Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh đại Tập Ví Dụ Vương
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI TẬP VÍ DỤ VƯƠNG
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẦN NĂM
Này Xá Lợi Phất! Ví như nơi Chuyển Luân Vương đi qua, hay sắp đi qua, những nơi ấy, có đến trăm ngàn vô lượng, vô biên chúng sinh, hoan hỷ, muốn được Vua đến.
Vì sao?
Vì Vua đã đem pháp thiện giáo hóa chúng sinh.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát nên mặc áo giáp như thế. Nơi mà ta đã đi qua, hoặc sắp đi qua, trong các Cõi Phật, ở mười phương Thế Giới, có đến trăm ngàn vô lượng, vô biên chúng sinh đều hoan hỷ muốn ta đến.
Vì sao?
Vì ta đã dạy cho chúng sinh tu hành pháp thiện, lại còn dùng mọi phương tiện thiện xảo giáo hóa chúng sinh.
Này Xá Lợi Phất! Ví như Ma Ni báu, trị giá đến trăm ngàn, khi chúng sinh mong cầu sẽ từ đâu mà được?
Từ chỗ bán ra mà được.
Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát tùy theo phương tiện ấy, thấy các chúng sinh có thể làm thành khí, rồi mới từ nơi đó, dùng thiện căn làm phương tiện dạy dỗ, ban cho mọi phương tiện khéo léo, khi đã được phương tiện rồi, dạy cho họ chứa nhóm pháp thiện, khuyến khích tu tâm bồ đề.
Này Xá Lợi Phất! Ví như các người con của Vua, hoặc con bề tôi của Vua, cùng nhau hợp bàn, nên giữ vương vị, nên chế phép nước, nên bảo vệ vương vị, nên tuyên truyền lời dạy của Vua như vậy.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Các Bồ Tát Ma Ha Tát tu các thiện căn tròn đầy, thừa sự trăm ngàn na do tha Chư Phật, trồng các thiện căn, khéo tu tập tâm từ và luôn nghĩ đến tất cả, hành tâm đại bi, vui thích bồ đề, vì nghĩ đến Đạo Tràng mà hành xả.
Bồ Tát tin một cách vững chắc như vậy: Rồi đây, ta sẽ rống tiếng rống sư tử. Mưa trận mưa pháp, đánh trống pháp, thổi loa pháp, dựng cờ pháp, làm an ổn thuyền pháp, độ các chúng sinh trong bốn nẻo, trong vô lượng kiếp mặc áo giáp, mặc áo giáp vững chắc đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, muốn chuyển bánh xe pháp vô thượng, hàng phục ma la và quyến thuộc ma, muốn mặc áo giáp không thể nghĩ bàn, muốn mặc áo giáp không gì sánh bằng, muốn mặc áo giáp tối thượng trong ba cõi.
Những điều như vậy, các thiện nam, thiện nữ ngồi lại với nhau, cùng bàn luận rằng: Chúng ta nên giáo hóa chúng sinh vào trong các thiện căn vô lậu, chúng ta nên làm cho chúng sinh hồi hướng cảnh giới Niết Bàn, chúng ta nên làm cho chúng sinh vào cảnh giới Niết Bàn vô vi.
Này Xá Lợi Phất! Ví như con của Vua và các con bề tôi của Vua tập hợp lại với nhau. Còn những người hạ tiện khác không được đến nơi ấy.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Các Bồ Tát Ma Ha Tát ngồi tập hợp lại với nhau, còn các chúng sinh trí thấp kém thì không thể thấy các cảnh giới mà các Bồ Tát Ma Ha Tát thị hiện.
Xá Lợi Phất! Ví như trong biển cả có chúng sinh mà thân của nó chỉ bằng con rận, lại có chúng sinh thân lớn trăm du xà na, lại có chúng sinh thân lớn cho đến bảy trăm du xà na.
Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao?
Biển lớn kia, đâu phải không dung chứa các chúng sinh thân nhỏ đó, hoặc các chúng sinh thân lớn đó?
Xá Lợi Phất thưa: Không phải thế, thưa Bà Già Bà! Không phải thế, thưa Tu Già Đà! Không phải biển cả không dung chứa, do sự tạo nghiệp, nên mới có chúng sinh thân nhỏ, hoặc chúng sinh thân lớn.
Phật nói: Đúng vậy! Xá Lợi Phất! Do lực phát nguyện, nên các Thanh Văn trí cạn, còn Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà trí không thể lường, không thể đếm, không thể nghĩ bàn, không thể kể xiết, vô biên không thể nói.
Vì sao?
