Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đảnh Vương
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA ĐẢNH VƯƠNG
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư
Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần
PHẦN NĂM
Pháp ấy không nghĩ bàn
Gọi là pháp Chư Phật
Pháp kia không thật có
Không cũng hoàn toàn không.
Khi tu hành như vậy
Không chấp vào đời này
Trí ấy luôn thuận hợp
Gọi là trí Chư Phật.
Các pháp không nghĩ bàn
Đối pháp, lý không thật
Vì pháp này không có
Pháp Phật gọi giác ngộ.
Chư Phật và pháp Phật
Tất cả đều không chấp
Không chấp ở bồ đề
Gọi là trí Chư Phật.
Thừa này là đại thừa
Thâu tóm mọi pháp môn
Độ thoát các thế gian
Thế gian không thủ đắc.
Tất cả các Thế Giới
Hiện có các chúng sinh
Bồ Tát vì cầu pháp
Đều gần gũi cung kính
Quán sâu các pháp ấy
Pháp Phật không nghĩ bàn
Vì không chấp các pháp
Người này chứng bồ đề.
Bồ đề cùng với pháp
Tất cả đều không tướng
Người quán xét như vậy
Có thể chứng pháp Phật.
Khi quán xét như thế
Không chấp vào thế gian
Nhờ tâm không chấp giữ
Nên chứng đắc bồ đề.
Lại nữa, Thiện Tư Duy! Các Đại Bồ Tát, người chưa đầy đủ sự trang nghiêm, nay ta sẽ giảng nói. Nếu người nào được nghe pháp môn như vậy mà không sợ hãi, nên biết người ấy đã gần với Đạo Tràng, gần với cảnh giới của Phật, trụ vào đạo giải thoát không chướng ngại.
Quán xét khắp mười phương mà tâm không chỗ chấp giữ, chính là Chư Phật dùng tâm đại từ, đại bi và pháp bất cộng để thể hiện, không nương vào sự che chở của tướng quán đảnh. Người nghe nói pháp môn thâm diệu như thế mà sinh tâm tin tưởng vui thích thì Như Lai thảy đều thấy, biết.
Ở trong Kinh này, người nào không tin hiểu, Như Lai cũng đều biết rõ. Nếu người tin nhận Kinh này thì người ấy là đệ tử của Phật, Như Lai là thầy của người đó.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Ta đã ngồi Đạo Tràng
Đạo Tràng hoàn toàn không
Vì không chấp bồ đề
Nên an trụ trong trí.
Pháp ấy không chướng ngại
Thể pháp rốt ráo không
Nếu pháp hoàn toàn không
Khi giải thoát mới biết.
Ở trong tất cả pháp
Trí tuệ nên thành Phật
Các pháp và trí tuệ
Đây là điều Phật thuyết.
Phàm phu vọng phân biệt
Lời nói chấp có, không
Chư Phật không phân biệt
Bồ Tát và bậc trí.
Quan sát các thế gian
Thế gian hoàn toàn không
Thế gian luôn vắng lặng
Trí quán cũng như vậy.
Chúng sinh cùng với Phật
Không có tướng phân biệt
Do không có phân biệt
Gọi là từ vô thượng.
Hết các cõi chúng sinh
Chỗ từ bi phát khởi
Bi ấy không thật sự
Bi cùng với sự thật.
Cảnh giới phàm phu này
Như thước, tấc trong không
Xưa không, nay cũng không
Thế gian cũng như vậy.
Gọi là bi vô thượng
Đấy là pháp vô thượng
Gọi là pháp Chư Phật
Cầu chúng, không thủ đắc.
Lời nói của Thiện Thệ
Đấng Đạo Sư vô thượng
Cầu sắc không thể đạt
Như vậy pháp không sắc.
Tùy thế gian nên thuyết
Hư không không giới hạn
Nơi nơi không chấp giữ
Pháp Chư Phật cũng thế.
Tùy thế gian nên thuyết
Trí tuệ vô thượng này
Trí tuệ không nắm giữ
Vì trí không thủ đắc.
Trí kia cũng không thật
Bờ này hay bờ kia
Vì hình tướng nên thuyết
Vì chấp giữ nơi tướng.
Không hành pháp thâm diệu
Nên biết trong pháp này
Tất cả đều bình đẳng
Nếu người dùng tướng nói.
Chẳng phải tri thức thiện
Chúng này hoặc chúng kia
Nếu nói có người cầu
Vì chấp tướng mà nêu.
Kia chẳng tri thức thiện
Hoặc cho pháp là có
Trư bỏ đạt pháp không
Đồng Tử! Pháp của ta.
Không được nói như vậy
Vì ta đã biết khổ
Trong tánh không khổ não
Nếu người nói như thế.
