tịnh nên tất cả thức thanh tịnh. Do pháp giới thanh tịnh nên ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả đều được thanh tịnh. Do nghĩa thanh tịnh nên tất cả văn tự được thanh tịnh. Đó là bốn pháp mà Bồ Tát cần thành tựu để tu hành trí tuệ Ba la mật như hư không.

Lại nữa, này thiện nam! Nếu Bồ Tát thành tựu tám pháp thì có thể tu hành trí tuệ Ba la mật thanh tịnh.

Những gì là tám?

Nghĩa là siêng năng tích tập tất cả pháp lành mà không chấp thường. Siêng năng đoạn trừ tất cả pháp ác mà không chấp đoạn. Biết rõ về pháp duyên khởi mà không trái với pháp nhẫn vô sinh. Hiện bày bốn vô ngại giải mà không chấp vào đấy. Khéo có thể chọn lựa bốn pháp cú, không thấy vô thường, khổ, vô ngã, thanh tịnh.

Nói rõ về quả của nghiệp mà không dao động. Trụ nơi không nghiệp quả, không hý luận. Thường dùng trí tuệ để diễn nói tướng sai biệt của tất cả pháp. Chứng đắc ánh sáng của tất cả pháp thanh tịnh. Giảng nói pháp thanh tịnh và tạp nhiễm cho chúng sinh. Đó là tám pháp mà Bồ Tát thành tựu thì có thể hành trí tuệ Ba la mật thanh tịnh.

Này thiện nam! Nên biết trí tuệ là pháp thanh tịnh, nên có thể dứt trừ pháp ác giác.

Trí tuệ là pháp không biến đổi nên tự tướng thanh tịnh, là pháp không phân biệt nên không có giới hạn, là pháp như thật nên tánh chân thực, là pháp chắc chắn nên không có dao động, là pháp thành thật nên không hư dối, là pháp thông tuệ nên cởi bỏ mọi sự trói buộc, là pháp viên mãn nên chính là công đức của Bậc Thánh.

Là pháp thông suốt nên có thể khéo quán sát, là pháp đệ nhất nghĩa nên không có đối tượng được nêu bày, là pháp bình đẳng nên không sai khác, là pháp bền vững nên không thể bị hủy hoại, là pháp không lay động nên không chốn nương tựa, là pháp kim cang nên có thể xuyên thủng mọi thứ ngăn ngại, là pháp cứu giúp nên chỗ tạo tác đã làm xong.

Là pháp thanh tịnh nên tánh không cấu nhiễm, là pháp không tối tăm nên không thể thủ đắc nơi ánh sáng, là pháp không hai nên không thể kiến lập, là pháp tận cùng nên diệt trừ tất cả, là pháp không cùng tận nên thường trụ vào vô vi, là pháp vô vi nên chẳng phải do sinh diệt thâu tóm, là pháp không nên thanh tịnh bậc nhất, là pháp hư không nên không hề bị chướng ngại.

Là pháp của đạo như hư không nên không có dấu vết, là pháp vô sở đắc nên không có tự tánh, là pháp của trí nên trí và thức không hai, là pháp không thể suy xét nên xa lìa mọi sự đối trị, là pháp không thân nên không biến đổi, là pháp nhận biết đầy đủ về khổ nên xa lìa biến kế về khổ.

Là pháp đoạn trừ tập nên dứt hết mọi thứ tham dục, là pháp chứng đắc diệt nên hoàn toàn là không sinh, là pháp tu tập đạo nên hội nhập nơi đạo không hai, là pháp của Phật đà nên có thể sinh khởi Chánh Giác, là pháp của chánh pháp nên hoàn toàn xa lìa nẻo dục.

Này thiện nam! Nghĩa lý của các pháp sai khác như vậy. Ánh sáng của trí tuệ không lệ thuộc vào người khác, theo pháp được thuyết giảng, dù chỉ hội nhập chút ít, đều không có chủ thể phân biệt và đối tượng được phân biệt. Đó là Bồ Tát tu hanh trí tuệ Ba la mật như hư không.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Trí tuệ đoạn trừ các phiền não

Thị hiện tạo nghiệp và nhân duyên

Chẳng nương ngã kiến và chúng sinh

Không trụ thọ giả và tướng nhân.

Ngã và vô ngã đều xa lìa

Diễn nói bát nhã đến nguồn chân

Bát nhã diệt trừ mọi nẻo có

Bát nhã vượt qua các phiền não.

Bát nhã hay tạo nhân thanh tịnh

Bát nhã kiến lập pháp giải thoát

Trí tuệ thanh tịnh lìa buộc che

Hiểu rõ hết thảy uẩn, xứ, giới.

Trí tuệ chiếu soi suốt ba cõi

Đối với năng, sở đều giải thoát

Tu hành trí tuệ được thanh tịnh

Không chấp giữ nơi pháp thế gian.

Thực hành thông đạt hạnh bát nhã

Luôn tu trí tuệ quán chân không

Năm mắt tịnh, năm căn thông lợi

Trừ năm cõi, thanh tịnh năm uẩn.

Đạt đến và an trú giải thoát

Hội nhập nơi pháp giới cũng thế

Bình đẳng rộng lớn như hư không

Khéo léo thuận theo trí tuệ Phật.

Thủ đắc, không thủ đắc đều lìa

Thị hiện pháp trung đạo, giải thoát

Thuận nẻo hành hóa của Bậc Thánh

Khéo hay phân biệt, không phân biệt.

Thông đạt khổ, tập, trừ tham ái

Tu đạo, hiện diệt, hiển vô vi

Thành tựu ánh sáng tuệ chân thật

Thấu tỏ ba đời chẳng đến đi.

Đối với các cõi đều bình đẳng

Các pháp tịch tĩnh cũng như vậy

Biết rõ chúng sinh không ngã, nhân

Là bậc tu trí tuệ chân chánh.

***