Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh đại Tập Ví Dụ Vương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TẬP VÍ DỤ VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
 

PHẦN BA
 

Lại có những người khác cũng muốn qua sông, thấy người biếng nhác vô trí, kém sức, phước mỏng này, liền hỏi: Này bạn! Sao bạn không qua sông?

Người biếng nhác trả lời: Người bạn đi cùng với tôi, đã ra sức tìm kiếm được thuyền, chèo đến bên sông và đã chở chúng sinh nhiều vô số, từ bờ này sang bờ kia cả rồi.

Khi ấy, những người này nói: Lạ thay! Anh chàng biếng nhác này! Sao không học theo bạn, mà cứ ở đây mãi, phải chịu khổ vô lượng!

Như vậy, này Xá Lợi Phất!

Ta thấy hai người thực hành bố thí, người thứ nhất nói với người thứ hai: Này bạn! Bạn có thể khéo tạo phương tiện cùng với việc dụng sức, để chứa nhóm thiện căn đối với Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Người thứ hai nói: Tôi không chứng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mà muốn đến A La Hán thôi.

Nếu muốn đến A La Hán, cũng phải cần dụng sức, dùng phương tiện tương ưng, mới được phát sinh đệ nhất Da Na, cứ như vậy sẽ sinh đệ nhị, đệ tam, đệ tứ, đệ ngũ Da Na, hư không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu vô biên xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Tam ma bạt đế.

Nếu trong khoảng thời gian ấy, mạng chung, sẽ nhờ đấy, mà sinh lên Cõi Trời Phi tưởng phi phi tưởng, sống lâu vô lượng sống, cho đến tám vạn bốn ngàn kiếp, cho đến khi đó người này mới chứng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Sau khi giác ngộ rồi, nói pháp cho trăm ngàn chúng sinh, cho đến vô lượng, vô biên A tăng kỳ chúng sinh. Thuyết pháp thành tựu rồi, mới chứng Niết Bàn vô dư mà nhập Niết Bàn. Lúc đó, người thứ hai vẫn nhờ đó, nhưng còn ở tại Cõi Trời Phi tưởng phi phi tưởng.

Đức Phật nói như vậy rồi, Mạng giả Xá Lợi Phất thưa: Đúng vậy! Thưa Đại Đức Bà Già Bà! Đúng vậy!

Thưa Đại Đức Tu Già Đà! Thật đúng như lời Thế Tôn nói.

Thưa Thế Tôn! Người ấy chính là người biếng nhác.

Nếu thích đệ nhất Da na, cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng. Ham muốn vào nơi ấy thì lòng ham muốn đó, không hợp với pháp thượng nhân, không làm phương tiện để gắng sức dụng lực, không thân gần thiện hữu để tùy thuận thừa sự, không quán như thật về ba môn giải thoát. Nên biết, đây chính là người biếng nhác.

Thưa Thế Tôn! Người siêng năng tinh tấn là Bồ Tát Ma Ha Tát, còn Thanh Văn ít tin kia, chính là người biếng nhác. Thấy được nghĩa này, các thiện nam, thiện nữ. Có bao nhiêu thiện căn, đều nên hồi hướng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Xá Lợi Phất! Ví như người có Ma Ni báu nó có rất nhiều công năng, đem hỏi người làm Ma Ni báu: Ma Ni báu này có những công năng gì?

Người làm Ma Ni theo sự hiểu biết của mình mà giải thích. Trong số người làm Ma Ni đó, có người biết nhiều thì nói nhiều, người biết ít thì nói ít.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Cùng chứng một pháp giới, lại có người chuyển sinh trí Thanh Văn. Người ấy, tùy theo công đức thù thắng của mình mà biết, tùy công đức thù thắng mà nói, tùy theo câu hỏi mà đáp, tất cả đều lệ thuộc vào trí hữu hạn của chính mình.

Những việc đó, đều là do đời trước phát nguyện hữu hạn. Còn trí của Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà là vô hạn, do đời trước phát nguyện vô hạn, cho nên có trí vô hạn vô ngại, có sáu pháp Ba la mật vô hạn, có phương tiện khéo léo tạo mọi thành tựu đầy đủ cho chúng sinh.

Vì sao?

Vì Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà, xưa kia hành đạo Bồ Tát, đã tích tập nguyện vô biên. Do pháp công đức vô biên trang nghiêm đó, cho nên đã chứng biến trí.

