Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TẬP NHỮNG ĐIỀU

BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG HỎI PHẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bất Không, Đời Đường
 

PHẦN TÁM
 

Này thiện nam! Đó là Bồ Tát thâm nhập nơi nghĩa lý sâu xa của pháp giới.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát có chí nguyện bền chắc như kim cương, an trú không lay động trong pháp đại thừa?

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười hai thứ pháp đạt chí nguyện bền chắc như kim cương, không hề bị hàng Trời, người ở thế gian hủy hoại.

Mười hai pháp ấy là gì?

Nghĩa là phát tâm bồ đề, ý lạc tăng thượng, không hủy hoại, tu hành bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ không hủy hoại, đại từ, đại bi không hủy hoại, tu bốn nhiếp pháp không hủy hoại, tạo cho chúng sinh được thành tựu đầy đủ không hủy hoại.

Làm thanh tịnh Cõi Phật không hủy hoại, không lo sợ đối với sinh tử không hủy hoại, tu tập các căn lành khong nhàm chán, không hủy hoại, vì trang nghiêm các tướng hảo mà thiết lập pháp hội bố thí rộng lớn không bị hủy hoại, vì ủng hộ chánh pháp mà xả bỏ thân mạng không hủy hoại, có căn lành gì cũng đều thực hành.

Hồi hướng cho tất cả chúng sinh không hủy hoại, chứa nhóm tất cả Pháp Phật không hủy hoại.

Này thiện nam! Nếu Bồ Tát đối với các pháp tu hành kiên cố như vậy, nên biết bấy giờ, Bồ Tát đã đạt được chí nguyện bền chắc như kim cương, không thể hủy hoại. Như ngọc quý kim cương có thể phá vỡ các vật báu khác, mà tự thể nó không bị hủy hoại, Bồ Tát thành tựu chí nguyện bền chắc cũng như vậy, có thể diệt trừ các loại phiền não của chúng sinh, nhưng tự thể không bị hủy hoại.

Này thiện nam! Đó là Bồ Tát thành tựu chí nguyện bền chắc như kim cương, an trú không lay động trong pháp đại thừa.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát ở nơi cảnh giới của mình đạt được thanh tịnh như cảnh giới của Phật?

Này thiện nam! Cảnh giới của Phật tức không có cảnh giới, vì lìa cảnh giới nên tất cả đều thanh tịnh. Bồ Tát do từ cảnh giới của mình và cảnh giới của Phật thảy đều thanh tịnh, nên cảnh giới của mắt thanh tịnh tức là cảnh giới của Phật, mà cũng chẳng phải là cảnh giới của Phật. Cảnh giới của mắt là không gần cũng chẳng xa.

Vì sao?

Vì cảnh giới thanh tịnh cùng với cảnh giới của Phật, cũng không phải là cảnh giới thanh tịnh và cảnh giới của mắt. Cảnh giới của tai là cảnh giới của Phật, cũng chẳng là cảnh giới của Phật, cũng không có gần xa.

Vì sao?

Vì cảnh giới thanh tịnh cùng với cảnh giới của Phật cũng không phải la cảnh giới thanh tịnh và cảnh giới của tai. Cảnh giới của mũi là cảnh giới của Phật, mà cũng chẳng là cảnh giới của Phật, không gần cũng chẳng xa.

Vì sao?

Vì cảnh giới thanh tịnh cùng với cảnh giới của Phật không phải là cảnh giới thanh tịnh và cảnh giới của Phật. Cảnh giới của lưỡi tức là cảnh giới của Phật, cũng không phải là cảnh giới của Phật, không có gần xa.

Vì sao?

Vì cảnh giới thanh tịnh cùng với cảnh giới của Phật, cũng khong phải là cảnh giới thanh tịnh và cảnh giới của lưỡi. Cảnh giới của thân là cảnh giới của Phật, cũng không phải là cảnh giới của Phật, không có gần xa.

Vì sao?

Vì cảnh giới thanh tịnh cùng với cảnh giới của Phật, cũng không phải là cảnh giới thanh tịnh và cảnh giới của thân. Cảnh giới của ý là cảnh giới của Phật, cũng không phải là cảnh giới của Phật, chẳng gần, chẳng xa.