Vì xưa kia, Như Lai tu hạnh Bồ Tát, có hạnh nguyện vô lượng, vô biên không thể kể hết. Do tu nghiệp ấy, nên mới thành tựu trí vô ngại, công đức tối thắng.
Xá Lợi Phất! Ví như biển cả có các chúng sinh và Ma Ni báu nhưng lại không gần nhau, không hòa hợp với nhau, không biết tên nhau, huống gì là thọ dụng.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Có các thiện nam, thiện nữ sinh từ nơi pháp luật này, nên du hành khắp trong biển pháp ấy. Còn các Thanh Văn, Độc Giác không thể biết đến tên của Tam ma địa, huống nữa là muốn thực hành đầy đủ các Tam ma địa. Đức Như Lai do đầy đủ Tam ma địa, cho nên gọi là Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà.
Này Xá Lợi Phất! Ví như cách cầm cung của xạ thủ bậc thầy, một khi đã bắn ra thì không bao giờ trật.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát có phương tiện thiện xảo, đem phương tiện thiện xảo đó để thâu giữ, tròn đủ bát nhã Ba la mật.
Bồ Tát, nếu đã phát tâm, sẽ không hề hư dối, không gì không nắm giữ, không gì không hồi hướng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Tâm bồ đề đó thì không bị rơi vào dục, sân, si, không bị dục làm ô nhiễm. Không bị sân làm xấu. Không bị si làm mê hoặc. Nếu Bồ Tát phát tâm bồ đề rồi thì không nhập vào sắc cho đến không nhập vào thức.
Không nhập vào ngã, cho đến không nhập vào thọ. Không nhãn giới, không Sắc Giới. Không nhập vào nhãn thức giới, cho đến không ý giới, không pháp giới. Không nhập vào ý thức giới. Bồ Tát nếu phát tâm bồ đề thì lìa được dục, sân, si. Nếu không có dục, sân, si thì là có đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Nếu có đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả thì là bất khả đắc.
Nếu bất khả đắc thì không sinh diệt. Nếu không sinh diệt thì không đoạn, thường. Nếu không đoạn, thường thì là phát tâm bồ đề. Tận cùng của hư không giới là cứu cánh của pháp giới. Hư không giới nghiệp, hợp với trí phương tiện thì gọi là phát tâm bồ đề.
Này Xá Lợi Phất! Ví như cây quý, lúc mọc, lúc phát triển không phải là không có công năng của các báu.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát đem các thiện căn hồi hướng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác cùng thâu giữ đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Do nghĩa đó cho nên biết Bồ Tát Ma Ha Tát đã phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, cũng như cây báu.
Này Xá Lợi Phất! Ví như trong tam thiên Đại Thiên Thế Giới, chỗ nào có các thứ cỏ cây, nhành lá. Những thứ ấy đều có thể đem làm đuốc. Trong tam thiên Đại Thiên Thế Giới này, có các núi chúa Tu Di, núi Luân, núi Đại Luân, núi Mục Chân Lân Đà, núi Đại Mục Chân Lân Đà.
Ngoài ra còn có các núi đen và núi đá. Những núi ấy đều là dụng cụ của đuốc. Trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, chỗ có sông, suối, ao, hồ, sông lớn, sông nhỏ, biển cả. Những nơi ấy đều chứa đầy dầu. Nếu có Thanh Văn thừa, Độc Giác thừa, thiện nam, thiện nữ ở trước Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, đốt lên các đuốc ấy.
Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao?
Phước đức của các thiện nam, thiện nữ đó có nhiều không?
Xá Lợi Phất thưa: Rất nhiều! Thưa Đại Đức Bà Già Bà! Rất nhiều!
Thưa Đại Đức Tu Già Đà!
Phật nói: Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao?
Nếu thiện nam, thiện nữ phát tâm đại thừa, nhưng chỉ cúng dường một ngọn đèn.
Nhân duyên như thế, phước đức có nhiều không?
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Người phát tâm đại thừa, dù chỉ cúng dường một đèn nhưng phước lại rất nhiều, không phải như Thanh Văn, Độc Giác thừa, cúng dường vô lượng, vô biên đèn.
Phật khen Xá Lợi Phất: Hay thay, hay thay! Này Xá Lợi Phất! Đúng thế, đúng thế! Thật đúng như lời ông nói! Vì sao?
Nếu các Bồ Tát Ma Ha Tát Bố Thí Ba la mật thì các chúng sinh liền được thí Ba la mật. Nếu các Bồ Tát Ma Ha Tát Bố Thí Ba la mật thì các chúng sinh ấy liền được ăn uống, y phục, chuỗi ngọc, thọ dụng đầy đủ.