Xá Lợi Phất! Ví như cây Ba Lợi Chất Đa La Câu Tỳ Đa La lúc hoa mới chớm, đã có hương thơm. Hương thơm của các loại hoa trong Châu Diêm Phù này, như là hoa Tô Ma Na, hoặc Ba Lợi Sư, hoặc Chiêm Ba Ca, cho đến các loại hoa khác đều không bằng hương của hoa Ba Lợi Chất Đa La Câu Tỳ Đa La mới chớm nở.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Các Thanh Văn, Độc Giác, có các thiện căn, hoặc danh tiếng, hoặc hương thơm, hoặc oai đức, hoặc thần lực, đều không bằng Bồ Tát Ma Ha Tát mới phát tâm bồ đề.

Huống nữa là đã nhập hành. Huống nữa đã là Bất thoái, huống nữa là Nhất sinh bổ xứ, huống đến lúc quán đảnh, huống trụ vào hạnh nguyện Phổ Hiền.

Huống là tại Đạo Tràng tối thắng, huống là tất cả hương thơm, tất cả oai đức, tất cả thần lực của Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà! Người đầy đủ thần lực này, chính là Chư Phật Thế Tôn.

Xá Lợi Phất! Ví như suối, ao, hồ, sông, sông lớn, sông nhỏ… ở trong Châu Diêm Phù này, đều chảy ra biển. Nhưng biển cả ấy vẫn không chán ghét.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát đối với Đàn Na Ba la mật là không có nhàm chán. Như vậy cho đến Thi La Ba la mật, Sằn Đề Ba la mật, Tỳ Lê Da Ba la mật, Đệ Da Na Ba la mật, Bát Nhã Ba la mật, phương tiện Biến trí và tất cả thiện căn cũng không nhàm chán.

Xá Lợi Phất! Ví như trong Châu Diêm Phù này, có các suối, ao, hồ, sông, sông lớn, sông nhỏ… đều chảy ra biển và biển đều dung nạp cả.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Có các hàng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân phi nhân, cho đến tất cả chúng sinh. Bồ Tát Ma Ha Tát đều thu nạp cả, lại còn ban vị cam lồ, khiến cho họ được vui vẻ.

Xá Lợi Phất! Ví như Đại na già na thần đại lực sĩ mới có thể mặc áo giáp sắt. Còn người trong Châu Diêm Phù này, đều không thể mặc nổi.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát, ở trong pháp Phật, mặc áo giáp sắt là vì các chúng sinh mà mặc áo giáp. Còn các Thanh Văn, Độc Giác thì không thể mặc áo giáp sắt đó.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Từ lúc mới phát tâm cho đến lúc ngồi Đạo Tràng tối thắng, Bồ Tát Ma Ha Tát không rời bỏ việc mặc áo giáp sắt hành hạnh Bồ Tát như vậy.

Xá Lợi Phất! thiện nam, thiện nữ mới phát tâm đại thừa, nên học như vậy: Phải siêng năng dụng lực, tu tập tương ưng với nghiệp thì mới mau thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Xá Lợi Phất! Ví như phía Nam núi Tuyết chúa, có các cây đầy đủ các hoa, các quả, các hương, nhưng mà người trong châu Diêm phù này, không dùng được nó.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Thanh Văn, Độc Giác tuy có vô lậu, giới, định, trí giải thoát, giải thoát tri kiến, thiện căn, nhưng các chúng sinh không dùng được. Còn các Bồ Tát Ma Ha Tát có giới, định, trí giải thoát, giải thoát tri kiến, thiện căn thì các chúng sinh đều sẽ dùng được.

Xá Lợi Phất! Vì thế các Bồ Tát Ma Ha Tát, nên mặc áo giáp như vậy, nhờ đó mà có giới, định, trí giải thoát, giải thoát tri kiến, thiện căn, làm cho các chúng sinh đều sẽ được dùng. Nếu như các chúng sinh không dùng được thì ta không có thiện căn, giới, định, trí giải thoát, giải thoát tri kiến như vậy.

Xá Lợi Phất! Ví như dòng nước chảy của Sông Hằng, hễ nó chảy đến đâu, đều thấm nhuần đến đó. Không những thế, mà còn cuốn đi đất, cát, bụi trần, cỏ, cây, lá…

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát đối với việc đi, đứng, nằm, ngồi trong Châu Diêm Phù, những cử chỉ ấy, đều là giáo hóa chúng sinh và làm cho thiện căn của các chúng đó được tươi nhuần.

