Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Thừa đảnh Vương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA ĐẢNH VƯƠNG

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư

Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần
 

PHẦN BA
 

Chư Phật và bồ đề

Cả hai không thủ đắc

Nói vọng ngữ như vậy

Cho rằng Phật thuyết pháp.

Như đây làm sao có

Chỗ nương tựa, mong cầu?

Nếu người có trí tuệ

Phân biệt pháp thâm diệu.

Nhờ tin mà tán thán

Chư Phật khó nghĩ bàn

Do đó, thiện tư duy

Nên tu học chánh pháp.

Nghĩa pháp ấy sâu xa

Trí rộng lớn biết được

Như vậy mọi ngôn thuyết

Cũng không thể nắm bắt.

Chúng sinh bị điên đảo

Đây chẳng phải cõi mình

Không chỉ có tam muội

Có thể biết nghĩa này.

Tam muội, phi tam muội

Ở trong không, cũng không

Chẳng phải cảnh giới trí

Chẳng phải không cõi trí.

Nên biết rõ cõi ấy

Chẳng phải cảnh trí tuệ

Xưa ta nghe pháp này

Thực hành chỗ thâm diệu.

Chúng sinh thích khác nhau

Người tín thọ rất ít

Nếu không tin Kinh này

Pháp tối thắng đã thuyết.

Gieo căn lành: Nhiều Phật

Người ấy có thể tin.

Đức Phật bảo Đồng Tử Thiện Tư Duy: Này Đồng Tử! Bồ Tát tự trang nghiêm như thế, cho nên ở trong chốn lo sợ của thế gian mà không sinh lo sợ. Do đấy, phải nên trang nghiêm như vậy.

Đồng Tử thưa: Bạch Thế Tôn! Nay con xin tin hiểu, thọ trì, phụng hành. Người ngu si thì không thể tin được.

Đức Phật bảo Đồng Tử Thiện Tư Duy: Ta sẽ giảng nói cho con về hạnh sâu xa của Đại Bồ Tát. Tất cả pháp không chống trái, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp đoạn, tất cả pháp không đoạn, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp có, tất cả pháp không, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp phân biệt, tất cả pháp không phân biệt, nghe rồi không sợ hãi.

Tất cả pháp hữu vi, tất cả pháp vô vi, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp có cảnh giới, tất cả pháp không có cảnh giới, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp hoan hỷ, tất cả pháp không hoan hỷ, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp sai biệt, tất cả pháp không sai biệt, nghe rồi không sợ hãi.

Tất cả pháp có cầu đạt, tất cả pháp không cầu đạt, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp trong lành, tất cả pháp không trong lành, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp sáng tỏ, tất cả pháp không sáng tỏ, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp có tên gọi, tất cả pháp không có tên gọi, nghe rồi không sợ hãi.

Tất cả pháp sinh, tất cả pháp không sinh, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp đáng sợ, tất cả pháp không đáng sợ, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp diệt, tất cả pháp không diệt, nghe rồi không sơ hãi.

Tất cả pháp là đạo, tất cả pháp chẳng phải là đạo, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp là Niết Bàn, tất cả pháp chẳng phải là Niết Bàn, nghe rồi không sợ hãi. Khi giảng nói phàp này thì chúng hội đều không sinh sợ hãi.

Đức Thế Tôn nói kệ:

Ở trong tất cả pháp

Tự tánh không nắm bắt

Do không có tự tánh

Nên quán chỗ cùng diệt.

Tất cả pháp không diệt

Trong ấy cũng không tâm

Tất cả pháp chẳng có

Tự tánh không nắm bắt.

Các pháp không chống trái

Tâm ấy không thủ đắc

Nếu pháp không thủ đắc

Cũng không có chống trái.

Tất cả pháp chẳng có

Tánh ấy không có thật

Nếu tánh không thật có

Pháp ấy cũng không diệt.

Tất cả các pháp đoạn

Người trí biết không hai

Cho rằng là pháp đoạn

Chẳng hiển bày đoạn diệt.

Tất cả pháp không đoạn

Vi trần không nắm bắt

Vi trần, nhiều vi trần

Trong pháp không thủ đắc.