Nếu các Bồ Tát Ma Ha Tát Bố Thí Ba la mật thì các chúng sinh ấy, liền được của cải giàu có như Trưởng Giả, lúa thóc đựng đầy kho, thọ dụng đầy đủ, lại còn có ruộng vườn, nhà cửa, thành ấp, cung điện, xóm làng, đất nước, Kinh đô của Vua.
Xá Lợi Phất! Lược nói về Thi La, Sằn Đề, Tỳ Lê Da, Đệ Da Na, Bát Nhã của các Bồ Tát. Chúng sinh phá Thi la ấy, cho đến chúng sinh vô trí đều sẽ trí tuệ.
Vì sao?
Vì chúng sinh mới phát tâm ấy, như gieo trồng hạt giống, nên thấy như vậy. Khi đã tu hành rồi thì như hạt giống phát triển, đạt đến quả vị bất thoái chuyển như có nhành lá xum suê, đạt Nhất sinh bổ xứ thì như nở hoa, chứng quả Như Lai thì như kết trái. Trái đó, tùy theo chúng sinh muốn mà hái dùng. Như Lai Niết Bàn nên thấy như vậy.
Xá Lợi Phất! Vì nghĩa đó, nên biết là do mới phát tâm mà phát sinh Như Lai, do Như Lai xuất hiện, nên các chúng sinh được mọi niềm vui, cũng từ Như Lai mà phát sinh các Độc Giác, Thanh Văn. Thấy được nghĩa đó, nên các thiện nam, thiện nữ có các thiện căn, đều nên hồi hướng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Này Xá Lợi Phất! Ví như khi mặt trăng mọc thì chúng ta nhìn thấy, trong các ao, hồ, suối, sông, sông lớn, sông nhỏ ở Châu Diêm Phù này, đều có mặt trăng, nhưng mặt trăng ở cung Thiên Tử không bị lay động. Mặt trăng ấy, không gần bất cứ một nơi nào, nhưng ở các nơi đều in bóng trăng.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát trụ ngôi mười Địa trong các Cõi Phật, cho đến vô lượng, vô biên Cõi Phật, đều tự thân thị hiện. Các Cõi Phật ấy, có thôn xóm, đất nước, Kinh đô và các nơi khác Bồ Tát Ma Ha Tát cũng tự thân thị hiện.
Có chỗ thì thị hiện Đàn na Ba la mật, như là xả bỏ đầu, mắt, tay, chân, hoặc bỏ da, thịt, gân cốt, tim, tủy, hoặc bỏ con trai, con gái, vợ thiếp, nhà cửa, thôn xóm, thành ấp, đất nước, Kinh đô, hoặc hiện đúng như pháp cúng dường đại hội, cần ăn cho ăn, muốn uống cho uống.
Như vậy, cho đến cưỡi xe, y phục, hương đeo, hương xoa, tòa ngồi, gối kê, đèn đuốc. Những thứ như vậy đều xả là vì muốn giáo hóa chúng sinh keo kiệt, cho đến xả năm thọ tụ. Có chỗ thì thị hiện thi la Ba la mật không khiếm khuyết, không xuyên lậu, không loang lỗ, không lộn xộn, cũng như trâu mao bảo vệ đuôi của nó.
Vì muốn giáo hóa chúng sinh phá giới, cho đến vì muốn khiến trụ vào ba môn giải thoát. Có chỗ thị hiện nhẫn nhục Ba la mật cho đến có bị cắt chân tay, khoét mắt, nhưng Bồ Tát vẫn không nổi sân hận. Vì muốn giáo hóa loài chúng sinh cao ngạo ngã mạn, sân độc, tham đắm phú quý, cho đến vì muốn trụ vào pháp nhẫn vô sinh.
Có chỗ thì thị hiện tinh tấn Ba la mật để giáo hóa chúng sinh biếng nhác, phải nỗ lực tinh tấn, nhàm chán mọi thú vui của chính mình, mà trụ vào niềm vui của mọi người, giáo hóa chúng sinh biếng nhác ít tinh tấn trụ vào tinh tấn, cho đến trụ vào mười Địa.
Có chỗ thì thị hiện Đệ Da Na Ba la mật, du hý Đệ Da Na giải thoát Tam ma địa, Tam Ma Bạt Đề, để giáo hóa chúng sinh tâm loạn, thất niệm, không chánh tri, không có tâm Tam ma địa, được trụ vào kim cang Tam ma địa.
