Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh đại Tập Ví Dụ Vương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TẬP VÍ DỤ VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
 

PHẦN HAI
 

Xá Lợi Phất! Ví như núi chúa Tu Di, có một ngọn núi cao đến trăm Du Xà Na, hoặc cao đến hai trăm Du Xà Na, đến bảy trăm Du Xà Na. Ngoài ngọn núi này ra, các ngọn núi khác, không được gọi là núi đại Tu Di.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Từ trí Như Lai phát sinh Thanh Văn, cũng không được cho trí ấy là tròn đủ, như các Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà. Cũng không tròn đủ mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí của Như Lai. Còn Đức Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà thì tròn đủ các lực vô úy, trí vô ngại…

Xá Lợi Phất! Ví như trên núi chúa Tu Di, có rất nhiều Thiên Tử, nhiều đến trăm ngàn câu chi na do tha, cho đến vô lượng các Thiên Tử đều xuất hiện trên đỉnh núi ấy. Họ luôn an lạc, với sự thọ hưởng phước báo của Chư Thiên, muốn đi đâu thì tùy ý đi.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát mới phát tâm, lúc sinh, lúc trưởng thành, có các thiện căn, đều đem hồi hướng đến vô thượng bồ đề. Nên biết, sẽ có rất nhiều chúng Thanh Văn, trăm ngàn câu chi na do tha, cho đến vô lượng, vô biên các chúng Thanh Văn xuất hiện nơi đời, tự tại đi trên con đường mà Chư Phật đã đi.

Xá Lợi Phất! Ví như nơi núi chúa Tu Di, cùng lúc bốn vách mọc lên không có trước sau. Như vậy, Bồ Tát Ma Ha Tát đem thiện căn hồi hướng đến vô thượng bồ đề thì tức thời liền có Phật tánh, Phật địa, Phật trí, Phật công đức… cùng lúc phát sinh, cũng không có trước sau.

Xá Lợi Phất! Ví như núi chúa Tu Di, nếu cắt ra từng phần, đem so với các núi khác, nó vẫn còn cao lớn hơn nhiều. Như vậy, Bồ Tát Ma Ha Tát. Khi mới phát tâm, đem thiện căn hồi hướng đến vô thượng bồ đề, nếu so với các thiện căn khác, cũng vẫn là chỗ rộng lớn tối thượng đáng giữ gìn.

Xá Lợi Phất! Ví như núi chúa Tu Di một bên có màu vàng ròng. Nếu các loài chim, thú đến bên ấy thì cũng cùng một màu vàng. Như thế là cùng màu với sư tử chúa.

Xá Lợi Phất! Tuy cùng một màu vàng với Sư Tử chúa, nhưng thế lực, công đức, danh xưng của nó thì không bằng dáng đi oai vệ và tiếng rống vô úy của Sư Tử chúa.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Thanh Văn, Độc Giác tuy cùng một vị giải thoát với Như Lai, nhưng không bằng Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà. Các vị ấy, không có công đức, thần lực vô úy và rống tiếng rống sư tử như Như Lai.

Trái lại Như Lai thì đầy đủ các pháp, trí tuệ, phương tiện. Trí tuệ phương tiện này, Thanh Văn, Độc Giác còn không được nghe đến thì làm gì có thể phát sinh. Như Lai diệu dụng. Như Lai cất tiếng sấm. Như Lai công đức. Như Lai rống tiếng rống sư tử, vượt hơn các thế gian.

Xá Lợi Phất! Như các loài chim thú kia tuy cùng màu vàng với Sư Tử Chúa, nhưng không cùng công đức. Như vậy thì không thể gọi là Sư Tử Chúa.

Xá Lợi Phất! Thanh Văn, Độc Giác tuy cùng một vị giải thoát với Như Lai, nhưng không thể ngang bằng với Như Lai.

Vì sao?

Vì các vị ấy không được công đức, danh xưng. Không được tôn xưng Như Lai vô thượng và thể Như Lai, lại cũng không được bồ đề vô thượng, các lực vô úy, trí vô ngại… do đầy đủ các lực vô úy, trí vô ngại như thế, cho nên gọi là Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà. Thấy được nghĩa này, các thiện nam, thiện nữ có bao nhiêu thiện căn, đều nên hồi hướng đến vô thượng bồ đề.