Lại nữa, các chúng sinh trong đi, đứng, nằm, ngồi, còn có thêm những tập khí vô trí, tập khí dục, sân, si, cho đến tập khí điên đảo bức bách. Tất cả đều được Bồ Tát giáo hóa vào trong khuôn khổ đi, đứng, nằm, ngồi.

Xá Lợi Phất! Nếu thiện nam, thiện nữ phát tâm đại thừa, mà nghe được lời dạy ở trên. Tuy còn nhiều biếng nhác, nhưng nhất định phát đại tinh tấn.

Xá Lợi Phất! Ví như Sông Hằng. Có chỗ phát ra tiếng lớn, có chỗ phát ra tiếng nhỏ và có chỗ không phát ra tiếng.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát được pháp nhẫn vô sinh. Có nơi thị hiện thiện căn. Có nơi tự thân thị hiện, tùy thuận thừa sự thiện hữu, có nơi tự thân làm thiện hữu cho người khác. Tùy theo khả năng gắng sức của chúng sinh, mà Bồ Tát tự thân thị hiện như vậy.

Xá Lợi Phất! Ví như mặt gương, nếu chưa được lau sạch thì không thấy rõ được hình bóng, nhưng khi mặt gương đã được lau sạch rồi, hình bóng kia đều thấy rõ ràng.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát sơ nghiệp mà thấy được thiện căn của chính mình liền thừa sự thiện hữu, thừa sự thiện hữu rồi, sau đó tăng trưởng pháp Phật.

Xá Lợi Phất! Ví như Sông Hằng, lúc nước dâng lên mạnh, nó sẽ cuốn phăng đi những thứ cỏ, cây, cành, lá ở hai bên bờ, đẩy thẳng ra bốn biển.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát nên mặc áo giáp sắt như vậy. Nếu có bị bờ này cản trở, rơi vào việc mờ ám, đi lạc vào đường hiểm của các kiến thì ta sẽ dẫn dắt trở về với Niết Bàn vô dư.

Xá Lợi Phất! Ví như Sông Hằng, lúc nước dâng lên mạnh, bọt nước nổi lên rất nhiều, nó cuốn phăng đi tất cả cây cối, rễ nhánh, cành, lá, hoa, trái. Trong đó, lại có cây đại thọ thứ hai vẫn đứng yên. Sau hai năm, Sông Hằng lại dâng cao hơn trước, cuốn phăng đi cây đại thọ và những cây cối khác.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Nếu có thiện nam, thiện nữ nhờ thiện hữu, phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác rồi, nhưng vì bị lực nơi cõi ác, bị nghiệp lực đời trước phải làm theo và thọ nhận mọi thứ vui của ngũ dục. Về sau cần phải thừa sự thiện hữu, cho đến khi được pháp nhẫn vô sinh.

Vì sao?

Vì đã từng gieo trồng các thiện căn từ nơi Chư Phật thì rốt cùng cũng không hề mất. Những người ấy, sẽ xuất hiện nơi đời và thành Phật, hiệu Biến Trí, hiệu Phổ Kiến.

Xá Lợi Phất! Ví như lúc kiếp thiêu cả tam thiên Đại Thiên Thế Giới, đều bị lửa đốt sạch. Cùng một ngọn lửa phát ra ánh sáng, nhưng có vật thì bị cháy, có vật thì bị hoại, không đen, không hình bóng.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát cần mặc áo giáp như thế, không có một chúng sinh nào, có thể thấy. Ở trong cõi chúng sinh ấy, tất cả chúng sinh đều không hay không biết. Đối với các chúng sinh đó, ta khiến cho họ tu pháp bất thoái.

Xá Lợi Phất! Như đống lửa lớn kia khi bùng lên, nó sẽ đốt sạch những thứ thuốc, những thứ độc.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát nên mặc áo giáp như thế, chúng sinh hoặc hữu thừa hay vô thừa. Đối với những người ấy, ta đều bình đẳng nói pháp, theo hạnh nguyện và niềm tin của người ấy. Các chúng sinh đó, nếu đầy đủ tín hạnh, sẽ mau chóng được độ, không khởi lên hai tướng.

Vì sao?

Vì các pháp không hai nên, không khởi lên hai tướng, các pháp là vô ngã nên đối với chân như, không thể biết bằng sự phân biệt.