Có chỗ thì thị hiện Trí tuệ Ba la mật, nói pháp sâu xa, không có một pháp nào có thể hơn được, xứ phi xứ, địa phi địa, tất cả đều tùy thuận tâm hạnh của chúng sinh mà nói pháp.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát trụ vào mười Địa, dùng phương tiện khéo léo, thâu giữ đầy đủ trí tuệ Ba la mật, có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu cho chúng sinh.
Chúng sinh tin các Ba la mật, liền thị hiện Ba la mật. Như chúng sinh tin sắc, liền thị hiện sắc. Tin pháp bản liền thị hiện thuyết pháp. Khiến cho các chúng sinh ấy sẽ chứng Bất thoái chuyển Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Này Xá Lợi Phất! Ví như, có một loài cây, có khả năng ban cho những gì mà con người mong muốn. Nếu có chúng sinh muốn được châu báu, mà đến bên cây thì cây liền đáp ứng đúng với sự mong muốn của chúng sinh ấy. Như muốn thức ăn, chuỗi ngọc hay y phục đều được đầy đủ cả.
Nếu chúng sinh, cần các châu báu, như kim ngân, lưu ly, pha lê đỏ, trân châu mã não, xa cừ thì cây liền đáp ứng đúng với mong muốn của chúng sinh ấy. Cây mong muốn đó, nếu bị cắt, bị chặt phá, vẫn không thấy hiện tượng bị cắt, bị chặt phá hay tổn hoại gì cả. Trái lại, càng tăng thêm các thứ châu báu.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát trụ vào mười Địa. Có chỗ thị hiện đàn na Ba la mật, có chỗ thị hiện Thi La, Sằn Đề, Tỳ Lê Da, Đệ Da Na, Bát Nhã Ba la mật, phương tiện thiện xảo làm đầu.
Có chỗ thị hiện sinh vào Cõi Trời Tứ Thiên Vương, hay Cõi Trời Tam Thập Tam, Trời Tu Dạ Ma, Trời Đâu Suất Đà, Trời Hóa Lạc, Trời Tha Hóa Tự Tại, Trời Ma La Thân.
Cho đến các Cõi Trời Phạm Thân, Trời Phạm Quang, Trời Phạm Chúng, Trời Phạm Phụ, Trời Đại Phạm, Trời Quang, Trời Thiểu Quang, Trời Vô Lượng Quang, Trời Tịnh, Trời Biến Tịnh, Trời Quảng, Trời Thiểu Quảng, Trời Vô Lượng Quảng, Trời Quảng Quả, Trời Vô Nhiệt, Trời Thiện Kiến, Trời Thiện Hiện.
Cho đến sinh vào Cõi Trời A Ca Na Tra, tự thân thị hiện nói pháp. Có chỗ thị hiện chúng sinh có tưởng không tưởng. Cho đến Trời Phi tưởng phi phi tưởng.
Có chỗ thị hiện thân Chuyển Luân Thánh Vương ngay tại Châu Diêm Phù này nói pháp cho các chúng sinh. Có chỗ thị hiện Chuyển Luân Vương trong bốn phần, chỉ có một phần là hình sắc của Vua. Có chỗ thị hiện hình sắc lực của Vua Chuyển Luân Vương.
Có chỗ thị hiện hình sắc của Sát Đế Lợi, Trưởng Giả, Đại Thần, Vương Thần, Sa Môn, Bà La Môn, Ni Kiền, Phạm Chí, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân. Có chỗ thị hiện hình sắc Thanh Văn, Độc Giác. Có chỗ thị hiện, hạ sinh từ cung Đâu Suất, hoặc vào thai mẹ, hoặc đản sinh, hoặc Phạm thích ẳm bồng, hoặc đi bảy bước.
Hoặc cất tiếng nói: Ta là bậc tối thắng trong thế gian, đã hết sinh tử, hoặc đến trường học, hoặc vào thiên miếu, hoặc ở trong cung, hoặc dưới cây Diêm Phù, hoặc xuất gia, hoặc đến Đạo Tràng, hoặc hàng phục quân ma, hoặc chứng vô thượng bồ đề, hoặc chuyển pháp luân, hoặc nói pháp cho bốn chúng tám bộ, hoặc hiện Niết Bàn. Hoặc toàn thân, hoặc bằng hạt cải, hoặc hiện chánh pháp hưng thịnh, hoặc hiện pháp diệt.
Xá Lợi Phất! Lược nói về sự nói pháp, theo lòng tin của chúng sinh là tự thân của Bồ Tát Ma Ha Tát thị hiện, để tạo mọi thành tựu đầy đủ cho chúng sinh. Như chúng sinh tin về pháp gốc thì Bồ Tát Ma Ha Tát liền nói pháp gốc, khiến cho các chúng sinh ấy được bất thoái chuyển Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
***