Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THÔNG PHƯƠNG QUẢNG

SÁM HỐI DIỆT TỘI

TRANG NGHIÊM THÀNH PHẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trở Cừ Kinh Thinh, Đời Tống
 

PHẦN MƯỜI MỘT
 

Khi ấy Thiện Kiến Vương Tử cùng đồng bạn ba ngàn vị mong ân Phật dạy bảo xong, vui mừng kính lễ, lại thuyết kệ rằng:

Chúng con ngày hôm nay

Cúi đầu lễ quá khứ

Hiện tại và vị lai

Phật mười phương ba đời.

Lại cũng xin quy mạng

Thích Ca Mâu Ni Phật

Và kính lễ tám muôn

Bốn ngàn Bảo Pháp Tạng.

Lại cũng xin quy mạng

Tất cả Kinh pháp khác.

Kính lễ thời quá khứ

Đức Duy Ma, Mạn Thù

Lại cũng xin quy mạng

Bậc đa văn, đại trí

A Nan, Xá Lợi Phật

Cùng các đại Thanh Văn.

Kính lễ bậc vô học

Chứng năm phần pháp thân.

Lại cũng xin quy mạng

Bậc sơ tâm mới học.

Chúng con kính lễ xong

Lại xin nói kệ tụng:

Phật bảo điều chi thật?

Điều chi là chẳng thật?

Thật cùng với chẳng thật

Cả hai không thể đắc.

Tướng chân thật như thế

Các pháp chẳng hý luận

Vì thương xót chúng sanh

Phương tiện chuyển pháp luân

Các thánh khắp nơi lại

Phật cũng bảo như thế

Thật tướng không khứ lai

Phật cũng thế chẳng khác

Chư Thánh nói như thật

Phật cũng nói như thật

Bởi thế gọi Phật là

Đa Đà A Già Độ.

Giáp nhẫn nhục bền chắc

Cung tinh tấn cứng mạnh

Tên trí huệ bén nhọn

Phá các giặc kiêu mạn

Đáng nhận nơi Trời người

Tất cả sự cúng dường

Vì thế nên gọi Phật

Là A Ra Ha Đế.

Biết rõ thật tướng khổ

Cũng biết rõ nhân khổ

Biết rõ tướng khổ hết

Cũng biết đạo dứt khổ

Chân chánh hiểu bốn đế

Xác thật chẳng sai lầm

Cho nên trong mười phương

Hiệu Tam Miệu Tam Phật

Được tam minh mầu nhiệm

Hạnh thanh tịnh cũng đủ

Cho nên Thế Tôn hiệu

Bệ Sà Giá La Na

Hiểu biết tất cả pháp

Tự được đạo pháp mầu

Tùy thời phương tiện nói

Lòng nghĩ thương tất cả

Dứt trừ già, bệnh, chết

Khiến đến chỗ an ổn

Bởi thế nên gọi Phật

Hiệu là Tu Già Đà.

Biết đời từ đâu lại

Cũng biết đạo thế tận

Vì thế nên gọi Phật

Là lộ Ca Bệ Đà

Tất cả thiền, giới, trí

Vô tỷ còn vượt hơn

Vì thế nên gọi Phật

Là A Nậu Đa La.

Đại bi độ chúng sanh

Hòa lành khéo điều phục

Vì thế gọi Phật là

Phú Lâu Sa Đàm Điểu.

Trí huệ không phiền não

Nói tối thượng giải thoát

Vì thế gọi Phật là

Đề Bà Ma Nâu Sá.

Ba đời động, chẳng động

Pháp tận và bất tận

Dưới đạo thọ biết hết

Cho nên gọi Giác Vương!

Bấy giờ mười phương Chư Phật vào pháp thần thông tam Ma Địa, tự cất mình vượt lên hư không, miệng khác đồng lời xướng rằng: Thiện Kiến Đại Sĩ và đồng bạn ba ngàn vị, các ông nên biết: Tánh tội chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở chính giữa. Tâm chân thật cho nên sức lành chân thật.

Tâm giải thoát cho nên tội tánh giải thoát. Trí huệ không cho nên tội tánh không. Tín lực mạnh cho nên phước lực nhiều. Nếu có thể như vậy mà sám hối thì sẽ thấy ta, thấy Đức Đa Bảo và chư phân thân Phật. Bởi thường thấy ta nên sám hối diệt được tội. Ngày nay ta giáo hóa chư Bồ Tát phương thức sám hối như thế.

Sám hối như thế khiến cho ta, chư phân thân Phật, Đức Đa Bảo Như Lai đã diệt độ, thảy đều vui mừng! Cho đến tất cả Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai ở mười phương, Hành Giả cũng thấy cũng cúng dường, và cũng khiến cho đều được hoan hỷ! Nếu thuận theo Kinh Đại Thừa này, sẽ được vào Bồ Đề môn!

