Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THÔNG PHƯƠNG QUẢNG

SÁM HỐI DIỆT TỘI

TRANG NGHIÊM THÀNH PHẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trở Cừ Kinh Thinh, Đời Tống
 

PHẦN BẢY
 

Một thời gian lâu sau, người cha ở phương xa lại trở về, đứa con vui mừng, nhớ lời cha dạy khi trước, giữ gìn không trái phạm. Bởi con thấy cha, nên tin rằng cha mình chưa chết. Thế thì không thể cho là đứa con mãi phạm tội nghịch. Bởi nay con đã biết giữ lời dạy bảo của cha, thuận theo mà làm, nên không phải là phỉ báng.

Này thiện nam tử! Ông Trưởng giả tức là Như Lai. Đức con tức là tất cả chúng sanh. Dạy bảo tức là giáo giới đại thừa. Đi xa tức là phương tiện Niết Bàn, hiện thân hóa độ phương khác. Không thấy cha tưởng đã chết, tức cho Phật vĩnh viễn diệt độ.

Sầu não, bi thương mất tâm, tức là bị vô minh che tối. Chẳng giữ lời cha dạy, tức là phạm giới. Thốt lời nói cha mất hẳn, tức là phạm tội ngũ nghịch. Mê chánh lý nói lời chẳng hiếu thuận, tức là tội phỉ báng.

Như Lai cũng thế, khi du hóa phương khác xong, lại hiện thân, chúng sanh nhìn thấy liền sanh lòng tin biết rằng Phật chưa diệt. Phật vì chúng sanh thuyết pháp khiến hoàn phục bản tâm, nên chẳng thể còn gọi đó là phạm giới. Bởi chẳng biết mới nói diệt, nên chẳng thể cho rằng thật đọa vào tội nghịch. Vì thuận theo lời dạy, thật hành đúng lý được giải ngộ, nên chẳng thể cho rằng thật có báng pháp.

Thiện nam tử! Người đọc tụng thọ trì Kinh này, có thể tiêu trừ tội nặng và các phiền não từ vô lượng kiếp sanh tử. Nghe tên Kinh này, tức là được nghe danh hiệu Phật. Thấy Kinh này, tức là được thấy Phật. Trì Kinh này, tức là trì thân Phật. Hành Kinh này, tức là làm việc Phật. Thuyết Kinh này, tức là nói pháp Phật. Giải Kinh này, tức là giải nghĩa Phật. Nếu làm việc Phật, khéo giải nghĩa Phật, người như thế, vĩnh viễn không còn phiền não.

Bởi tại sao?

Vì người ấy đã được gặp Kinh, khéo biết dứt trừ phiền não.

Thiện nam tử! Giả sử lấy tám muôn kiếp làm một ngày, ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm. Căn cứ theo số năm giả lập ấy mà tính kể, trải qua trăm ngàn ức kiếp mới được gặp một Đức Phật. Lại qua số kiếp đó, mới được gặp một Đức Phật nữa. Được gặp Kinh này còn khó lâu hơn số nói trên. Gặp Kinh này tức là được gặp Chư Phật mười phương ba đời.

Vì thế người có trí hãy nên thọ trì đọc tụng biên chép và giải thuyết. Công đức ấy hay trừ được trọng tội, tà kiến, vô minh, phiền não, kết lậu, trụ nơi phước điền, và hay tiêu được vô lượng sự cúng dường của thế gian.

Hư Không Tạng Bồ Tát thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Bậc Bich Chi Phật còn chẳng thể tiêu được sự cúng dường của thế gian, phương chi kẻ phàm phu có thể tiêu trừ được?

Đức Phật bảo: Thiện nam tử! Nói Bích Chi Phật không thể tiêu được của cúng dường, lẽ đó không đúng hẳn. Bích Chi Phật tuy không hay thuyết pháp độ người, nhưng nếu nhập thiền tam muội, rồi từ tam muội xuất định, khởi đại thần thông độ cho tất cả chúng sanh, là có thể tiêu được của cúng dường!

Bấy giờ Hư Không Tạng Bồ Tát lại thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn!

Trong Kinh có nói: Kẻ tà kiến phá giới không được cùng tịnh chúng ở một quốc độ, uống chung một nước sông, và cùng Bồ Tát, thuyết giới, sám hối, tự tứ. Người đó đã sụt lui mất Thánh đạo, không được đứng vào số tăng chúng.

Như thế tại sao lại nói: Kẻ trọng tội tà kiến hành trì Kinh này, tiêu được của cúng dường?

Nếu tiêu được của cúng dường, tức là cùng với Chư Phật đồng hưởng ngôi Ứng Cúng, hơn ngôn A La Hán và Bích Chi Phật. Cúi xin Đức Thế Tôn từ bi phân biệt nói rõ.