Xá Lợi Phất! Ví như lửa cháy gom lại phát lên ánh sáng lớn, ánh sáng đó, chiếu đến Cõi Trời Quang Âm, không thể chiếu xa hơn nữa.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Cùng chứng một pháp giới, mà Thanh Văn, Độc Giác tuy nhập bình đẳng, nhưng đối với mười phương Thế Giới, trí tuệ không lay chuyển. Như Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà chứng pháp giới rồi thì đầy đủ trí vô lượng.

Xá Lợi Phất! Ví như đống lửa lớn kia, tuy mười phương Thế Giới không đến, không đi, nhưng nó lại đốt tam thiên đại thiên Thế Giới. Như vậy lửa ấy cũng chẳng phải không nhân.

Xá Lợi Phất! Trí của Chư Phật kia, dù mười phương Thế Giới không đến, không đi, cũng không gom lại. Nhưng Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà, lại đầy đủ trí, biết đúng như thật về tâm hạnh của chúng sinh trong mười phương Thế Giới. Như vậy, trí ấy cũng chẳng phải không nhân. Biến trí là tối thượng. Phải thấy như vậy.

Xá Lợi Phất! Ví như mặt trời mọc, nó che lấp hết các ánh sáng khác, phát ra ánh sáng khắp mọi nơi.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát mới phát tâm, lúc sinh, lúc lớn, che lấp hết các phần trí đầy đủ của Thanh Văn, Độc Giác, phát ra ánh sáng cùng khắp.

Vì sao?

Vì Bồ Tát đem thiện căn hồi hướng đến Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác nên ánh sáng vô biên.

Xá Lợi Phất! Ví như khi mặt trời mọc ánh sáng phát ra, che lấp ánh sáng của các vì sao.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát từ Đâu suất xuống, có cả trăm ngàn câu chi na do tha Chư Thiên theo đến Châu Diêm Phù này, cất tiếng nói: Hỡi các người! Bồ Tát Ma Ha Tát này, xả thân từ cung Trời Đâu Suất.

Khi ấy, trong Châu Diêm Phù này, có các Độc Giác đầy đủ trí lớn, nghe tiếng đó rồi, liền phát tâm hướng đến Niết Bàn.

Vì sao?

Vì Bồ Tát Ma Ha Tát có phước điền tối thắng, từ Cõi Trời Đâu Suất xuống, mà đã có sức tự tại như vậy.

Huống nữa là lúc sinh, lúc đi bảy bước, lúc cất tiếng nói: Ta là bậc Tối đại tối thắng đối với thế gian này. Ta sẽ dứt sạch sinh, già, bệnh, chết. Huống nữa là lúc xuất gia, lúc đến Đạo Tràng, chứng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Thế nên, Như Lai đối với các chúng sinh có thể nói là tối thắng, tối thượng, tối đại, tối diệu, vô thượng, vô thượng thượng. Thấy được nghĩa này, các thiện nam, thiện nữ có các thiện căn đều nên hồi hướng đến Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Xá Lợi Phất! Ví như trên đại địa này, có rất nhiều hạt giống, khi chúng nảy mầm lại có nhiều tên gọi. Cùng một đại địa, mà có các tướng khác nhau.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Cùng chứng một pháp giới rồi, mà chúng sinh ở mỗi mỗi giới, lại có mỗi mỗi tên, nhưng vẫn không hoại pháp giới.

Thế nên, Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát, cần phải mặc áo giáp như thế, ở những lúc ấy. Khi ta chứng một pháp giới rồi, chúng sinh ở đủ mọi cõi, đủ mọi danh tự, ta sẽ dùng trí mà nói pháp. Tuy phải dùng bao nhiêu trí lớn như thế, mà vẫn không hoại pháp giới. Pháp giới cũng không tách ra làm hai, pháp giới cũng không tăng hay giảm.

Xá Lợi Phất! Thấy được nghĩa này, Bồ Tát Ma Ha Tát, nên suy nghĩ hành pháp như vậy. Tuy là hằng hà sa số Chư Phật diệt độ, nhưng khắp nơi vẫn biết là không tăng không giảm. Hiện tại, mười phương Thế Giới, Chư Phật Thế Tôn, đầy đủ trí vô ngại, còn Thanh Văn thì trí không được đầy đủ.

Nhưng pháp giới cũng không tăng không giảm. Tận cùng của hư không giới, tương ưng với pháp giới, nên biết như vậy. Tận cùng của pháp giới, tương ưng với pháp Phật. Cũng nên biết như vậy.

***