Phật bảo các đại chúng: Có tội muốn sám hối, phải nên như Thiện Kiến Vương, lễ Chư Phật trong ba đời, mười hai phần Tôn Kinh, và các vị đại Bồ Tát Tăng. Nên mỗi mỗi tâm lễ, cũng như gặp thân tướng ta, thấy thân tướng ta.

Lại như thấy tướng một Đức Phật, tướng hai Đức Phật, tướng bảy Đức Phật, tướng trăm Đức Phật, tướng ngàn Đức Phật, tướng muôn Đức Phật, cho đến thấy tướng vô lượng Chư Phật.

Thế nên phải mỗi mỗi tâm lễ, người ấy sẽ được vô lượng phước đức, diệt trừ tội nặng trong A tăng kỳ kiếp sanh tử, không đọa ba đường ác, an trụ nơi Phật Đạo, quyết định không còn nghi. Vì thế khi sám hối phải chí tâm tin cho vững, chắc chắn sẽ diệt được tội nặng.

Khi ấy Thiện Kiến Vương Tử cùng với pháp thuộc đồng thanh đọc tụng bài kệ khen Phật rằng:

Thế Tôn đại từ bi

Dòng Thích Ca Pháp Vương

Sư Tử Hống trong chúng

Nhiếp khắp hết hàm linh

Đồng xem như con một

Không phân biệt kia đây

Được thấy Vô Thượng Tôn

Cho nên nay kính lễ.

Khi đó Phật bảo Thiện Kiến Vương Tử và đồng bạn ba ngàn vị rằng: Nếu có thể tỏ bày tội lỗi sám hối không che dấu như thế, mới là chân Bồ Tát. Trong đời tương lai, các ông quyết định sẽ được thành Phật.

Lại nữa, Thiện Nam Tử! Khi ta diệt độ, ở đời sau kẻ nào có thể trực tâm lễ kính mười phương Chư Phật, mười hai phần Kinh, cùng chư Bồ Tát Tăng, đó là báo ân Tam Bảo. Kẻ ấy sẽ được diệt ngay các tội thập ác, ngũ nghịch và báng Kinh Phương Đẳng.

Diệt tội xong, nếu hợp cơ Tu Đà Hoàn mà được độ, thì thọ cho quả Tu Đà Hoàn. Nếu hợp cơ Tư Đà Hàm mà được độ, thì thọ cho quả Tư Đà Hàm. Nếu hợp cơ A Na Hàm mà được độ, thì thọ cho quả A Na Hàm.

Nếu hợp cơ A La Hán mà được độ, thì thọ cho quả A La Hán. Nếu hợp cơ Bích Chi Phật mà được độ, thì thọ cho quả Bích Chi Phật. Nếu hợp cơ Bồ Tát mà được độ, thì thọ cho quả Bồ Tát. Trong Kinh này, các vị Bồ Tát Ma Ha Tát được nhứt sanh thật tướng, đều do lễ Tam Thế Chư Phật.

Hoặc có Bồ Tát được nhị sanh pháp giới, đều do lễ Tam Thế Chư Phật. Hoặc có Bồ Tát được tất cánh trí, đều do lễ Tam Thế Chư Phật. Hoặc có Bồ Tát được ngộ đệ nhứt nghĩa đế, đều do lễ Tam Thế Chư Phật.

Hoặc có Bồ Tát được Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, đều do lễ Tam Thế Chư Phật. Hoặc có Bồ Tát được Hư Không Tam Muội, Trí Ấn Tam Muội, đều do lễ Tam Thế Chư Phật. Hoặc có Bồ Tát được bất thối nhẫn, như pháp nhẫn, như pháp giới, đều do lễ Tam Thế Chư Phật.

Hoặc có Bồ Tát được Đà Ra Ni, đại niệm tâm, vô ngại trí, đều do lễ Tam Thế Chư Phật. Hoặc có Bồ Tát được Sư Tử Hống Tam Muội, Kim Cang Tam Muội, Ngũ Trí Ấn Tam Muội, đều do lễ Tam Thế Chư Phật. Hoặc có Bồ Tát được bình đẳng Tam Muội, đại từ đại bi, A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề Phật hạnh, đều do lễ mười phương vô lượng Tam Thế Chư Phật.

Khi ấy Mạn Thù Thất Lỵ Pháp Vương Tử Bồ Tát Ma Ha Tát thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Những chúng sanh cuồng dại loại tâm, tạo tội ngũ nghịch, thập ác, làm sao biết mình được diệt tội?

