Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THÔNG PHƯƠNG QUẢNG

SÁM HỐI DIỆT TỘI

TRANG NGHIÊM THÀNH PHẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trở Cừ Kinh Thinh, Đời Tống
 

PHẦN TÁM
 

Do ưa vui nghe chánh pháp, nên được tướng bắp vế tròn trặn như con hươu.

Do che dấu tội lỗi của người nên được tướng mã âm tàng.

Do tu pháp thập thiện, nên được tướng thân trên như Sư Tử Vương.

Do thường đem pháp lành giáo hóa chúng sanh nên được tướng đôi vai bằng no đầy.

Do cứu giúp người khỏi sợ hãi nên được tướng cánh tay, khuỷu tay tròn trặn.

Do thấy người kiến tạo ngôi Tam Bảo vui mừng giúp đỡ, nên được tướng tay dài chấm gối.

Do thường tu muôn pháp lành, nên được tướng thân hình thanh tịnh.

Do thường cho thuốc người bệnh, nên được tướng ăn vật gì đến cổ đều không lộ hiện.

Do thường phát tâm trang nghiêm tu pháp lành, nên được tướng hàm Sư Tử.

Do đối với tất cả chúng sanh một lòng bình đẳng, nên được tướng bốn mươi cái răng.

Do vui vẻ hòa hợp không tranh kiện nên được tướng răng kín.

Do đem trân bảo bố thí nên được tướng răng bằng.

Do thân miệng ý trong sạch, nên được tướng răng cửa trắng.

Do giữ bốn điều lỗi của miệng, nên được tướng lưỡi rộng dài.

Do thành tựu vô lượng công đức, nên được tướng các thức uống ăn vào miệng đều biến thành thượng vị.

Do thường đem lời dịu dàng nói với chúng sanh, nên được tướng phạm âm.

Do tu tập từ tâm nên được tướng đôi mắt rộng dài.

Do chí tâm cầu đạo Vô Thượng Bồ Đề, nên được tướng lông mi như ngưu vương.

Do khen ngợi công đức của người, nên được tướng bạch hào.

Do cung kính cúng dường cha mẹ, Hòa Thượng, A Xà Lê Sư, nên được tướng nhục kế.

Do ưa thích nói pháp đại thừa, nên được tướng thân mềm mại.

Do vui mừng trải tọa cụ cho bậc tôn trưởng, nên được tướng Kim quang minh.

Do xa lìa việc xúm với nhau nói chuyện thế gian, nên được tướng mỗi mỗi chân lông đều hiện sắc xanh biết.

Do vui nhận lời răn dạy của bạn lành, Sư Trưởng, nên được tướng lông trên thân nhỏ mướt.

Do chẳng đem việc ác gán cho chúng sanh, nên được tướng sắc tóc ánh nhuần.

Do thường khuyên chúng sanh tu tam muội, nên được tướng viên mãn như Ni câu đà.

Do sanh xứ nào cũng ưa thích tạo tượng Phật, nên được tướng sức như đại lực sĩ.

Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát thành tựu vô lượng công đức như thế, nên được ba mươi hai tướng cùng các vẽ đẹp trang nghiêm.

Hư Không Tạng Bồ Tát thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Con quán các pháp đều không có tướng mạo, lại quan Như Lai cũng chẳng phải thật có các nhân hạnh đó, tại sao Thế Tôn lại nói rộng tu muôn hạnh?

Con quán từ Phật Pháp Tăng. Cho đến khổ tập diệt đạo, ngũ ấm, lục nhập, thập nhị nhân duyên, các Ba la mật, nhân quả trong ngoài, không, vô tướng vô nguyện đều chẳng thấy sanh ra, chẳng thấy diệt mất, như huyễn, như hóa, như bóng, như vang, như trăng dưới nước, như lông rùa, như sừng thỏ, như hoa đốm giữa hư không, như thạch nữ có con, như mặc bóng áo, như cỡi bóng chim trắng, tợ có tợ không.

Và tất cả các pháp có, không, chẳng có chẳng không, chẳng thường chẳng đoạn, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng trong chẳng ngoài, chẳng kiến chẳng thức, cũng đều như hư không.

Thế sao Phật lại nói ta tu các pháp?

Con quán Như Lai cũng chẳng phải chúng sanh, thọ mạng, sĩ phu, cũng chẳng phải mắt, chẳng phải sắc, chẳng phải sắc tướng hành.

