Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Thừa đảnh Vương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA ĐẢNH VƯƠNG

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư

Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật ngụ tại vườn cây Am La, thuộc nước Tỳ Xá Ly, cùng với tám trăm vị Tỳ Kheo, mười ngàn Đại Bồ Tát, tám bộ chúng gồm Chư Thiên, Rồng, Quỷ, Thần… hội đủ.

Khi ấy, đến giờ thọ trai, Đức Phật đắp y, ôm bình bát đi vào thành lớn Tỳ Xá Ly để khất thực. Đức Phật lần lượt đi đến khu vực thuộc nhà Trưởng Giả Tịnh Xưng. Ở đây, có một Đồng Tử tên là Thiện Tư Duy được nhũ mẫu chăm sóc đang ở trên lầu cao, tay cầm hoa sen, vô cùng vui vẻ.

Nhờ căn lành từ đời trước nên Đồng Tử Thiện Tư Duy hướng về nhũ mẫu, nói kệ:

Tiếng âm nhạc như vậy

Thế gian chưa từng có

Mẹ ơi! Hãy giúp con

Con muốn nhanh xuống lầu.

Ắt là bậc tinh tấn

Thế Tôn ánh sáng lớn

Con muốn cất chân phải

Bên thảm cỏ tươi mềm.

Mềm mại, rất thích thú

Muôn chim đều lượn quanh

Tiếng này chưa từng nghe

Đời này chưa từng thấy.

Chính Bậc đại tinh tấn

Thương xót các chúng sinh

Dùng chân phải giẫm lên

Bên thảm cỏ tươi mềm.

Như mẹ đeo chuỗi báu

Để trang sức nơi thân

Phát ra âm thanh hay

Khiến mọi người ưa thích.

Chính Bậc Thiên Trung Tôn

Công đức sáng trang nghiêm

Đặt ngay chân phải xuống

Bên thảm cỏ tươi mềm.

Như người đánh trống đồng

Phát ra âm thanh lớn

Tất cả ở mọi nơi

Đều được nghe tiếng ấy.

Chính Bậc Nhân Trung Nhật

Đại Mâu Ni sáng tỏ

Vào trong thành lớn này

Lợi ích cho chúng sinh.

Như khi cây nở hoa

Các hoa đều rực rỡ

Tùy ý phát âm diệu

Khiến chúng sinh ưa thích.

Chính Bậc Đại Long Vương

Thiện Trụ Thiên Trung Tôn

Con muốn chân phải giẫm

Bên thảm cỏ tươi mềm.

Trong sạch như hư không

Hoàn toàn không cấu uế

Lửa sáng màu vàng ròng

Che cả ánh mặt trời.

Chính là Bậc Lạc Kiến

Đầy đủ hào quang quý

Liền đặt chân phải xuống

Bên thảm cỏ tươi mềm.

Như các chúng Trời ấy

An trụ giữa hư không

Vui mừng ma khen ngợi

Xoay vòng trong không trung.

Chính là Bậc Lợi Đời

Tối thắng giữa Chư Thiên

Liền đặt chân phải xuống

Bên thảm cỏ tươi mềm.

Chúng sinh trong thành này

Đều sinh tâm từ bi

Mọi người thương yêu nhau

Như tình thân Mẫu Tử.

Chính Bậc Công Đức Tụ

Hoa công đức trang nghiêm

Liền đặt chân phải xuống

Bên thảm cỏ tươi mềm.

Như người nam, người nữ

Cầm nhiều loại hoa đẹp

Đầy tay mà đứng hầu

Hoan hỷ cùng chiêm ngưỡng.

Chính Bậc Nhân Trung Long

Hoa công đức trang nghiêm

Dùng chân phải giẫm xuống

Bên thảm cỏ tươi mềm.

Hoa Trời vào hoa người

Đầy cả nơi hư không

Hương thơm bay ngào ngạt

Khiến mọi người yêu thích.

Chính Bậc Đại Tinh Tấn

Muốn đến Tỳ Xá Ly

Đấng Vô Thượng vào thành

Lợi ích cho chúng sinh.

Bấy giờ, nhũ mẫu nghe Đồng Tử nói xong thì vô cùng kinh ngạc, liền dẫn Đồng Tử đi xuống lầu và suy nghĩ: Những lời vừa rồi là nói về ai?

Là Trời hay Rồng, Dạ Xoa, La Sát, Quỷ Thần, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già hay là người chăng?

Nhũ mẫu bèn trở về chỗ cũ, đứng yên, không cử động.

Khi ấy, Đức Thế Tôn đã đến bên ngoài cửa nhà Đồng Tử Thiện Tư Duy. Đồng Tử trông thấy Đức Phật đang ở bên dưới lầu liền vui vẻ chiêm ngưỡng Ngài.