Xá Lợi Phất! Ví như Trời Tứ Thiên Vương chỉ đứng bên đỉnh núi Tu Di, còn Chư Thiên của Cõi Trời Tam Thập Tam, ở trên đỉnh núi.

Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao?

Đỉnh núi Tu Di đâu phải không dung nạp Trời Tứ Thiên Vương, sao họ lại không ở trên đỉnh núi ấy?

Xá Lợi Phất thưa: Không phải thế, thưa Thế Tôn! Trên đảnh Tu Di kia không phải là không dung nạp Tứ Thiên Vương. Mà vì xưa kia, họ đã không gieo trồng phước báo ở đỉnh núi ấy. Do không gieo trồng như thế, cho nên nay, không được ở trên đảnh Tu Di.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Pháp thể này của ta cùng không có lỗi lầm, mà cũng không dung nạp các hàng Thanh Văn, khiến họ không được trí mười phương Thế Giới. Vì do việc làm thiện căn đời trước của các vị ấy, không biết hồi hướng vô thượng bồ đề.

Cũng không phát nguyện tu hạnh như vậy, không phát nguyện trí tâm biến trí tối thượng. Cho nên nay chứng Thanh Văn, không được đi trên con đường của Như Lai, không có công đức của Như Lai, cũng không đầy đủ các lực vô úy, trí vô ngại… do Phật được tròn đủ trí tuệ này, nên gọi là Ngài là Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà.

Xá Lợi Phất! Ví như tử thi không dừng đứng nơi biển cả. Cũng vậy, Đại Bồ Tát A Bệ Bạt Trí không bao giờ ở cùng với sự keo kiệt.

Xá Lợi Phất! Ví như biển lớn, thủy triều lên xuống luôn đúng lúc. Cũng như vậy, Bồ Tát A Bệ Bạt Trí cũng như vị khất sĩ, đi khất thực không bao giờ quá thời.

Xá Lợi Phất! Ví như có người lấy nước ở biển cả, nước ấy chỉ có một vị, đó là vị mặn.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát, nếu đem cả trăm ngàn pháp môn, tạo ra các thiện căn, đều hồi hướng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thì tất cả đều thành một vị, đó là vị biến trí.

Xá Lợi Phất! Ví như tánh của vàng thì sinh ra vàng đây nói là vàng mỏ, tùy theo ý của mỗi người mà làm ra các chuỗi, rồi chuyển thành nhiều tên của các thứ chuỗi.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Dùng một Phật trí, chuyển thành nhiều loại trăm ngàn chuỗi, nghĩa là sinh ra các thiện căn cho chúng sinh.

Xá Lợi Phất! Như nhà Vua làm ra tiền, nếu đã in có chữ rồi thì mới được gọi là tiền, còn chưa có chữ, không được gọi là tiền.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát chưa được pháp nhẫn vô sinh thì Chư Phật Thế Tôn chưa thọ ký quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, nếu được pháp nhẫn vô sinh rồi thì Chư Phật Thế Tôn liền thọ ký.

Này thiện nam! Đời vị lai, ông sẽ chứng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Xá Lợi Phất! Ví như ngoại đạo, Tiên Nhân, có thiên nhãn. Nếu thấy có người mới trụ trong thai, chưa nhận rõ sắc loài, vì thai nhi đó chưa thành tướng nam nữ. Về sau, đã thành tướng nam nữ rồi thì ngoại đạo, Tiên Nhân, dùng thiên nhãn xem thấy mới đoán là, sẽ sinh con trai hay con gái.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát chưa được pháp nhẫn vô sinh thì Chư Phật Thế Tôn chưa thọ ký Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, khi nào được pháp nhẫn rồi.

Khi đó, Chư Phật Thế Tôn thọ ký: Này thiện nam! Đời vị lai, ông sẽ chứng Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà.

Xá Lợi Phất! Ví như lúc mặt trời mọc, nó không có ý nghĩ: Ánh sáng của ta, sẽ chiếu vào Châu Diêm Phù đề này. Nhưng khi ánh sáng mặt trời xuất hiện thì Diêm Phù Đề được chiếu sáng và làm cho những chúng sinh ở Châu Diêm Phù thấy rõ được các sắc.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát, khi đắc trí biến trí cũng không nghĩ rằng: Ta sẽ chiếu sáng tam thiên đại thiên Thế Giới.

Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát hành pháp hạnh này, ngồi phần địa này, đầy đủ tướng sinh này, đủ thiện căn này, sẽ chứng giác trí này. Bồ Tát Ma Ha Tát dùng giác trí này, tự chiếu sáng tam thiên Đại Thiên Thế Giới.

Xá Lợi Phất! Ví như có hai người, đều muốn được châu báu, nên cùng vào mỏ báu. Trong hai người ấy có một người lấy được châu báu vô giá, còn người thứ hai lấy được báu hữu giá.

Khi ấy, có người trí nói rằng: Này bạn! Nơi đây có báu vô giá, vậy bạn nên lấy nó đi, nó là một loại báu rất có giá trị, được các hàng quốc vương đại thần, hoặc người trong thành ấp, cùng với những người trí khác, phân biệt, biết là báu thì sẽ công nhận nó là loại báu quý trọng tối thượng. Người này không chấp nhận lời nói tốt của người trí kia, nên lấy báu hữu giá.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Giáo pháp của Phật cũng như kho châu báu, có người đến đó, rồi khởi lên ý niệm vô giá và thực hành trọn vẹn theo ý niệm, nghĩa là niệm tương ưng với bảo trí biến trí và xa lìa ý niệm Thanh Văn, Độc Giác. Lại có người thứ hai thực hành theo ý niệm tương ưng với Thanh Văn, Độc Giác.

Xá Lợi Phất! Cùng một pháp giới chứng, nhưng Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà thuộc trong số Pháp vương. Còn những thiện nam khác, thành Thanh Văn, lại thuộc trong số Thanh Văn. Người chứng biến trí thì nằm trong số thông suốt tất cả, cũng như Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà.

Xá Lợi Phất! Ví như bảo châu như ý, khi nó thuộc về người nào thì người ấy được tự tại và được tất cả các vật báu.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát, không có một chúng sinh nào, không cùng cộng tác làm việc báu. Không có một chúng sinh nào, không chỉ dạy họ tạo thiện căn, cho đến chứng Niết Bàn vô vi.

Xá Lợi Phất! Ví như người làm Ma Ni hoặc học trò của người làm Ma Ni chuyên gọt dũa những phần thô xấu bên ngoài của Ma Ni. Sau khi Ma Ni được gọt dũa xong, nó sẽ loé lên những màu sắc và ánh sáng tối thượng. Biết được màu sắc tối thượng rồi, từ đó người làm Ma Ni hay học trò của họ, sẽ được rất nhiều loại của cải để sinh sống.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát, tùy theo tâm của người khác, khiến cho họ sinh thiện căn, thiện căn ấy phải đem trí phương tiện tự tâm mà giáo hóa, nhờ thiện căn này, mà thành tựu pháp của Chư Phật.

Xá Lợi Phất! Như Ma Ni báu nếu chưa được trong sáng, cần phải cất kỹ.

Vì sao?

Vì Ma Ni là vật vô giá.

Thế nên, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát mới phát tâm, các hàng Trời, Người, Càn Thát Bà, A tu la cần phải giữ gìn.

Vì sao?

Vì bậc Trượng phu ấy, đã vì các hàng Trời, người, A tu la mà phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Xá Lợi Phất! Như Ma Ni báu, tuy chưa được mài dũa, nhưng được các hàng quốc vương, đại thần, hoặc người trong thành ấp, cùng những người trí khác, biết nó là báu, nên đều quý trọng.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát mới phát tâm, cũng được Chư Phật Thế Tôn, Bồ Tát, Thanh Văn tán thán quý trọng.

Xá Lợi Phất! Ví như có người được thấy Phật, sinh tâm hy hữu như vậy Đức Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà, luôn xuất hiện ở đời, nay ta nên phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, làm cho chánh pháp được hưng thịnh và đem chánh pháp này dạy các chúng sinh tích tụ thiện căn.

Rồi đem thiện căn đó hồi hướng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Lúc người ấy hồi hướng, nếu có người không tin như là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, hoặc Ưu Bà Tắc, hoặc Ưu Bà Di, hoặc Ma La Ba Ty, Trời Ma La Thân, đến chỗ của người ấy, mà nói lỗi của đại thừa, làm cho người kia xa lìa, không còn tâm ưa thích nữa.

Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao?