Con nghe hiểu xong, lại vì chúng sanh giải thuyết như lời Phật dạy, khiến cho họ được giải thoát!

Phật bảo Hư Không Tạng Bồ Tát rằng: Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Ông hôm nay đầy đủ lòng từ bi, thương xót chúng sanh mà hỏi việc này. Vậy hãy lắng nghe cho kỹ và suy xét nhớ lấy cho khéo, ta sẽ vì ông mà giải thích rành rẽ.

Thiện nam tử! Cảnh giới của Kinh này không phải hàng Thanh Văn Duyên giác có thể biết, cũng không phải cảnh giới suy nghĩ của các ma vương, ngoại đạo, phàm phu. Kinh này duy Phật mới có thể biết, ông cũng sẽ được đạt.

Thiện nam tử! Khi xưa ta hành đạo Bồ Tát nói pháp bố thí, thật hành bố thí, nhưng không quán sát tốt xấu để thành tựu ruộng phước, mà chỉ bảo: Bố thí cho loài súc sanh được trăm phước báo, bố thí cho kẻ Xiển Đề được ngàn phước báo.

Thiện nam tử! Kẻ đoạn căn lành chết đọa vào hàng Xiển Đề. Kẻ không biết hổ thẹn chết đọa vào hàng súc sanh.

Sanh sanh và Xiển Đề ngày kia quả lành thành thục, thì có thể nhận sự cúng dường cho người gieo trồng ruộng phước, huống chi là kẻ tà kiến phá giới ư?

Nghĩa ấy như thế. Kinh Đại Thông Phương Quảng có sáu đức lớn không thể nghĩ bàn, hay khiến cho kẻ phá giới, phạm ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp, tà kiến phiền não, được trừ diệt hết tội, có thể nhận sự cúng dường!

Hư Không Tạng Bồ Tát thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Chư Phật Như Lai không thể nghĩ bàn!

Kinh Đại Thông Phương Quảng có sức oai thần không thể nghĩ bàn! Người thọ trì Kinh này, công đức cũng không thể nghĩ bàn!

Đức Phật bảo: Như thế! Như thế! Ông nói rất đúng.

Thọ trì Kinh này được công đức vô biên không thể nghĩ bàn!

Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo Hư Không Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát rằng: này Thiện nam tử! ta nhớ thuở xưa về đời quá khứ, có một kiếp gọi là Thanh Tịnh, ta ở trong kiếp đó cúng dường chín mươi hai ức na do tha Đức Phật. Bởi thời gian đó ta hành pháp tiểu thừa, nên có rất nhiều lầm lỗi, phạm giới vô lượng, nên không được các Đức Như Lai thọ ký cho.

Lại trải qua kiếp ấy, đến kiếp gọi là Nhạo Kiến. Ta ở trong kiếp đó, cúng dường bốn mươi hai ức Đức Phật, cũng không thấy các Đức Như Lai ấy thọ ký cho. Lại trải kiếp qua kiếp ấy, đến một kiếp tên là Phạm Âm.

Ta ở trong kiếp đó, cúng dường hai mươi hai ức Đức Phật, cũng không thấy các Đức Như Lai ấy thọ ký cho. Lại trải kiếp qua kiếp ấy, đến một kiếp tên là Tâm Hỷ. Ta ở trong kiếp đó, cúng dường tám mươi bốn ngàn Chư Phật, cũng không thấy các Đức Như Lai ấy thọ ký cho.

Lại trải kiếp qua kiếp ấy, đến một kiếp tên là Cứu Khổ, cõi nước tên Trang Nghiêm, Đức Phật hiệu là Đại Thí, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, đầy đủ mười hiệu. Ta ở trong kiếp đó, cúng dường bốn mươi ức Chư Phật, được nghe Kinh này, dứt hết phiền não, nhưng cũng không được Phật thọ ký.

Này Thiện nam tử! Thuở xưa ta từng đem đủ tất cả các món cúng dường dâng lên Chư Phật, song không thấy các Đức Như Lai ấy thọ ký cho.

Thiện nam tử! Khi xưa ta ở trong ngần ấy kiếp, cúng dường ngần ấy Chư Phật, tôn trọng ngợi khen, trừ được phiền não, giữ oai nghi cấm giới, đầy đủ hạnh pháp Thanh Văn, tu phạm hạnh trong sạch, học hạnh bố thí, giữ tất cả giới, thật hạnh đầu đà, xa lìa kiêu mạn, giận hờn ngu si.

Ta lại khéo nhẫn nhục, phát từ tâm nghe như thế nào nói như thế ấy, chăm chỉ siêng năng. Tất cả chỗ được nghe, ta nhận giữ không quên, thường ở nơi xa vắng, vào các pháp thiền định. Khi xuất định lại tùy nơi, văn huệ đọc tụng suy xét.