Vì sao?

Vì cảnh giới thanh tịnh cùng với cảnh giới của Phật cũng không phải là cảnh giới thanh tịnh và cảnh giới của ý cho đến uẩn, xứ, giới, mười hai nhân duyên cũng vậy.

Này thiện nam!

Như Bồ Tát hội nhập nơi cảnh giới của Phật, hội nhập nơi cảnh giới thanh tịnh và tất cả các cảnh giới, nếu cảnh giới của mình được bình đẳng thanh tịnh, đó tức là nhập vào cảnh giới của Phật.

Như vậy, tất cả các hình ảnh biểu hiện nơi sáu loại cảnh giới của Bồ Tát đều là nhập vào cảnh giới của Phật, vì thảy đều thanh tịnh, không còn chấp giữ. Như thế cảnh giới của Như Lai không cấu nhiễm, không chướng ngại, tất cả các cảnh giới cũng vậy.

Này thiện nam! Người thông hiểu như vậy được gọi là Bồ Tát hội nhập vào cảnh giới Phật thanh tịnh, thành tựu cảnh giới của tự thân cũng được thanh tịnh.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đạt được Đà La Ni, không quên mất pháp hành?

Này thiện nam! Bồ Tát nên tu trì Đà La Ni này, lấy đó làm sự nghiệp.

Thế nào là tu trì?

Này thiện nam! Có ba mươi hai pháp tu Đà La Ni.

Đó là: Cầu pháp, ưa thích pháp, an trú trong vườn pháp, theo sự kế truyền của pháp, tùy thuận theo pháp, tôn trọng pháp, hầu hạ cúng dường bậc Đa văn, luôn luôn không ngã mạn, cung kính cúng dường các bậc Hòa Thượng, A Xà Lê, cầu pháp không hề chán, vâng lời không trái nghịch đối với thầy dạy.

Đối với người thuyết pháp, cung kính xem như Phật, không tìm tòi chỗ kém dở của họ. Thọ trì tất cả những pháp đã được nghe, không biếng nhác, không bỏn sẻn nơi pháp, thực hành bố thí pháp không mong báo đáp, tác ý như lý đối với pháp được nghe, khéo quan sát pháp được nghe.

Mong cầu học rộng hiểu nhiều, không có giới hạn, tu hành không ngừng nghỉ đối với phạm hạnh, thường ưa xa lìa chỗ ồn náo, tâm luôn tịch tĩnh, luôn chuyên cần tu tập sáu pháp tùy niệm, diệt trừ sáu tâm vọng nhiễm, dốc giữ gìn sáu pháp hòa kính, khởi tâm không làm trở ngại đối với tất cả chúng sinh, tu hành thuận theo pháp duyên sinh.

Đối với ba môn giải thoát, luôn tác ý quan sát, không hề sợ hãi, không bỏ hạt giống Thánh và công đức nơi hạnh Đầu Đà. Hộ trì chánh pháp, tâm không thấp kém.

Quan sát và khởi lòng đại bi đối với chúng sinh. Dốc cầu chánh pháp, chẳng tiếc thân mạng. Tu hành theo trí tuệ lớn, xa lìa si mê. Làm cho chúng sinh được thành tựu đầy đủ không biết mệt mỏi. Đó gọi là tu hành pháp Đà La Ni không quên mất sự nghiệp.

Lại nữa, này thiện nam! Nếu Bồ Tát đạt được các pháp Đà lani này rồi, đối với những lời Phật dạy, đều có thể thọ trì đầy đủ, không hề quên sót, nghĩa là ghi nhớ hết những pháp đã được nghe.

Nhờ nhớ kỹ nên không quên, do xả nên giác ngộ, dùng trí tuệ chiếu soi, nên Bồ Tát hội nhập về tất cả các văn tư vô tận, đạt được trí tuệ, khéo hiểu rõ từng loại âm thanh, ngôn ngữ, đạt được trí tuệ biện tài vô ngại, diễn nói thông suốt, đạt trí hiểu rõ nghĩa lý của các Kinh liễu nghĩa và không liễu nghĩa.