Tất cả pháp chẳng có

Nơi lời nói mà hiện

Như kia không nắm bắt

Thật có mà chẳng có.

Tất cả pháp chẳng có

Phương tiện có hiện bày

Nếu nói không có thật

Đấy đều là hý luận.

Tất cả pháp hòa hợp

Không chống, nên thuyết nêu

Tự tánh của tranh, cầu

Hoàn toàn không có thật.

Các pháp không hòa hợp

Không sinh cũng không diệt

Như vậy không thủ đắc

Xa lìa nơi các pháp.

Các pháp không chứng đắc

Cầu khởi đầu không đạt

Do không có khởi đầu

Nên gọi là cõi thật.

Tất cả pháp hoan hỷ

Hoan hỷ không thủ đắc

Nếu pháp không thủ đắc

Cũng không có ngôn thuyết.

Các pháp không hoan hỷ

Vì pháp không có hai

Trong tự tánh không thật

Đây là tướng sâu xa.

Các pháp đều không động

Vô ngã trong tự tánh

Do tự tánh chẳng có

Cầu động không thể được.

Không động là Niết Bàn

Cầu pháp không chấp giữ

Vì không có các pháp

Nên gọi là Niết Bàn.

Tất cả pháp vô thường

Nên nói nghĩa đệ nhất

Lời của chúng sinh này

Gọi đó là phân biệt.

Các pháp không phân biệt

Vô thường và vô trụ

Chúng sinh không thủ đắc

Đây là pháp trong pháp.

Tất cả pháp như huyễn

Huyễn ấy không nắm bắt

Do pháp không thủ đắc

Dựa nơi hành mà nói.

Tất cả pháp vô vi

Đây chính là tự thể

Do pháp không thủ đắc

Nên gọi là vô biên.

Những cảnh giới đã nói

Tự thể không cảnh giới

Phàm phu chấp hư vọng

Nên nói có cảnh giới.

Tự tại nói cảnh giới

Cũng nói không cảnh giới

Do nói cảnh giới này

Nên biết không cảnh giới.

Tất cả pháp là thật

Số đó không thủ đắc

Nếu thân không nắm bắt

Cho nên không có khác.

Do pháp không thủ đắc

Nên biết có chỗ chứng

Do có chỗ chứng đắc

Nên biết không thủ đắc.

Trong đó không trong lành

Cũng chẳng không trong lành

Không pháp, không trong lành

Đây là các pháp thật.

Các pháp không thủ đắc

Không nắm bắt, nêu bày

Do các pháp chẳng có

Nên biết các pháp có.

Các pháp chỉ có tên

Tên cũng không thủ đắc

Nếu pháp không chấp giữ

Nên biết có Niết Bàn.

Thọ cùng với chẳng thọ

Ở trong thọ thuyết giảng

Trong ấy không có nêu

Do nêu bày là danh.

Chẳng có, gọi là có

Ở trong có giảng nói

Do dấy khởi phân biệt

Thường rơi vào có, không.

Phàm phu thấy người huyễn

Chấp đó cho là thật

Pháp có, không bình đẳng

Người trí nghe không lầm.

Pháp sinh và không sinh

Cả hai không chấp giữ

Do phàm phu yếu kém

Nên nói có pháp sinh.

Nếu các pháp có sinh

Thì các pháp có diệt

Pháp sinh và pháp diệt

Cả hai không thủ đắc.

Tất cả pháp đều không

Không pháp để chứng đắc

Con nên biết như thế

Ta đã nói pháp sâu.

Bồ Đề không ngôn thuyết

Cũng không có người tạo

Nếu khi chứng bồ đề

Hiểu rõ cả ba cõi.

Nếu phân biệt bồ đề

Chẳng gọi cầu bồ đề

Tu hành về bồ đề

Không có tướng phân biệt.

Vạn vật đều không sinh

Cầu tự tánh cũng không

Vì tự tánh chẳng có

Đấy là tướng Niết Bàn.

Hoàn toàn không có sinh

Cầu chúng không thể được

Vì tự tánh chẳng có

Không diệt, chẳng không diệt.

Nếu biết được nghĩa này

Tự tánh của các pháp

Chúng không phải thật sinh

Thì không có chống trái.

***