Phật Mạn Thù Thất Lỵ Tử Bồ Tát rằng: Như trước đã nói nếu người nào nghe được Kinh Phương Quảng, lại được nghe danh hiệu Chư Phật mười phương ba đời, mười hai phần Kinh, các Đại Bồ Tát, sanh tâm vui mừng vô lượng, tin kính biên chép, thọ trì đọc tụng thông suốt, y theo lễ sám, sẽ được diệt tội. Kẻ đó nên ở nơi chỗ vắng lặng sạch sẽ, sửa sang một phòng thất, rưới nước thơm trên mặt đất, dùng phướng lọng đẹp trang nghiêm bên trong.

Lúc hành đạo, trước đốt hương thơm, sau mới lễ thỉnh Phật. Lại trước khi sám hối đọc tụng, nên tùy phần tắm rửa bằng nước thơm, thay y phục mới sạch. Mỗi lần đi nhà xí, lại một phen tắm gội. Muốn hành trì theo Kinh này trong thời gian lâu dài, nên sắm một tòa báu để cúng dường Kinh. Lại phải biết suốt pháp tướng, dứt ngã kiến, nhân kiến, lễ thỉnh dâng cúng, đốt hương tốt quý, xưng danh hiệu rành rẽ.

Hành Giả nên nhứt tâm trừ loại, nhớ chánh, niệm chánh, một lòng xưng niệm. Khi có các hành nhân đồng lễ sám thọ trì, nên lấy sự hòa hợp làm điều thiết yếu. Nếu không hòa hợp mà tức giận tranh cãi nhau, chẳng gọi là sám hối.

Nếu còn niệm giận tức nơi lòng, là trái với đạo pháp. Phải tưởng niệm đại thừa nghiêm tầm Đệ Nhứt Nghĩa Đế. Trong bảy ngày đêm, không được nằm ngủ. Mỗi ngày ba thời đọc tụng Kinh này. Ngày đêm sáu thời đốt hương cúng dường, y theo trong Kinh lễ bái sám hối.

Hành Giả phải thành khẩn xưng danh hiệu Chư Phật Bồ Tát, mười hai phần Kinh, tâm tâm không loại, tâm tâm không lầm, tâm tâm không khác, tâm tâm tinh tấn từng giờ, tâm tâm tinh tấn từng ngày, tâm tâm sanh lòng tin, tâm tâm đều hoan hỷ, tâm tâm thuận theo thứ lớp, tâm tâm nối liền nhau, tâm tâm sâu tôn trọng, tâm tâm không rời, tâm tâm nghĩ tội, tâm tâm niệm Phật, tâm tâm niệm Pháp, tâm tâm niệm Tăng, tâm tâm niệm xả, tâm tâm niệm giới, tâm tâm niệm thiện.

Người ấy đọc tụng như thế, chí tâm như thế, lễ bái như thế, sám hối như thế, từ ngày đầu cho đến ngày thứ sáu, lại đem nước thơm rưới nơi đất, dùng nước thơm tắm gội, đốt các thứ hương thâm tâm cúng dường. Do niệm chí tâm sám hối của người đó khiến có sự sơ cảm chấn động đến mười phương.

Bấy giờ ta cùng với vô lượng vô biên hằng hà sa Chư Phật, vô lượng vô biên hằng hà sa Bồ Tát, tùy theo âm thanh vào trong thất đồng làm chứng minh. Sám hối như thế trong bảy ngày, quyết định được diệt tội.

Tại sao biết được?

Bởi kẻ phàm phu chưa hợp với chân đế, phải lấy tướng trong mộng mà làm chứng nghiệm. Nếu mộng thấy một tướng, tức là diệt được một tội. Thấy năm tướng, tức là đã diệt được ngũ nghịch. Hành Giả thấy mình vượt qua sông lớn, hoặc đi trên chiếc cầy to, nên biết người đó quyết định được độ thoát.

Hành Giả khi mộng thấy mình cùng người tắm gội hoặc được trời mưa rưới xuống mình, nên biết đó quyết định được thanh tịnh. Hành Giả khi mộng thấy mình vào trong đại hội, cùng các vị Sa Môn ngồi theo thứ tự, nên biết người đó là chân Phật Tử.

Hành Giả khi mộng thấy mình vào trong chùa tháp, nhìn thấy tượng Phật và Bồ Tát cao lớn nghiêm đẹp, nên biết người đó đã được vào chánh môn. Hành Giả khi mộng thấy mình được quả rồi tự ăn, nên biết người đó được quả lành tốt.

Đức Phật lại bảo Mạn Thù Thất Lỵ Bồ Tát rằng: Nếu hàng Bồ Tát, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Sa Di, Sa Di Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, mất tâm rối loạn, phạm mỗi mỗi giới cấm nên sám hối như trên.

***