Đạt trí diễn nói không cùng tận cho thế gian, diễn nói không gián đoạn về nghĩa lý thù thắng, trí không thoái lui đối với tinh tấn chân chánh, trí tự tại đối với bốn thần túc, trí sai biệt đối với các căn, trí không lay động đối với các lực, trí được khai ngộ đối với bảy Giác chi.

Trí được hội nhập vào nghĩa lý của tám Thánh đạo, trí an trụ tâm trong Xa Ma Tha, trí quyết định trong Tỳ Bát Xa Na, trí tùy thuận theo trí giải thoát, trí thâm nhập các biện tài, trí sinh khởi các thần thông, trí phân biệt các pháp Ba la mật, trí tùy thuận căn cơ đối với bốn nhiếp pháp.

Trí biết được các loại ngôn ngữ, âm thanh, trí chọn lựa các pháp quyết định, trí không gián đoạn đối với ý nghĩa nơi các Kinh, trí không cùng tận đối với các loại văn tự, trí hoan hỷ đối với các chúng sinh, trí thuyết pháp phù hợp với căn cơ cho những người cầu pháp.

Trí ghi nhớ, thọ trì những lời Phật dạy, trí hiểu rõ lời lẽ, câu chương đối với tất cả lời nói, trí biết đúng như thật đối với các sự nhơ uế và thanh tịnh, trí hiểu rõ quả báo của các nghiệp duyên, trí sáng suốt không bị che lấp nơi hết thảy pháp.

Như vậy gọi là Đà La Ni. Người đạt được Đà La Ni, thân, miệng, ý đều bình đẳng rồi thì có thể tuôn xuống mưa pháp vô tận, dứt trừ các phiền não và làm phát sinh pháp của tất cả Chư Phật. Do thấu đạt nghĩa lý sâu xa của Đà La Ni này nên Bồ Tát luôn luôn không hề quên mất. Đó là Bồ Tát đạt Đà La Ni không quên mất pháp hành.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đạt biện tài vô ngại, được Như Lai gia hộ?

Này thiện nam! Bồ Tát thường nhờ ân nơi Chư Phật gia hộ mà đạt được hai mươi bốn loại biện tài vô ngại.

Hai mươi bốn loại ấy là gì?

Nghĩa là biện tài nhanh nhẹn, biện tài lưu loát, biện tài không gì trở ngại, biện tài thông suốt, biện tài khéo léo, biện tài sâu xa, biện tài không nói lời nhầm lẫn, biện tài với nghĩa thù thắng vi diệu trang nghiêm, biện tài không chìm đắm, biện tài không sợ hãi, biện tài về vô số bài kệ khen ngợi.

Biện tài về duyên khởi, biện tài về bản sự của Kinh, biện tài thắng được người khác, biện tài về vô số ý nghĩa khác nhau, biện tài hiển hiện sự vi diệu, biện tài về oai đức trang nghiêm, biện tài về thuyết pháp không gián đoạn, biện tài về sự trang nghiêm của Cõi Trời.

Biện tài đoạn trừ các nghi ngờ, biện tài về pháp thế gian và xuất thế gian, biện tài không lỗi lầm, biện tài về các tâm từ, bi, hỷ, xả có thể đưa đến an lạc, biện tài về túc mạng thông, biện tài được Chư Phật gia hộ.

Này thiện nam! Hai mươi bốn loại biện tài như vậy, là do tu tập hai mươi bốn loại nghiệp mà được thành tựu.

Hai mươi bốn loại nghiệp ấy là gì?

Này thiện nam! Nghĩa là do không trái nghịch với lời dạy của bậc thầy nên đạt biện tài nhanh nhẹn, xưa nay không dua nịnh nên đạt được biện tài lưu loát, xa lìa các phiền não nên đạt được biện tài không gì trở ngại, không thích sống ở nơi hỗn tạp nên đạt được biện tài thông suốt, không nói lời ly gián nên đạt được biện tài với từ ngữ khéo léo, giác ngộ pháp duyên sinh nên đạt được biện tài sâu xa.

Nhờ bố thí tất cả nên đạt được biện tài không nói lời nhầm lẫn, trang trí tháp miếu thờ Chư Phật nên được biện tài thù thắng vi diệu, trang nghiêm, không bỏ tâm bồ đề nên được biện tài không chìm đắm, nhờ giữ giới hoàn hảo nên được biện tài không sợ hãi, dùng các loại cờ, phướn, linh, lọng để cúng dường nên được biện tài về diễn nói vô số kệ khen ngợi.