Nhưng tuy hành trì ngần ấy công hạnh, cũng không thấy các đức Như Lai thọ ký cho ta, là tại vì sao?

Bởi ta thọ cấm giới mà hủy phạm rất nhiều, đắm sâu pháp Thanh Văn cùng hạnh nhị thừa, lại không được nghe Kinh đại thừa Phương Quảng. Vì thế các bậc Bồ Tát nên xa lìa hạnh nhị thừa, tu tập Kinh Điển đại thừa Phương Quảng, danh hiệu Phật ta đã cúng dường thuở ấy, dầu dùng một kiếp mà tuyên thuyết cũng không thể nói ra hết được.

Thiện nam tử! Trải thời gian đó về sau ta được gặp đức Phật Định Quang. Ngài vì vô lượng đại chúng nói Kinh đại thừa Đại Thông Phương Quảng. Khi đó ta được nghe, được thấy đức Phật nói Kinh này, thọ trì đọc tụng, suy xét nghĩa lý, liền đắc Vô sanh pháp nhẫn. Ngay thời gian đó, đức Định Quang Như Lai mới thọ ký cho ta.

Ngài bảo: Đời sau ông sẽ được thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, đầy đủ mười hiệu.

Bởi thế, Thiện nam tử! Nên thọ trì Kinh này, tất sẽ mau chứng ngôi Phật quả, huống chi là việc tiêu sự cúng dường của Trời, người. Cho nên Kinh Điển đại thừa là kho tàng quý báu, có sức bố thí không thể nghĩ bàn, huệ thí cho kẻ phá giới, nghèo nàn. Người tu theo pháp này như được châu báu.

Thiện nam tử! đại thừa như nước biển cả, tiểu thừa như nước vết chân. Đại thừa như núi Tu Di, tiểu thừa như tổ kiến. Đại thừa như nhựt nguyệt, tiểu thừa như ánh lòe. Kinh thừa này là đại thừa, không thể nghĩ bàn, dung nạp tất cả chúng sanh, cũng như hư không. Trong tất cả các thừa, thừa này là bậc nhứt. Đại thừa này là Vô thượng thừa.

Tiểu Thừa có hạn lượng, không thể độ tất cả. Duy Vô thượng thừa mới có thể độ tất cả chúng sanh. Nếu hành trì theo Vô lượng hư không đại thừa này, thì như hư không chẳng có hạn lượng cũng không có hình sắc. Đại thừa cũng như thế, vô hạn lượng vô chướng ngại, tất cả chúng sanh nương nhờ nơi đây nên quan sát tướng của thừa này rộng rãi dung nạp rất nhiều.

Trong vô lượng kiếp nói công đức của đại thừa và kẻ hành trì theo thừa này, không làm sao cùng tận được. Trong tất cả các thừa, đại thừa này tối thắng. Chí tâm thọ trì đại thừa, sẽ được đến ngồi cội Bồ Đề, không còn bị ràng buộc chướng ngại.

Vô thượng thừa này thắng tất cả hạ liệt thừa. Ta ngồi dưới cội Bồ Đề, quan sát mười hai chân duyên, vì thương xót chúng sanh nên nói Kinh đại thừa. Mười phương các chúng sanh nếu tu theo thừa này, sẽ được không tăng giảm, sức dung thọ như hư không. Cho nên đại thừa có công năng thần thông trí huệ lớn chẳng thể nghĩ bàn. Vì thế tất cả chúng sanh đều nên tu tập.

Tất cả chúng Cõi Trời, Thiên ma và ngoại đạo, muốn trừ phiền não ràng buộc, nên quy y đại thừa. Như thế quyết sẽ được đầy đủ lục thần thông, tam minh, tam đạt, có thể dẹp các ma, ngoại đạo, cùng những bọn tà kiến.

Pháp đại thừa rất thiết yếu, hay phá các phiền não, khiến đầy đủ mọi căn lành, cho nên công năng của đại thừa thật khó nghĩ bàn! Tất cả các pháp thế gian cùng các pháp xuất thế và pháp hữu học, vô học, đều nhiếp trong đại thừa.

Thiện nam tử! Nếu chúng sanh nào làm điều ác, lại gần gũi kẻ tà kiến, hạng ác tri thức, nên bảo họ mau cải hối và tránh xa ngay những người ấy, quay lại quy y đại thừa. Nếu người chẳng ưa thích cầu học đại thừa, thì không thể phá được phiền não. Muốn cầu giải thoát phải học đại thừa.

Nếu có đại nhân hiểu đại sự, nghe nói đại thừa sanh lòng hoan hỷ, nên biết đó tức là hạng người đại thừa. Hành Giả được tâm vắng lặng, đầy đủ thần thông, đều nhờ bởi dùng đại thừa để tự trang nghiêm. Nếu có người nào hành đại hạnh, đó là không làm dứt hạt giống Tam Bảo.