Chẳng phải tai, chẳng phải thanh, chẳng phải thanh tướng hành.

Chẳng phải mũi, chẳng phải hương, chẳng phải hương tướng hành.

Chẳng phải lưỡi, chẳng phải vị, chẳng phải vị tướng hành.

Chẳng phải thân, chẳng phải xúc, chẳng phải xúc tướng hành.

Chẳng phải ý, chẳng phải pháp, chẳng phải pháp tướng hành.

Chẳng phải thức, chẳng phải sắc, chẳng phải thức sắc tướng hành.

Chẳng phải sắc, chẳng phải khổ, chẳng phải sắc khổ tướng hành. Con quán Như Lai chẳng phải ta, chẳng phải người, chẳng phải hành, chẳng phải ấm, chẳng thật chẳng hư, chẳng tụ chẳng tán, chẳng ra chẳng vào, thọ tưởng hành thức cũng lại như thế.

Con quán Như Lai không đi, không lại, không có trụ xứ, không có tâm ý thức, không có nghiệp thân miệng ý, chẳng một chẳng hai, không có quá khứ, hiện tại, vị lai, chẳng nhơ chẳng sạch, không có ta, người, chúng sinh, thọ giả. Con quán các pháp chẳng thường, chẳng đoạn, không sanh, không diệt, không tu, không hành, không xả, không thọ, rốt ráo thường trú.

Như Lai và các pháp đều như thế, tại sao Thế Tôn lại nói rộng tu muôn hạnh?

Bấy giờ đức Phật khen ngợi Hư Không Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát rằng: Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Ông ở trong thời quá khứ từng đã cúng dàng vô lượng Chư Phật, đã thấu hiểu từ lâu nghĩa Không của vô thượng đại thừa, đã biết suốt muôn pháp đều về không tịch, cũng như hiểu rõ Chư Phật vẫn rốt ráo thường trú.

Thiện nam tử! Ví như hạt châu lưu ly quý báu ở trong bùn trải qua ngàn năm, vì tánh nó vốn trong sạch, nên khi ra khỏi bùn vẫn còn nguyên bản chất. Các ông nay cũng như thế, thấu rõ pháp tướng tánh vốn thanh tịnh. Các ông tuy ở trong ba cõi, trong đám bùn lầy năm món ô trược, giúp Phật để hoằng dương giáo hóa, cũng không bị bùn làm ô nhiễm. Bởi không bị ô nhiễm, nên hỏi ta nghĩa đó.

Thiện nam tử! Hãy để ý lắng nghe, ta nói cho biết! Tất cả muôn pháp nguyên lai không có tướng mạo. Do có văn tự, nên tạm nói có pháp. Thật ra trong pháp không có văn tự, trong văn tự không có pháp. Vì lưu bá nên có ngôn ngữ văn tự, trong văn tự không có bồ đề, trong bồ đề cũng không có văn tự, nhưng trong đạo thế tục nói ra có văn tự, chúng sanh, Phật tánh. Lại đạo vô thượng bồ đề vốn chẳng lìa văn tự.

Thiện nam tử! Nói đúng ra, Như Lai vô tận vô sanh, chẳng tu chẳng hành, nhưng lìa các sự tu hành thì không vào Chánh vị.

Như Lai cũng chẳng phải bậc Nhứt sanh Bổ xứ lên Cõi Trời Đâu Suất Đà, chẳng từ đó mà hạ sanh nhân gian, chẳng ở thai, chẳng ở đời, đối với tất cả các pháp tâm không trụ trước. Như Lai chẳng nói ta đã vượt khỏi sanh già bịnh chết, chẳng nói trong bốn phương mỗi phương đi bảy bước, cũng chẳng tự nói ta là bậc Vô Thượng Tôn ở thế gian.

Như Lai chẳng phải thật ở trong cung, vui cùng thế nữ, chẳng tập những kỹ thuật của thế gian, cũng chẳng học cởi ngựa đấu sức. Vì muốn độ chúng sanh, nên thị hiện cảnh người già. Vì phá hoại sự tham chấp sắc thân, nên thị hiện tướng bịnh khổ. Vì phá hoại sự tham thọ hưởng, nên thị hiện tướng chết.