Hầu hạ, cung kính, cúng dường các bậc thầy nên được biện tài về diễn nói duyên khởi, bản sự của Kinh. Không làm khó dễ, bức ngặt các chúng sinh nghèo nàn, thiếu thốn nên đạt được biện tài thắng được người khác.

Bố thí pháp tạng vô tận, khiến người được lãnh hội Phật Pháp, nên được biện tài về diễn giảng vô số ý nghĩa khác nhau. Nói năng chân thật không thô lỗ, nên được biện tài biểu hiện mọi sự huyền diệu. Đối với mọi người không chê bai, chia rẽ mà luôn kính trọng nên được biện tài về oai đức đoan chánh.

Tự mình an trụ trong pháp nên được biện tài diễn giảng pháp thông suốt. Không chê bai người khác, bố thí những vật chính mình ưa thích với tâm hoan hỷ nên được biện tài trang nghiêm của coi Trời. Đối với pháp không có thầy thì giữ gìn như đã lãnh hội, nên được biện tài đoạn trừ tất cả nghi ngờ. Xem tất cả đều như bậc Sư Trưởng, không làm cho họ buồn khổ, bố thí thuốc cho người bệnh, nên được biện tài về pháp thế gian và xuất thế gian.

Không tìm lỗi lầm của người khác, luôn suy xét về chính mình nên được biện tài không lỗi lầm. Dùng tâm bình đẳng để quán xét về tất cả chúng sinh đều đạt quả vị Niết Bàn, không tham đắm các thứ như lợi dưỡng, sự cung kính và tiếng khen, nên được biện tài về từ, bi, hỷ, xả, khiến tâm chúng sinh luôn an vui.

Khéo dùng lời nói mềm mỏng để thuyết giảng về pháp tu hành, tâm không loạn động nên được biện tài về túc mạng thông. Không chê bai pháp đại thừa cũng không ưa thích pháp tiểu thừa, từ bi với tất cả chúng sinh nên đạt biện tài được Phật hộ trì. Đó gọi là hai mươi bốn loại nghiệp để thành tựu hai mươi bốn loại biện tài.

Lại nữa, vì muốn cho chúng sinh được giải thoát nên gọi là biện tài. Vì sự an trú của chúng sinh nên luôn thức tỉnh họ, gọi là biện tài. Vì muốn chúng sinh luôn hoan hỷ nên gọi là biện tài. Có thiện nam nào thành tựu về trí tuệ và pháp công đức như thế thì gọi là Bồ Tát đạt biện tài vô ngại, được Phật gia hộ.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát được tự tại trong sinh tử?

Đó là Bồ Tát thành tựu hai mươi pháp nên được tự tai trong sinh tử.

Thế nào là hai mươi pháp?

Nghĩa là xa lìa bạn ác, gần gũi bạn lành, có tri kiến thanh tịnh về pháp của Đức Phật, thanh tịnh về giới, từ thiền định phát sinh trí tuệ để cùng làm phương tiện tu tập, đạt được thần thông không thoái lui, quan sát các pháp là vô sinh, vì để hoàn thành thệ nguyện ở trong sinh tử nên thọ sinh, quán xét các chúng sinh nên phát sinh lòng từ rộng lớn.

Dùng định đại bi để xét rõ về các pháp là huyễn hóa, biết tất cả pháp là không sinh, diệt, quan sát đúng như thật về pháp không hư vọng, pháp có tánh như mộng, được oai thần của Phật gia hộ nên thị hiện trong sinh tử mà không bị chìm đắm theo sinh tử. Đó là hai mươi pháp.

Bồ Tát nào thành tựu hai mươi pháp ấy thì ở những nơi thọ sinh trong vô lượng, vô số kiếp đều thị hiện thân hình để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Này thiện nam! Tất cả pháp như thế đều được kiến lập từ hai mươi loại căn bản này, nghĩa là căn bản của thần thông, trí tuệ và từ bi. Đó gọi là Bồ Tát đạt được thần thông nên tự tại trong sinh tử.

***