Nếu có người nào hướng theo pháp đại thừa, kẻ đó liền được vô lượng phước, có thể đến Thế Giới mười phương, cúng dường mười phương vô lượng Chư Phật. Như thế Kinh đại thừa Phương Quảng, các thừa thế gian không thể thắng nổi, đầy đủ oai đức phá sanh tử. Cho nên đại thừa thật khó nghĩ bàn, khiến được sắc lực, được tự tại thành tựu, đầy đủ pháp tánh chân thường.

Nếu ai nương theo đại thừa này, người đó sẽ được hưởng sự vui vô thượng. Bậc có thể xả mình bố thí, tu đạo từ bi, do vì đó được vô thượng thừa. Bậc trì giới tinh tấn, tu phạm hạnh có thể dùng thần thông, che nhựt nguyệt, đều do từ lâu đã tu hạnh đại thừa. Nếu tự tâm thường tinh tấn, siêng cần tu tập, người đó được đại thừa. Nếu bị vô lượng quả báo khổ não, tu theo đại thừa tất được trừ diệt.

Nếu có thể an trụ nơi Kinh Điển đại thừa, sẽ được hưởng sự an vui như Chư Phật, lại đầy đủ chánh niệm, thường tinh tấn, được Tứ như ý thần thông lực. Bậc nương theo chánh pháp và chân nghĩa, đều do từ lâu đã tu Kinh đại thừa. Bậc đầy đủ thập lực, tứ vô sở úy, ba mươi hai tướng đẹp trang nghiêm đắc Kim cang tam muội cùng Nhứt thiết trí, đều do từ lâu đã tu pháp đại thừa.

Thiện nam tử! Nếu người nào trì Kinh đại thừa này từ một chữ, một câu, cho đến một bài kệ, sẽ được thoát hết các khổ nạn, trọn không đọa ác đạo, được đến chốn an vui.

Trong đời ác về sau, nếu ai được bản Kinh này, ta đều thọ ký cho chắc chắn sẽ thành Phật Đạo. Nếu trì Kinh này, Phật thường gần người đó, kẻ ấy cũng thường gần Phật. Người đó hộ trì Phật Pháp, Chư Phật cũng hộ trì kẻ ấy, khiến cho được đại thần thông, đại trí huệ, hay chuyển đại pháp luân, độ các nẻo sanh tử, phá hoại ma quân.

Khi xưa ta ở chỗ đức Định Quang Như Lai nghe Kinh Phương Quảng này, nên được an trụ pháp nhẫn, được thọ ký hiệu là Thích Ca Mâu Ni Phật. Sau khi ta diệt độ, nếu ai tu học Kinh này, ta cũng thọ ký cho người đó sẽ thành Phật.

Kẻ nào ở đời vị lai, hiểu được nghĩa Kinh này, nên vì những chúng sanh mê tối mà diễn nói. Như Lai tuy chẳng còn hiện ở đời, song ngôi Tam Bảo vẫn chẳng dứt, cũng như Phật còn hiện thế.

Vì sao?

Bởi ta từ nơi vô lượng Chư Phật, đã thọ trì Kinh Điển này, từng ở trong đời mạt kiếp, vì người mà diễn nói, nên ngày nay mới được ba mươi hai tướng.

Khi ấy Hư Không Tạng Bồ Tát thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả Chư Phật đều nói ba mươi hai tướng, nay Thế Tôn cũng nói ba mươi hai tướng.

Vậy do nhân hạnh gì mà được thành tựu các tướng đẹp ấy, cúi xin Đức Thế Tôn chỉ dạy cho chúng con!

Phật bảo Hư Không Tạng Bồ Tát: này Thiện nam tử! Như Lai do thành tựu vô lượng công đức, nên mới được ba mươi hai tướng. Dù ta nói đến cùng kiếp các nhân hạnh ấy cũng không thể hết.

Nay ta sẽ vì ông mà nói lược qua thôi: Như Lai do chí tâm tịnh giới nên được tướng lòng bàn chân bằng phẳng.

Do tu tất cả hạnh huệ thí nên được tướng lòng bàn chân có ngàn vòng xoáy.

Do chẳng lừa dối tất cả chúng sanh, nên được tướng gót chân đầy đặn.

Do hộ trì chánh pháp, nên được tướng ngón tay thon dài.

Do không phá hoại người, nên được tướng tay chân có màng mỏng giao tiếp.

Do dùng đôi mắt vui tươi nhiệm mầu khi cúng dâng bố thí, nên được tướng tay chân mềm mại.

Do đem thức ăn trong sạch bố thí, nên được bảy chỗ nơi thân đầy đặn.

***