Nhờ thần lực của Phật nên Đồng Tử Thiện Tư Duy ở giữa hư không, hướng về Đức Thế Tôn, nói kệ:

Thế Tôn Bậc Đại Trí

An trú, không ai bằng

Thương xót các chúng sinh

Xin nhận đóa sen này.

Đức Thế Tôn dùng kệ đáp lại:

Ta ở trong cõi thật

Chẳng phải cảnh thế gian

Cõi ấy không có cõi

Đấy là tướng cõi thật.

Đồng Tử Thiện Tư Duy dùng kệ hỏi Phật:

Thế nào trụ trong cõi

Đạo sư nơi cõi thật

Cõi ấy không có cõi

Chẳng có làm sao trụ?

Đức Thế Tôn dùng kệ đáp:

Nếu cõi là cõi thật

Cõi tức là Như Lai

Trụ ở trong cõi thật

Đạo sư trụ như thế.

Nếu cõi là cõi thật

Cõi tức là Như Lai

Như trụ nơi cõi thật

Đồng Tử! Ta cũng vậy.

Đồng Tử Thiện Tư Duy dùng kệ bạch Phật:

Chẳng phải cõi là cõi

Cõi ấy có tướng gì?

Vì dùng phương tiện gì

Mà gọi là cõi thật?

Đức Thế Tôn dùng kệ đáp:

Không chấp cõi, phi cõi

Nên gọi là cõi thật

Hư không là tướng cõi

Không ấy, chẳng tướng không.

Đồng Tử Thiện Tư Duy nói kệ:

Xứ diệu là xứ thật

Không nơi nào hơn nữa

Mong tất cả chúng sinh

An trụ như Đạo Sư.

Bấy giờ, Đồng Tử Thiện Tư Duy bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn hãy thương con mà nhận đóa sen này.

Đức Thế Tôn liền nhận hoa sen của Đồng Tử dâng cúng.

Sau khi Như Lai nhận rồi, Đồng Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nhờ căn lành này mà nguyện cho con sẽ chứng được đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vì chúng sinh mà phân biệt, giảng nói không có pháp phàm phu, không có pháp Thanh Văn.

Khi ấy, Tuệ mạng Xá Lợi Phất cũng có mặt trong đại chúng bèn hỏi Đồng Tử Thiện Tư Duy: Đồng Tử học pháp gì để giảng nói cho chúng sinh?

Đồng Tử Thiện Tư Duy dùng kệ đáp:

Chư Phật và Thanh Văn

Tất cả đều vô đắc

Tôi hiểu pháp như thế

Nên nói cho chung sinh.

Cõi pháp này là không

Cũng không có ngôn thuyết

Bậc trí phải nên biết

Tánh của pháp là thế.

Đức Phật đời quá khứ

Tôn quý trong Trời, Người

Pháp này là vô đắc

Đạo Sư nhập Niết Bàn.

Cõi ấy không pháp giới

Cũng không cõi chúng sinh

Đấy là cõi vô thường

Chẳng cảnh giới thế gian.

Pháp giới chỉ là danh

Gọi tên để phân biệt

Phân biệt, không phân biệt

Biết rõ đều là không.

Lúc này, Tôn Giả Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử dùng kệ hỏi Đồng Tử Thiện Tư Duy:

Làm sao đối pháp này

Mà Đồng Tử tu tập

Sâu xa khó biết được

Người trí vẫn còn nhầm?

Đồng Tử sinh chưa lâu

Mà trí tuệ thông suốt

Bàn luận với Thanh Văn

Trí tuệ không chướng ngại.

Nơi nơi đều trong sáng

Như luyện thành vàng ròng

Như Vua giữa mọi người

Như trăng nơi hư không.

Đồng Tử Thiện Tư Duy dùng kệ đáp tuệ mạng Phú Lâu Na:

Ông nay rõ mình hỏi

Xứ ấy không có sinh

Các pháp chưa từng sinh

Ai là người thọ sinh?

Không một pháp sinh ra

Tự tánh không nắm bắt

Đây là tánh các pháp

Cầu đạt không thể được.

Pháp cùng với pháp tánh

Hai đều không thủ đắc

Cả hai chưa từng có

Mà Phật thuyết pháp diệu.

Đây là lần thứ nhất

Thuyết nơi vườn Lộc Uyển

Xoay vần giữa hư không

Để giác ngộ Thanh Văn.

Tiếng pháp vang khắp chốn

Cứu độ cả muôn loài

Nhờ đạt trí phương tiện

Mà diễn thuyết như thật.

Sinh, lão cùng với tử

Là cảnh giới phàm phu

Này ông Phú Lâu Na

Điên đảo chưa trừ hết.

Sinh, lão cùng với tử

Lời nói thế gian này

Trong pháp dứt ngôn thuyết

Đó là lời mật ngữ.

***