Những hạng người này phải chăng đã vì trăm ngàn câu chi na do tha chúng sinh, cho đến vô lượng, vô biên A tăng kỳ chúng sinh, mà gây ra những việc vô nghĩa, làm việc không an ổn, khiến cho đau khổ đọa lạc chăng?

Xá Lợi Phất thưa: Đúng vậy! Thưa Thế Tôn! Đúng vậy! Thưa Đại Đức Bà Già Bà! Vì sao?

Vì các chúng sinh, mà tạo ra những việc vô nghĩa, không an ổn, khiến phải đau khổ đọa lạc. Nghĩa là những hạng người ấy, đến chỗ của thiện nam, thiện nữ phát tâm đại thừa kia, nói lên lỗi của đại thừa, làm cho thiện nam, thiện nữ ấy, không còn ưa thích gì về Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, khiến phải thoái chuyển xa lìa.

Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Nếu muốn không rời bỏ Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà, nên cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Thế nên Xá Lợi Phất! Các thiện nam, thiện nữ phát tâm đại thừa, đối với Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, cần phải ưa thích chớ có để cho thoái chuyển xa lìa.

Vì sao?

Vì ta nói, không rời bỏ Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà, nghĩa là thiện nam, thiện nữ phải phát tâm đại thừa đối với Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác và luôn ưa thích, không để thoái chuyển, xa lìa.

Xá Lợi Phất! Ví như gặp lúc đói khát, gieo trồng các thứ cây không mọc, khác gì đem gieo trồng trên đá.

Lúc đó, hoặc Vua, hoặc đại thần của Vua, hoặc Sát Đế Lợi hay đại thần của Sát Đế Lợi, hoặc Bà La Môn hay dòng họ Bà La Môn, hoặc trưởng giả hay vợ của trưởng giả, hoặc dòng họ trưởng giả, ở nơi thành ấp đã vì mọi người, mà làm ra một kho lớn, chứa các thứ ngũ cốc. Khi ấy, mọi người đều đến kho lấy những thứ ấy đem về mà ăn. Trong lúc mọi người đến lấy thức ăn đó, có một người đến kho châm lửa đốt kho.

Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao?

Người bất thiện này, phải chăng đã ở nơi trăm ngàn câu chi na do tha vô lượng, vô biên A tăng kỳ chúng sinh, tạo ra việc vô nghĩa, không an ổn, khiến cho phải đau khổ đọa lạc.

Mà lại còn phóng lửa đốt kho, phá hoại không cho thọ dụng chăng?

Xá Lợi Phất thưa: Đúng vậy! Thưa Thế Tôn!

Phật bảo: Xá Lợi Phất! Đúng thế, đúng thế!

Lúc chánh pháp sắp diệt, có người nghe Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà ra đời, liền sinh tâm đại bi. Sinh tâm đại bi rồi thì phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Lúc này, có một người bất thiện xuất hiện, đến chỗ thiện nam, thiện nữ nói ra các lỗi của đại thừa, làm cho người ấy không còn ham muốn và xa lìa Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao?

Người bất thiện này, ở nơi vô lượng, vô biên A tăng kỳ chúng sinh, làm việc vô nghĩa, không an ổn, khiến phải đau khổ đọa lạc. Nay ở chỗ thiện nam, thiện nữ phát tâm đại thừa, lại nói lên cái lỗi của đại thừa, làm cho họ không còn ưa thích xa lìa Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Xá Lợi Phất thưa: Đúng vậy! Thưa Thế Tôn!

Này Xá Lợi Phất! Ví như chủ buôn dắt rất nhiều khách buôn, trên đường đi gặp phải sông lớn hiểm trở, lại còn có rất nhiều dòng nước chảy xiết.

Khi ấy, có người nói với người thứ hai: Này bạn, hãy tìm cách gì, hay ra sức mà tìm thuyền chứ.

Người thứ hai nói: Tôi ở đây, chứ không đi tìm thuyền.

Nghe người kia nói thế, người có chí có sức này, liền siêng năng, tìm cách kiếm thuyền, chèo đến bên bờ sông và chở vô lượng, vô biên A tăng kỳ chúng sinh, từ bờ này sang bờ bên kia. Như vậy, tất cả mọi người đều được sang bờ bên kia, riêng người biếng nhác kia vô trí, sức kém, phước mỏng, nên vẫn ở bên này.

***