Không ở lâu pháp này
Các pháp vốn không tập
Gọi chúng là có tập
Nếu nói đoạn về tập.
Thì xa lìa pháp này
Nếu ở pháp định ấy
Vốn không, mà phân biệt
Ở trong pháp vốn không.
Xưa nay không có diệt
Nếu vì phân biệt nói
Vốn không, nay sao diệt?
Đồng Tử! Con nên biết.
Thấy ấy chẳng chánh kiến
Người tu tập về đạo
Vì cầu nên diễn nói
Phó chúc cho người cầu.
Tu học ở trong đạo
Ta nói các Bồ Tát
Bậc đại trí tiếng tăm
Ở vào đời vị lai.
Hiểu được nghĩa sâu ấy
Nếu người trì Kinh này
Bậc tối thắng đã thuyết
Gieo trồng nhiều căn lành.
Vì tất cả chúng sinh
Giảng thuyết Tu Đa La
Bậc trí đã thọ trì
Người này đời vị lai.
Hộ trì chánh pháp ta
Nói người ở pháp ấy
Trụ như không phân biệt
Như đấy là bồ đề
Bồ đề không thủ đắc.
Khi Đức Phật thuyết giảng pháp này, Đồng Tử Thiện Tư Duy chứng được pháp nhẫn vô sinh, vô cùng vui mừng, cho là đạt được điều chưa từng có. Lúc Chư Phật thường vì Bồ Tát mà thọ ký là hiện bày việc hy hữu.
Bấy giờ, từ trong miệng Đức Thế Tôn phóng ra các hào quang gồm những màu xanh, vàng, đỏ, trắng, tím, pha lê, tỏa chiếu khắp tất cả vô lượng the giới, trên lên đến Cõi Phạm Thế. Sau khi tỏa chiếu khắp các Thế Giới xong thì trở về chỗ Phật, xoay quanh Đức Phật ba vòng rồi nhập vào Phật đảnh.
Lúc ấy, đại địa chấn động đủ sáu cách. Ở giữa hư không có các Thiên chúng mưa xuống nhiều hoa trời, trầm thủy, hương bột, trổi lên các thứ âm nhạc Trời với âm thanh vi diệu, tam thiên Thế Giới đều thanh tịnh, trang nghiêm giống như Cõi Uất Đan Việt.
Bấy giờ, Tôn Giả A Nan từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, cung kính chắp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà Như Lai thị hiện việc hy hữu này?
Nếu không có duyên cớ thì Như Lai không thị hiện tướng lành ấy.
Tôn Giả A Nan nói kệ:
Đạo sư vô thượng trong loài người
Không duyên, không hiện điều diệu kỳ
Nguyện xin Thế Tôn vì chúng nói
Tướng tốt này là nhân duyên gì?
Chư Thiên cùng ở giữa hư không
Cúng dường Bậc Tối Thắng vô thượng
Vô cùng vui mừng mà tán thán
Khéo thuyết pháp môn thắng vi diệu.
Như Uất đan việt ở phương Bắc
Đủ loại hoa đẹp để trang nghiêm
Các hào quang ấy cũng như vậy
Chiếu khắp cõi này đều nghiêm tịnh.
Các pháp của Phật cũng như thế
Vì chư Bồ Tát mà thọ ký
Phóng hào quang lớn, sáng đẹp này
Chiếu khắp mười phương nhập vào đảnh.
Bậc Mâu Ni Vô Thượng Tinh Tấn
Hiện hào quang này việc hy hữu
Như Lai do đâu phóng hào quang?
Xin nguyện đại bi vì con nói.
Đức Phật liền vì Tôn Giả A Nan nói kệ:
Đồng Tử Thiện Tư Duy
Ở chỗ Đức Như Lai
Khắp trồng các căn lành
Sẽ làm Bậc Chánh Giác.
Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Đồng Tử Thiện Tư Duy này, vào đời vị lai sẽ được cúng dường vô số ức Phật, ở chỗ các Đức Phật luôn tin tưởng, cung kính, dùng đủ các thứ thực phẩm, y phục, đồ nằm, thuốc thang để cúng dường Đức Phật kia.
Sau khi các Đức Phật đó nhập Niết Bàn thì đều thâu lấy Xá Lợi, xây dựng tháp báu lớn cao trăm ngàn do tuần, lấy tất cả vật báu để trang hoàng, dùng những hoa thơm, lọng báu, phướn báu, chiên đàn, trầm thủy, đủ loại vị hương, nhạc hay để ca tung, cúng dường tán thán chư Như Lai kia… và sẽ được thành Phật hiệu là Tịnh Nguyệt.
Gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
***