Vì phá hoại lòng tham đắm ngã và ngã sở, nên thị hiện tướng Sa Môn xuất gia. Vì muốn khiến chúng sanh chẳng cầu thân nơi hàng Phạm Thiên Đế Thích, mà cần cầu pháp vô thượng xuất thế, nên thị hiện vượt cung thành thoát ly sự ràng buộc trong ba cõi. Lại thị hiện chẳng phải nhân quả trước sau, thị hiện không sân ái.

Thế nên sự dùng ba mươi hai tướng trang nghiêm sắc thân, là vì muốn chỉ cho chúng sanh ruộng phước tốt lành. Xả trân châu áo gấm, bỏ chuỗi anh lạc, buông thả kẻ Xiển Đà La theo phục vụ, là thị hiện rũ sạch tất cả muôn duyên phiền não. Cắt bỏ râu tóc, là thị hiện xa lìa sự tham trước tất cả pháp. Thọ trì áo Cà Sa, là thị xa điều phục chúng sanh.

Đến ông Uất Đà Già A La tham hỏi thọ pháp, là thị hiện phá hoại tâm tự cao. Tu sáu năm khổ hạnh, là vì hàng phục ngoại đạo. Thọ thức ăn uống, là thị hiện tùy thuận theo pháp thế tục. Thọ dược thảo là thị hiện sự biết vừa đủ.

Ngồi trên đệm cỏ, là tỏ sự phá trừ kiêu mạn. Chư Thiên, Long thần, khen ngợi cung kính, là nêu rõ quả báo công đức trang nghiêm. Hàng phục ngoại ma, là tỏ sức dõng mãnh. Tay mặt chỉ xuống đất, là tỏ công lực của sự tạo phước. Đại địa chấn động, là tỏ sự báo ân. Tu Vô tướng vô nguyện đắc Vô Thượng Bồ Đề, là thị hiện biết suốt các pháp tướng.

Thiện nam tử! Quán các pháp bình đẳng, nên gọi là Phật. Trí huệ của Phật không ai thắng nổi, nói pháp thiết yếu, biết Phật quá khứ hiện tại vị lai, vì nghĩa đó nên gọi là Như Lai. Thấy biết rành rõ việc ba đời, các pháp lành, chẳng lành, nên gọi là Tát Bà Nhã. Lời nói chân thật nên gọi là Thiên Nhân Sư.

Nếu Hành Giả có thể quán như thế đó gọi là Bồ Tát. Như quán khác đi, chẳng thể gọi Bồ Tát, gọi là lừa dối tất cả Chư Phật. Tất cả các đức Như Lai, thật ra chẳng xuất chẳng nhập, chẳng sanh chẳng diệt. Vì độ chúng sanh nên nói là xuất thế, lại vì độ chúng sanh nên bảo là nhập Niết Bàn!

Khi ấy Hư Không Tạng Bồ Tát thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Con biết lý không của pháp tướng đã từ lâu. Chư Phật Như Lai không ra đời, không diệt độ, không sanh nơi vương cung, không tịch dưới cây song thọ, rốt ráo thường trụ, vì độ chúng sanh mà tu các hạnh khổ và nhập Niết Bàn. Chư Phật Như Lai không động chuyển, chân thật thường còn, ứng thân trong ba cõi, hiện năm thứ pháp thân.

Những gì là năm?

Đó là: Thật tướng pháp thân, công đức pháp thân, pháp tánh pháp thân, ứng hóa pháp thân, hư không pháp thân.

Thế nào gọi là thật tướng pháp thân?

Như Lai trải vô số kiếp tu hành, chứng ngộ tướng chân thật của các pháp, nên gọi là thật tướng pháp thân.

Thế nào gọi là công đức pháp thân?

Đức Phật vì độ chúng sanh, nên ra công tích hạnh, muôn đức lành tròn đầy, nên gọi là công đức pháp thân.

Thế nào gọi là phát tánh pháp thân?

Như Lai ngộ suốt cùng tận sự lý của tất cả pháp tướng, từ nơi cảnh mà hiểu tỏ nghĩa không. Sự tỏ ngộ ấy tròn trặn đầy đủ, từ nơi cảnh mà được tên, nên gọi là pháp tánh pháp thân.

Thế nào gọi là ứng hóa pháp thân?

Đức Phật ra đời ứng thân đủ khắp năm cõi thiện ác để cứu vớt muôn vật. Từ chỗ ứng hóa ấy mà được tên, nên gọi là ứng hóa pháp thân.

Thế nào gọi là hư không pháp thân?

Hư không vô biên, pháp thân cũng vô biên. Hư không chẳng thể đo lượng, pháp thân cũng chẳng đo lượng. Thân của Như Lai cũng thế, như cõi thái hư, vì độ chúng sanh nên ứng hiện ra năm phần.

Nên biết Như Lai không sanh không diệt, các pháp cũng thế, vì độ chúng sanh nên Phật hiện, Pháp hưng!

Bấy giờ Đức Phật bảo Hư Không Tạng Bồ Tát: Này thiện nam tử! Ông với Như Lai cùng hiểu suốt pháp tướng.

Tất cả cảnh giới đều không ngăn không ngại!

Thiện nam tử! Đời vị lai có một kiếp tên là Thanh Tịnh, cõi nước tên Khoái Lạc. Nơi quốc độ ấy toàn dùng các vị Đại Bồ Tát luận giảng đại thừa.

Ở đó hãy còn không nghe thấy danh từ nhị thừa, huống chi là ác đạo! Trong thời kiếp và cõi nước đó, ông sẽ được thành Phật hiệu là Thanh Tịnh Trang Nghiêm, Như Lai, Ứng Cúng Chánh Biến Tri, đầy đủ mười hiệu.

Phần đông chư Bồ Tát ở các phương khác đều tới quốc độ ấy để nghe nhận Kinh Đại Thừa Đại Thông Phương Quảng. Vì thế tất cả chúng sanh nếu có ai nghe danh hiệu Hư Không Tạng Bồ Tát, lễ bái, cúng dường tất sẽ được sanh sang Thế Giới Khoái Lạc kia.

Nên biết người đó chỉ trải qua mười đức Phật, sẽ được thọ ký!

Bấy giờ trong Pháp hội, Tín tướng Bồ Tát vì tất cả chúng sanh và chính mình, hỏi danh hiệu Chư Phật. Do nhân duyên đó, sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni tuyên xướng hồng danh Chư Phật trong mười phương ba đời cùng mười hai phần Kinh và Đại Bồ Tát Tăng xong, lại muốn nói tiếng pháp Đại Sư Tử Hống. Sư Tử Hống gọi là quyết định thuyết.

Quyết định thuyết tức là nói rõ Như Lai thường trú không diệt, nói tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh, Thiên ma nghe nói sợ hãi, ngoại đạo đều quy phục.

Khi ấy Như Lai phóng ánh sáng lớn, hiện tướng lưỡi rộng dài trùm khắp tam thiên Đại Thiên Thế Giới. Tất cả các cõi đều rúng động sáu cách.

Sáu cách chấn động ấy là: Phương Đông nổi phương Tây chìm, phương Tây nổi phương Đông chìm, phương Nam nổi phương Bắc chìm, phương Bắc nổi phương Nam chìm, chính giữa nổi bốn bên chìm, bốn bên nổi chính giữa chìm. Đó gọi là sáu cách rung động của các thê giới. Từ nơi lưỡi Đức Thế Tôn phóng đại quang minh, ánh sáng rộng lớn soi khắp mọi nơi.

Ánh sáng rộng lớn soi khắp ấy nêu ý: Chuyển vô thường thành chân thường, chuyển bất tịnh thành chân tịnh, chuyển khổ trở thành vui, chuyển vô minh trở thành minh giác.

Bấy giờ hào quang của Phật soi tới đâu, tất cả núi rừng, đất đai, sông ngòi, biển cả, núi Thiết Vi, địa ngục, chỗ cao chỗ thấp đều trở nên bằng phẳng tinh sạch, dứt hết mọi sự nhơ ác, cũng như Thế Giới Thanh Tịnh Trang Nghiêm Mãn Nguyệt ở phương Đông.

Khi ấy Chư Phật phân thân của Đức Thích Ca từ hư không xuất hiện bay xuống như mưa hoa, từ đất vượt lên như cây mọc, đầy khắp hư không chẳng nơi nào trống hở.

Lúc đó các Đức Phật phân thân đồng thanh nói: Như Lai thường còn chẳng diệt. Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh. Tất cả các pháp đều quy chân không.

Muôn hạnh đều về nhứt thừa! Tất cả chúng hội đều nghe thấy việc đó. Chư Phật nói xong, bổng đều ẩn mất chỉ thấy Đức Thích Ca ngồi nơi bản tòa.

***